Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Những tản văn hay


Những tản văn hay
Khói lam chiều

Dù đã đi xa quê nhà, xa lũy tre làng hơn 30 năm nhưng kỷ niệm của thưở chăn trâu cắt cỏ, một thời thơ dại, vẫn không thể nào phai nhạt trong tôi... 
Những chiều quê, vắt vẻo trên lưng trâu trở về nhà. Xa xa mặt trời đang chìm dần vào mảng chân trời xanh thẫm. Một màu tím từ từ dâng lên như muốn ngự trị cả bầu trời. Những đàn chim mải miết tìm về với tổ, vừa vội vã, vừa khoan thai. Những cánh cò chao chát trên lũy tre làng vừa yên bình, vừa náo nức. Dưới vòm tre xanh là những mái nhà tranh nhỏ bé, nằm nép mình tin cậy. Và từ mái tranh một làn khói nhẹ, không thể phân biệt là màu trắng hay xanh, lờ lững bay lên. Ấy là lúc Mẹ đang đun vội nồi cơm tối, mà tôi biết chắc trong đó khoai nhiều hơn gạo. Đó là những ngày nắng. Còn những chiều mưa, thu mình vào trong mảnh áo tơi, từ lưng trâu có thể nhìn rõ hơn những làn khói bếp. Hình như trong mưa chiều khói bếp đậm đà hơn, quyến rũ hơn. Cái lạnh từ bên ngoài, cái yên lặng của trời đất lúc chuyển mình làm cho con người cảm thấy trở nên nhỏ bé và mỏng manh hơn. Tôi chỉ muốn nhanh chóng ùa vào gian bếp chật chội và ấm cúng của Mẹ. Ánh lửa bập bùng. Ngọn lửa như nhảy múa, đùa dỡn xua đi cái lạnh và xóa tan cảm giác cô đơn trên nẻo đường về.
Đến bây giờ, trên những chuyến xe đi công tác về miền Tây xa xôi. Ngồi trên xe nhìn ra những làng xóm xa xa đang mờ dần sau làn sương chiều tôi vẫn không khỏi nao lòng. 
Nhớ ...
Ôi một thời thơ dại!.

Miền Tây thương nhớ

Được ví là vựa lúa của Việt Nam, đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, nơi được tạo nên bởi những hạt phù sa mà dòng MeKong cần mẫn bao đời vun đắp. 
Nơi đó những cánh đồng bao la, thẳng cánh cò bay. Nếu bạn về đồng bằng vào dịp lúa đang thì con gái, cả cánh đồng xanh rì, sóng nhấp nhô theo gió, như đại dương xanh mát mắt, một màu xanh như thực, như mơ. Vào dịp lúa chín, thân lúa cong cong như những chiếc cần câu nhỏ, xinh xắn, trĩu nặng những hạt vàng, tỏa hương ngan ngát. Cánh đồng vàng như bức tranh hiện lên từ những trang cổ tích. Màu vàng no ấm, nổi bật trên nền trời xanh nhạt, xa xa là những bờ cây xanh thẫm với những mái nhà nép mình yên bình dưới những tán lá, bên những bờ kênh. Những dòng kênh châu thổ hiền hòa, nước luôn mấp mé như muốn vượt lên bờ. Những dề lục bình, điểm những bông hoa phơn phớt tím, trôi thanh thản trên dòng nước lững lờ. Những cầu ao nho nhỏ chìa ra như những lời mời gọi bạn hãy tạm dừng chân ghé bước lên bờ.
Cặp bờ kênh là những vườn cây trái sum suê, với đủ loại như xoài, bưởi, cam, quýt, mít, dâu, chuối, nhãn, thơm, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, đu đủ… Những trưa hè, mắc chiếc võng vào hai gốc cây, ngửa mình nhìn lên vòm lá xanh, bạn dễ dàng bắt gặp những chùm quả lúc lĩu, trĩu cành. Gió mơn man, lách chách trong gió là tiếng sóng nhè nhẹ vỗ bờ, đưa bạn vào một giấc ngủ nhẹ nhàng, yên bình như trong nôi của Mẹ ngày thơ ấu...
Một thú vui rất đáng kể khi về với vùng sông nước này là ngồi ghe thả trôi dọc theo các dòng sông. Tha thướt trong ráng chiều là những cánh chèo mải miết, uyển chuyển mà nhịp nhàng của các cô thôn nữ trên những chiếc xuồng ba lá chở nặng, nước mấp mé mạn thuyền. Hoặc dạo chơi trên những con rạch nhỏ, hai bên là những hàng dừa nước cành lá runh rinh như những bàn tay mời gọi, ẩn khuất phía sau là những vườn cây trái. Chỉ cần ghé thăm một nhà vườn, bạn có thể cảm nhận được sự chân tình của người dân Nam Bộ, họ trò chuyện cởi mở và mến khách. Bạn có thể nếm những trái cây tươi ngon vừa mới hái, hoặc nhâm nhi món cá- vừa đánh bắt ở sông rạch, nướng trui với vài ly đế ấm nồng và ... thưởng thức đờn ca tài tử ngay trong vườn.
Những năm tháng xa quê, phiêu bạt theo nghề Thủy lợi, tôi đã nhận được biết bao nhiêu tấm chân tình của người dân Nam Bộ. Mãi trong tôi là những kỷ niệm êm đềm về miền quê trù phú, với những con người nhân hậu, tấm lòng luôn rộng mở, cưu mang.
Lâu lâu không được về lại miệt vườn, trong tôi lại trào lên một nỗi nhớ, niềm day dứt khôn nguôi. 
Ôi! Miền Tây thương nhớ...

Dòng sông, dĩ vãng, tuổi thơ... 

Dòng sông như những dòng đời, luôn gắn bó với con người. Sông vừa hiền hòa vừa dữ dội. Sông là nguồn sống, cũng là kỷ niệm, có cả vui, buồn… như dấu ấn tuổi thơ. 
Có lẽ ai cũng có một dòng sông chảy qua miền ký ức, qua những yếu đuối, ngây ngô buổi ban đầu, giàu xúc cảm, gắn liền với Dĩ vãng đáng tôn thờ… 
Trong cuộc sống bề bộn lo toan. Chuyện cơm áo, công danh, sự nghiệp… luôn cuốn ta đi với những sự vụ mỗi ngày. Để rồi có những lúc chợt giật mình nhớ về dòng sông thơ ấu. Nơi đã cùng ta qua năm tháng thơ ngây. Nơi lần đầu tôi biết được biết cảm giác sung sướng khi một mình vượt qua được nỗi sợ hãi. Được nếm hương vị của sự chiến thắng, dù chỉ là vượt qua một dòng sông nhỏ, nhưng đã cho mình cảm giác tự tin. Dòng sông thơ ấu của tôi, chỉ là một nhánh của dòng Lam giang kỳ vĩ. Trong mắt tôi thuở ấy, dòng sông đã chứa biết bao bí ẩn. Với những câu chuyện huyền ảo, đầy mộng mỵ… Những buổi tắm sông, đắm mình trong dòng nước mát, tôi cứ tưởng con sông quê mình là lớn nhất, đẹp nhất…
Rồi năm tháng qua đi, từ một cậu bé chăn trâu, tôi thành sinh viên Thuỷ lợi. Có lẽ cũng là do duyên phận với những dòng sông! Vào nghề, những cuộc viễn du đã đưa tôi đến với những dòng sông hùng vĩ của đất nước: sông Hồng ngầu đỏ, sông Đà xanh đen, sông Mã oai hùng… và dòng Cửu Long hiền hòa, trải rộng đến ngút ngàn. Đến đâu những dòng sông cũng luôn thân thiết, rộng mở như tấm lòng nhân hậu của Bà Mẹ Việt. Ôi, những dòng sông luôn mang nặng phù sa, bồi đắp nên những châu thổ màu mỡ, trù phú và ấm no.
Dù đã đi qua nhiều dòng sông, cả những dòng sông ở những chân trời xa lắc. Nhưng dội lên trong tôi luôn là nỗi nhớ khôn nguôi về dòng sông thơ ấu, dòng sông chảy qua miền thơ dại. Mỗi lần có dịp tôi lại về quê, đứng trên bờ dòng sông ngày ấy, nhớ lại những năm tháng thơ ngây, vô tư lự. Nhưng dòng sông thơ ấu bây giờ đã khác xưa nhiều. Dòng sông xưa giờ thành tù đọng, tôi nghẹn ngào khẽ gọi…
Chảy đi sông ơi…

CỎ MAY- Lovegrass

Thưở chăn trâu cắt cỏ, đuổi theo những cánh chuồn, cánh bướm ở góc trời thơ dại đã lưu dấu trong tôi một loài cỏ thân gầy, lá mỏng, luôn vươn thẳng, với những cánh hoa bé nhỏ, mong manh, tim tím biếc và sắc nhọn. Sắc nhọn mà không làm đau, không gây hại, chỉ để lại… vấn vương. Loài hoa có một cái tên dung dị, hiền lành - Hoa Cỏ May. Trong muôn vàn loài cỏ, có lẽ Cỏ May là gần gũi nhất, bởi luôn quấn quít với con người.
Lối về chợ, nơi anh em tôi vẫn dìu nhau ra ngóng Mẹ - xa vời vợi, qua một triền đê đầy nắng, lối đi học dọc theo những bãi cỏ, hanh hao trong tiết thu lành lạnh và những bờ sông đầy gió heo may. Những nẻo đường quê ẩn hiện trong giấc ngủ là lối mòn thấp thoáng, len lỏi giữa một triền cỏ may tím ngát, lao xao gió, tanh tách những cánh cào cào, châu chấu với những sắc màu rực rỡ như mơ ước tuổi thơ.
Lũy đất dày bao quanh lớp học với những mảng cỏ màu nửa xanh nửa vàng, che chắn cho lũ trẻ chúng tôi qua những tháng ngày bom đạn. Bãi cỏ ven con sông nhỏ đầu làng, nơi lũ trẻ mục đồng thường tụ hội, cũng là một vùng cỏ may nghiêng nghiêng theo gió, thường hiện về trong mơ như một xứ sở thần tiên…
Tất cả, tất cả... đều trải đầy Cỏ May!
Dòng thời gian trôi mãi... miền ký ức đầy lên cùng nắng, gió và vương đầy hoa cỏ. Gắn liền với kỷ niệm của một thời gian khó, như những bông cỏ găm vào tà áo mỏng, bạc phếch, đầy nốt vá của Mẹ ngày nào. Theo tháng năm những bông cỏ may nhỏ xíu, tưởng vô tình đã khâu những kỷ niệm tuổi thơ thành niềm thương, nỗi nhớ, và để lại những vương vấn không ngờ…
Dù đã đi qua biết bao miền cỏ dại, qua cả những thảo nguyên ngập tràn hoa nắng, mênh mông tận chân trời, những bãi cỏ điểm đầy hoa tím dọc những triền sông viễn xứ, đẹp đến nao lòng. Nhưng sâu thẳm trong ký ức vẫn thấp thoáng một vùng cỏ may thân thuộc với những cánh bướm vàng chấp chới, những cánh chuồn xanh đỏ, rập rờn. Thì ra tâm thức vẫn không thôi hướng về với bông hoa cỏ dung dị thuở nào, những bông hoa bé nhỏ vẫn ghim vào nỗi niềm thương nhớ như vẫn găm đầy vạt áo ấu thơ…
Những khi mệt mỏi trong cuộc mưu sinh, tôi thường lang thang ra ngoại ô, tìm về vùng hoa cỏ may, lăn người trên cỏ, để được đắm mình trong không gian yên bình, để cảm nhận cảm giác nhột nhạt khi những bông hoa cỏ chạm nhẹ vào da thịt, như được trở lại thưở thơ ấu đùa nghịch vô tư lự ở bãi cỏ ven sông. Và tôi như thấy mình được tiếp thêm sức mạnh tiềm ẩn từ những cánh hoa bé nhỏ, quê mùa. Để lại thấy cuộc sống đáng yêu biết nhường nào và mình mạnh mẽ hơn, nghị lực hơn. Tôi thấy rõ sự kiêu hãnh và sức sống phi thường từ nhánh cỏ may, luôn mọc thẳng, vươn lên mặc dù gió táp mưa sa, hoa vẫn nở- tím ngát thủy chung, sắc nhọn mà vô hại, không làm đau, chỉ làm cho vương vấn chân người…
Ôi! Loài hoa quấn quít đến là thương…

PHƯỢNG VỸ 

Như một định ước tự ngàn xưa giữa trời và đất, đến hẹn lại lên… Mỗi độ vào hè, khi nắng ong ong, bầu trời xanh thăm thẳm được đẩy lên tít tắp ở trên cao. Thì trong những vòm lá xanh ngăn ngắt một dàn đồng ca náo nức cũng bắt đầu trỗi dậy. Đó là giọng của những chú ve sầu, sau một thời gian dài lặng lẽ nằm trong đất, hồi sinh, bắt đầu một chu kỳ sống mới- một cuộc hoan ca. Đó là bài hát tuyệt vời ngợi ca sự sống diệu kỳ và bất diệt…
Đó cũng là lúc những cành phượng vỹ gầy guộc ngày nào, giờ phủ đầy lá non tơ, mơn mởn, với những nụ hoa chúm chím, rung rinh. Nhưng chỉ sau một vài đêm, như bừng tỉnh bởi tiếng ve giục giã, những bông hoa đỏ rụt rè tung cánh, rồi bừng nở như ngọn lửa, thắm tươi, mỏng mảnh, làm sáng cả bầu trời:
“Và... phượng vỹ như những bàn tay mở
Thắp lửa lên trời suốt cả mùa ve” .
Khi ngồi trong lớp học ngước nhìn lên thấy hoa phượng bắt đầu rơi. Rải rác trên sân trường đầy nắng là những cánh phượng hồng hồng, ấy cũng là lúc lũ trẻ chúng tôi bắt đầu rạo rực. Một cảm giác vừa vui, lại vừa buồn… Vui vì sắp nghỉ học và buồn cũng vì sắp… nghỉ học. Cái cảm giác chơi vơi, man mác, nhưng vui và khấp khởi nhiều hơn.
Thế là sắp không phải đến trường... Chiếc cặp sách với vài cuốn giáo khoa từ thời anh chị để lại đã quằn hết góc,vài ba cuốn vở ghi sẽ được ném vào ngạch tủ...
Thế giới trở nên sôi động hơn với nhiều trò vui lạ. Đó có thể là những trận đánh giặc giả với vũ khí là những bẹ chuối, những trận đá bóng với những quả bưởi non hái trộm ở vườn nhà, hoặc những trò bắt cá, nướng khoai, hay đốt lửa, thả diều... Với lũ trẻ mục đồng chúng tôi đó là những trận vui vô tiền, khoáng hậu. Sau những trận chiến, khi trời đã ngả về chiều là lúc lũ chúng tôi, đứa nào trông cũng như từ tổ quỷ chui ra, bẩn thỉu, nhễ nhại, gom bầy trâu, lùa chúng về với dòng sông quê đang lờ lững trôi xuôi. Ôi những dòng sông thưở ấy, xanh trong và mát đến lạ lùng. Chúng tôi và bầy trâu cùng ùa xuống dòng sông, cùng nhau ngụp lặn và vẫy vùng...
"Cùng một bến sông
Con trâu đằm sóng dưới
Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn..."
Thấm thoắt, như chưa hề được nghỉ, 3 tháng hè vụt trôi như thể đồng hồ tuột cót. Lại một năm học mới đón chờ.
Thôi! Tạm biệt kỷ niệm! Chào mi hè ơi! Hẹn gặp lại! Tiếc nuối và hy vọng...
Sau bao nhiêu năm nổi trôi trong dòng đời sôi động, cảm giác cũ vẫn tràn về vào mỗi dịp hè sang. Màu hoa đỏ giữa nền xanh lồng lộng làm ký ức tôi cuộn lên biết bao hoài niệm…
Nghe văng vẳng đâu đây điệu hát ngày nào...
Hè ơi, hè ơi…

RỪNG BẦN

 Nguyễn Ngọc Tư
Chiếc ghe máy đi chậm rãi trên lòng rạch đang buổi nước ròng. Hai ông cháu chủ ghe làm tôi nhớ cái truyện Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, dù ở đây nhiều bần, ít mắm. Thằng nhỏ đen thui, da mốc cời trên mình chỉ dính cái quần cộc, nằm gối đầu lên ông già cũng đen thui mốc cời chỉ quần cộc trên người. Họ đưa tôi ra gần cửa biển, chỗ một cồn cát nghe nói khá đẹp. Nước biển trong, tắm được. “Người ta hay ra đó chơi”, thằng nhỏ quảng cáo ngắn gọn.

Hai bên bờ rạch là những cây bần lớp quỳ lớp đứng thành chòm, thành rừng. Những trái bần xanh gây ra một phản xạ ứa nước miếng, ê răng cho những ai từng nếm thử chúng, dù chỉ một lần. Cây lá thưa, cành rời nên có mọc dày cũng không thấy chen chúc, vẫn thấy những khoảng trống. Dầm chân trong sình lầy, mỗi cây là một đìu hiu, họp lại làm rừng cũng là một rừng đìu hiu, buồn buồn. Ngửa mặt thấy phía trên những nhánh bần de ra lòng rạch là trăng chiều mỏng và lạnh. Cảnh này mà có thả cụ Charlie Chaplin vô giễu cũng không cười nổi. Riêng cái tên "bần" thôi đã nghe có chút ngậm ngùi rồi.
Chiếc ghe tấp vô bờ, thả tôi lên cồn, ông già dặn cứ chơi vui chừng nào về cũng được. Tôi lang thang giữa những rẫy dưa hấu tàn mùa, chỉ còn mấy trái đèo nằm chèo queo trên cát. Những gốc cây dạt lên bãi sau cơn biển động nằm chỏng gọng. Vài người đàn bà đi mót củi không nói cười. Đơn độc giữa bãi biển là căn chòi canh giữ của hợp tác xã nghêu giống, nóc cắm ngọn cờ le lói. Xóm cồn nhà nào cũng thấp, phần lớn cất bằng vật liệu tạm bợ. Báo viết cồn cát này sắp bị biển nuốt mất, nhưng mấy thím đang ngồi làm cỏ rẫy thì lia mũi dao về phía trời ngó bộ rất coi thường, "ối người xứ này đất bồi thì ở đất lở thì đi, lo cũng không khỏi"... Lội bộ mỏi chân nên ghé một nhà có ông già đang ngồi tư lự, hỏi nhà mình sống bằng nghề gì, ông tỉnh bơ cười, "qua ăn trộm". Mắt không hề chớp. Thì ra là trộm nghêu giống của hợp tác xã mà chính ông cũng là xã viên. Hồi trước nhà ông có vài công đất rẫy nhưng bị sóng nuốt mất rồi, giờ không cào nghêu trộm thì chết đói. Ông nói không trông mong gì cái ban chủ nhiệm toàn là vơ vét cho đầy túi họ. Đang ngồi có người đàn ông tạt vô uống mấy ly trà, nói vài câu qua quýt, còn vô bếp lục nồi ra chiều thân mật lắm. Chừng khách đi rồi ông già mới nheo mắt khinh bỉ nói, "Phó chủ nhiệm hợp tác xã đó, như mật thám hồi chiến, suốt ngày đi thăm dò, bếp nhà qua mà có thịt là nó biết qua cào nghêu của nó..." Nhưng trong bếp không có gì ngoài mấy con cá kho quéo, dưa hấu non xắt nhỏ xào mỡ tỏi. Ông già thấy tôi hơi xót cho bầy con nít lủ khủ đầy nhà nên hạ giọng thầm thì, "thịt heo bà vợ qua giấu trên giàn củi, đợi khuya mới cho tụi nhỏ ăn..."
Sau chi tiết đó thì tôi thấy cái xóm cồn nhỏ này trở nên thênh thang. Mấy chục nóc gia bị cắt vụn bởi cuộc chiến giành giật miếng ăn. Biển nuốt đất nên trả lại cho người một bãi nghêu, được nghêu thì tình người hao khuyết. Chòm xóm mặt cười với nhau mà lòng lạnh. Như màu trăng giữa nắng. Như cây bần, như rừng bần, đứng kề mà như rời ra, cô độc.
Tôi bỏ ra chỗ chiếc ghe đang đậu chờ dưới mé rạch. Ông già đang nhả khói hơi ngạc nhiên, hỏi sao tôi chơi ít vậy. Tôi than xóm này buồn quá. Ông ờ ờ quăng điếu thuốc hút dở xuống rễ bần, nói nhẹ bâng, "mấy bữa trước, ngay trân đêm hội lăng Ông, có người ăn trộm nghêu bị bắn què giò..."
Câu chuyện làm tôi muốn lập tức quay về, nhưng thằng nhỏ cháu của ông già chạy hơi đâu mất. Ông già réo gọi hoài không được, sợ du khách phật ý nên rốt cuộc ông già bỏ thằng nhỏ lại. Ghe đi một đoạn thì thấy trên bờ thằng nhỏ vọt theo kêu ngoại ơi ngoại. Ông già lầm lì như không ngó thấy. Thằng nhỏ chạy vọt qua khỏi đầu chiếc ghe rồi lội càn xuống đu mũi ghe leo lên. Ướt ròng, thằng nhỏ ôm bàn chân đang chảy máu, chắc bị miểng ốc cắt, lấm lét ngó ông già. Nếu không liều nó sẽ phải lội bộ ba cây số, luồn qua bao vạt rừng bần, qua một con rạch mới có thể về đến nhà.
Suốt chặng đường từ mé biển về, tôi ngồi giữa cơn im lặng của hai ông cháu. Trời im gió, những cây bần lặng yên không vẫy. Trả tiền công cho ông già xong bỗng nghe thằng nhỏ thỏ thẻ, "có tiền thì khuya nay mình khỏi đi cào nghêu, hả ngoại?"
Rừng bần thì đẹp lắm, nhưng buồn...

BÈO TÂY-LỤC BÌNH

Vào độ cuối đông khi đất trời khe khẽ chuyển mình, cũng là lúc giao mùa- chuẩn bị sang xuân. Tiết trời bớt lạnh, hơi gió ấm dần, xem chừng đã bớt hanh hao. Trên mặt những ao đầm ở làng quê luôn bảng lảng một làn hơi nước nhè nhẹ, những cụm bèo tây nép vào nhau, đang im lìm ngủ nướng. Bỗng một buổi sáng kia thức dậy ta như không tin vào mắt mình, mặt ao đã tím ngát những bông hoa. Trên những cánh hoa mỏng mảnh đang e ấp trong gió ban mai thấp thoáng điểm ánh vàng...
Những bông hoa như thắp sáng cả vùng mơ ước, đã là gợi ý để ai đó viết nên câu thơ da diết đến cháy lòng "thèm chút hoa bèo đỡ tối bờ ao". Mà mỗi lần đọc lên luôn gợi nhớ trong tôi về miền quê và những ngày gian khó. Cánh hoa bèo năm nao đã gắn bó với những năm tháng tuổi thơ, yên bình trên vùng quê nghèo, với những buổi trưa ngồi trên bờ ao, nhìn những cụm bèo rung rinh mà thả hồn tưởng tượng... Cây bèo tây đã cùng với những loài rau dân dã khác giúp Mẹ nuôi lớn những ước mơ của bầy con qua những chú lợn còi cọc như những đứa trẻ thiếu ăn. Những chú lợn lớn dần với những thứ còn sót lại sau những bữa ăn đạm bạc, quê mùa, chúng lớn được có lẽ nhờ vào bèo tây là chính...
Như cánh bèo trôi, cùng với thời gian, tôi lớn lên, được ăn học và ngược xuôi mọi miền: vào Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển... Nhưng những cánh hoa tím vẫn luôn nhắc nhở tôi về miền quê yêu dấu.
Để rồi đến một ngày, như một sự run rủi, tôi lại gặp được “cố nhân”- những cánh bèo tây, người bạn thời thơ dại ở một miền quê xa ngái... trên vùng sông nước mênh mang ở châu thổ Cửu Long.
Ở Miền Tây, người bạn cũ của tôi được gọi là Lục Bình. Ở đâu, dù tên gọi gì thì loài cây này cũng đều mang sắc thái riêng có của loài thủy thảo đáng yêu, luôn mọc thẳng. Và mặc cho gió táp mưa sa chúng vẫn luôn kiên cường, sát cánh bên nhau, kết bè, dâng cho đời những bông hoa tím, như một minh chứng cho sự thủy chung. Và những cánh lục bình ngay lập tức đã làm cho tôi cảm thấy ấm lòng ngay trên vùng quê mới, làm cho tôi cảm nhận được sự yên bình...
Bạn tôi, một nhà thơ tài hoa đã viết nên những dòng thơ như một lời tự sự:
“Dập dềnh nắng táp mưa sa
Thân trôi dạt vẫn nở hoa kết bè
Dỗ dành nhau lúc xa quê
Nhớ thương trải tím nẻo về cố hương!” .
Thế rồi...Vào mùa nước nổi, từng dề lục bình trôi lờ lững trên sông...Chúng đang phiêu lưu cùng sông nước về với những miền quê heo hút, đây thực sự là những kẻ lãng du! Những kẻ đang phiêu bồng, ngược xuôi trên mọi dòng đời, chỉ để nở những bông hoa đẹp như mơ ước. Cũng là để chứng tỏ sức sống, sự đoàn kết và sự thủy chung.

HOA TRINH NỮ

Những ngày cuối thu, tiết trời thật dễ chịu, không nắng gắt, trong gió đôi lúc như hình đã thoang thoảng vị heo may. Đây là thời điểm tuyệt vời để một loài hoa cỏ vào mùa.
Những bông hoa xoè ra tròn đều như những quả cầu, màu tím hồng trang nhã, nhẹ nhàng điểm xuyết trên nền xanh tươi mới của cỏ cây. Loài hoa với những cánh hoa thanh mảnh, có hạt tròn màu trắng nhỏ xinh gắn ở đầu cánh. Một loài hoa dại, luôn nép mình trong cỏ, bên vệ đường, trong những bụi cây thâm thấp nhưng có một cái tên rất kiêu kỳ và hoa mỹ: Hoa Trinh Nữ. Ở vùng quê tôi loài hoa này mang cái tên đơn giản và mộc mạc hơn nhiều: Hoa Thẹn.
Có lẽ đây là loài hoa dịu dàng và ưa thích sự nhẹ nhàng nhất trong muôn loài hoa được tạo hóa sinh ra để tô điểm cho Đời.
Nếu bạn vô tình chạm vào những chiếc lá sẽ cụp lại, thẹn thùng như một nàng thiếu nữ. Để rồi vài phút sau, khi cảm thấy bình yên trở về, những chiếc lá lại vươn lên như để khoe sắc thắm, để đón nhận ánh nắng mặt trời.
Thời thơ dại lũ trẻ mục đồng chúng tôi thường hay trêu chọc loài hoa hiền lành này, chỉ để được ngắm sự e ấp, thơ ngây của loài hoa dân dã, rồi cảm nhận sự trở lại bình thản của loài hoa cỏ. Nó trở lại như chưa hề có sự phá phách của đám trẻ chúng tôi. Cái tinh nghịch của tuổi thơ đã giúp tôi phần nào cảm nhận được điều thú vị mà đến bây giờ theo năm tháng càng thấy rõ ràng hơn. Đó là sau những va chạm với đời, loài cây này vẫn vươn lên mạnh mẽ, khẳng định bản ngã, chứng tỏ một sức sống mãnh liệt, không hề run sợ.
Ở nhiều nơi cây trinh nữ còn có tên gọi là cây mắc cỡ, cây xấu hổ. Khi bị đụng chạm, nó lập tức thể hiện ngay sự “xấu hổ” của mình bằng cách khép những cành lá lại. Đặc tính này rất cần thiết cho sự tồn tại và sinh trưởng của cây, để nó thích nghi với điều kiện tự nhiên, nhất là khi gặp phải những trận mưa bão lớn, lúc đó xấu hổ thu lá để che chở cho lá non tránh được những cú va đập của cuộc đời.
Chính loài hoa cỏ dân dã, mộc mạc đã dạy cho tôi một phương châm ứng xử với đời!.

HOA LAU

Trong những chuyến ngược xuôi về với miền Tây yêu dấu, khi ánh tà dương gần tắt, cũng là lúc đất trời sắp giao hòa, đôi khi tình cờ ta gặp những cụm lau lẻ loi với những chùm bông phiêu hốt, mềm mại, trắng đến lạ lùng, nghiêng nghiêng trong gió. Nhìn từ xa giống như những đám mây nhỏ lãng du đang từ trên Trời sà xuống để đưa đến cho Đất những thông điệp mà chỉ riêng có đất trời mới hiểu... Những lúc ấy bao giờ tôi cũng dừng xe, đứng nhìn một cách say sưa, mê đắm và từ đâu đó vang lên trong tôi điệu nhạc du dương trầm bổng, trên nền là những câu thơ da diết đến cháy lòng:
“Khi bước đến chân đèo lộng gió
Nhìn bông lau xao xác ngả nghiêng chiều
Lòng chợt thấy thương về ngọn cỏ
Dọc bờ sông trắng nắng đìu hiu...”
Năm tháng trôi đi, với bao bề bộn, lo toan cho cuộc mưu sinh (và cả bon chen nữa!) đã làm cho ta đôi lúc nguôi quên. Những kỷ niệm xưa như những viên than hồng được ủ kín dưới lớp tro tàn năm tháng, nhưng chỉ cần một cơn gió vô tình thổi tới là nó lại bùng lên khiến ta phải nhói lòng!
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê với những trận gió Lào nóng bỏng, bên một nhánh nhỏ của dòng Lam Giang thơ mộng. Chiều chiều lùa trâu ra dòng sông tắm mát, nép bên sông là một vài cụm lau nghiêng mình soi bóng xuống dòng nước hiền hòa.
Thuở bé, tôi lớn lên trong sự dạy dỗ của ông. Cha tôi là một thầy giáo luôn công tác xa nhà. Sự học của tôi do ông tôi rèn cặp, lúc đó ông tôi đã sáu mươi ngoài. Dáng người nho nhã, tóc, râu trắng muốt như một ông tiên. Ông dạy tôi từ những nét bút đầu đời, đến những nết ăn ở, cách cư xử...
Thế mà... đã 34 năm tôi xa Ông tôi mãi mãi. Ngày Ông mất tôi đang ôn thi học kỳ, cả nhà sợ ảnh hưởng đến kết quả nên không ai dám báo. Tôi như linh cảm được điều gì, đến thăm nhà Chú và nhận được tin dữ. Lập tức lao ra ga, tàu xe thời đó chậm như không thể chậm hơn được nữa, khi về đến nhà thì Ông đã đi xa... Một mình, tôi lang thang ra bờ sông và ngồi khóc cho thỏa nỗi lòng... Đó là mất mát đầu đời...
Năm tháng lại hối hả trôi đi trong dòng đời tấp nập. Tôi ra trường, vào với miền Tây xa ngái, về với đồng bằng châu thổ ngút ngàn, thẳng cánh cò bay. Nghề quy hoạch thủy lợi đưa tôi về khắp mọi vùng quê yên bình và dịu mát, với người dân Nam Bộ hiền lành, chân chất, khẳng khái, bao dung. Vậy nhưng vẫn có những buổi chiều, trong ánh hoàng hôn, lẻ loi tôi đứng, ngóng về phương bắc, nhìn những bông lau chao nghiêng, thương đắng đót quê nghèo đang mùa thiếu đói.
Sau ngày Ông tôi mất Cha tôi đã được chuyển về dạy ở gần nhà. Lúc này mái tóc Người cũng đã điểm sương. Suốt những năm dài Cha tôi đi gieo chữ cho vùng sơn cước, nay mới được về quê. Lương giáo viên, một đàn con ăn học. Mẹ tôi làm ruộng lo ba hạt thóc đã thấy hao gầy. Để góp phần tạo chỗ đi lại, học hành cho em út, tôi lại ngược về xứ Bắc, mang theo nỗi niềm sông nước.
Hà Nội, đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Nơi ghi lại những được, mất, vui, buồn. Mãi còn đậm dấu ấn của tình yêu, tình bạn... Nơi đã cho tôi rất nhiều và để lại trong tôi những năm tháng không thể nào quên.
Nhưng, như một kẻ viễn du, khi mọi sự tưởng đã yên bề, hơn một phần tư thế kỷ gắn bó với Thủ đô, tôi lại lên cơn lang bạt, một lần nữa thiên di về phương Nam đầy nắng, gió. Thoảng nghe hình như có tiếng gọi mời từ nơi hoang dã...Vậy là lại có dịp trở về với sông nước mênh mang, với những con người mộc mạc, chân tình. Có lẽ 4 năm vào đời tôi đã mang theo duyên nợ với vùng châu thổ phóng khoáng mất rồi...
Cách đây 2 năm, trong một buổi chiều, tin dữ lại đến khi tôi đang trên bục giảng. Nghẹn ngào cho sinh viên nghỉ học, báo vội với nhà trường, về nhà đưa 2 con ra thẳng sân bay (Vợ tôi đang ở Hà Nội và đã về trước đó). Chuyến bay về Vinh, gặp thời tiết xấu phải chuyển ra Hà Nội. Liên hệ với bạn bè, xe chờ sẵn cha con tôi ở sân bay Nội Bài, chạy trực chỉ suốt đêm về quê. Lần này tôi vẫn chỉ kịp nhìn mặt Cha mình trước khi làm lễ. Mái tóc pha sương của Người ẩn hiện qua màn khói hương hư ảo làm cho lòng tôi quặn thắt, nước mắt lặn vào trong. Một lần nữa lại là mất mát. Vẫn biết đó là lẽ thường của một kiếp người, nhưng lòng không nỡ...
Soi gương thấy tóc vương đầy bụi tháng năm, giật mình và chợt nhớ: thì ra mình cũng đã đến... “chân đèo”!
Bất chợt thấy thương, thương đến chạnh lòng những bông lau đơn lẻ, nghiêng chao trong gió chiều, giữa bao la trời đất, phía xa hoàng hôn đang nhuộm tím chân trời...
Thèm được trở về căn nhà xưa cũ, thắp một nén hương thơm lên bàn thờ tiên tổ, cúi đầu rưng rưng...

HOA HỒNG TRẮNG

Tôi và em, hai con người khác xa nhau về hoàn cảnh và tính cách. Em tự do sống trong căn nhà mà chẳng bữa ăn nào được đầy đủ mọi thành viên. Cha mẹ tôi đều làm nghề giáo, sống nhẹ nhàng và nho nhã.
Tôi thích những chốn bình yên, thích cafe Trịnh trầm ngâm hoài cổ.
Em thích những nơi đông đảo, thích quán cafe Rock đầy khói thuốc lá đến mùi nồng hôi, nhạc mở to chan chát và lắc lư trong cuồng say điệu nhạc.
Tôi và em, hai thế giới khác nhau, ấy mà lại gặp nhau, lại yêu nhau, chỉ bởi vì loài hoa hồng trắng.
Tình cờ chúng tôi gặp nhau trong đám cưới một người bạn. Cô nàng cắm hoa cưới đã vứt đi 1 bó hoa hồng trắng qua mặt chúng tôi - những người bạn của cô dâu chú rể đến sớm để giúp chuẩn bị. Tôi nhặt lại bó hoa cũng là lúc chạm vào tay một cô gái. Cô gái ấy mỉm cười «Hoa đẹp thế này mà bỏ đi? Đúng là chỉ còn có 2 người là có lòng yêu cái đẹp!». Tôi phì cười sau khi nghe em nói vậy.
Sau đám cưới đó, em chủ động cho tôi số điện thoại. 3 tháng sau đám cưới đó, em chủ động ngỏ lời yêu tôi. 6 tháng sau đám cưới đó, em tặng cho tôi một bó hoa hồng màu trắng.
- Màu trắng là tượng trưng cho sự thanh khiết em ah!
- Còn em thích màu trắng vì em thích sự đơn giản. Mà anh có biết, sự đơn giản nhất trên đời này là gì không?
Tôi lắc đầu nhè nhẹ. Em dựa mạnh vào lòng tôi «Là cái chết». Tôi bảo em nói bậy. Em cười nguệch miệng «Vì màu trắng tượng trưng cho sự tang tóc!».
Mẹ tôi đề nghị dẫn em về nhà. Bà luôn có ý nghĩ rằng, là con gái thì phải biết chơi 1 loại nhạc cụ. Vì thế, em gái tôi được học vĩ cầm từ khi mới 5 tuổi. Tôi mang nỗi băn khoăn này cho em.
Em mỉm cười «Em chơi guitar phiêu lắm anh ah». Trời ơi! Đấy đâu phải là loại nhạc cụ mà mẹ tôi định nghĩa rằng con gái cần biết chơi. Nhưng em không để tâm đến điều đó, em nhảy phóc lên bục, đeo cây guitar vào và đưa tay nhanh mạnh vào những sợi dây đàn, người nhảy lên hừng hực. Tôi ra ngoài, chờ em.
15 phút sau, em ra ngoài, giơ bao thuốc lên mời tôi. Tôi cáu gạt phắt đi «con gái thì không được hút thuốc! Mẹ anh ghét con gái hút thuốc lá!». Em rít 1 hơi dài «đó là style của em rồi. Tại sao con trai được hút thuốc còn con gái thì không?».
Tôi bỏ đi. Em không cản lại. Em quay vào và những tiếng nhạc chát chúa lại vang lên. Đúng như bạn bè tôi vẫn ngăn cản, thế giới của em và tôi không thể nào hoà hợp. Cho dù là tôi có cố gắng hết sức, thì em vẫn sẽ gạt phăng đi, bởi vì những gì tồn tại trong từ điển cuộc sống của em là bất biến, là duy nhất và cho dù tôi có chen ngang vào cuộc sống của em, thì sẽ không có một điều gì thuộc về tôi lọt vào cuốn từ điển ấy.
Tôi viết nhật ký, về em, về những cảm xúc của tôi. Và những dòng chữ nhoè đi bởi những giọt nước mắt. Một thằng con trai 24 tuổi mà khóc vì 1 đứa con gái không nữ tính, không dịu dàng. Mẹ tôi sẽ chẳng thể chấp nhận được điều đó.
Nhưng rồi trời xui đất khiến thế nào, tôi lại vô tình để rơi cuốn sổ nhật ký của mình ở bậu cửa sổ giữa cầu thang tầng 2 và 3. Mẹ đọc được. Trưa hôm đó, mẹ khuyên tôi rằng mẹ hiểu trong thời hiện đại, chuyện một cô gái đam mê Rock là chuyện bình thường, thậm chí còn thể hiện cái tôi của cô gái ấy. Chỉ là nên khuyên cô gái bỏ thuốc lá, bởi vì hút thuốc có hại cho sức khoẻ. Việc ấy mẹ sẽ giúp, chỉ cần tôi đưa em về gặp mẹ.
Tôi vui sướng chạy đi tìm em. Phòng tập hát im ỉm buồn rầu sau chiếc khoá to tướng. Đến quán cafe Rock, thấy thông báo đóng cửa. Chạy xe ngược đường về nhà em, chị giúp việc mở cửa «Cô ấy đi rồi. Sang Mỹ. Cô ấy gửi cho cậu cái này».
«Anh à! Em xin lỗi vì đi mà không nói lời nào với anh. Em gửi lại cho anh bản nhạc mà em thích nhất. Em hy vọng anh cũng sẽ thích nó. Những giai điệu ở folk nhẹ nhàng anh ạ. “Promise me, when you see, a white rose you’ll think of me. I love you so, Never let go, I will be your ghost of a rose”. ("hãy hứa với em đi, khi thấy bông hồng trắng, anh sẽ nghĩ đến em, em yêu anh nhiều lắm, chẳng bao giờ rời xa, Em sẽ mãi luôn là hồn hoa của anh").
Kèm theo lá thư là chiếc đĩa hát. Tôi đưa chiếc đĩa vào chiếc headphone, hình ảnh những bó hoa hồng trắng muốt hiện ra. Trong trắng lắm, dịu dàng lắm mà sao tôi thấy buồn đến vậy? Sau tiếng guitar nhẹ nhàng dạo đầu, giọng hát trong trẻo của em cất lên theo nhịp. Sao giọng hát buồn đến thế hả em? “Đơn giản nhất là cái chết” tôi bất chợt thấy sợ hãi khi nhớ lại câu nói đó của em.
Tôi vội vã đến nhà em lần nữa, chiếc headphone nằm gọn trong túi áo khoác, suốt cả dọc đường đến nhà em, không một giây phút nào là tôi không nghe bài hát đó của em. May mắn tôi gặp được mẹ em ở cổng nhà, sau khi biết tôi là người mà con gái bà yêu, mẹ em đã cho tôi số điện thoại của em.
Tôi vội vã gọi sang, đầu bên kia, em nhận ra giọng tôi, không đợi tôi nói gì, em cất tiếng hát “Promise me, when you see, a white rose you’ll think of me. I love you so, Never let go, I will be your ghost of a rose”. Rồi em nhè nhẹ “Anh hứa với em nhé!”. Uh, anh hứa. Rồi em cúp máy, không để cho tôi kịp nói thêm bất cứ điều gì.
Từ đó, đều đặn mỗi chủ nhật, tôi nhận được một bó hoa hồng trắng đẹp vô cùng trước cửa nhà. Những bó hoa không biết ai gửi. Không một tấm thiệp nào kèm theo.
Cho đến một ngày, vào ngày kỷ niệm mà em đã tỏ tình với tôi, bó hoa hồng trắng ấy đã kèm theo một tấm thiệp với dòng chữ “Promise me, when you see, a white rose you’ll think of me. I love you so, Never let go, I will be your ghost of a rose”.
Em, tôi biết đó là em. Tôi gọi điện sang Mỹ, chỉ có những tiếng tít dài vang lên. Tôi sang nhà em, họ nói rằng ngôi nhà này đã bị bán đi được một tuần. Họ nói những câu nói rời rạc “nước Mỹ”, “ô tô”, “màu trắng”, “bão”, “núi và biển”, “đường vòng”. Từ hôm đó, tôi không còn nhận được bó hoa màu trắng nào mỗi chủ nhật nữa.
Tôi search khắp các trang tìm kiếm xem ở nước Mỹ có tai nạn nào ô tô nào ở khu vực đó vào hôm cuối cùng em gửi hoa cho tôi hay không. Tôi nhờ bạn bè du học bên đó và những mối quan hệ của họ để hỏi về tin tức của em. Tôi gọi điện thoại sang đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, tất cả những câu trả lời đều không làm cho tôi hài lòng.
Mẹ khuyên tôi đừng buồn nữa. Mẹ, bố và em gái cố gắng làm mọi việc để cho tôi bớt buồn đi. Nhưng tôi không thể. Ngày ngày, công việc mà tôi dành nhiều thời gian nhất là tìm thông tin về em. Càng tìm càng bế tắc. Nhưng mẹ nói rằng, không có tin nghĩa là không có tin dữ, điều đó làm cho tôi bình tĩnh hơn.
Đến một hôm, có 1 cậu bé chạc tuổi em gái tôi đến tìm nó, cậu bé có mang theo chiếc đàn guitar. Nhìn cây đàn mà tôi nhớ em đến da diết, đến độ cháy rực lòng. Tôi nhờ cậu bé đó dạy guitar cho mình.
Tôi học chăm chỉ, cần mẫn như một chú kiến. Tôi học đánh tất cả những bản nhạc mà trước đây em đã chơi, đặc biệt là Ghost of a Rose. Nhưng dù cố gắng thế nào, tôi vẫn không chơi hay như em được, tôi nghe đi nghe lại bài hát trong chiếc đĩa em để lại bất kỳ lúc nào tôi có thời gian rảnh rỗi. Tôi để nó làm nhạc chuông điện thoại, để nó làm nhạc báo thức mỗi sáng, chỉ vì tôi muốn nghe giọng hát của em, chỉ vì tôi yêu em vô cùng.
Em gái tôi suốt ngày bị nghe bài hát đó, đâm ra cũng yêu nó như tôi. Em đề nghị tôi sẽ đánh đàn guitar, còn em tôi hát. Tôi đồng ý. Với sự giúp đỡ của cậu bé bạn em gái, chúng tôi thu âm và đưa bài hát này lên trang nhật ký của hai anh em. Trang nhật ký được trang trí bằng những bông hoa hồng trắng muốt đến độ tinh khôi.…
Tôi đóng trang nhật ký mạng lại. Tôi thôi không nghe "Ghost of a Rose" em gửi lại. Nhưng đâu đó, bất chợt đi qua cửa hàng hoa, hay đi dạo qua ở trên khu rừng cách nhà hơn 50km, khi nhìn thấy những bông hoa hồng trắng, tôi vẫn nghĩ đến em, như đã từng hứa.
Bất chợt, tôi vẫn thấy em thoáng qua trong phút chốc, vẫn thấy nhè nhẹ ở đâu đó câu nói “Promise me , when you see, a white rose you’ll think of me. I love you so, Never let go, I will be your ghost of a rose”. Rồi tiếng đàn guitar lại vang lên, lướt nhẹ nhàng lắm, như gió, như hơi thở của em, như tiếng lòng của tôi, cả những nỗi niềm mà muôn đời nữa vẫn chưa giải thích nổi.
Ngay khi tôi quyết định chỉ dành tình yêu cho hoa hồng trắng tự đáy lòng mà không biểu lộ ra nữa, thì bất ngờ em trở về. Với một bộ váy màu trắng tinh khôi, đội vòng nguyệt quế tết bằng hoa hồng bạch và nụ cười mãn nguyện.
Mẹ xuất hiện, nói với tôi rằng em bị ung thư phổi từ bé, em bi quan cuộc sống nên càng tập tành hút thuốc. Nhưng rồi, tình yêu Rock và tình yêu của tôi đã làm em biết rằng mình cần có nghị lực để chữa bệnh, và em sang Mỹ, chống chọi với bệnh tật và kỳ lạ rằng, em đã vượt qua nó, để trở về bên tôi. Chính mẹ tôi là người khuyên em đi, là người thay em tặng hoa hồng trắng cho tôi vào mỗi chủ nhật, là người cùng em tôi giúp tôi yêu đàn guitar hơn, giúp tôi trải qua những ngày không có em bên cạnh.
Đám cưới của chúng tôi trải đầy hoa hồng trắng. Và nụ cười của ai cũng tinh khiết và trong veo như màu hoa ấy.


Theo http://sac.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...