Nhà thơ Xuân Diệu: Thơ tình
hay vì yêu thật, sống thật
Đến nay dường như vẫn còn là
một vấn đề quá khó đối với không ít người, khi phải trả lời câu hỏi vì sao thơ
tình của Xuân Diệu hay đến mức khó ai có thể vượt qua? Người ta đã tốn không biết
bao nhiêu giấy mực kể cả những người đồng thời cũng như hậu thế nhằm đi tìm kiếm
câu trả lời cho vấn đề, nhưng xem ra cũng chỉ là phỏng đoán.
Cuộc đời và văn nghiệp
Nhà thơ Xuân Diệu tên thật
là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1916, ở làng Trảo Nha, huyện Can
Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là ông Ngô Xuân Thọ và mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp. Thuở
thiếu thời ông sống tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước,
tỉnh Bình Định và theo học ở Quy Nhơn.
Sau khi tốt nghiệp tú tài,
ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Sau đấy ông ra Hà
Nội sống bằng nghề làm thơ, viết văn và là thành viên tích cực của nhóm Tự
lực văn đoàn từ năm 1938-1940, do Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) sáng lập từ
năm 1932. Đến năm 1943, Xuân Diệu tốt nghiệp cử nhân Luật, rồi vào
làm tham tán thương chánh ở Mỹ Tho. Sau đấy ông lại quay ra Hà Nội tiếp
tục làm thơ và viết văn.
Bên cạnh sáng tác thơ,
Xuân Diệu còn viết cho các báo như Ngày Nay và Tiền Phong. Sau đấy
ông tham gia sáng lập Đoàn báo chí Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong sự nghiệp sáng tác của
mình, Xuân Diệu được biết đến với tư cách là một nhà thơ lãng mạn trữ tình. Ông
đã thổi một làn gió mới vào thi đàn Việt Nam những năm nửa đầu thế kỷ XX. Theo
nhà phê bình văn học Hoài Thanh thì Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới-
nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê.
Xuân Diệu không như Huy Cận vừa bước vào làng thơ đã được người ta dành ngay
cho chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những
tiếng khen chê chưa ngớt. Người khen, khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời (1)
Xuân Diệu được coi là một
trong những chủ soái của phong trào Thơ Mới. Tác phẩm tiêu biểu của ông ở
giai đoạn này gồm: Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945).
Có thể nói hai tập thơ này của ông được giới lý luận- phê bình văn học và
văn học sử xem như là hai kiệt tác của ông ca ngợi tình yêu và cuộc sống. Tình
yêu thường gắn liền với tuổi trẻ và mùa xuân thiên nhiên của đất trời và của
lòng người. Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến mức quằn quại đau mỗi khi cảm thấy
thời gian đang chảy trôi vào vô tận. Trong bài Giục giã ông từng mở đầu
bằng hai câu thơ thật sự riết róng:
Mau lên chứ, vội vàng lên với
chứ
Em, em ơi, tình non đã già rồi.
Như vậy đủ thấy ông cảm nhận
về sự hữu hạn, mong manh của đời người, nên cần phải sống thật và yêu một cách
hết mình, đắm say. Trước đây đã có một số người do nhận thức nông cạn nên suy
diễn một cách vô lối, quy kết hai câu thơ của ông là biểu hiện của lối sống
gấp của tầng lớp tiểu tư sản, theo cách nhìn của đạo đức phong kiến lạc hậu,
nhuốm màu sắc chính trị hẹp hòi từ quan điểm của Nho giáo.
Năm 1944, Xuân Diệu
tham gia phong trào Việt Minh, rồi sau đó, khi Cách mạng tháng Tám thành
công, ông hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền
phong của Hội, rồi công tác trong Hội Văn nghệ Việt Nam, làm thư ký tòa soạn
tạp chí Văn nghệ (nay là Tuần báo Văn nghệ) ở Việt Bắc.
Xuân Diệu tham gia Ban Chấp
hành, nhiều năm là Ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam kể từ khi mới thành lập
(1957). Cũng từ sau năm 1945, Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ hàng
đầu ngợi ca cách mạng, ngợi ca những người lao động. Từ đỉnh cao của dòng thơ
lãng mạn trữ tình, ông chuyển sang dòng thơ anh hùng ca, tự sự trữ tình, pha
chút chính luận một cách dứt khoát ngay từ tập thơ Ngọn quốc kỳ (1945),
cho đến Một khối hồng (1964), rồi Thanh ca (1982)...
Với tư cách là một cây đại
thụ của nền thi ca Việt Nam hiện đại, Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ,
trong đó một số lượng lớn vẫn còn nằm trong di cảo chưa công bố, một số truyện
ngắn và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.
Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc
hội khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Nghệ thuật nước Cộng
hòa dân chủ Đức năm 1983.
Xuân Diệu mất ngày 18 tháng
12 năm 1985 tại Hà Nội. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về
Văn học- Nghệ thuật, đợt I, năm 1996. Tên của ông được đặt cho một đường phố ở quận
Tây Hồ và một trường tiểu học ở quận Ba Đình, Hà Nội, một trường trung học phổ
thông ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Suốt cuộc đời hoạt động nghệ
thuật, nhà thơ Xuân Diệu đã để lại cho đời sau một khối lượng tác phẩm đồ sộ,
mà các thế hệ sau này không mấy người sánh kịp, gồm nhiều thể loại khác nhau. Về
thơ có: Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non song, Riêng
chung, Hồn tôi đôi cánh... Văn xuôi: Phấn thông vàng, Miền Nam nước
Việt, Việt Nam ngàn dặm... Tiểu luận phê bình: Thanh niên với quốc văn, Tiếng
thơ, Những bước đường tư tưởng của tôi, Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ, Dao
có mài mới sắc, Thi hào dân tộc Nguyễn Du, Đi trên đường lớn, Ba thi hào dân tộc,
Phê bình giới thiệu thơ... Dịch thơ: Thi hào Nadim Hitmet, Vây giữa tình
yêu, Việt Nam hồn tôi, Những nhà thơ Bungari, Nhà thơ Nicôla Ghiđen...
Cũng cần phải nói thêm rằng,
trước thời kỳ đổi mới, một trào lưu nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học đứng
trên quan điểm chính trị, đạo đức lạc hậu và xã hội học dung tục đã qui cho Thơ
Mới đủ mọi thứ tội, mà nặng nhất là tội lập trường tiểu tư sản thay vì xem Thơ
Mới như một diễn ngôn lịch sử, hay một giá trị nghệ thuật. Vào thời điểm ấy,
cái tôi cá nhân, một phẩm chất tối quan trọng trong sáng tạo thi ca bị quy
thành chủ nghĩa cá nhân vị kỷ theo quan điểm đạo đức và xã hội học
dung tục. Với tư cách là ông hoàng thơ tình, Xuân Diệu không thể
nào thoát khỏi vòng cương tỏa của những tư tưởng bảo thủ ấy. Cũng may mà, chính
ông lại là người tìm đến với Việt Minh khá sớm và đem tất cả lòng nhiệt huyết của
tuổi trẻ và tình yêu cuộc sống để phục vụ Cách mạng, phục vụ nhân dân. Dù vậy,
sau khi Cách mạng tháng Tám thành công chừng 40 năm, ông vẫn còn là đối tượng bị
chỉ trích mạnh mẽ nhất, mặc dù, khối lượng tác phẩm của ông sau 1945 với tư
cách là một nhà thơ Cách mạng, còn lớn hơn nhiều so với vài ba tập thơ, truyện
ngắn trước đấy, nhưng người ta lại cố tình quên đi, mà chỉ quan tâm đến tính chất
tiểu tư sản trong sáng tác của ông trước 1945.
Ngay lúc bình sinh, cũng như
khi đã về thế giới bên kia, cách đây gần 30 năm, Xuân Diệu và thơ tình của ông
vẫn luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm, bàn thảo với hàng loạt bài viết
như: Vạch trần nỗi khổ tình trai của nhà thơ Xuân Diệu; Nhà
thơ Hoàng Cát: Xuân Diệu yêu, còn tôi chỉ thương; Nghi án tình
trai với nhà thơ Xuân Diệu, Giải mã nghi án giới tính của
Xuân Diệu... Còn nhà văn Tô Hoài, người cùng thời và quen biết Xuân Diệu từ trước
Cách mạng tháng Tám, năm 1945 cũng dành hẳn chương III trong Hồi ký Cát bụi
chân ai của mình để viết về ông hoàng thơ tình này.
Trong các nhà văn, nhà thơ vừa
kể trên, mỗi người có quan hệ và tiếp xúc với Xuân Diệu theo cách riêng của
mình, nên có những kỷ niệm và cách nhìn nhận về ông cũng không ai giống ai. Huy
Cận và Xuân Diệu là tình bạn thuở thiếu thời là hai tính cách đối nghịch nhau,
nhưng cả hai đều cần phải dựa vào nhau để sống và hoạt động nghệ thuật.
Nếu chỉ căn cứ trên hồi ức của
nhân chứng để suy ra Xuân Diệu là người đồng tính hay ái nam ái nữ và thơ của
ông cũng là thơ của người đồng tính hay của người ái nam ái nữ là chưa thỏa
đáng, mặc dù ông đã có một số bài thơ nói về vấn đề này như Tình trai, Em
đi, Biển...
Nhân chứng cuối cùng, người
vợ duy nhất của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu là NSND, đạo diễn điện ảnh
Bạch Diệp. Dù quan hệ vợ chồng của hai người chỉ kéo dài khoảng sáu tháng,
nhưng những gì bà Bạch Diệp nói ra theo tôi là đáng tin cậy hơn cả. Ngày ấy,
sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, vào một ngày cuối thu đầu đông (11/1958),
Xuân Diệu ở ngôi nhà 24 phố Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phu) với gia đình
nhà thơ Huy Cận, đạp xe xuống nhà nàng ở cuối phố Bà Triệu, nơi có hàng hoa dạ
lan thơm nức. Chính nàng Bạch Diệp đã khơi nguồn cảm hứng để chàng thi sĩ đa
tình Xuân Diệu viết nên bài Dạ hương bất hủ:
Tôi cầm mùi dạ lan hương
Trong tay đi đến người
thương cách trùng
Dạ lan thơm nức lạ lùng
Tưởng như đi mãi không cùng
mùi hương.
Cuộc hôn nhân đầu tiên và
cũng là cuối cùng trong cuộc đời của ông hoàng thơ tình đã kết thúc một
cách hết sức chóng vánh và buồn thảm. Dù cuộc hôn nhân ấy chỉ tồn tại trên danh
nghĩa, xét theo khía cạnh thông thường của mọi cuộc hôn nhân. Tuy thế, đến bây
giờ, người vợ duy nhất vẫn nhớ về ông với niềm cảm mến sâu sắc: Cuộc hôn
nhân ngắn ngủi với Xuân Diệu như một luồng gió mát đi qua cuộc đời tôi. Luồng
gió đó dù ngắn nhưng đã để lại mãi ấn tượng trong tâm hồn. Chỉ là một luồng gió
thoáng qua nhưng lại làm tôi giữ mãi niềm thương mến, bởi tôi thực lòng rất
thương Xuân Diệu.
Như vậy chỉ có thể nói số phận
không cho Xuân Diệu được làm chồng, làm cha vì một căn bệnh quái ác. Nhưng dù
có thế nào ông cũng đều yêu thật và sống thật. Với bất cứ ai và bất kỳ thời điểm
nào tình yêu của ông với con người và với cuộc đời đều đằm thắm, nồng nàn đến bỏng
cháy, đầy chất nhân văn. Tôi cho rằng đấy mới là nguồn cội để ông viết nên những
áng thơ tình bất hủ, mà gần thế kỷ nay hoặc có thể sau này sẽ chẳng ai có thể
vượt qua được.
(1) Hoài Thanh và Hoài Chân.
Thi nhân VN. Nxb Văn học, H, 2010.
Đỗ Ngọc Yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét