Dưới tiêu đề tổng quát này,
chúng tôi mở đầu một loạt bài biên khảo về thơ, trên bình diện lý thuyết.
Đề tài không phải là mới mẻ;
từ thời Khổng Tử san định Kinh Thi, từ thời Aristote luận về Thi pháp đến nay, hơn hai mươi thế kỷ đã nghiêng mình xuống ngôn ngữ thi ca. Tuy nhiên, cho
đến nay, những bình luận về thơ chỉ dừng lại ở mức cảm thụ, nghĩa là cái phần
trực giác bén nhạy giúp ta linh cảm chất thơ; thậm chí có người đưa ra những
quan niệm thần bí về thơ, như nhóm Xuân Thu Nhã Tập trước đây, và một số tác giả
khác hiện nay tại miền Nam.
Giới văn học Tây phương cũng
đã lúng túng rất lâu trong việc định nghĩa thi ca. Năm 1925 trước năm Viện Hàn
Lâm họp đại hội đồng tại Paris, Henri Bremond, trong bài diễn thuyết
về « thơ thuần túy » [1] đã đưa ra một quan niệm huyền nhiệm
về thơ, làm lung lạc cả thế giới khảo cứu của Pháp. Nhưng từ ấy đến nay, nếu
các lý thuyết về tiểu thuyết, kịch, … không tiến bộ bao nhiêu thì kiến thức về
thơ của Tây phương đã phát triển rất nhanh ; nhất là từ hai mươi năm nay,
bộ môn «thi pháp» (poétique) trở nên thời thượng, nhờ những lý thuyết
thẩm mỹ nói chung, nhờ sự đóng góp của các triết gia như Heidegger, Bachelard,
Sartre, … và nhất là nhờ những tiến bộ vượt bực của ngành ngôn ngữ học, từ de
Saussure đến Jakobson và bộ môn nhân chủng học từ Sapir đến Lévi-Strauss. Năm
1962, Jakobson và Lévi-Strauss, mỗi người đã mang những kiến thức nghiêm túc của
mình để cùng giải thích bài thơ Mèo (Les Chats) của Baudelaire, có sự đóng góp
của nhà ngữ học Benveniste. Bài giải thích này là bước tiến quyết định trong việc
phá vỡ huyền thoại về thơ [2].
Tại Việt Nam 1973, có lẽ vì
hoàn cảnh, nên chưa có những biên khảo thật nhất quán và khoa học về thơ, tại
miền Nam cũng như miền Bắc. Đây là việc cần phải làm vì ai cũng biết người
Việt Nam yêu thơ và ngôn ngữ Việt Nam giàu thi tính. Vì vậy mà chúng tôi không
ngại kiến thức hẹp hòi, đưa ra một số suy nghĩ trong loạt bài sắp tới :
thơ và văn xuôi khác nhau ra sao, tương quan giữa ý thơ và lời thơ, đặc tính của
lời thơ, khả năng của khoa học áp dụng cho việc hiểu thơ… Để thoát ly khỏi quỹ
đạo kiến thức tây phương, chúng tôi sẽ trình bày quan niệm của tổ tiên ta về
thơ, thi tính của ca dao, và sẽ phân tích một vài thi phẩm cổ kim của ta ;
một lý thuyết về thơ chỉ có giá trị nếu ta có thể áp dụng để phân tích rất nhiều
tác phẩm cụ thể, thuộc nhiều hình thức và thể loại khác nhau, trong nhiều ngôn
ngữ khác nhau trên thế giới, như Jakobson đã đề xuất và thực hành.
Việc này, chúng tôi không viết
thành sách, mặc dù có lời yêu cầu của một vài nhà xuất bản ; tôi chỉ muốn
trình bày trên báo để góp ý với nhiều giới độc giả, dù biết rằng khó trình bày
được toàn bộ lý luận qua dăm mười bài viết rời rạc.
Viết loạt bài này, chúng tôi
đứng trước bốn khó khăn : thứ nhất, sự khảo cứu chỉ mới ở bước đầu ;
thứ nhì, thiếu tài liệu về thơ Việt Nam, nhất là về lý luận Việt Nam xưa về
thơ; thứ ba, muốn trình bày một đề tài chuyên môn bằng ngôn ngữ bình dị;
thứ tư, viết về thơ mà không văn vẻ thì đọc chán, mà văn vẻ thì giảm bớt tính
khoa học.
Bạn đọc sẽ nhận thấy những khuyết điểm do các khó khăn nói trên tạo ra.
Trong bài đầu tiên này,
chúng tôi nêu lên nguyên lý cơ bản: Thơ khác với ngôn ngữ thường ra
sao? Vấn đề này nhà văn, giáo sư Nguyễn văn Trung, cách đây khá lâu, đã
trình bày mạch lạc [3] nay tôi chỉ nói lại vắn tắt và cụ thể. Ngôn ngữ
nói chung, là một trong nhiều hệ thống ký hiệu, được loài ngừơi dùng làm phương
tiện để truyền đạt tin tức, mệnh lệnh, tư tưởng, tình cảm. Mỗi từ ngữ
không có giá trị tự tại, mà chỉ là công cụ để chỉ một đối tượng : con mèo,
con chó chẳng hạn. Khi từ ngữ vượt khỏi công dụng thông tin ấy, để biểu hiện
giá trị thẩm mỹ tự tại thì, theo Jakobson, nó có chức năng thi pháp (fonction
poétique). Đó là thơ.
Nói khác đi, thơ là ngôn ngữ,
vậy nó cũng truyền đạt một tình, một ý. Nhưng đặc tính không nằm trong thông điệp
truyền đi, mà nằm trong vỏ âm thanh của từ ngữ được sử dụng. Ngôn ngữ thơ không
chỉ là dụng cụ, mà còn là thể chất. Nó vừa là nội dung vừa là hình thức :
nội dung đôi khi chính là hình thức của nó. Cho nên khi so sánh thơ với ngôn ngữ
thường, ta có thể nói quá đi một chút như lời Jakobson : thơ là ngôn
ngữ tự lấy mình làm cứu cánh, trong khi văn xuôi, hay lời nói thường, chỉ
là những ký hiệu bày tỏ sự vật bên ngoài. Trình bày cách khác: nói, là
nói cái gì, còn làm thơ, là nói để được cái thú nghe lời mình nói, như chàng
Trúc ở dòng đầu truyện Đôi bạn của Nhất Linh «nói xong và nghe tiếng mình
nói,Trúc nhớ lại rằng câu ấy chàng đã thốt ra nhiều lần, năm nào cũng vậy..».
Từ cuối thế kỷ 19, Mallarmé
đã bảo: «làm thơ với từ ngữ, chứ không phải với ý tưởng».
Nguyễn văn Trung có trình bày thêm quan niệm của Valéry, Breton, Sartre [4].
Nhưng mãi đến vài mươi năm gần đây, các nhà khảo cứu mới chú tâm đặc biệt đến
thơ như là một ngôn ngữ tự tại, như hội họa, như âm nhạc, chứ không phải chỉ là
một công cụ. Thật ra, từ 1921, Jakobson đã chủ trương: «thơ chỉ là
một ngôn đề nhắm vào biểu thức (un énoncé visant l’expession), có thể
nói, vận hành trong quy luật nội tại; chức năng truyền đạt, đặc biệt của
ngôn ngữ hàng ngày và ngôn ngữ truyền cảm, bị giới hạn đến mức tối đa. Thơ dửng
dưng với đối tượng của lời nói» [5] .Ông còn so sánh «nếu
hội họa là cách tạo hình bằng những chất liệu của thị quan có giá trị tự tại,
nếu âm nhạc là cách tạo âm bằng chất liệu thuộc thính quan có giá trị tự tại, nếu
vũ điệu tạo hình bằng chất liệu cử động của thân thể có giá trị tự tại, thì thơ
là cách tạo hình với từ ngữ có giá trị tự tại. Thơ là ngôn ngữ trong chức năng
thẩm mỹ của nó» (la poésie est la mise en forme du mot à valeur
autonome…c’est le langage dans sa fonction esthétique) [6]. Hơn mười năm
sau, cũng tại Prague, ông lại định nghĩa «thơ là gì» và nói rõ
«thi tính thể hiện ra sao? – Thể hiện bằng cách: từ ngữ được
cảm thụ như là từ ngữ chứ không phải chỉ là một ký hiệu tầm thường của sự vật
được gọi tên, cũng không phải như một òa vỡ của tình cảm; nó thể hiện bằng
cách: những con chữ, và cú pháp, và ý nghĩa, và hình thể ngoại tại và nội
tại, không phải chỉ là những ký hiệu vô vị của thực tế, trái lại những con chữ
đó có trọng lượng riêng, có giá trị riêng» [7].
Mãi về sau này, khi Jakobson
được xem như bậc thầy của khoa ngôn ngữ học thế giới, các nhà biên
khảo mới khai thác triệt để tư tưởng của ông, một phần cũng nhờ sự đóng góp của
phong trào cấu trúc (structuralisme) với Lévi-Strauss.
Trong một ngành khoa học
khác, môn nhân chủng học, Lévi-Strauss cũng đi đến một kết luận như
Jakobson: «chúng ta đều thừa nhận rằng từ ngữ là những ký hiệu,
nhưng giữa chúng ta, thi sĩ là những kẻ cuối cùng còn sót lại còn biết rằng
từ ngữ, xưa kia, cũng là những giá trị» [8].
Từ quan niệm: thơ là một
ngôn ngữ trong ngôn ngữ theo lời Valéry, các nhà khảo cứu xây dựng một nền khoa
học mới, môn «thi pháp» (la poétique) với những quy luật chuyên
môn, thậm chí ngày nay, có ngừời không còn xem thơ như một lãnh vực của văn
chương như ta vẫn quan niệm, mà là một hệ thống ký hiệu riêng, không mấy quan hệ
với văn chương: «Ngày nay, chúng ta không còn có thể đề cập đến sự
kiện thi ca bằng cách sát nhập thơ vào lý thuyết tổng quát của văn chương, ví dụ
xét thi phẩm như một phần của văn học nói chung ,(…) vì cấu trúc của thơ không
thể nới rộng đến ý niệm về văn chương » [9] .Ngược lại, có người
xem thi ca như một bộ môn của ngành ngôn ngữ học, họ khảo sát lời thơ như khảo
sát tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Mường… Chúng tôi chưa có điều kiện để phê phán
hay áp dụng những kiến giải chuyên môn đó, mà chỉ dừng lại ở những nguyên lý tổng
quát, để người đọc tham khảo.
Chúng ta thử so sánh một
cách nôm na ngôn ngữ thường ngày (ngôn ngữ dụng cụ) với thơ. Ví dụ muốn châm điếu
thuốc, tôi hỏi: «anh có diêm không?» thì đó là một câu
nói thông thường, nó không có giá trị gì ngoài việc làm dụng cụ để tôi đốt được
điếu thuốc. Tôi có thể nói một cách khác: anh có lửa? anh có hộp
quẹt? anh có bật lửa? anh cho tôi mồi điếu thuốc… Nói sao cũng được,
miễn là đạt tới kết quả. Vậy ngôn ngữ nói chung chỉ là một phương tiện;
chỉ có thi ca mới là một ngôn ngữ riêng, tự lấy mình làm mục đích. Ví dụ, cùng
một câu xin lửa, mà tôi
nói:
«Cho tôi xin chút lửa
Lửa tắt.
Cho tôi xin nước mắt
Nước mắt chua»…
thì tôi không còn xin lửa để
đốt điếu thuốc, nhen bếp cơm, mà nói để có cái thế được nói một câu đồng dao đẹp.
Câu đồng dao đó tự nó là đối tượng của nó, nó không nhắm mục đích gì hết:
Đứa bé lên năm chơi rồng rắn, thì xin nước mắt làm gì?
Cũng chú bé đó, khi bập bẹ tập
nói, học những tiếng con mèo, con chó… để có dụng cụ chỉ hai loại gia súc nọ;
lớn lên chút nữa nó dùng từ chính xác hơn: con vện, con tam thể, để chỉ
cùng đối tượng: dụng cụ ngôn ngữ của nó dồi dào hơn. Trước kia nó chỉ có
một con dao, bây giờ nó có con dao bổ dừa để bổ dừa, con dao cau để bổ cau,
nhưng ngôn ngữ vẫn là dụng cụ. Mai kia nó lớn lên sẽ gọi tình nhân là mèo, tình
địch là chó, thì dụng cụ thay đổi so với sự vật, như là nó dùng dao cau để rọc
thư tình nhân và dao bổ dừa để chém đầu tình địch. Hai ví dụ kể trên chứng minh
hai điều: Mèo, chó là ngôn ngữ dụng cụ, trong ngôn ngữ đời thường, từ ngữ
(cái biểu hiện) và đối tượng (cái được biểu hiện) là hai cái khác nhau, tạm gọi
cái trước là hình thức, cái sau là nội dung. Ta có thể dùng hai từ cùng nghĩa
(mèo, con tam thể) hay một từ hai nghĩa (mèo gia súc hay mèo tình nhân).
Trong Thơ thì khác. Chú bé bắt
chước mẹ, hát nghêu ngao:
Con mèo con chó có lông
Bụi tre có mắt, nồi đồng có
quai
Hai chữ con mèo, con chó, và
cả câu ca dao không có đối tượng. Ai chả biết cây tre có mắt, và nồi đồng (miền
Trung) có quai? Vậy nói ở đây, không phải là để nói lên cái gì, mà để được
cái thú nghe lời mình nói, với một câu mà mình cho là hay. Thế nào là hay, thì
lại tùy người, tùy lúc, là chuyện khác.
Các nhà biên khảo đã đi đến
chỗ đồng thuận: Về lý thuyết, ngôn ngữ nói chung và văn xuôi nói riêng nhằm
phục vụ một đối tượng trong đời sống hàng ngày. Thơ trái lại là một ngôn ngữ tự
lấy mình làm đối tượng. Về thực tế, khi đưa quan niệm này vào việc phân tích
thi ca chúng ta lại phải dè dặt, vì bài thơ là một mô hình phức tạp. Cái nhìn
khoa học không những cần phân tích hợp lý, mà còn cần tổng hợp nhất quán; lối
nhìn đó là cần, nhưng chưa đủ để nắm bắt câu thơ.
Nói thơ là một ngôn ngữ tự tại
không có nghĩa rằng : thơ không cần có ý nghĩa. Vì một từ ngữ, một câu bao giờ
cũng có nghĩa nếu nó muốn là ngôn ngữ. Không làm gì có câu nói thật sự vô
nghĩa.
Cũng không hàm ý rằng
thơ không tương quan gì đến thực tế nhất là thực tại xã hội. Không thể cô lập một
câu thơ, và con người với xã hội, tách nó ra khỏi đời sống. Đây là hai điểm
chính yếu, ta không nên ngộ nhận.
Những câu thơ ta cho là hay,
dễ nhớ vẫn là những câu có nghĩa, có ý, có tình. Ở tây phương, đã có nhiều trường
phái chủ trương thơ vô nghĩa, đều bị bế tắc. Câu thơ phải có nghĩa mới là câu
nói, mới làm ta chú ý. Ta có chú ý rồi mới thấy hay, càng đọc càng thấy hay,
lâu ngày nhớ lại vẫn thấy hay. Nhưng câu thơ hay đó tuy có ý nghĩa, nhưng
không hay vì ý nghĩa, mà hay vì hơi nói, giọng nói. Khi câu thơ hay vì ý
nghĩa thì nó có cái hay của văn xuôi (beauté prosaique), như một lời văn hoa mỹ,
một lời nói khéo, ví dụ câu này của Hàn Mạc Tử:
Sao bông phượng nở trong màu
huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt
châu.
Câu thơ này dịch ra tiếng nước
ngoài không khó, vì nhiều tu từ pháp, tiếng nước nào cũng có sẵn.
Nói khác đi, tương quan lời/ý,
cái biểu hiện/cái được biểu hiện, (signifiant/signififié) bị đảo lộn: trong lời
nói thường và văn xuôi, lời là phương tiện của ý, “được ý phải quên lời, như được
cá quên nơm” (Trang Tử). Trong thơ, ý là phương tiện của lời trên hai phương diện: trong cấu trúc, ý nâng lời, tạo tương quan cho từ ngữ ; ngoài cấu trúc ý làm
môi giới giữa lời thơ và người đọc, người nghe. Câu thơ không có ý thì không có
xương sống và không có độc giả, thơ không ý “như thuyền không lái, như ngựa
không cương”, nhưng lái không phải là thuyền, cương chỉ là thành phần không
chính yếu của ngựa. Thơ hay không phải tại ý, như ngựa thiên lý không phải nhờ
vào giây cương, cho dù giây cương là cần thiết. Vì vậy mà thơ xưa từ Đông sang
Tây, quay chung quanh các đề tài tuyết nguyệt phong hoa. Điều chính yếu trong
thơ không phải là nói cái gì, mà là nói ra sao.
Vì trong thơ, ý là phương tiện
của lời, nên người bình giảng thơ cần đặt lại chính xác quan hệ nội dung và
hình thức. Nhất là khi bình giảng thơ trong nhà trường. Các thầy giáo, cô giáo
từ bậc tiểu học phải biết dạy thơ. Con em lớn lên mới biết yêu thơ, xã hội mới
có thơ hay. Và đời sống con người tinh tế hơn.
Theo lối giảng thông
thường của sách giáo khoa, thì nội dung của bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến là
việc đi câu cá mùa thu. Đúng không? dụng tâm của Nguyễn Khuyến khi làm bài thơ
ấy có phải là để kể chuyện đi câu? hay ông chỉ mượn việc đi câu, mượn luôn cả
cảnh ao thu, để làm một bài thơ đẹp? Phái duy lý có thể bẻ lại: Nguyễn Khuyến
làm bài thơ đó để nói lên tâm hồn kẻ sĩ; vì tâm hồn cao đẹp nên bài thơ hay.
Nghe không ổn, vì có phải thánh nhân đều là thi sĩ cả đâu. Và bao nhiêu thi sĩ
Tư Mã Tương Như, Baudelaire chẳng hạn, là kẻ tầm thường, có khi còn tội lỗi. Vả
lại, anh thích bài thơ đó, vì anh thích đi câu, anh thích mùa thu, hay vì
bài thơ đó hay? Tóm lại, nội dung của bài thơ Thu điếu là bản thể của lời
thơ, hình thức của nó là ao thu, phương tiện của nó là đi câu.
Nói như thế có vẻ nghịch với
lẽ thường. Nhưng chính thơ là ngôn ngữ nghịch với lẽ thường. Vầng
trăng làm sao mà “sẻ làm đôi” được? Làm sao có thể “gieo thái sơn nhẹ tựa hồng
mao” được? Thi sĩ là kẻ phá vỡ tương quan của ý tưởng và thay thế vào đó tương
quan của từ ngữ. Sự hoán chuyển phương tiện – mục đích, vẫn thường xảy ra trong
thực tế; trở lại với thí dụ đi câu: con rô con diếc là đối tượng của bác thợ
câu, nhưng là phương tiện của ông Lã Vọng, đi câu là để đi câu. Cô hái chè lúc
vươn tay thì cành chè là đối tượng; cô đứng chụp hình, tay vươn cành chè, thì
cành chè là phương tiện để cô có bức hình đẹp. Cô đứng tự nhiên thì bức hình
không tự nhiên, phải giả vờ vin vào cái gì đó thì bức hình mới tự nhiên. Ngôn
ngữ thơ cũng vậy: nói tự nhiên, thì không ra thơ, phải nói một cách nào đó thì
mới là thơ. Những câu thơ “tự nhiên thiên thành”, cũng tự nhiên một cách nào
đó, trong một bối cảnh nào đó.
Bảo rằng thơ là cách nói,
thi sĩ làm thơ để làm thơ, như kẻ đi câu để đi câu, không cần cá, phải chăng là
từ chối mọi quan hệ giữa thơ và thực tế xã hội? Không phải vậy, những thi sĩ lớn
cũng như những lý thuyết gia ngày nay, không còn mấy ai chủ trương hình thức vị
hình thức.
Thơ có đặc tính riêng, nhưng
vẫn bắt nguồn từ xã hội và phục vụ xã hội. Bắt nguồn và phục vụ bằng cách nào
thì tùy hoàn cảnh cá nhân, hoàn cảnh xã hội, và tùy chế độ chính trị, xưa cũng
như nay.
Thơ bắt nguồn từ thực tế vì
phải sử dụng ngôn ngữ hàng ngày dù để chế biến, xáo trộn, vì ngôn ngữ vốn
là phản ánh của đời sống. Thơ lại sử dụng những tình ý của con người, thì dù muốn
dù không cũng phản ánh xã hội. Những thi phẩm lớn của ta, như Kiều, Cung Oán,
Chinh Phụ Ngâm, đều mang ít nhiều đặc tính của xã hội. Gần chúng ta hơn, những
nhà thơ tiền chiến “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” gặp lúc kháng chiến cũng
đã “đốt cháy trong lòng mình những phong cảnh cũ” như lời Nguyễn Tuân, để chiến
đấu và sáng tác. Gần hơn nữa, nhà thơ say Vũ Hoàng Chương đã từng sống giữa
lòng đời như “cắm thuyền sông lạ”, năm 1963, đã đốt lên ngọn Lửa Từ Bi
hùng tráng để soi sáng cho cuộc đổi thay xã hội.
Và nhìn chung thơ Hy Lạp,
thơ Tàu, thơ Tây đều mang đặc tính xã hội.
Thơ không những chỉ phản chiếu
tiêu cực mà còn ảnh hưởng tích cực đến tâm hồn con người. Bỏ qua quan niệm “thi
dĩ ngôn chí” và “văn dĩ tải đạo”của nhà Nho, bỏ qua luôn quan niệm thơ phải phục
vụ trực tiếp quần chúng, chúng ta vẫn gặp những nhà thơ lớn ca ngợi giá trị đạo
lý của nhân loại từ Khuất Nguyên qua Đỗ Phủ, cho đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến.
Những tác phẩm được truyền tụng là những bài Quy Khứ Lai Từ của Đào Tiềm,
thơ lánh đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Còn thơ xu phụ quyền thế của 28 vì sao
trong Tao Đàn thì không mấy ai biết tới. Trong khuôn khổ của xã hội phong kiến
và tư tưởng nho giáo khe khắt, thơ vẫn không chịu gò bó trong tam cương
ngũ thường, mà vươn tới cái đạo lớn của nhân loại, ca ngợi cái hùng, cái vĩ,
bênh vực kẻ yếu, tố cáo bất công. Khi nói đến tình yêu trai gái, thơ gạn lọc
tình cảm, cho nên những đoạn Kinh Thi ướt át nhất vẫn ngay thẳng như lời Khổng
Tử. Bản chất thơ phải “tư vô tà”, đó cũng là một đặc tính chung cho các bộ
môn văn nghệ khi vươn lên làm văn hóa, văn minh.
Vì thế ngày nay tại các nước
công nghiệp tiên tiến, thơ vẫn là một bộ môn quan trọng trong chương trình giáo
dục, nhất là cấp tiểu học. Trẻ em học thơ để yêu tiếng nói, rồi từ đó yêu quê
hương, loài người và cuộc sống.
Dân tộc Việt Nam vốn yêu
thơ, thưởng thức thơ từ lúc nằm nôi, nếu thi ca đóng đúng vai trò của nó dĩ
nhiên là sẽ có tác dụng rộng lớn.
Để kết luận, xin mượn lời
Jakobson: “Thi ca, so với những giá trị xã hội khác, tuy không vượt
bực, không lấn lướt, vẫn là thành tố cơ bản của ý thức hệ, luôn luôn quy về một
đối tượng. Thơ giúp ta khỏi trở thành máy móc, bảo vệ chúng ta chống lại sự han
rỉ đang hăm dọa những công thức về tình yêu và thù hận, về phản kháng và hòa giải,
về đức tin và phủ nhận” [10].
Phụ chú 12-2008
Sách chuyên đề tiếng Việt
sau 1973, đã xem lại:
- Hà
Minh Đức: Thơ và mấy vấn đề….1974 Một thời đại trong thơ ca 1996, và nhiều sách khác
- Phan
Cự Đệ : Phong trào thơ mới 1982, Văn học Việt Nam 2004
- Phan
Ngọc: Phong cách Nguyễn Du 1985,
- và
nhiều sách khác.
- Nguyễn
Phan Cảnh: Ngôn ngữ thơ 1987
- Nguyễn
Hưng Quốc: Tìm hiểu nghệ thuật thơ 1988 Nghĩ về thơ 1990.
- Mai
Ngọc Chừ: Vần thơ Việt Nam 1991
- Nguyễn
Xuân Kính: Thi pháp ca dao 1992
- Lê
Đình Kỵ: Thơ mới... 1993
- Thụy
Khuê: Cấu trúc thơ 1995
- Nguyễn
Bá Thành: Tư duy thơ 1996.
- Hữu
Đạt : Ngôn ngữ thơ Việt nam 2000
- Trần
Đình Sử: Văn học và Thời gian, 2001.
- Trần
Đức Các1995; Nguyễn thái Hòa 1997; Phan Diễm Phương 1998, về thi pháp trong văn học dân gian
[1] Bremond, La Poésie
Pure, nxb Grasset, Paris 1926
[2] Tạp chí L’Homme, số
II, 1,1962, in lại trong Questions de Poétique, Roman Jakobson, nxb Le
Seuil, Paris, 1973, tr. 401-419.
[3] Nguyễn văn Trung,
Lược Khảo Văn Học, cuốn 2, Nam Sơn xuất bản, 1965, tr. 72-82. Sàì gòn
[4] Sđd, tr. 16-34.
[5] In lần đầu tại
Prague, 1921, in lại trong Questions de Poétique, Sđd, tr. 14, và trong tạp chí
Poétique, số đặc biệt về Jakobson, Paris, 7-1971, tr.290.
[6] Jakobson, Questions
…, sđ d, tr. 16; tạp chí Poétique ,s đ d tr.290. Tôi chỉ chú nguyên văn
những đoạn chính.
[7] Jakobson, Co-je
poésie, Prague 1933-1934, in lại trong Poétique, sđd, tr. 308, và trong
Questions de Poétique, sđd, tr. 124.
[8] Levi-Strauss,
Anthropologie Structurale, tr 70, Plon, Paris 1958, Claude Lévi-Strauss
nói « cuối cùng sót lại… xưa kia» vì muốn truy nguyên nguồn gốc và
cơ cấu của ngôn ngữ, qua cơ cấu tổ chức thị tộc và hôn nhân các xã hội cổ sơ của
Phi Châu, Nam Mỹ, vì theo ông liên hệ thị tộc và hôn nhân cũng là ngôn ngữ. Chữ «giá
trị» ông dùng theo nghĩa đơn vị để trao đổi.
[9] A.J.Greimas, Essais
de Sémiotique Poétique, nxb Larousse, Paris 1962, trang đầu.
[10] Questions de
Poétique, Sđ d, tr. 125.
THƠ LÀ GÌ ?
Bài Thơ là gì? tôi viết tại Pháp vào mùa hè 1973,
sau khi hiệp định Paris vừa được ký kết, chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Viễn tượng
hòa bình và thống nhất đất nước, lúc đó, đã thành hình rõ nét, mang theo hy vọng
sẽ có một nền văn học Việt mở rộng, tiếp thu những thành tựu khoa học toàn cầu,
bên ngoài sự phân biệt chính trị và ý thức hệ.
Trong ảo vọng lớn lao ấy, tôi dự kiến viết một loạt bài về
thi pháp, khởi đầu là bài Thơ là gì này, đăng trên tạp chí Văn, Sài
gòn, để dành làm tư liệu tham khảo về sau, chủ yếu cho sinh viên và độc giả trẻ.
Nhưng việc làm dở dang, báo Văn khởi đăng được ba bài, vào cuối năm 1973, thì đổi
người tổng biên tập, loạt bài ngưng trệ. Tôi cũng không có cơ hội viết tiếp.
Do đó, bài này ngoài một số độc giả Văn, ngày nay còn đòi hỏi,
thì ít ai biết đến.
Học giả Phan Ngọc, với tôi là chỗ thân tình, ngày 20.4.1996,
có ký tặng tôi cuốn Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, nhà xuất bản
Trẻ, 1995, trong đó có bài Thơ là gì, đã đăng trên tạp chí Văn Học, Hà Nội,
số 1-1991, chứng tỏ anh chưa đọc tôi. Vì chưa đọc, anh mới chọn tiêu đề như thế,
và mất nhiều công sức tư biện để đến kết luận: «sự thức nhận về
ngôn ngữ (thơ) cho đến nay chưa tiến hành triệt để. Ta chỉ nghe nói
những lời hoa mỹ về ngôn ngữ này (thơ) mà không thấy một sự đối lập
thích đáng (pertinent) giữa thơ và văn xuôi» (tr. 24), điều mà dựa
theo Jakobson, tôi đã nêu lên từ hai mươi năm trước, và giới biên khảo trên thế
giới, trước đó, đã nói tràn lan.
Gần đây, người bạn trẻ Ngô Tự Lập đã tranh cãi với Phan Ngọc
về câu: «thơ là một tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản» (tr.
23) trong hai tập biên khảo anh mới xuất bản năm nay: Hàn thử biểu
tâm hồn, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, nơi trang 98,Văn chương như một quá trình dụng
điển, nhà xuất bản Tri Thức, nơi trang 47, anh mới gửi tặng tôi. Anh chưa đọc
tôi, nếu đọc thì khi tranh luận, anh sẽ nói một cách khác. Và thậm chí, dường
như các anh cũng chưa đọc Nguyễn văn Trung.
Bạn bè thân thiết, viết cùng một đề tài, mà còn chưa đọc nhau,
nói chi người khác. Nói như vậy, hoàn toàn không phải là trách bạn. Hoàn toàn
không. Hoàn cảnh đất nước tạo ra tình huống như vậy. Việc biên khảo ở Việt Nam
nó như vậy. Phần khác cũng là lỗi tại tôi.
Vậy để thông tin, tôi cho in lại bài Thơ là gì, mở đầu
cho một cuốn sách gồm nhiều bài tản mạn từ nửa thế kỷ nay, viết nhiều nơi,
trong nhiều tình huống lịch sử và tâm trạng khác nhau.
Những bài báo cách xa nhau, cách xa trong nhiều nghĩa, viết
không đều tay, khác quan điểm, có khi mâu thuẫn, như những cánh bèo bập bềnh
theo vận nước. Những bài hay bài dở, câu được câu chăng, đều là chứng từ, hình ảnh
của thân phận làm người trong cơn dâu biển đa đoan.
Nhưng câu chữ bao giờ cũng đặt trên một nền
chung: niềm tin vào văn học, lẽ phải, tình người, dân tộc và đất nước.
Trước đây, tôi viết văn như ném cái chai xuống biển. Hôm nay,
tôi gửi một cuốn sách đến tận tay người đọc, như một niềm tin và một tấm lòng .
Của tin gọi một chút này làm ghi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét