Thuật ngữ Thi Học dùng ở đây để biểu đạt những kiến thức, suy
nghĩ về Thơ, qua nhiều dạng thức và trong quá trình của nó. Chữ Pháp là
Poétique, hiểu theo nghĩa hẹp và cổ điển, áp dụng chủ yếu vào văn vần. Dùng
theo nghĩa rộng và hiện đại, theo quan điểm của Valéry, được Jakobson phát triển
về sau, từ Poétique được dịch là Thi Pháp, chỉ chức năng thẩm mỹ của ngôn từ,
và nới rộng ra những hệ thống ký hiệu khác, là lý thuyết về tính nghệ thuật nói
chung. Thi Học, giới hạn trong phạm vi thi ca, là một bộ phận nhỏ của Thi
Pháp,.
Bài này giới thiệu những đóng góp vào nền Thi Học Việt Nam của
nhà ngữ học Nguyễn Tài Cẩn, sinh tại Nghệ An năm 1926, qua tác phẩm mới xuất bản
: Một số Chứng Tích về Ngôn Ngữ Văn Tự và Văn Hoá, viết tắt là Một số Chứng
Tích. Chúng tôi cũng sẽ nhắc qua 7 tác phẩm trước đây của anh, và nhấn mạnh vào
những trước tác xuất bản gần đây nhất.
Một số Chứng Tích, 430 trang, gồm 34 bài báo đã đăng rải rác
trong và ngoài nước, dưới nhiều đề tài ngữ học và văn bản học, phản ánh những
quan tâm của anh về văn hoá từ 40 năm nay. Nhất là về ngôn ngữ Thơ.
Thành phần thiết yếu trong Thơ là cách gieo vần, đã được Nguyễn
Tài Cẩn đặc biệt chú tâm: "cách đọc Hán Việt (thế kỷ VIII và IX) (...) cho
phép các nhà thơ Việt đi ngược lại thi pháp Hán tạo ra một lối gieo vần riêng
biệt cho Việt Nam" (tr. 422) dựa theo những nguyên âm thuận tai, như ở ca
dao tục ngữ, chứ không theo khuôn mẫu Quảng Vận của Trung Quốc ; lối gieo vần
này không phải lúc nào cũng thành công, "thơ chữ Hán nhưng đọc lên nghe có
âm hưởng thuần Việt (...) ngay những trường hợp không thật hài hoà cũng được chấp
nhận. Và chính những trường hợp này đã ảnh hưởng đến cả cách gieo vần trong thơ
thuần Việt, và đôi khi ảnh hưởng (ngược lại) đến cả cách đọc Hán Việt (tr.
421). Nói khác đi, ngữ học soi sáng cho thi học, nhưng có lúc, thơ ca minh hoạ
cho ngữ học. Tác giả đã dựa vào thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, như anh đã trình
bày rõ trong một tác phẩm khác về Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370), có thể xem như
là công trình nghiên cứu cặn kẽ nhất về bước đầu của ngành Thi Học Việt
Nam. Trong sách này, anh có nhắc lại bài thơ Việt Nam áp dụng sớm nhất lối
cách tân này là bài Cảm Hoài của Vương Hải Thiềm (1046-1100) kết hợp vần ca,
qua với ma, giai, ngoài khuôn khổ Quảng Vận phương Bắc.
Ngoài đề tài gieo vần, công trình của Nguyễn Tài Cẩn về ngữ
âm lịch sử, nguồn gốc cách đọc Hán Việt giúp các nhà nghiên cứu thơ
cổ điển Việt Nam lý luận, bình giải xác thực hơn. Ví dụ chúng ta biết rõ tiếng
Hán có 4 thanh (bình, thượng, khứ, nhập) chuyển sang tiếng Hán Việt thành 8
thanh (ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc khứ, sắc nhập, nặng khứ, nặng nhập)
(4). Nền ngữ âm học hiện đại xác nhận điều này . Nhờ đó chúng ta có
cơ sở cụ thể nhìn rõ đặc tính, nhạc tính, của thơ Việt so với nền thơ gần với
chúng ta nhất là thơ Trung Quốc. Chưa kể là Nguyễn Tài Cẩn vạch cho chúng ta thấy
nguồn gốc và quá trình của từng phụ âm, từng nguyên âm, là những thành tố cơ bản
của Thơ.
Trong Một số Chứng Tích, Nguyễn Tài Cẩn còn lưu tâm về
Câu Thơ. Như câu thơ sáu chữ xen giữa thể thất ngôn của Nguyễn Trung Ngạn,
trong một cấu trúc không thấy ở thơ Trung Quốc (tr. 308). Kỹ thuật này mở đường
cho thơ Nôm Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm về sau, tạo nên nét đặc thù của nền
thơ Việt Nam so với thơ Đường, thơ Tống.
Anh đã dành một chương dài cho câu thơ lục bát, phân tích cấu
trúc nội tại của nó, từ vần điệu, thanh điệu đến nhịp điệu, đi đến những
"bước" hai tiếng, trong đó xen kẽ những tiếng chính và phụ theo từng
vị trí. Và một cặp lục bát, theo anh, có thể biến hoá thành 256 trường hợp khác
nhau (tr. 331).
Thông thường, trong thơ các nước và theo lý thuyết, Vần
là cách bắt nhịp và phân định ranh giới. Nhưng trong thi luật Việt Nam, vần
lưng không đủ cơ sở làm đường ranh giới cắt đôi đơn vị chứa đựng chúng (tr.
320). Âu cũng là nét khu biệt của Thơ Việt Nam trong khoa Thi Học đối chiếu.
Trong tinh thần đối chiếu, Nguyễn Tài Cẩn đã lưu tâm đến thể Ca Trù, một thể loại
dân gian Việt Nam, được Nguyễn Khuyến sử dụng để làm thơ chữ Hán, uốn nắn câu
thơ Đào Tiềm, Lý Bạch, thành thơ Việt, qua hai bài Bùi Viên cựu trạch và Bùi
Viên đối ẩm. Sau đó, Nguyễn Khuyến tự dịch ra quốc âm, cũng trong thể ca trù.
Nguyễn Tài Cẩn tỏ ra thích thú khi viết về thể hát nói, làm người đọc tiếc rằng
anh không đi xa hơn : thế hệ nghiên cứu sau này sẽ không còn những rung cảm như
anh khi viết về một thể loại đã mai một ; và trong địa hạt thẩm mỹ Hán Việt đối
chiếu, sẽ khó có người vừa uyên bác vừa mẫn cảm như anh, dù rằng thao tác này
là trách nhiệm của người làm văn học, đúng hơn là của người làm ngữ học.
Anh đã để tâm đến Câu Đối, qua câu đối quốc ngữ hiện đại: Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế, mà anh phân tích
và tìm câu đối lại. Đây là bài viết mua vui, nhưng cũng là một gợi ý về Thi Học: câu đối là cách khai thác triệt để hình thức của ngôn từ. Ra câu đối, mục
đích chính không phải là đối thoại, mà là để bắt bí người khác, để cho đối
phương không thể, hoặc khó có thể trả lời. Ra câu đối, là áp đảo đối phương bằng
bạo lực của ngôn từ, dựa trên bạo lực của quyền thế : người trên, kẻ mạnh, thách
thức người dưới, kẻ yếu - ít khi có đối thoại bình đẳng và dân chủ. Sử dụng quyền
thế, người ra câu đối (thường là ông quan) đã đẩy chức năng thẩm mỹ của ngôn từ
đến tận cùng của tình huống.
Do đó, hơn cả Thi Ca, Câu Đối minh hoạ rõ nét chức năng thi
pháp của ngôn từ, theo lý thuyết Jakobson. Câu Đối xuất sắc vì tính cách hóc hiểm,
kết hợp ngôn từ với tình huống, chứ không phải xuất sắc vì tư tưởng cao siêu : Da
trắng vỗ bì bạch là một điển hình.
Nguyễn Tài Cẩn đã đối lại: Rừng sâu mưa lâm thâm, rất
chỉnh; tuy không sát với tình huống, câu đáp có giá trị văn học, là một câu
thơ hay, man mác u hoài trong vũ trụ mông mênh.
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu cũng vậy thôi, nó nói lên
thân phận nhỏ nhoi của con người trong lịch sử đa đoan, không nhất thiết phải
quan hệ với chuyện Ngô Thời Nhậm-Đặng Trần Thường mà tình huống, thật sự, cũng
chưa chắc đã có thực. Những câu đối được truyền tụng, xuất sắc vì văn bản ; còn
tình huống, đôi khi người đời sau bịa đặt, nguỵ tạo một hoạt cảnh, trở thành
"giai thoại". Các giai thoại văn học về câu đối, thường tái lập ưu thế
cho kẻ yếu, tạo cho họ nét thông minh, nhạy bén, dũng cảm, nhưng đây là chuyện
xã hội hơn là ngôn ngữ.
Khi luận về Câu Đối, anh Cẩn cao hứng, nhưng vì cả tâm tình
và tư duy anh bị điều kiện hoá trong thi pháp, nên anh vẫn tiếp tục đóng góp
vào lập thuyết mà không ngờ là mình lập thuyết.
Từ Vựng học, cách sử dụng ngữ vựng, tham dự vào việc phân biệt
thơ và văn xuôi: một từ có thể mang giá trị khác nhau trong thơ hay văn xuôi.
Trong địa hạt này, Nguyễn Tài Cẩn đã đem lại những kiến thức lịch đại
quan trọng, như trong công trình nghiên cứu thơ chữ Hán và chữ Nôm Nguyễn Trãi,
hay khi anh phân biệt thơ Nguyễn Trãi với thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, trên 27 bài tồn
nghi, không rõ của người nọ hay người kia. Anh đã mang lại hai thành tựu:
phương pháp khảo sát và phẩm chất những khám phá.
Về phương pháp khảo sát từ vựng, anh đưa ra thống kê: trong
250 bài thơ quốc âm, Nguyễn Trãi dùng 11067 lượt từ, trong đó có 2235 từ khác
nhau (tr. 197), và những từ lặp lại nhiều lần: Nguyệt (62), Xuân (55), Thu
(39), Thế (đời) (42). Nguyễn Trãi chỉ dùng từ rau một lần trong sáu lần
nói đến rau, những lần khác dùng từ chính xác: muống, niềng niệng, mồng tơi,
... Tỷ lệ từ đơn âm rất cao: 71,2 %, số từ đa âm còn lại, phần lớn là từ
thuần Việt: phơ phơ, thơn thớt, ... Tóm lại, rất ít từ Hán Việt. Để
phân biệt thơ Nguyễn Trãi với thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, anh đề nghị dựa trên cách
dùng từ và kết hợp từ trong câu, tức cái ngôn ngữ riêng biệt của mỗi tác giả,
những chi tiết góp phần làm nên cái gọi là idiolecte (tr. 221) (anh dùng tiếng
Pháp trong văn bản). Ví dụ: ở Nguyễn Trãi ao là nơi trồng rau nuôi cá, ở
Nguyễn Bỉnh Khiêm là nơi tắm mát.
Phương pháp này tỉ mỉ, khoa học và khách quan. Nó gạt ra hai
lối biện luận văn học mà ngày nay ta vẫn còn thấy rơi rớt đâu đó : một là lối
tán tụng theo ấn tượng và gây ấn tượng, dựa trên khả năng thêu hoa dệt gấm của
người biên khảo ; hai là lối phản ảnh : dùng gia thế, sự nghiệp, giai cấp, lập
trường, đường lối, ... để giải thích, đồng thời "đánh giá" (tr. 220).
Phương pháp của Nguyễn Tài Cẩn đáp ứng lại sự "thèm thuồng" của một
Nguyễn Tuân: "Tôi vẫn thèm đọc những bài phê bình bàn bạc thêm về văn
chương, về phong cách văn tự, về thủ pháp văn học, về nhãn quan mỹ học của tác
giả, sau khi mình đã nhận định xong cái phần chất lượng tư tưởng của họ".
Câu này Nguyễn Tuân viết năm 1960, lúc đó chưa đọc Nguyễn Tài Cẩn.
Phương pháp Nguyễn Tài Cẩn đề xuất, tự nó, đã mang phẩm chất
về mặt khoa học và thẩm mỹ, nó có tầm quan trọng đặc biệt mà giới làm văn học
ngày nay chưa chắc đã lãnh hội và đánh giá đúng mức. Còn những đóng góp cụ thể
của anh thì vô cùng vô tận, chỉ người làm công tác học thuật khi đọc, mới thấu
triệt được công ơn của anh trong việc tìm hiểu thi ca.
Trong thơ, mỗi một từ có giá trị riêng, và âm vang riêng, tuỳ
thuộc vào cái vỏ âm thanh và nội dung đa nghĩa, gọi là nội hàm của nó. Bên cạnh
đó, nó còn chịu ảnh hưởng giao thoa về ngữ âm và ngữ nghĩa của những chữ chung
quanh. Ví dụ như chữ mùa giàu âm vang và có nhiều nghĩa: Mùa ổi, mùa Gió Chướng,
Ba Mùa, Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng, Mùa xưa, Đáy đĩa mùa đi nhịp hài hà ... Từ mùa
do chữ "vụ" tiếng Hán, là một từ cổ Hán Việt, có trước thời kỳ Hán Việt
thế kỷ VIII - IX. Thời xa xưa đó, hai chữ là một, theo Nguyễn Tài Cẩn:
"viết vụ đọc mùa". Như vậy mùa có nghĩa mùa màng:
Rồi mùa toóc rã rơm khô
Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm
Về sau, mới thêm nghĩa bốn mùa, thời tiết, thời gian, không
gian và đèo thêm nội dung tình cảm, u hoài hay hy vọng. Tiếng Anh, Pháp season,
saison, cùng một âm vang thi cảm, có lẽ cũng theo quy trình như vậy. Nguyễn Tài
Cẩn tỏ ra tâm đắc với chuyện vụ/mùa này nên thường nhắc đi nhắc lại nguồn
gốc trong nhiều tác phẩm. Và chúng ta thêm được một kiến thức, hiểu sâu sắc hơn
âm vang của chữ mùa trong thi ca dân gian hay hiện đại, hay trong những
bài hát của Văn Cao: Từng hẹn mùa xưa... , ngày mùa vui thôn trang..., khi
gió mùa thơm ngát....
Trong Một số Chứng Tích có hai bài ước lược và bổ sung
cuốn sách Nguyễn Tài Cẩn đã viết về bài thơ chữ Hán của vua Thiệu
Trị, bài thất ngôn bát cú tên Vũ Trung Sơn Thuỷ, đọc được 64 cách khác nhau, và
anh cho rằng có thể khai triển thành 256 bài. Để người đọc tiện theo dõi anh đã
dịch ra tiếng Việt, trong thể tám câu bảy chữ, mà lại đọc được ngần ấy cách,
thành ngần ấy bài khác nhau. Âu cũng là một tuyệt chiêu.
Đây là thể thơ "hồi văn" đọc quanh co đi lại đều
thành câu, thành bài ; đã hồi văn thì phải liên hoàn : lấy câu, hay chữ, cuối
bài trước làm câu, hay chữ đầu bài tiếp theo, v.v. ...
Bài thơ là một "kỹ xảo" của Thiệu Trị, nhưng trong
lý thuyết Thi Học có giá trị đặc trưng : thơ là ngôn ngữ dẫm chân tại chỗ,
không theo tuyến tính (linéaire). Khi đọc lên thành tiếng thì dĩ nhiên phải
theo thời gian như mọi lời nói. Nhưng nếu chỉ đọc bằng mắt, thì từ ngữ có thể
hoán chuyển ngược xuôi. Valéry đã nói đâu đó, đại khái : văn xuôi là đi tới,
thơ là khiêu vũ (la poésie est à la prose, ce que la danse est à la marche),
nghĩa là khua đôi chân mà không tiến tới đâu. Văn xuôi là mũi tên phóng về phía
trước, thơ là đường kiếm biến hoá không cùng, nhưng vẫn tiến thoái trong vòng
tròn của tầm tay.
Văn xuôi thẳng tới: "ta đi tới trên đường ta bước tiếp"
theo Tố Hữu ; thơ thì lại "lui đôi vai tiến đôi chân, riết đôi vai ngã đôi
thân" theo kiểu Vũ Hoàng Chương. Thơ là lối "hồi văn" đi
vòng để trở về khởi điểm. Kỹ xảo của Thiệu Trị, vô hình trung, minh hoạ điều
này. Càng lý thú hơn nữa khi nghe Nguyễn Tài Cẩn lập luận :
"Bản thân Thiệu Trị chưa hình dung hết tổng số các bài
có thể có, các khả năng hồi văn liên hoàn có thể có. Đây là điều không có gì
đáng lấy làm lạ, vì cái chuyện ngay tác giả mà cũng không tưởng tượng hết đựơc
tất cả các hệ quả của sản phẩm do mình sáng tạo, là một chuyện rất dễ xảy
ra, trong cuộc đời, trong khoa học cũng như trong nghệ thuật "(tr. 353).
Đây là lời Nguyễn Tài Cẩn nói về Thiệu Trị. Nay tôi
"cóp" nguyên si câu văn để nói về anh, e rằng anh cũng không biết cãi
vào đâu. Dành trọn một đời người cho ngữ học, anh chỉ lao tác trong những
chuyên đề giới hạn trong nghề nghiệp. Nay nói rằng anh là người nghệ sĩ đặt những
nền móng đầu tiên và thiết yếu cho ngành Thi Học lịch đại, nới rộng thành nền
Thi Pháp Việt Nam hiện đại, có thể làm anh ngạc nhiên. Nhưng trên thế giới đã
có nhiều tiền lệ, như Propp, Jakobson, Kristeva, và bao nhiêu bậc thầy tài danh
khác.
Theo lý thuyết ngữ học, ta có thể xem từng mảnh đóng góp của
Nguyễn Tài Cẩn như những đoản ngữ (syntagme), và toàn bộ trước tác của anh như
một từ hệ (paradigme) mà Thi Học là một thành phần thiết yếu. Trong các tác phẩm
ngữ học đầu tay, anh là chuyên gia về đoản ngữ; trong trước tác về
sau, anh ngao du giữa những từ hệ làm nên nền văn học và văn hoá dân tộc, trong
tương quan hữu cơ với các nguồn văn hoá của các sắc tộc anh em, của lân bang và
thế giới. Từng tác phẩm là Lời Nói (parole), toàn bộ trước tác của anh làm nên
Tiếng Nói (langue).
Trên hành trình ngữ học, Nguyễn Tài Cẩn đã nhiều lần ghé lại
Bến Thơ. Càng cao tuổi, anh dừng lại càng lâu hơn; cuối cùng, những đoản đình
trường đình lại làm nên duyên phận. Ngữ Học của Thơ, với Nguyễn Tài Cẩn, đã hoá
thân thành Thơ của Ngữ Học.
Nghĩ cho cùng, con người là toàn diện và duy nhất, làm nghề
gì, và sinh sống ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng vậy thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét