Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

Hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong Đường Thi

Hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp 
trong Đường Thi

A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Ngày nay, xã hội càng phát triển thì con người càng có điều kiện để quay về tìm hiểu giá trị truyền thống của dân tộc, trong đó có lĩnh vực ngôn ngữ. Ngôn ngữ ngoài vai trò to lớn thể hiện niềm tự hào dân tộc, nó còn là công cụ để sáng tác văn chương. Vì thế để tìm hiểu sâu sắc tư tưởng của đất nước trong giai đoạn lịch sử nhất định, chúng ta trước hết tìm hiểu ngôn ngữ cũng như cấu tạo ngữ pháp thể hiện trong các tác phẩm văn chương giai đoạn đó. Điều này càng quan trọng hơn đối với việc phân tích các tác phẩm văn chương nước ngoài, đặc biệt là thơ Đường của Trung Quốc - thể loại chúng ta đã được học ngay cả ở phổ thông đến đại học.
Thơ Đường là thành tựu rực rỡ của thơ ca Trung Quốc và nhân loại, trải hơn mười thế kỷ mà sức hấp dẫn vẫn không hề phai. Thơ Đường có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đối với thơ ca Trung Quốc và các nước đồng văn mà còn đối với thơ ca của các nước phương Tây hiện đại. Hiện nay việc nghiên cứu thơ Đường vẫn còn là vấn đề quan tâm của nhiều độc giả.
Một điểm độc đáo của thơ ca nói chung và thơ Đường nói riêng là lời ít ý nhiều, ý tại ngôn ngoại, cô đọng, hàm súc. Nhưng phần lớn độc giả, nhất là học sinh tiếp cận thơ Đường từ bản dịch nên việc tìm hiểu giá trị của thi phẩm không trọn vẹn, mất đi cái hay, cái đặc sắc riêng của thơ Đường. Mặt khác để đảm bảo tính hàm súc và niêm luật của bài thơ, thể thơ mà trong thơ Đường xuất hiện hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp mà nhiều nhất là là tỉnh lược chủ thể trữ tình. Cho nên, khi tiếp cận với bài thơ Đường, nhiệm vụ của độc giả phải tìm ra được những từ bị lược đi để hiểu bài thơ trọn vẹn. Bên cạnh đó, sự tỉnh lược ngữ pháp trong thơ Đường còn xuất phát từ lối sống văn hóa phương Đông. Họ ít chú trọng đến cái tôi, cái cá thể mà cái tôi của họ hòa nhập vào cái ta của cộng đồng, của thiên nhiên, vũ trụ. Vì thế chủ ngữ thường ẩn đi trong thơ Đường. Việc tìm ra chủ thể và các từ bị lược đi gặp không ít khó khăn. Điều này càng khó khăn hơn đối với học sinh khi bước đầu tiếp cận thơ Đường.
Do đó, người viết thấy việc tìm hiểu hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong thơ Đường là hết sức cần thiết. Nó đáp ứng được nhu cầu muốn tìm hiểu sâu sắc tác phẩm Đường thi cũng như thơ cổ thể.
Từ những cơ sở thiết thực trên cùng với sự gợi ý của giáo viên hướng dẫn, người viết chọn đề tài nghiên cứu này.
2. Mục đích nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, người viết muốn tìm hiểu và giới thiệu hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong một số bài thơ Đường tiêu biểu. Qua đó, đề tài còn giúp người viết hiểu sâu sắc hơn những giá trị của thơ Đường cũng như những ảnh hưởng của thơ Đường đến các nhà thơ Việt Nam. Việc tìm hiểu này còn tạo tiền đề thuận lợi cho người viết học tập và giảng dạy sau này.
3. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu
Tìm hiểu hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong thơ Đường là vấn đề gặp không ít khó khăn và phức tạp. Do hạn chế về thời gian, cũng như trình độ của bản thân nên người viết chỉ tìm hiểu hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong một số bài thơ Đường tiêu biểu. Mong là trên cơ sở đề tài này, người viết có điều kiện tốt hơn để khám phá những đặc sắc của thơ Đường trong phạm vi rộng hơn ở tương lai.
4. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Việc nghiên cứu thơ Đường từ xưa đến nay có rất nhiều tác giả trong và ngoài nước thực hiện. Và hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong các tác phẩm Đường thi được mọi người nhắc đến nhiều. Năm 1997, tác giả Nguyễn Thị Bích Hải đã cho đăng bài “Đặc điểm của phép tỉnh lược ngữ pháp trong thơ Đường luật” trên tạp chí Hán Nôm số 4. Trong bài này tác giả đã khảo sát hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp ở một số bài thơ Đường cụ thể như: Trương Duyệt - Tống Lương Lục, Vương Xương Linh - Phù Dung lâu tống Tân Tiệm, Đỗ Phủ - Nguyệt dạ, chủ yếu là tỉnh lược chủ ngữ và giới từ hạn định không gian, thời gian. Trong các bài thơ Đường mà tác giả Nguyễn Thị Bích Hải khảo sát chưa đề cập đến các bài thơ Đường được giảng dạy ở trường phổ thông. Dựa trên cơ sở của bài nghiên cứu này, người viết đưa vào khảo sát thêm hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp ở một số bài thơ Đường trong trường phổ thông và một số bài được giảng dạy ở đại học. Từ đó, giáo viên và học sinh có thêm nguồn tư liệu để tìm hiểu về thơ Đường.
5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
5.1. Phương pháp nghiên cứu
Chủ yếu dùng phương pháp phân tích, thống kê. Khảo sát và phân tích hiện tượng tỉnh lược chủ ngữ, động từ, giới từ trong một số bài thơ Đường tiêu biểu. Thống kê hiện tượng tỉnh lược chủ thể trữ tình.
5.2. Nguồn tư liệu
Nguồn tư liệu ở đây chủ yếu gồm:
– Các sách thơ Đường và nghiên cứu thơ Đường.
– Các sách văn hóa và triết học phương Đông.
– Sách ngữ pháp Hán văn.
– Tạp chí Ngôn ngữ và tạp chí Hán nôm.
– Một số tư liệu từ internet.
6. Đóng góp của luận văn
Về lý luận: Bổ sung thêm một số kiến thức về hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong một số bài thơ Đường tiêu biểu.
Về thực tiễn: Những kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng trong việc giảng dạy thơ Đường trong nhà trường và góp phần định hướng cho việc tiếp cận tác phẩm Đường thi.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm ba chương:
Chương I: Cơ sở lí luận.
Chương II: Hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong thơ Đường.
Chương III: Vấn đề dạy và học thơ Đường trong nhà trường.
Chương I: Cơ sở lý luận
1. Khái quát tình hình văn học Đường:
– Sơ Đường
– Thịnh Đường
– Trung Đường
– Vãn Đường
2. Vị trí thơ Đường trong nền văn học Trung Quốc noí riêng và thế giới nói chung
2.1. Thơ Đường ở Trung Quốc
2.2. Vị trí của thơ Đường trong nền văn học thế giới
2.3. Ảnh hưởng của thơ Đường trong nền văn học Việt Nam
3. Thi pháp thơ Đường
3.1. Không gian nghệ thuật thơ Đường
3.2. Thời gian nghệ thuật thơ Đường
3.3. Con người trong thơ Đường
3.4. Các hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong thơ Đường
Chương II: Hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong thơ Đường
1. Sơ lược đặc điểm ngữ pháp Hán văn cổ
1.1. Ngữ pháp Hán văn cổ
1.2. Một số đặc điểm ngữ pháp của thơ
1.3. Các hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp
2. Khảo sát các hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong thơ Đường
2.1. Các hiện tượng tỉnh lược
2.2. Thống kê các hiện tượng tỉnh lược
3. Nguyên nhân tỉnh lược ngữ pháp trong thơ Đường
3.1. Đặc điểm loại hình ngôn ngữ
3.2. Đặc điểm văn hóa
3.3. Quan niệm triết học
Chương III: Thơ Đường trong nhà trường phổ thông
Vị trí của thơ Đường trong chương trình Ngữ văn phổ thông
Việc dạy và học thơ Đường ở trường phổ thông
B. PHẦN NỘI DUNG
Chương I: Cơ sở lý luận
1. Khái quát tình hình văn học Đường
Nhà Đường (618-907) khởi đầu là Cao Tổ (Lý Uyên) hiệu Vũ Đế cho đến Ai Đế (hiệu Thiện Hựu) tồn tại gần ba thế kỷ. Trong khoảng thời gian đó, văn học rất phát triển. Bên cạnh thơ, văn xuôi tự do đã bị văn biền ngẫu nổi lên áp đảo. Hai nhà văn Hàn Dũ và Liễu Tôn Nguyên ra sức cải cách văn xuôi. Truyện ngụ ngôn phát triển. Tiểu thuyết truyền kỳ vốn xa rời thực tế ngày càng chú ý phản ánh trực tiếp sinh hoạt xã hội, nhất là sinh hoạt chốn đô thị. Ngôn ngữ người kể và ngôn ngữ nhân vật tách xa khá rõ, các hình tượng nhân vật sinh động hơn và có cá tính hơn.
Tuy thế, thơ Đường vẫn là thể loại đạt được những thành tựu rực rỡ nhất và có quan hệ mật thiết với nhiều thể loại khác. Ngày nay, nó đã trở thành một di sản văn hóa vô cùng quý báu không chỉ riêng cho nhân dân Trung Hoa, mà cả toàn thế giới. Thơ Đường hiện còn lưu trữ hơn 48.000 bài (của hơn 2.300 nhà thơ) với nội dung phong phú và đạt đến đỉnh cao nghệ thuật.
Các nhà nghiên cứu thơ Đường đều nhất trí rằng thơ Đường có bốn giai đoạn phát triển (tuy về mốc thời gian có ý kiến khác nhau).
Sơ Đường (618-713) là giai đoạn chuẩn bị mọi mặt cho thơ, mang nặng tính chất ủy mị với bốn nhà thơ nổi tiếng: Vương Bột, Dương Quýnh, Lư Chiến Lân và Lạc Tân Vương (Sơ Đường tứ kiệt). Họ là những người tuổi trẻ, tài cao nhưng lận đận trên đường đời nên ít nhiều mang tâm trạng “hoài tài bất ngộ”. Thơ của họ một mặt thể hiện hào khí của những người mang chí lớn, mặt khác lại thể hiện sự bất mãn của những người “tài cao phận thấp, chí khí uất”, cho nên tiếng nói của họ được sự đồng cảm của người đọc. Nhà thơ tiêu biểu của thời Sơ Đường là Trần Tử Ngang. Ông chủ trương thơ phải thể hiện chân thực tình cảm và phải có “phong cốt Kiến An” - tức phải có nội dung xã hội và tinh thần tích cực, nhiệt tình với cuộc sống. Như thế, Trần Tử Ngang là người đặt nền móng cho thơ hiện thực phát triển ở giai đoạn sau.
Thịnh Đường (713-766) là giai đoạn rực rỡ nhất của thơ Đường. Thịnh Đường đã đạt đến sự thống nhất hài hòa giữa nội dung và hình thức. Những tác gia tiêu biểu của thơ Đường hầu hết đều tập trung ở thời này: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên, Vương Duy, Cao Thích, Sầm Tham, Vương Xương Linh, Thôi Hiệu … Hai khuynh hướng chính của thơ Đường đều được khẳng định ở thời kỳ này. Đó là khuynh hướng lãng mạn tích cực với Lý Bạch là tập đại thành và khuynh hướng hiện thực sâu sắc với Đỗ Phủ là người mở đầu. Thơ lãng mạn Trung Quốc đã được kế thừa và phát triển đến đỉnh cao với thiên tài của “thi tiên” Lý Bạch. Nội dung thơ Lý Bạch rất phong phú mà chủ yếu là hoài bão lí tưởng phi thường, bất mãn với hiện thực tầm thường, khát vọng giải phóng cá tính và tình cảm phong phú, mãnh liệt. Cuộc đời đau khổ và ý thức trách nhiệm với tổ quốc, nhân dân đã khiến Đỗ Phủ trở thành người thư ký trung thành và lương tâm của thời đại. Thơ Đỗ Phủ đã phản ánh một cách toàn diện, trung thực và sâu sắc nỗi đau khổ của người “dân đen”, những tai họa khủng khiếp mà đất nước và nhân dân phải chịu đựng trong chiến tranh loạn lạc.
Thịnh Đường cũng là thời kỳ huy hoàng của hai phái thơ “sơn thủy điền viên” và “biên tái”. Phái sơn thủy điền viên với đại biểu là Vương Duy và Mạnh Hạo Nhiên đã đưa thơ sơn thủy Trung Quốc lên đến đỉnh cao của “cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp “Khán Thiên gia thi hữu cảm” - Câu thơ của Hồ Chí Minh nhận xét về thơ cổ Trung Quốc). Tình yêu thiên nhiên, khát vọng hòa hợp với thiên nhiên trong thơ sơn thủy Thịnh Đường là đại biểu đặc trưng cơ bản của văn học cổ phương Đông. Phái thơ biên tái với đại biểu là Cao Thích, Sầm Tham đã đề cao tinh thần bảo vệ biên cương của đất nước. Phái thơ biên tái cũng có những nhà thơ nói lên tiếng nói của nhân dân Trung Quốc thời Đường phản đối chiến tranh phi nghĩa mà đại biểu là Vương Hàn với “Lương Châu từ” và Vương Xương Linh với “Khuê oán”. Cả Lý Bạch, Đỗ Phủ và nhiều nhà thơ khác tuy không thuộc phái thơ biên tái nhưng cũng sáng tác nhiều bài thơ phản đối chiến tranh, nói lên khát vọng hòa bình. Tinh thần yêu hòa bình, phản đối chiến tranh trong thơ Thịnh Đường phù hợp với tiếng nói muôn đời của nhân loại: Hòa bình cho hành tinh của chúng ta!.
Giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo của Đỗ Phủ đã được các nhà thơ thời Trung Đường kế thừa và phát huy. Các tác gia tiêu biểu của dòng thơ hiện thực Trung Đường là Nguyên Kết, Cố Huống, Trương Tịch, Lý Đoan, Lý Thân, Lưu Vũ Tích… đặc biệt là thi hào Bạch Cư Dị và Nguyên Chẩn, những người đã đề xướng phong trào Tân nhạc phủ. Trong thơ của mình, họ đã phản ánh một cách sâu rộng nỗi khổ đau cả về vật chất lẫn tinh thần của nhân dân, những nạn nhân bi thảm của xã hội phong kiến đang trên bước đường suy thoái. Điều đáng quý là các nhà thơ đã bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc đối với nỗi thống khổ của nhân dân và lên án sự bóc lột tàn nhẫn của giai cấp thống trị.
Tinh thần hiện thực này được một số nhà thơ thời Vãn Đường (835-907) như Bì Nhật Hưu, Nhiếp Di Trung, Đỗ Tuân Hạc, Tào Tùng,… tiếp thu, khiến cho tiếng nói hiện thực trong thơ Trung Quốc từ Đường đến Tống không bị đứt đoạn. Nhưng do ở thời Vãn Đường, nhà Đường đã rơi vào tình trạng suy vi toàn diện nên phong trào thơ ca có hiện tượng chuyển cảm hứng. Các nhà thơ lớn như Lý Thương Ẩn, Đỗ Mục, La Ẩn,… với nghệ thuật sáng tác điêu luyện, cảm hứng thơ ca của họ thể hiện tính chất bi trầm, thể hiện nỗi bi quan thất vọng trước buổi hoàng hôn của triều đại.
Trong quá trình dịch thơ Đường, nhà văn Ngô Tất Tố đã có nhận xét khá xác đáng: “Sơ Đường phần nhiều hay về khí cốt, nhưng lối dùng chữ đặt câu chưa được chải chuốt cho lắm. Vãn Đường giỏi về tìm tòi từ mới, lời rất đẹp, ý tứ rất sâu sắc, nhưng lại thiếu phần hùng hồn, có khi còn bị tội ủy mị là khác. Duy có Thịnh Đường ở giữa hai thời kì ấy, cho nên chẳng những không có cái dở của hai thời kì kia, mà còn có cái hay của hai thời kỳ ấy nữa. Đó là nói nội trong một thời Đường mà thôi. Nếu đem so sánh với các thời khác thì dù là Sơ Đường, dù là Vãn Đường cũng còn đứng trên tác phẩm thời trước và thời sau nhiều lắm”.
2. Vị trí thơ Đường trong nền văn học Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung
2.1. Vị trí thơ Đường trong nền văn học Trung Quốc
Đời Đường (618-907) là thời đại hoàng kim của lịch sử phát triển thơ ca trong xã hội phong kiến Trung Quốc. Thơ Đường có vị trí đặc biệt và là thành tựu rực rỡ trong nền văn học Trung Quốc.
Sự phát triển rực rỡ của thơ Đường là kết quả của nhiều nguyên nhân phức tạp. Nếu sự phát triển về kinh tế và chính sách thi cử… đầu đời Đường tạo điều kiện cho thơ Đường phổ biến rộng rãi thì tình hình xã hội rối ren từ giữa thế kỷ thứ VIII về sau đã đánh thức các nhà thơ, khiến cho thơ ca có điều kiện ngày càng đi sâu hơn vào cuộc sống. Đời Đường, nhiều ngành nghệ thuật như âm nhạc, ca vũ, hội họa, thư pháp… đều phát triển. Nhờ đó, khả năng thẩm mỹ các nhà thơ được nâng cao, đời sống tinh thần các tác giả, độc giả thêm phong phú, xét cho cùng đều có tác dụng tốt đến nội dung cũng như hình thức của thơ ca. Thơ Đường còn là sự thừa kế và phát triển hợp quy luật của thơ ca Trung Quốc từ Kinh thi, Sở từ, qua Nhạc phủ Hán - Ngụy đến thơ ca muôn màu của thời Lục triều.
Thành tựu rực rỡ của thơ Đường còn ảnh hưởng sâu sắc và luôn chiếm vị trí quan trọng trong các thời kỳ văn học sau như Tống, Nguyên, Minh Thanh.
Có thể nói thơ Tống là sự kế thừa trực tiếp, gần như nguyên mẫu của thơ Đường từ đề tài cho đến thể thơ. Các nhà thơ Mai Nghiêu Thần, Tô Tuấn Khâm đời Tống kế thừa được truyền thống của Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị đời Đường. Thơ họ vạch trần một cách mạnh mẽ, thẳng thắn sự bóc lột, đàn áp của giai cấp thống trị. Rất nhiều bài nói về sưu thuế, thiên tai, nhân họa. Như bài ngũ ngôn sau đây:
Nhật kích thu điền cổ,
Thời xưng đại hữu niên.
Lạm khuynh tân nhưỡng tửu,
Bao tái hạ giang thuyền.
Nữ kết ngân thoa mãn,
Đồng bào nhuế điệp tiên.
Lý tư hưu tá vấn,
Bất tín hữu quan quyền.
(Mai Nghiêu Thần - Thôn hào)
(Ngày thúc trống ra ruộng,
Rêu rao năm được mùa.
Rượu mới nấu bừa bãi,
Thuyền thuê chở tha hồ.
Gái: đầu đầy trâm bạc,
Trai: mình nặc đồ tơ.
Lý hương đừng hoạnh họe,
Quan trên cũng bằng thừa)
Hay đó là nỗi xót thương cho những người lính chết trên chiến trường mà lòng vua chẳng chút xót thương.
Thục đạo như thiên dạ vũ tâm,
Loạn linh thanh lý bội triêm khâm.
Đương thời cánh hữu quân trung tử,
Tự thị quân vương bất động tâm.
(Lý Cấu - Độc “Trường hận từ”)
(Đêm mưa vào Thục tựa lên trời,
Chuông rộn càng xui hạt lệ rơi.
Thuở ấy trong quân bao kẻ chết,
Lòng vua sao chẳng chút thương ai!)
Từ dẫn chứng trên cho thấy, thơ Đường chiếm vị trí quan trọng trong văn học thời Tống, rõ nét nhất là thơ Tống.
Thơ Đường còn giữ vai trò quan trọng trong tiểu thuyết Minh Thanh.
Minh Thanh là thời kỳ hoàng kim của tiểu thuyết Trung Quốc. Với các bộ Tam Quốc chí, Thủy hử, Tây du ký, Liêu Trai chí dị, Chuyện làng nho, Hồng lâu mộng… Tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa đã đạt đến độ hoàn chỉnh, bởi vậy nó còn được gọi là “Tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa”. Đạt được thành tựu rực rỡ như thế, ngoài đặc trưng riêng của tiểu thuyết, các tác giả còn vận dụng khéo léo đưa vào tiểu thuyết các bài thơ Đường luật tạo được sự phong phú cho văn xuôi nét độc đáo, trong đó tiểu thuyết Hồng lâu mộng thơ Đường được đưa vào nhiều hơn cả.
Trong Hồng lâu mộng có hàng trăm bài thơ Đường luật giữ vai trò quan trọng trong tiểu thuyết, như những bài thơ vịnh về cành hồng mai hoa:
Kìa đào kìa hạnh chửa đâm bông,
Mai hoa ngoài sương cợt gió đông,
Đại Dĩu hồn bay xuân khó biết,
La Phù ráng phủ mộng chưa thông.
Cuốn xanh đuốc rợi tô màu đẹp,
Rượu choáng tiên dìu vượt quãng không.
Nhìn kỹ sắc này hồ dễ có,
Ở hàng băng tuyết nhạt pha hồng.
Cành lá lơ thơ hoa chói màu,
Chị em trang điểm khéo đua nhau.
Cửa cong sân vắng trời tan tuyết,
Nước chảy non cao ráng dọi đầu,
Mộng kín lạnh lùng vang sáo ngọc,
Chèo tiên ngào ngạt lướt sông Ngâu.
Dao đài kiếp trước là ai đấy,
Sắc tướng này xem có khác đâu.
Hay những bài về đề tài hoài cổ:
Xích Bích sông kia nước chẳng trôi,
Thuyền trơ tên họ chở đi thôi.
Ầm ầm gió thảm theo làn khói,
Biết mấy hồn thiêng quẩn đấy rồi.
(Xích Bích hoài cổ)
Ve kêu quạ đậu chóng làm sao,
Giờ cảnh đê Tùy cảnh thế nào?
Vì nỗi xa hoa xưa chiếm hết,
Cho đời mai mỉa miệng nhao nhao.
(Quảng Lăng hoài cổ)...
Thơ Đường không chỉ có vị trí đặc biệt trong lịch sử thơ ca Trung Quốc, mà còn có vị trí độc đáo trong lịch sử thơ ca thế giới. Các dân tộc phương Đông có mối quan hệ mật thiết với nền văn hóa Trung Quốc, trong quá trình xây dựng ngôn ngữ thơ ca của mình, ít nhiều tiếp thu ảnh hưởng của thơ Đường.
2.2. Vị trí thơ Đường trong nền văn học thế giới
Cũng như văn học Hy Lạp, văn học Ả - Rập, văn học Ấn Độ, văn học Trung Quốc là văn học lâu đời nhất trên lịch sử thế giới, nó chiếm địa vị quan trọng trong lịch sử phát triển văn học thế giới và có ảnh hưởng rất lớn trên phạm vi thế giới, đặc biệt là thơ Đường.
Triều Đường do chính trị, kinh tế phát triển, sự giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và nước ngoài cũng rất rộng rãi và tấp nập. Những quốc gia có giao lưu về kinh tế, chính trị, văn hóa với Trung quốc đời Đường có đến 40 nước như Nhật Bản, Cao Ly, Thiên Trúc, Đại Thục và các nước Đông Nam Á, Trung Á, Châu Mĩ… Cùng với sự giao lưu kinh tế, văn hóa, văn học Trung Quốc lấy thơ ca làm chính, bắt đầu  truyền ra nước ngoài, phạm vi ảnh hưởng chủ yếu là các nước láng giềng Nhật Bản, Cao Ly và các nước Đông Nam Á, đặc biệt  là Nhật Bản. Văn học Trung Quốc ảnh hưởng đến Nhật Bản bắt đầu từ thời Tần Hán và đạt đến cao trào ở thời Đường. Phần lớn các tập thơ văn của các nhà văn chủ yếu Tùy Đường đều truyền sang. Thơ ca của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn được nhân dân Nhật Bản yêu  thích, đặc biệt thơ Bạch Cư Dị ảnh hưởng càng lớn. Theo ghi chép của “Nước Nhật nhìn qua thư mục” thời đó truyền đến Nhật có Văn tập họ Bạch 70 quyển, Bạch thi Trường Khánh tập 29 quyển. Thời đại Bình Án, thi tập và Hòa Hán triều vịnh tập tất cả ghi 589 bài thơ, trong đó thơ Bạch Cư  Dị đã 137 bài. Thơ Bạch còn lưu truyền trong cung đình Nhật Bản, được Nhật hoàng Ta Nga (Saga) tán thưởng, và bộ tiểu thuyết dài Nguyên Thị vật ngữ do nữ quan cung đình Tử Thức Bộ sáng tác cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt của thơ Bạch. Thơ Bạch không chỉ được văn nhân quý tộc yêu thích mà bá tánh bình dân cũng hoan nghênh, Trường hận ca và Tỳ  bà hành ở Nhật Bản hầu như mọi nhà đều biết.
Thơ Đường không chỉ là tinh hoa của Trung Quốc mà còn là tinh hoa của nhân loại. Nó có ảnh hưởng mạnh mẽ, chẳng những ở các nước phương Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam mà thơ Đường còn lan sang các nước Phương Tây. Thơ Đường đã được dịch sang Châu Âu khá sớm. Bài thơ đầu tiên được dịch sang Châu Âu là bài Tống xuân từ (tuyệt cú ngũ ngôn của Vương Nhai). Bài thơ này do nhà Hán học người Pháp Saint Demcin phiên dịch. Ông là giáo sĩ, sang Trung Quốc truyền giáo vào khoảng 1750, vốn tinh thông chữ Hán và chữ Mãn. Trong tập mười sáu của cuốn Các giáo sĩ ở Bắc Kinh ghi chép về phong tục, tập quán, lịch sử khoa học của Trung Quốc, ngoài bài Tống xuân từ, ông còn dịch thơ của Lý Bạch và Đỗ Phủ giới thiệu với người Tây Phương.
Năm 1929, nhà Hán học nước Anh là Teltisch trong cuốn thơ chữ Hán đã giới thiệu thân thế Lý Bạch, bài Tống xuân từ của Vương Nhai và bài Mừng mưa đêm xuân (Xuân dạ hỷ vũ) của Đỗ Phủ.
Sang thế kỷ XX, các nước Âu Mỹ giới thiệu thơ Đường ngày càng nhiều, trong đó nhiều bài thơ Đường được soạn thành ca khúc và phổ nhạc. Năm 1905, nhà văn người Đức Bêches xuất bản tập thơ cổ Trung Quốc với cái tên là Tiếng sáo của Trung Quốc (Trung Quốc chi địch): Thùy gia lạc địch ám phi thanh, Tán nhập xuân phong mãn lạc thành, Thử dạ khúc trung văn chiết liễu, Hà nhân bất khởi cố viên tình. Bài thơ nổi tiếng này của Lý Bạch được dịch trong tập thơ trên.
Thơ Đường được nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng của thế giới phổ nhạc như: nhà soạn nhạc Thụy Điển Sweikensel và nhà soạn nhạc Australia Wylphe Sthelhow đã lấy những bài thơ trong tập Tiếng sáo Trung Quốc ra phổ nhạc. Sau này các bài: Xuân nhật túy khởi ngôn chí, Tĩnh dạ tư của Lý Bạch được nhiều nhà soạn nhạc Âu Châu soạn thành âm nhạc…
Năm 1918, ở nước Anh, xuất bản tập thơ cổ Trung Quốc gồm 170 bài do A.S. Willie tuyển dịch, trong đó dịch của Bạch Cư Dị đến 59 bài.
Sau Thế chiến thứ nhất, nhà lãnh đạo phong trào thơ mới của Mỹ là Lynch đã chọn thơ Đường giới thiệu với bạn đọc và các nhà thơ Âu Mỹ. Đó là những nhà thơ trữ tình và mang tính hiện thực sâu sắc trong Đường thi. Và tập thơ dịch này có ảnh hưởng khá đậm trong lớp nhà thơ trẻ đương thời.
“Một trăm mười bài cổ thi Trung Quốc” và “Thần châu tập” có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào thơ mới ở nước Mỹ. Nhà thơ đương đại nổi tiếng nước Mỹ là W.S. Mac-tuên nói: Giờ đây, không thể không nói đến thơ ca Trung Quốc ảnh hưởng tới thơ ca nước Mỹ được! Năm 1981, nước Mỹ thành lập “Hội nghiên cứu thơ Đường”. Ở nước Pháp, nghiên cứu thơ Đường cũng là một lĩnh vực quan trọng. Tập chí Europe giới thiệu thơ của Lý Thương Ẩn, Đỗ Mục… Nhiều tập sách khảo cứu về thơ Đường được xuất bản. Năm 1986, tập “Thơ bốn phương” giới thiệu trên 300 bài thơ Đường.
2.3. Ảnh hưởng của thơ Đường trong nền văn học Việt Nam
Trong quá trình giao lưu văn hóa, người Việt đã tiếp thu chữ viết Trung Quốc, đồng thời tiếp thu hầu hết các thể thơ, văn Trung Quốc như chiếu, biểu, hịch, cáo, bi, minh, truyện, ký, từ, phú, thi,… Trong đó, thơ Trung Quốc là thể loại có ảnh hưởng sâu rộng đối với thơ Việt Nam, đặc biệt là thơ Đường luật thì hầu như được tiếp thu trọn vẹn.
Những bài thơ chữ Hán sớm nhất của người Việt mà ngày nay chúng ta biết được là những sáng tác từ thời Lý. Cả người Trung Quốc thời Tống và người Việt thời Lý tiếp thu ảnh hưởng của thơ Đường trong đó có thơ Đường luật. Nhưng nếu thơ cách luật thời Đường chủ yếu là thơ trữ tình thì thơ Đường luật của người thời Tống và thời Lý lại chủ yếu là ngôn chí và một phần nữa là triết lý. Đặc điểm này được duy trì ở thời Nguyên, Minh (Trung Quốc) và thời Trần, Lê (Việt Nam). Sở dĩ có hiện tượng này là do:
Ở Trung Quốc thời Tống, trữ tình chủ yếu là nhiệm vụ của từ, phần “ngôn chí” do thơ đảm trách. Trung Quốc thời Tống và Việt Nam thời Lý có hai nét tương đồng: Thứ nhất là tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm khiến hình tượng con người khí phách, con người nghĩa vụ chiếm vị trí chủ đạo trong thơ. Thứ hai là ảnh hưởng của triết lý Nho, Phật, Lão đối với thơ. Mặt khác, thơ của người Việt tuy tiếp thu thơ Đường nhưng vẫn chịu ảnh hưởng  “đồng đại” của thơ Tống. Tình hình này được duy trì trong thời gian khá dài, mà ta có thể thấy trong thơ của Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Đặng Dung; thơ thiền Lý - Trần, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sang đến cuối thời Lê, tình hình có sự biến đổi căn bản. Với sự khủng hoảng của ý thức hệ phong kiến, con người khí phách, con người nghĩa vụ nhường vị trí cho con người ý thức, con người tài tử, con người nổi loạn (tiêu biểu là trong thơ của các tác giả như Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Phạm Thái, Hồ Xuân Hương,…). Đó là tiền thân của con người cá nhân. Thơ Đường luật được người Trung Quốc trữ tình một cách tế nhị, trang nhã hoặc ngôn chí một cách trang nghiêm, thì ở Hồ Xuân Hương, thơ Đường luật trở thành vũ khí trào lộng. Bà đã rất tài tình khi khéo léo đưa vào thể thơ có niêm luật chặt chẽ một nội dung phê phán, đả kích sâu cay. Điều này đã góp phần Việt hóa thể thơ Đường luật, mang đậm phong cách của nữ sĩ.
Đến thời Nguyễn, tuy tình hình đất nước diễn biến phức tạp nhưng chúng ta có một thời gian sống trong cảnh hòa bình, thống nhất của triều Tây Sơn. Đi theo dòng lịch sử cũng diễn biến tương đối phức tạp. Nhiều nhà thơ lớn của dân tộc có mặt ở thời Nguyễn: Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Miên Thẩm, Trần Tế Xương, Phan Bội Châu,… Thơ Việt Nam thời Nguyễn rất phong phú - nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài và đặc biệt phức tạp về nội dung, trong đó thơ Đường luật chiếm tỷ lệ rất cao. Theo thống kê của Nguyễn Thị Bích Hải trong quyển Bình giảng thơ Đường trong nhà trường thì: Trong tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du có 204 bài thì có đến 182 bài Đường luật (chiếm 9/10); Ước Đình thi sao của Hoằng Hóa quận Vương có 85 bài thì 75 bài là thơ Đường luật (hơn 8/10). Trong tập Thơ Tùng Thiện Vương tỷ lệ này hơn 7/10. Trong các tập thơ của sư Viên Thành, Đặng Huy Trứ, tỷ lệ thơ Đường luật là hơn 9/10; Ở một số nhà thơ khác, tỷ lệ cũng tương tự. Nhìn tổng thể thì cứ 10 bài thơ có đến 8 bài là thơ Đường luật. Đây cũng gần như là tỷ lệ trong thơ Đường, Tống, Minh, Thanh và trong thơ Việt Nam trước thời Nguyễn.
Điều đó cho thấy, thơ Đường luật chiếm vị trí chủ đạo trong thơ Việt Nam trung cận đại. Mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh của thơ Đường nhưng thơ Đường luật ở Việt Nam mang nét đặc sắc riêng, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Từ Nguyễn Trãi đến Hồ Xuân Hương, các nhà thơ chỉ mượn luật thơ Đường làm hình thức để thể hiện, nhưng họ luôn muốn thoát khỏi thơ Đường cả về nội dung và hình thức… Nguyễn Trãi, Hội Tao Đàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm trong thơ Nôm dùng thể lục ngôn hơn là Đường luật.
Đặc biệt, nhắc đến ảnh hưởng của thơ Đường đến các nhà thơ Việt Nam không thể không kể đến Hồ Chí Minh với tập thơ Nhật ký trong tù.
Như vậy, mặc dù thơ Đường có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc, nhưng với lòng tự hào dân tộc và sự tiếp thu có lựa chọn, sáng tạo của các nhà thơ lớn Việt Nam thì thơ Đường ở Việt Nam cả chữ Nôm và chữ Hán đã trở thành tài sản tinh thần của người Việt, mang hồn Việt, giọng điệu Việt.
3. Thi pháp thơ Đường
Cho đến nay từ thi pháp đã quá quen thuộc với những người học tập nghiên cứu hoặc quan tâm đến văn học. Trên sách báo văn nghệ, người ta nhắc nhiều đến thi pháp tác phẩm, thi pháp tác giả, thi pháp thể loại, thi pháp thời kỳ…
Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm thi pháp. Chung quy có 2 cách:
Một là: coi thi pháp là nguyên tắc, biện pháp chung tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Thông thường gọi là “phương pháp làm thơ, làm văn”. Lý luận văn học gọi là “thi học”.
Hai là: hiểu thi pháp là nguyên tắc, biện pháp sáng tạo cụ thể, tạo thành đặc sắc nghệ thuật của một tác giả, tác phẩm, trào lưu, thể loại…
Như vậy, thi pháp thơ Đường là việc nghiên cứu thơ Đường để khái quát lên những đặc điểm chung nhất tạo nên giá trị của tác phẩm.
Có nhiều tác giả nghiên cứu về thi pháp thơ Đường như Nguyễn Thị Bích Hải, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi… và họ đã khái quát lên mấy đặc điểm về thi pháp thơ Đường sau:
3.1. Không gian nghệ thuật thơ Đường
Người xưa thường nhận xét về thơ Đường: thi trung hữu họa, cảnh vật thường xuyên có mặt trong thơ. Nhưng chẳng phải tả cảnh chỉ để làm kiểng qua loa cho có mà cảnh vật cần phải nói thay người. Như vậy, không gian trong thơ ca nói chung và thơ Đường nói riêng đều mang ý nghĩa. Không gian nghệ thuật là một trong những phương diện quan trọng của thi pháp. Nó là phương tiện để các tác giả xây dựng thế giới nghệ thuật của mình (tác phẩm). Nó cũng là một “cánh cửa” để qua đó người đọc hiểu hình tượng và tư tưởng được tác giả gửi gắm vào trong tác phẩm.
Theo Nguyễn Thị Bích Hải giới thiệu trong quyển “Thi pháp thơ Đường” thì trong thơ Đường có hai loại không gian nghệ thuật là không gian vũ trụ và không gian đời thường, trong đó không gian vũ trụ vẫn chiếm ưu thế.
Không gian vũ trụ trong thơ được xây dựng trên quy luật liên tưởng của tâm lý hay theo hệ thống đang diễn đạt: được thể hiện bằng quan hệ không gian mang tính đối xứng với con người ở vị trí trung tâm khiến cho con người càng cảm thấy bé nhỏ, cô độc giữa vụ trụ vô hạn, vô cùng vì cảm giác ấy mà ở nơi đó dấy lên khát vọng chiếm lĩnh không gian. Và do đó không gian mang tính chất mở, có xu hướng giản nở để đưa tâm hồn con người lan tỏa vào không gian, vượt không gian.
Trường phong phá lãng hội hữu thì
Trực quải vân phàm tế thương hải.
(Lý Bạch - Hành lộ nan)
(Sẽ có lúc cưỡi gió dài sóng lớn
Giương thẳng buồm mây vượt biển xanh)
Hoặc:
Vân khai vấn thủy cô phàm viễn
Lộ nhiễu Lương Sơn thất mã trì.
(Cao Thích - Tống tiền vệ Lý Thẩm thiếu phủ)
(Rẽ mây, trên dòng sông vấn lá buồm côi quạnh xa xa
Ven nẻo Lương Sơn vó ngựa một mình chầm chậm)
Để chiếm lĩnh không gian, nhân vật trữ tình thường phóng tầm mắt về mọi phía, tìm đến mọi chiều không gian để bày tỏ khát vọng chiếm lĩnh, đồng thời cũng để nói với “thiên hạ” rằng: ta đã chiếm lĩnh vũ trụ trong cái nhìn tương thông, giao hòa của ta; cái “tiểu ngã” bé nhỏ này có mặt khắp nơi trong cái “đại ngã” vô cùng kia.
Cũng chính vì thế mà không gian vũ trụ trong thơ Đường thường được thể hiện bằng những “số đo” ở cấp độ vĩ mô như thiên lý, vạn lý, tam thiên xích…
– Thử địa nhất vi biệt
Cô bồng vạn lý chinh
– Vạn lý trường chinh nhân vị hoàn
– Vô ná kim khuê vạn lý sầu
– Trường phong kỷ vạn lý
– Phi lưu trực há tam thiên xích
– Bạch phát tam thiên trương…
Thiên lý, vạn lý ở đây chỉ là những con số tượng trưng, phiếm chỉ để thể hiện sự xa, rộng, vô cùng chứ không phải là con số thực. Cách thể hiện ấy, hình thức ấy là có tính quy luật.
Khi không dùng số đo vì cảm thấy số đo bất lực hoặc không cần dùng số đo thì nhà thơ thường dùng tính từ thể hiện sự rộng mở, xa xăm, vô cùng.
– Niệm thiên địa chi du du.
(Ngẫm sự mênh mông dằng dặc của đất trời)
– Hải thượng sinh minh nguyệt
Thiên nhai cộng thử thì.
(Trương Cửu Linh - Vọng nguyệt hoài viễn)
(Trăng sáng mọc trên biển
Cùng lúc này soi chung cả tận chân trời)
– Hoàng Hà viễn thướng bạch vân gian.
(Vương Chi Hoán - Lương Châu từ)
Hoặc người ta dùng những hình tượng thiên nhiên rộng lớn, kỳ vĩ để thể hiện:
– Đạm đạm Trường giang thủy
(Vi Thừa Khánh - Nam hành biệt đệ)
– Phiêu phiêu hà sở tự
Thiên hạ nhất sa âu.
(Đỗ Phủ - Lữ dạ thư hoài).
Do bị chi phối bởi khát vọng chiếm lĩnh không gian vũ trụ mà không gian nghệ thuật trong thơ Đường thường dành ưu thế cho chiều cao. Ta thấy con người trong thơ Đường rất thích “bước lên” với động tác đăng cao. Như Đăng U Châu đài ca, Đăng Quán Tước lâu, Đăng tổng trì các, Đăng Kim Lăng phượng hoàng đài, Đăng Nhạc Dương lâu, Đăng lạc du nguyên, Đăng cao…
Khi lên cao tức là bước vào giữa lòng vũ trụ, ở đó họ dễ phóng tầm mắt xa xăm hơn, có điều kiện hòa nhập vào thiên địa hơn - ở đó con người dễ cảm nhận vị trí trung tâm của mình hơn.
Hoặc họ đứng trên cao để thu vũ trụ mênh mông vào tầm mắt của mình.
– Nhược vi hóa đắc thân thiên ức
Tán tác phong dầu vọng cố hương.
(Liễu Tông Nguyên - Dữ hạo sơ Thương Nhân đồng khán sơn ký kinh hoa thân cổ)
(Ước gì thân hóa thành muôn ức
Đứng vạn đầu non vọng cố hương)…
Thơ Đường còn có một thể hiện thường gặp là chiếm lĩnh chiều rộng bằng cách đi xa. Không gian lữ thứ cũng xuất hiện nhiều với tư cách là một bộ phận của không gian vũ trụ trong thơ. Con đường thường trải ra mời gọi bàn chân, vó ngựa, lòng sông mở ra cho những cánh buồm. Trong thơ Đường có rất nhiều thơ tống biệt. Đó là bạn bè tiễn đưa nhau trên những con đường, bên những dòng sông, nơi miền quan ải… Con đường, quán trọ,… làm nên không gian lữ thứ trong thơ.
– Vị thành triêu vũ ấp khinh trần
Quan xá thanh thanh liễu sắc tân
Khuyến quân cánh tân nhất bôi tửu
Tây xuất Dương quan nô cố nhân.
(Vương Duy - Tống Nguyên Nhị Sứ An Tây)
(Đất vị thành mưa sớm thấm làn bụi nhẹ
Nơi quán khách liễu mới đổi màu xanh rờn
Mời bác hãy uống cạn thêm chén nữa
Đi về phía tây, ra khỏi Dương quan sẽ không còn ai là cố nhân nữa)
– Vọng quân yên thủy khoát
Huy thủ lệ triêm cân
Phi điểu một hà xứ
Thanh sơn không hướng nhân…
(Lưu Trường Khanh - Tiễn biệt Vương Thập Nhất nam du)
(Trông theo bác trong khoảng khói mênh mang
Vẫy tay lệ tràn thấm khăn
Chim bay mất hút về đâu
Chỉ còn núi xanh hướng về người)…
Trong thơ Đường, ta thường gặp nhiều cảnh tống biệt mà thường là tiễn bạn. Không gian tống biệt thường được dựng lên trong tâm trạng của người ở lại vì trong quan niệm của người xưa. Người ra đi đang được quan tâm hơn. Họ sắp dấn thân vào một không gian xa lạ, đó là khởi điểm của không gian lữ thứ. Do đó mà lời thơ tống biệt thường là lời của người đưa tiễn tỏ bày, an ủi, khuyến lệ người đi.
Thập lý trường vân bạch nhật huân
Bắc phong xuy nhạn tuyết phân phân
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ
Thiên hạ hà nhân bất thức quân.
                                                                (Cao Thích – Biệt Đồng Đại)
(Mặt trời chiếu sáng mười dặm mây trắng
Tuyết tơi bời, gió Bắc thổi đàn nhạn bay
Chớ buồn nẻo đường trước mặt không người tri kỷ
Thiên hạ ai người chẳng biết anh)
Như vậy, ta thấy không gian nghệ thuật luôn là phương tiện quan trọng để thể hiện cảm xúc, tâm tình. Không gian vũ trụ là môi trường, là tấm gương phản chiếu tâm tình của con người vũ trụ.
Trái với không gian vũ trụ là không gian đời thường. Ở đây không gian không còn là sự xa xăm thoáng đãng, yên tĩnh của không gian vũ trụ nữa, mà là không gian đời thường nhãn tiền, chật chội đầy ưu hoạn. Không gian đời thường là không gian đầy biến động và ngột ngạt, phản ánh và đi sát với cuộc sống khốn khổ của dân chúng. Đó là những cảnh đời thế tục, có bóng dáng con người và ước vọng sống mang tính nhân văn - xã hội. Thơ Đỗ Phủ luôn quan tâm trăn trở về cảnh sống khốn cùng của nhân dân, thơ ông đúng là sự chảy máu của tâm hồn.
– Nhập môn văn hào đào
Ấu tử cở dĩ tốt
(Đỗ Phủ - Tự Kính phó Phụng Tiên)
(Vào cửa nghe kêu gào
Con thơ đói vừa mất)
 – Mộ đầu Thạch Hào thôn
Hữu lại dạ tróc nhân
Lão ông du tường tẩu
Lão phụ xuất khan môn
(Đỗ Phủ - Thạch Hào lại)
(Chiều tối chạy đến thôn Thạch hào
Có lại đến bắt người ban đêm
Ông lão vượt tường trốn
Bà lão ra coi cửa)
Không còn nữa những không gian rộng mở với xu hướng phóng khoáng để con người lan tỏa, giao hòa với ngoại giới, không gian đời thường có xu hướng bị thu hẹp, dồn nén con người vào những địa dư chật hẹp, những xó xỉnh của cuộc đời. Những động tác “vượt tường trốn”, “ra coi cửa” chỉ có trong cuộc sống tất bật vất vả của những người dân đen khốn cùng. Họ đâu có không gian rộng mở bát ngát để có thể “vọng quân yên thủy khoát” để nhìn thấy “Thanh thiên nhất nhạn viễn, Hải khoát cô phàm trì”…
Tranh vanh xích vân tây
Nhật cước há bình địa
Sài môn điểu tước táo
Duy khách thiên lý chi
Thê noa quái ngã tại…
Dạ lan cánh bỉnh chúc
Tương đối như mộng mị
(Đỗ Phủ - Khương thôn)
(Phía trời tây mây đỏ ngùn ngụt
Tia mặt trời xuống tận đất bằng
Ngoài cửa Sài chim chóc kêu ríu rít
Người đi xa ngàn dặm về tới nơi
Vợ con lấy làm lạ thấy mình còn sống…
Đêm khuya lại chong đèn
Nhìn nhau tưởng như trong giấc mộng)
Bây giờ, con người cũng không hăm hở đăng cao nữa mà lo bám lấy đất bằng để tồn sinh một cách vất vả cực nhọc.
– Làng tôi hơn trăm nhà
Trời loạn tản đông tây...
Đi hoài thấy ngõ vắng
Buồn tênh bóng nắng gầy.
(Đỗ Phủ - Vô gia biệt)
– Ở tận hang cùng trong hóc núi
Cũng không thoát khỏi thuế xâu đòi.
(Đỗ Tuân Hạc - Sơn trung quả phụ)
Nếu không gian vũ trụ thường được “đo” bằng những kích thước ở cấp độ vĩ mô hoặc thể hiện bằng những hình tượng có tính tượng trưng thì không gian đời thường lại rất thực, gần gũi với số đo thực, rất bình thường:
– Thu thủy tài thâm tứ ngũ xích
Dã hàng cáp thụ lưỡng tam nhân.
(Đỗ Phủ - Dữ Chu Sơn nhân)
(Nước thu mới sâu độ bốn năm thước
Đò đông chở vừa hai ba người)
– Chước chước bách đóa hồng
Tiên tiên ngũ thúc tố
Nhất tùng thâm sắc hoa
Thập hộ trung nhân phú.
(Bạch Cư Dị - Mãi hoa)
(Trăm bông thắm tươi
Trả năm bó lụa bạch
Một chùm hoa sắc thắm
Bằng tiền thuế của mười hộ bậc trung)
Trong khi các nhà thơ Thịnh Đường, bằng ngọn bút tài hoa, chỉ với vài nét khoáng đạt họ đã dựng nên không gian vũ trụ bao la… thì Đỗ Phủ lại chú mục nhìn vào đời thường để tái hiện không gian hỗn tạp của thế giới bao la đời Đường.
Xa lân lân
Mã tiêu tiêu
Hành nhan cung tiễn các tại yêu
Gia nương thê tử tẩu tương tổng
Trần ai bất kiến Hàm Dương kiều
Khiên y đốn túc lạn đạo khốc
Khốc thanh trực thướng can vân tiêu…
Đây là bức tranh hiện thực được vẽ chi tiết, rõ ràng, người đọc có thể dễ dàng cảm nhận được bằng trực giác.
Thơ bấy giờ không chỉ thể hiện nội tâm, thể hiện khát vọng hòa nhập với vũ trụ như trước nữa, mà là đi sát với cuộc sống của dân đen, của cuộc đời và phản ánh hiện thực.
- Cùng niên ưu lê nguyên
Thán tức trường nội nhiệt…
Ưu đoan tề Chung Nam
Hạnh đổng bất khả xuyết.
(Đỗ Phủ - Tự Kinh phó Phụng Tiên)
(Quanh năm lo vì dân
Thở than thêm sốt ruột
Nỗi lo tày Chung Nam
Gở lại càng xoắn xuýt)
- Sĩ nữ cơ giảo ngã
Đề úy hổ lang văn
Hoài trung yểm kỳ khẩu
Phản trắc thanh dũ sân
Tiểu nhi cưỡng giải sự
Cổ xách khổ lí xan…
Dã quả sung hầu lương
Ti chi thành ốc duyên…
(Đỗ Phủ)
(Con bé đói cắn cha
Khóc sợ hùm beo biết
Ôm vào lòng bịt mồm
Giãy dụa càng la thét
Thằng cu ra điều biết
Đòi mặn trắng thay cơm
Lương ăn là quả dại
Nhà ở là cây rừng…)
Trong không gian vũ trụ, mọi vật đều mang màu sắc tươi sáng trong trẻo. Còn trong không gian đời thường, thế giới cảnh vật quanh cuộc đời vất vả của người dân đen mang màu sắc u tối, nhợt nhạt.
Dạ thâm kinh chiến trường
Hàn nguyệt chiếu bạch cốt…
Bình sinh sở kiêu nhi
Nhan sắc bạch thắng tuyết
Kiến da bội diện đe
Cấu nhị cước bất miệt
(Đỗ Phủ - Bắc chinh)
(Đêm khuya qua chốn chiến trường
Ánh trăng lạnh soi trên xương trắng
Thằng con nuông nhất đời
Nước da trắng nhợt hơn tuyết
Thấy cha liền ngoảnh mặt đi khóc oà
Chân đầy ghét bẩn không bít tất)
Kế thừa quan niệm nghệ thuật và kinh nghiệm sáng tác của Đỗ Phủ, các nhà thơ hiện thực Trung, Vãn Đường đã tiếp tục phản ánh đời sống đau khổ, bị áp bức bóc lột và chịu muôn vàn tai họa của những người dân đen trong không gian đời thường.
Cả hai loại không gian nghệ thuật của thơ Đường đều đạt đến trình độ “cổ điển” tiêu biểu cho không gian nghệ thuật thơ Trung Quốc nhưng không gian vũ trụ vẫn chiếm ưu thế.
3.2. Thời gian nghệ thuật thơ Đường
Cùng với không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật cũng là phạm trù của hình thức nghệ thuật. Thế giới tồn tại trong không gian và thời gian. Thời gian nghệ thuật luôn luôn mang quan niệm, cảm xúc và ý nghĩa nhân sinh có tính chủ quan của tác giả. Vậy thời gian nghệ thuật là một hình tượng được sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật.
Cũng như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật được chia làm hai mảng là thời gian vũ trụ và thời gian đời thường.
Nói thời gian vũ trụ tức là nói thời gian trong mối quan hệ biện chứng với không gian. Thời gian được quan niệm như dòng chảy liên tục, tuần hoàn không nghỉ và con người luôn bị cuốn theo dòng tuần hoàn đó. Quan niệm này phải đến thơ Đường mới thực sự thành thục. Sở dĩ như vậy là vì mãi đến đời Đường, sự hội tụ ba dòng tư tưởng Nho, Phật, Lão mới đạt đến độ chín muồi soi sáng cảm thức và tư duy của con người về thời gian.
Thực ra, thời gian tâm lý đã chi phối thời gian nghệ thuật. Bên cạnh đó, quan niệm triết học và tôn giáo về thời gian cũng chi phối thơ Đường.
Phật giáo quan niệm thời gian là sự vận động vô thủy vô chung, tạo ra những dòng luân hồi liên tục không nghỉ. Mỗi chu kỳ gọi là một “kiếp” gồm sinh, lão, bệnh, tử. Kiếp trước, kiếp sau và nhãn tiền, hiện sinh, hiện tồn. Quan niệm giữa chúng là quan hệ “nhân - quả”. Thời gian đời thường chỉ là khoảnh khắc trong thời gian chung.
Đạo gia cũng quan niệm thời gian là trường cửu, vô thủy vô chung và gắn chặt với không gian. Con người cứ thuận theo dòng sinh hóa mà sống theo lời “dạy bảo” của tự nhiên.
Nho gia cũng thấy sự vận động của thời gian. Khi ngắm dòng sông, Khổng Tử thốt lên “Thệ giá như tư phù, bất xá trú dạ” (cứ chảy mãi vậy thôi, không kể ngày đêm). Nhưng theo nền văn hóa nông nghiệp, Nho gia quan niệm thời gian có sự “tuần hoàn” theo luật âm dương liên tục, vừa biến động vừa vĩnh hằng. Nho gia chỉ quan tâm đến chính trị, xã hội, sự thành bại, được mất của triều đại. Họ cho rằng hiện tại chẳng bao giờ bằng quá khứ, lịch sử đi xuống dốc. Vậy nên cứ theo đời trước mà sống.
Những quan niệm nói trên ảnh hưởng đến quan niệm thời gian trong thơ. Với tư cách là thời gian vũ trụ, thời gian nghệ thuật ít chịu đóng khung trong thời hiện tại mà luôn có xu hướng lan tỏa về quá khứ, xuôi đến tương lai… Nhưng khảo sát thơ Đường ta thấy có một thực tế là thơ Đường ưu tiên cho thời quá khứ. Vì thế, trong thơ Đường ta sẽ thấy bao nhiêu là thơ hoài cổ: Bạch đế hoài cổ, Việt Trung lãm cổ, Dạ bạc Ngưu chữ hoài cổ, Vịnh hoài cổ tích, Xích bích hoài cổ,… Và còn vô số bài thơ tuy không có hai chữ “hoài cổ” trong tựa đề vẫn là thơ hoài cổ vì nói về những nhân vật, sự tích xa xưa: Vương Chiêu Quân, Tây Thi vịnh, Thục tướng, Thục Tiên chủ miếu, Hiệp khách hành, Trù bút dịch…
Trong ý niệm, thậm chí trong tiềm thức của thi nhân, cái gì của ngày xưa cũng đẹp. Nó đã được thời gian kiểm nghiệm, đủ độ tin cậy. Còn tương lai thì mơ hồ. Nhưng dường như thi nhân thấy càng hồi tưởng quá khứ xa xăm thì càng gửi mình được xa vào hậu thế, vào tương lai. Bởi thế, trong thơ ca ta gặp rất nhiều thời gian cổ xưa:
– Ngã hữu vạn cổ trạch
Tung Dương Ngọc Nữ phong
(Lý Bạch - Tống Dương sơn nhân quy Trung Sơn)
(Ta có ngôi nhà muôn năm
Ở trên ngọn núi Ngọc Nữ núi Tung Dương)
– Tích nhân dĩ thừa Hoàng hạc khứ.
(Thôi Hiệu - Hoàng hạc lâu)
– Văn đạo thần tiên bất khả tiếp
Tâm tùy hồ thủy cộng du du.
(Trương Duyệt - Tống Vũ Văn lục)
(Nghe nói có thần tiên mà không thể gặp
(Nên) tâm hồn cứ miên man theo nước hồ)
– Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt
Sở vương đài tạ không như khâu.
(Lý Bạch)
(Từ phú Khuất Nguyên vẫn treo cao cùng mặt trời mặt trăng
Lâu đài vua Sở đã thành núi gò trơ trụi)
Tuy hoài vọng nhiều về quá khứ nhưng không phải thi nhân không nghĩ đến tương lai, mà hoài vọng về quá khứ chính là vì khao khát vươn tới tương lai, nói đến quá khứ cũng là một cách gợi đến tương lai. Mặt khác, do hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ và do đặc trưng của thơ “ý tại ngôn ngoại”, “lời ít ý nhiều” nên thi nhân kín đáo gửi gắm thực tại vào quá khứ sau mạch ngầm của văn bản. Đời Đường dù là ở giai đoạn cực thịnh, vẫn có biết bao điều bất công ngang trái, bao nỗi đau lòng, nhà thơ phải thể hiện, phải nói ra nỗi đau lòng của họ trước thực tại.
– Khúc như câu
Phải phong hầu
Trực như huyền
Tử đạo biên
(Cong như lưỡi câu thì được phong hầu
Thẳng như sợi dây cung thì chết bên đường)
– Chiến sĩ quân tiền bán tử sinh
Mỹ nhân tướng hạ do ca vũ
(Ngoài mặt trận chiến sĩ sống dỡ chết dỡ
Dưới tướng gái đẹp vẫn còn múa hát)
Đó là thực tế xã hội mà nhà thơ không thể không thấy. Nhưng do khuynh hướng lãng mạn nên nhà thơ ít nói trực tiếp. Do đó nỗi lòng “thương kim” của nhà thơ thường được thể hiện một cách gián tiếp và hay dùng thời gian quá khứ, thời gian hoài cổ. Đó là lối phúng dụ gián tiếp. Chẳng hạn:
Yêu chiêu vòi Quách gỗi
Sai người đắp đài vàng
Kịch tân từ Triệu đến
Trâu Diễm ở Tề sang
Cớ sao kẻ cao sĩ
Vứt bỏ như xác dường
Châu ngọc mua cười hát
Tấm cám nuôi hiền lương
Hạc vàng khi cất cánh
Bay bổng khắp muôn phương
(Lý Bạch - Cổ phong 15)
Nói quá khứ, tương lai, chung quy cũng để nói về hiện tại. Thời gian vũ trụ trong thơ cổ chính là thể hiện sự sùng kính và biết ơn quá khứ, trách nhiệm với hiện tại, lo cho tương lai.
Còn thời gian đời thường chủ yếu là thời gian hiện tại, có tính chất cụ thể trực cảm. Đó là thời gian sự kiện, thời gian sinh hoạt … chứ không phải là thời gian hoài niệm như thời gian vũ trụ.
Gặp gỡ là cuộc gặp gỡ cụ thể, trong một thời gian xác định.
Vấn đáp nãi vị dĩ
Khu nhi la tửu tương
Dạ vũ tiễn xuân cửu
Tân xuy gián hoàng lương
(Đỗ Phủ - Tặng Vệ Bát xử sĩ)
(Kẻ hỏi người đáp còn đang tíu tít
Thì anh đã giục con dọn cơm rượu
Dưới làn mưa đêm xuân đi cắt tỏi
Cơm nếp mới trộn kê vàng)
Cảnh sinh hoạt thật là sống động, đang diễn ra trước mắt chứ không xa vời từ vạn cổ hay lung linh trong kỷ niệm.
Thời gian trần thuật trùng với thời gian sự kiện. Người ta kể về cái đang diễn ra.
Thử thời dữ tử không qui lai
Nam thân nữ ngâm tứ bích tĩnh
(Đỗ Phủ - Càn nguyên trung ngụ cư Đồng cốc huyện tác ca)
(Lúc này ta với mày về tay không
Trai rên, gái xiết bốn vách lặng)
Thời gian không được giãn nở một cách thoải mái, phiếm định nữa mà khắc khoải trườn qua những nỗi đau khổ liên tiếp.
Bán dạ duyên đê tuyến hòa vũ
Thụ tha khu khiển hoàn phục khứ
Dạ hàn, y thấp, phi đoản thôi
Ức xuyên, túc liệt nhẫn thống hà
Đáo minh tân khổ vô xứ thuyết
(Vương Kiến - Thủy phủ dao)
(Nửa đêm suốt dọc đê vừa mưa vừa tuyết
Bị chúng xua bắt đi đi lại lại nhiều lần
Đêm rét, áo ướt, khoác chiếc tơi cũn cỡn
Ngực thủng, chân toạc, chịu đau không thấu
Sáng ra nỗi cay đắng biết kêu đâu)
Trong thời gian đời thường hầu như không có hoài niệm, không có những quá khứ xa xăm vì người ta kể về những việc đang diễn ra. Thời gian được kể cụ thể.
Bát niên, thập nhị nguyệt
Ngũ nhật tuyết phân phân
Trúc bách giai đống tử
Huống nãi vô y dân…
(Bạch Cư Dị - Thôn cư khổ hàn)
(Tháng chạp, năm thứ tám
Suốt năm ngày tuyết xuống bời bời
Cây trúc cây bách đều chết rét
Huống chi là người dân không áo…)
Đó cũng là thời gian của công việc lao động
– Sự hòa nhật đương ngọ
Hãn trích hòa hạ thổ.
(Lý Thân - Mẫn nông)
(Làm cỏ lúa đúng giữa ban trưa
Mồ hôi nhỏ thấm đất dưới gốc lúa)
– Triêu mục ngưu
Mục ngưu hạ giang khúc
Dạ mục ngưu
Mục ngưu thôn khẩu cốc.
(Lý Thiệp - Mục đồng tử)
(Sớm chăn trâu
Chăn trâu ở khúc sông dưới
Tối chăn trâu
Chăn trâu trong hang đầu xanh…)
Do tính chất tự sự mà có thời gian đồng hiện. Đây là điểm rất mới của thời gian nghệ thuật thơ Đường.
Chu môn tửu nhục xú
Lộ hữu đống tử cốt.
Hai bức tranh chỉ cách nhau gang tấc mà hai sự kiện xảy ra cùng một lúc.
Hoặc:
Nhất xưng thị nội thần
Thực bão tâm tự nhược
Thị tuế Giang Nam hạn
Cồ châu nhân thực nhân
(Bạch Cư Dị - Kinh phì)
(Họ đều xưng là quan trong triều
Ăn no rồi lòng thỏa thuê
Năm ấy đại hạn ở Giang Nam
Châu Cồ người đang ăn thịt người)
Đó là cảnh quan lại ăn uống phè phỡn, trong khi người dân đói khát phải ăn thịt người.
Do phản ánh hiện thực mà thời gian đời thường thật gấp gáp, vội vàng. Điều này rất rõ trong bài “Thạch Hào lại” của Đỗ Phủ. Bao nhiêu sự kiện xảy ra dồn dập trong một đêm, từ khi tác giả “quăng thân” vào thôn Thạch Hào đến sáng mai chia tay cùng với ông lão. Nhà thơ tất bật (Mộ đầu Thạch Hào thôn); viên lại vội vàng ập vào chộp người (Hữu lại dạ tróc nhân); ông lão hốt hoảng “du tường tẩu” (vượt tường chạy trốn); bà lão lật đật “xuất môn khan” (ra cửa coi). Trong một đêm mà diễn ra biết bao sự kiện, thời gian được dồn nén trong cảnh ngột ngạt của xã hội.
Trong thơ Đường cả hai kiểu thời gian nghệ thuật (thời gian vũ trụ và thời gian đời thường) đều tiêu biểu cho thời gian nghệ thuật trong thơ cổ điển Trung Hoa.
3.3. Con người trong thơ Đường
Con người là chủ thể, là đối tượng, đồng thời là mục tiêu của văn học. Con người là tổng hòa của những quan hệ xã hội và thế giới khách quan.
Ở thời cổ, con người luôn đặt mình trong mối quan hệ tương thông, tương hợp với thiên nhiên. Ở Trung Quốc, quan niệm đó được thể hiện trong các mệnh đề như: “Thiên nhiên tương dữ”, “Thiên nhiên tương cảm”,… Con người liên quan mật thiết với đất trời - vũ trụ. Con người là một “tiểu vũ trụ” trong lòng “đại vũ trụ”.
Quan niệm “con người vũ trụ” phổ biến ở các dân tộc thời cổ chứ không riêng gì của Trung Quốc. Nhưng ở Trung Quốc cũng như nhiều nước Châu Á vì văn minh nông nghiệp, sự gắn bó với thiên nhiên rất mật thiết nên quan niệm này càng sâu sắc và lâu bền.
Thời Lục triều, xã hội tao loạn, con người muốn lánh những hệ lụy, những ưu hoạn của đời thường nên họ thường tìm về với thiên nhiên bằng lối sống ẩn dật và bằng thơ. Thời đó, đạo gia và đạo giáo thịnh hành. Phật giáo cũng được truyền bá và phát triển. Cả đạo gia, đạo giáo và phật giáo đều chủ trương xuất thế, trở về với tự nhiên. Chủ trương này ảnh hưởng sâu sắc đến thơ. Do đó, con người xuất hiện trong thơ với tư thế vũ trụ, đứng giữa đất trời, “đầu đội trời chân đạp đất”, nối với đất trời. Tiếng thơ cất lên như tiếng giữa “trời”. Ta ít khi thấy nhà thơ xuất hiện với tư cách một cái tôi cá nhân, bởi con người đó là con người siêu cá thể.
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ
(Trần Tử Ngang - Đăng U Châu đài ca)
Đó là cái tôi cô đơn trong khoảng không bao la, mênh mông của vũ trụ. Đó là tiếng nói của “tiểu thiên địa” giữa lòng “đại thiên địa” mênh mông và giữa thời gian tiền - hậu vô thủy vô chung.
“Con người vũ trụ” trong thơ Đường thể hiện khát vọng trở thành vĩnh cửu, trường tồn cùng với trời đất, hòa hợp với thiên nhiên. Nó muốn vươn lên ngang tầm thiên nhiên, khẳng định tầm vóc của mình. Nó “Đăng Quán Tước lâu” để có thể “cùng thiên lý mục”; nó “Đăng U Châu đài ca” để gửi tâm tình, bằng giọt lệ vào thiên cổ vào đất trời mênh mông; nó “ngồi một mình với núi Kinh Đình” để vươn lên, đó không phải để chinh phục thiên nhiên mà để hòa hợp, tương thông với thiên nhiên, để hòa giọt nước vào biển cả mênh mông, nhưng họ cũng có khát vọng để lại cái tâm mình vào thiên cổ “Thi thành thảo thụ giai thiên cổ”. Đó là những con người khí phách. Họ thường xuất hiện trong tư thế lẫm liệt và hùng tâm tráng khí của nó mang tầm vóc vũ trụ.
Tích niên hoài tráng khí
Đề qua sơ trượng tiết
Tâm tùy lãng nhật cao
Chí dữ tha sương khiết
Di phong kinh điện khởi
Chuyển chiến trường hà quyết
Doanh toái lạc tinh trầm
Trận quyển hoành vân liệt…
(Lý Thế Dân - Kinh phá Tiết cử chiến địa)
(Năm xưa ôm ấp tráng khí
Vung giáo cầm cờ tiết
Lòng theo mặt trời cao
Chí như sương lẫm liệt
Chuyển quân như vỡ bờ
Ngọn giáo quay như sét
Giặc tan tướng tinh rơi
Trận cuốn mây tan tác)
Đất trời rung động với uy phong của Lý Thế Dân - ông vua hùng tài đại lược nhất đời Đường.
Con người khí phách ấy dẫu khi thất vọng cũng không chịu quẩn quanh trong một không gian nhỏ hẹp mà khát vọng vượt không gian để có mặt khắp bốn phương.
Trường phong phá lãng hội hữu thì
Trực quải vân phàm tế thương hải.
(Lý Bạch - Hành lộ nan)
(Sẽ có lúc cưỡi gió dài sóng lớn
Treo thẳng buồm mây vượt bể xanh)
Ngoài ra, trong thơ Đường đề tài bằng hữu rất phổ biến. Đó là những người bạn tri âm tri kỷ. Quan hệ bằng hữu là quan hệ bình đẳng khiến cho con người, thi nhân dễ dàng giãi bày tâm sự và luôn khát vọng tri âm. Cho nên, tìm là tìm bạn, hội ngộ là hội ngộ với bạn.
Nhân sinh bất tương kiến
Động như sâm dữ thương
Kim tịch phục hà tịch
Cộng thử đăng chúc quang.
(Đỗ Phủ - Tặng Vệ Bát xử sĩ)
(Đời người gặp nhau khó
Sâm thương cách Đông Tây
Đêm nay đêm nào nhỉ
Mà chung bóng đèn này)
Vì khát vọng tri âm, thương yêu bạn bè nên thi nhân đời Đường đặc biệt đau lòng khi phải chia tay bạn. Nổi bật trên cái nền thiên nhiên hữu tình, tương cảm giữa lòng thiên địa là hình ảnh từng đôi “tiểu thiên địa” tiễn đưa nhau. Cho nên trong thơ Đường xuất hiện rất nhiều thơ “tống biệt” bày tỏ tình bằng hữu thân tình.
Những con người “siêu cá thể” tồn tại giữa lòng thiên địa càn khôn trong sự hô ứng, tương giao, hòa hợp với thiên nhiên, vũ trụ với con người… khiến cho người đọc khi bước vào thế giới Đường thi có cảm giác bước vào thế giới của sự hòa điệu. Đó là con người xuất hiện trong khuynh hướng thơ lãng mạn. Còn khi đến với khuynh hướng hiện thực, khi nhà thơ phản ánh con người xã hội mà chủ yếu là “dân đen” (lê dân) thì con người xã hội được phản ánh bằng quan hệ mâu thuẫn, đối lập, tương phản.
“Con người xã hội” trong văn học tức là con người được nhìn, được xem xét trong những mối quan hệ xã hội của nó. Đó là thần dân đối với quân vương, là kẻ sĩ đối với xã hội, là chiến sĩ trong chiến tranh và chủ yếu là con người bất hạnh.
Lần đầu tiên người lính, người dân đen được đưa vào trong thơ với vị trí trung tâm để lên tiếng nói của mình. Mọi nỗi đau khổ của họ đều được thơ phản ánh.
Đó là cảnh gia đình đầm đìa nước mắt, nghẹn ngào tiễn người con, người chồng của mình đi vào miền đất lạnh.
Xa lân lân
Mã tiêu tiêu
Hành nhân cung tiễn các tại yêu
Gia nương thê tử tẩu tương tống
Trần ái bất kiến Hàm Dương kiều
Khiên ai đốn túc lạn đạo khốc
Khốc thanh trực thướng can vân tiêu
(Đỗ Phủ - Binh xa hành)
(Xe rầm rầm
Ngựa hý rân
Người đi cung tên đeo bên lưng
Cha mẹ vợ con chạy theo tiễn
Bụi mù chẳng thấy cầu Hàm Dương
Níu áo dậm chân chặn đường khóc
Tiếng khóc xông lên thẳng chín tầng…)
“Thế giới của sự hòa điệu” đã bị xé tan, bị phá vỡ bởi tiếng xe trận, tiếng ngựa hý, tiếng khóc than.
Đó là cái đói lan tràn trong cuộc đời của người bần nông. Trong khi đó, bọn quan lại thì thừa rượu thịt.
– Chu môn tửu nhục xú
Lộ hữu đống tử cốt.
(Đỗ Phủ)
(Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết buốt)
– Xuân chủng nhất lạp túc
Thu châu vạn khỏa tử
Tứ hải vô nhàn điền
Nông dân do ngã tử
(Lý Thân - Mẫn Nông)
(Một hạt mùa xuân gieo
Muôn hạt mùa thu hái
Bốn biển không đất hoang
Nhà nông càng chết đói)
Cái chết ập đến với con người theo mọi nẻo
– Đông sang người quân trại tài
Máu tuôn thành nước đỏ tươi ròng ròng
Im lìm trời nắng đồng không
Bốn muôn quân nghĩa chết trong một ngày.
(Đỗ Phủ - Bi Trần Đào)
– Tử tôn trận vong tận
Yên dụng thân độc hoàn
Tích thu thảo mộc tinh
Lưu huyết xuyên nguyên đan.
(Đỗ Phủ - Thùy lão biệt)
(Con cháu chết trận hết
Một mình sống làm gì
Thây chất làm tanh hôi cây cỏ
Máu chảy nhuộm đỏ sông ngòi, đồng ruộng)
Những thảm cảnh của người dân đen được phản ánh một cách đầy đủ, rõ nét trong dòng thơ hiện thực. Và các nhà thơ hiện thực đã phản ánh những thảm cảnh ấy bằng tất cả tấm lòng nhân đạo, cảm thông và tinh thần trách nhiệm đối với người dân lao khổ, nạn nhân của bao nhiêu thứ tai họa dưới chế độ phong kiến.
“Con người vũ trụ” trong văn học Trung Quốc đến thơ Đường đã đạt đến độ tuyệt vời. Người dân đen xuất hiện trong thơ của “thi thánh” và các nhà thơ hiện thực đời Đường đạt đến độ sâu sắc, phổ quát và sinh động mà thơ các đời sau (trong thời phong kiến) khó lòng sánh kịp. Cả hai “kiểu” quan niệm nghệ thuật về con người ấy đạt đến đỉnh cao của thơ Trung Quốc.
3.4 Một số đặc điểm ngôn ngữ thơ Đường
Ngôn ngữ thơ Đường trong sáng, tinh luyện và mang một số đặc điểm sau:
a. Ngữ pháp
Trong bộ phận thơ thể hiện con người vũ trụ, do xác lập quan hệ tương giao, thống nhất giữa nội tâm với ngoại cảnh, giữa con người với thế giới nên ngữ pháp thiên về loại câu chỉ quan hệ. Đó là loại câu phán đoán, suy lý và thường là câu phức hợp với lối ghép chính - phụ. Chẳng hạn các kiểu quan hệ:
Quan hệ nhân quả: (vì)… (nên)…
Vd:
Hoặc khủng thông thông huyết bật tận
Hành nhân lâm phát hựu khai phong
(Trương Tịch - Thu tứ)
((Vì) sợ trong lúc vội vàng nói chẳng hết lời
(Nên) người đi sắp cất bước còn mở thư ra lần nữa)
Quan hệ điều kiện: (nếu)… (thì)…
Vd:
Hải nội tồn tri kỷ
Thiên nhai nhược tỷ lân.
(Vương Bột - Tống Đỗ Thiếu Phủ chi nhậm Thục Xuyên)
((Nếu) trong bốn biển còn người tri kỷ
(Thì) dẫu tận chân trời vẫn như ở bên nhau)
Quan hệ nhượng bộ: (tuy)… (nhưng)…
Vd:
Tích thời nhân dĩ một
Kim nhật thủy do hàn
(Lạc Tân Vương - Dịch thủy tống biệt)
((Tuy) người xưa đã khuất rồi
(Nhưng) nước sông ngày nay còn giá lạnh)
Các quan hệ ngữ pháp này được thiết lập trong loại câu ghép chính - phụ và thường là mệnh đề phụ đứng trước, mệnh đề chính đứng sau. Điều này cũng tương hợp với cấu trúc của bài luật thi: trọng tâm ý nghĩa thường được đặt ở cuối.
Khi thể hiện tâm tình, người ta cũng thường hay sử dụng kiểu câu cầu khiến. Kiểu câu này cho thấy mối quan hệ gần gũi, tương liên giữa chủ thể và khách thể.
Vd:
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ
Thiên hạ hà nhân bất thức quân
(Cao Thích - Biệt Đồng Đại)
(Chớ buồn phía trước không tri kỷ
(Thiên hạ ai người chẳng biết anh)
Do mục đích của thơ thể hiện tâm linh là tạo dựng quan hệ tương giao, thống nhất nên các kiểu câu chỉ quan hệ, câu cầu khiến chiếm tỷ lệ cao hơn so với câu trần thuật. Bởi vì bộ phận thơ này ít miêu tả và tự sự.
Nhưng trong bộ phận thơ hiện thực thì ngược lại. Loại câu xác lập quan hệ rất ít và loại câu trần thuật chiếm tỷ lệ cao. Đó là vì thơ phản ánh hiện thực cuộc sống của con người đời thường đòi hỏi phải kể (tự sự), phải miêu tả cụ thể.
b. Từ vựng
Từ vựng trong thơ Đường cũng được phân lập theo hai khuynh hướng thơ: lãng mạn và hiện thực.
Ở khuynh hướng thơ lãng mạn, do thể hiện trạng thái “tâm tư”, “tĩnh tự” của tâm linh “con người vũ trụ” nên danh từ chiếm tỷ lệ cao hơn. Trong khi đó, bộ phận thơ phản ánh hiện thực do nhu cầu phản ánh cuộc sống đầy biến động và cuộc đời vất vả, nhiều ưu hoạn nên động từ chiếm tỷ lệ cao hơn.
Do con người vũ trụ là con người siêu cá thể, chủ thể trữ tình muốn hòa mình vào thiên nhiên, vũ trụ nên ít dùng đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất. Cho nên trong bộ phận thơ này sự tỉnh lược chủ ngữ là phổ biến. Còn trong thơ phản ánh hiện thực, nhìn chung đại từ nhân xưng được dùng nhiều hơn, đặc biệt là đại từ ngôi thứ ba, vì đó là đối tượng phản ánh.
Về hệ thống hư từ, do nhu cầu thể hiện con người vũ trụ nên các hư từ xác lập quan hệ như “tương”, “dữ”, “cộng” xuất hiện với tần số cao. Hầu như trong bài nào cũng xuất hiện các hư từ này.
Vd:
– Tương khan lưỡng bất yếm.
(Độc tọa Kính Đình sơn)
– Cộng khan minh nguyệt ưng thùy lệ.
(Bạch Cư  Dị - Tự Hà Nam kinh loạn)
Thậm chí có khi trong một câu có hai quan hệ từ:
– Thử thời tương vọng bất tương văn.
(Trương Nhược Hư - Xuân Giang hoa nguyệt dạ)
– Lạc hoa tương dữ hận.
(Vi Thừa Khánh - Nam hành biệt đệ)
Trong khi đó, các giới từ “tương”, “dữ”, “cộng” (có nghĩa là cùng nhau) rất ít xuất hiện trong thơ phản ánh hiện thực. Vì bộ phân thơ này phản ánh bằng quan hệ đối lập, nên những từ chỉ quan hệ tương giao vắng bóng là điều dễ hiểu. Nhưng những từ chỉ quan hệ đối lập, tương phản cũng ít. Đó là vì quan hệ đối lập trong bộ phận thơ này thường được phản ánh bằng những “mảng”, những bức tranh đối lập và tác giả đặt hai bức tranh, hai cảnh tượng bên nhau, ý nghĩa đối lập nảy sinh giữa chúng.
Vd:
– Thiên tử hiếu chinh chiến
Bách tính bất chủng tang
(Tào Nghiệp - Bộ ngữ dao)
(Vua ưa thích chinh chiến
Dân bỏ nghề tầm tang)
– Chu môn tửu nhục xú
Lộ hữu đống tử cốt
(Đỗ Phủ - Tự Kinh Phó Phụng Tiên)
Về mặt động từ, hai khuynh hướng thơ cũng có sự khác biệt.
Trong thơ phản ánh con người xã hội với không - thời gian đời thường thì động từ thường là những động từ chỉ hoạt động cơ năng (đi lại, làm lụng, chiến đấu,… ) như các động từ: tẩu, đào, đả, tróc, đà, tịch… Do đó về mặt văn tự, các từ này thường có bộ “thủ” (tay), “túc” (chân), “xước” (đi lại)… Chúng làm cho các bức tranh sinh hoạt trong bộ phận thơ này rất sinh động, gần với đời sống thường.
Còn trong bộ phận thơ thể hiện con người vũ trụ, do nhu cầu bày tỏ tâm tình, khát vọng tương giao giữa nội tâm với ngoại cảnh nên các động từ được dùng thường là những động từ chỉ hoạt động tâm thức (hoài, ức, tư, niệm, tưởng, ái, lân, bi, sầu, oán, hận…). Về mặt văn tự, những động từ này thường có bộ “tâm”.
Sự phân lập này cũng diễn ra ở danh từ.
Nhìn chung trong thơ phản ánh hiện thực danh từ thường là danh từ riêng, mang tính chất cụ thể, cá biệt và thuộc lớp từ mà hạn bần dân hay dùng, gần gũi với cuộc đời của họ.
–  Túng hữu kiện phụ bả sừ lê
Hòa sinh lũng mẫu vô đông tê (tây)
(Đỗ Phủ - Binh xa hành)
(Ví bằng có người đàn bà lực lưỡng vác nổi cuốc cày
Lúa ngoài ruộng cũng mọc lung tung không ra hàng lối)
Hoặc:
– Cuốc dài… cuốc dài chuôi gỗ trắng
Đời ta lấy bác làm tính mạng
Dong, đao không mầm, tuyết núi dày
Áo ngắn níu hoài không kín cẳng.
Đó là vì bộ phận thơ hiện thực đi sát với đời thường, miêu tả cụ thể sự vật, ‘ký họa’ tỉ mỉ bức tranh sinh hoạt.
Còn trong thơ thể hiện con người vũ trụ thì danh từ thường là danh từ chung, mang tính khái quát. Bởi vì thơ trữ tình, nội tâm không nhằm tạo cảm giác trực quan mà chỉ gợi tư duy liên tưởng, nó dùng danh từ chung để ‘ký hiệu’. Do nhu cầu hướng đến sự thống nhất, khái quát nên từ vựng của nó cũng mang tính khái quát (để thể hiện cái chung, cái “vĩnh cửu”).
Mặt khác, thơ trữ tình đời Đường chịu ảnh hưởng khá đậm của tư duy thiền học. Đó là kiểu tư duy loại bỏ những sai biệt vụn vặt để quay về ý nghĩa chung nhất, để “quy kỳ căn”.
Cũng do nhu cầu gợi hiện tượng mà loại thơ trữ tình nội tâm thường dùng hình ảnh và ngôn ngữ có tính chất ước lệ. Một “đông phong” luôn để ám chỉ người đàn ông, một “màu dương liễu” hay động tác “chiết liễu” là biểu tượng của sự chia ly, một dòng sông gợi lên cảm khái của sự trôi chảy, một ngọn núi cho một ý niệm về sự kiên định, vững vàng, về sự tĩnh tại vĩnh hằng. Tính chất ước lệ làm cho ngôn ngữ thơ Đường trở nên hàm súc và nhiều ý gợi.
c. Ngữ âm
Nhìn chung, thơ thể hiện con người vũ trụ thiên về quan hệ thống nhất, tương giao và thường dùng kim thể. Trong loại thơ này âm điệu thơ êm dịu, hài hòa. Trong cả bốn thể: thất luật, ngũ luật, thất tuyệt, ngũ tuyệt có một đặc điểm chung là trong mỗi bài thơ đều có thanh bằng và thanh trắc bằng nhau. Các thanh bằng trắc luân phiên nhau, với đòn cân thanh điệu ổn định (nhị tứ lục phân minh). Bài thơ có một sự cân bằng âm dương thể hiện sự ổn định trong thế hài hòa của trạng thái tĩnh, cho nên thích hợp cho việc thể hiện trạng thái tĩnh, thể hiện những tư duy xúc cảm lắng đọng, trầm tư.
Còn trong thơ cổ thể, thể thơ thường được dùng để phản ánh xã hội thì ngữ âm lại phong phú, linh hoạt và thường là nhiều thanh trắc.
Sự phong phú của âm thanh, nhất là thanh trắc làm loại thơ cổ thể thích hợp với việc phản ánh hiện thực đời sống sinh động, phong phú, phức tạp. Tình cảm trong những bài thơ đó cũng mạnh mẽ hơn - xót thương, căm giận, bất bình, phẫn nộ… đều có cường độ cao, khác với sự trầm tư, sâu lắng trong thơ kim thể.
Nhưng nhìn tổng thể, ta nhận thấy, âm hưởng chủ đạo, chiếm ưu thế trong thơ Đường vẫn là sự hài hòa, trầm tĩnh. Thơ Đường hầu hết được sáng tác theo luật bằng, vần bằng. Sự hòa điệu vẫn là tính chất chính yếu của tổng thể. Điều ấy một phần lý giải vì sao nói đến thơ Đường thì người ta trước hết nhớ đến luật thi, một trong những yếu tố quan trọng trong thơ Đường từ lãng mạn đến hiện thực.
4. Các hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong thơ Đường
Tỉnh lược ngữ pháp là một hiện tượng phổ biến trong thơ cổ ở Trung Quốc cũng như Việt Nam. Trong đó hiện tượng này trở thành một trong các đặc trưng của thể loại Đường thi. Nhưng nhìn chung, hầu hết các thành phần bị tỉnh lược là chủ ngữ, một số ít diễn ra ở động từ và giới từ.
CHƯƠNG II. HIỆN TƯỢNG TỈNH LƯỢC NGỮ PHÁP TRONG THƠ ĐƯỜNG
1. Sơ lược về đặc điểm ngữ pháp Hán văn cổ
1.1. Ngữ pháp Hán văn cổ
Ở phương Đông (Trung Quốc cũng như Việt Nam), ngữ pháp là một ngành phát triển khá muộn. Trong khi các môn âm vận, huấn hỗ, biện tự, cách luật… phát triển sớm hơn nhiều. Ngữ pháp theo cách hiểu ngày nay, cho đến thời Minh Thanh vẫn còn là mảnh đất chưa được khai phá. Điều này có nguyên nhân từ trong đặc trưng ngôn ngữ của tiếng Hán và Tiếng Việt, các ngôn ngữ Châu Âu thuộc loại hình ngôn  ngữ chắp dính có biến thái. Một từ xuất hiện bao giờ cũng nằm trong thế đối lập về giống, cách, thời, thái, thức, và không thể nào lẫn lộn về vị trí và chức năng với các từ khác. Thế đối lập này được biểu thị trong bộ khuất chiết thuộc hậu tố đứng liền sau căn tố và xác định ô chức năng của căn tố. Mọi lời nói bất kỳ nào cũng phải tuân theo cú pháp, vì thế mà ngành ngữ pháp ở Châu Âu phát triển rất sớm, đến thời Trung cổ nó đã được dạy phổ biến trong các tu viện. Do một từ gắn với một chức năng cụ thể trong câu, nên câu phải có chủ ngữ và vị ngữ, dù đại từ nhân xưng không xuất hiện, nhưng nhìn vào hậu tố động từ người đọc vẫn hiểu được chủ ngữ là ai, là cái gì. Tiếng Hán và tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính, trong từ không có căn tố và nhất thiết không giữ một chức năng cố định nào trong câu. Một từ có thể di chuyển tương đối tự do trong chuỗi lời nói để tạo ra nhiều dạng phát ngôn khác nhau với những sắc thái tinh tế khác nhau.
Chính vì thế mà ngữ pháp tiếng Hán (cũng như tiếng Việt) có những nét riêng mang đặc trưng của loại hình ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính.
Vậy ngữ pháp là gì?
Ngữ pháp là một thuật ngữ khoa học quốc tế: Tiếng Nga gọi là grammatika, tiếng Anh gọi là grammar; tiếng Pháp gọi là grammaire; tiếng Đức gọi là grammatik.
Ngữ pháp thông thường được hiểu theo nghĩa: Là hệ thống những quy luật chi phối sự biến hình và biến âm, trật tự, khả năng kết hợp của từ và các đơn vị tương đương của các lớp từ vựng ngữ nghĩa làm cho chúng từ một đơn vị chất liệu thông tin có sẵn trở thành những đơn vị thông báo và tư duy mang tính xã hội và dân tộc.
Ngữ pháp được chia thành hai bộ phận là từ pháp và cú pháp.
Sau đây là một số điểm sơ lược về đặc điểm của Hán văn cổ:
a. Cú pháp: Gồm có câu và cụm từ
* Câu
– Phép tạo câu:
Phép tạo câu cơ bản trong văn Hán cổ không khác gì mấy với phép tạo câu trong tiếng Việt chúng ta. Nhìn chung có thể đưa ra mấy nét đại khái sau đây:
+ Hai thành phần nòng cốt của câu là chủ ngữ và vị ngữ với trật tự phổ biến là chủ ngữ đứng trước, vị ngữ đứng sau. Nếu có trạng ngữ thì nó thường đứng trước nòng cốt câu.
Vd:
– An Lăng Quân/ sử Đường Thư sứ ư Tần.
                        C                                 V
(An Lăng Quân sai Đường Thư đi sứ Tần - Chiến Quốc sách).
– Tấn Thái Nguyên trung -/ Vũ Lăng nhân -/ bổ ngư nghiệp.
              -Tr                                 C                         V
(Trong khoảng niên hiệu Thái Nguyên đời Tấn, một người Vũ Lăng làm nghề đánh cá - Đào Tiềm, Đào Hoa nguyên ký)
+ Ngoài câu đơn còn có câu ghép, gồm hai hay nhiều mệnh đề (mỗi mệnh đề là một nòng cốt chủ - vị) quan hệ với nhau theo hai kiểu, hoặc đẳng lập, hoặc chính phụ. Trong câu ghép chính phụ, mệnh đề phụ thường đứng trước mệnh đề chính.
Liên từ cũng được dùng nhưng vai trò không quan trọng như trong tiếng Việt, nhiều khi phải lấy ý nghĩa suy ra, nhất là cổ văn không có dấu câu, có trường hợp khó nhận rõ.
Vd:
– Diên/ phi lệ thiên// ngư/ dược vu uyên.
    C1          V1            C2            V2
(Diều bay trên trời cao, cá lội dưới vực sâu - Thi).
– Nghiêu Thuấn/ suất thiên hạ dĩ nhân// nhi dân/ tòng chi.
            C1                          V1                   C2               V2
(Vì Nghiêu Thuấn cai trị thiên hạ bằng lòng nhân, cho nên dân theo họ - Đại học).
– Các thể câu:
+ Thể phủ định: Thường dùng các phó từ phủ định như: vô, bất, phi, mạc, vị.
Vd:
– Nhân mạc tri kỳ tử chi các. (Người ta không biết cái xấu của con mình - Đại học).
– Sở quốc dĩ mạc vi bảo, duy thiện dĩ vi bảo. (Nước Sở chẳng lấy gì làm quý, chỉ lấy điều lành làm quý thôi - Đại học).
+ Thể khẳng định: nhấn mạnh bằng các từ chi, kỳ ở giữa chủ ngữ và vị ngữ, hoặc dùng dã, giả ở cuối câu, cuối vế, hay dùng lối phủ định kép: vô bất, mạc bất, phi vô, mạc vô, bất… bất…
Vd:
– Phù Chuyên Chư chi thích Vương Liêu! (Chuyên Chư quyết đâm Vương Liêu - Chiến quốc sách).
– Bắc Sơn Ngu Công giả niên thả cửu thập (Ngu Công ở Bắc Sơn đã chín chục tuổi - Liệt tử).
– Nhân mạc bất ẩm thực dã. (Người ta ai mà chẳng ăn uống! - Trung Dung).
+ Thể thụ động: Thường dùng kết cấu vi + sự vật chủ động + sở + động từ tác động. Khi không có sự vật chủ động thì thường dùng phó từ bị (vi) trước động từ tác động.
Vd:
– Tiên tức chế nhân, hậu tắc vi nhân sở chế. (Làm trước ắt chế ngự được người ta, làm sau thì bị người ta chế ngự - Tư Mã Thiên, Sử kí).
– Sở ngô đang bị thương. (Những kẻ bắt gặp phần nhiều bị xây xát - Đỗ Phủ).
+ Thể nghi vấn: thường dùng những từ để hỏi như: khởi, hà, hồ, thùy, thục, hà như, an đắc, yên đắc…
Vd:
– Khanh hà nghi cụ chi thâm? (Nàng sao ngờ sợ quá thế? - Bồ Tùng Linh, Liêu Trai chí dị).
– Công diệc thường văn thiên tử chi nô hồ? (Ông cũng thường nghe cơn giận của vua chứ - Chiến quốc sách).
+ Thể cảm thán: thường dùng các từ cảm thán như: tai, hồ, dư, phù, hỷ.
Vd:
– Đạo kỳ bất hành hỷ phù! (Đạo không được người ta theo nữa rồi! - Trung Dung).
– Đại tai thánh nhân chi đạo! (Đạo của thánh nhân lớn lao thay! – Trung Dung).
+ Thể cầu khiến: thường dùng một số từ cầu khiến như: kỳ, thả, khả, thê - hoặc dùng cách tỉnh lược chủ ngữ.
Vd:
– An Lăng Quân kỳ hứa quả nhân! (An Lăng Quân hãy bằng lòng với ta đi! - Chiến quốc sách).
– Khả ngôn Lưu Bị bái phỏng! (Hãy nói có Lưu Bị đến thăm! - La Quán Trung, Tam quốc diễn nghĩa).
– Bất túc vị ngoại nhân đạo dã! (Xin đừng mách với người ngoài ấy - Đào Tiềm).
* Cụm từ
– Cụm danh từ:
+ Chính tố, trung tâm của cụm danh từ do một từ thuộc từ loại danh từ đảm nhận. Nguyên tắc chung, dù cụm danh từ phức tạp đến đâu chăng nữa, chính tố bao giờ cũng chiếm lĩnh vị trí cuối cùng.
Vd:
– Cao phong (Đỉnh núi cao).
– Bích ngô thi lão phụng hoàng chi. (Cành ngô xanh chim phụng hoàng đậu đến già - Đỗ Phủ).
Khi một cụm chủ vị hay một cụm thuật từ được dùng như một cụm danh từ thì người ta thêm từ giả vào cuối cùng cho nó làm chính tố. Giả thường có tác dụng danh từ hóa.
Vd:
– Tri tư tam giả tắc tri sở dĩ tu thân. (Biết ba điều ấy là biết cách sửa mình - Trung Dung).
– Cổ chi dạc minh minh đức ư thiên hạ giả tiên tri kỳ quốc. (Những kẻ ngày xưa muốn tỏ cái đức sáng ra thiên hạ trước hết phải trị yên dân của họ - Đại học).
Đặc biệt khi phụ tố là số từ chỉ lượng có kèm thêm danh từ chỉ đơn vị hay phụ tố là số từ chỉ thứ tự thì chính tố đứng trước.
Vd:
– Thi tam bách thiên (Ba trăm bài kinh Thi).
– Quyển tam (Quyển thứ ba).
+ Định tố là phụ tố thuộc các từ loại khác nhau, giữ chức năng hạn định hay miêu tả trung tâm, thường đứng trước chính tố, nó có hình thức cấu tạo:
· Một từ: Mỹ nhân (người đẹp).
· Một cụm từ: Cổ thánh nhân chi đạo. (Đạo của người thánh nhân xưa).
· Một cụm chủ vị: Tiên tổ lưu ngụ thì. (lúc tổ trước đến ở).
+ Chức năng của cụm danh từ: Cũng giống như chức năng của danh từ. Nó có thể làm chủ ngữ, vị ngữ, định tố, bổ tố hay trạng từ.
Vd:
– Chủ ngữ:
· Quân tử chi đạo đạm nhi bất yến.
(Đạo của quân tử nhạt mà không chán - Trung Dung).
– Vị ngữ:
· Thành giả thiên chi đạo dã.
(Thành thật là cái đạo của trời - Trung Dung).
– Trạng ngữ:
· Sơ ngô tổ lưu ngụ thì, ngô phụ thượng thiếu. (Xưa lúc ông nội ta đến ở đây, cha ta còn bé - Nam Phong tạp chí số 18).
– Định tố:
· Trần Thái Tông huynh An Sinh Vương Liễu chi tử.
– Bổ tố:
· Sóc Tử Lăng nhất ti chi thanh phong (Nhớ phong thái thanh cao ở một sợi dây câu của Tử Lăng - Trương Hán Siêu, Bạch Đằng giang phú).
* Cụm thuật từ
– Trung tâm của cụm thuật từ là chính tố thuộc từ loại thuật từ, chỉ hoạt động hay xúc cảm (động từ), hoặc trạng thái, tính chất (tính từ). Trong cụm thuật từ, vị trí của chính tố không nhất định mà tùy theo loại phụ tố. Nếu vị trí chính tố thay đổi, thì tính chất, ý nghĩa phát ngôn cũng thay đổi.
Vd:
· Sát nhân (cụm thuật từ): giết người/ nhân sát (câu): người ta giết.
– Bổ tố là phụ tố trong cụm thuật từ, gồm có:
+ Tiền bổ tố (đứng trước trung tâm) bao gồm những bổ tố chỉ trạng thái, tính chất, thời gian, trình độ. Đặc điểm của thuật từ trung tâm đảm nhiệm chủ yếu do phó từ và các từ loại khác được dùng như phó từ. Nó có thể liên kết trực tiếp với trung tâm hay nhờ từ nhi làm phương tiện nối.
Vd:
· Lực thậm kiêu dũng (sức rất khỏe - Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh).
· Miễn cưỡng nhi hành chi (Gắng gượng làm việc ấy - Trung Dung).
+ Hậu bổ tố (đứng sau trung tâm) chủ yếu là những bổ tố chỉ đối tượng, chịu sự tác động của cụm thuật từ trung tâm, do danh từ đảm nhiệm.
Vd:
· Bát tuấn nhật hành thiên vạn lý (Tám con ngựa tốt mỗi ngày đi được nghìn muôn dặm - Đỗ Phủ).
– Chức năng của cụm thuật từ: làm vị ngữ trong câu. Đôi khi cũng giữ chức năng khác.
Vd:
+ Chủ ngữ:
· Tận tín thư bất như vô thư (Tin cả vào sách chẳng thà không có sách).
+ Trạng ngữ:
· Biến lãm Việt bang, tư vị thắng địa (xem khắp nước Việt, đây là nơi đất tốt - Thiên đô chiếu).
b/- Từ pháp
* Tạo từ
– Từ đơn
+ Đơn âm tiết: là những từ tối cổ chiếm số lượng lớn và có vai trò quan trọng trong hoạt động ngôn ngữ của nhân dân Trung Quốc, bao gồm:
· Những từ chỉ sự vật tự nhiên: nhật, nguyệt, tinh, vân, sơn, hà,…
· Những từ chỉ quan hệ gia đình: tổ, tông, phụ, mẫu, huynh, đệ, tỷ, muội,…
· Những từ chỉ bộ phận cơ thể: thân, chi, mục, nhĩ, tâm, can,…
· Những từ chỉ đồ dùng hằng ngày: sàng, tịch, kỉ, thư, bút,…
· Những từ chỉ tính chất sự vật: tiểu, đại, trường, đoản, lão, thiếu,…
· Những từ chỉ trạng thái và hoạt động của sự vật: hành, tẩu, sinh, tử, tồn, vong,...
® Từ đơn âm tiết mang ý nghĩa cụ thể: loại biệt.
+ Đa âm tiết: Cũng có nguồn gốc tối cổ, số lượng không đáng kể, mang nghĩa chỉ sự vật hay tính chất như: tất suất (con dế), quyết đề (ngựa hay),… Muộn hơn là những từ do phiên âm tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Sanscrit của Ấn Độ như: bồ đào (cây nho), phù đồ (cái tháp),… Ngoài ra, từ láy tuy ít nhưng cũng đáng để ý, trong đó có dạng láy hoàn toàn và láy bộ phận.
· Từ láy hoàn toàn: thường miêu tả tính chất, tâm trạng hoặc tượng thanh như: ao ao (nai kêu); du du (mênh mông, thăm thảm); mang mang (bâng khuâng, lửng lơ)…
· Từ láy bộ phận: cùng thường miêu tả tính chất, tâm trạng, cảnh huống, một số là tên gọi sự vật hay mô phỏng âm thanh như: đường đột (vẻ bạo dạng), linh đinh (vẻ đi xa một mình), lung linh (chỉ âm thanh trong trẻo hay ánh sáng do ngọc phát ra)…
– Từ ghép
+ Ghép điệp từ: Là từ đơn được nhân lên để biểu thị ý nghĩa khái quát, toàn thể, trùng lặp hay liên tục.
Vd:
· Nhân nhân (tất cả mọi người, người người)
· Xứ xứ (mọi nơi, nơi nơi)
· Niên niên (năm năm, mọi năm, hằng năm)
+ Ghép đẳng lập: Do hai từ đơn và là hai từ tố có ý nghĩa riêng kết hợp lại mà thành, ngang hàng về vai trò đối với nhau, có ba dạng:
· Ghép đồng nghĩa: bằng hữu (bạn bè)
· Ghép trái nghĩa: Nam nữ (trai gái)
· Khác nghĩa: Sơn hà (núi sông).
Từ ghép đẳng lập thường có ý nghĩa tổng hợp khái quát, như điểu thú (chỉ chung động vật, loài bay hay loài chạy), vấn đáp (chỉ chung việc nói chuyện, trao đổi với nhau; hoặc có nghĩa bóng nghĩa trừu tượng do suy ra từ nghĩa đen của cả hai từ tố, như quốc gia (nước nhà, chỉ quê hương); có khi nghĩa của từ tố này lấn át nghĩa của từ tố kia, như hoãn cấp (chậm và gấp, vội vàng).
+ Ghép chính phụ: Do hai từ tố kết hợp với nhau, một là từ tố chính, một là từ tố phụ nhằm xác định, hạn chế hay bổ sung nghĩa cho từ tố chính, gồm hai dạng:
· Từ tố phụ đứng trước thường mang chức năng hạn định ý nghĩa như tính từ.
Vd: Tổ quốc, nhân đạo, độc lập…
· Từ tố phụ đứng sau thường mang chức năng bổ sung ý nghĩa, thuộc từ loại danh từ, như bổ ngữ trực tiếp chỉ đối tượng.
 Vd: Xuất chúng, lập thân, thành công, phát ngôn, thường tâm…
Trong từ ghép chính phụ còn có phương thức cấu tạo từ phổ biến là kết hợp một từ với từ tố gia, giả.
Vd: Văn gia, thi gia, tác gia…; tác giả, bình giả, trưởng giả…
+ Ngoài ra còn có những từ ghép hình thành một cách đặc biệt, do sự biến đổi trong lịch sử ngôn ngữ hay do điển tích rút gọn.
Vd: · Quân tử: nghĩa cổ, chỉ người đứng đầu, ông vua, mà theo quan điểm phong kiến thì vua là quả nhân.
· Quả nhân: tiếng tự xưng khiêm tốn ngày xưa của vua chúa, vốn do thành ngữ “quả đức chi nhân”, nghĩa là người phúc đức,…
* Từ loại
– Những từ loại làm trung tâm cụm từ:
+ Danh từ: là từ chỉ sự vật, sự trạng hoặc cụ thể, hoặc trừu tượng gồm danh từ chung và danh từ riêng. Nó có thể kết hợp với số từ (nhất, nhị, tam,…) hay chỉ từ (bỉ, thử, kỳ,…) đứng một mình hay làm trung tâm cụm danh từ, giữ các chức năng:
· Chủ ngữ, vị ngữ:
Vd:
· Vương dị nhị vấn chi (Vua lấy làm lạ mới hỏi họ - Lĩnh Nam chích quái).
· Đức giả bản dã, tác giả mạt dã (Đức là gốc, tài là ngọn - Trung Dung).
· Định tố, bổ tố:
Vd:
· Nhân mạc tri kỳ miêu chi thạc. (Người ta không biết cái tươi tốt nơi ruộng lúa của mình - Đại học).
· Hải thượng cao phong quần ngọc lập (Ven biển những ngọn núi cao đứng như đám ngọc - Lê Tư Thành, An Bang phong thổ).
+ Thuật từ: là từ chỉ hoạt động, cảm xúc, trạng thái, tính chất, đặc điểm của sự vật, chia làm hai nhóm là động từ và tính từ. Nhưng chúng đều có ý nghĩa ngữ pháp chung là kết hợp được với các phó từ và cùng giữ các chức năng:
· Chủ yếu làm vị ngữ:
Vd:
· Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên. (Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời - Trương Kế).
· Làm bổ tố hay định tố:
Vd:
· Tinh nhật gian sở kiến phi nha chi sự (Trong mấy ngày liền thấy quạ bay - Việt điện u linh).
– Những từ loại làm phụ tố của cụm từ:
+ Số từ: là từ chỉ số đếm, số lượng hay số thứ tự của sự vật, chức năng chủ yếu là tham gia vào cụm danh từ, làm định tố cho danh từ. Đứng trước danh từ trung tâm, riêng số thứ tự thì thêm từ đệ ở trước. Thỉnh thoảng cũng có số từ đứng sau trung tâm, nếu là thứ tự thì không dùng từ đệ, nếu là số lượng thì phải hiểu có chính tố bị lược.
Vd:
· Ngũ bách lý chi địa (Khoảng đất rộng năm trăm dặm)
· Chiêu Dương đệ nhất nhân (người hạng nhất ở cung Chiêu Dương).
· Ức trai tập, quyển chi tứ (quyển thứ tư tập Ức Trai).
· Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi: tư vô tà… (Ba trăm bài của Kinh Thi, một lời bao trùm hết thảy: đừng nghĩ bậy - Luận ngữ). Phải hiểu là: Thi tam bách thiên, Thi chi tam bách thiên.
+ Phó từ: thường mang ý nghĩa khái quát chỉ một trạng huống, một tình thái của hành động, tính chất gồm các loại:
· Phó từ thời gian: ở hiện tại: đương (đang); ở quá khứ: dĩ (đã), liễu (rồi), tất (xong), phương (vừa), tài (mới rồi); ở tương lai: tương, tức (sắp), yếu (sẽ), hội (sẽ, sắp).
· Phó từ phủ định: bao gồm: vô (không), phi (chớ), bất (chẳng), mạc (đừng), vị (chưa).
· Phó từ cách thức: bao gồm: diệc (cũng), giai (đều, cùng), cách (càng), hựu (lại), tái (lần nữa).
· Phó từ cầu khiến: bao gồm: thả, kỳ, thê, khả (đều có nghĩa là hãy, xin…).
· Phó từ mức độ: bao gồm: khả (hơi), tối, cực, chí, thậm (rất, lắm, quá).
Chức năng của phó từ: Chủ yếu làm tiền bổ tố trong cụm thuật từ, số ít như: liễu, tất, làm hậu bổ tố. Trong câu nghi vấn, phó từ có thể đứng cuối cụm thuật từ.
Vd: · Thủy bất thâm nhi trừng thanh (Sông không sâu mà trong veo - La Quán Trung, Tam quốc chí).
· Ngô túc nhân lai liễu. (Túc nhân của ta đến rồi - Lĩnh Nam chích quái).
· Hàn mai trước hoa vi? (Cây mai lạnh đã đơm hoa chưa? Vương Duy).
+ Đại từ: là từ chỉ một sự vật, một sự trạng đã được nói tới ở trước để khỏi nhắc lại nguyên danh, gồm các loại:
· Đại từ nhân xưng: thường để gọi thay người, đôi khi cũng thay vật trong một số trường hợp. Ngôi thứ nhất có ngã, ngô, dư (ta, tôi, tao); trẫm (dùng cho vua); ngôi thứ hai có: nhữ, nhĩ (ông, anh, chị, mày,…); ngôi thứ ba có: tha, kỳ, chi; nếu là số nhiều thì sau các từ ấy thêm một trong các từ: bối, đẳng, tào, sài, môn.
· Đại từ nghi vấn: cũng thường chỉ người, chỉ vật trong trường hợp nhân cách hóa, có các từ: thục, thùy (ai, người nào).
· Đại từ chỉ thị: có các từ: bỉ (này), thử (kia), tư (ấy), mang chức năng gần như danh từ, có thể làm chủ ngữ, định tố, bổ tố.
Vd:
· Ngô tùng Chu (Ta theo (lễ của) nhà Chu - Khổng Tử, Luận ngữ).
· Ngô thân xá ư kỳ hạ (Nhà của cha mẹ ta ở dưới chỗ ấy - Địch Nhân Kiệt).
· Thục vị lai tai? (Ai bảo mày đến làm gì? - Luận ngữ).
– Những từ loại nằm ngoài cụm từ:
+ Giới từ: là từ đặt trước thành phần trạng ngữ để chỉ thời gian, nơi chốn nhưng không nhất thiết phải dùng. Những giới từ thông thường là: tại, ư, vu (ở), tự (từ), chí (đến).
Vd:
· Tại thiên nguyên tác tỵ dực điểu (ở trên trời thì xin làm chim tựa cánh - Đỗ Phủ, Trường hận ca).
· Vu Bính Dần tuế, hoàng đế chiếu tuyên tứ mệnh. (Vào năm Bính Dần, vua xuống chiếu bang mệnh lệnh - Lý Thừa Ân).
+ Trợ từ: là từ dùng để đệm cho câu, thường biểu hiện một sắc thái nào đó chứ không tham gia vào cấu tạo ngữ pháp của câu, gồm có:
· Trợ từ âm điệu: chi, kỳ, nhi, dã, hỷ, giả, nhĩ.
· Trợ từ bổ sung: khởi, hạt, ninh.
+ Liên từ: là từ dùng để nối các từ, các cụm từ hay các vế câu, các đoạn văn lại với nhau, biểu hiện những mối quan hệ ý nghĩa giữa chúng, như:
· Quan hệ sở thuộc: Chi.
· Quan hệ hạn định: chi, hồ, ư, vu, tại.
· Quan hệ nhân quả: dùng nhân, dĩ, cái ở vế chỉ nguyên nhân, dùng nhân, dĩ, sở dĩ, cố ở vế chỉ kết quả.
· Quan hệ tiếp tục: Nãi, tân, tức, toại dùng ở vế sau, chỉ sự việc khác xảy ra sau sự việc đã nói trước.
· Quan hệ mục đích: Dĩ, nhi, sở dĩ.
· Quan hệ lựa chọn: Thả, nhi, hoặc.
· Quan hệ bổ sung: Thả, hựu, gia dĩ, dĩ chí, chí ư.
· Quan hệ liên hợp: Dữ, cập, nhi, thả, dĩ, thả… thả, tự… dĩ, tự… dĩ chí ư.
· Quan hệ nhượng bộ: Nhi, tuy… nhi.
· Quan hệ so sánh: ư, quá, quá ư, như, tự, nhược, thí như, bất như, bất nhược, bất cập.
· Quan hệ giả định: dùng cẩu, nhược, túng trước vế điều kiện, giả thiết, vế sau có thể dùng tắc, tất.
Từ sự nêu dẫn ở trên, ta thấy ngữ pháp Hán văn cổ không khác mấy so vớ ngữ pháp tiếng Việt. Trên đây là ngữ pháp khoa học, ít biến đổi. Còn cách tổ chức ngôn ngữ trong thơ thì khác hơn. Nó luôn biến đổi theo thể loại và cảm xúc của nhà thơ.
1.2. Một số đặc điểm ngữ pháp của thơ
Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng tự nhủ với mình và cũng là khuyên những người làm thơ:
Đừng viết những câu thơ khuôn mình theo văn phạm
Như những cây quá thẳng chim không về.
Lời khuyên của nhà thơ sâu sắc, tinh tế này đã làm cho nhiều  nhà thơ và độc giả phải suy nghĩ. Cách tổ chức ngôn ngữ trong thơ không theo một khuôn mẫu nhất định mà luôn biến đổi. Thơ còn xây dựng cho mình những cấu trúc cú pháp thể hiện đặc trưng thể loại mà văn xuôi hay ngôn  ngữ đời thường không như thế. Đúng là so với từ vựng, ngữ nghĩa thì ngữ pháp ổn định và bền vững hơn rất nhiều, ít có những biến đổi lớn nhưng những cách diễn đạt mới do “tự thân vận động” hay do tiếp xúc ngôn ngữ đem lại không phải là không có. Ngữ pháp thơ thể hiện trong mỗi thời kỳ, mỗi dòng thơ ít nhiều cũng mang dáng vẻ riêng. Thơ cổ điển, Thơ mới, ca dao, thơ ngày hôm nay khác nhau đâu phải chỉ vì cách dùng từ mà cả ở cách đặt câu: câu thơ cổ điển ít dùng hư từ, thậm chí có câu không có hư từ.
Vd:
Lối xưa xe ngựa, hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương
(Bà Huyện Thanh Quan)
còn câu thơ thời Thơ Mới thực sự là một sự đổi mới lời thơ, do ảnh hưởng của thơ phương Tây. Câu ca dao gần với lời cửa miệng, mang rõ tính chất ngữ pháp hội thoại. Thường thường ở mỗi giai đoạn văn học có một thể loại đạt được những thành tựu nổi trội hơn và ít nhiều ảnh hưởng đến các thể loại khác.
Thơ có vần, nhịp, đối, niêm là những chất kết dính các từ ngữ, các vế, các dòng thơ. Sự liên kết này tạo nên những đơn vị của ngữ pháp thơ.
Các đơn vị hiển nhiên của thơ có thể dễ dàng phân cách, tính đếm là dòng, liên, khổ, bài. Những đơn vị này không tương ứng với những đơn vị của ngữ pháp chung. Nếu dùng mô hình các kiểu câu hay ngữ pháp khoa học mà phân tích thì đơn vị gọi là dòng thơ - một đơn vị hiển nhiên của thơ - thật chẳng có ý nghĩa gì. Dòng thơ có thể nhỏ hơn, lớn hơn hoặc bằng đúng một câu, phổ biến là nhỏ hơn. Dòng thơ tồn tại theo từng loại thể với số tiếng nhất định như ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát, thơ tám chữ,… hay có số tiếng không cố định như trong thơ tự do.
Đã một thời người ta mạnh dạn viết những câu thơ vắt dòng. Dường như là câu văn xuôi được ngắt ra thành dòng thơ khi đủ số chữ của thể thơ.
Vd:
– Đến khi tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi.
–  Chồng tôi cũng biết tôi thương nhớ
Người ấy cho nên vẫn hững hờ.
(T.T.Kh)
Quả là những câu thơ rất mới đối với thế hệ độc giả quen với phong vị Đường thi. Có thể coi đây là dấu hiệu thơ đi gần với văn xuôi và lời nói thường.
Lại cũng có khi nhiều dòng thơ mới thành một câu:
Xuân của đất trời nay mới đến;
Trong tôi, xuân đã đến lâu rồi;
Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.
(Xuân Diệu - Nguyên đán)
Bấy lâu nay tên gọi “câu thơ” thường để chỉ những chữ trong cùng một dòng. Mỗi lần xuống dòng là  bắt đầu một câu thơ tiếp theo: bài thơ bát cú có 8 câu, Truyện Kiều có 3254 câu. Cú với câu ở đây là những danh từ chuyên môn của thơ chứ không phải của các công trình nghiên cứu ngữ pháp khác.
Nếu như dòng tồn tại để hiệp vần, ngắt nhịp thì liên thực sự là một đơn vị dựa trên sự liên kết về nội dung của thơ. Trong thơ Đường luật, hai câu thực hay hai câu luận mới thành một liên. Thơ lục bát thường theo cấu trúc mỗi liên là một cặp hai dòng lục và bát hiệp vần với nhau ở tiếng thứ sáu.
Câu ca dao lục bát thường có hai dòng lục và bát làm thành một cặp. Ca dao xưa làm theo các thể phú, tỷ, hứng. Câu thơ được tổ chức cũng theo đó.
Trên đây là vài nét sơ lược về thơ. Ta hãy đi vào một số đặc điểm tiêu biểu của ngữ pháp thơ.
Tỉnh lược thành phần
Điều dễ nhận thấy trong ngữ pháp thơ là sự tỉnh lược các thành phần câu, kể cả các thành phần nòng cốt. Nhà thơ Đoàn Phú Tứ đã phải đi tìm chủ ngữ cho các câu Kiều. Quả là trong Truyện Kiều có những câu rất khó xác định hành động này là của nhân vật nào. Giáo sư Phan Ngọc cũng cho rằng các câu thiếu chủ ngữ trong Truyện Kiều chiếm tỷ lệ rất cao. Giáo sư Cao Xuân Hạo cho biết có tới 83% các câu tiếng Việt không đủ hai thành phần chủ - vị. Hiện tượng này rất phổ biến chứ không riêng gì Truyện Kiều, nhiều nhất là ở ca dao hay thơ Đường luật.
Vd:
– Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
(Bà Huyện Thanh Quan - Qua đèo Ngang)
– Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê mẹ mà không có đò
(Ca dao)
Sẽ là thừa nếu nói rõ là ai bước tới đèo Ngang. Vả lại thời Bà Huyện Thanh Quan đã phải là thời của chữ “tôi” đâu. Thế còn ai ra đứng bờ sông? Mặc nhiên là thi nhân. Con người ấy, nơi chốn ấy, tâm trạng ấy đâu phải chỉ có một! Liên hệ với thơ Đường nổi tiếng thế giới của Trung Hoa cũng thấy rất rõ điều này.
Vd:
Đỉnh núi Cát Hương
Có một vị cao tăng ở
Mặt trời lặn xuống núi
Trăng sáng lên đỉnh núi.
Ai xuống chân núi lúc mặt trời lặn? Ai lên đỉnh núi lúc vầng trăng mọc? Còn ai vào đây nữa ngoài vị cao tăng đó, nhưng đâu cần phải nói ra.
Hiện tượng này không đơn thuần là tiết kiệm lời. Chúng ta sẽ lý giải nguyên nhân của nó ở phần sau. Trong nhiều câu thơ cổ điển, việc xác định chủ ngữ thực sự là khó khăn. Đương nhiên không phải vì người viết non tay mà có dụng ý nghệ thuật rõ ràng.
Vị ngữ cũng có thể khuyết, như câu thơ Bà Huyện Thanh Quan đã dẫn hoặc như câu thơ Đường quen biết sau:
Tiếng gà (gáy ở dưới bóng) trăng (bên) điếm cỏ
Vết chân người (đi để dấu trên cái) cầu gỗ (có) sương (phủ)
mà chúng ta đã gặp trong câu Kiều “Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương”. Người đọc thơ Đường phải liên kết tiếng gà, điếm cỏ và trăng để hiểu dòng thơ trên và vết chân người, cầu gỗ, sương để hiểu dòng thơ dưới.
Trong thơ sự thiếu vắng còn nhiều hơn nữa vì thơ ưa dùng cấu trúc tỉnh lược và thơ còn có những cách liên kết riêng. Cho nên các thành phần thường ít đầy đủ trong câu thơ, trong đó tỉnh lược hư từ cũng là một hiện tượng khá phổ biến.
Nếu như trong ngôn ngữ hàng ngày của người Việt, phương thức dùng hư từ, từ nối để tạo nên sự liền mạch của câu nói thì trong ngôn ngữ thơ hư từ rất ít được sử dụng. Hư từ vốn là những từ rỗng nghĩa, những từ dùng để nối kết, để biểu thị quan hệ. Cho nên muốn cho thơ hàm súc người ta dễ lược bỏ hư từ và dùng các phương thức riêng của thơ để biểu thị quan hệ. Có những câu dùng toàn thực từ như câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan đã dẫn ở trên.
Thơ Đường cũng không hiếm những câu thơ như thế:
Dục cùng thiên lý mục
Cánh thướng nhất tầng lâu.
(Vương Chi Hoán - Đăng Quán Tước lâu)
(Muốn phóng tầm mắt nhìn thấu ngàn dặm
Lên thêm một tầng lầu)
Thơ xưa rất cô đọng. Muốn nén chặt thì phải tiết kiệm lời (và cả tiết kiệm ý, không nói những gì mà người đọc có thể suy ra), phải rất hạn chế dùng các từ công cụ. Cấu trúc đối giữa hai câu thực hay hai câu luận trong thơ Đường luật, cấu trúc đối giữa hai vế trong câu lục hay câu bát của thơ lục bát đã tạo ra sự kết dính, giảm bớt việc dùng các hư từ.
Dùng cấu trúc đối
Đối cũng là một hiện tượng phổ biến trong ngữ pháp thơ, nhất là thơ Đường luật. Có hai dạng đối:
Đối giữa hai dòng trong một liên thơ. Ví dụ đối giữa hai câu thực hay hai câu luận trong bài thơ thất ngôn:
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
(Đỗ Phủ - Thu hứng)
Hay đối ở hai câu đầu của bài thơ tứ tuyệt:
Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu,
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên.
(Đỗ Phủ - Tuyệt cú)
Đối giữa hai dòng trong phần thực và trong phần luận là loại đối bắt buộc của thể thất ngôn Đường luật. Thể thơ này cũng có cả tiểu đối những không thành luật và cũng rất ít gặp. Vì số tiếng lẻ cho nên câu thơ dù có ngắt thành hai vế cũng không thật sự cân, ví dụ:
– Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
(Hạ Tri Chương - Hồi hương ngẫu thư)
– Quốc phá sơn hà tại
Thành xuân thảo mọc thâm.
(Đỗ Phủ - Xuân vọng)
(Đất nước bị phá nát, núi sông còn trơ lại
Thành đô về mùa xuân, cây cỏ chìm trong âm u)
Trong phép đối, từng tiếng ủa mỗi vế trong câu trên đối về thanh với từng tiếng của mỗi vế trong câu dưới, ví dụ:
– Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
(Bà Huyện Thanh Quan)
– Bạc vân nham tế túc
Cô nguyệt lãng trung phiên
(Đỗ Phủ)
(Áng mây mỏng ngủ đêm nơi đá núi
Vầng trăng cô đơn vươn mình lên trên làn sóng cả)
hoặc tối thiểu thì tiếng cuối mỗi nhịp trong các câu phải đối thanh, ví dụ:
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
(Bà Huyện Thanh Quan)
Mặt khác, các tiếng đối nhau phải cùng từ loại. Tính từ đối với tính từ, danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ. Chính nhờ phép đối mà độc giả biết được nhà thơ đã ngắt nhịp như thế nào và có cơ sở để từ vế đã rõ nghĩa suy ra vế chưa rõ nghĩa.
Dùng cấu trúc đảo
Đảo cấu trúc cũng là phép tu từ khá quen thuộc không chỉ xuất hiện trong thơ hiện đại mà cả trong thơ cổ điển. Nguyên nhân chính là do yêu cầu nhấn mạnh một thành phần nào đó trong câu. Vị ngữ đảo lên trước chủ ngữ để nhấn mạnh hành động, trạng thái mà vị ngữ biểu thị:
Ẩn ẩn phi kiều cách dã yên
(Trương Húc - Đào hoa khê)
(Ẩn hiện cầu treo sau làng khói đồng)
Yếu tố phụ đặt trước yếu tố chính về ngữ pháp để trở thành yếu tố được nhấn mạnh về ý nghĩa:
Chén vàng rượu quý mỗi đấu mười ngàn
Mâm ngọc thức ăn ngon giá đáng tiền muôn
(Lý Bạch - Hành lộ nan)
Dùng cấu trúc điệp
Đây không chỉ là dùng lại một cấu trúc mà còn là lặp lại một từ một số từ trong cấu trúc đó. Thơ Đường luật tối kỵ lặp vì số chữ rất có hạn, lặp nữa thì còn đâu lời để nói. Thật ra lặp cũng không hoàn toàn mâu thuẫn với việc bảo đảm tính hàm súc cho thơ vì lặp cũng tạo ra được những ý nghĩa nhất định. vả lại thơ còn có những yêu cầu khác chứ không chỉ có độc một chuyện là nén các ý cho chặt. Thơ không phải là châm ngôn. Có nhiều kiểu điệp: lặp lại một từ, một ngữ, một dòng, một khổ. Lại có cả lối lặp cuối dòng trên với đầu dòng dưới:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai
(Chinh phụ ngâm)
Trong thơ Đường, phép điệp dùng rất hạn chế.
– Liễu Chương Đài, Liễu Chương Đài!
Ngày trước xanh xanh nay còn không?
(Hàn Hoành và Liễu Thị - Chương Đài Liễu)
– Tự ca tự vũ tự khai hoài
Thả hỷ vô câu vô ngại
(Chu Đôn Nho - Tây giang nguyệt)
– Tương vọng tương tư minh nguyệt thiên,
 Trường đoạn thanh thiên vọng minh nguyệt.
(Bạch Cư Dị - Tam niên biệt)
– Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương.
Nhớ nhau chẳng thấy mặt,
Cùng uống nước sông Tương.
(Khuyết danh - Tương giang)
1.3. Đặc điểm loại hình ngôn ngữ đơn lập
Trong ngôn ngữ thế giới, các ngôn ngữ kiểu như tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Thái, tiếng Mường,… thường được tách ra thành một loại hình riêng: đó là loại hình ngôn ngữ đơn lập. Nó có một số đặc điểm sau;
– Có hiện tượng từ trùng với căn tố.
– Có hiện tượng từ không biến hình.
– Có hiện tượng từ trong câu đều độc lập với nhau.
– Có hiện tượng từ bao giờ cũng đơn âm.
Vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỉ XX,H. Maspero lại nói rõ thêm được một số chi tiết: từ đơn âm trong những ngon ngữ này không thể tách thành một bộ phận thực, một bộ phận hư, vì vậy chúng không biến hình. Theo H. Maspero, trong các ngôn ngữ này, từ nào cũng có khả năng khi thì dung với tư cách từ loại này, khi thì dung với tư cách từ loại nọ. Đây cũng là một chứng cớ nữa chứng tỏ rằng chúng không biến hình.
Vd: Đây là quyển sách. (vị ngữ)
Quyển sách này rất hay. (chủ ngữ)
Các hư từ - với vai trò tương tự như hình vị ngữ pháp ở Châu Âu - khi kết hợp với thực từ thì kết hợp một cách linh động, không bắt buộc. Vậy ở các ngôn ngữ này, hư từ đóng vai trò phụ trong cấu tạo ngữ pháp.
Có nhiều nhà nghiên cứu đã bác bỏ luận điểm này của H. Maspero. Nhưng đến ngày nay, các nhà nghiên cứu thống nhất tiếng Hán và các thứ tiếng cùng kiểu như tiếng Hán thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập (vô dạng, không hình thái) và âm tiết tính (đơn âm). Có điều ngay trong nội dung các thuật ngữ này cũng đang có những điểm không phải ai cũng hiểu như ai, cần phải thực sự làm sang tỏ.
Gọi một ngôn ngữ là đơn lập (không hình thái) tức là nói rằng trong ngôn ngữ đó, từ không có khả năng - tự bản thân nó - diễn đạt những ý nghĩa phụ về mặt ngữ pháp. Ở loại hình ngôn ngữ này, ý nghĩa ngữ pháp chỉ được diễn đạt ra bằng những phương thức nằm ở ngoài từ, bằng trật tự từ ở trong mệnh đề, bằng ngữ điệu hoặc bằng các từ khác gọi là hư từ.
Còn gọi một ngôn ngữ là âm tiết tính (là đơn âm) tức là nói rằng ở ngôn ngữ đó cái đơn vị nhỏ nhất về mặt ý nghĩa thường trùng với âm tiết, mỗi âm tiết thường là vỏ ngữ âm của một hình vị, và nhiều khi cũng là vỏ ngữ âm của một từ gốc. Khi có hiện tượng âm tiết tính thì đường ranh giới giữa các âm tiết trong câu nói về cơ bản trùng với đường ranh giới giữa các hình vị hoặc đường ranh giới giữa các từ.
Vd:
– Tiếng Hán: Học/ sinh/ khán/ thư.
– Tiếng Việt: Học/ sinh/ đọc/ sách.
– Tiếng Mường: Kỏ/ ngaj/ ở/ nhà/ chăng?
                         (Có  ai     ở     nhà  không?)
– Tiếng Tày - Nùng: Mẻ/ mà/ dá.
                         (Mẹ  về  rồi)
Cố nhiên, ở ngôn ngữ âm tiết tính cũng có những trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn trường hợp phiên âm và từ lấp láy.
– Bồ tát (Hán, Việt), xà phòng (Việt), ba ba (Việt), phảng phất (Hán, Việt).
Những từ này đa số đều là từ gồm một hình vị đa âm; số lượng hình vị và số lượng âm tiết ở trong từ không giống nhau. Nhưng ở những từ này, ranh giới của hình vị vẫn không đi chệch ra ngoài ranh giới của âm tiết.
Như thế, tính chất âm tiết tính về cơ bản vẫn được đảm bảo. Và chính tính chất âm tiết tính này là một đặc trưng chủ đạo, chi phối nhiều đặc trưng khác. Ở ngôn ngữ âm tiết tính, số lượng toàn bộ các âm tiết của ngôn ngữ ó tính hữu hạn rõ nét. Ở ngôn ngữ không âm tiết tính, số lượng đó có phần mù mờ khó tính hơn. Chẳng hạn, ở tiếng hán, theo KOPTKOB có 1324 âm tiết, ở tiếng Việt, theo Nguyễn Quang Hồng có 5890 âm tiết. Nói chung, tổng số lượng âm tiết ở tiếng Hán và tiếng Việt là hữu hạn và rất dễ tìm ra con số nên tùy theo tác giả mà có số lượng âm tiết khác nhau. 
2. Khảo sát các hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong thơ Đường
2.1. Các hiện tượng tỉnh lược
Thơ Đường là tinh hoa văn hóa không chỉ riêng ở Trung Quốc mà của cả nhân loại. Có rất nhiều yếu tố tạo nên đặc sắc của thơ Đường, trong đó hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp là một trong những yếu tố đó. Chính yếu tố này tạo cho thơ Đường giá trị nghệ thuật riêng: súc tích, cô đọng và tác giả dễ dàng bộc lộ nỗi niềm kín đáo của mình. Trong luận văn này, người viết chỉ khảo sát các hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong các bài thơ Đường ở nhà trường phổ thông vài một số bài thơ Đường được học ở trường đại học.
Nói là các hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp nhưng nhìn chung, ở thơ Đường sự tỉnh lược diễn ra chủ yếu ở chủ ngữ, mà nhiều nhất là tỉnh lược đại từ nhân xưng làm chủ ngữ: dư, ngã (ta), tha(nó); một số ít ở động từ và giới từ hạn định không gian, thời gian.
Sau đây, người viết sẽ đi vào tìm hiểu hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong thơ Đường ở các phương diện sau:
a. Con người với vẻ đẹp của thiên nhiên
Con người trong tư tưởng triết học phương Đông ưa chuộng sự hòa hợp, như Trang Chu đã từng nói: “Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, vạn vật dữ ngã vi nhất” (Trời đất với ta cùng sống, vạn vật với ta là một thể). Tư tưởng này ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của con người, đặc biệt là các thi nhân. Họ là những người rất nhạy cảm, tinh tế với sự vận động của đất trời. Mặt khác, thi nhân thời Đường muốn hòa nhập vào vũ trụ bao la, muốn phóng tầm mắt xa rộng để thỏa khát vọng chiếm lĩnh thiên nhiên của mình. Chính vì thế mà ta bắt gặp ở những bài thơ miêu tả về thiên nhiên cảm giác vừa nhẹ nhàng, thơ mộng lại vừa mạnh mẽ, dữ dội trong sự hòa nhập tuyệt đối của thi nhân vào cảnh vật. Cho nên khi đọc những bài thơ này, dù chủ ngữ bị tỉnh lược đi nhưng người đọc vẫn cảm nhận được, tưởng tượng được tư thế của thi nhân hiện lên giữa thiên nhiên. Chẳng hạn như:
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên,
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên,
Phi lực trực há tam thiên xích,
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.
(Lý Bạch - Vọng Lư sơn bộc bố)
(Mặt trời chiếu núi Hương Lô, sinh làn khói tía,
Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước,
Thác chảy như bay đổ thẳng xuống từ ba nghìn thước,
Ngỡ là sông ngân rơi tận chín tầng mây)
Trong bài thất ngôn tứ tuyệt này, 4 câu thì đã có 3 câu tỉnh lược chủ ngữ, chỉ có câu đầu là xuất hiện chủ ngữ “Mặt trời”. Nhưng đó chỉ là chủ ngữ hình thức. Còn chủ ngữ thật sự với tư cách là chủ thể trữ tình của bài thơ thì vắng bóng. Đó là con người với cá tính mãnh liệt, phóng khoáng đứng ngắm vẻ hùng vĩ của cảnh thác đổ từ phía xa. Thi nhân đang hòa nhập vào cảnh vật thiên nhiên, dùng thiên nhiên để bộc lộ cá tính mạnh mẽ của mình.
Cũng có khi thi nhân muốn lên cao để có thể nhìn xa, trông rộng, có thể chiếm lĩnh không gian bao la. Và thơ Đường không ít những bài như thế. Vì khi lên cao, con người mới khẳng định được tầm vóc của mình ngang tầm với thiên nhiên, vũ trụ.
Bạch nhật y sơn tận,
Hoàng Hà nhập hải lưu
Dục cùng thiên lý mục
Cánh thương nhất tằng lâu.
(Đăng Quán Tước lâu - Vương Chi Hoán)
(Ánh sáng mặt trời chiếu khắp ở bên sườn núi,
Sông Hoàng Hà nhập vào biển khơi
Muốn nhìn thấu nghìn dặm đất
Liên thêm một tầng lầu)
Thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, thể hiện khát khao chiếm lĩnh thiên nhiên không ai khác ngoài thi nhân. Nhưng chủ ngữ ở hai câu sau (hai câu bày tỏ khát vọng đó) bị tỉnh lược đi. Thơ Đường  nhất là thơ tứ tuyệt việc dùng từ được thi nhân sàng lọc rất kỹ. Mặt khác, nội dung ngắn nhưng chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa. Cho nên sự tỉnh lược ở đây diễn ra tự nhiên. Người đọc cũng dễ dàng tìm ra được chủ ngữ của hai câu sau. Đây là một nét đặc sắc của thơ Đường nói riêng cũng như thơ cổ nói chung. Còn “Bạch nhật” và “Hoàng Hà” ở hai câu đầu chỉ là chủ ngữ hình thức. Hai câu này mở ra không gian thoáng đãng, mênh mông làm nền để thi nhân bộc lộ khát vọng ở hai câu sau.
Cùng viết về đề tài thiên nhiên những ở mỗi nhà thơ có cách thể hiện khác nhau tùy theo cảm hứng và tâm trạng của mình. Không mạnh mẽ, dữ dội như Lý Bạch, Vương Chi Hoán,… sự thơ mộng, hiền hòa với cảnh vật, sống cùng với thiên nhiên của Mạnh Hạo Nhiên, Vương Duy,… tạo cho thơ của thi nhân có nét đặc sắc riêng.
– Xuân miên bất giác hiểu,
Xứ xứ văn đề điểu.
Dạ lai phong vũ thanh,
Hoa lạc tri đa thiểu?
(Mạnh Hạo Nhiên - Xuân hiểu)
(Giấc ngủ đêm xuân không biết trời đã sáng,
Nơi nơi đều nghe chim hót vang.
Đêm qua có tiếng gió mưa,
Chẳng hay có bao nhiêu hoa rụng?)
– Nhân nhàn quế hoa lạc
Dạ tĩnh không sơn khâu
Nguyệt xuất kinh sơn điểu
Thời minh tại giản trung.
(Vương Duy - Điểu minh giản)
(Người thảnh thơi hoa quế rụng
Đêm yên lặng non xuân vắng không
Ánh trăng ló lên làm chim núi giật mình
Thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe núi)
Bài thơ Xuân hiểu của nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên bộc lộ tâm trạng của một người vừa mới cảm nhận được cái hương vị của buổi sớm mùa xuân. Nhưng suốt bài thơ không thấy bóng thi nhân đâu cả. Câu 1, câu 2 và câu 3 đều thiếu thành phần chủ ngữ. Cụm danh từ “Giấc ngủ đêm xuân” (Xuân miên) ở câu đầu chưa đóng vai trò chủ ngữ trong câu, mà chủ ngữ ở đây chính là chủ thể đã thực hiện trạng thái ngủ đó. Còn câu 4 tuy có chủ ngữ “Hoa” nhưng đó là danh từ chỉ sự vật chung chung, không rõ ràng. Điều này cho thấy con người ở đây đa hòa nhập vào thiên nhiên, vũ trụ. Con người và thiên nhiên hòa làm một thì cần gì phải phân định rõ đâu là chủ thể, đâu là thiên nhiên.
Nếu như câu 1, câu 2  và câu 3 diễn thành văn xuôi và thêm chủ ngữ vào là “Tôi ngủ trong đêm xuân không biết trời sáng khi nào”, “Nơi đâu đó tôi nghe tiếng chim hót”, “Đêm qua tôi nghe có tiếng mưa gió rơi” thì sẽ mất đi ý nghĩa mơ màng, sự hòa nhập vào thiên nhiên của tác giả. Và chỉ có trong trạng thái mơ màng giữa tiềm thức và nhận thức, giữa đêm và ngày, thức và ngủ mới cho phép sự đồng hiện, có hiện tại (tiếng chim hót), quá khứ (mưa gió) và tương lai cả quá khứ (hoa rụng nhiều hay ít) tạo được sự tinh tế, sâu sắc của bài thơ.
Còn bài thơ Điểu minh giản của Vương Duy thì ba câu đầu có chủ ngữ, duy có câu cuối bị tỉnh lược chủ ngữ. Cả bài thơ là cảnh núi non yên tĩnh, hoang vu cùng sự đồng cảm, sống chan hòa với thiên nhiên của Vương Duy. Nhà thơ đã hóa thân vào con chim núi sống cùng khung cảnh núi rừng tự nhiên.
b. Tình bằng hữu và tình quê hương
Tình bằng hữu là một trong những đề tài khá phổ biến trong Đường thi. Con người phương Đông luôn thân thiết với lối sống trọng tình. Cho nên tình cảm giữa người với người rất gắn bó, đặc biệt là tình bằng hữu (Tình như thủ túc). Vì vậy mà những người tri kỷ rất xót xa trong mỗi cuộc chia ly. Chính vì họ cố nén nỗi buồn, sự quyến luyến trong giờ tống biệt mà ta thường bắt gặp ở đề tài này vắng mặt chủ ngữ.
Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô,
Bình minh tống khách Sở sơn cô.
Lạc Dương thân hữu như tương vấn,
Nhất phiến băng tâm dạ ngọc hồ.
(Vương Xương Linh - Phù Dung lâu tống Tân Tiệm)
(Mưa lạnh tràn sông đêm vào đất Ngô,
Ban mai tiễn khách núi Sở trơ vơ.
Bạn bè ở Lạc Dương nếu có hỏi,
[Thì thưa hộ rằng tôi] vẫn một mảnh lòng băng trong bình ngọc)
Bốn câu thơ chỉ có một câu thứ ba có chủ ngữ (Thân hữu) còn ba câu  1, 2 ,4 chủ ngữ đều ẩn.
Chủ ngữ vắng mặt mà những từ chỉ thời gian và không gian (dạ, bình minh) thì được tự do không bị giới từ hạn định, nên về ngữ pháp chúng có thể “lâm thời” giữ vai trò chủ ngữ của câu. Đề bài thơ “Phù Dung lâu tống Tân Tiệm” nhưng trong bài thơ cả “tôi” (Vương Xương Linh) và Tân Tiệm đều vắng mặt, chỉ còn lại mưa đêm, núi sớm và một trái tim trong sạch trong bình ngọc. Con người chung thủy, tự tin và tin cậy trao trái tim cho bè bạn. Có một sự tương giao thân thiết giữa con người với thiên nhiên - con người được đồng nhất với vũ trụ.
Thi tiên Lý Bạch cũng tiễn đưa nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên với tâm trạng đầy lo lắng và quyến luyến bạn tri âm.
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu,
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
(Lý Bạch - Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quãng Lăng)
(Bạn cũ giã từ lầu Hoàng Hạc, ở phía tây,
Xuôi về Dương Châu giữa tháng ba, mùa hoa khói,
Bóng cánh buồm lẻ loi xa dần, mất hút vào khoảng không xanh biếc,
Chỉ thấy sông Trường Giang chảy vào cõi trời)
Ta thấy trong bài thơ tứ tuyệt này thì câu 2 và câu 4 đã tỉnh lược chủ ngữ. Chỉ có câu 1 và câu 3 xuất hiện chủ ngữ (Cố nhân, cô phàm) nhưng đó là những chủ ngữ theo hình thức ngữ pháp. Còn chủ ngữ thật sự đóng vai trò chủ thể trữ tình của bài thơ đều ẩn đi. Tương tự như bài “Phù Dung lâu tống Tân Tiệm” của Vương Xương Linh, tựa đề là “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” nhưng toàn bài thơ không thấy xuất hiện nhân vật “tôi” (Lý Bạch) và Mạnh Hạo Nhiên. Dù hình ảnh của đôi bạn tri âm không xuất hiện nhưng độc giả vẫn thấy được trọn vẹn cuộc tiễn đưa với đầy vẻ quyến luyến. Cánh buồm cô đơn đang xa dần giữa biển cả mênh mông tựa như tâm trạng lo lắng của người đưa tiễn trước sự lẻ loi của cố nhân đang lạc lõng giữa dòng đời xô bồ đầy cạm bẫy. Chủ ngữ không xuất hiện cũng có nghĩa là tác giả không muốn chia ly, cố giấu đi nỗi lo lắng cho chuyến đi của cố nhân.
Ta cũng bắt gặp tâm trạng tống biệt tri âm diễn ra với nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên.
Tịch mịch cánh hà đãi,
Triêu triêu không tự quy.
Dục tầm phương thảo khứ,
Tích dữ cố nhân vi.
Đương lộ thùy tương giả,
Tri âm thế sở hy.
Chỉ ứng thủ tịch mịch,
Hoàn yểm cố viên vi.
(Mạnh Hạo Nhiên - Lưu biệt Vương Duy)
(Hiu quạnh há đợi nó đến chăng?
Sớm sớm luống công đi về.
Muốn đi tìm nơi cỏ thơm,
Tiếc rằng trái với ý bạn thiết.
Người đang trên đường ai che chở đây,
Trên đời này bạn tri âm thật hiếm.
Đành im lặng cho qua ngày,
Về vườn cũ cài chặt đám cỏ song)
Trong bài thơ ngũ ngôn bát cú này chỉ có câu 5, 6 là có chủ ngữ. Các câu còn lại chủ ngữ đều bị ẩn đi.
Do không có giới từ hạn định thời gian nên từ “Sớm sớm” ở câu 2 “lâm thời” có thể làm chủ ngữ trong câu. Cũng giống như hai bài thơ cùng đề tài tống biệt trên, ở bài “Lưu biệt Vương Duy” của Mạnh Hạo Nhiên cũng không thấy sự xuất hiện của Thi phật Vương Duy và tác giả. Hiện lên trong bài thơ là nỗi lo lắng của người ở lại khi tiễn người ra đi. Qua bài thơ, Mạnh Hạo Nhiên cũng khẳng định: “Tri âm thế sở hi” (Trên đời này bạn tri âm thật hiếm). Chính vì thế mà khi tiễn bạn tri kỷ thì nhà thơ “Về vườn cũ cài chặt đám cỏ song”. Một mình ngẫm nghĩ về cố nhân với tấm lòng muốn được tri âm, muốn có được sự đồng cảm. Và thiên nhiên (cố viên) chính là nơi mà nhà thơ hướng tới. Bạn tri âm đã ra đi rồi thì đã có thiên nhiên làm bạn. Thiên nhiên cũng là người tri kỷ. Con người sống hòa với thiên nhiên.
Thơ Đường nói riêng cũng như thơ văn cổ nói chung lời ít ý nhiều. Thi nhân không bao giờ nói toạc ra hết ý của mình mà để cho người đọc tự suy nghĩ, tự khám phá tìm ra cái hay, cái đặc sắc mà thi nhân muốn gửi gắm qua bài thơ. Đó chính là những khoảng lặng, khoảng trắng mà độc giả phải điền vào. Vì thế, hiện tượng tỉnh lược diễn ra tự nhiên, phù hợp với cảm xúc và tư tưởng của người phương Đông.
Bên cạnh đề tài tống biệt thì cảm xúc về cố hương của những người xa xứ cũng làm không ít độc giả xao động.
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến bất tương thức,
Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai.
(Hạ Tri Chương - Hồi hương ngẫu thư)
(Rời nhà từ lúc còn trẻ, già mới quay về,
Giọng quê không đổi nhưng tóc mai đã rụng.
Trẻ con gặp mặt, không quen biết,
Cười hỏi: khách ở nơi nào đến)
Trong bài thơ 4 câu này thì đã có hai câu có hiện tượng tỉnh lược chủ ngữ. Đó là câu 1 và câu 4. Tác giả Hạ Tri Chương ngẫu nhiên viết bài thơ nhân buổi về quê, nhưng suốt bài thơ không thấy hình ảnh tác giả qua đại từ nhân xưng nào. Đó là cảm xúc của người “Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi”. Xa quê mấy mươi năm, bây giờ, tác giả về lại thì tóc đã bạc, đã trở thành ông lão hơn tám mươi rồi. Người trong làng, nhất là đám trẻ con không biết nguồn cội của ông lão chính là ở cái làng này. Phải chăng với tâm trạng hụt hẫng ấy mà các đại từ nhân xưng làm chủ ngữ cũng vắng bóng trong bài thơ?
Còn ở câu thứ 4, chủ ngữ là “nhi đồng” đã bị tỉnh lược đi. Câu thơ ngắn gọn thể hiện sự ngạc nhiên của trẻ em nơi thôn làng trước sự xuất hiện của ông lão “xa lạ”.
Riêng ở câu thứ nhất còn có hiện tượng tỉnh lược giới từ hạn định thời gian. Đáng ra phải nói “Rời nhà từ lúc còn trẻ, đến già mới quay về”, tạo sự mơ hồ cho câu thơ.
Mặc dù có hiện tượng tỉnh lược nhưng không làm giảm giá trị bài thơ. Ngược lại, nó tạo cho bài thơ nghệ thuật đặc sắc riêng, cảm xúc riêng của một người trở về cố hương sau bao  năm dài xa cách.
Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương,
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.
(Lý Bạch - Tĩnh dạ tứ)
(Ánh trăng sáng đầu giường, 
Ngỡ là sương mặt đất,
Ngẩng đầu ngắm trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương)
Tựa bài thơ là Tĩnh dạ tứ (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) nhưng suốt bài thơ không thấy sự xuất hiện của tác giả. Ở câu 1 có chủ ngữ là “ánh trăng”, còn các câu khác đều bắt đầu bằng một động từ mà chủ ngữ đã bị tỉnh lược.
Bài thơ là tâm trạng nhớ quê hương da diết của người lữ thứ mà trăng chính là người bạn tri âm để tác giả bộc lộ nỗi niềm. Chủ ngữ ở 3 câu sau tuy bị lược đi nhưng những hành động liên tiếp nhau (nghi, cử, đê) cho thấy tâm trạng tác giả đang hướng về cố hương. Chủ ngữ vắng mặt nhưng con người với nỗi nhớ quê hương vẫn hiện lên trong lòng người đọc.
c. Chiến tranh và số phận con người
Chiến tranh gắn với số phận con người là đề tài nổi trội trong phần thơ phản ánh hiện thực thời Đường, đứng đầu là Đỗ Phủ. Thi nhân đã phơi bày thực trạng đau thương của chiến tranh. Đó là cảnh “Cha mẹ vợ con chạy theo tiễn” chàng trai ra chiến trường mà “Níu áo dậm chân chặn đường khóc”. Đó còn là cảnh chết chóc nơi chiến trận:
Đông sang người dân trại tài
Máu tuôn thành nước đỏ tươi ròng ròng
Im lìm trời nắng đồng không
Bốn muôn quân nghĩa chết trong một ngày.
(Đỗ Phủ - Bi Trần Đào)
Đó còn là cảnh bắt lính ráo riết của bọn quan lại để bổ sung quân ra chiến trường khốc liệt:
Mộ đầu Thạch Hào thôn
Hữu lại dạ tróc nhân
Lão ông du tường tẩu
Lão phụ xuất môn khan
Lại hô nhất hà nộ
Phụ đề nhất hà khổ!
Thính phụ tiền trí từ:
“Tam nam Nghiệp Thành thú
Nhất nam phụ thư chí
Nhị nam tân chiến tử
Tồn giả thả thâu sinh
Tử giả trường dĩ hỹ!
Thất trung cánh vô nhân
Duy hữu nhũ hạ tôn.
Hữu tôn mẫu vị khứ,
Xuất nhập vô hoàn quần.
Lão ẩu lực đã suy,
Thỉnh tòng lại dạ quy,
Cấp ứng Hà Dương dịch,
Do đắc bị thần xuy”.
Dạ cửu ngữ thanh tuyệt,
Như văn khấp u yết.
Thiên minh đăng tiền đồ,
Độc dữ lão ông biệt.
(Đỗ Phủ - Thạch Hào lại)
(Chiều tối chạy vào thôn Thạch Hào
Có viên lai bắt người ban đêm
Ông lão vọt tường tẩu thoát
Bà lão ra cửa nhìn
Viên lại hò hét sao dữ dằn thế!
Lắng nghe bà lão tiến lên thưa:
“Ba con trai đi thú ở Nghiệp Thành
Một con trai vừa gửi thư cho biết
Hai con trai vừa chế trận
Đứa còn sống qua ngày
Đứa chết thế là hết!
Trong nhà quả khôn còn người
Chỉ còn đứa cháu đang bú mẹ
Vì có cháu nên mẹ cháu chưa đi,
Ra vào không có manh quần lành
Bà lão này tuy sức đã yếu
Cũng xin theo về ngay đêm nay
Ứng phó gấp việc phục dịch ở Hà Dương
Cũng còn nấu được bữa cơm sáng tối”.
Đêm khuya tiếng nói im bặt
Vẫn còn như nghe thấy tiếng khóc nghẹn ngào
Sáng mai (khách) lên đường
Chỉ từ biệt có một mình ông lão)
Thời gian và không gian ở đây dường như ngưng đọng lại. Cảnh bắt lính diễn ra vội vàng, gấp gáp trong khoảnh khắc khiến cho không khí ở thôn Thạch Hào hết sức căng thẳng, ngột ngạt. Trong thời gian ngắn đó xuất hiện nhiều nhân vật như: Ông lão, bà lão, con dâu và ba con trai cũng được nhắc đến. Những người trong gia đình đó giữ vai trò chủ ngữ trong câu và là nạn nhân của xã hội thời loạn. Ngược lại, viên quan đại diện cho bộ máy thống trị tàn bạo đẩy người dân vào cuộc chiến tranh tàn khốc. Đặc biệt ở đây có một nhân vật chứng kiến từ đầu đến cuối diễn biến của cuộc bắt lính này, đó là người “Chiều tối chạy vào thôn Thạch Hào” cũng là tác giả. Vậy mà suốt bài thơ không thấy tác giả xuất hiện qua từ nhân xưng “tôi”. Tác giả chứng kiến cảnh đó nhưng để bài thơ mang tính khách quan và tăng thêm giá trị tố cáo hiện thực thì tác giả dường như chỉ ghi lại những điều mắt thấy tai nghe qua lời kể của bà lão - nhân vật chính của câu chuyện này. Tác giả để cho nhân vật tự bộc lộ nỗi đau khổ đến cùng cực của chính mình. Đó cũng chính là nỗi đau thương mất mát chung của con người thời chiến.
Không những là nỗi đau của những người dân thường, chiến tranh còn là sự bàng hoàng của những người ra trận trước cảnh chết chóc, âm u.
Lựu mã tân khoa bạch ngọc an
Chiến bãi sa trường nguyệt sắc hàn
Thành đầu thiết cổ vang do chấn
Hạp lý kim đao huyết vị can.
(Lý Bạch - Quân hành)
(Con ngựa màu lựu, (buộc) yên cương mới, yên (gắn thêm) viên ngọc trắng
Chiến trận ngừng, ánh trăng trên chiến trường lạnh lẽo
Đầu thành, tiếng trống còn nghe dư âm
Trong hộp, lưỡi kiếm qúy còn dính máu)
Ở bài tứ tuyệt này, câu nào cũng xuất hiện chủ ngữ, thậm chí có câu tới ba chủ ngữ như câu 1 (mã, khoa, ngọc), (chủ ngữ giả, thực ra là “tân ngữ”). Vậy mà không có một từ nói về người lính xung trận trở về này. Đúng như thơ cổ điển vẽ mây để chỉ rồng. Con ngựa màu lựu và thanh kiếm quý trong bài thơ đã nói lên được chủ nhân của nó. Hẳn chẳng phải là người lính bình thường. Chiến trận đã chấm dứt nhưng cảnh tượng âm u, lạnh lẽo của cuộc chiến khiến người lính phải bàng hoàng. Về đến đầu thành rồi mà anh ta vẫn còn nghe dư âm của tiếng trống trận khủng khiếp với thanh kiếm quý còn dính đầy máu.
Ở câu đầu ta thấy có hiện tượng tỉnh lược động từ. Toàn câu có ba chủ ngữ nhưng chẳng thấy một động từ nào. Người đọc phải ngầm hiểu mà gắn thêm động từ vào để ý nghĩa của câu được trọn vẹn. Đó là khoảng lặng mà độc giả cần khám phá trong bất cứ bài thơ cổ nào.
Chiến tranh còn là nỗi đau khổ của người khuê phụ luôn trông ngóng tin chồng từ biên ải xa xôi.
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,
Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu.
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tế mịch phong hầu.
(Vương Xương Linh - Khuê oán)
(Người đàn bà trẻ nơi phòng khuê (ngây thơ) không biết buồn,
Ngày xuân trang điểm xong bước lên lầu đẹp,
Chợt thấy màu dương liễu đầu đường,
Hối hận đã để chồng đi tòng quân  kiếm ấn phong hầu)
Ta thấy ở 3 câu sau, chủ ngữ là người thiếu phụ đều vắng bóng. Vì thế, ta phải hiểu ngầm các câu đó là:
Ngày xuân (người thiếu phụ) trang điểm xong bước lên lầu đẹp,
(Người thiếu phụ) chợt thấy màu dương liễu đầu đường,
(Người thiếu phụ) hối hận đã xúi giục chồng đi tòng quân để kiếm ấn phong hầu.)
Chủ ngữ vắng mặt như cách sống âm thầm của người thiếu phụ thuở xưa. Họ an tâm làm những việc trong nhà, còn chồng thì đi chinh chiến ngàn xa mong lập công đem vinh quang về cho gia đình:
Phụ nhân bất hạ đường,
Hành tử tại vạn lý.
(Thiếp không ra khỏi cửa,
Chàng muôn dặm viễn hành)
Nhưng cho dù an phận với cuộc sống bình thường của người phụ nữ thời phong kiến, nhưng có lúc nàng cũng chợt nhận ra được cái lẻ loi, đơn độc và một nỗi lo lắng, đau đớn đến quặn lòng khi tin tức người chồng nơi biên ải vẫn biệt tâm. Tâm hồn nàng giờ đây đang dõi theo bóng chồng ngoài vạn dặm. Đến giờ nàng mới thấu hiểu nỗi đau của chiến tranh. Và nỗi đau của nàng cũng chính là nỗi đau của những người sống trong thời loạn. Vì thế, chủ ngữ là hình ảnh người thiếu phụ ở đây đại diện cho biết bao hình ảnh người thiếu phụ khác đang ngóng tin chồng ngoài biên ải. Ba câu thơ tuy thiếu chủ ngữ nhưng người đọc vẫn hiểu sâu sắc giá trị tố cáo của bài thơ. Đây là thành công của Vương Xương Linh trong việc thể hiện quá trình tâm lý tinh tế của con người.
Có một điều khá thú vị trong các bài thơ Đường được đưa vào giảng dạy ở phổ thông là bài thơ “Hành lộ nan” của Lý Bạch. Toàn bài thơ không có chủ ngữ nào dù là chủ ngữ hình thức.
Kim tôn thanh tửu đẩu thập thiên,
Ngọc bàn trân tu trị vạn tiền.
Đình bôi đầu trợ bất năng thực,
Bạt kiếm tứ cố tâm mang nhiên.
Dục độ Hoàng Hà băng tắc xuyên,
Tương đăng Thái Hàng tuyết ám thiên.
Nhàn lai thùy điếu bích khê thượng,
Hốt phục thừa chu mộng nhật biên.
Hành lộ nan, hành lôn nan!
Đa kì lộ, kim an tại?
Trường phong phá lãng hội hữu thì,
Trực quải vân phàm tế thương hải.
(Lý Bạch - Hành lộ nan)
(Chén vàng rượu quý mỗi đấu mười ngàn
Mâm ngọc thức ăn ngon, giá đáng tiền muôn.
Ngừng chén ném đũa, không thể nuốt,
Rút kiếm nhìn bốn phía lòng mênh mang!
Muốn qua Hoàng Hà, băng lấp kín lòng sông,
Muốn lên núi Thái Hàng, tuyết che tối bầu trời.
Gặp lúc nhàn, ngồi bên khe, buông cần câu cá,
Bỗng lại thấy cưỡi thuyền, mơ đến bên mặt trời.
Đường đi khó, đường đi khó!
Nhiều ngả rẽ, giờ đang ở nơi nào?
Cưỡi gió mạnh, phá sóng lớn rồi cũng có khi,
Giong thẳng buồm mây, vượt biển xanh!)
Như đã biết, thi tiên Lý Bạch không những có cá tính mạnh mẽ, phóng khoáng mà ông còn mang một hoài bão lớn là đem tài năng ra giúp đời. Thế nhưng hoài bão lớn đó ông không thể thực hiện được trong xã hội phong kiến đang hồi suy thoái. Điều này ông ví như con người đang đi trên con đường nhiều chông gai, nhiều ngả rẽ.
“Hành lộ nan” vốn là đề mục trong ‘Tạp khúc ca từ” của nhạc phủ. Điều này cho thấy Lý Bạch rất có ý thức kế thừa văn học dân gian. Bài thơ gồm 12 câu nhưng chủ ngữ đều bị tỉnh lược. Cái chí lớn muốn “đem tài năng giúp vua làm cho thiên hạ yên ổn, bốn bể thanh bình” không thực hiện được cho nên thi tiên cảm thấy con đường phía trước dường như bế tắc (Muốn qua Hoàng Hà, băng lấp kín lòng sông; muốn lên núi Thái Hàng, tuyết che tối bầu trời; …). Nhưng thi tiên vẫn canh cánh trong lòng hoài bão đó. Bởi thế mà đang trong lúc nhàn rỗi thi nhân ngồi câu cá để chờ gặp cơ hội thì “Bỗng lại thấy cưỡi thuyền, mơ đến bên mặt trời”. Vẫn một lòng muốn trợ vua, giúp dân nên quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách trên đường đời của nhà thơ luôn tỏa sáng:
“Cưỡi gió mạnh, phá sóng lớn rồi cũng có khi,
Giong thẳng buồm mây, vượt biển xanh!”
Bài thơ tuy không có chủ ngữ nhưng chủ thể với cá tính mạnh mẽ và hoài bão lớn vẫn hiện lên một cách rõ nét.
Qua khảo sát hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp ở một số bài thơ Đường tiêu biểu trong nhà trường phổ thông cũng như ở đại học, ta thấy đây là hiện tượng phổ biến diễn ra ở hầu hết các bài thơ, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là tỉnh lược chủ ngữ.
2.2. Thống kê các hiện tượng tỉnh lược
Như đã nói ở trên, hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp mà chủ yếu là tỉnh lược chủ thể trữ tình là một trong những đặc trưng của thơ ca cổ nói chung và thơ Đường nói riêng. Trong luận văn này, người viết chỉ tìm hiểu hiện tượng tỉnh lược ở một số bài thơ Đường tiêu biểu ở phổ thông cũng như đại học. Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát thơ Đường, đặc biệt là quyển “Đường thi tam bách thủ” của Ngô Văn Phú dịch và giới thiệu (nxb Hội nhà văn - 2000), ta thấy hiện tượng tỉnh lược diễn ra như sau:
Trong 311 bài thơ Đường trong quyển này thì đã có 260 bài xuất hiện hiện tượng tỉnh lược chủ thể trữ tình, chiếm 83,6%, còn lại 51 bài thơ có chủ thể trữ tình, chiếm 16,4%. Như thế ta thấy, hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp mà đặc biệt là chủ thể trữ tình phổ biến ở thơ Đường.
Qua khảo sát, người viết thấy trong 51 bài thơ có chủ thể trữ tình xuất hiện thì các từ “ngã, dư, ngô” (ta) đóng vai trò chủ thể chiếm đa số, còn lại là tên riêng và các danh từ riêng. Cụ thể như sau:
Chủ thể trữ tình làm chủ ngữ:
Trường hợp từ “ngã” làm chủ thể, có 23 bài:
+ Há Chung Nam sơn quá Hộc Tư sơn nhân túc chí tửu Lý Bạch
+ Nguyệt dạ độc chước Lý Bạch
+ Thanh khê Vương Duy
+ Lư Sơn dao ký thị ngự Hư Đan Lý Bạch
+ Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt Lý Bạch
+ Tuyên Châu Tạ Diễn lâu tiễn biệt hiệu thư Thúc Vân Lý Bạch
+ Ký Hàn Gián Nghị chú Đỗ Phủ
+ Thạch ngư hồ thượng túy ca Nguyên Kết
+ Bát nguyệt thập ngũ dạ tặng Trương Công Tào Hàn Dũ
+ Yết Hành nhạc miếu trại túc nhạc tự đề môn lâu Hàn Dũ
+ Thạch cổ ca Hàn Dũ
+ Đề đai dữu bắc dịch Tống Chi Vấn
+ Thính Thục Tăng Tuấn đàn cầm Lý Bạch
+ Dữ chư tử đăng Hiện sơn Mạnh Hạo Nhiên
+ Quá cố nhân trang Mạnh Hạo Nhiên
+ Tảo hàn hữu hoài Mạnh Hạo Nhiên
+ Hỷ ngoại đệ lư Luân kiến túc Tư Không Thự
+ Thiền Lý Thương Ẩn
+ Tặng Vệ Bát xử sĩ Đỗ Phủ
+ Mộng Lý Bạch Đỗ Phủ
+ Tống Kỳ Vô Tiềm lạc đệ hoàn hương Vương Duy
+ Tương tiến tửu Lý Bạch
+ Khiển bi hoài (kỳ nhất) Nguyên Chẩn
Trường hợp từ “dư” làm chủ thể, có 5 bài:
+ Túc Vương Xương Linh ẩn cư Thường Kiến
+ Dạ quy Lộc Môn ca Mạnh Hạo Nhiên
+ Tại ngục vịnh thiền Lạc Tân Vương
+ Dạ bạc Ngưu Chử hoài cổ Lý Bạch
+ Vô đề Lý Thương Ẩn
Trường hợp từ “ngô” làm chủ thể, có 2 bài:
+ Tặng Mạnh Hạo Nhiên Lý Bạch
+ Bắc thanh la Lý Thương Ẩn
Riêng có một trường hợp chủ thể là đại từ nhân xưng “lão phu”
+ Quan Công Tôn đại nương Đỗ Phủ
Trường hợp chủ thể trữ tình là tên nhân vật, có 6 bài:
+ Thường Nga
+ Tây Thi vịnh Vương Duy
+ Kha Thư ca Tây Bỉ Nhân
+ Giả Sinh Lý Thương Ẩn
+ Tập Linh đài (hai bài) Trương Hựu
Trương hợp danh từ riêng làm chủ thể trữ tình, có 14 bài;
+ Vị Xuyên điền gia Vương Duy
+ Trường can hành Lý Bạch
+ Liệt nữ tháo Mạnh Giao
+ Ngư ông Liễu Tông Nguyên
+ Lạc Dương nữ nhi hành Vương Duy
+ Cung từ Tiết Phùng
+ Độc bất kiến Thẫm Thuyên Kỳ
+ Tạp thi Vương Duy
+ Oán tình Lý Bạch
+ Trường can hành (bài 1) Thôi Hiệu
+ Khuê oán Vương Xương Linh
+ Cung trung từ Chu Khánh Dư
+ Xuân từ Lưu vũ Tích
+ Giai nhân Đỗ Phủ
Hầu hết các bài còn lại thì chủ thể trữ tình đóng vai trò chủ nhữ đều bị tỉnh lược. Chủ ngữ thường là chủ ngữ hình thức, chủ ngữ lô gíc.
Thí dụ:
Bạch nhật y sơn tận,
Hoàng Hà nhập hải lưu
Dục cùng thiên lý mục
Cánh thương nhất tằng lâu.
(Đăng Quán Tước lâu - Vương Chi Hoán)
(Ánh sáng mặt trời chiếu khắp ở bên sườn núi,
Sông Hoàng hà nhập vào biển khơi
Muốn nhìn thấu nghìn dặm đất
Lên thêm một tầng lầu).
Ta thấy “Bạch nhật” và “Hoàng Hà” ở đây chỉ là chủ ngữ hình thức. Còn chủ ngữ cũng là chủ thể thật sự của bài thơ đã bị khuyết ở hai câu sau. Đó chính là “Con người vũ trụ” muốn vươn lên ngang tầm thiên nhiên, thể hiện khát vọng hòa hợp với đất trời, muốn khẳng định tầm vóc của mình.
Hay trong bài Xuân oán của Lưu Phương Bình:
Sa song nhật lạc tiệm hoàng hôn,
Kim ốc vô nhân kiến lệ ngân,
Tịch mịch không đình xuân dục vãn
Lê hoa mãn địa bất khai môn.
(Mặt trời lặn trước song the, chiều dần xuống,
Nhà vàng không ai nhìn thấy ngấn lệ rơi trên mắt,
Sân vắng lặng, mùa xuân chừng sắp hết,
Hoa lê rụng đầy dưới đất, cửa vẫn còn đóng)
Mùa xuân là mùa sum vầy, đoàn tụ. Nhưng người thiếu phụ vẫn lẻ loi một mình đến hết mùa xuân. Với tâm trạng đợi chờ vô vọng người chồng từ biên ải trở về, nàng tỏ ra oán mùa xuân, ghét chiến tranh đã chia cách tình phu phụ. Trong bài thơ này, người thiếu phụ đó mới chính là chủ thể trữ tình, còn các từ “Mặt trời”, “Nhà vàng”, Hoa lê” chỉ là chủ ngữ hình thức…
Còn hiện tượng tỉnh lược hư từ diễn ra có mức độ như sau:
Hư từ là những từ không biểu đạt được một sự vật hay tính chất một sự vật nào đó của thế giới vật chất. Nó chỉ có ý nghĩa về mặt ngữ pháp. Liên kết các thực từ tạo thành một thông tin trọn vẹn, tạo ra một sự diễn tiến có trật tự và theo một chiều hướng nhất định.
Các hư từ trong tiếng Hán hay được tỉnh lược trong thơ Đường là nhi (mà, có), tắc (tức, tắc), thị (là), ư (ở), như (như, tựa như),…
– Tỉnh lược giới từ “ư” thường gắn liền với lối đảo trang.
Vd:
Hương đạo trác dư anh vũ lạp
Bích ngô thê lão phụng hoàng chi.
(Đỗ Phủ - Thu hứng [kỳ 8])
Lẽ ra phải viết “Lão phụng hoàng thê ư bích ngô” (Con chim phượng hoàng đậu đến già trên cành ngô đồng).
Hoặc:
Minh nguyệt tùng gian chiếu
Thanh tuyền thạch thượng lưu.
(Vương Duy - Sơn cư thu minh)
(Minh nguyệt chiếu (ư) tùng gian
Thanh tuyền lưu (ư) thạch thượng)
Tức là trăng chiếu trong vùng cây tùng, suối trong chảy trên ngầm đá. Tác giả viết như thế nhầm nhấn mạnh động từ chiếu, lưu.
– Tỉnh lược từ so sánh:
Vd:
Phù vân du tử ý
Lạc nhật cố nhân tình.
(Lý Bạch - Tống hữu nhân)
(Lòng người du tử như đám mây trôi
Ngày muộn buồn như tình bạn cũ tiễn nhau)
Tỉnh lược là một hiện tượng phổ biến cả ở giao tiếp và trong văn chương, nhất là trong văn chương cổ. Hiện tượng tỉnh lược chủ ngữ, nhiều nhất là tỉnh lược chủ thể trữ tình đã giúp cho ngôn ngữ thơ cổ nói chung và thơ Đường nói riêng giàu màu sắc biểu cảm, tạo nên tính cô đọng, hàm súc cho thơ. Tỉnh lược ở đây không phải là tiết kiệm lời, tiết kiệm chữ mà mang dụng ý nghệ thuật của tác giả. Thi nhân không bao giờ nói ra hết cái tình, cái ý của mình mà để cho độc giả cùng tư duy để khám phá tầng ý nghĩa ẩn khuất sau câu chữ của bài thơ. Điều này cũng tạo nên hứng thú cho độc giả, đọc thơ là để khám phá, để tìm hiểu, để tự tìm cho mình sự đồng cảm với tác giả cho dù bài thơ đó cách ta nhiều thế kỷ. Còn nếu làm thơ mà thể hiện hết ý của mình thì chẳng khác nào văn xuôi. Hiện tượng tỉnh lược cùng với các nghệ thuật khác tạo nên cho thơ Đường đặc trưng riêng, tinh hoa riêng sống mãi với mọi thời đại và ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Hiện tượng tỉnh lược này xuất phát từ nhiều nhiều nguyên nhân như: đặc điểm loại hình ngôn ngữ, triết học phương Đông, kinh tế, văn hóa, xã hội… Tất cả những nguyên nhân này đã hình thành cho thơ Đường cũng như thơ cổ ở Việt Nam và Trung Quốc những đặc sắc riêng.
3. Nguyên nhân tỉnh lược ngữ pháp trong thơ Đường
3.1. Đặc điểm loại hình ngôn ngữ
Tiếng Hán thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính. Có dặc điểm từ không biến hình. Dù đứng ở vị trí nào, giữ chức năng ngữ pháp nào trong câu và thuộc kiểu câu nào, xuất hiện ở thời điểm nào thì từ đều giữ nguyên hình dạng ban đầu vốn có của nó.
Một đặc điểm thứ hai của loại hình ngôn ngữ đơn lập là từ trong câu đều độc lập với nhau. Trong một phát ngôn gồm nhiều âm tiết, các âm tiết tách biệt nhau rất rõ. Vì thế, khi đi vào tổ chức của bài thơ, từ ngữ thường bị tỉnh lược đi nhưng ý nghĩa của câu vẫn không thay đổi. Điều này lý giải vì sau các ngôn ngữ thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập như tiếng Hán, tiếng Việt, tiếng Thái… hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp xuất hiện phổ biến hơn các ngôn ngữ thuộc loại hình ngôn ngữ chắp dính.
3.2. Kinh tế, văn hóa, xã hội
Hiện tương tỉnh lược chủ ngữ trong thơ Đường có nguồn gốc sâu xa từ lối sống văn hóa của người phương Đông. Cái chủ ngữ thường gắn liền với ý niệm về sự sở hữu. Văn hóa Châu Âu bắt nguồn từ vùng Địa Trung Hải ấm áp, tài nguyên phong phú, thuận lợi cho sự phát triển thương nghiệp. Mà trong thương nghiệp thì quan hệ sở hữu phải rõ ràng không thể mơ hồ lẫn lộn: hàng hóa này là của anh và tiền này là của tôi. Trong khi ở Trung Hoa nghề buôn bán hàng hóa vừa lóe lên ở đời Ân thì sang đời Chu đã sớm tàn lụi. Suốt mấy ngàn năm nền kinh tế cơ bản là nông nghiệp với hình thái công xã tỉnh điền, công điền, công thổ. Đất đai là của nhà vua, nông dân được chia theo suất đinh để sản xuất lương thực sinh sống và nộp tô cho nhà vua, mấy năm phân lại một lần. Nghĩa là đất đai là tư liệu sản xuất không phải của họ tuy họ bị gắn chặt vào nó, vì vậy ý niệm về sự sở hữu của họ rất mờ  nhạt. Tất cả những gì ở dưới bầu trời này (thiên hạ) đều là của nhà vua. Văn hóa Trung Hoa bắt nguồn từ thượng lưu sông Hoàng Hà giá lạnh, tài nguyên nghèo nàn, nên thương nghiệp cũng chậm phát triển và văn hóa thai nghén từ đây mang tính chất sở hữu không rõ nét như ở Châu Âu, văn chương cũng chịu ảnh hưởng bởi ý niệm này. Văn chương phương Đông là để giáo hóa, mang tính “cầu hảo” mà giáo hóa là dành cho tất cả mọi người không riêng ai. Ý thức “cộng đồng” át hẳn ý thức “sở hữu”. Vai trò của cá nhân trong nền kinh tế tiểu nông bị hòa tan vào trong gia đình, họ tộc. Để duy trì sự bền vững của dòng họ - với tư cách là đơn vị sản xuất - con người phải hi sinh tất cả những gì quí nhất vì chữ hiếu và chữ trung, bị đè nặng bởi nghĩa vụ đối với người trên: cha mẹ và đấng quân trưởng. Hi sinh các lợi ích cá nhân hay bản thân cá nhân cho lợi ích cộng đồng là điều kiện sống còn của xã hội phương Đông.
3.3. Triết học
Tinh thần văn hóa Trung Hoa khác hẳn với Tây phương và tư tưởng triết học cũng do đấy mà không giống nhau.
Vũ trụ quan của người phương Tây trước hết là lấy cá nhân tách rời khỏi vũ trụ, khi xem xét sự vật, hiện tượng thì đi từ cái riêng lẻ, cái bộ phận đến cái toàn thể. Nhưng ở phương Đông thì khác. Triết học Trung Hoa xem con người là tiểu vũ trụ trong lòng đại vũ trụ. Họ không có tư tưởng cho rằng con người với vũ trụ tự nhiên có ngăn cách, xa lạ. Hễ mở mắt nhìn ra chung quanh về phía vạn vật thiên nhiên thì người Trung Hoa coi như nhà mình. Chẳng hạn như câu nói của Trang Chu:
“Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, vạn vật dữ ngã vi nhất”. (Trời đất với ta cùng sống, vạn vật với ta là một thể).
Điều này chứng tỏ khởi điểm của tư tưởng Trung Hoa là chủ nghĩa “Nhất nguyên vạn hữu thần”. Trời, đất, người, một thể. Đây là tính chất lục địa của văn hóa Trung Hoa, sinh hoạt trong cảnh lục địa bát ngát, trung nguyên phì nhiêu, cây cỏ phồn thịnh, nhân dân nông nghiệp chỉ cần nỗ lực san sửa tự nhiên hóa thành xã hội nhân loại. Đây là tinh thần đồng hóa với vũ trụ chứ không phải đối lập với vũ trụ để đấu tranh. Cho nên cái ý tưởng làm động cơ thúc đẩy lịch trình tiến thủ của dân tộc Trung Hoa cũng như các dân tộc nông nghiệp là ý tưởng Nguồn sống bao la, lưu động tràn ngập ở bản thân mình và khắp cả chung quanh mình:
“Thiên Địa chi đại đức viết sinh” (Cái đức lớn của Trời Đất là nguồn sống).
Chính cái ý niệm nguồn sống ấy là ý tưởng dẫn đạo trong tinh thần truyền thống Trung Hoa, cái nguồn sống đó là sợi dây cộng thông giữa cá nhân với đoàn thể, giữa cá nhân với vũ trụ. Cho nên Trình Y Xuyên nói:
“Nhất nhân chi tâm tức thiên địa chi tâm, nhất vạn chi lý tức vạn vật chi lý, nhất nhật chi vận tức nhất tức chi vận”. (Tâm hồn của một người là tâm hồn của trời đất, cái lý của một vật là cái lý chung cho cả vạn vật, vận chuyển của một ngày là vận chuyển của một hơi thở).
Đấy là tư tưởng Thiên, Nhân hợp nhất, không cho phép ta tự cắt cái tổng hợp Thiên, Nhân, Vật làm ba phần riêng biệt.
Tư tưởng triết học này chi phối mạnh mẽ đến các sáng tác văn chương. Trong văn chương phương Đông với tính chất giáo hóa, cầu hảo, đạo, tình, chí là của mọi người không của riêng ai. Văn thơ trước tiên là để tải đạo, chưa khắc họa tâm tình cá nhân của một con người. Và thơ trước nhất để tỏ chí, đó là điều ký thác trong thơ. Sách Tả truyện: Văn Tử nói với Thúc Hướng: “thơ nhằm bày tỏ chí”. Thiên “Nho hiệu” trong sách Tuân Tử cũng nói: “lời thơ là chí đó”. Trong Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp viết: “… cho nên ở trong lòng là chí, phát ra lời là thơ, con người bẩm sinh có thất tình ứng với vật mà cảm xúc, cảm vật nói chí”. Nhà sư thời Trung Đường là Thích Hiệu Nhiên, tác giả các tập Thi thức, Thi nghị, Bình luận cũng chủ trương ”thi dĩ ngôn chí”. Các nhà thi thoại phương Đông đều thống nhất con người với vũ trụ, giữa con người với con người để tìm sự “hòa đồng”. Điều này có nguồn gốc từ triết học Đông, Tây. Lịch sử triết học phương Tây là lịch sử đấu tranh của con người chống lại thần quyền; còn lịch sử triết học phương Đông là lịch sử của sự chứng minh cái “hòa đồng” giữa con người với vũ trụ. Từ đó đi đến cách nhìn của phương Tây là đi từ bộ phận, con người tách khỏi vũ trụ, tách khỏi thiên nhiên và tách khỏi nhau, tách rời các sự vật với cái nhìn thực chứng mà sau này sẽ dẫn đến mâu thuẫn, đến bi quan và cuối cùng phải tìm đến cấu trúc luận và điều khiển học… Còn phương Đông nhìn vũ trụ và con người bằng con mắt toàn bộ, tổng thể trước khi đi vào bộ phận. Văn thơ cũng không thoát khỏi cách nhìn này. Người phương Đông nhìn bài thơ như một đơn vị thẩm mỹ hoàn chỉnh mà ít chú ý tách rời các câu, các từ, các ý, nhất là trong thơ trữ tình. Tư Không Đồ coi “thơ là kết tinh của muôn vàn sự kỳ diệu…” từ đó mà luận bàn thi đức, thi thể và thi đạo. Ông nói: “Thơ không nhằm vào từng chữ mà vẫn có được vẻ độc đáo thường tình”, “thơ siêu thoát ngoài hiện tượng”, “ý tiềm tàng sau ngôn từ”, nếu chỉ chú ý xét chữ, xét câu thì không thể thấy được tình và ý”. Cái đó gọi là “ý tại ngôn ngoại”, Nghiêm Vũ gọi là “nhập thần”, “diệu ngộ”, là “lời đã hết mà ý chưa hết”, Vương Sĩ Trinh gọi là “thần vận”. Sách Bội văn vận phủ cũng có câu: “Thơ hay ở chỗ dùng lời, nhưng hay hơn nữa ở chỗ không có lời”. Đó là cái thực trong hư. Bài “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị cũng có câu: Thử thời vô thanh thắng hữu thanh (Lúc này không có tiếng mà còn hơn có tiếng). Mạnh Tử cũng chủ trương không nên quá chú trọng vào mặt chữ nghĩa. Còn Trang Tử trong “Nhân gian thế” bàn về thưởng thức thơ như sau: “không nghe bằng tai mà nghe bằng tâm, không nghe bằng tâm mà nghe bằng khí, tai dừng lại ở chỗ nghe, còn tâm thì đạt tới chỗ diệu hợp. Khí vốn hư để đón chờ muôn vật. Riêng có đạo tập hợp được hư, đó chính là tâm trai“.
Như vậy muốn hiểu và cảm thụ một bài thơ Đường luật hay thơ xưa nói chung, không chỉ căn cứ vào ngữ pháp, tất nhiên vẫn có lúc phải vận dụng đến ngữ pháp. Trước hết phải dùng cái tình, cái tâm để đón lấy cái chí, cái tình, cái tâm linh nhà thơ ký thác bên trong đã được người xưa quan niệm là “thần”, “thần tứ”, “vận vị” nổi lên trên khí cốt bài thơ, thế là đã lãnh hội thơ theo đúng cái mã sáng tác của tác giả ngày xưa.
Biết thế rồi sẽ thấy phép tỉnh lược chủ ngữ, động từ và hư từ trong thơ Đường luật là điều không đáng lạ, vì nó quá phổ biến. Ví dụ bài thơ sau đây của Lý Bạch:
Bạch nhật y khán sơn,
Hoàng Hà nhập hải lưu.
Dục cùng thiên lý mục,
Cánh thướng nhất tầng lâu.
(Ngày tựa núi ngóng xa,
Thấy Hoàng Hà đổ ra biển.
Muốn nhìn thấu nghìn dặm đất,
Lên thêm một tầng lầu)
Không chủ ngữ, cũng không hư từ nhưng bài thơ rắn chắc, rõ ràng, tứ thơ man mác. Con người đứng trước phong cảnh hùng vĩ, vũ trụ bao la mà muốn hòa nhập vào chúng. Không hư từ nên cảm giác dành cho con người mọi miền và mọi thời đại. Do đó tình ở đây là vĩnh hằng, không biên giới.
Cũng cần chú ý là có những bài thơ đầy ắp chủ ngữ, nhưng là chủ ngữ hình thức, chủ ngữ lôgíc. Chủ ngữ thơ ở đây chỉ có một, đó là chủ thể cảm xúc, là nhân vật trữ tình nhưng nó lại ẩn mình đi và không được biểu thị bằng bất cứ từ ngữ nào. Ví dụ bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bế tẻo teo.
Sóng biếc theo làng hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa veo.
Tầng mây lơ lững trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Ở đây ao thu, thuyền câu, sóng biếc, lá vàng, tầng mây, ngõ trúc, cá chỉ là chủ ngữ hình thức, còn chủ ngữ lôgíc hay chủ ngữ thơ là con người dang cảm thấy bất lực, cô đơn và nhỏ nhoi trước trời mùa thu lồng lộng, nên đang tìm thú thanh tao yên ổn nơi đồng nội quê nhà để rũ hết mọi ưu phiền. Người đi câu mà chẳng chú ý gì đến cần câu, phao câu, chỉ lăm lăm ngắm cảnh sóng biếc, lá vàng, tầng mây, ngõ trúc,… cho đến khi giật mình bừng tỉnh vì tiếng động thì cũng chẳng ngó ngàng gì đến lưỡi câu mà lại chú ý đến chân bèo.
Từ sự dẫn chứng nêu trên cho thấy, hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp trong thơ là phổ biến. Không chỉ riêng ở thơ Đường mà hiện tượng này còn xuất hiện nhiều trong thơ cổ, ở cả Việt Nam và Trung Quốc.
CHƯƠNG III: THƠ ĐƯỜNG TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG
1. Vị trí của thơ Đường trong nhà trường
Trong chương trình Ngữ văn ở trường phổ thông, thơ Đường được dạy học hai lần ở lớp 7 và lớp 10, gồm thơ của 9 tác giả, trong đó thơ Lý Bạch và Đỗ Phủ là trọng tâm.
Như vậy, thơ Đường được dành nhiều thời gian hơn so với các thành tựu văn học nước ngoài khác. Điều ấy là hợp lý, vì thơ Đường là một trong những đỉnh cao của văn học thế giới, hơn nữa đây là thành tựu văn học nước ngoài có ảnh hưởng phong phú, sâu sắc nhất đối với văn học Việt Nam. Ở nước ta, suốt mười thế kỷ, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, cha ông ta đã tiếp thu một cách sâu rộng ảnh hưởng của văn học Trung Quốc trong quá trình xây dựng nên văn học viết nước nhà. Riêng về thi ca, thơ Đường, đặc biệt là Đường luật, có ảnh hưởng nhiều nhất. Trong thơ của các tác giả Việt Nam thời trung - cận đại, kể cả thơ chữ Hán và chữ Nôm, có đến 3/4 số bài được sáng tác theo thể Đường luật. Và mãi đến thời hiện đại, có thể nói âm hưởng của thơ Đường trong thơ hiện đại Việt Nam còn rõ hơn trong thơ hiện đại Trung Quốc. Hiện tượng ấy cũng được phản ánh trong chương trình Ngữ văn ở nhà trường: phần thơ Việt Nam được học ở trường phổ thông, các bài thơ sáng tác theo thể Đường luật chiếm tỷ lệ rất cao.
Trong 9 tác giả có thơ được tuyển vào sách giáo khoa, chỉ có Hạ Tri Chương ở thời Sơ Đường và Bạch Cư Dị ở thời Trung Đường, còn lại 7 tác giả ở thời Thịnh Đường, trong đó Lý Bạch và Đỗ Phủ được học cả ở lớp 7 và lớp 10. Điều này rất hợp lý, phù hợp với thực tế thơ Đường. Thịnh Đường là thời kì hoàng kim của thơ cổ điển Trung Quốc. Lý Bạch, Đỗ Phủ là hai nhà thơ vĩ đại trong lịch sử văn học Trung Quốc và thế giới.
Số thơ Đường được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 và lớp 10 tuy còn ít, nhưng đó đều là những tác phẩm nổi tiếng, tiêu biểu cho đặc trưng thi pháp thơ Đường. Trong 15 bài thơ Đường được tuyển vào sách giáo khoa, chỉ có 3 bài thuộc thơ cổ thể, 12 bài là thơ cận thể (luật thi và tuyệt cú). Như vậy là, một cách cố ý, tỷ lệ này tương ứng với tỷ lệ trong thực tế. Vì trong thơ Trung Quốc thời Đường, hay trong thơ Việt Nam trung - cận đại, thơ cận thể cũng nhiều gấp 3 lần thơ cổ thể.
Có một điều cũng thú vị, là trong số ấy có 9 bài là thơ tuyệt cú, tức là thơ 4 câu, nhiều gấp 3 lần thơ 8 câu (3 bài). Điều này tuy không phù hợp với thực tế thơ Đường nhưng phù hợp với hứng thú, tâm lý tiếp nhận của con người hiện đại, cũng cho thấy sức sống của thể thơ tuyệt cú. Tuyệt cú là thể thơ ngắn nhất của Trung Quốc. Thời hiện đại, ở cả Trung Quốc và Việt Nam, thể thơ 4 câu vẫn còn được sử dụng trong các sáng tác. Đây là một hiện tượng thú vị rất đáng tìm hiểu, nghiên cứu. Trong nhịp sống khẩn trương thời hiện đại, con người vẫn có nhu cầu thưởng thức văn chương nghệ thuật. Nhưng những pho sử thi đồ sộ, những bộ tiểu thuyết trường thiên, những bài thơ dài hàng trăm câu cơ hồ chỉ còn là đối tượng của các nhà nghiên cứu, phê bình. Đại đa số công chúng hứng thú với truyện ngắn, thơ tuyệt cú, thơ hai-kư,… và nhìn chung, học sinh phổ thông cũng thích những bài thơ ngắn. Tất nhiên, chủ yếu vì các thể thơ như tuyệt cú, hai-kư, lục bát là kết tinh độc đáo của nghệ thuật thơ ca cổ, nó dễ đến với những rung cảm tinh tế, những khoảnh khắc thăng hoa của tâm hồn con người, cũng chính vì thế mà nó có khả năng đi xa hơn nữa về tương lai.
Vì những lẽ trên, những bài thơ Đường được chọn vào sách giáo khoa phổ thông không những là những thành tựu ưu tú của nhân loại mà còn phù hợp với tâm lý tiếp nhận của học sinh Việt Nam...
2. Việc dạy và học thơ Đường ở trường phổ thông
Đối với giáo viên, thơ Đường không phải là xa lạ vì nó là đối tượng đã được học tập và nghiên cứu khá kỹ ở trường đại học. Trong các tác phẩm văn học nước ngoài được xuất bản ở nước ta, thơ Đường cũng thường xuất hiện. Nhưng đối với học sinh phổ thông, thơ Đường vẫn là khó. Điều này cũng có thể giải thích được: vì thơ Đường cách xa chúng ta cả về không gian, thời gian, cả về phương thức tư duy nghệ thuật. Vả lại, tâm lý của tuổi trẻ ngày nay rất nôn nóng, khó có thể tĩnh tâm để cảm nhận được những rung động tinh tế của tâm hồn (như cảm xúc trước một cánh hoa rơi chẳng hạn) (Xuân hiểu - Mạnh Hạo Nhiên). Nhưng đó lại là những rung cảm nhân văn mà con người cần phải có. Nếu thiếu đi niềm trân trọng, mến yêu những vẻ đẹp dịu dàng, trong sáng, thiêng liêng, nếu thiếu đi sự phẫn nộ trước những điều bất công, phi nghĩa, nếu thiếu đi niềm thông cảm trước nỗi khổ đau của đồng loại… con người sẽ thiếu đi nhiều lắm, mặc dù họ có đầy đủ những tiện nghi về vật chất. Văn học nghệ thuật góp phần hình thành ở con người những tình cảm nhân văn như thế. Những bài thơ Đường được tuyển vào chương trình phổ thông không nhiều, nhưng mỗi bài một vẻ, đều thể hiện nội dung tư tưởng tốt đẹp với hình thức nghệ thuật độc đáo, có ích cho tuổi trẻ ngày nay. Khát vọng vươn tới lý tưởng, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần yêu hòa bình, phản đối chiến tranh, tình bạn, tình yêu thiên nhiên và cái đẹp,… trong những bài thơ được sáng tác từ hơn ngàn năm trước vẫn gần gũi với tâm hồn chúng ta, cần cho chúng ta.
Để hiểu một tác phẩm vượt cả không gian và thời gian như thơ Đường không phải là dễ, nhất là học sinh phổ thông. Giá trị của nó đã được toàn thế giới cộng nhận. Bài nghiên cứu về thơ Đường của các tác giả không phải là ít. Và điều đặc biệt là văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng rất sâu sắc từ Đường thi. Vì thế việc học thơ Đường không chỉ là tìm hiểu tinh hoa văn hóa của nhân loại mà còn giúp cho độc giả hiểu thấu đáo hơn nền văn học Việt Nam, nhất là giới trẻ hiện nay. Từ đó mà học sinh có thêm được lòng tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, về nền văn học nước nhà. Việc học này còn giúp học sinh rèn luyện được phẩm chất của mình cho phù hợp với thời đại ngày nay. Vì văn học cũng chính là nhân học.
Việc tìm hiểu thơ Đường là khó nhưng nếu nắm được đặc trưng của nó thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Chúng ta có thể giải mã được những thông điệp mà người xưa gửi gắm.
Vì đặc trưng của thơ Đường là tạo lập nên những mối quan hệ, nên người đọc thơ Đường cần phải phát hiện ra những mối quan hệ ấy, mà để phát hiện được thì phải dành thời gian suy nghĩ và tưởng tượng, liên tưởng. Thơ Đường vốn rất hàm súc, nói ít gợi nhiều, lời ít ý nhiều… nên khi giảng thơ Đường, phần lớn giáo viên chỉ chú trọng thuyết giảng mà ít đàm thoại với học sinh vì sợ thiếu thời gian. Cách ấy vô hình trung đã đi ngược lại cái “phép” của thơ Đường: nói ít gợi nhiều. Nhưng như thế không có nghĩa là cứ liên tiếp đặt thật nhiều câu hỏi đàm thoại, khiến người trả lời không kịp suy nghĩ.
Mỗi tác phẩm, mỗi bài thơ dẫu chỉ vỏn vẹn 4 câu, 20 chữ, vẫn là một thế giới nghệ thuật. Thi nhân có thể giấu mình đi, trong bài thơ không hề có chủ ngữ nhân xưng ngôi thứ nhất, những cái tâm, cái thần của chủ thể trữ tình vẫn “phổ’ vào thế giới nghệ thuật ấy. Vậy thì, làm sao để nhận ra tình ý mà thi nhân muốn gửi gắm? Mỗi người có thể có cách cảm nhận riêng. Chúng ta nên đặt mình vào vị trí của chủ thể trữ tình để nghiệm ra tâm tình của thi nhân. Chẳng hạn: Với bài “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” của Lý Bạch, hãy đặt mình vào vị trí người đưa tiễn, dõi theo cánh buồm cô đơn của người bạn cũ đang xa dần, rồi khuất vào trời nước mênh mang, “Cô phàm viễn ảnh bích không tận” mà tình vô tận… Nghiệm ra được điều ấy rồi thì cũng không cần phải nói thêm nhiều chi nữa. Tất nhiên, cách làm này chủ yếu phù hợp với thơ cận thể. Mặt khác, nói rằng “mỗi tác phẩm là một thế giới nghệ thuật” thì cũng có nghĩa là cách tiếp cận không thể giống nhau. “Xuân hiểu” thì giản dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày, “Khuê oán” thì đài các tinh tế, “Hành lộ nan” lại chồng chất điển cố… Bởi vậy, hẳn là không nên cố chấp theo một lối nào.
Mỗi giáo viên, mỗi học sinh là một chủ thể tiếp nhận, có một trải nghiệm, hứng thú riêng. Vì vậy các loại sách tham khảo chỉ để tham khảo cho phong phú thêm kiến thức mà thôi. Không có sách nào thay thế được giáo án của người thầy, không có người nào suy nghĩ và cảm thụ thay cho học sinh được.
Mặt khác, hình thức nghệ thuật cũng mang tính nội dung. Vì thế việc dạy và học thơ Đường trong nhà trường không thể bỏ qua phần này được. Các bài thơ Đường được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông với nhiều thể loại, trong đó thơ tuyệt cú là nhiều hơn cả. Điều này cũng phù hợp với tâm lý tiếp nhận của giới trẻ hiện nay. Và với thể thơ này, thi nhân dễ dàng bộc lộ cảm súc của mình hơn. Thiên nhiên cũng là yếu tố đặc biệt trong thơ Đường. Thi nhân dùng thiên nhiên để bộc lộ tư tưởng của mình, sống hòa mình vào thiên nhiên… Vì thế, trong thơ Đường, các yếu tố mà tác giả sử dụng đã được sàng lọc rất kỹ, đều mang những nội dung nhất định. Khai thác các yếu tố đó cũng là việc giúp  người đọc đi đến sự đồng cảm với tác giả.
C. PHẦN KẾT LUẬN
Tỉnh lược là một hiện tượng phổ biến không chỉ trong giao tiếp đời thường mà cả trong thơ văn, đặc biệt là thơ. Do đặc trưng của thơ, nhất là thơ Đường luật bị gò bó về niêm, luật, vần, đối và cả số câu, số chữ. Cho nên các nhà thơ khi sáng tác đã sàng lọc rất kỹ từ ngữ và hình ảnh để bài thơ vừa cô đúc vừa đầy đủ ý nghĩa và gửi gắm hết tâm tư, tình cảm của mình. Điều này dần trở thành thói quen của thi nhân. Vì thế hiện tượng tỉnh lược diễn ra rất tự nhiên.
Đời Đường là thời đại hoàng kim của thơ ca Trung Quốc, một trong những thành tựu rực rỡ nhất là thơ Đường với hơn 48.000  bài thơ của hơn 2300 tác giả. Thơ Đường được công nhận là tinh hoa văn hóa của nhân loại bởi nó đạt được sự hoàn hảo cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật, cả số lượng lẫn chất lượng. Tên tuổi của nhiều thi nhân cũng được khẳng định ở thời này như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị… Và thơ Đường ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam (do những nét tương đồng về loại hình ngôn ngữ, cùng chịu ảnh hưởng của Nho, Phật, Đạo, có lối sống trọng tình của nền văn minh lúa nước…). Các nhà thơ Việt Nam đã tiếp thu một cách chủ động sự ảnh hưởng của thơ Đường. Sự tiếp thu này không chỉ làm phong phú hơn kho tàng văn học Việt Nam mà còn tạo nên cái hay, cái đẹp trong văn học nước nhà với nhiều tên tuổi lớn như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Chí Minh… Mặt khác, thơ Đường du nhập vào Việt Nam đã được Việt hóa bởi cách đọc thơ Đường bằng âm Hán Việt và đề tài gần gũi với đất nước và con người Việt Nam.
Còn sự tỉnh lược ngữ pháp là hiện tượng phổ biến trong thơ Đường nói riêng thơ cổ nói chung. Hiện tượng tỉnh lược này diễn ra ở chủ thể trữ tình, động từ, giới từ, nhưng nhiều nhất là ở chủ thể trữ tình làm chủ ngữ trong câu. Có đến 83,6% hiện tượng tỉnh lược chủ thể trữ tình (Qua khảo sát quyển Đường thi tam bách thủ do Ngô Văn Phú dịch và giới thiệu), trong đó chủ yếu là tỉnh lược các đại từ nhân xưng “ngã, ngô, dư” (tôi) làm chủ ngữ.
Trong các bài thơ Đường tiêu  biểu được đưa vào trường phổ thông cũng như ở đại học thì hầu hết đều có hiện tượng tỉnh lược chủ ngữ. Tỉnh lược không chỉ đơn thuần là tiết kiệm lời, tiết kiệm ý mà mang gia trị nghệ thuật riêng của nó. Hiện tượng này một mặt làm cho bài thơ cô đọng, súc tích, mặt khác thi nhân gửi gắm tư tưởng, tình cảm vào bài thơ một cách tế nhị và kín đáo hơn.
Trong chương trình phổ thông cũng như đại học, thơ Đường chiếm vị trí không nhỏ. Việc dạy và học thơ Đường trong nhà trường gặp không ít khó khăn, nhất là đối với học sinh phổ thông. Vậy để giúp các em có thể tiếp cận với thành tựu nghệ thuật rực rỡ như thơ Đường thì không ai khác ngoài giáo viên. Giáo viên chính là cầu nối, là người hướng dẫn học sinh đến với cái hay, cái đẹp của thơ Đường. Vì thế khi dạy học thơ Đường trong nhà trường, ngoài nội dung, thể loại… giáo viên biết thêm về giá trị nghệ thuật của hiện tượng tỉnh lược ngữ pháp, cũng như nguyên nhân tỉnh lược ngữ pháp để bản thân hiểu thi phẩm thấu đáo. Từ đó người dạy có thể bổ sung và truyền đạt giá trị của thi phẩm đến học sinh trọn vẹn hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. TS Lê Nguyên Cẩn - Phân tích - bình giảng tác phẩm văn học nước ngoài (ở trường phổ thông cơ sở), Nxb ĐHQGHN
2. Tào Tuyết Cần - Hồng lâu mộng (tập 2), Nxb Văn học, 1996
3. Trương Chính giới thiệu - Văn học cổ điển Trung Quốc, thơ Tống, Nxb Văn học, Hà Nội 1991
4. Nguyễn Sĩ Đạt - Một số đặc trưng nghệ thuật của thơ tứ tuyệt đời Đường, Nxb Văn học, Hà Nội 1996
5. Lâm Ngữ Đường (Nguyễn Hiến Lê dịch) - Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa, Nxb Văn hóa
6. Nguyễn Thị Bích Hải - Đặc điểm của phép tỉnh lược trong ngữ pháp thơ Đường luật, TCHN số 4, 1997
7. Nguyễn Thị Bích Hải - Bình giảng thơ Đường (Theo SGK Ngữ văn mới), Nxb GD
8. Nguyễn Thị Bích Hải - Thi pháp thơ Đường, Nxb Thuận Hóa, Huế 1995
9. Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh biên dịch - Văn học sử Trung Quốc (tập 2), Nxb Phụ nữ.
10. Lê Nguyễn Lưu - Từ chữ Hán đến chữ Nôm, Nxb Thuận Hóa
11. TS Nguyễn Thế Lịch - Ngữ pháp của thơ TCNN số 12, 2000
12. Loại hình ngôn ngữ.
13. Ngô Văn Phú dịch và giới thiệu - Đường thi tam bách thủ, Nxb Hội nhà văn, 2000.
14. Ngô Văn Phú biên soạn và tuyển chọn - Thơ Đường ở Việt Nam, Nxb Hội nhà văn, 1996.
15. Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử - Về thi pháp thơ Đường, Nxb Đà Nẵng, 1997.
16. Nguyễn Ngọc San - Nhân đọc bài “Đặc điểm của phép tỉnh lược trong ngữ pháp thơ Đường luật”, TCHN, 1998
17. Nguyễn Quốc Siêu - Thơ Đường bình giải, Nxb GD 
18. Trần Ngọc Thêm - Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb GD
19. Lương Duy Thứ - Bình giảng văn học Trung Quốc, Nxb ĐHQG TPHCM, 2002.
20. Nguyễn Đăng Thục - Lịch sử triết học phương Đông, tập 1, Nxb TPHCM, 1991.
Long Xuyên,1/5/2007
Lê Thị Thoại
Theo https://nguvandhag.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh 11 Tháng Mười, 2022 Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chấ...