Phạm Duy "Trôi theo dòng đời lặng lẽ"
Chiều qua 29.1.2013, nhà thơ Phạm Thiên Thư đã kể về một số
điều liên quan đến nhạc sĩ Phạm Duy với Thanh Niên...
Thưa ông, từ trước đến nay người ta đã nói nhiều về mối
liên hệ nghệ thuật giữa ông với nhạc sĩ Phạm Duy rồi, giờ đây trong giờ phút
nhạc sĩ Phạm Duy vừa qua đời, chúng tôi muốn hỏi ông một lần nữa về những bài
thơ của ông đã được nhạc sĩ Phạm Duy “chắp cánh” để bay vào thế giới âm nhạc
ra sao?
Tôi với nhạc sĩ Phạm Duy gặp nhau từ hơn 40 năm trước qua
nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh. Anh Quỳnh lớn tuổi hơn anh Duy và anh Duy rất quý
anh Quỳnh. Một hôm, anh Quỳnh nói với tôi là anh rất thích những bài thơ có
thiền vị của tôi và muốn tôi gặp anh Phạm Duy để anh ấy phổ nhạc những sáng
tác của tôi. Tôi rất cám ơn và vui mừng trước điều anh Đức Quỳnh mong muốn,
nhưng nghĩ lại cũng hơi khó vì anh Phạm Duy trước đó chỉ phổ nhạc những bài
thơ lãng mạn, mộng mơ, không biết anh có thích những bài thơ ngoài đời nhưng
về đạo của tôi không. Đến một bữa, thật bất ngờ, anh Phạm Duy nói với anh Quỳnh rằng những bài về đạo của
tôi nghe rất gần với đời nên anh đã phổ một loạt 10 bài đạo ca vào năm 1971.
Trước khi anh Phạm Duy phổ nhạc, anh đã nhiều lần hỏi tôi thế nào là đạo ca?
Tôi đã trả lời “đạo” là con đường dẫn đến giải thoát, còn “ca” là con đường
nghiệp dĩ mà anh Duy đã chọn...
Vậy các bài đạo ca ấy là cầu nối tâm hồn giữa ông và nhạc
sĩ Phạm Duy buổi đầu gặp gỡ phải không?
Vâng, mà lạ lắm. Trước khi đưa anh Duy xem các bài thi đạo nói
trên, anh Duy cứ đến gặp tôi hoài, đòi phải đưa cho sơm sớm. Lúc ấy các bài
trên chưa hoàn tất, tôi phải nằm đêm cầu nguyện Bồ tát Quan Thế Âm xin được
viết hoàn chỉnh để anh Duy phổ nhạc, tôi cầu nguyện chân thành và một đêm nằm
mơ thấy một vị Bồ tát cầm bông hoa sen trắng đến bên tôi, thức dậy tôi hoàn
chỉnh luôn 10 bài đạo ca chuyển đến anh Phạm Duy. Anh Duy rất ngạc nhiên vì
thấy những bài đạo ca ấy đưa đến một cách nhanh chóng như thế. Không lâu sau
đến lượt tôi ngạc nhiên, không thể hiểu vì sao một nhạc sĩ sáng tác tình ca
như anh Phạm Duy lại phổ 10 bài đạo ca tuyệt vời đến thế.
Theo ông nói như trên, vậy mối duyên nghệ thuật giữa ông và
nhạc sĩ Phạm Duy bắt đầu từ những bài đạo ca chứ đâu phải những bài tình ca?
Không chỉ những bài đạo ca ấy, mà sau ngày đạo ca ra đời
tôi tiếp tục viết và thi hóa Kinh Hiền với 12.000 câu. Lúc bấy giờ Phạm Duy
cũng muốn nhạc hóa tập Kinh Hiền của tôi. Một bữa, khi tôi đang ở chùa Vạn Thọ,
thì con của anh Duy là Duy Cường đi xe đạp đến nói với tôi là thầy Giác Đức đã
chịu đứng ra bảo trợ để in tập thi hóa Kinh Hiền. Phạm Duy là người tác động
để một số sáng tác có chủ đề tâm linh của tôi được ra đời.
Ai cũng biết nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhiều bài thơ nhẹ
nhàng, lãng mạn của ông nữa chứ.
Dĩ nhiên rồi. Tính ra anh Duy đã phổ của tôi 15 bài như
Ngày xưa Hoàng thị, Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa hoa sầu, Em lễ
chùa này, Huyền thoại tên một vùng biển, Loài chim bỏ xứ... Anh Duy thường
hay đến nhà tôi ở Phú Nhuận gần đường xe lửa chạy qua để mỗi sáng uống cà phê
và nói chuyện trời mây. Tôi giới thiệu với anh thêm một số văn nghệ sĩ nữa,
trong đó có nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên mà sau này anh Duy có phổ thơ của Nhiên.
Có lần tôi đưa anh Duy đến một vùng rừng vắng vẻ từa tựa như cảnh chùa Hội
Sơn bên một dòng sông nhỏ, ở đây anh Duy ngồi lặng thinh mơ màng có đến cả tiếng
đồng hồ, rồi gọi “thầy” - anh Duy thường gọi tôi bằng “thầy” thân mật - tôi
ngẩng lên nghe, thì anh nói một câu lững lờ như lời của một bản nhạc anh đã
viết: Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước... Tôi không muốn hiểu anh muốn nói
gì, cũng không muốn hỏi anh ý nghĩa của điều anh nói hôm ấy, tôi chỉ im lặng
cho đến bây giờ khi vĩnh biệt anh, tôi chợt nhận ra rằng anh đã “trôi theo”
dòng đời lặng lẽ, và tôi cũng vậy. Những lời này xin được thay một nén hương
gửi đến anh Duy muôn vàn nhung nhớ...
Hồng Hạc
Nguồn: thanhnienonline
Theo http://www.bichkhe.org/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét