Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Tháng tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ

Tháng tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ?
Tháng 8 ơi, mùa thu ngập ngừng gõ cửa
“Có chắc mùa thu thức ta lòng son muộn
Một ngày về xuôi, chân ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm…”
Mùa thu Hà Nội
Vậy là lại thêm một lần trời đất bắc nhịp nối vào thu. Lại câu hỏi ngày nào của người nhạc sĩ vẫn trở trăn trong từng lời ta hát “Tháng tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ?…”
Một buổi sớm tinh sương vào ngày đầu tháng Tám, trên những con phố đổ dài sắc nắng mật ong, lòng người chợt ngập ngừng cảm nhận bước chân xa của mùa gần tới, bước chân nhẹ nhàng nhuốm lại màu cho từng chiếc lá đang xoay tròn trong điệu valse của ngọn gió giao mùa…
Một buổi chiều tháng Tám, khi tiếng cười trong vắt tan lịm vào vị đắng ảo huyền của giọt cà phê rồi hòa với dòng người xuôi con phố, ta chợt thinh lặng, bồi hồi ngắm những chiếc lá hình tim lấp lánh vẫy đùa trong gió khi trên đường Trần Nhân Tông rẽ về hướng Quang Trung…
Một ngày tháng Tám…
Thoáng chút ngỡ ngàng và bối rối khi ta khẽ khàng đặt dấu chân nhỏ bé lên chiếc cầu mới dựng, chiếc cầu vô hình nhưng không là ảnh ảo đang nối gần hai mùa Hạ và Đông. Có khi nào ai đó băn khoăn tự hỏi phải tới Đông bằng cách nào từ mùa Hạ, nếu không phải đi qua cây cầu của mùa Thu?
Bốn mùa xuân hạ thu đông, mùa nào Hà Nội cũng ấn tượng cả. Xuân thì muôn hoa đua nở, mưa bụi lâm thâm lất phất, vừa ướt vừa lạnh, vừa nồng vừa ẩm. Hạ thì nắng nóng gắt gao, nếu không có vị sấu chua thì khó chống chịu nổi. Đông thì rét buốt tê tái, nứt nẻ thịt da. Nhưng chỉ có mùa thu mới khiến người ta nhớ lâu nhất, bền nhất, thấm nhất. Có lẽ, cái hiu hiu của gió heo may, chút lãng đãng hồ Tây, chút mờ cao của bầu trời xanh thẳm, sự dịu dàng, mong manh của thời tiết, của cây lá, của đất trời và cả con người nữa, cứ tự nhiên ngấm vào tâm hồn nhiều người, để những khi ấy, người ở xa thì muốn trở về, người sống ngay trong lòng Hà Nội thì muốn ra đường, muốn cùng bạn đi uống cà phê ngắm trời đất sang thu, muốn tìm một không gian âm nhạc để tâm hồn được reo vui cùng những cảm xúc âm nhạc mà các thế hệ nhạc sĩ đã tìm kiếm, thể hiện.
Tháng Tám, mang chín rộ của một ngày mùa Hạ đấy, nhưng lại vương vấn chút gì non tơ lắm của một mùa Thu kia. Cái thời khắc giao mùa dìu dịu không đủ để cho mùa Thu chín vàng trên màu của lá, trên hương của loài hoa sữa, trên vị ngọt ngào của gánh cốm xanh – Nhưng càng không đủ để sáng bừng như một ngày mùa Hạ, chỉ dám gom hương sen đượm nồng để ngan ngát một buổi chiều lộng gió hồ Tây…
Hà Nội có ba mùa đầy gió, đầy mưa, đầy nóng, đầy rét buốt tái tê, nhưng chỉ riêng mùa thu là như hao khuyết, như một vùng lõm của kí ức, của cảm xúc. Và vì thế, “Lá khởi vàng chưa nhỉ” không chỉ là câu hỏi, là niềm đau đáu mà còn là sự chờ đợi cái màu lá vàng ấy, cái màu đầy nhớ nhung ấy sẽ đầy lên để lấp vào khoảng trống không gì có thể thay thế được trong lòng người xa Hà Nội…
Điều thú vị là viết về mua thu đẹp vậy, thơ vậy nhưng cả nhà thơ Tô Như Châu – tác giả của bài thơ và nhạc sĩ Trần Quang Lộc đều chưa từng đến Hà Nội. Nhà thơ Tô Như Châu sinh ra tại Đà Nẵng. Thuở trẻ, trong xóm nhỏ ông ở nằm trên bờ biển Sơn Trà, Đà Nẵng có nhiều cô gái gốc Hà Nội di cư vào Nam. Các cô gái thật xinh xắn dễ thương làm cho trái tim tác giả mơ tưởng về một mùa thu Hà Nội nhưng khi đó đã quá xa xôi vì ở bên kia bờ giới tuyến. Trong tâm trạng đó ông đã sáng tác bài thơ  vào năm 1972.  Nhạc sĩ Trần Quang Lộc người đã phổ nhạc rất thành công bài thơ này cũng sống tại Đà Nẵng và chưa từng đến Hà Nội, thế mới biết Hà Nội luôn chiếm một góc thiêng liêng trong trái tim người Việt, cả những người sống trong lòng Hà Nội và những người chưa được đến Hà Nội bao giờ.
 Theo http://quannhac.net/

1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...