Nay ở Đà Lạt mà nhiều lúc nhớ "Đà Lạt" vô
cùng. Tôi không mặn mà nữa cho cái phần "thị" riêng có, đầy
thanh lành của những ngày không xa hôm nào của phố núi ngọc ngà cứ biệt xứ;
phố xá xứ lạnh cũng bỗng đua đòi, hung hăng. Cái thời rong ruổi miệt
mài dưới duyên hải, có những ngày ngồi ở xứ biển Nha
Trang, ngã lưng vào mộ ông Năm Yersin (*) trên đồi Suối Dầu, nhìn ngược
về phố núi mờ xa lại một thế giới khác xứ sở này hiện ra, kéo tôi
quay về...
Tôi mến quí người giàu sang chân chính, nhưng giao du nhiều
hơn với dân cày; chơi với bá tánh cần lao nhiều hơn quan thầy, giới kinh doanh,
người lặng lẽ hơn người ồn ào, người vô danh hơn người nổi tiếng. Khi đến miền
xứ nào, và ngay ở Đà Lạt cũng vậy.
Người nơi khác cứ nghĩ về Đà Lạt là những điểm du lịch
Thung Lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, Thác Prenn, Dinh thự, hay những dãy phố
bên trên hồ Xuân Hương, những biệt thự kiến trúc Pháp, rừng thông. Với tôi, thì
thế giới hay “kéo tôi về” là cái phần “vô danh” của xứ du lịch hoa lệ
này.
Ấy là phần rìa mà
mỗi sớm mai những người nông dân mang ủng cao su lên vườn đồi trồng bông,
lơghim. Cái phần rìa tần tảo, phần rìa là môi trường mưu sinh của nông
phu Việt ly hương, đầy bùn đỏ; phần rìa mà cư dân còn có tâm trạng chờ mưa đợi
nắng, sống bằng giọt mồ hôi thật sự; phần rìa không biết hóng du khách, chờ hội
hè lễ lạt. Nơi đó giữ lại hồn hương xứ sở, cái "gen" đồi núi, chất
"người Đà Lạt" không phai phôi (không phải ai bây giờ sinh sống
ở Đà Lạt cũng có chất "Đà Lạt ), nhịp sống an nhiên, thong dong, chậm
trôi, tự sự. Miền quê, hai mùa nắng mưa cày cuốc, nhưng con người lại phong lưu
vô cùng: đi không vội, ăn không nhanh, nói không to, giận không hét. Những
cái tên ấp canh nông hiền khô, này Thái Phiên, Nam Hồ, Trại Mát, Đa Quí,
Đa Thọ, Phước Thành, Đa Thành, Sầm Sơn, Vạn Thành, Đa Thiện, Đông Tĩnh, Thánh Mẫu,
Cầu Đất, Trại Hầm, sở Lăng... Ô hay, lúc nào cũng mát dịu hoa trái, nồng nàn thảo
mộc. Mỗi một mảnh vườn rau, nông dân trồng một loại rau khác nhau, cho một nhan
sắc riêng, gợi cảm, man mác tình thôn trang xứ lạnh, đãi cả cho thị giác, chứ
không phải khiến nghĩ ngay cho cái dạ dày.
Nơi đó, nhà cửa giản đơn treo đây đó như rải những nốt nhạc bên sườn núi,
dưới thung lũng, len theo đỉnh đồi. Những con đường vào thôn ấp nhỏ bé nhưng độ
lòng vòng thì chả biết kéo đến đâu trên những dải núi đồi khuất lấp, lớp này chồng
lên lớp kia. Nơi đó, những vườn rau bậc thang như cây đàn Accordéon khổng lồ của
người nghệ sĩ thiên nhiên say nhạc kéo ra khắp nơi, chơi như một gã điên, không
ngừng nghỉ, lang thang mãi, quên đường về. Nhà này, nhà kia có thể sang xin
nhau đôi trái sú về luộc, nhúm đậu Hòa Lan về xào, bông Artichoke về hầm, bó
hoa salem về cúng, một cành hồng về chưng...
Giỗ quảy, cưới hỏi, lễ lạt, người ta còn có thể làm được cái điều rất "nhỏ", mộc mạc cổ xưa là mang qua nhà kế bên một đĩa xôi, hay vài ba trái chuối laba, trái hồng đầu mùa... Cái chất lưu dân cần mẫn, chịu khổ chịu khó, ngang tàng, bất cần đời, coi thường tiền bạc, trọng nghĩa, khinh tiền, chân thành, rộng lượng, và không hãi sợ trước quyền lực vẫn còn bàng bạc lưu cửu trong các tổ người. Mọi sự hẹp hòi đều không phù hợp với Đà Lạt, những mưu tính, tinh khôn đều không sống lâu dài, không "chơi" được với một "Đà Lạt" trong sáng thế này. Cư dân là góp, đến đã lâu, nhưng nay mỗi ấp đi qua, chỗ này tôi vẫn còn nghe được dư âm của giọng Bắc, giọng Nghệ, chỗ kia là giọng Quảng, chỗ nọ là giọng Huế, và xa thêm một tí nữa là tiếng và giọng người Cill, Lạch_bộ phận cư dân hiểu Đà Lạt nhất, cao thượng, chịu cô đơn và nghèo khó giỏi hơn cả lưu dân Việt, là chủ nhân sâu nặng của xứ sở này mà. Già ba phần tư diện tích Đà Lạt là thuộc về phần canh nông hồn hậu đó. Đà Lạt thật là "Đà Lạt" ở chỗ đây, chứ cũng không phải sự chảnh chẹ ở khu Hoà Bình, bùng binh 3/2, chợ Cẩm Đô, ngã tư Phan Chu Trinh, ngã Năm Đại Học, hay Thung Lũng Tình Yêu, thác Cam Ly, hồ Than Thở, Dinh Bảo Đại, Đồi Mộng Mơ, Đà Lạt Sử Quán, hoặc 700 khách sạn hơ hớ chồm ra...
Giỗ quảy, cưới hỏi, lễ lạt, người ta còn có thể làm được cái điều rất "nhỏ", mộc mạc cổ xưa là mang qua nhà kế bên một đĩa xôi, hay vài ba trái chuối laba, trái hồng đầu mùa... Cái chất lưu dân cần mẫn, chịu khổ chịu khó, ngang tàng, bất cần đời, coi thường tiền bạc, trọng nghĩa, khinh tiền, chân thành, rộng lượng, và không hãi sợ trước quyền lực vẫn còn bàng bạc lưu cửu trong các tổ người. Mọi sự hẹp hòi đều không phù hợp với Đà Lạt, những mưu tính, tinh khôn đều không sống lâu dài, không "chơi" được với một "Đà Lạt" trong sáng thế này. Cư dân là góp, đến đã lâu, nhưng nay mỗi ấp đi qua, chỗ này tôi vẫn còn nghe được dư âm của giọng Bắc, giọng Nghệ, chỗ kia là giọng Quảng, chỗ nọ là giọng Huế, và xa thêm một tí nữa là tiếng và giọng người Cill, Lạch_bộ phận cư dân hiểu Đà Lạt nhất, cao thượng, chịu cô đơn và nghèo khó giỏi hơn cả lưu dân Việt, là chủ nhân sâu nặng của xứ sở này mà. Già ba phần tư diện tích Đà Lạt là thuộc về phần canh nông hồn hậu đó. Đà Lạt thật là "Đà Lạt" ở chỗ đây, chứ cũng không phải sự chảnh chẹ ở khu Hoà Bình, bùng binh 3/2, chợ Cẩm Đô, ngã tư Phan Chu Trinh, ngã Năm Đại Học, hay Thung Lũng Tình Yêu, thác Cam Ly, hồ Than Thở, Dinh Bảo Đại, Đồi Mộng Mơ, Đà Lạt Sử Quán, hoặc 700 khách sạn hơ hớ chồm ra...
Nơi miền ngoại ô vô nhiễm với du lịch và chứng khoán địa ốc ấy,
những tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ khi vang lên làm cho núi đồi mênh
mông, thênh thang hơn, như bò lên từng mảnh vườn lơghim, len vào màu xanh
hoa trái, sang trọng và huyền nhiệm. Ai bảo đó không phải một thứ "đặc sản"
nữa của Đà Lạt, cùng thông xanh, lơgim, sương khói, sự thanh vắng, nỗi buồn,
cái lạnh. Cứ lắng lòng, ta sẽ nhận ra tiếng chuông nhà thờ ở Đà Lạt thênh thang
phúc âm, tiếng chuông chùa bàng bạc bát nhã, mang vóc dáng khác với tiếng
chuông của quê xứ khác. Tôi nghĩ một người có ý định quyên sinh, sẽ rất
khó thực hiện khi vấp phải thứ thanh âm ấy vào buổi chiều tàn.
Cái phần rìa đấy là phần âm đô thị, phần con gái,
so với cái phần con trai phần dương phố xôn xao, bướng bỉnh, nhiều màu,
lắm lời ngoài kia. Nó nhắc nhớ cái gốc gác sơn nguyên, và giữ cho thành
phố này khỏi cục cằn thô thỗ, lạc lối, mất mình.
Những lũng đồi thuần hậu canh nông đó, khi xuất hiện
sương thì đúng như những bữa tiệc trời bày. Sương giăng bồng bềnh, nổi trôi,
đôi khi có cảm giác về sự gập ghềnh của nhung lụa, tựa kẻ rỗi công kéo những dải
lụa trời đi chơi và quên mất mùa màng. Độ mỏng dày, cao thấp, gần xa của làn
sương miền thôn ấp kia làm nhiều khi mường tượng đến cái phần cơ thể của
gái trinh.
Ở những cánh rừng thông Đà Lạt sương đẹp kiểu khác, bị
giới hạn; nhưng ở những vùng nhà vườn, sương phủ thật phóng khoáng, nhiệt tình.
Khi ngắm nhìn sương nơi rừng thông, ta sợ lạc trong cái phần ngút sâu của cây rừng
không thể nhìn thấy. Còn nhìn sương trên vùng nhà vườn ta lại sợ bị trôi đi,
lút vào trong sự vô tận của mong manh. "Tác phẩm" sương đó xuất hiện cũng
không có qui luật về tạo tác hình hài; mỗi ngày, mỗi mùa, mỗi sớm, mỗi chiều, mỗi
ngọn đồi, mỗi thung lũng, mỗi vách núi, mỗi khu nhà vườn, mỗi cánh rừng... từng
lúc đều khác nhau.
Vẻ đẹp chết người của sương
chưa giết ai, nhưng nó làm người ta nhớ nó, mà lại là thứ sương ngoại ô này. Nó
vừa man dại vừa liêu trai, thoả chí phiêu bồng hoang lạc, sầu mộng và thăng
thiên, nhưng trong lành, và điểm trang cho sự cần lao, vườn tược, cỏ cây,
núi đồi. Sương cũng là "sản phẩm" du lịch Đà Lạt kia mà.
Tôi nhớ lắm người
bạn Huế lưu vong buổi bần hàn, sống bằng mơ tưởng, nhiều lần một hai giờ sáng đạp
cửa rủ nhau phóng xe đi...xem sương, sương ngoại ô. Tôi cũng thề đừng hòng tôi
quên những lần uống rượu giữa sương đêm với những thằng bạn kẻ sĩ giang hồ
đúng nghĩa và tiêu dao khinh bạc cả nhan sắc: "Tay vung kiếm chém phân
vùng sinh tử/ Thì sá chi một chút má em hồng". Mà những ai yêu quí,
tha thiết, nể trọng, tôi mới "mang" ra giới thiệu họ với sương Đà Lạt,
đãi rượu phong sương giữa trời ngoại ô tần tảo này. Đó là thứ rượu pha sương một
thứ là sáng tạo của con người, còn thứ kia là sáng tạo của thượng đế, đều kiều
diễm, ngạo nghễ. Khi uống rượu trong sương, ta thấy cô gái nào cũng thành thiên
thần cả.
Nhắc đến sương Đà
Lạt, có ai thèm không nhỉ.
Đôi người bạn của
tôi nghêu ngao bỏ đời viên chức về làm vườn, về với phần rìa đô thị này, và họ
nói: trồng hoa, trồng lơ ghim cũng là "sáng tác" nghệ thuật. Rằng mỗi
lứa hoa rõ là một tác phẩm, liên tục, cuốn chiếu, với đầy đủ cảm xúc hồi hộp, mừng,
lo, suy tư, vui, sầu. Bạn tôi nói sương quen thuộc, nhưng có những sớm mai đi
làm vườn, chính họ cũng giật mình khi nhìn thấy hình hài, một trạng thái mới của
sương.
Tôi muốn làm người
bình thường, như bá tánh cần lao, để được "hành hương về với sương",
với miền ngoại ô dễ hiểu của phố núi, để mơ tưởng, để thả trôi mình, để thấy cuộc
đời thật dễ thương, và trời đất mênh mang ngay dưới chân, trước mắt môi mình. Những
nàng sinh viên miền Trung tâm hồn hơn cả thi ca ấy có thể quên tôi, nhưng chắc
khó quên những vườn sú, vườn lơ hư vô thoáng xanh thoáng mất khi tôi chỉ “đày”
đến nơi thế này, thay vì ga lăng như các chàng hào hoa đón tới các danh thắng dập
dìu.
Thung
sâu, sườn hoa, đồi rau, cái phần thừa, phần “vô danh”, phần ngoại cuộc của du lịch
Đà Lạt, nó cứ thầm lặng, trầm tư, lạ hoài.
Nhưng ở đây vui sầu nó thật.
(*) Ông "Năm Yersin" người dân vùng Diên Khánh, Khánh Hoà gọi nhà thám
hiểm, bác sĩ A. Yersin một cách thân thương, "Việt hoá" như vậy, cho
người đặt nền móng ra đời Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Hải dương học,
cùng hệ thống viện Pasteur ở VN và khám phá kiến nghị xây lập thành phố nghỉ
dưỡng Đà Lạt trên cao nguyên Langbian.
Nguyễn Hàng Tình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét