Lời thưa trước: Chiều hôm qua, 12-9 HB11, tôi rất vui
khi được gặp lại hai người bạn cũ, Phùng Văn Hoàng và Đoàn Văn Tri, vốn cùng
nhau học lớp 12C Trường Trung học Phan Châu Trình, Đà Nẵng, niên khoá
1973-1974. Giữa cuộc chuyện trò tại quán cà phê gần nhà, Hoàng có nhắc đến một
bài viết của tôi và các tác phẩm của bạn bè trong giai phẩm Tết Nguyên đán năm ấy (*).
Giai phẩm đó đã được Đoàn Văn Tri lưu giữ bản gốc. Đoàn Văn Tri lại tặng cho Phạm
Hồng Thắng, và Thắng đã sao chụp để tặng lại Hoàng. Thế là cả ba đều đi về nhà Hoàng
để xem lại ấn phẩm ronéo đầy kỉ niệm với nhiều chữ kí lưu bút (**). Mặc dù
đã được sao chụp lại (photocopy), nhưng may thay, vẫn còn rất rõ nét.
Bài “Tôi và nàng chinh phụ xa xưa”, tôi viết vào năm 1973 tại
Đà Nẵng, trong bối cảnh với không khí xã hội và tâm trạng đặc trưng của Miền
Nam Việt Nam thuở bấy giờ. Chủ đích của bài viết được thể hiện rất rõ. Đó là tư
tưởng phản chiến (phản đối chiến tranh). Và mặc dù viết về nàng chinh phụ xa
xưa của Đặng Trần Côn (nửa đầu thế kỉ XVIII), nhưng đối tượng nhắm đến chủ yếu
vẫn là những người đang và sắp bị đứng trong hàng ngũ quân đội chế độ cũ, gồm cả
một số cán bộ kháng chiến chống Pháp, chống Nhật (thể hiện qua thơ Hữu Loan,
Yên Thao...), bộ phận trung niên, thanh niên có khuynh hướng chống Mỹ, oán ghét
chiến tranh hay bế tắc trước thực trạng bối cảnh thuở đó... Đặng Trần Côn bấy
giờ, được hiểu như một người trốn lính, đào hầm để sáng tác, thể hiện tư tưởng
chống lại chiến tranh phi nghĩa giữa các tập đoàn vua quan phong kiến. “Chinh
phụ ngâm khúc” của ông -- đã được Phan Huy Ích (hay Đoàn Thị Điểm ?) dịch ra chữ
Nôm -- với tôi ngày ấy, thực sự là một ám ảnh không nguôi. Nếu Đặng Trần Côn chỉ
mới thể hiện gián tiếp tư tưởng chống chiến tranh qua tâm trạng sầu thương nàng
chinh phụ, thì qua lăng kính tâm hồn mình, đối chiếu chủ yếu với thơ của những
nhà thơ đã thành danh ở Miền Nam trong hai thập niên 60 & 70/XX, tôi thật sự
tố cáo, lên án cuộc chiến tranh ở phía những người lính, quân đội Mỹ và một bộ
phận thị dân trong xã hội Miền Nam. Xuyên suốt bài viết còn là khát vọng hoà
bình, hạnh phúc.
Vô hình trung (đúng là vô hình trung mà thôi!), bài viết cũng
đã đi vào quỹ đạo “binh vận”, vận động trốn lính, bỏ ngũ, rã ngũ...
Dẫu sao, bài viết cũng thuộc về kỉ niệm khó quên và “chứng từ”
cho một thời đã qua...
Trong những ngày nóng bỏng trước thực trạng và nguy cơ “leo
thang” xâm lược của Trung Quốc đối với biển đảo của ta trên Biển Đông, bài viết
này rất cần phải được tác giả tự phân tích, tự nhận định vài nét chính yếu và
xác định rõ thời điểm viết, đối tượng hướng đến và chủ đích của nó. Nói một
cách giản dị, chiến tranh phi nghĩa dĩ nhiên cần lên án, tố cáo, nhưng chiến
tranh chính nghĩa, như chiến tranh giành lại và bảo vệ sự toàn vẹn Đất - Nước
trước sự xâm lược và âm mưu xâm lược lâu dài của Trung Quốc (chính thức phát động
từ 1979), tất nhiên lại rất cần ca ngợi, động viên.
Cuối lời ngỏ này, xin trân trọng cảm ơn các bạn quý Phạm Hồng
Thắng, Phùng Văn Hoàng và Đoàn Văn Tri đã có lòng lưu giữ ấn phẩm kỉ niệm của lớp
chúng ta, cách đây đã 38 năm!
--- TXA. (13-9 HB11 [2011]) ---
Thi ca là tiếng nói tha thiết nhất, mãnh liệt nhất khởi từ một
thực trạng cô đơn (1)khủng khiếp. Người cầm bút chỉ có thể vẽ ra trang giấy
nỗi lòng của mình một khi tâm hồn là đồi thông xanh mướt và mùa đông rét cóng
chung quanh. Đồi thông là nỗi cô đơn ngạo nghễ, cô đơn với chính niềm hạnh phúc
hay bất hạnh, cô đơn với đôi mắt ngó hân hoan hay bờ môi căm căm một niềm tủi cực
tím ngắt... Sáng tạo đồng nghĩa với cô đơn trước tác phẩm nghệ thuật. Chấp nhận
cô đơn là đã chuẩn bị cho một hoàn thành. Một tác phẩm mang theo những đường
nét lẻ loi của kẻ sáng tạo chính nó. Như thế, thi ca nói riêng, là bào thai
phôi dựng từ một cuộc hôn phối giữa niềm cô độc và dự phóng văn chương trong
tâm trí nghệ sĩ. Đặng Trần Côn, kẻ đã vĩnh viễn cô độc trên chính tác phẩm
mình. Chinh phụ ngâm khúc, tác phẩm đã bất tử để xác nhận những tháng ngày
ông cô đơn trong lòng đất, trên ngọn bấc lay lắt một màu vàng bệnh hoạn. Từ dưới
một hầm sâu, cô đơn với vuốt sắt cấu mạnh vào trái tim ông chảy máu. Và ông,
đôi mắt sáng rực, thê thiết, đăm đăm ngó vào hồn mình. Nơi đó có gì? Máu, nước
mắt và người chinh phụ ngày đêm vò võ nhớ chồng. Để từ đó, đôi mắt của thi sĩ dần
dần hiu hắt mòn mỏi, xa vắng theo từng biến chuyển tâm tình của nàng chinh phụ.
Hai đôi mắt, hai tâm hồn trong một thoáng chốc linh thánh đã hoà nhập, tan biến
vào nhau để ứa ra giòng nước mắt nghẹn ngào bi thiết. Những giọt lệ ấy là những
lời thơ bất hủ của họ Đặng. Lời thơ kêu xin một bóng dáng tuyệt vời trở về. Đó
là hạnh phúc.
Hạnh phúc, một chiếc bóng mơ hồ chợt đi chợt đến. Là đất hứa
của những bước chân trên hành trình tìm đến.
Tôi muốn nói hạnh phúc như một thiên đường. Thiên đường có
bóng mây xanh là khói của chén cơm đoàn tụ, có suối ngọt ngào là giòng nước mắt
vui mừng của ngày hội ngộ, có lá xanh là nụ cười, có cỏ cây là mắt ngó hân
hoan. Thiên đường thật giản dị tầm thường nhưng có bao giờ chúng ta tìm thấy?
Chưa một ai, không một ai. Câu nói có vẻ bi quan quá đỗi. Nhưng đó là thực sự.
Bởi hồn người luôn luôn hướng đến tuyệt đối, cái tuyệt đối trong một khung cảnh
tầm thường.
Và thiên đường đã mất đi trong trong đời người chinh phụ năm
xưa, từ một thuở đất trời lên cơn gió bụi và nàng bắt đầu khoảng đời truân
chuyên, lay lắt trong trái tim bát ngát quạnh hiu:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Tôi nghĩ: gió bụi của đất trời, binh đao của vận nước, hay
bão tố của đời nàng?
Bão tố đã đến từ lúc “trống Tràng thành lung lay bóng
nguyệt”. Bão tố đến, cuốn đi những sáng mai xanh, những buổi chiều vàng, những
môi hôn mắt liếc của hai tâm hồn son trẻ.
