DongNhacXua.com đã
có một bài viết về hai bản nhạc xuân đặc sắc có cùng tên ‘Mùa Xuân Đầu
Tiên’ của Tuấn Khanh và Văn Cao, hai nhà nhạc sỹ ở hai bên chiến tuyến,
sáng tác ở hai thời điểm khác nhau. Hôm nay, nhân dịp Xuân Ất Mùi
2015, chúng tôi xin gởi đến quý vị yêu nhạc xưa thêm vài chi tiết thú vị về
nhạc phẩm “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao qua bài viết của Văn Thao, con trai của
chính nhạc sỹ Văn Cao.
Mùa Xuân Đầu Tiên - Ánh Tuyết
VĂN CAO VỚI CA KHÚC ‘MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN’
VĂN THAO… Tôi tập tễnh bước một leo lên cầu thang ngôi nhà số
108 phố Yết Kiêu vào một ngày giáp tết năm 1976. Đã sang tiết xuân, trời nắng
nhẹ mà vẫn lạnh. Tiếng đàn dương cầm vọng ra. Một điệu vans. Giai điệu của bản
nhạc mượt mà, lấp lánh như những hạt nắng xao động trên vòm cây. Một giai điệu
mà tôi chưa nghe bao giờ.
Nhạc sĩ Văn Cao
Văn Cao ngồi bên đàn. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt
trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào, âm vang đầy ắp
căn phòng. Tôi ngồi xuống đi văng, lặng nhìn đôi vai gầy guộc của ông phủ xuống
cây đàn. Mái tóc bạc dài xõa phất phơ theo tiếng dương cầm thánh thót. Những vệt
ánh sáng hắt qua ô cửa óng vàng chuyển động trên đôi bàn tay. Tiếng nhạc nhẹ dần,
chậm chậm tan vào không gian, mênh mang. Đôi bàn tay gầy khẽ dâng lên khỏi bàn
phím và bất động trong không trung. Lát sau, Văn Cao lặng lẽ đứng dậy, nhẹ
nhàng rời khỏi cây đàn. Khuôn mặt ông bất động. Hình như tâm hồn ông vẫn còn bồng
bềnh trôi theo những âm thanh của bản nhạc.
– Bố! Một chút ngơ ngác rồi sau đó ông mới nhận ra tôi.
– Thao đấy hả! Con về từ bao giờ đấy?
– Từ trên trung tâm chỉnh hình Ba Vì con đến thẳng đây.
– Vết thương của con thế nào? Đi chân giả có đau lắm không?
Tôi đứng dậy kéo ống quần lên cho ông nhìn thấy chiếc chân gỗ,
rồi bình thản đi quanh phòng. Ông ngồi lặng nhìn theo tôi, đôi mắt ánh lên niềm
vui. Từ trong khoé mắt, một giọt lệ lăn từ từ trên đôi gò má.
– Tốt! Tốt quá rồi!… Thôi ngồi xuống đi con.
Tôi ngồi xuống bên ông. Hai cha con nhìn nhau. Tôi định nói một
điều gì đó mà không được. Cổ họng cứ tắc nghẹn. Mãi lúc sau mới thốt được nên lời:
– Lâu lắm con mới lại được nghe bố đánh đàn một cách say sưa
như thế này. Giai điệu đẹp quá. Bài mới sáng tác của bố đấy à?
– Ừ! Bố sáng tác bài hát này mừng Mùa xuân đầu trên đất nước
mình thống nhất.
– Vậy là bố lại sáng tác ca khúc?
Ông nhìn tôi giây lát. Hình như ông đã hiểu tôi định nói gì.
– Đúng thế.
Sau khi bài Tiến về Hà Nội ra đời cuối năm 1949, bố bị đưa ra kiểm điểm và bị phê phán khắp nơi. Từ đó bố đã thề, sẽ không sáng tác ca khúc chính trị nữa… Nhưng rồi những năm tháng sau này đôi lúc hứng khởi bố vẫn sáng tác. Vẫn biết có sáng tác ra cũng chẳng được dàn dựng…
Sau khi bài Tiến về Hà Nội ra đời cuối năm 1949, bố bị đưa ra kiểm điểm và bị phê phán khắp nơi. Từ đó bố đã thề, sẽ không sáng tác ca khúc chính trị nữa… Nhưng rồi những năm tháng sau này đôi lúc hứng khởi bố vẫn sáng tác. Vẫn biết có sáng tác ra cũng chẳng được dàn dựng…
Tôi còn lưu giữ được một số tác phẩm của ông sáng tác sau này
nên tôi hiểu những điều ông nói. Giá như ông không bị rơi vào cái nạn “Nhân
văn” và bị “vô hiệu hoá” mất 30 năm thì tôi chắc rằng ông sẽ còn sáng tác được
thêm nhiều tác phẩm cho nền âm nhạc Việt Nam.
