Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Bùi Giáng - Điệu thê thiết rông, điệu bàng hoàng ca

Bùi Giáng - Điệu thê thiết rông, điệu bàng hoàng ca 
Tháng 10/1998, Bùi Giáng nằm xuống và chúng ta cúi đầu đưa tiễn người thơ về phía bên kia (khác với bên này). Đến từ lộn chộn một thiên thu lá đỏ, Bùi Giáng đã rong chơi hí lộng, càn khô túy lúy giữa cuộc trần gian, đã đi hết đời thơ, và định mệnh của mình. Và, người đi mây trắng cuối trời nhưng thơ còn ở lại, những “Mưa nguồn. Lá hoa cồn, Ngàn Thu Rớt Hột, Rong rêu …” để cuộc tồn sinh của Thơ vẫn nao nức.   
Lỡ từ lạc bước bước ra
Chết từ sơ ngộ Màu Hoa Cuối Cùng
(Chớp biển)  
Xuân về xuân lại xuân đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về
(Lời cố  quận)  
Thơ tưởng chừng ngớ ngẩn, người tưởng quá cuồng điên khi chưa về đã biệt. Nhưng không, cái thâm sâu tàng ẩn mà dị kỳ mê hoặc của Người & Thơ Bùi Giáng nằm ở đây. Nguời thơ đã nhảy vọt để băng qua dung nhan thường lệ, tiếp giáp với mạch tồn tinh thể uyên nguyên nên cứ cái lý (raison) và lẽ (cause) của thường tục thì không thể diễn dịch (deduire). Giả thử hỏi ông từ đâu đến, Bùi Giáng sẽ mỉm cười: từ cái “liên tồn” Phùng Khánh nên…gọi Phùng Khánh bằng mẫu thân, ấy là đạo vậy. (Thi ca Tư tưởng – Đoạn Trang Tử ). Thanh Tâm Tuyền đã vẽ Bùi Giáng bằng một nét duy nhất: ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ. Phạm Thiên Thư thì gọi họ Bùi là dế điên, dế què, dế sương mù, dế nội đồng, dế đá trời bốn mùa ca hát:  
ta thấy anh - là dế sương mù 
hát ca ầm ỉ suốt mùa thu
anh mơ  hồ cả đêm xoè  nguyệt 
vàng cả  Kim Cương mở lối tu
(Bùi Giáng Bốn Mùa)  
Còn Bùi Giáng thì tự giới thiệu mình, tên mục tử chăn trâu lấy thơ mà gạ gẫm chuồn chuồn châu chấu: " Thơ tôi làm...là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Ði vào giữa trung tâm bão giông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu chuồn chuồn, đem phó thác thảm họa trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cánh mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu…” (Thi ca tư tưởng ).
Nếu Trịnh Công Sơn là kẻ hát rong giữa chợ đời thì  Bùi Giáng là người ném thi ca vào giữa cuộc lữ  lấm lem, ném cả tồn sinh tím vỉa hè, ném ngữ ngôn vào chốn tuyệt trù cheo leo. 
Chấm ngòi bút sắt se vào mực
Viết ra câu thúc giục sương mù 
(Mùa xuân chiêm bao)  
Qua chiêm bao là la đà mộng, rừng mù sa và ni cô  tháp tùng, nghi hoặc:  
Ghì  môi cơn mộng la đà
tiêu dao suốt cõi mù sa bên rừng
nửa vời trăng rộng mông lung
đường xa nghi hoặc tháp tùng ni cô 
Mai Thảo của nhóm Sáng Tạo cũng không thể im lặng trước một tài hoa hiển lộ như nhiên “có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời" ( Một vài kỷ niệm với Bùi Giáng). Với tôi, Bùi Giáng là người thơ và thơ là thứ thiệt. Đời và thơ của “Trung niên thi sĩ” trong chừng mực, đã khai thị những bội số ý nghĩa thi ca, cũng hé mở cánh cửa bước vào mối quan hệ bất khả ly giữa thơ & người thơ. 
1- Thơ là gì?  
Là  tro than thơ thẩn, là mộng tàn chiêm bao, là cuộc sinh tử dị kỳ từ mộng ban đầu vùi lấp mấy lớp sóng biển xanh dâu.   
Thơ  là thẩn vậy tro than
Tàn canh con chết trên tàn mộng kia.
(Thích Phùng Khánh Ca) 
Lọc  đi cái lớp vỏ quạnh quẹo của ngôn từ, nhìn vào trong, ta nhận ra: Thơ là người, người tro than cát bụi, thẩn thơ sấp ngửa chợ đời, cười khóc mộng mị với đủ hỉ nộ ái ố thất tình, cả những cơn điên…Thơ, trùng khít lên thân phận người. Nói như Trần Dần,Thơ là mạng sống, là lý lịch thật đời tôi. ( Sổ bụi 1988) Chúng ta tìm thấy một thiền sư Không Lộ với “trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”, một Hàn Mạc Tử với rời rụng vầng trăng đau chảy máu, một Xuân Diệu thanh xuân lời yêu gối mị trăm năm, một Bích Khê với Tinh huyết đau thương mà trụy lạc. Thế đó, thơ là người. Nguời chiến sĩ có thơ chiến sĩ, viên chức có thơ công dân, kẻ ẩn ức tình dục thì nôn thốc tháo những thịt đùi mông ngực, kẻ cháo lão mưu sinh thì thơ quẹo lưỡi tụng ca… Còn người thơ Bùi Giáng thì như con chim đơn sơ mùa xuân líu la, ngứa cổ hát chơi, hát vào cuộc Lễ Hội Trần Gian. Khi gió nắng vào reo um khóm lá? Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời? Chim ngậm suối đậu trên cành bịn rịn? Kêu tự nhiên nào biết bởi sao ca? Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín? Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa? ( Đi vào cõi thơ).
Không, Bùi Giáng chưa một lần cực nhọc hô hào nhiệm vụ  giáo dục quần chúng, rêu rao  văn dĩ tải đạo nhưng phóng mình lên đỉnh núi thon von của CÁI ĐẸP, của TỰ DO tư tưởng & yêu thương, cho trong chiêm bao thơ về lãng đãng thì từ đó vẫn bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao”. Khái niệm Thơ là người đồng thời bao hàm thái độ sống. Sống, không hận thù, không đấu đá, không bè phái, không khen chê, không kêu rêu khóc lóc van cầu. Bùi Giáng đã ở trọ hơn bảy mươi năm cuộc đời  với nguyên vẹn một hồn tinh khôi, niềm vui bờ ngập và bày biện cuộc chơi giữa lấm lem mặt người: cởi quần áo giữa lớp học, tắm nơi công cộng, ngủ vỉa hè, trở thành hành khất túy lúy, mặc áo rằn ri lính ngụy chỉ đường giao thông...Tất cả là vui thôi mà (2 ). Ông vui và thơ vui, vui bất tận, một vĩ đại vui . 
Ðiên chơi cho bớt điên đầu /điên đầu cho bớt điên rầu rĩ chơi/... Buồn vui ai biết đâu ngờ/ nằm trong tử diệt nhớ giờ tái sinh.  
Rũ bỏ tất cả các lớp ngoài( hình hài ngữ ngôn cử  động…), Bùi Giáng đang trên đường tìm đến bản chất, bản lai diện mục, tiến gần đến bờ  của một tuyệt đối tự do.  
Thưa em buổi trưa đi vào giữa lòng lá nhỏ
Tiếng kêu kia còn một chút mong manh
Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ
Lạc trời cao kết tụ bóng không thành
(Hư vô  và vĩnh viễn – Mưa nguồn) 
Người thơ đã hoan hỉ sống như trẻ thơ, vượt lên phiền trược, không câu không chấp. Đố ai tìm được một câu thơ ông trách phiền nhân gian. Thơ, trong trang nghiêm vẫn ẩn giấu nụ cười “niêm hoa vi tiếu” của Hoan hỉ Phật. Nầy là khúc hát nửa đêm, bồ tát và sắc nhan cụng cựa. 
Nửa  đêm Bồ tát đề huề
Ði tu một trận còn mê khuynh thành
(Sa mạc phát tiết) 
Kính ái mà vẫn tếu táo, Bùi Giáng dành riêng cho Ni cô Trí  Hải một chỗ đứng trong dòng chảy đời mình:  
Ra sông nằm ngũ rập rình
Mẫu thân Phùng Khánh đẻ mình ra sao.
(Sa mạc trường ca) 
Không phải khi nào cũng quàng xiên loe choe tréo ngọe, Bùi Giáng rộn ràng sớm mai nâng niu từng nụ tình mới chớm, mơ màng với lớp lớp sóng lục vô chừng & nụ cười mây mọng:  
Em có  nụ cười buồn mây mọng
Em có  là mi khép lá cây rung
Em có  đôi mắt như sầu xanh soi bóng
Hồ  gương ơi! Sao sóng lục vô  chừng!. 
Niềm vui còn đầy vun hoa cỏ bốn mùa, vui với lũ chó sủa inh oang phố thị, lủ khỉ leo trèo, với châu chấu chuồn chuồn và với bầy vịt… nhựa và đặc biệt, với lũ bò đen,vàng, trắng… chăn dắt buổi chiều về.  
Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm 
Này em Vàng chiếc trắng há mờ  đâu
Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh
Này  đây em Hoa Cà hỡi! Chiếc nâu 
(Nỗi lòng Tô Vũ)   
Và này là một chút nắng màu sông, khói vàng rơm rạ, bến cũ gốc đa, bóng tre đầu làng… đi vào thơ  ông như thịt xương núm ruột:  
Con đường bờ ruộng khúc sông...
Bóng tre, màu rạ như trong ruột rà
(Martin Heidegger và Tư Tưởng, Hiện Ðại 2) 
Người thơ Bùi Giáng không hề tính toán so bì kiểu Lý Bạch “hồ vi lao kỳ sinh”. Ông chán ngấy chán phèo cái “buồn nôn” của Sartre, cười ngay mũi Nietzsche vì cứ cực đoan xô đẩy Thánh Thần Tiên Phật, và không bao giờ “xa lạ” với cuộc đời như Albert Camus. Giữa nắng mai phơ phất lạ, trí huệ mở ra trăm mắt ngàn ngày, Bùi Giáng đi thăm một bờ sông gió thổi, chiếc bàn đá, lũ trẻ con và nhận biết hiện thể của mình, đâu đó, im ỉm nằm khèo trong lá nắng…  
Hỏi tên, rằng biển xanh đâu
Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên, rằng một hai ba
Ðếm là diệu tưởng, đo là nghị tâm!  
Quê nhà  giấc mộng phù du bay, thân xác chỉ là hư  huyễn nỗi đời tục lụy. Và người thơ ngẩng mặt mà đi, mắt gửi một lời chào .  
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau  
Bản thể  trụi trần và nhân tính đã hiện hình lồ lộ. Vâng, nhân văn chẳng phải đội mũ cao áo dài và  rao giảng những nhân danh… Nở một nụ cười, vẫy một bàn tay, Bùi Giáng đi hết những phong ba đời mình, như thế. Buổi chiều, một chai bia, thếp giấy, một chỗ ngồi ông viết cho đời những câu thơ tụng ca cái đẹp. 
Em về  mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi gửi lại đôi dòng
Lá  rơi có dội ở trong sương mù
(Mưa nguồn)  
Và chúng ta yêu Thơ và Người Bùi Giáng trong  màu trăng châu thổ, trong mông quạnh đìu hiu chiều những lá hoa cồn, yêu cả những cơn say và mê tỉnh của ông dù ông chẳng đăng đàn tuyên bố, lên báo lập ngôn nửa chữ về mục đích thơ . 
Bắt chước ông Khổng Tử
Con chim thì ta biết nó bay
Con cá  thì ta biết nó lội
Thằng thi sĩ thì ta biết nó  làm thơ
Nhưng thơ  là gì
Thì  đó là điều 
Ta không biết
(Sa Mạc Trường Ca)  
Thơ là  thơ và thi sĩ là thằng làm thơ, không cần vo viên thơ thành đạn chì đạn ống đạn thiếc bắn vào ai cũng chẳng truyền đạo đức cho ai… Người thơ và thơ giăng tay để yêu hết vô cùng:  
(...) Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ơi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ  dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn
(Mưa nguồn)  
2- Thơ dị kỳ, người dị thường  
Nhưng mà  vũ trụ sao bay, ngân hà cuộn chảy, âm dương dịch chuyển, đất kia thương hải tang điền rộn rịch nguồn cơn bối rối, Người & thơ Bùi Giáng cũng đi về thể lệ lâm li, đi đi suốt cõi lời nghi vấn lời. Từ buổi ban đầu, hồn trong veo, thơ tinh khiết, người & thơ Bùi Giáng cũng lấm lem bùn đất nhân sinh mà mang máng sầu, vương vướng hoài nghi, ăm ắp những chiêm bao phờ phạc. Hơn ai hết, Bùi Giáng đã thức ngộ thị phi đen trắng, những xoang điệu đười ươi  
Ấy là thơ thuở chưa điên
Ở trong dấu ngoặc quàng xiên reo cười
Bây giờ  xoang điệu đười ươi
Ðiệu hoa lầu các ngậm ngùi dấn thân  
Thanh xuân tươi đẹp, nhưng cái tang của người vợ yêu dấu khiến ông thảng thốt khuya khoắt mờ sao. Hai lần  đứng trước cổng trường Đại học, ông từ chối bước vào vì nhận ra cuối cùng là “trường trại lao xao”, ôm đồm mấy nhúm à uôm chữ nghĩa, sẽ bất lực để giải thích cội nguồn chân mây, bất lực để khai thị một tâm thức . Bỏ đi thôi. Lang thang làm mục tử, đi tìm con đường khai phóng cho mình
Buổi  đầu sơ ngộ là cánh én viên thành một mùa xuân: 
Én đầu xuân tuyết đầu đông
Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa
(Mưa nguồn) 
Thơ, theo nhịp chân ngày lập lờ những ẩn ngữ & mật mã, những dấu hỏi  hoang mang, lơ lửng hỏa mù  những tuệ cảm trắng phau, những huyền ẩn kinh  xanh như là.   
Hỗn mang về giữa hiên nhà
Bây giờ  cố quận tên là chiêm bao 
(Rượu uống)   
Cố  quận, quê nhà, phố thị được lặp lại với tần sô cao và độ rung tăng dần mạnh mẽ, lung lay từng khóm rễ chịt chằng của vô thức. Bên cạnh, thời điểm “nguyên xuân” cũng là cái khoảnh khắc thâm tàng bất lộ… Bùi Giáng cho rằng cần “phải trở về bủa rộng chiêm bao để thiết lập mộng luân lưu giữa thời gian bay múa: và có như thế thì “cuộc tồn hoạt của tồn sinh [mới] được tiếp xúc trở lại với hương màu vạn cổ...”. Cho nên, những vần thơ cứ mọc lên những giấc mơ ngày, ngây dại với chiêm bao, tạo thành một thế giới ảo hóa từ thiên thu về, từ độ non cao, có cả Như Lai với Phật Chúa hiện tiền.  Ở góc độ này, thơ tưởng như đã thoát ly hiện thực: không cơm áo mưu sinh, không máu me xương xẩu chiến tranh, không hận thù phân chia, không gian thương lừa lọc. Nhưng không, người thơ không ảo, cũng không biện bày ảo thực dị kỳ để hoa mắt rối lòng người. Hãy nghe người thơ nhắn nhủ với Xuân Diệu cũng là thầm thỉ với mình. Nhưng rồi phong ba cứ dồn dập, càng ngày càng mang tính cách nhố nhế thêm ra, tủn mủn đầu độc thêm ra, thì ưu tư khắc khoải trở thành chuyện tầm phào, siêu thi, siêu tưởng, siêu triết… trở thành chuyện đĩ điếm. Văn chương văn nghệ trở thành chuyện bán cá ngoài chợ. Nợ tang bồng vay trả trả vay, trở thành chuyện phỉnh phờ con nít. Lưu thủ đan tâm, trở thành chuyện tán gái đâm toang. Chiếu hãn thanh, trở thành chiếu chăn mài cọ lầu xanh meo mốc. (Thi ca tư tưởng).
Một chút ngông ngôn, dăm lời giễu nhại, rồi liều & loạn những từ ngữ lạc lầm cộng lại thành nỗi đoạn trường đau mà âm vọng là miền miền  tuyệt đối hoang mang. Hoang mang vì tất cả là nhố nhuế, tủn mủn, phỉnh phờ… Danh vọng, bạc tiền, ngựa xe, cửa nhà như khói mây. Nên con đường người thơ chọn. “Thơ tôi làm... là một cách dìu ba đào về chân trời khác”. Bằng cách xô đẩy ngữ ngôn ( lặp, láy, nhại, dùng ẩn dụ/ hoán dụ…), Bùi Giáng khiến nó nhảy nhót đu bay, biến hóa trùng trùng sóng bể, tung hê lên như ức vạn hạt cát li ti, thúc đấy ý lực của bài thơ và mang đến cho người đọc những giá trị cảm thức sâu sắc, những bàng hoàng hoài cảm, những tưởng vọng mênh mông. Hư không đối diện, vạn đại thánh thót, vân mồng lạnh lẽo như phi vào chốn tuyệt mù của đường bên kia. 
Người đã bỏ đường kia ở  lại
Ðể  đi vào đối diện hư không
Bờ  thánh thót thu sau về vạn  đại
Lời chào kia nức nở lạnh vân mồng
(Lá Hoa Cồn)  
Cười khóc là cuộc tồn lưu kỳ thú mà Bùi Giáng ghi nhận cho mình lên trắng tường vôi, lên hồng lục lá và rồi tự đốt tự hũy như một định mệnh tất nhiên để bao giờ bao giờ dấy lên nghi hoặc suốt cả cổ độ nghìn thu:  
Bằng bút chì  đen/
Tôi chép bài thơ/
Trên tường vôi trắng  
Bằng bút chì  trắng/
Tôi chép bài thơ/
Trên lá lục hồng  
Bằng cục than hồng/
Tôi đốt bài thơ/
Từng giờ từng phút  
Tôi cười tôi khóc bâng quơ 
Người nghe cười khóc có ngờ chi không 
(Bao giờ)  
Thơ đã dị kỳ mà người còn dị thường/ dị  hợm hơn. Tóc dài đạo sĩ, túi xách vai đeo, thêm vào cây gậy, Bùi Giáng lê la góc hẻm phố thị, làng mạc ruộng đồng, đi qua đường trần ẩn mật và  để lại bao nhiêu nghi vấn nghi hoặc nghi ngờ. Bậc thức giả ngợi ca ông như là bậc trích tiên, chiếc bóng của Trang- Lão; kẻ phàm phu bảo ông điên ông cuồng, kẻ trưởng giả học làm sang chê ông bẩn thỉu không xứng chung bàn đối ẩm, lại thêm nhà văn nọ còn cố gán ghép ông đồng sàng dị mộng với thời cuộc, là nạn nhân của thời đại (3). Không, Bùi Giáng chỉ là kẻ tự lưu đày mình trong cái hữu hạn trần gian cầu tìm lại bản thể của mình! Bi kịch, có chăng là Tấn trò đời (4) muôn thuở của nhân thế với sinh lão bệnh tử và cả một đống núi lo toan ngờ hoặc. Làm người đã khó, làm người thơ càng khó gấp vạn bội phần. Bùi Giáng dị thường /dị hợm ở cái vẻ ngoài nhưng là thực sự phi thường trong việc vượt thoát lên hai bờ sống chết, chẳng phí toan lo, là chim phỉ thuý thơ thẩn bờ xanh, kẻ lang thang ham chơi đi qua “sa mạc phát tiết”* mà thổ ra tinh hoa đất trời.  
Một bàn chân, một lộ khe, một làn nuớc lạnh rồi đè lên nhau mà vỡ ra những tưởng niềm với dị  mộng, hoác mở cả âm dương dịch biến  mấy mùa.  
Người con gái lội qua khe
Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau
Nỗi niềm tưởng lại xưa sâu
Bàn chân với nước cùng nhau lại  đè 
Trên “con đường ngã ba”, ông tỉnh ông thức rồi trút linh hồn oái ăm cho một ngẩn ngơ lá nằm.  
Phải rằng nắng quáng dập dồn?
Hay là  đèn trút linh hồn oái oăm?
Phải là  nguyệt giữa đêm rằm?
Nguyên tiêu lãng đãng lá nằm ngẩn ngơ?
(Con đường ngã ba)  
Rượu uống thơ tràn, hơi thở đục, mỏng xiêm y, Bùi Giáng đã sống hết mình và cháy đến tận cùng buổi hạ nắng. Quỷ ma đi đời, càn khôn tàn cuộc chén rượu túy lúy.  
Thưa em rượu uống bây giờ
Là  trăm năm gục hai bờ tử  sinh
Ðộng hờ hững chúa điêu linh
Em làm Hoàng Hậu mọc tình cỏ  phơi
Nhà  ma cửa quỷ đi đời
Chìm hơi thở đục trong lời xuân xanh
Càn khôn xiêm mỏng che mành
Về  trong thiên hạ em thành thiên thân.
(Rượu uống)  
3- Thơ  là người  
Tôi thực sự muốn khóc khi gặp bài viết của Na Thị Chua với cái trò chơi chữ nghĩa lem nhem, những cảm xúc rồng rắn ngụy tạo lầy lụa xác thịt:  
Cái L không biết đẻ mới chính cống L hư 
Sinh ra để làm có nhiêu chuyện  đó mà còn không biết
Biết  ăn thằng C phải biết ị ra thằng người
Ăn mà không ị là L bị trĩ
Gọi là  L tắc tị 
(Ca dao, tôi & tôi) (5)  
Ôi chao, ở  đây không phải L tắc tị mà là thơ …tắc tị, người tắc …ị Bùi Giáng thì không cần biết hiện hay hậu đại, cũng bất kể trường phái linh tinh với dăm ba lý thuyết biện & chứng. Thơ, đơn giản là tâm tình, một thổ lộ rất người  
Lời tỉnh táo lời mê man
Ðiệu thê thiết rống điệu bàng hoàng ca
(Y ư  mộng du ư mê)  
Bùi Giáng đã hoác ngộ ra, mình chẳng là gì cả, chẳng qua một cái túi da rồi ngày mai nằm xuống chương phình để trào lộng tuyệt cùng giữa bi đát, siêu thoát ngay giữa một tồn sinh tinh mật. Nhưng dù thế nào thiên đường vẫn ở ngay trần thế nầy để ông phiêu lãng ta bà hí lộng với đám trẻ con bụi phố, với chuồn chuồn châu chấu với Rừng Marylyn, Biển Brigitte Bardot, với Kim Cương, Phùng Khánh và với thơ bay, thơ say. 
Cá  ở ngoài khe có ít nhiều
Cồn lau cỏ lách có hoang liêu
Em về  có hỏi răng ri rứa
Nhắm mắt  đưa chân có bận liều.
(Bờ  trần gian).
Đọc những cái tên miền đất trong thơ ông, vọng từ ký ức quê nhà, reo vang những buớc chân xa :Mỹ Tho, Cần Thơ, Sài Gòn, Vạn Hạnh …mới hiểu nhà thơ gắn bó thế nào với “đất- tâm hồn” . 
Điện Bàn Đại Lộc Duy Xuyên
Xiết bao tình nghĩa thần tiên mộng đầu
Vĩnh trinh Lệ  Trạch Thanh Châu
Thi Lai Hà  Mật nhìn đâu dáng người
Người đầu tiên đã mỉm cười
Nhìn tôi tưởng thấy niềm vui vô cùng…
(Ký  Ức)  
Sống chân thực, yêu chân thực kiểu “răng ri rứa”, Bùi Giáng chẳng thèm đeo mặt nạ đạo đức tồng ngồng, chẳng cần ngụy tạo khăn đóng áo dài và bẩm báo  dạ thưa. Ông sẵn sàng nói ngay với ai đó khi đem cái đẹp nhúng vào bùn, đem lọ lem quệt bẩn mặt thi ca.  Hỡi những thi sĩ của hôm nay ( kiểu Na Thị Chua …), truớc khi đem thơ rao bán, đánh liều đổi chác hãy lắng nghe Bùi Giáng than khóc cho Thúy Kiều “Thế còn chi là hồng nhan em Thúy? Tha hồ mà đo đếm đuổi xô. Ðem bụi lầy bết vào thân tiên tử, đem bùn-đen trát vào mình mẩy mềm mại của giai nhân, rồi la to: - Con đĩ kia ơi! Mày hãy đưa tứ chi cho ông xiềng xích lại, rồi vào ngục tối mà nằm”. (Martin Heidegger và Tư Tưởng, Hiện Ðại 1). 
Người thơ đã đi rồi với cỏ lau nhưng thơ vẫn còn ở lại giữa chúng sinh mặt người. Xin hãy nhìn lại, một lần, đời thơ đời người củatrung niên thi sĩ họ Bùi,  người lang thang trong cõi thi ca và tư tưởng nhưng lúc nào  cũng quay về cuộn mình “tròn trịa méo mó” để nằm trong vòng nôi của ngôn ngữ dân tộc, vần lục bát ca dao đượm tình, thơm nhân tính …                            
(Nhân ngày giỗ lần thứ 11 của Bùi Tiên Sinh (ngày 17/8 Âm lịch)  
2- Câu trả lời với Mai Thảo về chuyện thơ
3- Mai Thảo, Viết văn trở lại
Và ở Sài Gòn vẫn còn Bùi Giáng
Tối tối về chùa đêm làm thơ
Ngày ca múa khóc cười giữa chợ
 Kẻ sĩ điên thế  kỷ mù rồi 
4- Tác phẩm của Honoré Balzac
5- Ca dao Tôi & tôi (Có jì dung jì có nấy dùng nấy)
     Lê Vũ
 Nguồn: phongdiep.net
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...