Bùi Giáng nói: biệt ly là qui luật, hội ngộ là ngẫu nhĩ. Và
tôi đã thấy cảnh chia tay trong từng khắc một. Tương Phố với “Giọt lệ” trên
bến tàu mùa “thu”, Nguyễn Bính với “Hôn nhau lần cuối” trên sân
ga, Yên Thao với “Nhà tôi” từ giã... Tôi thấy và rung động. Nhưng
chưa bao giờ muốn khóc như chứng kiến một lần cuộc giã biệt trong“Chinh phụ
ngâm khúc” dưới ngòi bút thần thánh của Đặng Trần Côn, mặc dù đã bao lần
tôi tự nhủ: biệt ly là qui luật, hội ngộ là ngẫu nhĩ. Cuộc đời có đó để tạo dựng
những cách ngăn bi thảm. Và tôi, kẻ đã lắm lần khóc nuối một bóng hình vô danh
đã cùng tôi giã biệt từng phút từng giờ. Nhưng, tôi vẫn bàng hoàng sửng sốt khi
lần đầu thấy họ, chinh phu và chinh phụ xa xưa, cầm tay nhau bên dòng nước:
Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa, thuỷ khôn bằng thuyền
Nước trong chảy lòng phiền chẳng rửa
Cỏ xanh thơm dạ nhớ khó quên
Nhủ rồi tay lại trao liền
Bước đi một bước lại vin áo chàng
Tôi rùng mình khi thấy. Thấy, chứ không phải hình dung. Không
cần hình dung vẫn thấy. Nầy đây: dòng sông chảy lặng lờ. Chiếc cầu chênh vênh
như thân phận làm người. Nước trong vắt là biểu tượng của tình yêu trinh tuyền
toàn bích. Và hạnh phúc, thơm ngon như cỏ cây xanh ngắt trên bờ. Nơi đó, họ
chia tay nhau và đằng xa là đoàn quân, chân ngựa rộn rã. Nơi đó, bàn tay run
run níu áo chồng.
“Bước đi một bước lại vin áo chàng”. Bàn tay như muốn bấu
víu, níu kéo lại lại một hạnh phúc sắp sửa tan vỡ. Bàn tay thanh xuân phiền muộn.
Nàng ước ao gì? Chỉ ước được làm chiếc đò đưa chàng sang sông. Chỉ mong là con
chiến mã theo chồng ra trận mạc. Một ước mong quá đỗi thê thiết và tội nghiệp.
Có điều, thực và mộng không là một. Nàng muốn đem hạnh phúc hôm qua về để vơi bớt
xót xa, gọi nụ hôn nồng nàn đã mất trở lại để phôi pha cay đắng.
Tôi hiểu được, có thể bờ cỏ đã lên hương gây mùi nhớ, dòng nước
trong vắt đã gợi hình đến niềm hạnh phúc mất tăm. Tôi không muốn chú giải thi
ca. Nói như một ai đó, cánh cửa của vũ trụ thi ca mở ra đồng thời khép lại trước
mọi công trình chú giải. Mọi mưu toan chú giải thi ca đều bất lực (2). Thi
ca có đời sống riêng của nó. Hãy đến bằng bước chân của cảm nhận. Tôi đã cảm nhận
và viết ra. Có thể tôi đã giết chết hồn thơ và còn lại một mớ ký hiệu ngôn ngữ
rạc rời. Tôi biết. Tuy có điều, chữ viết như muốn vọt ra ngoài, do một thôi
thúc kỳ lạ và tôi phải chìu nó. Bởi làm sao tôi giam giữ một hình ảnh thê thiết
như thế được trong lòng? Hình ảnh của máu lửa đằng xa, trong đôi mắt nàng. Máu
và lửa. Biểu tượng kinh khủng của chinh chiến.
Tự bao giờ, chinh chiến là hố sâu ngăn cách. Đại dương của
chia rẽ. Con chim uyên đã gãy cánh bên này dòng sông và chim ương mải miết với
thanh kiếm nơi đằng xa heo hút. Nàng đã trở về để nghe “sầu lên ngọn ải”,
để thấy “oán ra cửa phòng”.
Chinh chiến là thế, “nhất khứ” có thể “bất phục
phản”. Nàng đã thấy gì ở khoảnh khắc vĩnh cữu trong lòng nàng? Một thoáng mà
thiên thu tích tụ, nàng thấy gì? Có phải trước mắt là năm tháng quạnh hiu? Có
phải sau lưng là nỗi hạnh phúc ngậm ngùi và hiện tại là xót xa cay đắng?
Tôi thấy tôi là cánh bèo lênh đênh trên dòng tâm khấp của
nàng. Bởi hơn bao giờ hết, trong ngày tháng cô đơn rã rời nầy, với những tình cảm
mong manh, tôi cơ hồ có những thoáng chốc gặp gỡ ngọt ngào như một giấc mộng chợt
đến chợt đi. Tôi cũng nhớ đến Huy Cận: “tình đi mau, sầu ở lại lâu
dài...”, “vì ta đợi nên người chẳng đến, người xa ta xa từ buổi sơ sinh”. Tôi
rưng rưng khi đọc những câu thơ buồn bã ấy. Mùa xuân của hạnh phúc đã chết khi
mới phôi thai. Cuộc đời bày ra ly biệt để ước mong hội ngộ. Nhưng không còn gì
đớn đau hơn khi cuộc ly biệt xảy ra giữa lòng người. Cuộc biệt ly của đôi tình
nhân trong vòng ôm trìu mến. Gần nhau đó nhưng cách biệt muôn trùng.
Chinh chiến khiến chia ly. Nàng đã oán hận máu lửa. Nhưng tôi
còn căm hận hơn cuộc thánh chiến trong lòng mình. Cuộc chiến tranh không máu lửa
nhưng chan hoà nước mắt. Yêu nhau có phải là một âm thanh hoà điệu tuyệt vời giữa
hai tâm hồn? Có phải là “gặp gỡ rồi phút bỗng chia tay”?
Tạm biệt có thể là muôn đời không gặp gỡ. Mùa xuân chỉ thoáng
hiện để còn lại một mùa đông lê thê buốt rét.
Chiến tranh, như thế đã là tội ác dù được nhân danh bởi một
chủ nghĩa nào (3). Là khởi nguồn cho những đớn đau căm giận. Điều đó hiển
nhiên để trở thành sáo ngữ khi nói đến.
Đến đây ta thấy hờn chinh chiến
Trong mắt em chiều lệ chảy quanh
(Lê Nguyên Ngữ)
Đôi mắt của người em trong thơ hôm nay còn phảng phất đôi mắt
xa xưa của nàng khi tâm hồn trông vời theo bóng nhỏ của người chồng yêu dấu:
Dấu chàng theo lớp mây đưa
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà
Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp lại về buồng cũ gối chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh chỉ mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Từ đây, mùa giông bão bắt đầu trong lòng nàng. Cái nhìn của
luyến lưu chỉ bắt gặp những mây xanh núi biếc. Có lẽ núi mây như đồng loã với
chiến chinh để ngăn chận chút hạnh phúc cuối cùng. Giòng sông trôi hoài một nhịp
thở càng lúc càng não nùng ai oán. “Núi cao chi lắm núi ơi, núi che mặt trời
không thấy người thương”. Bóng tối nhuộm đen đúa hồn nàng đang vội vàng thu lấy
hình ảnh của người chồng yêu dấu càng lúc càng mịt mờ cho đến khi mất hút. Có
ai nhìn thấy đôi mắt ấy? Đôi mắt như bấu víu, như van nài, ràn rụa nước mắt.
Màu xanh của núi rừng, ngàn dâu là màu đen u ám thê lương của lòng nàng.
Bóng chàng đã mất hút thực sự. Nàng còn lại một hồn đầy tưởng
tượng mơ màng. Chuỗi liên tưởng từ phút giây đó như sức sống linh thiêng, như
hơi thở của trái tim nàng căng đầy một ước vọng đoàn tụ ấm nồng, nhưng thực tại
là nỗi cô đơn rét buốt ngóng trông:
Chàng từ đi vào nơi gió cát
Đêm trăng này nghỉ mát phương nao
Câu thơ khiến tôi liên tưởng dễ dàng đến hình ảnh của người
lính thú hôm nay trong thơ Phạm Ngọc Lư:
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn
Đá mang dáng dấp hồn chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá vọng phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường...
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hay là ngày mắt nhắm tay buông
Hình ảnh của chiến chinh bao giờ cũng như bao giờ, có khác
chăng là ở hình thức chiến đấu. Nhưng lòng vẫn một. Đó là lòng mong muốn ngày về.
Là nỗi khát khao tột độ. Là tiếng gào thét giữa núi rừng nghìn năm cô tịch kêu
đòi một mùa xuân hạnh phúc đến gần. Hơn bao giờ, người lữ khách, kẻ viễn chinh
tha thiết nhớ đến hơi ấm gối chăn gia đình. Tôi nhớ đến người lính trong tác phẩm
của Erich Maria Remarque, kẻ đã có một chiều qua xóm lạ, chợt bắt gặp mùi hương soan của
cố xứ. Và sau một đêm thao thức nhớ nhung đến mẹ già, đến quê hương, đã mất
tích. Chàng đi theo tiếng gọi của trái tim, của mùi hương cố quận.
Ngày về. Nỗi mong ước thê thảm mà rực rỡ trong lòng người
chinh phu thuở đó và của muôn kẻ muôn đời. Ngày về. Có lẽ đó là niềm hạnh phúc
bao la, choáng ngợp của người lính thú. Nhưng hôm nay, chiến trường mọi nơi, mọi
chỗ. Chiến tranh có mặt từng phút từng ngày. Từ thôn quê hẻo lánh đến thành phố
cuồng nộ. Từ đèo cao dốc thẳm đến vùng biển xa xôi. Từ trong đến ngoài biên
cương quốc gia. Tất cả như sẵn sàng đổ nát trước bom đạn rập rình. Ngày về chưa
hẳn là mùa xuân như ý, có thể là nỗi đau đớn thống khổ. Ta có thể gặp nỗi ê chề
căm hận trong “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan:
Một chiều rừng mua
Ba người anh từ chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng
Hôm nay, Vũ Hữu Định gặp một tình cảnh bi đát hơn, hầu như nỗi
thống khổ tăng dần với tốc độ tiến triển của kỹ nghệ chiến tranh:
Thôi chẳng về chi thôn xóm quạnh
Nhà xưa giờ chắc cũng điêu tàn
Đứng đây đường cái quan bên núi
Ta cũng đã trầm lòng mê mê
Chiều dựng mùa xưa trên vách núi
Chiều neo sương khói buổi ta về
Mẹ chị đàn em không có mộ
Thăm ai? Thăm ai? Ta về quê
Chiến tranh tự nó là vết ung thư ghê khiếp trên quê hương và
trong trái tim người. Nàng chinh phụ ngày xưa có tâm hồn loang lổ vì chờ trông,
héo hắt vì mong ngóng. Dù cách xa muôn dặm, vẫn nhớ thương chồng, thương hơn
bao giờ hết là đằng khác.
Tình gia thất nào ai chẳng có
Kìa lão thân khuê phụ nhớ thương
Mẹ già phơ phất mái sương
Con thơ măng sữa vả đương phù trì
Lòng lão thân buồn khi tựa cửa
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân
Nay một thân nuôi già, dạy trẻ
Nỗi quan hoài mang mể xiết bao!
Với hôm nay, người vợ hiền có thể khác xưa. Không còn là người
chinh phụ Đông phương thuở trước. Không còn “sinh con là một cuộc liều, liều
bao nhiêu cuộc bấy nhiêu đoạn trường” (Trần Tuấn Kiệt). Người chinh phụ
hôm nay có thể một sớm một chiều mà đổi khác. Bởi như nhận định của một nhà
thơ: chiến tranh không nằm một nơi nào nhất định. Chiến tranh ngay trên hè phố
đầy lon hộp ngoại nhân. Chiến tranh trong ổ điếm. Trên môi trẻ thơ ngậm điếu Salem.
Ngay trong building cao ngất... Cho nên, ngày trở về có thể như khúc hát hôm
nay:
Rớt tú tài anh đi trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con
Một mai xong việc nước non (4)
Anh về anh thấy Mỹ con anh bồng
Câu cuối nói lên sự chấp nhận cay đắng. Bởi không phương cách
nào khác. Cái bi đát của cuộc chiến nầy là thế.
Tôi muốn trở về với người chinh phụ thuỷ chung kia. Bởi tôi
đã thấy được một tấm lòng trong cảo thơm lần dở. Có lẽ đó là một thái độ bi
quan, tuy nhiên vẫn là thái độ thích nghi nhất để trấn an lòng mình. Còn gì cảm
động hơn:
Thoa cung Hán thuở ngày xuất giá
Gương lầu Tần dấu đã soi chung
Cậy ai mà gởi tới cùng
Để chàng thấu hết tấm lòng tương tư
Nhẫn đeo tay mọi khi ngắm nghía
Ngọc cài đầu thuở bé vui chơi
Cậy ai mà gởi tới nơi
Để chàng trân trọng dấu người tương thân
Kỷ niệm luôn luôn được nhắc nhở đến hình ảnh cũ, gợi lại chút
dư âm của hạnh phúc để cuối cùng rưng rưng trong hoài niệm. Có thể kỷ niệm là
chiếc bùa hộ mệnh cho khoảng ngày còn lại giá băng, lay lắt. Bây giờ nàng có
đó, với đời sống hoang phế dù còn mẹ già và đàn con trẻ. Tuy thế, vẫn còn một
chút hạnh phúc nhỏ nhoi mà hôm nay ta khao khát, bởi bom đạn đã khiến:
Những người đàn ông không có thì giờ để làm ái tình
Những người đàn bà không có thì giờ để cưu mang
Những bào thai không có thì giờ để ra đời
Những thân thể non không có thì giờ để yêu đương
Những người lớn tuổi không có thì giờ để già nua
Những kẻ bạc đầu không có thì giờ để chu toàn cái chết
(Kiệt Tấn)
Quê hương bây giờ với thành phố:
Xe plát-tít nổ giữa phố đông
Giữa phố đông người tung từng mảnh thịt
Với thôn quê:
Nơi đồng bào ta ăn bom đạn thay cơm
Nơi vải thô không đủ để chít đầu con trẻ
(Trần Dạ Từ)
Bởi thế, cây hy vọng hầu như trơ trụi, không xanh um những chồi
non lộc biếc như vườn hoa trước nhà nàng chinh phụ thuở trước.
Con người sống, cần phải thắp sáng ánh lửa hy vọng trong lòng
giữa trí, bởi lẽ thiếu hy vọng con người sẽ hiu hắt sống đời sống của một nỗi
chết buồn rầu, lạnh lẽo. Và hơn đâu hết, nghệ thuật là hiện thể cao độ nhất của
ước mơ. Thiếu ước mơ, đời sống khô cỗi và nghệ thuật tiêu trầm. Nói cách khác,
hy vọng chính là sức sống.
Người chinh phụ cũng thế. Niềm tin tưởng hướng về một ngày về
của chồng được bày tỏ tha thiết, man mác sầu trong khúc ca đẹp và thực, huyền
hoặc và uyển chuyển, diễn tả qua hành động mê tín đầy tính chất đàn bà:
Màn mưa trướng tuyết xông pha
Nghĩ thêm lạnh lẽo kẻ ra cõi ngoài
Đề chữ gấm phong thôi lại mở
Gieo bói tiền tin dở còn ngờ
Trong tác phẩm, ta còn bắt gặp những chi tiết tương tự như thế.
Tất cả đều nói lên một tâm trạng được nuôi dưỡng bằng hơi thở của hy vọng. Hy vọng
một ngày căng tràn nắng ấm, chan chứa tiếng cười hoan lạc của mùa xuân hạnh
phúc:
Anh đã tin và tôi đã tin
Ngày quê hương cười bát ngát
(Tần Hoài Dạ Vũ)
Và khi đó:
Anh sẽ dạy con biết yêu tiếng Mẹ
Đem ca dao làm khúc hát tỏ tình
Sẽ cày ruộng ươm tằm nuôi chí trẻ
(THDV.)
Vì:
Đời chúng ta mưa nên đời con phải nắng
Thân thể chúng ta tật nguyền nên con phải đầy đủ chân tay
(THDV.)
Ước vọng, nói như một khẳng định, sẽ không bao giờ chết trong
lòng người dù thực tế đã tận cùng bi đát. Lúc nào còn hơi thở là lúc đó niềm hy
vọng còn thơm ngát như hương cau mỗi sớm.
Chiến chinh đồng nghĩa với giọt lệ. Nhưng trong giọt lệ ta
còn tìm thấy nắng hồng của hy vọng, “trong tiếng khóc” còn tìm được “nụ
cười xanh non” (Du Tử Lê).
Người chinh phụ vẫn chờ một sớm mai từ đằng xa thấp thoáng
bóng người tình nàng nâng khăn sửa sửa áo. Dù bây giờ vẫn:
Trời hôm, tựa bóng ngẩn ngơ
Trăng khuya, nương gối bơ phờ tóc mai
Há như ai hồn sai bóng lẫn
Bóng thơ thơ thẩn thẩn hư không
Trâm cài, xiêm giắt thẹn thùng
Lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo
Hình ảnh tiều tuỵ đó đã gây một chấn động trong lòng người đọc.
Từng chữ là một tiếng nấc khô, héo hắt. Đọc từng câu để nghe cảm xúc dâng tràn.
Dưới một đêm trăng, trong một khuya về sáng, lẻ loi một mình,
người chinh phụ như mất hồn thất bóng. Trái tim nàng như bay theo gió bụi bên
chồng trên dặm trường thiên lý. Dung nhan từ đó vô ích:
Mặt biếng tô miệng càng biếng nói
Sớm lại chiều dòi dõi nương song
Nương song luống ngẩn ngơ lòng
Vắng chàng điểm phấn tô hồng với ai
Thời gian là con dao hai lưỡi. Ở đây, đã rạch nát trên mặt
nàng những nét nhăn gấp nếp vì sầu nhớ tương tư. Là bàn tay đã ngắt đi những
búp hoa trên thanh xuân nàng. Câu thơ chứa rất nhiều ẩn dụ đã nói lên điều đó:
Cảnh buồn người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun
Sương như búa bổ mòn gốc liễu
Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô
Giọt sương phủ bụi chim gù
Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi
Câu thơ chảy dài cảm xúc như tiếng khóc cô đơn tha thiết nhất.
Alfred de Musset đã nói: tiếng khóc trầm thống nhất là bài thơ hay nhất. Đây
chính là đoạn thơ hay nhất. Cái hay của ngôn từ chải chuốt, đẽo gọt để chính
xác diễn tả. Sương là biểu tượng của thời gian, đã bổ mòn gốc liễu là nàng. Tuyết
là nỗi băng lạnh cóng buốt của căm căm cô độc, xẻ héo cành ngô là trái tim nàng
loang lổ, tả tơi.
Bao giờ cũng thế, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Tiếng chim hót là tiếng mỉa mai. Hồi trống vọng là lời châm chích vào tâm hồn
quạnh quẽ nàng:
Ca quyên ghẹo làm rơi nước mắt
Trống tiều khua, như đốt buồng gan...
Vì chàng, lệ thiếp nhỏ đôi
Quá đau đớn, nàng đâm nghi ngờ. Ở đây, người đọc có thể bắt gặp
được nỗi lòng của nàng, tâm lý của người nữ với ánh mắt cho đi quá nhiều thương
nhớ nhưng nhận được chỉ bóng hư vô:
Hướng dương lòng thiếp như hoa
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương
Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái
Hoa để vàng bởi tại bóng dương
Hoa vàng hoa rụng quanh tường
Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần?
Nghệ thuật tuyệt vời khi láy đi láy lại tiếng “hoa”, khiến
cho người đọc cảm thấy màu vàng của hướng dương bay tan tác, mênh mang, và thấy
rõ được một dung nhan rơi tàn từng cánh, từng cánh.
Gió bụi của chinh chiến khiến một hồng nhan tuyệt vời thành một
kẻ già nua buồn bã. Nụ cười trở thành hiếm muộn và dư thừa giọt lệ mỏi mòn sầu
nhớ.
Tâm hồn của nàng đã được vẽ lại thành một dòng thơ chan chứa
những hình ảnh màu sắc buồn rầu, khô chết. Thơ như thế không còn là thơ, đó là
một hành động mãnh liệt và nhiệt tình nhất để phản đối chiến tranh. Tài hoa của
Đặng Trần Côn quá đỗi tuyệt vời. Dòng tâm khấp của người chinh phụ được dàn trải
bằng chính máu của thi sĩ.
Trở lại trong hầm tối của ông năm xưa, tôi thấy một bóng hình
tiều tuỵ, bơ phờ đang gục trên bàn, vách lay lắt ngọn đèn vàng úa sắp tắt. Người
đời vẫn nghĩ theo một truyền thuyết, Nguyễn Du khi sáng tác tác phẩm “Đoạn
trường tân thanh” đã phải lót sách để nằm, và từ đầu hôm cho tới sáng, khi
dòng cuối dứt, người đã già đi hai mươi tuổi, tóc râu thậm thượt, xác xơ, trắng
xoá. Tôi tin chắc Đặng Trần Côn cũng thế, và mọi nghệ sĩ đều khổ như một câu
thơ của người xưa:
Người đẹp phận thường hay chết yểu
Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai
Bên ngọn đèn cạn dầu, Đặng Trần Côn với đôi mắt trắng đục,
người đã thấy gì ở chung quanh? Có phải mỗi phân vuông trên bức vách của căn hầm
ẩm thấp, lạnh lùng là một đôi mắt nhưng của muôn ngàn chinh phụ đang căm căm
não nuột ngó nhìn?...
Tôi đã hỏi, đã tưởng tượng rồi chẳng bao giờ có thể tự đáp
cho chính mình. Bởi tôi váng vất, say mê, choáng ngợp trước vẻ toàn bích của
tác phẩm đong đầy máu lệ đó. Tôi rong ruổi, lết lê theo từng chữ từng câu. Những
thoáng của hiện tại hoà nhập với từng giây của thuở xưa xa lắc. Tôi quên và nhớ.
Tôi sáng suốt đến ráo hoảnh và u mê như bóng đêm đen đúa. Tôi lạc loài trong
tác phẩm. Giòng chữ nầy được viết ra trong một tâm trạng như thế nên có thể đảo
lộn, xoá bỏ mọi trật tự thông thường. Có thể đặt tên cho nó là gì? Biên khảo,
tuỳ bút, tâm bút vân vân. Tôi gọi đó là giao bút, là một thoáng gặp gỡ giữa hồn
và hồn, trong tháng ngày quạnh quẽ tôi sống hôm nay...
... Hégel nói: thơ là ngôn ngữ mới nhất. Một nhà thơ nói: thơ
là hành động mới nhất. Tôi muốn nói: thơ là nơi hẹn hò gặp gỡ mới nhất trong cuộc
bụi lầm thống khổ này.
Nói theo một triết gia: không ai tắm hai lần trong một giòng
sông. Một học giả nói: không ai đọc hai lần một tác phẩm. “Chinh phụ ngâm
khúc” trên bàn viết của tôi ngày mai sẽ thế nào? Không biết, nên trân trọng
ghi lại và đọc lớn cho bạn bè cùng nghe cảm giác hôm nay để đánh dấu một bước
đi trong cuộc đời của người viết.
Đêm 08.02.1973 (
Chú thích: Tôi (TXA.) đã gõ phím vi tính lại bài viết này vào
tối 12-9 HB11 (2011). Tôi giữ đúng y nguyên văn trên bản in ronéo, kể cả cách
chấm câu, có khá nhiều dấu châm tu từ. Tuy vậy, tôi cũng đã chỉnh sửa lại một
ít chữ sai lỗi chính tả (dấu hỏi, dấu ngã) và điền vào vài chữ bị sót, sửa vài
chữ bị lầm lẫn, khi Ban Báo chí của lớp cho đánh máy trên giấy sáp (stencil).
Đó chỉ là những lỗi về kĩ thuật in ấn, chứ không phải lỗi về diễn đạt hay ý tưởng.
Xin vui lòng đối chiếu với ấn bản ronéo (1973-1974), tôi đã quét chụp (scan) lại.
(*) Giai phẩm gồm các tác phẩm (thơ, văn, nhạc,
tranh...) của các tác giả (học sinh cùng lớp 12C, PCT., ĐN., 73-74): Đỗ Nguyễn
Anh Xuân, Phan Sơn Ca (Phan Văn Hoà?), TR.-CHP. (Cao Hùng Phi), Trung Nguyên
Huyền Vũ (Võ Văn Tám, Võ Nguyên?), Hà Như Bích, Vũ Trung (Vũ Văn Trung?), Nguyễn
Phan, Lê Thị Ngọc Lan, Nguyễn Hân, V.D., Lê Thiêm Xuân (viết tại Trung Hoá?),
Lê Thị Thanh Hằng, Nguyễn Hiền, Trần Xuân An, Phi (Cao Hùng Phi?), Nguyễn Tấn Đức,
Phạm Ngọc Văn, Trần Thuỵ Châu, Ngọc Lan, ĐX. Mỹ (Đoàn Xuân Mỹ), Phan, Bích
Loan, Xuân Lộc (Nguyễn Thị Xuân Lộc), Nguyễn Minh (Nguyễn Hưng Minh Tâm?)...
(**) Chữ kí, thủ bút lưu niệm của các bạn trên bản giai
phẩm Phùng Văn Hoàng trao cho tôi: Phạm Hồng Thắng, Nguyễn Hiền, Trang, Trần Thị
An, Lệ Nhung, Bích Loan, Bích Hải, Bình (Trần Xuân Bình?), Hồng, Lệ Xuân, Bê,
Tâm (Tâm cận), Nguyễn Trung, Ánh Tuyết, H. Sanh, Tôn Thất Vạn, Tri, Võ Ngọc
Bích... và tôi (Trần Xuân An). Cũng có vài bạn khác kí tên, ghi thủ bút nhưng
không ghi tên họ.
(1) Có lẽ ở ngữ cảnh này, chỉ dùng từ “cô độc” (một
mình), nghiêng về nghĩa thực trạng hoàn cảnh sáng tác.
(2) Chỉ là một cách nói cường điệu để nhấn mạnh sự cảm
thụ văn chương không chỉ bằng kiến thức văn học, thuộc về trí tuệ (cái đầu), mà
còn bằng năng lực và phẩm chất tâm hồn (trái tim)...
(3) Các chủ nghĩa (học thuyết) ở Miền Nam Việt Nam lúc
đó (các chủ nghĩa chính trị: Cần lao – Nhân vị – TCG.; chủ nghĩa tự do [chống cộng];
chủ nghĩa trung lập [con đường thứ ba]...).
(4) “Việc nước non” theo quan niệm của người lính
chế độ cũ.
(5) Có lẽ chính xác là: Đêm 08-12-1973 (mùng tám, tháng
mười hai, năm một chín bảy ba).
Bài viết năm 17 tuổi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét