Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Nguyễn Hoàng Sơn trong hoàng hôn lặng lẽ

      Nguyễn Hoàng Sơn trong hoàng hôn lặng lẽ
Căn bệnh trầm cảm của Nguyễn Hoàng Sơn là bởi những suy nghĩ về người anh ruột mất đột ngột sau ngày về hưu được nửa năm. Trong khi bố mẹ của ông đã ngót bách niên giai lão vẫn còn sống khỏe. Điều khiến Nguyễn Hoàng Sơn áy náy là trước ngày mất dăm hôm, người anh cả ấy có đến chơi nhà ông và trong câu chuyện anh em có sự bất hòa, người anh nói: “Tao sẽ không bao giờ đến cái nhà này nữa!”. Câu nói định mệnh đó cũng là lời chào vĩnh biệt của người anh. Câu nói ám ảnh Nguyễn Hoàng Sơn đến nỗi, sau sự ra đi của người anh, ông đã bị một cú sốc tinh thần rất lớn, ông đã phải bán đi chiếc xe ô tô vì không đủ sức khỏe để cầm lái. Ông cũng ít nói hơn, những câu chuyện thưa dần ngay cả với vợ con, với các cháu. Ông lặng lẽ đóng phòng văn để đọc lại những tác phẩm kinh điển một thời của văn học Việt Nam như “Bỉ vỏ”, “Những ngày thơ ấu”…
                        Nguyễn Hoàng Sơn trong hoàng hôn lặng lẽ          
Tôi lần lữa cầm điện thoại gọi cho nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, gọi di động, ông không nghe máy, tôi gọi số nhà riêng thì gặp vợ ông. Khi tôi hỏi về nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, bà có vẻ lưỡng lự. Một lúc sau bà mới thổ lộ, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đang có biểu hiện của căn bệnh trầm cảm nên ông rất ngại gặp gỡ. Sau thời gian nghỉ hưu, về nhà ông dấu mình trong phòng văn, ông ngủ nhiều hơn thường ngày, ít cười đùa, ít chuyện trò. Đôi khi trong gia đình những câu chuyện cứ thưa dần. Nhiều lúc ông ngồi ở nhà mà tâm trí của ông như phiêu du ở tận đẩu đâu...

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn sinh năm 1949 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế quốc dân, ra trường ông về công tác tại phòng kế hoạch, Sở Xây dựng Hòa Bình, một công việc không liên quan đến văn học. Giờ nghĩ lại, Nguyễn Hoàng Sơn vẫn cho rằng, văn chương đã gắn vào ông như một định mệnh khó rời. Hồi đó, để biểu dương những thành tích về công đoàn, Nguyễn Hoàng Sơn đã đại diện cơ quan viết bài gửi báo. Khi đã quen với cái tên Nguyễn Hoàng Sơn, ông Tổng biên tập báo Tiền Phong (hồi đó là ông Hoàng Phong) đã đích thân viết thư tay mời Nguyễn Hoàng Sơn về làm việc. Nguyễn Hoàng Sơn bảo rằng, ông vẫn còn nguyên vẹn cảm giác bủn rủn chân tay khi đứng tại văn phòng ông Trưởng Ty để nhận quyết định thuyên chuyển công tác, vì sau chữ ký ấy Nguyễn Hoàng Sơn sẽ không thuộc về cái nơi đã mang lại thu nhập để ông lo cho gia đình, cho dù nó không nhiều. Và trước mắt ông là một chân trời mênh mông vô định về nghiệp văn, nghiệp báo mà ông chưa tưởng tượng ra được. Thời đó, kiếm được một chỗ làm ổn định đã may mắn lắm rồi, thay đổi là một sự mạo hiểm. Phía trước sự lựa chọn có thể là một cánh cửa mới đầy rộng mở với chàng thanh niên 27 tuổi, nhưng cũng có thể ngược lại. Hồi ấy, vợ ông khi biết tin đã khuyên ông hay là thôi ở lại? Nhưng ông đã quyết định chọn một khởi đầu mới: nghề báo.
Nguyễn Hoàng Sơn là điển hình cho một tấm gương tự học. Ông chịu đọc đủ các sách Tây Tàu và đọc đến đâu nhớ đến đấy. Có lẽ tư duy của người học tự nhiên đã bù đắp cho trí nhớ của ông mạch lạc. Bởi chặng đường văn đầy trắc trở này khó cả với cả “con nhà nòi”, nói gì đến ông, một kẻ đi ngang đầy háo hức và âu lo.

Sau khi nhận tờ quyết định, hàng ngày ông đạp xe vài chục cây số từ tòa soạn về nhà, trong lòng phơi phới vì “máu” làm văn, làm báo trong ông như đã được khơi nguồn. Những bài thơ đầu tiên của ông mang đậm dấu ấn tình yêu cuộc sống cũng như công cuộc đổi mới của đất nước. Sung sướng hơn, một trong những bài thơ đầu tiên của ông đã nhận được Giải khuyến khích báo Văn nghệ (Bài thơ “Đi trong đêm thị xã” (năm 1976). Nguyễn Hoàng Sơn vẫn nhớ sau khi nhận giải thưởng, Ban tổ chức mời đi ăn liên hoan, ông đã được ngồi cùng mâm với nhà thơ Xuân Diệu. Được ngồi đàm đạo với “tượng đài thơ mới” càng khiến cho cõi thơ thiêng liêng quyến rũ ông hơn bao giờ hết. Ông nhận ra rằng, sống trên đời ai cũng cần có một nghề. Ông chọn nghề làm văn, làm báo không chỉ vì sở thích mà như là duyên nợ. Ông muốn mình phải tinh thông trong cái nghề đã chọn và mong muốn được sống không đến nỗi xo rụi bằng nghề đó. Sau này, khi chuyển sang lĩnh vực phê bình học thuật, ông cũng đã thể hiện một giọng văn láu lỉnh, khôn ngoan, nói có trước có sau, có đầu có cuối. Văn phong của Nguyễn Hoàng Sơn có sự kính trên nhường dưới, nhưng trước sự “hoắng” thì ông cũng đàn anh, kẻ cả. Cho dù không phải là một người được đào tạo bài bản để làm làm phê bình, nhưng đọc Nguyễn Hoàng Sơn, người ta nhận ra giọng văn của một người thông minh, có học.
Trên văn đàn Nguyễn Hoàng Sơn sắc sảo bao nhiêu thì ngoài đời, ông “ngố” bấy nhiêu. Hồi vợ ông mới sinh con đầu lòng, ông bà nội, ngoại chưa ai đến kịp để chăm sóc, vợ ông nhờ ông ra chợ mua mớ rau muống sông và một con cá quả để về ăn lót dạ. Ông ậm ừ đạp xe đi từ lúc 8 giờ sáng và đến 2 giờ chiều mới về. Về đến nhà thì cá quả đã bị chết ươn lủng lẳng trên ghi đông xe đạp còn rau muống sông thì không mua được và ông cũng không mua loại rau nào khác thay thế. Vợ hỏi, sao đi chợ lâu thế thì ông hồn nhiên: “Đang đi thì gặp ông bạn thơ ngồi uống vài chén rượu!”

Chưa hết, thời bao cấp vợ chồng ông dành dụm mãi mới mua được chiếc xe đạp Phượng Hoàng, trong một lần đi tác nghiệp, ông dựng xe ở tầng 1 để lên tầng 4 phỏng vấn mà chủ quan không gửi, khi xuống thì chiếc xe đã không cánh mà bay. Về nhà vợ xót của cằn nhằn thì ông bảo: “Anh cứ nghĩ ai lại kém nhân cách đi ăn cắp chiếc xe đạp!”. Sau đó hai năm vợ ông lại chắt chiu mua được chiếc xe đạp Thống Nhất, hồi ấy Nguyễn Hoàng Sơn được phân công đi thường trú trong miền Nam mới trở ra Bắc và đạp xe đi thăm thú bạn bè. Đi chơi thế nào mà chiếc xe Thống Nhất lại... mất nốt. Về nhà không biết ăn nói sao với vợ, ông đành nói dối là đến nhà người bạn, uống rượu rồi ngủ say bị trộm vào nhà lấy xe lúc nào không biết. Ông còn dẫn người bạn ấy về tận nhà xin chịu bù một nửa số tiền xe coi như trách nhiệm bạn bè giúp đỡ nhau. Sau này vợ ông mới biết, chính Nguyễn Hoàng Sơn đã cặm cụi viết lách... ngoài giờ để kiếm tiền đưa bạn đền cho vợ mình!
Có lẽ may mắn của Nguyễn Hoàng Sơn là ông có một người vợ đảm đang chu tất cho gia đình. Dân gian vẫn bảo: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” thì Nguyễn Hoàng Sơn không phải là người nằm trong số đó. Bởi vì việc xây nhà lẫn xây tổ ấm lại thuộc về vợ ông. Cho đến ngày hôm nay, bàn tay ông chỉ là để dành cho cây bút và trang giấy, ông hoàn toàn khờ khạo trong tất cả những việc thuộc về đời sống, nhà cửa, con cái. Trong gia đình, từ việc nhỏ đến việc lớn, vợ ông là người đứng ra lo toan. Nguyễn Hoàng Sơn là người thông minh, láu lỉnh nhưng ở một khía cạnh nào đó, ông lại mang khí tiết của một nhà Nho, không hệ lụy, không màng đến địa vị cũng như những bon chen của đời sống. Những thứ ông có được ngày hôm nay dường như là một sự an bài của số phận. Chỉ duy nhất một thứ khiến ông đam mê theo đuổi và tự khẳng định, đó là văn học.
Cho dù thế, hơn 30 năm làm văn, làm báo, Nguyễn Hoàng Sơn được cho là người lặng lẽ. Đôi khi tôi có cảm tưởng, ngoài căn phòng của báo Tiền phong Cuối tuần, khó có thể gặp Nguyễn Hoàng Sơn đâu đó ở các quán nhậu, càng không bao giờ nhìn thấy ông trong trạng thái say xỉn… Ông khởi nghiệp bằng thơ tình, nhưng bạn đọc lại biết đến ông với tư cách của một nhà thơ thiếu nhi. Ông nhận được các giải thưởng thơ văn cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam nhưng ít thấy ông đăng đàn, diễn thuyết. Tôi hỏi Nguyễn Hoàng Sơn rằng, tại sao trong suốt những năm qua, ông không in một tập thơ tình hay nói đúng hơn là thơ cho người lớn, trong khi vốn liếng đó hiện giờ ông có tới 200 bài? Ông cười nhẹ: “Tại thời điểm cần in thì tôi không thích, giờ thì nó đã qua mất rồi. Có lẽ sắp tới tôi sẽ chọn lại và in một tập. Đã hơn 2 năm qua tôi không làm được thêm bài thơ nào nữa, tôi nhận ra rằng làm thơ thích nhất nhưng cũng khó nhất, khi nguồn cảm hứng thơ đã mất thì không thể cố mà lấy lại được”.
Giờ đây, sau khi nghỉ hưu, mặc dù có nguồn thời gian vô tận nhưng Nguyễn Hoàng Sơn cũng không viết được gì. Ông mệt mỏi chống chọi với căn bệnh huyết áp và tiểu đường đã qua giai đoạn 2. Đôi lúc tôi thấy ông trầm ngâm lơ đãng với cuộc sống xung quanh, những phản ứng của ông cũng không còn nhanh nhạy như hồi xưa nữa. Tôi hỏi: “Ông có hẫng không khi nghỉ hưu?”, Ông cười gượng lảng tránh câu hỏi: “Đến lúc bằng tuổi chú, cháu sẽ hiểu!”.
Nhưng qua tìm hiểu, tôi biết rằng, Nguyễn Hoàng Sơn hoàn toàn không “hẫng” khi từ giã chiếc ghế ông đã từng ngồi hàng chục năm qua, thậm chí, ông cảm thấy thanh thản. Căn bệnh trầm cảm của ông là bởi những suy nghĩ về người anh ruột mất đột ngột sau ngày về hưu được nửa năm. Trong khi bố mẹ của ông đã ngót bách niên giai lão vẫn còn sống khỏe. Điều khiến Nguyễn Hoàng Sơn áy náy là trước ngày mất dăm hôm, người anh cả ấy có đến chơi nhà ông và trong câu chuyện anh em có sự bất hòa, người anh nói: “Tao sẽ không bao giờ đến cái nhà này nữa!”. Câu nói định mệnh đó cũng là lời chào vĩnh biệt của người anh. Câu nói ám ảnh Nguyễn Hoàng Sơn đến nỗi, sau sự ra đi của người anh, ông đã bị một cú sốc tinh thần rất lớn, ông đã phải bán đi chiếc xe ô tô vì không đủ sức khỏe để cầm lái. Ông cũng ít nói hơn, những câu chuyện thưa dần ngay cả với vợ con, với các cháu. Ông lặng lẽ đóng phòng văn để đọc lại những tác phẩm kinh điển một thời của văn học Việt Nam như “Bỉ vỏ”, “Những ngày thơ ấu”…
Tôi ngồi với nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn cả một buổi chiều yên tĩnh trong khu nhà tập thể của báo Tiền Phong, có đôi lúc tôi cảm thấy thời gian trôi đi thật chậm, chậm như những tư duy đôi khi không còn nhanh nhẹn, mạch lạc của ông. Tôi nghĩ, nếu không có người chuyện trò, có lẽ gương mặt ông sẽ chùng xuống trong những suy nghĩ vô vi của cõi lòng ông mất mát. Ông là người hay dấu mình trong ốc đảo của sự im lặng và một vỏ bọc khe khắt với chính mình, ngay cả hồi trai trẻ. Nhưng những vần thơ của ông thì không thể dấu nổi tâm hồn ông đầy đa cảm và nhạy cảm, cho dù đó là thơ cho vợ, cho con, hay cho một người tình vu vơ không hiện hữu…Như một đoạn thơ ông viết: “Mong manh quá những gì anh níu giữ/ Cả miền Trung anh kí gửi nơi em/ Nếu bất hạnh có điều gì đổ vỡ/ Anh làm sao bù vào những thiếu vắng trong tim?”.
Trần Hoàng Thiên Kim
Nguồn: Lethieunhon.com
Theo http://www.bichkhe.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...