Trước hết xin được nói về cỏ!
Nếu ai bị bệnh “nhớ cỏ”, đã từng chẳng thể quên “Cỏ non
xanh tận chân trời” [1], thậm chí hoài cổ đến tận “Độ đầu xuân thảo lục như
yên” (Cỏ xanh như khói bến xuân tươi) [2], thì Mai Văn Phấn đã có đây “Tản
mạn về cỏ”. Thế nhưng, cỏ từ Nguyễn Du đến Mai Văn Phấn đã rối bời suốt hai
trăm năm (tính từ Nguyễn Trãi là sáu trăm năm) nên nó đâu còn như xưa:
Thôi đừng dỗ cỏ lên trời
Khi tan mộng mị biết ngồi với ai
Câu thơ (lục bát “cũ rích”) mở đầu cho tuyển tập Thơ tuyển
Mai Văn Phấn dài cỡ 470 trang giấy đẹp đã anh ánh lên tinh thần mới, tinh
thần phản kháng, tinh thần cảnh tỉnh… Không, chỉ một từ thôi, đó là “thôi”, đã
là cả một tuyên ngôn.
Tuyên ngôn gì?
Tuyên ngôn: “THÔI!”
Giữa “cỏ Nguyễn Trãi” thế kỷ XV rồi “cỏ Nguyễn Du” của thế kỷ
XVIII-XIX và “cỏ Mai Văn Phấn” là cả một trảng cỏ vĩ đại của một cuộc đại cách
mạng trong thơ ca của thế giới đớn đau tù đọng này, đó là “cỏ Walt Whitman”. “Cỏ
Walt Whitman” không phải là thứ cỏ đầy dục vọng “thăng” như “cỏ Nguyễn Trãi” và
“cỏ Nguyễn Du” nữa (cứ thăng thăng mãi là đường đi của kẻ tự sát!), nó “giáng”:
Tôi, kẻ vô công rồi nghề, cúi nhìn hoa cỏ mùa hè[3]
để hy vọng:
Những giáo điều và những trường học sẽ trống không [4]
vì nó muốn:
tiếp nhận Tự nhiên như vốn có, thừa nhận mọi nơi, mọi lúc [5]
Nó “giáng”, để đưa Đạo về với Đời:
Đấy là cỏ, cỏ mọc khắp nơi, ở nơi nào có đất và nước [6]
“Cỏ Mai Văn Phấn” dường như nép bóng “cỏ Walt Whitman” của thế
kỷ XIX mà đến với thế kỷ XX đầy tao loạn:
Nhưng mà, nó đã mang một sứ mệnh mới: HEALING (Phải chăng là
dấu vết của “hiện thực XHCN”? Hay là của tôn giáo và Kinh Thánh? Câu trả lời
là ở quý vị). Cái khả năng “cứu chữa” này đích thị là cái mới, cái tân, để rồi,
dấn bước, đột phá… đến “cách tân”:
Ghé môi vào miệng thời gian
Cho hơi thở mọc vô vàn cỏ non
Cho hơi thở mọc vô vàn cỏ non
Đây chính là hơi thở mới, chưa từng có trước đây trên thi đàn
Việt Nam, của “cỏ Mai Văn Phấn”.
Chỉ mới xuất chiêu một bài thơ nhỏ anh đã cho ta nhiều liệu
pháp để chữa đa-liên-bệnh: bệnh “hoài cổ”, bệnh “kinh điển”, bệnh “bán cổ điển”,
bệnh “thèm của lạ”, bệnh “cách mạng không ngừng”, bệnh “người lính đi đầu”…
Từ đây, “cỏ Mai Văn Phấn” khai triển, mọc tùm lum trong ráng
ngày, cùng với những những kỳ hoa dị thảo.
Bài “Bên hoa” đặc sắc vì nó như thể nói về loài hoa
biết nói:
Anh van xin đấy nõn nà
Gót hương nhẹ lắm lướt qua mặt người
đủ để chữa mọi con bệnh yêu cổ điển. Nhưng mà, “Mai Văn Phấn
mới” cũng đã xuất lộ ở câu kết (dễ gây dị ứng cho loại con bệnh kinh niên ấy,
nhưng lại là thuốc kích thích cho những con bệnh “thèm mới”):
Sương giăng réo gọi bốn bề
Xa em sợ lắm… bã chè… chân đêm…
Rồi đến “Hoa ngọc trâm”. Những bông hoa hàm tiếu “thâm
niên” đủ để say cả một mùa cổ điển:
Thấy mình là gió thoảng thôi
Còn trăm năm giấu nụ cười trong hoa
Rồi là lá, với “Chiếc lá”. Chiếc lá ở trang 35 này có gì
đặc biệt? Nó là tiếng thơ đầu tiên tách khỏi dòng “lục bát” suốt từ trang đầu,
chuyển sang giọng “thất ngôn tứ tuyệt”. Dẫu chưa phải mới về thể loại nhưng là
một dấu vết chuyển mình, nhất là ở câu đầu:
Phía sau lật úp một con thuyền
Lá rụng khi dòng xanh tưởng cạn
Con thuyền phía ấy lật mình lên.
Lá đã rụng, thuyền đã lật. Có cơn động đậy nào trong cõi sâu
tâm linh?
Vẫn tiếp tục với “7 chữ” (nhưng chưa tới “8 nghề” như sau
này), cỏ cây đã ra trái với bài“Quả thu”:
Anh là vỏ chát, em là nhân
Quấn quýt heo may chuyển ngọt dần
Hôn nhau thành quả rơi trên cỏ
Xanh ủ trên đầu chín xuống chân.
Cõi thơ Mai Văn Phấn đã nặng hình hài, như đang kìm nén sức
căng trong cái vỏ áo cũ sờn chực rách bất cứ giây phút nào. Từ quả tiếp sang
cây, “Cây trên đảo”:
Tôi chợt ngỡ ngàng cây phá thế
Nhựa tràn qua những thớ vân vi.
Cõi tâm linh mách: dục vọng “cách tân” như hẹn từ kiếp trước,
giờ đây năng lượng đã dâng trào. Cách tân hay là chết!
Mà cỏ, hoa, cây, lá, quả đã hiện hình cả rồi; lấy gì làm “dược
liệu” cho những “liệu pháp thơ” mới mẻ đang thai nghén chờ khoảnh khắc khai
sáng của “lâm bồn” nữa đây?
Nhưng coi chừng. Với bậc nghệ nhân thượng hạng thì cái gì rơi
vào tay cũng thành nguyên vật liệu cho những tạo tác bất tuyệt.
Và còn có đây, “Gai”:
Sớm
Hái bông hoa hồng
Chiều
Gai cào mộng mị.
Sẹo
Lên xanh biếc thế
Gai
Trong hồn đơm hoa.
Cuộc cách tân cả về hình thức (xa rồi nhé những con số 6, 7,
8 lầm lũi ngàn năm để nhịp phách mới 1-4 đột khởi) và nội dung, với cái “gai”
này, đã thổi hồn tâm linh vào suy tưởng để bật ra triết học. Cặp cặp phạm trù bắt
mắt cứ dăng dăng:
“hoa hồng” >< “gai”
“sớm” >< “chiều”
“hái” >< “cào”
[“thực”] >< “mộng”
“ngoại” (“sẹo”) >< “nội” (“hồn”)
Cái gai này phải chăng là sứ giả của Thượng Đế gửi vào hồn
thơ Mai Văn Phấn? Nó mang trong mình đủ mọi biểu tượng của thi ca và tư tưởng.
Nó không bao giờ thôi làm cho cõi tâm khảm của tâm linh thi sỹ hết nhói đau, hết
chẩy máu, từng giọt từng giọt đỏ, rồi để lại những “sẹo lên xanh biếc”,
và… những giọt máu, giọt sẹo ấy lại sinh sinh hóa hóa mà “đơm hoa”.
Và khi hồn đã đơm hoa thì hoa gì ắt cũng là hoa, cũng đáng để
hàm ơn Tạo Hóa, vì thế mà có “Tạ ơn bông lau”:
Những bông lau
Phơ phất
Từ không định
Bay vào hư vô...
Nghe vang vọng bất ngờ
Từ trong lòng vũ trụ
Có mắt ai thôi miên trong lá
Tả tơi rơi sợi nắng bạc vàng
Cơn gió hay tửu đồ lang thang
Hát đến hao gày từng giọt đêm nặng trĩu...
Thiên nhiên bao la
Thiên nhiên hiện hữu
Những bông lau - sinh tử - vui buồn.
Cây từ miền hoang dại không tên
Những bông lau phất lên ngọn lửa
Rồi luyện lại từ Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ
Để ra đời những thế hệ mai sau.
Nếu chiếc gai là sứ giả thì bông lau này là “đóa hoa vô thường”
đầu tiên mà Thượng Đế đã mượn hồn thơ Mai Văn Phấn để ban tặng cho nhân sinh.
Tính triết, tính Phật, tính Đạo…của “bông lau” này đủ để người ta viết ra cả
quyển triết luận. Nhưng, cái mà tôi muốn nói nhất ở đây đó là Mai Văn Phấn đã hầu
như hoàn thành sứ mạng về thể loại một cách triệt để trong cái định mệnh “phải
làm thơ cách tân” mà Tạo Hóa giao phó. Những con chữ như những nốt nhạc ở bài
này đã được mặc sức buông bắt thả mình trong không gian tự do. Ví như, nghe thơ
“6-8” hay “7-7” có thể ta sẽ có cái cảm xúc như nghe chèo, tuồng, cải lương, vọng
cổ, quan họ, ví dặm… thì đến với bài thơ này ta có cảm giác như thể đang nghe
nhạc giao hưởng đỉnh cao.
Cuộc chơi cách tân của các loại cỏ-cây lại tiếp tục với “Bức
ảnh, trái cây và giấc mơ”:
Những bức ảnh thiếu sáng, những trái cây chín ép và giấc
mơ rụng cánh trước cơn mưa, chầm chậm trôi ngược dòng ký ức.
Theo ngọn gió mở cánh đồng buổi sớm, ùa vào những căn
phòng lẫn bụi và ánh sáng, lau mồ hôi vừa tắm gội giấc mơ.
Và như thế, cội nguồn trong gang tấc, lúc quay về là đi hết
đời mình, hay chờ luân hồi trở lại kiếp sau.
Những linh hồn kia chưa kịp đầu thai, đang ngưng lại nơi
không gian thờ phụng, bay lửng lơ rồi nấp vào bái vật giáo bất động.
Có ai chạy từ giấc mơ, trái cây đến bức ảnh, để nhặt
được những gì mình đánh mất, nghe tù đọng từng giọt nước mắt và nhận
ra sự chai lì của mỗi bóng râm.
Nơi đầu nguồn đã thay một không gian và thế hệ cỏ non đang
ran ran trên đất.
Những linh hồn đứng vào góc mở ánh sáng khác, trong tiếng
rên của giọt sương mới, dè dặt vụng về gõ cửa từng nguyên âm.
Nhưng khắp nơi đang bắt đầu những dòng đổ vào ký ức, cả
từ bức ảnh, trái cây, giấc mơ thành giọng nói đêm qua.
Người “cựu” có thể thấy cái giọng như đọc “kệ” ở bài này,
nhưng mà người “tân” thì lại cảm thấy cái chất “rap”. Phải chăng hai dòng này
có chung một cội, mong các nhà nghiên cứu âm nhạc minh định lại. Cái “giọng nhạc”
mới mẻ này của cỏ-hoa còn vang tiếp tới các bài “Chuyện hoa cúc” (mà
kỳ thật còn nghe có giọng “đồng dao”):
Trốn khỏi khung tranh, nhịp điệu
Chạy về cao rộng mùa thu
Heo may réo tìm khản giọng
Còn nghe văng vẳng tung hô
Ai ngờ hoa cúc nổi loạn
Trong bao mơ mộng vững bền
Ngọt ngào khôn ngoan giăng lưới
Bóng cây mặt nước im lìm.…
hay “Hoa bằng lăng” (ắng ỏi giọng “tuổi xanh”):
Ban chiều. Trên đỉnh bóng cây đang tối dần thành miệng
vực, những bông hoa bằng lăng rực rỡ đăng quang. Muôn ngàn môi hoa, cánh
tay hoa đung đưa trong nghi lễ xông hương của mặt đất tạ ơn vòm trời. Hơi
nóng vẫn đổ về bốc hơi mặt ao đầm, muốn khẳng định ngự trị liên tục của mùa
hè. Cả ngôi nhà quay mặt về hướng tây cũng ngộ nhận về mặt trời, dù nắng
xế đã chiếm gần hết phòng khách.
Tôi ngước lên dòng thác màu tím nhạt từ bông hoa đang
dội xuống ngực mình. Không phải ai đi qua mùa hè cũng được vô tình tắm
gội.…
Rồi “Bông hoa”, rồi “Sen”. Đến “Sen” ta vẫn thấy có
“bùn”, có “hồ”, có “đài”, có “ngó”, có “cỏ hoang”, nhưng đã bật phát dường như
lần đầu cái “ma mị Mai Văn Phấn”:
Chưa khiếp sợ bằng ngón tay tỉa sen
đang teo lại trong áo khăn trong suốt.
Sen thường đi với Phật, mà đâu có Phật ở đó có Ma. Cái “ma mị”
trong thơ anh như mang những thông điệp huyền bí sẽ xuất hiện ngày càng dầy đặc.
Đó là “cỏ Mai Văn Phấn” thế kỷ XX.
Sang thế kỷ XXI, “cỏ Mai Văn Phấn” đã hoàn thiện về mọi mặt,
bừng nở bản trường ca tâm linh huyền bí, nghe vút dài như rơi vào cõi vô tận.
Trước hết, xin hãy cùng anh “Khai bút cùng cỏ” cho
một thời đại mới của thơ cách tân:
Nước rút xa dần
Lại lên tiếng nói
Non tơ...
Bàn chân em đặt lên
Cho phân minh lời cỏ
Anh lặng yên nghe ngực mình
Rộng mở...
Thành quả chuông run lên trong mưa
Gặp đèn trời, khói bay, gió lạnh
Hay vô ý chạm vào một lá cỏ
Bất kỳ...
Quý vị có nghe như tiếng “jazz”? Hồi đầu thế kỷ, Mai Văn Phấn
từng tuyên bố: “Tôi thực sự thấy tự do tuyệt đối, được làm vua những con chữ của
mình.” [7]
Làm thơ đến mức giản dị nhẹ nhàng như không làm thế
này là đã đứng vào hàng tuyệt bút, xứng đáng “làm vua” (mà đỉnh cao quyền lực
nào chẳng cô đơn khủng khiếp). Cuộc chơi của chữ trong thế kỷ mới thế là đã
thoát ly khỏi cái bóng ngàn năm của những “lời lời châu ngọc hàng hàng gấm
thêu”[8]. Nếu bạn bắt gặp một bài thơ “cỏ” như thế này mà không thấy hay? Thì,
gần bạn hãy trách mình, xa bạn cứ việc trách Vua Hùng. Tôi xin nói thẳng: thế kỷ
XXI đã đi qua cả thập kỷ rồi mà hành trang văn học của người Việt vẫn như là
“con số không” (nếu không muốn nói là “âm”: toàn những cảm thức từ thời của những
rổ rá nong nia dần sàng…); công chúng thơ ở đây hầu như vẫn chỉ có thể cảm nhận
được cái đẹp của những “nhà ngói cây mít” mà chưa rung cảm nổi trước những siêu
cao ốc chọc trời hay càng là những lều cỏ hoang sơ.
“Lều cỏ hoang sơ” dường như chính là cái vẻ đẹp chủ đạo trong
thơ Mai Văn Phấn. Để rồi anh đã kết tinh cái vẻ đẹp ấy trong một trường ca rất
là “sắc sắc không không”: “Hình đám cỏ”.
Bản trường ca 9 “nhịp”, nhưng cái tôi muốn gom vào đây nhất
là những chất “ma mị” huyền bí trong “cỏ Mai Văn Phấn”. Bắt đầu từ “Nhịp I” là
hai câu:
Bước sơn dương gõ lên mặt đất
Thế giới từ nay không thể ngủ
Cái gì đây? Tại sao đã nhiều nhà thơ thốt lên cái sự “không
ngủ”? Tại “đêm nay bác không ngủ” hay tại tâm linh họ luôn thức? Mà tại sao lại
là “sơn dương”? Phải chăng những con dê núi nơi cố hương Ninh Bình đã luôn luôn
gõ nhịp trong tâm khảm anh từ khi ra đời, vào một năm con dê. Cả một bầy dê đã
luôn làm anh mất ngủ. Cũng như những bầy dê có mặt bên Chúa Hài Đồng đã như những
thiên sứ thúc giục Ngài luôn phải đắm chìm trong những tâm tư: làm sao để cứu rỗi
con người. Dê là tượng của khí “nguyên dương”: thuần khiết, trong trẻo, hướng
thượng, vận động không ngừng nghỉ. Đó là tượng của “Trời”, là lý tưởng, là đỉnh
cao chói lọi trong tâm linh và tư tưởng con người. Dê là gốc, là đầu mối đầu
tiên và tựu thành của sự sống. Mà cuộc sống thì không ngủ bao giờ. Cuộc sống
trong “cõi tưởng” của Mai Văn Phấn thật rực rỡ:
Động rộn sương đêm
Cỏ cây, nắng mới
Núi cao
Chim chóc bay qua tảng đá xù xì
Sông cuộn xiết con cá động dục loé sáng mặt nước
Mặt trời bên kia bức tường
Vòm cây, tổ chim hơi thở ban mai
Những người có “cõi tưởng” rực rỡ thường ngoài đời thực lại dễ
có sắc mặt đìu hiu. Dù tôi chưa hề gặp mặt Mai Văn Phấn nhưng tôi đoan chắc anh
có cái thần thái âu muộn. Tại sao thế thì ai có suy nghĩ đều biết.
Các “nhịp” trong “Hình đám cỏ” vang lên vô vàn những cỏ-hoa-cây-lá
và những tiếng chim. Với
Những cánh mịn đỏ thẫm
Gốc cổ thụ cũng trong suốt
Giờ ban Lễ-Thánh-Thể rung chuông
Sớm mai thay áo mới
Ánh hồng nhung hắt lên khuôn mặt em
Thôi miên làn gió chợt qua
trong “Nhịp I” thì chỉ có thể là cảnh ở Thiên Đường. Lung
linh, hư ảo, lời khó nên. “Cõi tưởng” dường đã đưa anh theo bóng Phật tới Niết
Bàn:
Tiếng chim qua đỉnh đầu
Vào cơ thể anh lúc đang tịnh độ
Xua đi cho lòng yên lặng
Sao về được tâm không
Tiếng chim âm u
Lập loè sáng từng phần cơ thể
Ngỡ bay cùng đàn chim
Ngực căng tức tiếng hót
Nhưng mà, đâu dễ dứt được duyên đời:
Em ở đâu
Trần thế chưa khi nào hết níu kéo. Nhưng “cõi tưởng” luôn dộng
vào lòng những nuối tiếc như thể những con cá tuyệt mỹ cứ bơi vuột qua tay:
Boong...
Giữa trời một bông hoa cúc
(Hình tượng hoa cúc cho ta thấy một cõi tâm linh thanh sạch,
một lòng thành kính xa xăm không khi nào dứt trong con người tác giả)
Nên đời mới từng ấy những thở than không thốt ra được
Nán lại bên khe cửa hẹp
Nhìn gợn sóng lấp lánh trên dòng sông chảy xiết.
Trong “Nhịp II”, hình như tác giả đã có cái ý muốn “giơ tay
che mặt trời”
Lặng lẽ một mình đan ngón tay
Không cho ánh sáng đi qua
Không cho gió đi qua
Ở đây không nắng và gió
Càng khủng khiếp nép vào tĩnh lặn
Nhưng rồi càng nghĩ về Trời mới thấy con người thật là bất lực:
Anh thành hạt đậu, mũi kim
Chiếc đũa lẻ loi
Trên kia có thể trời vẫn cao
Mây trôi nhanh và nắng
Và cõi về, lại:
Gọi tên em, anh khẽ gọi
Cõi đời thật ra cũng chỉ là một “cõi tưởng”, vì thế mới có
“dòng ý thức” lên đến đỉnh với James Joyce của Ulysses. Và đây là “dòng ý
thức Mai Văn Phấn” được biến thành hành động:
Chiếc bút trên bàn. Khi dọn dẹp vẫn muốn để lại. Cầm bút
thư giãn, vừa lạ vừa quen. Quản bút nhẵn ngón tay cầm. Đôi khi tháo
ruột bút xem (phải tháo trộm vì hành vi quái đản). Mở nắp bút như bật cánh cửa,
cậy nắp hầm tối... Cảm giác chợt thức, chợt mở mắt. Muốn tháo nắp bút một nơi.
Nắp bút để trên, thân bút bên phải hay ở dưới. Cả ngược lại.
Mở…
Lắp...
Lắp... mở...
Lắp lại…
Cây bút ngay ngắn bình yên
Ta có thể thấy cái tâm bất an, của chung kiếp người chứ chẳng
riêng gì ai.
Và, vẫn có đám cỏ kia, không phải như Trời, mà như Đất, như Mẹ:
Muốn dừng lại bên đường
Nằm lên cỏ
Đến “Nhịp III”, ta gặp lại “sơn dương”:
Ngực sơn dương mở lớn
Vị sứ giả của Trời nhắc ta về với mặt đất, nơi có công
việc thường ngày nhàm chán, đầu óc đâu đâu, các khớp xương rã rời… Cuộc sống thật
ra là một cuộc chết. May mà:
Mới nghe nửa câu điện thoại
Đã biết anh lạc đâu đâu
Tiếng nước từ đỉnh thác êm
Em đang nối hai đầu thế giới
Nhờ có vị sỹ quan liên lạc “Em” ấy mà “cõi tưởng” mới sống nổi
trong “cõi thực” thô lậu. Để được nhớ về
Tấm ảnh chụp bìa rừng
Trên thảm cỏ
và để
Con chào mào em
Khoét rỗng môi anh
Và vỗ cánh
Ngậm anh đi gieo hạt
trong khi “cõi thực” vẫn trôi lềnh phềnh:
Cặp sách, tờ báo, chùm chìa khóa, điện thoại di động...
Nối vào nhau những toa tàu
Chạy đều
Phanh gấp.
Sang “Nhịp IV”, các cõi vẫn cứ hồn nhiên tương hành:
Mọi vật trôi như nó vẫn trôi.
Chỉ khi có tiếng em, hồi còi kia lại tiếp tục trôi nhanh, dù
con tàu đã rất xa.
Tại đây, có câu thơ mà Mai Văn Phấn đã lấy làm đề từ cho cả
trường ca này:
Bên nhau lặng im nghe bông sen trắng
đang nhói sáng
vươn trong huệ tưởng.
Một cõi “thiền”: có im lặng của tịnh độ, có ánh sen của Phật
tuệ tỏa sáng, có ân sủng của các đấng bề trên, có sự sống vô thường, có cái
“tôi” đang tịnh tiến giữa trùng trùng cảnh giới…
Đến “Nhịp V”, “cõi tưởng” lại mơ những giấc mơ trên cỏ. Nào
là mơ huyễn:
Mơ giăng cỏ muợt
Vồng ngực săn chắc
Hơi thở nồng nã đất đa
Chạm nhau nghe đất đi xa
Con đường ngủ yên cây lá
Đang thức giấc che chở
Ghì níu gót châ
Cho tới mơ hoang:
Môi sương ngậm vạt cỏ đầm
Vụt bay theo vách cao dựng đứng
Bẻ gãy, bện em thành dây chão
Nuốt sâu chiếc lưỡi xuống ngực
Tới sống lưng
Chạm gót chân anh
Người mà có “cõi mơ” đến cỡ ấy thì ắt thấy “cõi thực” chẳng
còn chút ý nghĩa, ắt có lúc muốn bỏ quách cả hình hài.
Tới “Nhịp VI”, những cơn mơ hoang như có sinh thực khí, nên
đã kết tinh những sinh linh, trên cỏ:
Giữa em là anh
một con hoẵng vừa
sinh trên cỏ ướt
một bát nước ngùn ngụt bốc hơi
một thế giới đang vội vàng hoàn hảo
Còn cỏ, còn những sinh linh, tác giả còn còn cảm thấy sự sống
phủ che lá cỏ
gió biển ngái mùi lòng mẹ
cuống nhau mút từng cọng ngọt
ngạt thở chìm sâu
bến bờ vội níu chân em
Vào “Nhịp VII”, cùng với câu mật chú “Ngày đến rồi”, đây
có thể là nơi trình diễn những cách tân về hình thức đến cực đỉnh:
Phân thân màn múa
Anh Anh và Anh...
Nhìn Em ném xuống chiếc m
... cỏ độc ngoi miền thánh thiện
... miệt thị chốn sinh thành
... nhiễu sóng dự cảm thấu thị
Anh Anh và Anh...
Em im lặng hồn nhiên phán xé
... len tua tủa mũi dao sắc nhọn
... trì nặng bay về chậm chạp
... biết sẽ tới em
Còn nữa...
... đừng rọi thêm ánh sáng
(có ai từ cánh gà đi nhặt chiếc mũ)
Đây là một màn trình diễn ấn tượng. Còn sau đây là một màn
trình diễn khác:
- Hãy nhìn xuyên đêm!
- ............
- Thấy gì không?
- ............
- Chiếc váy cuối hạ
- ............
- Lay động thân cành
- ............
- Cánh tay em cân đối cảnh vật
- ............
- Mở rào gai góc
- ............
- Không thấy ngôi sao
- ............
- Run mơ hồ
- ............
- Ủ nắm cát trên ngực!
- ............
- Pha lê ánh sáng
- ............
- Bóng đen lò luyện khổng lồ
- Thi nhau vốc cát ném vào đêm tối
“Con ma tâm linh” trong Mai Văn Phấn hơi bị tinh nghịch, tuy
kiệm lời nhưng trong suốt tuyển tập thơ này nó rất hay chơi trò ném cát. Xét về
việc mà dân gian hay gọi là “vong ám” thì có thể suy rằng thi sỹ đã bị một con
ma trẻ con nghịch ngợm quái quỷ ám từ rất lâu rồi, nay như hòa hợp làm một với
chính chủ. Nếu là người thường, thì ắt người ta phải mời các thầy pháp cao tay
về đuổi vong, mới mong sống được bình yên; nhưng, là thi sỹ…
Tới “Nhịp VIII” lại là những cơn mơ:
Đêm qua lại mơ em kéo như lướt ván
Bàn chân thuôn dài mặt nước
Những giấc mơ bay:
Em nói to trong luồng gió bạt
- Có quán tính rồi anh hãy tự bay
Anh nhào lộn giữa gió và nước
tôm cá và mặt trời
rong rêu và mây trắng
ký ức và mộng tưởng
Nghiêng sang trái
Nhắm mắt xoay phải mấy vòng
Anh là vận động viên kiện tướng
Hạt giống số Một
Tiếng vỗ tay
Thần tượng giữa lòng khán giả
Làm xiếc trên nước
Bình tĩnh nhớ lại
Mọi khán giả đều khuôn mặt em
Nhân vật “Em” trong thơ Mai Văn Phấn thật là đáng nể. Nó ám
quẻ thi nhân suốt các cuộc chơi, suốt cả tập thơ. Nó cứu rỗi anh trong mọi cuộc
đảo điên hỗn độn. Nó kết nối anh giữa mộng và thực, giữa “về” và “đi”, giữa “phải”
và “trái”. Nó đẩy anh lên trời, nó kéo anh về mặt đất. Trước nó, anh như chỉ là
con kiến, như anh đã “khai báo” ở “cõi mộng” nơi “Nhịp IV”:
Là con kiến nhỏ trong thế giới em
Có thể bị nghiền nát dưới tảng đá vỡ
Dưới gót giày
Mũi khoan, lưỡi cuốc
Độ nóng que hàn
Tiếng rít từng bánh sắt
Bị thiêu rụi trong đám cháy rừng
Thành tro bụi giữa tầm sét đánh
Biết thế…
Vì biết thế
Nên đỉnh đồi
Hay tận hang sâu
Anh hoá thân thành muôn ngàn loài kiến
Kiêu hãnh bò đi trên thân thể em
Xin đừng vội cả tin trước những hình tượng. Sóng to thì thuyền
lớn, Âm dầy thì Dương cao. Âm khổng lồ tất cõi Dương của thi sỹ lớn như vô
cùng. Con kiến ở đây là con kiến vũ trụ. Nếu Trang Sinh có con bướm sinh sinh
hóa hóa thì Mai “Sinh” có con kiến “càng” hộ mệnh. Người mà cứ nhận mình là kiến
mỗi khi “gặp biến” như thế là người quá khôn, đạt được đức Khôn cực lớn giữa trời
đất.
Ra “Nhịp IX”, ấy mới là đỉnh của những tiếng “hú hồn”
mặt đất lồng lộng đỉnh đầu tâm xoáy
lưỡi gió miết thân lả tả càng bám
chặt càng lay giật mạnh khản đặc hú
gào hối thúc nghiêng ngả ngậm chặt lá
khô giãy giụa càng lảm nhảm bóng đè
thập thõm con đường mải hôn càng căng
mơn mởn dìu anh miệng vực lẩm bẩm
không thể rời nhau sợ sâu toát vã
mồ hôi lộn ngược dính chặt
đơm hoa kết nụ lá rủ vỗ về
che chở cành khô đung đưa trêu ngươi
sấm sét mắt nhìn đổ trận mưa rà
dìu em êm đềm thở dốc xuống bất
chợt rung vang nhau từng thanh chuông gió
Ý chí cách tân của thơ Mai Văn Phấn như cho ta nghe muôn vàn
điệu nhạc. Đến đây ta nghe như tiếng “punk rock”. Những dẫn giải về “punk rock”
dường như cũng có thể giải thích cho “thơ phá cách Mai Văn Phấn”:
Nhà lý luận âm nhạc John Savage đã có lần nói rằng lịch sử được
thực hiện bởi những kẻ nói "Không", và trong năm 1976 không có tiếng
"Không" nào lại có thể át được punk rock. …Punk đã tự đặt mình vào vị
thế thách thức và làm bá chủ nhạc rock. Nói chung khoảng 30 siêu sao pop sẵn
lòng tái hư cấu và "mửa" ra những thứ trên cùng một kiểu rập khuôn
phong cách như nhau…
Thuở ban đầu, punk hung hăng đứng đối lập hẳn với ý thức hệ
thời đại.…Tiền khởi của punk bao gồm từ âm hưởng huyên náo nguyên thuỷ của
ban Velvet Underground, âm thanh tần suất lớn với phong cách giận dữ của “giai
cấp lao động” của The Who, kiểu guitar cường độ lớn của MC5 và the Stooges,
phong cách lưỡng tính của New York Dolls (ảnh hưởng từ David Bowie và Roxy
Music). Dĩ nhiên khi punk phát triển, nó tự chuyển biến hình thành vô số nhánh
rẽ thống trị, gây ảnh hưởng và lai tạp với các thể loại reggae, bubblegum giữa
60, tiền ảo giác, art-rock, jazz tự do và các dòng âm nhạc cụ thể. Theo nghĩa
đen mọi thứ đều thích hợp để cân bằng: đó mới chỉ bề nổi của vấn đề.
Trong thời kỳ thuần chất nhất của xúc cảm punk, từ 1975 -
1978, là khoảng thời gian có thể coi là thời khắc phong phú nhất. Dù cho thời
gian thống trị ngắn ngủi như sao băng, nhưng phong cách punk vẫn duy trì cho những
ban nhóm dưới cái tên bớt phiền toái hơn: new wave. Vẫn lưu giữ tác động của nó
trong thập niên 90, Punk độc lập hồi sinh và bước đầu được hiện diện chính thức
trên nhãn hiệu đĩa thu /được hợp pháp hóa cho giới báo chí bí mật / được coi là
một phong cách mới cho các nhà phê bình âm nhạc. Quan trọng hơn, nó giúp các nhạc
sỹ trẻ tin rằng họ có thể trở thành một phần của thế giới rock'n'roll, bằng
cách vun đắp cho sự phát triển trong tương lai cho thành công của trào lưu
alternative của Anh lẫn Mỹ (tại L.A, Minneapolis, Seatles, Athen, Machester).
Khó có thể tưởng tượng được rằng các nhóm alternative (Replacements, Nirnava,
thậm chí cả R.E.M) lại tồn tại mà không có sự đóng góp của các nhóm punk:
Pistols, Clash, Ramones và the Buzzcocks.
Với alternative và heavy metal hiện thời (hai nhánh chính của
punk), punk dường như vẫn là niềm vui không trở ngại, luôn hồi tỉnh niềm cảm hứng
vô tận của sự tự biểu hiện. Nếu hôm nay, bạn có nghe một vài đĩa tiêu biểu của
nó, thì bạn sẽ sớm nhận thấy rằng punk dường như chưa bao giờ đi quá xa ý thức
hệ pop, và tầm ảnh hưởng của punk thậm chí còn lớn hơn rất nhiều so những người
khai lập ra nó.[9]
Kết thúc bản trường ca, ta lại nghe bước chân “sơn dương”, sứ
giả của Trời, và “cỏ Mai Văn Phấn” lên trùng trùng điệp điệp như chưa bao giờ đẹp
như thế:
Bầu trời vỡ tiếng gọi đàn khoái cảm đêm đen
Bước bước sơn dương
Mặt cỏ phun nhuệ khí trùm lấp
Phấn khích giờ tạo thiên lập địa
Mùa mới đợi chờ cỏ xanh cắt sát gốc
Những móng vuốt tì chân cỏ bật căng
Cỏ non kinh động
Càng chồi lên mở lại những chân trời.
Quả là chuỗi chuỗi những “mộng trung hữu mộng”. Cá thể (người
viết/đọc) hòa lẫn với nhân quần, thiên lý xoắn xuýt với nhân luân. Thật là:
Khi nhớ, nhớ cùng trong mộng tưởng
Nỗi riêng, riêng cả đến tình chung [10]
Kết cục là gì?
Tất cả những cỏ-cây-hoa-lá-quả ấy đều có trong “Vườn
em” ở trang 314:
Sau cơn mưa dáng cây thon nhỏ
Mướt xanh hai mặt lá
Bàn tay lá ấy luôn mềm
Tiếng chim Bách Thanh tung lưới
Thít chặt anh cùng bòng bưởi, rễ si
Hoa cẩm quỳ, oải hương, phong lữ…
Dịu dàng thêm khăn áo mùa thu
Mắt em lóng lánh khắp nơi khép lại
Anh bước lên vạt nắng
Một con thuyền ban mai
Em bảo hãy chờ để khoá chặt cổng.
Cửa đã khóa. Con ma tâm linh đã bị “Em” nhốt.
Nhưng…
Tại sao lại là “cỏ”?
“Cỏ” từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, qua Walt Whitman mà đến Mai
Văn Phấn…
Xin hãy đến nghe lời một bậc hiền minh, Osho, để nghe cái LÝ
DO CỦA “CỎ”, để mà liên kết họ với nhau, trong “vòng tay cỏ”:
Cỏ dại là thiêng liêng. Đừng gọi chúng
là cỏ dại. Chúng cũng tâm linh như chưphật. Chúng
cùng chia sẻ Thượng đế nhiều như hoa hồng. Bỏ con người khỏi trái đất - sẽ có
khác biệt gì giữa cỏ dại và hoa hồng không? Tất cả những phân biệt này đều do
tâm trí tạo ra.
Bạn không thực sự ngồi im lặng đâu; bằng không, ai đang nói với
bạn cỏ dại đang mọc? Tâm trí bạn vẫn vận hành, thì thào mọi thứ cho bạn.
Nó là tâm trí của bạn đấy! Nếu bạn thực sự im lặng thì không có tâm trí đâu -
thế thì dù cỏ dại mọc hay hoa hồng mọc tất cả đều như nhau với bạn. Khác biệt
gì có đó? Bạn không thể tận hưởng được cỏ dại sao? Chúng là người đẹp đấy! Nhìn
cỏ dại lay động, nhảy múa trong gió, trong ánh mặt trời.... Bạn nghĩ cái gì thiếu
trong chúng mà hoa hồng có? Chẳng cái gì thiếu cả. Đây chỉ là ý tưởng, và
ý tưởng thay đổi. Có thể một ngày nào đó hoa hồng có thể hết thời thượng, cỏ dại
có thể trở thành một thứ "vào trong nhà."
Một trăm năm trước không ai đã bao giờ nghĩ rằng xương rồng sẽ
được mọi người yêu thích, nhưng bây giờ xương rồng "vào trong" và hoa
hồng "ra ngoài." Nói về hoa hồng có vẻ nệ cổ, có vẻ chính thống, theo
tục lệ; nói về xương rồng là tiên tiến, nó chứng tỏ rằng bạn là hiện đại,
đương đại. Mọi người đang để xương rồng trong phòng ngủ - xương rồng nguy
hiểm, xương rồng đầu độc, nó có thể giết chết bạn! Nhưng chúng đã thành thời
thượng, và một khi cái gì đó đi vào thời thượng thì có nhiều kẻ ngu bắt đầu tán
thưởng nó.
Mọi người đơn giản cứ chạy theo bất kì cái gì được làm thành
thời thượng bởi vài người láu cá và tinh ranh. Mới một trăm năm trước không ai
thích tranh của Picasso, còn bây giờ Picasso là nghệ sĩ vĩ đại nhất - không chỉ
của thế kỉ này mà của toàn thể lịch sử. Điều gì đã xảy ra? Chỉ kiểu mốt đã thay
đổi. Mọi người phát mệt về thứ này; họ cứ chuyển sang cực đoan đối lập.
Không có gì sai trong cỏ dại cả! Không có gì sai trong bất kì
cái gì. Ý tưởng về đúng và sai nghĩa là tâm trí có đó. Bạn không ngồi im lặng
đâu và bạn không ngồi mà không làm gì. Bạn đang khu biệt, và đó là hành động.
Bạn đang dán nhãn, và đó là suy nghĩ. Và bạn đang phán xét.
Vứt mọi phán xét đi, mọi việc dán nhãn, mọi khu biệt... và chỉ
quan sát cỏ dại mọc. Vậy thì sao - cứ để chúng mọc! Khi bạn không có tâm trí
chút nào, bạn cũng là cỏ dại; cho nên cỏ dại mọc khắp quanh bạn, đó không phải
là cái gì đó kì lạ - cỏ dại bao quanh cỏ dại! Tận hưởng đi!
Có lần một Thiền sư được vua yêu cầu - vì thầy là hoạ sĩ lớn
- vẽ bức tranh trúc.
Thầy nói, "Sẽ mất thời gian đấy."
"Bao lâu?" vua hỏi.
Thầy nói, "Khó nói được, nhưng ít nhất cũng phải hai hay
ba năm."
Vua nói, "Ông có điên hay cái gì không? Ông là hoạ
sĩ lớn nhất. Ta nghĩ ông có thể vẽ nó ngay bây giờ!"
Thầy nói, "Chả thành vấn đề, vẽ trúc không phải là vấn đề
- nhưng trước hết ta phải là trúc đã; bằng không làm sao ta biết trúc là gì? Ta
muốn biết trúc từ bên trong! Cho nên ta sẽ phải đi và sống trong rừng trúc. Bây
giờ, người ta chưa bao giờ biết điều đó sẽ mất bao lâu. Chừng nào ta chưa biết
trúc từ bên trong ta không thể vẽ nó được. Đó đã từng là thực hành cả đời ta:
ta vẽ chỉ cái ta đã biết cốt lõi sâu nhất của nó."
Vua nói, "Thôi được, ta sẽ đợi."
Một năm trôi qua. Ông ấy phái vài người tới xem điều gì xảy
ra, liệu người này còn sống hay chết rồi. Họ quay về và nói, "Người này vẫn
sống, nhưng chúng tôi nghĩ rằng người này không còn là người nữa - người này là
trúc rồi! Người này lay động cùng trúc trong gió. Chúng tôi đi qua bên cạnh ông
ấy; ông ấy chẳng chú ý gì. Chúng tôi nói, 'Xin chào!' Người này không nghe.
Chúng tôi muốn nói với người này. Chúng tôi đã nhìn vào mắt ông ta - chúng trống
rỗng tới mức chúng tôi trở nên hoảng sợ; hoặc là người này đã điên hay cái gì
đó đã xảy ra. Và người này có thể làm bất kì cái gì, cho nên chúng tôi trốn mất.
Người này có thể giết hay, ai mà biết được? - người này có thể nhảy lên chúng
tôi! Người này không còn là cùng người trước nữa."
Đích thân nhà vua tới xem, và thầy đang lay động trong gió,
trong mặt trời. Và vua hỏi, "Thưa ngài, bức tranh của tôi thì sao?"
Thầy không trả lời.
Sau ba năm thầy xuất hiện ở triều đình và thầy nói, "Bây
giờ đem vải vẽ và thuốc mầu lại đây, ta đã sẵn sàng. Và tại sao bệ hạ là
người quấy rối ta lặp đi lặp lại thế? Nếu bệ hạ mà không quấy rối ta, ta chắc
đã tới sớm hơn chút ít rồi. Những kẻ ngu này từ triều đình bệ hạ, họ nói mọi thứ
với ta. Họ nói, 'Xin chào!' Bệ hạ có nói chào với trúc không? Họ làm rối loạn toàn
thể sự việc. Phải mất nhiều tháng ta mới thu lại được lắng đọng trong việc là
trúc và quên rằng ta là người. Và thế rồi bệ hạ tới và bệ hạ nói, 'Thưa ngài.'
Đó có phải là cách nói với cây trúc không? 'Khi nào ngài sẽ vẽ?' Có ai đã
bao giờ nghe thấy trúc vẽ không? Bệ hạ là kẻ ngu, bệ hạ bị bao quanh
toàn kẻ ngu! Ta đã bảo bệ hạ rằng ta sẽ tới bất kì khi nào ta sẵn sàng."
Vải vẽ được đưa tới, chổi vẽ và mầu, và trong vài giây thầy
đã vẽ xong trúc. Và người ta nói rằng nhà vua khóc vì vui sướng. Ông ấy
chưa bao giờ thấy bức tranh như vậy: nó sống động thế! Nó không phải là bức
tranh thường. Nó không là từ bên ngoài, nó là từ chính trúc - cứ dường như trúc
đã mọc ra trên vải vẽ, không được vẽ ra.
Nếu cỏ dại mọc, để chúng mọc. Chúng có quyền mọc nhiều như bạn
có quyền trưởng thành. Và nếu bạn cho phép mọi thứ mà không có phán xét, nếu bạn
vô phán xét, bạn sẽ trưởng thành tới cực đỉnh của vui vẻ và phúc lành mà bạn
không thể nào hình dung ra được ngay bây giờ..."[11]
Phải chăng đó chính là cội rễ của cõi tâm linh Mai Văn Phấn.
Và, nó đã được trình bầy ra thành “thơ nhại cổ” cho đến “thơ jazz”, “thơ
alternative”, “thơ punk”. Cho “cỏ” được nở hoa khoe muôn sắc với đời.
Đường nào chẳng là đường, quan trọng là có đến được Roma hay
không.
(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành
công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn,
2011).
Chú thích:
[1] Nguyễn Du, Truyện Kiều.
[2] Nguyễn Trãi, “Trại đầu xuân độ” (Bến đò xuân đầu trại).
[3] Walt Whitman, Những lá cỏ.
[4] Nt.
[5] Nt.
[6] Nt.
[7] Nguồn: http://vietbao.vn/Van-hoa
[8] Câu thơ Hồ Chí Minh tặng nữ sỹ Ngân Giang.
[9] Nguồn: http://www.loidich.com/tl34.2-
[10] Trần Tế Xương, “Nhớ bạn phương trời”.
[11] Nguồn: http://khengotvn.blogspot.com/2011/02/ung-lam-gi-ca.html.
Hà Nội 6/5/2011
Đặng Thân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét