Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Bức thư của một bác sĩ về hưu

Bức thư của một bác sĩ về hưu
Kính thưa  Các bạn bè thân thương, các đồng nghiệp.
Hôm nay, ngày 1/9/2010 là ngày đầu tiên tôi rời bỏ cuộc sống của một công chức NN nói chung, của một cán bộ Ngành y tế của NN nói riêng, chính thức nhận sổ hưu về sinh hoạt với gia đình và địa phương.
Trước hết, xin cho tôi được bày tỏ lòng cảm kích và biết ơn với BGĐ BV TX, với tập thể CBCC BV TX đã bỏ nhiều công sức và tốn hao nhiều vật chất để tổ chức buổi gặp mặt thân tình này vì tôi. Xin cám ơn quý vị đại biểu, các bạn bè thân thương, các đồng nghiệp đã bỏ chút thời gian về đây cùng với tôi chia sẻ niềm vui nỗi buồn sau gần 34 năm công tác trong nghành y tế NN của địa phương và 42 năm ngày tôi bước chân vào Trường Y, rồi từ đó nghề Y đã gắn kết với thân phận suốt cuộc đời tôi.
Tôi thi vào trường Y để tự khẳng định mình, thời bấy giờ BS và trước đó SVYK là thành phần ưu tú, là danh giá nhất của đất nước và xã hội. Trường Y là "trung tâm tàn phá nhan sắc" vì đòi hỏi phải học rất căng suốt 7 năm dài. Các thầy của trường Y rất nghiêm khắc và công minh, họ không bao giờ dung thứ cho một bác sĩ tương lai được quyền dốt và sai sót về chuyên môn và càng không được quyền thiếu sót về nhân cách, về đạo làm người. Bởi vì cứu người hay được quyền giết người của BS chỉ cách nhau một gang tấc mà thôi. Trường Y có một truyền thống lâu đời về trọng Lễ, về tôn sư trọng đạo, ngoài việc phải biết ơn và tôn trọngcác vị Thầy, SV hay BS chỉ sau các khóa trên một lớp đều phải tuyệt đối học hỏi và tôn trọng đàn anh.
Tôi về công tác tại Huyện KrongBuk - Daklak vào tháng 3 năm 1977, hồi đó Buôn Hồ gồm 6 huyện: Buôn Hồ - KrongBuk – Easup, Eahleo –– CuMgar, ngoài ra còn có một vùng dân kinh tế mới rộng lớn của Thừa Thiên – Huế  vào thành lập ở Phú Xuân, Phú Lộc, Tam Giang bây giờ thuộc Huyện Krongnang, diện tích rộng hơn tỉnh Kontum bây giờ, là rừng núi hoang sơ, còn nhiều thú dữ hoang dã, dân chỉ thuần nông nghèo và dân trí còn rất thấp, lạc hậu. Nói là bệnh viện nhưng thật ra chỉ là 1 cái bệnh xá quân dân y nhỏ thời chế độ cũ để lại,  thiếu thốn trăm bề về cơ sở, vật tư, trang thiết bị kể cả con người phục vụ rất hạn chế về trình độ chuyên môn. Vừa qua khỏi tuổi 26, Tôi đã đem hết bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, các kiến thức chuyên môn trong 8 năm học tập ở nhà trường để phục vụ người bệnh vì chỉ có tôi là BS tốt nghiệp chính quy đầu tiên về công tác tại địa phương. Mô hình bệnh tật thời đó rất phức tạp, đa phần là những bệnh dịch nguy hiểm và rất dễ gây chết người hàng loạt như sốt rét, dịch hạch, uốn ván, bạch hầu, dịch tả, tiêu chảy cấp… và các loại ngộ độc nhất là ngộ độc thuốc rầy P – HC, rồi các bệnh lý cấp cứu ngoại sản khoa mà không thể dễ dàng chuyển tuyến trên vì rất thiếu thốn khó khăn điều kiện và phương tiện vận chuyển.
Tôi đã cùng với một số anh em tổ chức, thành lập lại các khoa phòng với lề lối làm việc gần như các BV chính quy, cùng với trường THYT tỉnh tổ chức đào tạo các lớp y tá, nữ hộ sinh 3 tháng – 6 tháng đến một năm, gởi các CBNV tương đối có tâm huyết trình độ đi tập huấn tại BV Tỉnh và đề xuất với lãnh đạo các cấp mua sắm thêm các vật tư –TTB cần thiết. Với các nổ lực không mệt mỏi đó, tôi đã làm sống lại một đội ngũ CBNVYT đầy nhiệt tâm nhiệt tình và tương đối thông thạo trong việc cứu chữa có hiệu quả và cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo kể cả nội – ngoại khoa mà trước đây phải chấp nhận tử vong hoặc phải chuyển tuyến trên. về ngoại khoa, tôi đã cùng với anh em giải quyết tốt tất cả những ca tiểu phẫu thông thường như cầm máu, cắt lọc, vá các rách phần mềm lớn, cắt các đốt ngón bàn, bất động các xương gãy và trật khớp đơn giản, cắt phimosis, các u hiền ngoại biên …mà trước đây hoàn toàn không ai làm. Về các thủ thuật thăm dò, tôi tập cho anh em thực hiện các ca chọc dò tủy sống, ổ bụng, túi cùng Douglas, màng phổi, khối u, bộc lộ TM cấp cứu …
Thành lập phòng mổ đã phẫu thuật và giải quyết cứu sống những ca trung phẫu cấp cứu như ruột thừa viêm, thoát vị bẹn nghẹt, rách túi cùng Douglas,  GEU, trục lấy nhãn cầu bị tổn thương nặng, mổ lấy thai kể cả trường hợp buộc phải cắt tử cung cấp cứu tại chổ do bị vỡ mà không thể chuyển đi kịp … Về nội khoa, đã nỗ lực và kiên trì cứu sống nhiều ca nặng như shock nhiễm trùng huyết, sốt rét ác tính, dịch hạch thể phổi và nhiễm trùng huyết, viêm màng não, ngộ độc P-HC thể nặng, các shock do giảm thể tích, hạ đường huyết.... Thời đó đâu có máy thở, có monitoring như bây giờ, anh em phải ngồi lấy mạch, đo HA, nhịp thở và bóp bóng liên tục ở những ca hôn mê suy hô hấp, ngưng thở, trụy tim mạch. Phác đồ thống nhất điều trị những ca bệnh nặng thường gặp của cả nước chưa có và nếu có thì rất sơ sài chung chung và không hiệu quả. Tôi phải ngồi nghiền ngẫm suốt đêm ngày, đối chiếu lý thuyết, sách vở, các kiến thức cập nhật với thực tế lâm sàng của địa phương để soạn thảo các phác đồ chẩn đoán và điều trị riêng, thực tế hơn, hiệu quả hơn cho các ca bệnh hay gặp từ nhẹ đến nặng như SR, SRAT, Dịch hạch thường, thể NT huyết và thể phổi, ngộ độc thuốc rầy ( P-HC)… Tập cho anh em phân tích để hỗ trợ lâm sàng chính xác hơn các kq XN máu, dịch não tủy, nước tiểu, phim XQ... Những năm sau đó, Bv KBuk luôn được Sở y tế xếp loại là lá cờ đầu xuất sắc của Tỉnh và được nhiều đơn vị bạn trong và ngoài Tỉnh tham quan học tập.
Thưa quý vị và các bạn, tôi xuất thân là một trí thức ăn ở học hành đào tạo ở các thành phố lớn. Tôi bỏ phố về rừng, làm việc rồi lập gia đình trong những điều kiện hết sức khó khăn không những về đời sống vật chất mà còn về tinh thần: nhà ở không có, vợ chồng tôi phải đi ở nhờ nhiều nơi nay đây mai đó, cuối cùng năm 1978 cố gắng lắm cũng mua được một túp liều tranh thì bị cháy tan tành khi con trai tôi mới tròn 1 tháng tuổi! Chỉ cứu được một ít sách vở, lại đi ở nhờ, cuộc sống BS cơ cực, tôi phải đi làm nông, trồng lúa bắp, trồng mía, cà phê, nuôi heo, nuôi gà, phải đi vác củi, vác chuối từ các nơi xa về, vợ tôi phải cắn răng ra chợ năn nỉ người ta mua giùm cho mấy cái áo dài hồi còn nữ sinh để mua cho tôi ít lạng thịt heo bồi dưỡng! Mẹ từ Huế vào thăm tôi, thấy mấy cuốn sách cháy xém vì cháy nhà, thấy nhà tôi ăn bắp, khoai độn cơm, mẹ khóc mà than: “Mẹ gắng nuôi con ăn học bao nhiêu năm gian khổ để thành BS, mẹ không ngờ…”. Bạn bè cùng lứa với tôi ví tôi như BS Zhivago trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga Boris Pasternak
Chính quyền hồi đó ít quan tâm, thiếu tôn trọng thành phần trí thức, không có việc chiêu hiền đãi sĩ  lại còn kỳ thị, có vị còn cho rằng tôi được đào tạo trong chế độ cũ và lấy cớ về một số sinh hoạt đời thường hơi khác để rao giảng, châm biếm! Bạn bè cùng khóa với tôi lên Đaklak công tác đầu tiên 10 BS, có thể cùng cảnh ngộ như tôi, phần đông họ đã bỏ việc về TP hoặc ra nước ngoài hành nghề : chỉ còn vợ chồng BS Trần Hữu Phước, nay Phước không còn nữa chỉ còn Cần, BS Lê Khắc Thảo hiệu phó THYT thì nay tai biến bại liệt, BS Nguyễn văn Sê công tác ở Viện VSDTTN cũng về ĐN Tai biến bại liệt, BS Nguyễn Trĩ về tận Đaklâp Đaknông nay gần như chuyển thành nông dân thực thụ.
1979, quá gian khổ và quá thiếu điều kiện hành nghề và học tập, tôi định bỏ đơn vị về Saigon, đã liên hệ được một Bv lớn nhận tôi về. Chiều hôm đó, trên một chuyến xe khách rệu rã khởi hành từ Buôn Hồ đi BMT, định bụng sẽ từ BMT về SG và đi không trở lại. Khi xe qua xã Thống Nhất, nhìn lên bầu trời chiều thấy những đám mây bàng bạc trôi rõ nét hình một bà mẹ ngồi tóc buông dài rũ rượi âu sầu ôm con, có vẻ như con mẹ đang bệnh nặng! Trên QL14, những nông dân buồn bã trên những chiếc xe bò kẽo kẹt chậm rãi về nhà! Tôi chạnh lòng tự hỏi : Rồi đây, khi tôi xa nơi này, khi những con người này bị bệnh ai sẽ chăm lo đúng bệnh, đúng thuốc? Trên đường về SG tôi mãi day dứt, vài ngày sau tôi đành trả QĐ, về lại Buôn Hồ.
Ngày ấy và bây giờ đã khác xa, quê hương thứ 2 của tôi, Buôn Hồ, đã trổi dậy, đã phát triển, người dân đã cơm no áo ấm. BV Buôn Hồ bây giờ đã khang trang tươi tắn hoành tráng, vật tư TTBYT đã khá đầy đủ hiện đại, và đội ngũ CBYT hùng mạnh nhất nhì trong toàn Tỉnh, khá đủ trình độ, năng lực, phẩm chất để chăm sóc điều trị Bn hiệu quả. Tôi rất hài lòng và tự hào về đội ngũ y tế kế thừa, họ sẽ đạt đến nhiều đỉnh cao hơn nữa trong sự nghiệp cứu người phục vụ nhân dân trong TX và trong toàn vùng cánh Bắc của Tỉnh. Về các CB quản lý lãnh đạo bệnh viện nói riêng và y tế nói chung, tôi nhắn nhủ là anh em nên thực thi quyền lực của mình trên cơ sở lòng tin yêu và sự đồng thuận của đại đa số tập thể CBCC, không nên sử dụng quyền lực mang tính áp đặt và trong đa số trường hợp nếu ta đặt cái tâm lên hàng đầu thì khó bị mắc sai lầm.
Đối với các thầy thuốc trẻ, tôi xin có lời khuyên: nghề của ta rất dễ làm giàu, nhưng nên đặt lương tâm trách nhiệm lên trên hết, không nên cố làm giàu bằng mọi giá! Nếu ta giỏi, ta tận tụy thì người bệnh sẽ tự tìm đến ta và Trời sẽ không phụ người tài tâm. Nên nhớ rằng y đức tốt không chỉ có nghĩa là lo tận tụy với người bệnh mà còn phải luôn lo tự học tập trau giồi năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Bởi vì ta dốt, ta kém, ta thiếu hiểu biết... ta sẽ vô tình giết người mà chính ta, người bệnh và pháp luật đôi khi không hay biết. Cuối cùng, một lần nữa, tôi xin trân trọng biết ơn và vô cùng cảm tạ Chính quyền các cấp, Sở y tế, các cơ quan chức năng và anh em bạn bè thân thương, đồng bào đồng nghiệp ở BuonHo và khắp nơi đã thương, đã giúp đỡ, đã bảo bọc cưu mang gia đình tôi trong suốt gần 34 năm qua. Rất tiếc là không thể mời hết các vị ấy và xin tha thứ cho tôi nếu quãng thời gian qua tôi phạm nhiều sai sót và có lỗi với quý vị. Xin chúc quý vị và các bạn, các đồng nghiệp cùng gia đình luôn luôn bình an, sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Nguyễn Quý Ninh
Theo http://ykhoa.net/


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...