Sự tiết chế, sự điềm đạm vốn là một đặc điểm thấy rõ ở văn
chương cũng như con người Thạch Lam (1910-1942). Biết điều đó, người ta sẽ
không ngạc nhiên, khi nghe ông kể rằng ông thường đón Tết một cách không mấy
vồ vập, đúng hơn là đơn sơ thanh đạm. “Tết của nhà nghệ sĩ vốn giản dị… một
chai rượu mùi, một gói kẹo, một gói thuốc lá, thế là đủ. Chẳng phải vì nghệ
sĩ không ước ao hơn, nhưng vì nghệ sĩ vốn nghèo”. Có điều, trong khi đứng
tách riêng ra không chịu đua đả với mọi người về những tiện nghi vật chất, thì
nhà văn ấy lại vẫn mở rộng lòng đón Tết, và cũng đủ hồi hộp rung động trước cảnh
xuân sang. Qua văn ông, người ta đọc ra những cảm giác thiêng liêng mà có lẽ
người Việt nào cũng trải qua, cái thiêng liêng nảy sinh trước tiên do bắt gặp
những vận động tự nhiên của trời đất, nhưng lại càng thiêng liêng vì được
cùng với người thân sống lại những phong tục tập quán đã được cộng đồng dân tộc
hình thành qua ngàn năm lịch sử.
1. Những chiếc bánh chưng hay là nét đẹp của phong tục
Những ai từng đọc Hà Nội băm sáu phố phường hẳn nhớ những tinh tế của ngòi
bút nhà văn trong việc ghi lại các món ẩm thực hình thành của người dân thường
Hà Nội. Trong khi quan sát mọi người chuẩn bị đón Tết, Thạch Lam cũng không
quên nhắc lại những phong tục có tự ngàn đời, như việc gói bánh chưng chẳng hạn.
“Ồ, chiếc bánh chưng vuông vắn và đầy đặn, màu xanh như mạ non, gạo nhiễn ra
như bông tuyết và giữ trong lòng bao nhiêu quý báu của miếng ngon: lượt đậu mịn
và vàng đậm, những miếng mỡ trong như hổ phách, những miếng nạc mềm lấm tấm hạt
tiêu. Và thoang thoảng một một chút mùi cà cuống, gắt như cô gái chua, sắc
như mũi kim lạnh ”.
Trong những đoạn văn như thế, người ta không chỉ thấy sự thành thạo trong
chuyện ăn uống, mà còn bắt gặp sự nhạy cảm riêng của tác giả trước cái quan
niệm hàm chứa đằng sau các món ăn: Với người Hà Nội thanh lịch, mọi chuyện
không được phép qua loa lấy lệ, hoặc xô bồ tuỳ tiện thế nào cũng được, mà phải
kỹ lưỡng thận trọng, tuân theo những luật lệ nghiêm khắc và chắc chắn, bao giờ
cũng gửi vào đấy một ý niệm về vẻ đẹp.
Từ đấy, toát ra cái tinh thần của một nền văn hoá độc đáo mà theo tác giả, nếu
không bảo nhau giữ gìn, ta sẽ đánh mất.
2. Phố xá với những sắc màu đa dạng
Sau khi tự nhận rằng chỉ chuẩn bị cho Tết ở mức tối thiểu, Thạch Lam kể:
“Thế rồi hai tay bỏ trong túi áo - và cầu trời cho thời tiết hơi rét và hơi
mưa bụi, tôi lẫn trong đám đông xuôi ngược trên hai bên hè phố”. Nói cách
khác, niềm vui của ông là được đi ngắm cảnh thiên hạ đón Tết. Trong tầm nhìn
của ông, có cây cảnh phố xá, lại có đủ loại mặt người. Trầm lặng và như muốn
lẫn đi giữa chung quanh, song con người ông vẫn có sức bao dung rất lớn.
Qua những truyện ngắn như "Cô hàng xén", ta biết rằng Thạch Lam rất
hay nói tới sự nhẫn nại, sự hy sinh. Thì ngay khi đi trên đường phố nhộn nhịp,
ông cũng không quên điều đó.
“Các thiếu nữ trong ngày sắm Tết có rất nhiều vẻ đáng yêu. Đi đâu mà vội vàng
thế? Về chậm sợ mẹ mắng hay sao? áo quần không kịp trang điểm, mái tóc không
kịp vuốt ve, cho nên có một vẻ lơ đễnh, một vẻ xuềnh xoàng khả ái! Giờ này là
giờ các cô đảm đang, đi mua đi bán, đem cái vui vẻ cho em trai và mẹ già, các
cô hết lòng lắm. Chen lấn vào đàm đông, không sợ bị chèn ép xô đẩy. Đi guốc
cao cho khỏi lấm gấu quần. Và nhất là tự nhiên và dung dị”.
Với tư cách tác giả "Nhà mẹ Lê", "Gió lạnh đầu mùa," Thạch
Lam dành ít dòng để nói về Tết của người nghèo:
“…ở ngoài bãi sông, Tết lại có một vẻ riêng đặc biệt. Trông đứa bé đội mũ
bông, áo mới dài và rộng, đeo chiếc khánh mạ vàng, nhặt ngòi pháo đốt, thấy cả
cái Tết ái ngại và nho nhỏ của cả một vùng”.
Và đây nữa, một nét Tết Hà Nội, dưới con mắt Thạch Lam:
“Đêm 29 Tết, vào giờ trước giao thừa… có ai lên trước chợ Đồng Xuân, để nhìn
những cái gì còn lại, những cái gì bị khinh bỉ từ chiều? Những cành đào xấu
xí, ít hoa; những bát thuỷ tiên tơi tả, đã chuyền tay hết người này sang người
khác mà không được ai mua, những chậu cây cúc và thược dược rã rời và lấm đất.
Dưới mưa bụi, bùn đã vấy lên trên những cành đào, mai rải rác trên đường, bao
nhiêu bàn chân dày xéo (…). Để trang điểm cho những căn buồng tiều tuỵ, những
căn nhà lá nghèo nàn ở các ngoại ô đối với nhiều người, tuy xấu xí tơi tả mặc
dầu, những thứ ấy cũng vẫn là biểu hiện của ước mong, của trông đợi”.
3. Một nét thần thái
Rồi bao nhiêu chuẩn bị đã xong, điều mọi người háo hức chờ đợi, mùng một,
mùng hai, những ngày Tết thực thụ đã tới với bức tranh thiên nhiên thoảng qua
một chút xao động lẫn những cảnh tượng sinh hoạt như ngàn đời vẫn vậy: Thạch
Lam không nói gì khác những điều ai cũng biết, ấy vậy mà đọc ít dòng ghi chép
của ông, người ta vẫn cảm thấy như tất cả vừa được nhận ra lần đầu.
“Qua bãi cát rộng, con sông ngày Tết từ từ trôi mấy bông hoa nát không biết ở
đâu về. Đây Tết rải rải khắp ven bờ. Một cái bến vài con thuyền đỗ, thế là
cũng có khói hương cũng có hoa đào và xác pháo (…)
Ngoài trời lại mưa bụi. Xuân có vẻ đè nén, bao bọc và dằng dai:
Ngõ trúc lùn tùn tun ngọn trúc
Mưa xuân lún phún lụn ngày xuân.
Không hiểu tại sao hai câu thơ không nhớ của ai ấy thật đúng cái cảm giác tôi
có lúc mùa xuân”.
Câu chuyện về những ngày Tết dưới con mắt Thạch Lam tới đây đã có thể dừng lại.
Song có một điều người đọc không khỏi vương vấn:
Hình như nhân nói về một ngày lễ cổ truyền, Thạch Lam vừa động chạm tới một
cái gì lớn hơn thuộc về thần thái của sinh hoạt cộng đồng, nghĩa là những yếu
tố trường tồn trong thời gian.
Và ai muốn thử cắt nghĩa tại sao đến nay nhiều người còn rất thích văn Thạch
Lam, có lẽ phần nào tìm được câu giải đáp: Lớn lên trong cảnh đất nước bị thực
dân thống trị, song lại tiếp nhận được một cách nhuần nhị nền văn hoá Pháp,
Thạch Lam (cũng như nhiều đồng nghiệp đương thời) đã biết hướng toàn bộ tâm
tình vào việc yêu mến, tìm hiểu, khám phá cốt cách dân tộc. Mà cái cách trở về
với dân tộc của Thạch Lam thì chân thành và cảm động. Ở đây mọi tình cảm
không ồn ào song lại rất thấm thía, càng hiểu cái nghèo túng chật vật của
hoàn cảnh người ta cảm thấy nặng lòng với đất nước đã nuôi nấng mình lớn lên.
Đó là cách nhìn, là tấm lòng của những trí thức chân chính.
VƯƠNG TRÍ NHÀN
Nguồn: Lê Thiếu Nhơn
Theo http://www.lengoctrac.com/
|
hãng eva airline
vé máy bay đi mỹ khoảng bao nhiêu
dai ly korean air
mua vé máy bay đi mỹ
đặt vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thức Du Lịch