Tự sự về
những mùa xuân trong một đời người
Cuộc đời con người có thời gian vật lý và thời gian tâm lý.
Hai mươi bốn giờ một ngày ai cũng như ai nhưng “có những phút trở thành bất tử”
và có những ngày tháng không để lại dấu vết nào. Cuộc đời con người, khi nhớ lại,
đối với chính mình hay đối với người khác, thời gian tâm lý quan trọng hơn thời
gian vật lý. Ta chỉ nhớ về ta, người chỉ biết về ta qua những giờ phút ấy, ngày
tháng ấy, ghi đậm nét khuôn mặt của một con người.
Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm và thường ghi dấu ấn trong
đời nhưng không phải lúc nào cũng vui vẻ. Số phận đưa con người đi qua những
mùa xuân với sắc thái khác nhau. Trong mùa xuân này, như những người khác, tôi
cũng thường nhớ lại những mùa xuân cũ. Và khi đã đi qua “60 năm cuộc đời”, có lẽ
việc nhớ lại này, một cách riêng tư, cũng là một cách chia sẻ tâm sự, hi vọng
có thể gợi ra đôi điều gì đó nơi người đọc.
Xuân thơ ngây
Thuở nhỏ tôi là đứa con trong một gia đình nghèo như hầu hết
các đứa bé khác trong một đất nước có chiến tranh. Tuy nhiên trẻ con có những
niềm vui rất đơn sơ mà hoàn cảnh không thể tước đoạt. Điều lý thú nhất đối với
tôi là được ăn mứt bánh trong những ngày tết.
Mẹ tôi người miền trung và tết nào bà cũng tự làm mứt bánh
theo truyền thống và không bao giờ đi mua ngoài phố. Hai loại mứt bà thường làm
là mứt gừng và mứt bí. Mứt gừng già rất cay và mứt bí với những miếng lớn hình
khối chủ nhật ngọt khủng khiếp. Nhưng điều thú vị đối với anh em chúng tôi
không phải là được ăn những miếng mứt lớn, đẹp được cho vào bao ni lông cất đi
dành đãi khách trong mấy ngày tết mà chính là những mảnh vụn còn sót lại. Mẹ
tôi thường làm mứt trong các thau lớn bằng nhôm và nấu trên bếp than. Khi làm
xong, sau khi lấy những miếng lớn ra, bao giờ cũng còn sót lại những mảnh vụn
và đường đọng ở đáy thau. Mấy anh em chúng tôi cạo ra và chia nhau mỗi người một
ít, gói vào giấy báo, để trong túi, thỉnh thoảng lại lấy ra nhấm nháp. Chính những
mảnh vụn và bột đường hơi cháy vì nằm sát đáy thau, quyện mùi thơm này mới ngon
tuyệt.
Mẹ tôi cũng nấu bánh tét. Bánh tét ngon nhất là khi mới nấu
xong, lấy ra còn bốc khói, cắt ăn ngay. Cách cắt bánh tét không dùng dao mà
dùng một sợi lạt gói bánh, tước nhỏ như sợi chỉ, một đầu ngậm vào miệng, đầu
kia dùng tay quấn vào bánh đã lột lá một phần, siết lại cho đứt rời ra từng lát
mỏng vừa phải. Bánh tét để được lâu hơn bánh chưng mà không bị mốc, có khi hàng
tháng. Bánh tét để lâu phải chiên ăn mới ngon. Từng lát bánh bỏ vào chảo dầu
chiên dòn lên, nóng hổi, ăn với dưa món thì bao nhiêu cũng hết, nhất là khi đồ
ăn tết đã vơi dần.
Không biết có phải vì tôi thuộc loại “tham ăn” hay sao mà nhớ
về những ngày tết thuở nhỏ tôi chỉ nhớ nhất những hương vị bánh mứt như thế.
Cũng chẳng sao vì niềm vui của tuổi nhỏ nhà nghèo thế cũng là trong sáng. Tết
có mứt bánh ăn đã là niềm hạnh phúc.
Xuân cô đơn trưởng thành
Vào đại học, tôi sống xa nhà. Mấy năm đầu tôi phải ở nhà bà
con, nhà những gia đình mà tôi dạy kèm cho con họ, hoặc thuê nhà trọ chung với
các bạn. Tôi khao khát có một phòng riêng. Đó là một nỗi khao khát lạ lùng. Tôi
nghĩ từ trước tôi chưa bao giờ thực sự là mình. Tôi luôn giữa người khác, bị
chia sẻ, chia năm xẻ bảy. Tôi muốn có lúc nào đó tôi chỉ là tôi, một mình tôi
thôi. Không có bất cứ ai khác. Nỗi khao khát đó nung nấu tôi một cách kỳ lạ như
một ngọn lửa âm ỷ cháy trong hồn.
Mãi đến đầu năm thứ ba đại học tôi mới có điều kiện thuê một
phòng riêng. Đó là một căn phòng nhỏ cũ kỹ chừng mười mét vuông, đủ kê một cái
giường và một bàn học. Căn phòng tách biệt ra khỏi ngôi nhà chính của chủ nên
khá riêng tư. Thế là đã đáp ứng khát vọng một mình của tôi. Tôi đi về, ăn ngủ,
làm việc một mình. Tôi cảm nhận tự do trong từng hành động nhỏ. Thật là một niềm
vui lớn lao.
Vào dịp tết, tôi quyết định không về nhà gia đình mà ở lại
nhà trọ. Tôi mua tích trữ sẵn thức ăn, quyết định suốt ba ngày sẽ nằm trong
phòng không đi ra ngoài, không tiếp xúc với ai. Tôi mở cửa sổ, ra khóa ngoài cửa
chính rồi nhảy vào cửa sổ đóng lại. Thế là ai đến nhìn thấy khóa ngoài cũng yên
chí tôi đi vắng. Tết là dịp người ta gặp gỡ nhau, tôi lại càng muốn cô độc
trong thời gian đó.Một ý muốn kỳ quặc hay chính là một trải nghiệm tâm linh cần
thiết cho cuộc làm người. Làm người có cần tương giao không? Tôi thử cắt bỏ mọi
tương giao trong một thời gian ngắn để hiểu nó tác động đến mình như thế nào.
Tôi được thực sự cảm nhận, gậm nhấm, chiêm nghiệm nỗi cô đơn của mình. Một thú
vị đau thương.
Tôi ghi trong nhật ký:
“…Tôi thấy rõ mình trong bóng tối. Rỗng không. Khô héo. Trong
bóng tối tôi được kéo ra khỏi mọi liên hệ. Còn lại tôi, còn lại tôi. Một xác
ve. Một xác ve bám trên cành khô bằng gai nhọn ở chân. Rỗng không. Vô hồn. Lạc
loài. Tôi tỉnh giấc mơ sống. Tỉnh ra khỏi một cơn thức. Một cơn thức máy móc và
phiền toái. Tôi tỉnh thức, thấy một xác ve nằm trên giường. Trong bóng tối. Tự
do sổng chuồng cuộc sống. Niềm vui vỡ ra thành một tiếng thét vang động không
âm thanh. Tôi thèm được một mình. Thèm chết được. Tôi thèm được kéo ra khỏi liên
hệ, liên hệ sống và nô lệ.”
Xuân trong tù
Năm thứ ba đại học tôi tham gia phong trào đấu tranh đường phố
của sinh viên ở một trong những vai trò chủ chốt của tổ chức sinh viên. Sau khi
phong trào tan rã, tôi bị bắt đưa vào Trại tạm giam của Trung tâm thẩm vấn. Và
tôi đã qua một cái tết trong tù.
Trong hoàn cảnh lao tù, tôi nghĩ đây là lúc thích hợp đốt lửa
cô đơn để trui rèn tâm trí. Hoàn cảnh này bắt buộc tôi phải đoạn giao với những
mối liên hệ cũ và có trầm tư sâu xa về những gì mình đã sống trải và những
tương giao đã có. Tình bạn, tình yêu, nghĩa thầy trò, gia đình, chiến tranh và
hòa bình, hận thù và bao dung, lý tưởng xây dựng đất nước…
Thời gian đầu tôi ở chung phòng với bốn người: Một ông già đạp
xích lô cũng tham gia tranh đấu, một nông dân bị tình nghi việt cộng, một công
chức thụt két do cờ bạc, một người từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Lúc mới
vào tôi không muốn chuyện trò với họ nhưng tôi không sao tránh được khi phòng
giam 5 người chỉ có 10 mét vuông và chúng tôi phải nằm sát khít nhau trên sàn
nhà ẩm ướt. Về sau tôi được chuyển phòng nhiều lần, có lúc ở chung với hơn 30
người. Dần dần trong mối quan hệ với bạn tù, tôi hiểu được thế nào là nghĩa đồng
bào, một cách cụ thể, không như những lời nói khoa trương, đôi khi sáo rỗng mà
tôi vẫn viết hàng ngày để đăng báo hay phát trên Đài phát thanh tranh đấu.
Những ngày tết trong tù buồn khủng khiếp. Không ai muốn nói
chuyện với nhau nữa. Cũng có người được thân nhân thăm nuôi bới ít thức ăn có
hương vị tết nhưng điều đó cũng không làm vui lên mấy nổi. Hiện tại đen ngòm ngộp
thở như căn phòng bẩn thỉu luôn khóa chặt. Tương lai mờ mịt với chút ánh sáng rọi
chiếu qua lỗ khóa han rỉ.
Trong những ngày giáp tết tôi làm bài thơ xuôi sau đây:
Đoản ca trại giam và trường học.
1* Các em đứng ở ngoài kia, áo xanh áo đỏ áo hồng. Trời
cuối đông không mưa, gió heo may thoang thoảng chớm vị mùa xuân trở mình. Tôi đứng
ở đây nhìn các em, qua một hàng rào song sắt, qua một tường thành mọc đầy thép
gai rét ẩm, qua một ao hoa bèo hoa súng bùn lầy, đến con đường các em đang đứng.
Tôi không nghe thấy gì nhưng tôi biết chắc các em nói chuyện vui đùa, chuyện học
trò, chuyện tình yêu, chuyện người này kẻ khác.
2* Tôi nhìn thấy và nghĩ về các em một cách thật sôi nổi
và lặng thinh. Chắc chắn các em không hay biết gì. Chắc chắn các em không hề
nghĩ tưởng rằng tôi có mặt. Khoảng không gian ngăn cách tôi và các em có như một
tình cờ vô nghĩa. Chỉ có sự xôn xao từ tôi khởi đi rồi mất hút trong vùng gió hắt
hiu. Tôi thấy mình chôn chân và mọc rễ ở đây, sau hàng chấn song, và tầm mắt, tầm
nghĩ tưởng vươn đi như một khát vọng. Áo và tóc của các em rung rinh uyển chuyển
như áo và tóc cô bé tôi yêu, như áo và tóc bao nhiêu đứa bé gái khác đang đi
trên đường phố. Tôi không được nhìn gần mặt nhưng tôi thấy rõ các em mắt sáng
môi hồng, các em dáng thanh mai dịu hiền.
3* Sau lưng các em là ngôi trường học xinh xắn, gọn
gàng, cửa sổ sơn xanh, bờ tường quét vôi trắng. Tôi không nghĩ đó là trường Đồng
Khánh, Quốc Học, Bồ Đề, Nguyễn Du. Tôi chỉ nhận ra ngôi trường thấp thoáng sau
hàng phượng vĩ xanh mầu lá thắm, nơi các em đang bình an trong tuổi thơ, nơi
tôi đã bình an một tuổi thơ thuộc về quá khứ.
4* Các em đứng đó rồi các em vô tình bỏ đi khuất sau một
dãy phố. Tôi chợt thấy ngơ ngác bàng hoàng. Tôi chợt thấy mất đi thật thảng thốt
bóng dáng của một thương yêu hạnh phúc vô vàn. Ngôi trường vẫn lặng lẽ, con đường
vẫn im trôi không lời không tiếng.
5* Người lính gác ra đứng tiểu ở bờ tường thép gai khi
tôi vừa mất các em ở ngoài tầm mắt chới với. Tôi quay mặt vào bên trong, ánh
sáng bóng tối nhập nhòa chập choạng. Mười mấy người ốm yếu xanh xao nằm ngồi lố
nhố im hơi không cười không nói. Có phải chúng tôi vào đây để các em được vui
đùa ca hát. Có phải chúng tôi la liệt ho hen trên sàn nhà ẩm ướt để các em được
cắp sách bước chân chim sẻ đến trường.
6* Chung quanh các em, chung quanh chúng tôi , chung
quanh chúng ta là biên giới rừng núi bãi cát thép gai sắt máu khói lửa, không
như đường dấu cộng các em vẽ trên bản đồ. Quê hương không còn là bình nguyên
xanh tươi, thành phố phồn hoa, cao nguyên hiền lành, sông ngòi quanh co trù
phú. Quê hương đã mọc đầy loài dây leo mắt gai lởm chởm, quê hương là trận địa
tàn sát đồng bào, quê hương là bar- restaurant xanh vàng đỏ tím.
7* Các em là người Việt, chúng tôi là người Việt. Các em
ngây thơ vui đùa, chúng tôi tù đày cằn cỗi. Rất ít kẻ tự nguyện làm phân bón một
cách khôn ngoan sáng suốt.
Tôi rời chấn song và viết những điều này bên cạnh mấy thùng
nước tiểu bốc mùi khai nồng nặc.
8* Mỗi sáng mỗi chiều tôi vẫn tiếp tục ra đứng ở cửa sổ vịn
song sắt và không ngớt nghĩ tưởng về các em. Liên hệ giữa tôi và các em trở nên
keo sơn thắm thiết khó lòng dứt bỏ. Tôi vẫn tự coi mình như một người anh dù thực
sự tôi hơn các em không bao nhiêu tuổi. Tôi đã mất tuổi thơ, đã trưởng thành,
đã trở nên già, nên cằn cỗi trên nhiều phương diện. Chỉ có nhiệt tình là vẫn
còn nhưng thật trầm, thật thao thức.
9* Tôi vừa nhìn các em qua hình dây thép gai ô vuông méo
mó dựng trên bức tường rêu mốc loang lỗ. Buổi sáng các em đi học về lẻ loi một
vài người, mỗi bước chân các em di chuyển qua một ô vuông thép gai chiều ngang
trong khi những ô vuông chiều dọc vẫn tiếp tục đan lên các em thành đường
hằn gai nhọn qua đầu qua thân qua ngực. Tôi nhìn các em như người thợ vẽ nhìn bức
chân dung có gạch ô vuông để vẽ lại, nhưng ô vuông của tôi thì xô lệch gai nhọn
rét rỉ, nhưng chân dung của các em thì hiền hòa, thì tuổi trẻ, thì bình an hiếm
hoi của quê hương.
10* Tôi nhìn các em qua phạm trù của tôi, thứ phạm trù
thuộc loại ô vuông thép gai và lỗ tròn ổ khóa.
Trước mắt tôi không còn khoảng không trong suốt để nhìn thẳng
nhìn rộng nhìn xa nhìn dài. Chỗ đứng của tôi không có cơ hội để nhìn gần nhìn
sát nhìn sâu vào môi vào mắt vào châu thân.
Quê hương đã dành cho tôi, cho nhiều người khác chỗ đứng mới.
Tôi muốn xứng đáng, quả thật xứng đáng với chỗ này tù đày rách rưới. Các em biết
không?
11* Buổi sáng vẫn còn mùa đông thật cuối, thật sau cùng.
Ngọn gió heo may đã giảm bớt chất nồng vị buốt và mùa xuân khởi
lên thật mong manh đâu đó. Các em xuất hiện ở cổng trường, tiếng cười đùa bay
lên thật cao thật xa thật trong suốt. Tôi thấy mình đau nhói ở ngực ở tim ở
linh hồn xác thịt. Niềm đau nào chợt đến thấm vào tôi như nước đi vào cát khô
sa mạc, mà tha thiết mà nồng nàn mà nhức nhối mà ham mê. Tôi yêu các em biết chừng
nào.
12* Quê hương chỉ còn có tuổi trẻ. Tuổi trẻ đang vỡ bờ nơi
các em và hiện tại tương lai đang đưa các em vào nơi lâm nguy vô phương cứu chữa.
Căn bệnh đã tràn lan khắp nơi với hàng trăm thứ vi trùng bên ngoài bên trong
chia nhau đục khoét. Chúng tôi đã nỗ lực để tự cứu và thề sẽ đi đến cùng dù bằng
tù đày xương máu.
Xuân chiến tranh
Xuân này tôi đã ra trường đi dạy học ở một thành phố cao
nguyên. Lại vẫn còn tâm trạng cũ, tôi vẫn muốn được cô đơn trong mấy ngày tết
nên tôi không về với gia đình mà ở lại căn nhà trọ của mình nơi một thành phố
chưa mấy quen thân, thường được gọi là “buồn muôn thuở, bụi mù trời”. Tôi vẫn
chưa thoát ra khỏi nỗi khát khao lạ lùng muốn gậm nhấm một thú đau thương phần
nào mang sắc thái siêu hình.
Nhưng chiến tranh đã giáng cho tôi một đòn chí mạng. Tối 30 tết
Mậu Thân, tiếng súng xé toang màn đêm. Từng đợt pháo từ bên ngoài dội vào ngay
xóm tôi ở. Cùng với dân trong xóm, chúng tôi nháo nhào chạy thoát ra
trung tâm thành phố, nơi có nhà thờ để ẩn nấp. Có lẽ mọi người hi vọng chiếc
thánh giá và nơi thờ phượng Chúa sẽ là chốn bình an trong cơn bão lửa điên rồ.
Trong nhà thờ người đã đông nghẹt nên tôi chỉ có thể ngồi bên ngoài hành lang.
Đêm 30 trời tối đen như mực nhưng trước sân có ánh sáng mờ mờ
do ánh đèn bên trong nhà thờ hắt ra. Gần nửa đêm, tôi chợt thấy một toán người
chạy ngang qua trước nhà thờ. Lập tức không biết từ đâu nhiều loạt súng rộ lên,
tôi đoán là súng đại liên vì tiếng nổ hàng tràng vang động cả dãy phố. Tóan người
như bị chém phạt ngang lưng. Họ đổ gục xuống quằn quại, tiếng kêu thét rú ré vọt
cao tới trời, thốc vào nhà thờ, làm cho mọi người điếng hồn tê dại. Tôi không
phải là chiến sĩ. Đây không phải là phim ảnh. Tôi chứng kiến một cảnh thực quá
khủng khiếp diễn ra trước mắt.
Tôi đã từng chán ghét chiến tranh và đấu tranh đòi hòa bình
nhưng suy nghĩ của tôi có phần nào trừu tượng. Chỉ khi chứng kiến cảnh này tôi
mới thực sự cảm nhận được sự tàn ác, phi nhân, phi lý của cuộc chiến. Trong hoạt
cảnh tàn khốc đó tôi không biết ai bắn ai. Chỉ biết chắc là người Việt giết người
Việt, một cách man rợ điên rồ nhất. Sau sự việc đó khát vọng cô đơn của tôi vỡ
tan và tôi bị “sốc” nặng, mất thăng bằng tâm lý một thời gian khá dài.
Xuân gia đình
Rồi tôi cũng từ bỏ nỗi cô đơn và khát vọng “chung thân ngựa
hoang” để cùng một cô gái - người yêu tri kỷ - xây dựng một mái ấm
gia đình. Ngày tết chúng tôi cũng không về với bố mẹ mà trải qua cái tết chung
cùng đầu tiên trong một căn nhà trọ (vẫn là nhà trọ) nơi một thị trấn vùng cao
có tên “thị trấn sương mù”.
Chúng tôi học được cách làm bánh chưng với bà chủ nhà người bắc.
Bánh chưng dễ gói hơn bánh tét, nhất là khi có khuôn. Đóng khuôn bằng mấy nẹp gỗ
cỡ bằng giát giường. Lá dong mua về rửa sạch, lau khô từng lá một. Lạt buộc mua
thứ người ta đã chẻ sẵn. Ngâm đậu xanh từ đêm hôm trước, đãi vỏ thật sạch. Việc
này hơi mất thời gian. Nếp cũng ngâm từ đêm hôm trước. Thịt heo cắt thành lát
dài ướp tiêu và nước mắm. Lót lá vào khuôn, đổ một lớp nếp, cho đậu và thịt làm
nhân ở giữa, rồi đổ thêm một lớp gạo nếp lên trên. Ép các góc cho đầy đặn, gói
lại, buộc lạt chặt là có được một chiếc bánh chưng vuông góc xinh xắn. Tất cả
những việc này làm mất một buổi sáng.
Vì ở nhà phố, nấu ít, lại không có điều kiện đun củi nên
chúng tôi cho bánh vào một cái thùng thiếc, bắc lên nấu trên bếp dầu. Nấu từ
trưa 30 cho đến khuya giao thừa là nồi bánh vừa chín, vớt ra thưởng thức
trong tiếng pháo nổ giòn giã khắp phố.
Thủ tục nấu bánh chưng đón giao thừa này chúng tôi duy trì được
gần hai chục năm, khi các con lần lượt ra đời và còn ở trong gia đình, gần như
thành truyền thống. Xây dựng một truyền thống cho cái tết gia đình làm cho
mọi người trong nhà gần gũi nhau hơn, tạo nên một hương vị riêng, trở thành kỷ
niệm khó quên trong đời dù ta đi bất cứ đâu và sống đến bao nhiêu tuổi.
Xuân quản chế.
Vì “bất đồng chính kiến” với nhà cầm quyền một thời gian dài,
ở tuổi 50, tôi nhận được quyết định quản chế tại nhà hai năm. Vậy là tôi trải
qua hai mùa xuân và hai cái tết trong cảnh bị giam lỏng. Đây là một nghịch lý mỉa
mai. Đấu tranh cho tự do, lập tức bị tước đoạt tự do. Tôi là một cá nhân nhỏ
bé, tay chỉ có ngòi bút, trong khi nhà cầm quyền có bộ máy đàn áp hùng hậu. Tư
tưởng tôi không bị bẻ gãy nhưng thân xác có thể bị cầm tù.
Tôi không bi quan và vẫn tìm cách tận hưởng mùa xuân trong
khung trời riêng của mình. Không ra khỏi khu vườn - nơi tôi đặt tên một
cách thơ mộng là “động hoa vàng” - nhưng hàng ngày tôi vẫn thấy mảnh trời
xanh trên thung lũng, nơi đó muôn đời khát vọng tự do của riêng tôi và của mọi
người vẫn không ngừng bay lên. Cây mai vàng trong sân nhà tôi vẫn nở. Những
chia sẻ của những người đồng chí hướng vẫn tìm cách đến được với tôi trong hoàn
cảnh bị bao vây cô lập. Tôi vẫn viết thiệp xuân gởi cho bạn bè trong đó có ghi
lời cảm xúc:
Món quà Xuân "bánh chưng xanh, đĩa dưa hành, câu đối đỏ"
thơm ngát nghĩa tình, lồng lộng khí phách sĩ phu Phương Bắc.
Trên xứ lạnh, trước sân nhà, một cây mai hiếm hoi nở rộ, chợt
nhớ câu thơ Cao Chu Thần " nhất sinh đê thủ bái mai hoa" (*)
Chỉ có điều hơi phiền phức là trong mấy ngày tết công an lại
thăm viếng tôi nhiều hơn bạn bè. Trong hai năm quản chế, rất ít người đến thăm
tôi vì bị ngăn cản từ ngoài đường hay gây khó khăn sau đó. Tết là dịp những bạn
thân có thể đến mà không bị ngăn cản. Công an thay nhau đến gọi là thăm tết và
cứ ngồi lỳ rất lâu. Thật ra họ cũng chẳng thú vị gì vì chỉ phải làm nhiệm vụ để
canh chừng tôi. Cũng như họ đã ngán ngẩm vì phải thay phiên canh gác ngày đêm
trước nhà tôi suốt hai năm liền để ngăn chặn mọi người đến thăm viếng nhằm cô lập
tôi với thế giới bên ngoài.
Tôi không còn khát vọng cô đơn tự nguyện nữa mà bị cưỡng bức
cô lập. Rồi hai năm dài cũng qua và phải mấy năm sau nữa tôi mới có thể trở lại
cuộc sống bình thường, không còn bị kiểm soát gắt gao dù lúc nào cũng có thể “nằm
trong tầm ngắm”.
Xuân kết thúc một vòng đời.
Tính theo con giáp, người ta nói “60 năm cuộc đời”. Ai sống
thêm nữa coi như có diễm phúc. Đúng đến mùa xuân năm 60 tuổi tôi mới làm căn
nhà đầu tiên trong đời mình. Tôi không nghĩ đó là quá trễ. Trước đây tôi luôn ở
nhà trọ, nhà thuê hay nhà do người khác xây dựng. Gần nhất tôi ở trong căn nhà
gỗ mua lại của người khác. Tôi xem giấy tờ thấy căn nhà đó bằng tuổi tôi. Khi
mua, tôi không thèm chú ý đến cột đã mục, tường bị mối ăn, vách tôn han gỉ. Tôi
chỉ mê khu vườn khá rộng, có vẻ hoang sơ với một bụi lau phất phơ trong gió
trên một cái giếng thơi trong trẻo trước nhà. Tôi đã ở trong căn nhà đó gần 20
năm.
Vào lúc đời sống khó khăn nhất do “thất nghiệp bất đắc dĩ”
cũng gần 20 năm, tôi quyết định bán một nửa khu vườn của mình. Ngày trước đây
là nơi khá hẻo lánh, giá đất rất rẻ, nhưng từ khi có kinh tế thị trường và cơn
sốt nhà đất, giá trị khu vườn của tôi có khá hơn. Tôi rất muốn giữ khu vườn của
mình vì đó chính là một mảnh tâm hồn tôi, nơi dung thân và là “một cõi đi về”
trong những ngày khốn khó nhưng tôi phải đành đọan cắt đi một nửa để có thể tiếp
tục tồn tại. Thế là tôi có cơ hội xây căn nhà đầu tiên của mình trên nửa vườn
còn lại, theo thiết kế do cả gia đình bàn bạc lựa chọn. Có lẽ bụi hoa lau
phất phơ năm trước, bây giờ không còn nữa, nhưng cái đẹp và niềm say mê cái đẹp
đã cứu tôi ra khỏi cảnh khốn cùng, cả về vật chất cũng như tâm linh.
Ngày 30 tết chúng tôi dọn vào nhà mới. Gia đình đoàn tụ trong
ngôi nhà khá khang trang rộng rãi. Trước nhà là sân rộng trống trải, rồi đây
chúng tôi sẽ trồng cây và hoa để tái lập lại “động hoa vàng” giữa chốn trần
gian mịt mù bụi bặm.
Xuân giang hồ.
Ngôi nhà chỉ là ngôi nhà. Dù nó to lớn nguy nga tráng lệ đến
mấy cũng không mang lại hạnh phúc cho những người sống trong đó nếu thiếu tình
yêu và hòa thuận. Mái ấm gia đình là yêu thương chia sẻ dù trên đầu là mái dát
vàng, mái ngói, mái tôn hay mái lá, nhà rộng một ngàn mét vuông hay chỉ mười
mét vuông chật chội. Địa ngục sẽ có bất cứ nơi đâu khi con người nhìn
nhau ghét bỏ, thù hận.
Tôi thích căn nhà mới của mình, căn nhà của riêng mình và tôi
ý thức rất rõ đâu là thiên đường địa ngục trong một căn nhà. Một năm sau cây cỏ
đã phủ màu xanh và đủ loại hoa, trong đó nhiều nhất là các loại hoa vàng do
chính bàn tay vợ tôi và tôi vun trồng chăm sóc. Việc làm vườn giúp chúng tôi có
cơ hội lao động chân tay và tâm trí thư thái, gần gũi với thiên nhiên, xa lánh
cơn lốc kinh tế thị trường đang cuốn mọi người vào dòng xoáy cạnh tranh khốc liệt
để tồn tại và làm giàu.
Tết năm sau chúng tôi quyết định không ăn tết ở nhà. Mọi người
trong gia đình tôi đều có máu giang hồ. 25 tháng chạp các con ở xa về, cả gia
đình lên chiếc xe tàng của con trai lớn trực chỉ phương bắc làm một chuyến lãng
du ăn tết trên đường.
Nhìn ngắm người ta chuẩn bị tết cũng gây niềm cảm khái. Ở đâu
cũng có bày bán hoa kiểng, bánh trái, thực phẩm ê hề. Người mua người bán đều hối
hả chạy đua với mấy ngày “năm cùng tháng tận”. Những người nghèo phải đợi đến
chiều 30 mới có thời gian đi mua sắm và hi vọng có thể mua với giá rẻ. Những
người bán, nhất là bán hoa, đến thời điểm cuối vẫn chưa bán hết, mang khuôn mặt
buồn phiền như những cánh hoa bắt đầu héo úa. Tối 30 và sáng mồng một tết, tưởng
người ta không mua bán gì, chúng tôi đã mua sẵn thức ăn, không dè ngay bên cạnh
khách sạn, các cửa hàng ăn uống vẫn mở và người ta còn bán khuya hơn, sớm hơn
ngày thường.
Vì cuộc sống cơm áo bức thiết hàng ngày, có người không biết
đến tết. Và trên dặm dài đất nước chúng tôi đi qua, bao người vẫn trong cảnh khốn
cùng mà vui xuân vẫn còn là một điều xa xỉ. Nỗi vui buồn lớn lao hay bé mọn trộn
lẫn quay cuồng giữa nhân gian. Chỉ là quy ước thôi nhưng mọi người đều đã lệ
thuộc vào nó mất rồi. Thực ra thời gian vẫn mải miết xuôi dòng chảy của mình,
chẳng hề có cột mốc năm tháng nào cả.
Đêm 30 chúng tôi đón giao thừa trong khách sạn nơi thành phố
Huế quê hương của tôi. Tôi không phiền lòng khi đón tết trên quê hương nơi một
căn phòng trọ. Tôi hiểu rõ quê hương là cội nguồn, là đất nước và cũng là
yêu thương. Nếu có chia sẻ và yêu thương thì trên trái đất này đâu cũng là quê
hương. Nếu không có tình yêu và giao cảm, ngược lại là áp bức bất công, một mảnh
đất chỉ là nơi đọa đày hay gieo mầm thù hận.
Chúng tôi là những kẻ mải mê trên đường tìm kiếm quê hương trần
gian đích thực.
Mùa xuân tương lai?
Tự sự mùa xuân này có thể xem là tổng kết nho nhỏ về một đời
người. Một con người rất nhỏ bé nhưng cuộc sống của nó cũng phản ánh phần nào
dòng chảy lịch sử. Mỗi con người có hoàn cảnh riêng của mình nhưng gộp tất cả lại,
những cá nhân làm nên lịch sử. Số phận cá nhân nằm trong số phận đất nước. Số
phận đất nước là tập hợp những số phận cá nhân. Những mùa xuân đã qua trong một
chu kỳ đời người gần nhất không mấy vui vẻ.
Vậy những mùa xuân sắp tới? Ai cũng hi vọng những gì tốt
đẹp hơn. Và những gì tốt đẹp hơn do chính chúng ta làm ra, không ai khác. Hoàn
cảnh đất nước có vô số câu hỏi được đặt ra cần có câu trả lời và hành động thiết
thực. Thực tế cho thấy đã có những câu trả lời và hành động rất khác nhau. Điều
quan trọng là cần có một nền tảng chung. Ngoài những giá trị phổ quát như tự
do, dân chủ, nhân quyền, phồn vinh, công bằng xã hội, không thể thiếu tình yêu
và lòng bao dung, nhân ái. Việt Nam với một lịch sử đầy chia rẽ, hận thù, bất
công, tàn phá, một hiện tại còn nặng nề di sản quá khứ và chồng chất thiên tai
nhân họa mới, thiếu những điều đó e rằng những mùa xuân tới sẽ không có được sắc
màu tươi sáng như lòng mong mỏi của mọi người.
Cuối đông, đầu xuân 2009
Tiêu Dao Bảo Cự
___________________
(*) Câu thơ của Cao Bá Quát: Một
đời chỉ biết cúi đầu bái lạy trước hoa mai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét