Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Tư tưởng và nghệ thuật trong Gió Thu của Tản Đà

Tư tưởng và nghệ thuật trong Gió Thu của Tản Đà
Trong phạm vi bài viết ngắn này, tôi xin phép hạn chế không đề cập tới Nhà Văn, Nhà Báo, Nhà Lý Số, Nhà Soạn Tuồng... Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Tôi chỉ nói sơ lược về Tản Đà trong tư cách một người: Người Làm Thơ đã có chỗ đứng riêng biệt và vững vàng ở đầu thế kỷ XX. Giai đoạn này là sự chuyển mình lớn của văn học Việt Nam, tiếp nhận ào ạt các luồng ánh sáng văn hóa, luận lý phương Tây sau khi đã tinh lọc các hương sắc của văn hóa, triết học Trung Hoa và một phần nhỏ từ Ấn Độ qua tư duy Phật Giáo.
Tuy bộ máy cầm quyền của bọn thực dân Pháp hết sức cấm đoán lưu hành một số sách báo có tư tưởng tiến bộ và cố gắng duy trì hệ thống kiểm duyệt gắt gao, song chúng không thành công bao nhiêu vì các cơn gió tư tưởng khoáng đạt, nhân bản,... này du nhập và thẩm thấu vào nước ta từ nhiều hướng khác nhau, bằng mọi phương tiện khác nhau; gây thành một trào lưu mạnh mẽ và có tác động trực tiếp vào thế hệ của Tàn Đà.
Tản Đà là một trong lớp người "nửa cũ, nửa mới" làm việc chữ nghĩa – theo Nguyễn Tuân – như Tú Xương, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Huỳnh Thúc Kháng... Hay đứng hơn là Cũ nhiều hơn Mới. Cũ đây so với cái mới của thế hệ kế cận như Tự Lực Văn Đoàn; thực ra ông có những suy nghĩ, cảm xúc khá mới sánh với các tiền bối khác như Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh... chẳng hạn.
Nguyễn tiên sinh sinh năm 1888 tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, con của Án Sát Nguyễn Danh Kế. Nguyễn Khắc Hiếu lấy tên núi Tản Viên (hay Ba Vì) và sông Đà (còn gọi là Hắc Giang) ghép lại thành bút hiệu. Vì ông thuộc gia đình khoa bảng, quan lại nên được tập ấm trường Hậu Bổ. Ông từng là "sĩ tử lôi thôi lều chỏng" và khi giấc mộng tiến thân bằng thi cử theo khuôn sáo "Không Mạnh viết" vừa tàn thì ông quay sang học quốc ngữ tại trường Tân Quy phố Gia Ngư Hà Nội.
Ngay trong những năm học "chữ nước ta" Tản Đà đã làm thơ, viết báo và tự học Pháp ngữ bằng tự điển của Trương Vĩnh Ký. Đây là một bài thơ mang dấu vết của thời chuyển hóa ấy:
Mười mấy năm xưa ngọn bút lông
Xác xơ chẳng bợn chút hơi đồng
Bây giờ anh đổi lông ra sắt
Cách kiếm ăn đời có nhọn không?
Chúng ta có thể bảo Nguyễn Văn Vĩnh (qua các bài dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine), Phan Khôi, Tản Đà... là những kẻ tiên phong dựng các tiêu hướng cho phong trào Thơ Mới. Rồi từ đấy xuất hiên một loạt các ngôi sao rực rỡ, những chiến tướng lừng lẫy là Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu... Sở dĩ tôi chỉ bảo Tản Đà là người cắm cọc nhận đường, phác lối chứ không phải là người xây nền móng thi ca vì nền móng của thơ Việt Nam đã hiển hiện hàng nghìn năm qua, đã nhật tân, hựu nhật tân; mỗi năm lại tái bồi và mở rộng.
Xét về hình thức, thể loại, bất cứ giai đoạn văn học sử nào cũng có những nhà thơ có thiên khiếu đầy tài năng đã cải cách hoặc đã phá vỡ các sợi trói buộc từ ngữ, hạn định sự thăng hoa, bay bổng của ngôn từ. Họ không muốn chấp nhận cái khung bảo thủ của tiền nhân một cách thiếu sáng suốt, cứng nhắc nữa mà vươn lên, trổi dậy từ đầu bút, từ trang giấy tức là từ nghĩ ngợi, từ rung cảm của mình.
Tản Đà đã than thở trong Thơ Mới theo thể loại Trường Đoản Cú như sau:
              Đờn là đờn
              Thơ là thơ
Thơ thời có chữ, đờn có tơ
Nếu không phá cách vứt điệu luật
Khó cho thên hạ đến bao giờ?
               Bá Nha xa
               Lý Bạch Khuất
Thơ có họ Phan, đờn có họ Quách
               Thơ có chữ
               Đờn có tơ
Đờn thời ngơ ngẩn, thơ vẩn vơ
Tài từ văn nhân nhường rứa rứa
Bút huê ngao ngán hận đề thơ
Chúng ta thấy Tản Đà làm rất nhiều thể loại, có những táo bạo bất ngờ làm ta kinh ngạc và thán phục và đều có những thành tựu ngang nhau, không có thể loại nào vượt trội hẳn.
Xin tạm đưa ra một thí dụ được trích trong bài Thăm Mả Cũ Bên Đường để chứng minh thi tài Tản Đà có lúc ngẫu hứng xuất thần phá tan bức tường rêu phong của niêm luật cấm kỵ cổ điển:
Tài cao phận thấp chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương
Chúng ta nhận thấy câu thơ trên chỉ có hai từ bình thanh và có tới năm từ trắc. Câu sau là toàn thượng bình và hạ bình thanh. Hai câu này chủ ý dùng âm thanh để diễn cảm hoàn cảnh, tâm tư. Các cụ vẫn dặn người làm thơ nên tránh khổ độc, tức là có ba chữ cùng dấu liền nhau và không đặt nhiều từ trắc cạnh nhau cho khỏi mất nhạc, làm người đọc khó đọc, khó ngâm.
Song phận thấp chí khí uất đã được cứu khỏi sự ngắc ngứ, khấp khểnh vì hai từ tài cao, nhất là hạ bình tài trên đầu câu thơ; đồng thời câu sau cũng hỗ trợ cho việc làm cân bằng về kỹ thuật và nội dung do các từ bình thanh.
Nhìn chung, thơ TảnĐà rất chú trọng tới nhạc tính và dùng vần chính thống nên lượn sóng từ ngữ nhịp nhàng, mềm mại. Ông viết khá nhiều bài theo thể hát nói, ca sẩm, ca lý, từ khúc... Vài bài đã được phổ tân nhạc.
Sau này Xuân Diệu cũng viết:....
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi...
(Nhị Hồ)
Tôi mạo muội ghi ra những nhân tố nào hình thành, tạo nên một phong cách Tản  Đà:
a- Do truyền thống gia hệ, do nòi tình thừa kế của cha mẹ (bà Phủ Ba thân mẫu Nguyễn Khắc Hiếu xuất thân từ Bình Khang).
b- Do cá tính, tức là có lý tưởng dân tộc, có ý chí kiên quyết, ham học hỏi, thích quảng giao, có óc thông minh...
c- Do môi trường thuận lợi là cái nôi văn học thời ấy: Hà Nội.
d- Do sống trong "giai đoạn quá độ", được tiếp thu hai nền văn hóa Đông Tây.
e- Do bất đắc chí trong khoa cử triều Nguyễn.
g- Do thất tình với cô Đỗ Thị bán sách phố hàng Bồ.
Suốt đời Tản Đà sống thanh bạch nhưng không quá nghèo khổ vì luôn luôn có các vị Mạnh Thường Quân mến tài giúp đỡ. Ông khoan hòa, ưa thanh tĩnh, thẳng thắn, hay kết bạn dù là bạn vong niên, tận tình giúp đỡ mọi người... có hai mẩu chuyện được lưu truyền về Tản Đà như sau:
1- Tản Đà mua một bộ bàn ghế về; để lại có hai ghế, còn hai chiếc kia đem vất đi vì cho rằng đời mấy ai tri âm, tri kỷ; nên chỉ dành một cho khách và một cho mình mà thôi.
2- Một vị chủ báo ở Nam Kỳ biếu Tản Đà một nghìn đồng làm lộ phí. Trên tầu hỏa ông đem phân phát gần hết cho các người nghèo. Chúng ta nên biết giá trị một đồng bạc thời đó rất lớn.
Tóm lại chúng ta nên kết luận Tản Đà là một nghệ sĩ và vì là một nghệ sĩ đích thực nên đôi lúc ông tỏ ra ngông nghênh, bất cần đời và chán nản cuộc đời.
Trong sự nghiệp thơ của Tản Đà tôi thích đến thuộc lòng những bài sau đây: Vịnh Bức Dư Đồ Rách, Thúy Kiều Hầu Rượu Hồ Tôn Hiến, Thề Non Nước, Cảm Thu, Tiễn Thu, Tống Biệt, Thăm Mả Cũ Bên Đường và Gió Thu.
Bài Gió Thu là bài thơ gồm hai đoạn tứ tuyệt, mỗi đoạn ba vần rất đúng niêm luật, có hơi thơ dịu dàng, đĩnh đạc và đơn giản:
Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nửa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng
Trận gió thu phong rụng lá hồng
Lá bay tường bắc lá sang đông
Hồng bay mấy lá năm già nửa
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông
Trước hết chúng ta phải hiểu phong là loại cây giống như cây bàng, có người bảo đó là cây bàng. Phong như:
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
(Hạt sương như ngọc, rừng cây phong héo hắt buồn bã)
Thu Hứng bài I của Đỗ Phủ
như:
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
(Cây phong bên sông và ánh lửa chài đối giấc ngủ sầu)
Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế
và:
   Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du
(Vũ Hoàng Chương đã lấy từ đầu của câu tám đặt tên cho tập thơ Rừng Phong)
Cây ngô đồng, cây phong, cây hoa cúc, cây liễu... là loại thực vật chủ yếu làm bối cảnh trong cảm hứng sáng tác cho các thi sĩ đời Đường, Tống; rồi trở thành ước lệ cho nhiều nhà thơ cổ điển và cận đại của nước ta khi viết về mùa thu.
Đáng lẽ hai câu của hai đoạn thơ tứ tuyệt phải có dấu phẩy sau gió thu, song làm như vậy nhịp câu thơ sẽ bị ngắt làm ảnh hưởng đến sự diễn tả nhẹ nhàng liên tục của gió thu.
Bài thơ mang mang buồn rầu, chứa chan hoài vọng và xen lẫn sự trách móc kín đáo. Gió thu gỡ lá phong từ sân bên nhà hàng xóm dìu sang sân nhà. Màu vàng của lá phong như lá ngô đồng báo trời đã sang thu mà người thiếu phụ ấy sớm quên lời thề ước xưa với tình nhân chắc đã đi lấy chồng. Lại một trận gió thu nữa mà khoảng cách thời gian so với trận gió trước có thể từ một, hai tháng vì bây giờ lá phong của trời vào thu vàng úa nay đã thẫm hồng sắp rụng. Lá phong lần này từ hướng khác, căn cứ theo đoạn thơ trên thì nhà người hàng xóm ở phía tây hoặc phía nam của người viết hoặc của nhân vật trong thơ, từ phương bắc bay qua phía đông mà không bay lạc vào sân nhà mình nữa trong lúc trời chuyển sang mùa đông. Hai đoạn thơ khác nhau cả về thời gian lẫn không gian, đoạn thơ trên xác định hơn. Bây giờ "trời cuối thu rồi" tức là đã hết "mùa cưới" mà ai vẫn đứng trông tức là đứng không, đứng trơ vơ giữa đất trời, sống cô đơn giữa cuộc đời. Đại từ ai trỏ nghiêng về giới phụ nữ thì đúng hơn. Như thơ Xuân Diệu trong Mùa Thu Tới:
Dăm cô thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?
Tản Đà hạ từ vẫn khiến chúng ta phải hiểu là người đàn bà, cô gái ấy đứng chờ đã lâu lắm rồi mà người tình đã ra đi, chưa hay không trở lại nối lại duyên xưa, thực hiện câu hứa hẹn năm nào. Chàng đã đi "theo lời gió nước" hay chính chàng đã phụ phàng?
Chúng ta nhận thấy tác giả dùng từ trận (trận gió) làm chúng ta liên tưởng tới những hồi, những đợt liên tiếp đang thổi trên thiên nhiên cảnh vật, thổi vào lòng đôi lứa đang hờn giận, yêu thương, xa cách... và thổi vào tâm hồn nhân ái, mong chưa xẻ từng hồi, từng trận không dứt, từ từ, thanh thoáng của tác giả.
Gió thu trong bài này khác với gió thu trong bài Cảm Thu, Tiễn Thu:
   Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi
Trong Gió Thu Tản Đà dùng 26 từ trắc trong tổng cộng 56 từ của bài thơ, tức là thanh bình tương đối nhiều hơn thanh trắc. Tôi cố hết sức thử tìm để có thể đổi được thêm từ trắc nào sang từ bình thanh không mà đành chịu! Tác giả đã chọn lựa kỹ càng, tiết kiệm tối đa từ trắc để diễn tả sự im nhẹ của khung cảnh dù không có một từ nào gợi đến âm thanh, song bởi sự tĩnh lặng đó mới có thể gây cho độc giả các ý tưởng về âm thanh. Bài thơ không gợi đến cảm giác trực tiếp mà tất cả chỉ bao gồm hình ảnh và tình cảm rất chủ quan và cũng rất khách thể. Tác giả, nhân vật, cảnh vật và tình cảm quấn quyện vào nhau như một nỗi niềm thống nhất.
Song từ bắc làm cho chúng ta nghĩ ngay đến cơn gió bấc sắp thổi đến cùng với mưa phùn xứ bắc se se ấm lạnh.
Nhưng có thực bài Gió Thu hoàn toàn chỉ là một bài thơ lãng mạn, chỉ là một sản phẩm của tình yêu nam nữ chăng? Tôi xin thử tìm hiều thêm ý nghĩa ẩn dụ của bài thơ với thái độ nghiêm chỉnh chứ không phải "vẽ rắn thêm chân".
Trước hết chúng ta thử giải thích các danh từ và các đại từ thiếp, chàng, lá, ai, hàng xóm, bắc và đông thì chúng ta mới hy vọng hiểu được tâm sự của tác giả đối với đất nước.
Hàng xóm là đồng chí, là "'đồng hội đồng thuyền" mà cũng có thể là hai nước Miên, Lào cùng bị thực dân Pháp cai trị dưới chiêu bài khai hóa. Thiếp là dân tộc Việt Nam đang sống trong cảnh nô lệ. Chàng là tổ quốc Việt Nam. Ai là định mệnh, là vận hội. Bắc là Trung Hoa. Đông là nước Nhật Bản. Lá là những Kẻ Sĩ, những người làm cách mệnh hay là các nhân tài. Như:
Hào kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu
(Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi)
Vậy bài Gió Thu chúng ta có thể hiểu thêm một ý nghĩa khác đại khái như sau:
Trong thời kỳ bị Pháp đô hộ, có những phong trào hay có những cá nhân đứng dậy khởi nghĩa, hoạt động quang phục đất nước đã bị hy sinh (rụng) hay rốn lánh lén lút (sang) để tránh sự truy tầm của Pháp. Nhưng lại có nhiều kẻ bán nước cầu vinh như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân, Tôn Thọ Tường... cam tâm làm tay sai cho giặc và cũng như bao nhiêu kẻ khác quên cái nhục mất nước (phụ). Chủ nghĩa cơ hội này của Tôn Thọ Tường đã bị Phan Văn Trị bác bỏ, đập nát qua lời biện bạch, trần tình bằng thơ của Tường, ví dụ bài Tôn Phu Nhân Quy Thục.
Trước khi Pháp chiếm nước ta sĩ phu Việt Nam coi nước Trung Hoa là chúa tể, là cái rốn của nhân loại, tất nhiên trừ một vài người sáng suốt như Nguyễn Trường Tộ. Vì thế nhiều thanh thiếu niên bỏ nước sang Tàu mưu cầu phục quốc như một số vua quan ngày trước. Nhưng rồi chính nước Tàu cũng bất lực, cũng bị xâu xé, khinh miệt nên các vị tiền bối cách mạng ấy lại quay sang đất nước của Minh Trị Thiên Hoàng để tìm sự trợ giúp của "dân tộc da vàng tiên tiến và anh dũng". Đó là phong trào Đông Du với Đông Kinh Nghĩa Thục đáp ứng sự nồng nhiệt ấy.
(Theo Nguyễn Mạnh Bổng và nhiều tác giả khác, Tản Đà có liên hệ công khai và bí mật và đã "dấn thân" vào cao trào yêu nước bằng hình thức này hay hình thức khác).
Vậy ai cũng là dân tộc Việt Nam trong giai đoạn bị trị, chưa đủ sức đánh đuổi Phú Lang Sa nên có mặc cảm phụ phàng và cũng đang ngóng trông các người ở hải ngoại sớm về giải phóng quê hương, tổ quốc; vẫn thơ thẩn mong mỏi các cánh hồng tuyệt vời bay về chốn cũ, làm nên lịch sử hào hùng như cha ông thuở trước. (Đại loại như tuyệt đại đa số đồng bào ở nước ngoài hiện nay đang thơ thẩn ngẩn ngơ, tiêu cực, bàng quan, đứng trông chế độ Cộng Sản hành hạ đồng bào quốc nội và đứng trông các chiến sĩ tự do tiên phong cứu nước).
Trở lại phần kỹ thuật bài thơ ngắn này, chúng ta nhận thấy tác giả chọn vần rất khéo. Vần cuối của đoạn trên có dấu huyền (chàng) – Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng – như một tiếng thở dài sầu thảm. Vần cuối của đoạn dưới không có dấu huyền (trông) –  Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông –, âm sắc được nâng cao, khiến câu thơ dàn trải, ngân nga, vang xa hơn... Và từ già (Vàng bay mấy lá năm già nửa/ Hồng bay mấy lá năm già nửa) cũng đắc địa lắm, nó xui ta hiểu nghĩa tuổi tác già nua của con người và nghĩa dằng dặc già cỗi của thời gian chờ đợi.
Bài thơ Gió Thu còn có một đặc điểm nữa. Đó là hình ảnh chuyển động của chiếc lá rơi xuống đất. Mỗi đoạn có bốn danh từ lá. Trong câu thứ nhất láđứng thứ sáu. Trong câu thứ hai lá xếp thứ nhất và thứ năm. Và câu thứ ba lá đứng thứ tư. Bây giờ chúng ta nồi liền và vòng các từ lá từ câu thơ thứ nhất đến câu thơ thứ ba của mỗi đoạn. Chúng ta sẽ thấy gì? Phải chăng chúng ta được một chữ tương tự như chữ S, chữ Chi của Hán tự, đó là hình ảnh chuyển động của chiếc lá từ trên cao rơi xuống.
Theo chỗ tôi biết, trong kho tàng văn chương của chúng ta không có một dụng tâm tương tự.
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã không thực hiện được giấc mộng con là đỗ đạt, lấy được người mình yêu, là đời sống phong lưu..., nhưng ông lại thành công khi đạt được giấc mộng lớn là sự nghiệp văn chương và trong tư cách trong sáng, khá mẫu mực vì suốt đời Tản Đà phụng sự lẽ phải, phụng sự Chân Thiện Mỹ và phụng sự dân tộc Việt Nam.
Tiên sinh mất đến nay đã hơn ba phần tư thế kỷ (ngày 17 tháng 6 năm 1929 tại Ngã Tư Sở Hà Nội) nhưng Tiếng Thơ Văn của Tản Đà vẫn lồng lộng, hùng vĩ như núi Tản Viên; vẫn bát ngát, cuồn cuộn như mặt sông Đà. Bút hiệu của ông xứng đáng và vinh danh núi Tản sông Đà quê hương.
Phần lớn thơ văn của Tản Đà trụ lại với thời gian, vẫn còn phù hợp với cảm quan của chúng ta ngày nay và tôi tin rằng nhiều thế hệ sau vẫn yêu thích thơ văn Tản Đà.
Tìm hiểu toàn diện cuộc đời Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu không phải một hai người có thể làm được một cách nghiêm chỉnh, đầy đủ; phân tích về thơ Tản Đà cũng không thể đơn thân vì sẽ rơi vào sơ lược, lệch lạc, thiếu sót... bởi vì tính chất thơ Tản Đà rất phong phú, sâu sắc và cao cả.
Tội viết bài đọc ngắn này quanh bài Gió Thu, coi nhưmột nén hương tưởng niệm một nhà thơ lớn của dân tộc, thân yêu và đáng kính nhớ mãi là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Hà Trung Yên



1 nhận xét:

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...