… Bố vừa sáng tác xong nhạc cho phim “Chị Dậu” do bác Khoa đạo
diễn. Cả bản nhạc giao hưởng thính phòng cho phim “anh bộ đội Cụ Hồ” của xưởng
phim quân đội.
Dư luận rất tốt. Bố phải cảm ơn con. Chính nghị lực của con
đã giúp bố vượt qua được nỗi đau lúc con gặp nạn. Bố đã tưởng mất con.
Tôi thấy cay cay khoé mắt. Cổ họng tắc nghẹn.
– Thôi mà bố. Chuyện đã qua rồi.
– Bố biết! Mọi chuyện đã qua. Nhìn thấy con hôm nay bố mới thật
sự yên lòng. Bố phải cố hoàn thành bài hát trong một vài ngày tới…
Văn Cao là một người cộng sản chân chính. Mơ ước và khát vọng
của ông rõ ràng, cao đẹp: “Ta mơ trần gian lúc san bằng hết biên thuỳ. Chỉ còn
loài người, chỉ còn tình thương trùm lên thế giới”… (Bài ca biên giới). Ông tin
sẽ có ngày xã hội “cùng sống tập đoàn, toàn thế giới công khai cùng kiến thiết
xã hội ngày mai…” (Công nhân Việt Nam). Chính vì vậy mà bao khó khăn gian khổ,
bao thăng trầm đổ xuống cuộc đời vẫn không làm ông nao núng. Ông tin những việc
ông làm, con đường ông đã chọn. Và ông đã đúng! Cái thời khắc “giải phóng tiến
tới thống nhất” đã đến…
Ngày 30 – 4 – 1975 đất nước hoàn toàn thống nhất cả dân tộc
reo vui. Văn Cao im lặng. Chỉ thấy đôi mắt ông sáng lên lấp lánh.
Có một cái gì đó đang chuyển động trong đầu. Một âm thanh mơ
hồ, mỏng mảnh như làn khói thoảng qua. Một tiếng gà gáy mênh mang. Một tia nắng
lấp lánh… Và một cánh én. Những âm thanh, những hình ảnh chập chờn trong đầu
ông rồi lại tan biến.
Những ngày tháng sau đó, căn gác nhỏ nhà Văn Cao không lúc
nào ngớt khách. Những khuôn mặt bừng sáng. Những nụ cười rạng rỡ. Những giọt nước
mắt sung sướng bên những ly rượu tràn đầy và có cả những khuôn mặt, một thời
không dám bước chân đến căn gác nhỏ này vì sợ “bị vỗ vai”.
Văn Cao đã sáng tác xong ca khúc Mùa xuân đầu tiên vào đúng dịp
tết Bính Thìn.
Sau tết. Tôi lên, ông đã đưa cho tôi xem bài Mùa xuân đầu tiên. Tôi vừa xướng âm, vừa lẩm nhẩm hát một cách say sưa:
“Rồi đặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường, mùa vui
nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà
đang gáy trưa bên sông. Một tia nắng vui cho bao tâm hồn… Người mẹ nhìn đàn con
nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy… Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao, trong xuân
vui đầu tiên… Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ
đây người biết yêu người…
Lời ca thật dung dị với những hình ảnh gần gũi thân quen thấm
đậm chất nhân văn. Giai điệu của bài hát đẹp, mượt mà và sâu lắng đã cuốn hút
tôi. Càng hát tâm hồn ta càng thánh thiện hơn lên.
Cuối năm 1976 Mùa xuân đầu tiên được in trên báo sài Gòn giải
phóng. Nhưng rồi số phận của nó cũng lại bị “người ta lãng quên”. Vào thời điểm
đó, những bài hát mang tính Tụng ca ồn ào đang chiếm lĩnh diễn đàn.
Nhưng cũng thật bất ngờ (không hiểu bằng con đường nào),
trong cái năm 1976 ấy Mùa xuân đầu tiên đã được in ở nước Nga và được Liên Xô
trả nhuận bút cho tác giả 100 Rúp. Văn Cao phải viết giấy uỷ quyền qua sứ quán
để con gái ông đang học bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con gái: “Con cứ lấy mà tiêu, ở
nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu.”
Mãi hai mươi năm sau, Mùa xuân đầu tiên mới được các “Nhà Đài
nước ta” dàn dựng và phát sóng. Từ đó đến nay Mùa xuân đầu tiên ngày càng được
đông đảo công chúng yêu thích.
Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao đã khẳng định được giá trị đích thực của nó.
(Nguồn: tùy bút của Văn Thao đăng trên tapchisonghuong.com.vn ngày 03/07/2009).
Văn Thao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét