1. Trong văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1930-1945,
cùng với phong trào Thơ mới, Tự lực văn đoàn cũng là một hiện tượng văn học
mà số phận không thoát khỏi sự thăng trầm trước những biến thiên của đời sống
xã hội. Tám mươi năm so với lịch sử dân tộc thì không dài nhưng so
với lịch sử của một trào lưu văn học, thời gian ấy cũng đủ giúp ta nhìn lại
hiện tượng văn học này một cách bình tỉnh, khách quan để có những đánh giá hợp
lý hơn. Trong tâm thức ấy, thiết nghĩ, việc tìm hiểu Tự lực văn đoàn trong cái
nhìn của lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975 cũng có một ý
nghĩa khoa học và thực tiễn, góp phần định vị hiện tượng Tự lực văn đoàn
trong tiến trình vận động và phát triển của văn học dân tộc. 2. Trong giai đoạn 1954-1975, khi đất nước tạm thời bị
chia cắt, tình hình xã hội ở đô thị miền Nam luôn có những biến động, không
chỉ trong lĩnh vực chính trị xã hội mà ngay cả trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự vận động và phát triển của lý luận - phê
bình mà thể hiện rõ nhất là cái nhìn đa diện, đa chiều trong việc thẩm định
các hiện tượng văn học trong đó có trào lưu Tự lực văn đoàn qua các bài lý luận
- phê bình xuất hiện trong đời sống văn học ở miền Nam trước 1975. Những bài
viết ấy có khi thể hiện sự đánh giá chung về Tự lực văn đoàn, có khi chỉ là sự
đánh giá về một tác giả, tác phẩm trong trào lưu văn học này. Đây cũng là hai
nội dung cơ bản mà chúng tôi đề cập trong bài viết. 2.1. Những đánh giá về trào lưu Tự lực văn đoàn Phạm Thế Ngũ, trong Việt Nam văn học sử giản ước tân
biên tập 3, văn học hiện đại (1862 - 1945) do Quốc học tùng thư xuất bản
1962 tại Sài Gòn đã dành gần 100 trang sách giới thiệu về quá trình ra đời và
phát triển của Tự lực văn đoàn. Theo ông “Nói đến Tự lực văn đoàn, người ta
không thể không trước hết nói đến Nguyễn Tường Tam người đã hầu như một mình
sáng lập ra nó”. (1) Có thể nói phần viết về Tự lực văn đoàn của Phạm Thế Ngũ là
phong phú, đánh giá khá khách quan những giá trị của Tự lực văn đoàn. Cảm hứng
trong những trang sách của ông là cảm hứng khẳng định: Khẳng định sự ra đời của
Tự lực văn đoàn là hợp với xu thế khách quan của thời đại và sự đóng góp của
Tự lực văn đoàn đối với dân tộc, không chỉ trong lĩnh vực văn học mà còn cả
trong lĩnh vực văn hóa. Đó cũng là cảm hứng chung của các cây bút lý luận -
phê bình ở đô thị miền Nam khi viết về Tự lực văn đoàn. Vì vậy, khi nhận định
về những đóng góp của Tự lực văn đoàn trong lĩnh vực văn học, Dương Nghiễm Mậu
cho rằng: “Nói về nền văn chương mới, Tự lực văn đoàn là những người tiền
phong, chính họ là những người đã làm cho văn chương quốc ngữ đến dần với trưởng
thành sau những mở đầu gần gũi. Chính họ với những ảnh hưởng có được từ Tây
phương đã tạo thành nhiều tác phẩm giá trị trong thời kỳ văn học trước
1945” (2). Về ảnh hưởng của Tự lực văn đoàn đối với đời sống xã hội lúc bấy giờ
mà đặc biệt là trong tầng lớp thanh niên, Dương Nghiễm Mậu cho rằng: “Trong
thời đại của họ, họ đã gây được một ảnh hưởng lớn trong đời sống, đặc biệt là
với thanh niên. Với tiểu thuyết, Tự lực văn đoàn đã tạo thành một mẫu người
thanh niên mới cho thời đại của họ, nói rõ hơn đó là lớp thanh niên trí thức
do nền giáo dục Tây phương tạo thành”.(3) Như vậy rõ ràng, Tự lực văn đoàn dưới
cái nhìn của các nhà lý luận - phê bình là một trào lưu văn học đã góp phần
không nhỏ mang đến một luồng gió mới về nhận thức xã hội, con người cho tầng
lớp thanh niên, nhất là vấn đề tiếp nhận tư tưởng tự do và dân chủ của phương
Tây, những nhân tố cần thiết để đẩy nhanh tiến trình biến đổi văn hóa đô thị,
một tiền đề quan trọng góp phần hiện đại hóa đất nước và hiện đại hóa nền văn
học dân tộc lúc bấy giờ. Còn Thế Uyên trong Nguyên san văn uyển số 6 tháng
10/1968, khi bàn về chủ trương của nhóm Tự lực văn đoàn, ông đã giải bày để
biện minh cho tôn chỉ và mục đích của Tự lực văn đoàn khi cho rằng: “Cũng nhiều
người đã ngộ nhận về chủ trương của Tự lực văn đoàn. Điển hình là nhà học giả
Dương Quảng Hàm, vị này đã trách văn đoàn (trong cuốn văn học sử chính thức
dùng trong các trường học) là quá cực đoan với cái cũ, bất cứ cái gì cũng đòi
phá hủy. Sự thực đối với tục lệ cũ, các bác các chú tôi không hề có thái độ cực
đoan như vậy. Các ông đã chỉ làm một chọn lựa lại: xét lại tất cả các tục lệ
bắt nguồn từ văn hóa cũ chỉ đã phá những gì thực sự là hủ tục. Không những thế
trên thực tế còn đề cao, còn phục hồi những tục lệ thuần chất dân tộc” (4) Cũng trong cảm hứng khẳng định về giá trị của Tự lực văn đoàn, trong Thời tập
số ra ngày 16/9/1974, từ góc nhìn thể loại, khi bàn về lịch sử của tiểu thuyết
Việt Nam, Lê Huy Oanh đã đánh giá cao địa vị của Tự lực văn đoàn trong lịch sử
văn học những năm 1930-1945 mà ông gọi là văn học tiền chiến. Ông cho rằng:
“Trong thời tiền chiến, nhóm Tự lực văn đoàn dưới sự lãnh đạo của nhà văn Nhất
Linh - Nguyễn Tường Tam đã là một nhóm có địa vị rất quan trọng trong lịch sử
văn chương Việt Nam. Nhóm này, ngoài Nhất Linh đã qui tụ được một số đông đảo
các văn nghệ sĩ quan trọng như Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thanh Tịnh, Thạch Lam,
Trần Tiêu, Đỗ Đức Thu, Thế Lữ và cũng xuất bản sách cho một số tiểu thuyết
gia khác như Mạnh Phú Tứ, Nguyên Hồng. Nhóm này dùng tạp chí Phong Hóa rồi đến
Đời Nay để làm cơ quan ngôn luận, truyền bá văn học tư tưởng” (5) Như vậy trong cái nhìn của Lê Huy Oanh, Tự lực văn đoàn đã
có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của thể loại tiểu thuyết, đặc biệt
là tiểu thuyết hiện đại và đã tạo nên sự cách tân cho thể loại tiểu thuyết Việt
Nam. Đây cũng là ý kiến của nhà văn Thế Phong trong Lược sử văn nghệ Việt
Nam, nhà văn tiền chiến 1930-1945 (Nhận định văn học), Vàng son xuất bản
1974, khi khẳng định Tự lực văn đoàn đã “ có công trong việc tu bổ cho văn
chương chúng ta một lối tiểu thuyết mới mẻ, những bài thơ mới giá trị, nổi bật
cuộc đời thời ấy. Một Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, một Thế Lữ,
Xuân Diệu, là những người có công lớn với lịch sử văn nghệ chúng ta” (6) Trong lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975, khi đánh giá về Tự lực văn đoàn, không chỉ có những ý kiến khẳng định,
đồng tình mà còn có những ý kiến phản biện. Xu hướng này thể hiện rõ trong cuộc
thảo luận với chủ đề nhìn lại Văn nghệ Tiền chiến ở Việt Nam trên tạp
chí Sáng Tạo số tháng 10/1960. Đó là ý kiến của Thanh Tâm Tuyền phê phán cái
nhìn hạn hẹp của các nhà văn Tự lực văn đoàn trong việc phản ánh đời sống xã
hội. Theo ông: “Các nhà văn Tự lực văn đoàn nhìn một cách rất thu hẹp, trong
phạm vi gia đình, cá nhân, mà không hề thấy đó là sự đảo lộn cả một nếp sinh
hoạt mấy nghìn năm mà trong đó dân tộc phải tìm lấy một đường lối giải thoát
thích hợp” (7). Còn Nguyễn Sĩ Tế, khi bàn về biên độ phản ánh hiện thực trong
tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, cho rằng: “Tác giả tiểu thuyết Tự lực văn đoàn
chưa sống với thời đại. Chứng cớ: Những thảm kịch chưng ra trong Tự lực văn
đoàn chỉ là một phần rất nhỏ của tấm thảm kịch thời đó. Đứng ngoài ngó vào,
nghe đồn, không sống hẳn nên những thảm kịch nêu ra đều hết sức phiến diện.
Nhân vật thì chưa đau đớn hết thân phận chúng” (8) Như vậy, trong suy nghĩ của Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Sĩ Tế
thì nhãn quan của các nhà văn Tự lực văn đoàn chỉ bó hẹp trong phạm vi gia
đình cá nhân mà chưa nhìn thấy được sự tất yếu phải đến của một cuộc cách mạng
xã hội. Nhận định này, theo chúng tôi là chưa thỏa đáng. Bởi lẻ, thông qua
tác phẩm của mình, các nhà văn Tự lực văn đoàn cũng đã dự báo về những đổi
thay của xã hội lúc bấy giờ. Những đổi thay ấy, tuy chưa phải là những đổi
thay mang tính cách mạng theo nghĩa tích cực mà nhiều khi còn rơi vào chủ
nghĩa cải lương, nhưng dẫu sao những vấn đề đặt ra trong việc giải quyết những
xung đột cũ/ mới, cá nhân/ gia đình mà các tiểu thuyết luận
đề của Tự lực văn đoàn luận bàn cũng có những tác động nhất định đến
những thay đổi về một số phương diện nào đó của đời sống xã hội lúc bây giờ.
Và đây cũng là một trong những nhân tố góp phần đổi mới và hiện đại hóa văn học,
làm tiền đề cho sự phát triển của văn học Việt Nam vốn đã ngủ quá lâu
trong lũy tre làng của nền văn học trung đại để bước
đầu hội nhập vào nền văn học hiện đại của thế giới. Cũng trong cái nhìn phản biện về trào lưu Tự lực văn đoàn,
Nguyễn Văn Xuân trong bài “Từ phong trào Duy Tân đến Tự lực văn đoàn” đăng ở
Văn số 107 + 108 ra ngày 15/6/1968, khi so sánh vai trò của phong trào Duy
Tân với Tự lực văn đoàn trong việc định hướng cho việc cải cách xã hội về mặt
tư tưởng, Nguyễn Văn Xuân cho rằng Tự lực văn đoàn chỉ đóng góp về mặt báo
chí, văn học chứ không có gì mới về mặt tư tưởng. Bởi theo ông, tư tưởng Tự lực
văn đoàn không có gì mới so với tư tưởng của các trào lưu trước đó, trong đó
có phong trào Duy Tân. Vì “Độc giả thanh niên chưa có kinh nghiệm và nghiên cứu
các phong trào Duy Tân, đã từng tôn phục Tự lực văn đoàn từ 1932 đến đây đã
chia rẽ. Ảnh hưởng tư tưởng của Tự lực văn đoàn chỉ còn đối với một số độc giả
trí thức, kém tích cực. Sự thành công của Tự lực văn đoàn như thế chỉ còn thu
vào địa hạt sở trường của Văn Đoàn: báo chí, tiểu thuyết, trào phúng” (9) Như vậy, trong tư duy của các nhà lý luận - phê bình văn học
ở đô thị miền Nam 1954-1975, trào lưu Tự lực văn đoàn không chỉ có những
thành tựu mà còn có những hạn chế mà rõ nhất là về mặt tư tưởng trong
việc định hướng sự phát triển của xã hội. Song nếu sự đánh giá những hạn chế
của Tự lực văn đoàn còn có những ý kiến khác nhau thì sự đánh giá những thành
tựu của Tự lực văn đoàn trong lĩnh vực văn học và báo chí cũng như vai trò của
Tự lực văn đoàn trong việc hiện đại hóa nền văn học dân tộc cơ bản đã
có sự thống nhất. Những ý kiến này đều căn cứ trên một cơ sở khoa học văn
chương thuần túy và không chịu áp lực / ảnh hưởng bởi những hệ lụy
ngoài văn học, nên công bằng, khách quan và có độ tin cậy cao. 2.2. Những đánh giá về một số nhà văn trong Tự lực văn đoàn Khi nói đến Tự lực văn đoàn, các nhà lý luận - phê bình văn
học ở đô thị miền Nam không chỉ bàn đến tổ chức Tự lực văn đoàn với tư cách
là một trào lưu văn học mà còn quan tâm bàn đến văn nghiệp và hành trình sáng
tác của một số nhà văn tiêu biểu mà người đầu tiên không thể không nói đến đó
là Nhất Linh. Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân
biên tập 3, khi phân tích về các giai đoạn sáng tác của Nhất Linh cho rằng
hành trình sáng tạo của Nhất Linh là hành trình sáng tạo của một con người “dường
như lúc nào cũng thấy ông chỉ phản ảnh tâm hồn mình, kể lể những băn khoăn của
mình, theo đuổi một giấc mơ của mình”. (10) Còn Lê Huy Oanh, trong Thời
tập số ra ngày 16/9/1974, khi đánh giá về vai trò Nhất Linh thì khẳng định: “Nhất
Linh luôn xứng đáng là người lãnh đạo là con chim đầu đàn của nhóm Tự lực văn
đoàn (...). Cuốn Đoạn Tuyệt của Nhất Linh đã là một tiếng vang lớn
trong lĩnh vực phát huy văn chương và cải cách xã hội”. (11) Để đi tìm một chân dung đích thực về vai trò của Nhất Linh
trong văn học hiện đại Việt Nam có thể còn có những ý kiến khác nhau, với nhiều
lý do cả trong và ngoài văn chương nhưng sự hiện hữu của Nhất Linh trong văn
học sử là điều không thể phủ nhận. Chính vì vậy, trong Đi tìm tác phẩm
văn chương (tiểu luận phê bình - Đồng Tháp 1972) ở phần chân dung
và tác phẩm, Huỳnh Phan Anh đã chọn Nhất Linh với Bướm trắng , xem
đây như một chân dung tiêu biểu của văn học hiện đại Việt Nam và của Tự lực
văn đoàn. Và để biện giải cho sự chọn lựa của mình, ông đã khẳng định “Bướm
trắng là một cái đỉnh quan trọng của nghệ thuật Nhất Linh. Nó đánh dấu
thời kỳ già dặn nhất của tác giả sau những thành công của “Đôi bạn”, “Đoạn
tuyệt”. (12) Vì vậy, cũng theo Huỳnh Phan Anh “Bướm trắng không chỉ
là một cuốn sách thêm vào số lượng tác phẩm của Nhất Linh. Nó còn thể hiện ước
muốn tích cực của người viết, viết chống lại những gì mình đã viết, viết
không có nghĩa là viết lại một tác phẩm nào đó đã viết, viết khác đi, viết
như thế tác phẩm mình chưa hề hoàn tất, cũng chưa hề bắt đầu và chỉ đang hứa
hẹn” (13). Và với một cái nhìn biện chứng của một tư duy lý luận - phê bình sắc
sảo, Huỳnh Phan Anh đã thêm một lần nữa xác quyết về sự tự phủ định chính
mình của Nhất Linh trong hành trình sáng tạo khi ông cho rằng: “có thể quan
niệm “Bướm trắng” là một lời nói không của chính tác giả trước những lối mòn
của quá khứ. Nó thể hiện và đồng thời thực hiện một cuộc đoạn tuyệt với chính
vũ trụ tiểu thuyết quen thuộc của tác giả” (14). Thiển nghĩ cũng khó có lời
nhận xét nào độc đáo hơn lời nhận xét này về quá trình sáng tạo của một nhà
văn như Nhất Linh. Bởi đối với một nhà văn, không có giá trị nào lớn hơn sự
vượt lên chính mình trong hành trình sáng tạo!? Bên cạnh Nhất Linh, một nhà văn có những đóng góp không kém
phần quan trọng trong vào sự tồn sinh của Tự lực văn đoàn cũng như trong nền
văn học hiện đại của dân tộc đó là Khái Hưng. Có thể nói, nếu Nhất Linh là
linh hồn, là thủ lĩnh của Tự lực văn đoàn thì Khái Hưng cũng là chỗ dựa vững
chắc góp phần giữ vững vị trí của văn đoàn trước những biến động/ bão giông của
đời sống xã hội lúc bấy giờ. Vì vậy, nếu định vị các nhà văn trong Tự lực văn
đoàn thì Khái Hưng có lẽ chỉ đứng sau Nhất Linh. Và chính Khái Hưng bằng ngòi
bút sáng tạo của mình đã góp phần hoàn thiện chân dung của Tự lực văn đoàn
trong văn học sử. Vì vậy, khi đánh giá về Khái Hưng trong cái nhìn đối sánh với
Nhất Linh, Phạm Thế Ngũ cho rằng: “Đọc Nhất Linh dường như lúc nào ta cũng thấy
ông chỉ phản ánh tâm hồn mình, kể lể những băn khoăn của mình, theo đuổi một
giấc mộng của mình. Khái Hưng khác thế, là một cây viết đi nhặt nhạnh truyền
người, một thứ gương pha lê hướng ra cuộc đời lắm vẻ và dung nạp một cách
trung thực và khoan hóa những tâm tư và hình thái của cả một xã hội chung
quanh ông”. (15) Còn Tam Ích trong Ý văn I (Lá Bối xuất bản, 1967)
đã đánh giá rất cao vai trò của Khái Hưng và Hồn bướm mơ tiên trong
văn học sử khi ông xác quyết: “Ba chục năm trước... có một nhà văn mới ra đời
là đã có thế lực: Khái Hưng. Và có một cuốn tiểu thuyết mới ra đời đã chiếm đứt
vị trí của Ngọc Lê Hiền và Tố Tâm: cuốn Hồn bướm mơ tiên”.
(16) Như vậy, trong tâm thức của Tam Ích cuốn Hồn bướm mơ tiên là đỉnh
cao trong văn nghiệp của Khái Hưng, có vị trí và tầm ảnh hưởng lớn trên văn
đàn lúc bấy giờ. Song khác với ý kiến của Tam Ích, Lê Huy Oanh trên Thời Tập
số ra ngày 16/9/1974, tuy khẳng định tài năng của Khái Hưng nhưng lại phủ định
giá trị của tác phẩm Hồn bướm mơ tiên. Theo Lê Huy Oanh: “Khái Hưng cũng
là một cây bút viết tài nghệ rất cao của nhóm Tự lực văn đoàn... Cuốn Hồn
bướm mơ tiên sở dĩ được coi là quan trọng vì là từ nhiều năm nay, nó nằm
trong chương trình quốc văn của học sinh trung học tại xứ ta. Tuy nhiên nếu
đem so nó với những tác phẩm khác cùng tác giả như Nửa chừng xuân, Trống
mái, Hạnh, Tiếng suối reo... thì Hồn bướm mơ tiên là cuốn sách kém
hơn cả, kém ở chỗ nội dung là một truyện thuộc ái tình lý tưởng hơi có vẻ lẩm
cẩm và đặc vẻ tuồng cải lương. Cũng may là được phần hình thức gở lại. Văn
pháp Hồn bướm mơ tiên khá trong sáng, vững vàng nhất là trong những
đoạn tả cảnh”. (17) Như vậy, sự đánh giá về Khái Hưng và những tác phẩm của ông
trong lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam xét về một phương diện nào
đó vẫn còn có những ý kiến khác nhau và đây là điều hoàn toàn bình thường
trong tiếp nhận văn học. Nhưng có một vấn đề mà hầu hết các ý kiến đều đánh
giá cao đó là văn tài và những hoạt động của Khái Hưng đã góp phần quan trọng
vào sự hình thành và phát triển của Tự lực văn đoàn. Ngoài Nhất Linh và Khái Hưng, Hoàng Đạo cũng là nhà văn được
các nhà lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam đề cập đến. Song nếu ở
Khái Hưng hay các nhà văn khác của văn đoàn thường được các nhà nghiên cứu
chú ý đánh giá ở lĩnh vực sáng tác văn học thì ở Hoàng Đạo, người ta thường
quan tâm đến những cải cách xã hội trong tư tưởng của ông qua cuốn Mười
điều tâm niệm. Chính vì vậy, khi đánh giá về Hoàng Đạo, Thế Uyên cho rằng:
“Hoàng Đạo là nhà văn hóa hơn là nhà văn - Nếu hiểu nhà văn là người sáng tác
văn nghệ như truyện ngắn, truyện dài”. (18) Cũng trong xu hướng này khi nói về
vai trò của Hoàng Đạo, trên tạp chí Giao Điểm số 1 ra ngày 15/1/1972, Dương
Nghiễm Mậu cho rằng: “Hoàng Đạo đã viết Mười điều tâm niệm, một thứ
tân ước cho lớp trí thức mới, ông đã kêu gọi thanh niên hành động bằng những
tác phẩm như Bùn lầy nước đọng, Con đường sáng (...) Tất cả những
tác phẩm này đều ở trong chiều hướng: phải đoạn tuyệt với nếp sống cũ, phải
theo mới, phải phá bỏ những hủ tục, tự do cá nhân được đề cao, và sau đó là
hướng đến một tranh đấu giải phóng dân tộc, cải tạo xã hội”. (19) Tất nhiên
là sự cải tạo xã hội theo hướng cải lương chủ nghĩa kiểu Tự lực văn đoàn!?.
Hay với sự đánh giá có tầm khái quát hơn, Phạm Thế Ngũ lại xem Hoàng Đạo là
“người phát ngôn, nhà xã thuyết” (20) của Tự lực văn đoàn. Và có thể nói, đây
cũng là những ý kiến của đa số các nhà lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền
Nam khi nhìn nhận về vai trò của Hoàng Đạo trong Tự lực văn đoàn. Trong Tự lực văn đoàn, Thạch Lam tuy không nổi trội như Nhất
Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo về vai trò tổ chức để phát triển văn đoàn nhưng xét
về mặt sáng tạo văn học, Thạch Lam là một nhà văn có vị trí đặc biệt, để lại
dấu ấn sâu sắc và tỏa sáng nhất trong lòng người đọc. Vì vậy, ông cũng là nhà
văn có số lượng bài viết khá nhiều trên sách, báo miền Nam. Vậy nên, Thế Uyên
trong bài viết “Tìm kiếm Thạch Lam” trên Nguyên san Văn số 6 tháng 10/1968,
đã khẳng định: “Thạch Lam là người viết văn hay hơn cả trong Tự lực văn đoàn.
Đa số truyện ngắn của ông, gần đây tôi đọc còn thấy hay, xúc động trong khi
tôi nhiều khi không thích thú khi đọc đa số truyện ngắn, truyện dài của Khái
Hưng và Nhất Linh” (21). Và để biện giải cho sự đánh giá của mình về
cái hay hơn hẳn của văn chương Thạch Lam, Thế Uyên cho rằng: “có thể
nói chất liệu văn chương Thạch Lam chỉ gồm có cuộc sống dĩ vãng và sự rung động
của tâm hồn tác giả. Tưởng tượng chỉ giữ một vai trò nhỏ bé, khiêm nhường”.
(22) Cũng trong cảm hứng khẳng định giá trị tiềm ẩn trong những
sáng tác và văn nghiệp của Thạch Lam, Dương Nghiễm Mậu trên tạp chí Giao Điểm
(ngày 15/1/1972) đã thêm một lần xác quyết: “Thạch Lam là một nhà văn hạnh
phúc, lúc đương thời cũng như nhiều năm tiếp theo, tác phẩm của Thạch Lam như
một nhan sắc trầm chín, không trình diễn một bề mặt, không có son phấn, một
nhan sắc không phô trương nơi phía tiền trường, đó là thứ nhan sắc tay ôm đàn
che nửa mặt hoa khuất dấu ở hậu trường, ở buồng trong, nhưng là một thứ nhan
sắc có thật, chịu đựng được thời gian và thứ ánh sáng soi bói lục lọi (...)
Văn chương Thạch Lam là một cái gì toàn thể, nhưng bàn bạc nhẹ nhàng, nó
không hề là những luận đề lớn lao, những tư tưởng kỳ lạ, ở Thạch Lam những
cái gì còn để lại cho chúng ta, những tác phẩm ấy thường chỉ như một bức
tranh thủy mạc với những nét chấm phá nhưng là những nét chấm phá chi li”.
(23) Và điều làm cho Dương Nghiễm Mậu quí trọng đến ngạc nhiên về Thạch Lam
là “tại sao Thạch Lam không bị lôi cuốn vào dòng văn chương Tự lực văn
đoàn, hay nói khác đi, những tư tưởng về xã hội tranh đấu của những người như
Nhất Linh, Hoàng Đạo sao không có ảnh hưởng tới Thạch Lam”. (24) Điều này đã lý giải vì sao văn chương Thạch Lam lại có vị
trí đặc biệt trong lòng người đọc so với các nhà văn trong Tự lực văn đoàn.
Và chính sự khác biệt này đã làm nên giá trị của văn nghiệp Thạch Lam, cũng
như tạo nên sự vĩnh hằng cho tác phẩm của ông trong lòng người đọc. Bởi lẽ,
quy luật giá trị của văn chương không bao giờ tồn tại trong lối tư duy minh
họa, dù sự minh họa đó có nhân danh một lý tưởng nào đi nữa thì số phận
của văn chương minh họa bao giờ cũng đoản mệnh. Và điều này đã góp phần lý giải
vì sao những tiểu thuyết mang tính luận đề của văn chương Tự lực
văn đoàn được viết bởi Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo lại không có được đời
sống dài lâu là vì thế. Có lẽ, đây cũng là điểm hạn chế của Tự lực văn
đoàn. Và chính điều này, thêm một lần nữa thức nhận trong chúng ta một cái
nhìn khoa học và nhân bản hơn về giá trị của tác phẩm văn chương trong nền
văn học của dân tộc. Văn chương bao giờ cũng là văn chương của mọi thời chứ
không phải là văn chương của một thời. Sự bất tử của những tác phẩm văn
chương ở nước ta cũng như thế giới mà chúng ta biết đã xác tín cho chân lý
này. Đó là những tác phẩm văn chương đã chạm đến những vấn đề sâu xa nhất, tế
vi nhất của cõi nhân sinh. Nó vượt qua những giới hạn của bầu khí quyển giai
cấp tính, dân tộc tính để vươn đến những giá trị nhân văn mang tầm
nhân loại. Văn chương Thạch Lam phải chăng cũng là thứ văn chương mang những
rung động thao thiết của phận người, thức nhận trong ta những phẩm chất Người qua
“những lời thủ thỉ” (25) nhẹ nhàng mà day dứt trong sáng tác của ông. Có thể nói, Thạch Lam là một trong không nhiều nhà văn của
Tự lực văn đoàn viết khá toàn diện với nhiều thể loại từ truyện ngắn, bút ký,
tiểu thuyết và phê bình văn học... Và ở lĩnh vực nào ông cũng có những thành
công nhất định. Nhưng điều làm nên nhân cách văn hóa Thạch Lam, văn nghiệp Thạch
Lam và dấu ấn Thạch Lam trong lòng người đọc và trên văn đàn, theo chúng tôi
không chỉ là ở tài năng văn chương của ông mà cái chính là ở nỗi “đau đớn
lòng” của ông trước “những điều trông thấy” (ý thơ Nguyễn Du trong Truyện Kiều)
trước những dâu bể của cuộc đời. Để rồi ông luôn tự vấn lòng mình, luôn đấu
tranh với chính mình trước cái ác, cái xấu, cái đê tiện, cái thấp hèn của
con người mà nhiều khi ranh giới ấy chỉ mong manh như một “sợi tóc” (tên một
truyện ngắn của TL). Chính vì vậy, theo Vũ Bằng thì Thạch Lam là một nhà tư
tưởng, chứ không phải là một người hành động vì: “sống trong đám người đi lại
bình thường, hồn nhiên nhưng quằn quại, nhục nhằn, đau khổ, Thạch Lam yêu họ
như yêu mình. Một người như thế không thể là một nhà lý thuyết, cũng không thể
là một người hành động, mà chỉ có thể là một nhà tư tưởng, như chim đường Nga
kia đêm tăm bay mỏi, lấy mỏ rút ruột của mình ra để nuôi một đàn con đói”.
(26) Vâng! linh hồn của văn chương chính là tư tưởng, một thứ tư
tưởng mang tầm cao triết học thấm đẫm chất nhân văn. Và cái làm nên giá trị của
văn chương Thạch Lam cũng chính là tư tưởng trong các tác phẩm của ông. Đó là
tư tưởng đầy tính nhân bản, không hề xu phụ cho một thứ chủ nghĩa nào,
luận thuyết nào ngoài tấm lòng yêu thương những con người “quằn quại, nhục
nhằn, đau khổ” và “Thạch Lam yêu họ như yêu mình” mà Vũ Bằng đã khẳng định.
Có thể xem những đánh giá trên cũng là những ý kiến khá tiêu biểu cho sự thống
nhất của lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam khi đánh giá về Thạch
Lam và tác phẩm của ông. Như vậy, khi nghiên cứu về từng tác giả, tác phẩm của Tự lực
văn đoàn, các nhà lý luận - phê bình văn học ở miền Nam không những chỉ ra
nét riêng của từng nhà văn, từng tác phẩm mà còn phân tích một cách sâu sắc,
khách quan về những đóng góp độc đáo của mỗi người, để làm nên một văn đoàn
đa dạng phong phú với những thành tựu đáng được ghi nhận, góp phần quan trọng
vào sự phát triển của nền văn học và văn hóa dân tộc. 3. Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975
là một nền lý luận - phê bình với nhiều khuynh hướng, nhiều trường phái khác
nhau vô cùng đa dạng và phong phú. Điều đó cũng thể hiện khá rõ qua những
công trình nghiên cứu của các nhà lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam
về Tự lực văn đoàn được đăng tải trên rất nhiều sách, báo mà chúng tôi đã điểm
qua trong bài viết. Đây cũng là điều khác biệt với cái nhìn khá thống nhất của
các nhà lý luận - phê bình văn học ở miền Bắc trong cùng thời kỳ khi những
nhà văn, những tác phẩm của Tự lực văn đoàn cũng như phong trào Thơ mới được/ bị họ xem là những tác phẩm đồi trụy, phản động, buồn rơi, mộng rớt, bị
loại khỏi đời sống văn học của dân tộc trong nhiều năm liền và chỉ thật sự được
phục sinh từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới. Vì vậy, dù còn có những ý kiến khác nhau và có những nhận định,
đánh giá về Tự lực văn đoàn trong lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền
Nam cũng cần được xem xét lại một cách công tâm và khoa học. Nhưng phải thừa
nhận rằng: Tự lực văn đoàn và những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của trào lưu
này đã thu hút sự quan tâm khá nhiều của các cây bút lý luận - phê bình văn học
đô thị miền Nam. Và quan điểm của các nhà lý luận - phê bình văn học ở miền
Nam đều có sự thống nhất cao trong việc khẳng định vị trí của Tự lực văn đoàn
trong văn học sử. Đặc biệt là việc đóng góp của nó trong lĩnh vực văn học,
báo chí, xuất bản, nhằm hiện đại hóa nền văn học dân tộc. Những ý kiến ấy đến
nay vẫn còn nguyên giá trị và là những tư liệu quí gợi mở cho chúng ta nhiều
vấn đề để tiếp tục nghiên cứu về hiện tượng văn học độc đáo này trong tiến
trình văn học dân tộc. Ngày nay, những tác phẩm của Tự lực văn đoàn không còn là vùng cấm. Không những
thế nó còn liên tục được tái bản, được đưa vào giảng dạy, được hiện hữu trong
các luận văn, luận án ở nhà trường. Điều đó đã là một minh chứng hùng hồn cho
sức sống của trào lưu Tự lực văn đoàn với những giá trị mà nó đem đến cho văn
học dân tộc đúng như Dương Nghiễm Mậu đã khẳng định: “Nhìn lại văn chương tiền
chiến, cho đến nay những nhà phê bình văn học đều nói đến một chỗ đứng rất lớn
lao của Tự lực văn đoàn, họ đã làm thành một biến cố, ghi dấu một thời đại,
văn chương Tự lực văn đoàn thực đã là một giai đoạn có thật trong văn học sử”
(27) nên không thể phủ nhận nó, vứt nó ra khỏi đời sống văn học dù với bất cứ
lý do nào. Rõ ràng, hiện tượng Tự lực văn đoàn là một giá trị, một hiện hữu
không thể phủ định. Vì từ điểm nhìn của mỹ học tiếp nhận, người đọc là người
đồng sáng tạo với nhà văn. Tác phẩm văn học chỉ tồn sinh khi được người đọc
tiếp nhận và sẽ mất đi khi người đọc quay lưng với nó. Chân
lý của mọi giá trị văn chương có lẽ cũng bắt đầu từ đó!?. Chú thích: (1), (10), (15), (20) Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử
giản ước tân biên tập 3, văn học hiện đại (1862 - 1945), Quốc học tùng
thư xuất bản, Sài Gòn 1962, tr.430, tr.497, tr.479, tr.423 (2), ( 3), (19), (23), (24), (27) Dương Nghiễm Mậu “Số
chuyên đề về Thạch Lam”, Giao điểm số 1, ra ngày 15/01/1972, tr. 35,
tr.35, tr.35, tr.34, tr.34, tr.35 (5), (11), (17) Lê Huy Oanh, Thời tập số ra
ngày 16/9/1974, tr.16, tr.17, tr. 17 (6) Thế Phong, Lược sử văn nghệ Việt Nam, nhà
văn tiền chiến 1930-1945 (Nhận định văn học), Vàng son xuất bản, Sài Gòn
1974, tr 108. (4), (18), (21), (22) Thế Uyên, “Tìm kiếm Thạch Lam”, Nguyên
san Văn uyển số 6 tháng 10/1968, tr.24, tr.80, tr.58, tr.59 (7) Nhiều tác giả, “Thảo luận về Văn nghệ Tiền chiến ở Việt
Nam”, Sáng tạo số tháng 10/1960, tr.4 (8) Nguyễn Sĩ Tế, “Thảo luận về nhân vật trong tiểu thuyết”,
Sáng tạo số1, tháng 7/1960, tr.15 (9) Nguyễn Văn Xuân, “Từ phong trào Duy Tân đến Tự lực văn
đoàn”, Văn số 107 + 108 ra ngày 15/6/1968, tr.61 (12), (13), (14) Huỳnh Phan Anh, Đi tìm tác phẩm văn
chương (tiểu luận phê bình), Đồng Tháp xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr
130, tr.130, tr.131, ( 16) Tam Ích, Ý văn I, Lá Bối xuất bản,
Sài Gòn,1967, tr.101 (25) Đào Trường Phúc, “Số chuyên đề về Thạch Lam”, Giao điểm
số 1, ngày 15/01/1972, tr. 35 (26) Vũ Bằng, “Số chuyên đề về Thạch Lam”, Giao điểm
số 1, ngày 15/01/1972, tr. 25 * Bài viết nhân 80 năm Tự lực Văn
đoàn và phong trào Thơ mới (1932-2012)
10/2/2013 Trần Hoài Anh Theo https://www.vanchuongviet.org/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét