Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Phố phường dãi ánh trăng mơ

Phố phường dãi ánh trăng mơ

Không biết có còn ai như "ngọn cỏ bồng" - "đời nút chai bập bềnh không bến đỗ" ở xứ người nhớ về Hà Nội xưa nay còn mang trong tim mình cảm thức "mắt buồn dâng những đêm mưa - nỗi lòng gửi gắm cho nhau - nhắn theo ngàn cánh chim trời..."

Tôi dân ngoại thành bên kia sông Đuống, đồng hương cấp tỉnh đất quan họ với thi sĩ Lá Diêu Bông. Qua hai sông, hai cầu, vượt hai mươi cây số mới thấy "mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời". Tôi không có được những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với hồ trả gươm lịch sử. Tôi cũng không có được những trải nghiệm đậm mầu lãng mạn, những suy tưởng đậm vẻ trữ tình hào hoa của tuổi trưởng thành như đồng môn đại học người Hà Nội gốc.
Không sinh trên đất kinh kỳ địa linh nhân kiệt, chẳng thơm cũng thể hoa nhài, là một... thiệt phận lớn, nhưng tôi có tình yêu không đổi thay với những ca khúc lãng mạn, đẹp trữ tình quý phái của các cụ Văn Cao, Đoàn Chuẩn, đặc biệt ca khúc cực lãng mạn "Hướng về Hà Nội" của nhạc sĩ Hoàng Dương sáng tác sau ngày tác giả dời chiến lũy Hà Nội, "đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến"... Có lẽ bởi tiếng gọi "Hà Nội ơi" âm trầm, tha thiết quá. Có lẽ bởi những "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" (thơ Quang Dũng) - "phố phường dãi ánh trăng mơ" - những ca từ  lên mây hợp tạng người Hà Nội chăng?. "Dáng huyền tha thướt đê mê... tóc thề thả gió lê thê... có người lặng ngắm mây trôi... biết bao là nhớ tơi bời...".
Xanh xanh liễu rủ mặt hồ Gươm... 
Ảnh: Trần Vũ Tuấn/ panoramio.com
Người mình hài hước "gánh cực đi đổ lên non - còng lưng mà chạy cực còn chạy theo". Đôi khi nghĩ lại, thấy người Hà Nội mình gánh cực dẻo dai thế, tài tình thế!. Mới ở mức sống thực tế xấp xỉ trung bình so với mặt bằng nhân loại thế kỷ 21 mà nhìn lại chuyện thời ấy đã tưởng như chuyện không có thực, chuyện của ai, chuyện đời thủa nào. Mười nhà thì bẩy, tám nhà thường trực thiếu ... gạo. Mất sổ gạo là chuyện động trời hơn mất xe đạp. Không có xe, đi bộ... chưa chết; không có gạo ăn... mới chết... Quả là hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ. Nhà tôi ăn sổ gạo, có hai thằng con trứng gà trứng vịt "ăn không biết no", mỗi bữa ba bốn lần đơm cơm gạo mậu dịch nở tung, bát đầy tú ụ, chúng vẫn liếc mắt nhòm nồi hỏi bố mẹ có còn cơm cháy?!. Tháng nào tôi cũng trông đến ngày nghe thông báo đong gạo sổ tập thể nhà bếp cơ quan, tiêu chuẩn chân chạy ăn no vác nặng mười bẩy cân rưỡi. Có bữa, chiều thứ bảy "nghe thời tiết liếc đồng hồ" xe đạp chở tải gạo mã hồi bon bon trên cầu Long Biên cũ nát gập ghềnh, miệng còn tủm tỉm tự sướng tưởng tượng trước cảnh vợ chậy ra tận cổng săm sắn bê gạo, con bé út nhí nhảnh hai nhánh đuôi sam bé tẹo reo a bố về thì bỗng thấy hụt hẫng, tay lái loạng choạng, rồi xe ngất ngư khựng lại. Vành bánh sau han rỉ không may sập ổ gà... gỗ mục, quằn số tám méo. Đành tháo bao tải gạo để ông bạn đồng hành tốt bụng đứng dựa cầu trông hộ, lấy xe ông bạn hớt hải phóng ngược dòng người  chen chúc như điên xuống dốc Hàng Đậu, rồi xuôi khu tập thể dệt kim Đông Xuân mượn tạm bánh xe sau của cậu em rể cộng hộp phụ tùng. Ấy thế mà lếch thếch về đến nhà, thấy con bé út ít miệng nói mắt nói, miệng cười mắt cười là quên cực nhọc. Lại  có thể phởn chí huýt sáo bài  chưa có bao giờ đẹp như hôm nay. Trai thời chiến ba nhăm có khác!!. Nhọc nhằn đời thường hàng ngày đại loại thế có ít đâu, có cá biệt đâu kia chứ!. Cận cảnh cuộc đời  Hà Nội thời bấy giờ, đến dân nhà quê mình thực tình, cũng chả thấy gì lãng mạn, trừ những giây phút ngồi ngấp nghé cửa hầm nhìn lên bầu trời đêm tung tóe đạn lửa. Sống "hiện thực trần thế" như thế mà vẫn kiến tạo được cho riêng mình trận Điện Biên Phủ trên không, kéo con ngáo ộp "pháo đài bay B52" xuống hồ... Trúc Bạch và giữa hai trận bom hủy diệt, người Hà Nội hào hoa vẫn bình tâm lắng nghe tiếng dương cầm trong căn nhà đổ Khâm Thiên... Diệu kỳ thế nên người phương Tây có thời tôn vinh Hà Nội là thủ đô phẩm giá con người, nhiều cô gái mắt xanh như nước hồ thu chỉ mơ sau một đêm sáng ra thành người Việt Nam, giống thiếu nữ Hà Nội kiều diễm!.
Ảnh: photo.tamtay
Hậu phương lớn không biết thanh nhàn sung sướng là gì. Chia lửa với chiến trường, cộng cảm niềm vui tinh thần với những huyền thoại được người đời chấp nhận như một lẽ tự nhiên: ra ngõ gặp anh hùng, lịch sử chọn ta làm điểm tựa, ta cầm súng "vì ta cũng vì cả loài người"... Ấy là thời "Làm một cây chông trừ giặc Mỹ - Hơn nghìn trang sách luận văn chương" (thơ Chế Lan Viên). Hình như ai cũng vậy. Bằng lòng sống vui với tập thể cộng đồng trong đại trà bình đẳng thiếu thốn vật chất, tiền bạc. Ngày hòa bình đầu tiên, trưa ba mươi tháng tư năm bảy nhăm ấy, hai nhà báo, một thâm niên... bảy năm, một tập tọng nghề viết, cùng lộn trái túi quần chỉ vừa đủ mớ tiền lẻ mua ba cốc bia hơi bán kèm đĩa nộm, sau đến nửa giờ xếp hàng rồng rắn tại địa chỉ bia hơi quen thuộc Cổ Tân. Thế là đủ vui cùng thiên hạ thái bình. Đạm bạc đến thế tưởng là hết cấp. Nhưng mình nghèo còn được ở hậu phương, còn được... chiến đấu bằng ngòi bút. So với anh em  bạn bè đồng môn đi chiến trường bê ngắn bê dài như Đoàn Tử Diễn, Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai, Nguyễn Sĩ Ngọc, Đinh Dệ vân vân, gánh cực của họ còn nặng gấp ba gấp bốn lần trong cận kề cái chết. Thâm tâm mình biết lắm chứ. Chưa hề biết sướng là gì, nói chi đến thanh bình hạnh phúc, ngoài hạnh phúc tinh thần trừu tượng được xả thân cống hiến. Dù sao cũng đã hết chiến tranh, khát vọng hòa bình có phải ăn cháo cũng sướng, như người làng tôi thời ấy thường nói, đã thành hiện thực. Từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người!. Thấy cụ Văn Cao bền bỉ mơ mộng quá!.
Ít lâu sau ngày hòa bình đầu tiên, tôi  được cử đi công tác Sài Gòn..., Sài Gòn "đối trọng" của Hà Nội kéo dài ngót một phần tư thế kỷ Bắc Nam phân cắt. Một bên hang ổ kẻ thù, tiền đồn thực dân mới đồng nghĩa với đủ thứ đen tối xấu xa. Một bên tuyến đầu chống đế quốc, biểu tượng của văn minh nhân bản thời đại. Được làm cái việc ngầm đối sánh là điều thú vị, kèm vinh hạnh nữa, chứ sao!
Chưa biết mặt hòn ngọc viễn đông thực dân mới xa hoa hào nhoáng bên ngoài như tuyên truyền một chiều xưa nay cụ thể nó. ... mô tê răng rứa. Tôi vô cùng háo hức. Ngày đầu tiên tôi sống giữa Sài Gòn, hòn ngọc viễn đông trong con mắt tôi còn hoa lệ, hoa mộng, hoa mơ lắm, bí ẩn lắm. Nói không quá lời, không ngượng miệng, tôi lơ ngơ như... anh thợ cày ra tỉnh. Lội bộ vã mồ hôi hột từ Ngã Bảy đường Hiền Vương sang tuốt cầu chữ Y, lội bộ tiếp qua hơn sáu trăm số nhà tới tận cuối đường Hưng Phú, tìm nhà bà chị ruột của nhạc mẫu. Như chim chích vào rừng, tôi không biết nhảy tuyến xe buýt xe lam nào. Đọc sách báo Sài Gòn  là một chuyện, thực địa lại là chuyện hoàn toàn khác!. Vả lại sẵn thói hiếu kỳ... hồn nhiên, tôi cuốc bộ để được nhìn tận mắt, sờ tận tay, nghe tận tai sinh hoạt phố phường Sài Gòn buổi đầu tiên chạm mặt. Tôi cứ chiếu theo bản đồ bỏ túi mà cuốc bộ, có dễ đến mười mấy cây số nắng hoa mắt. Ông bác bà bác trông thấy thằng cháu rể mồ hôi nhễ nhại mặt đỏ tưng bừng đeo ba-lô bộ đội đứng trước cửa dưới nắng chang chang tự tin giới thiệu vài lời về mình. Với gia đình, tôi là người bắc đầu tiên đến nhà sau một phần tư thế kỷ di cư nên ông bà mừng quá!.
Gần bốn mươi năm sau tôi vẫn nhớ không khí bữa ăn gia đình đầu tiên của nhà bác tôi, một gia đình bình thường như hàng ngàn gia đình bán tạp hóa bình thường khác ở đất này. Bữa cơm có  canh cá lóc nấu dọc mùng, tôm rang, thịt kho tầu, còn bia chai thì "cửa hàng nhà bác không bao giờ hết". Hai bác tôi áy náy vì cháu vào đột ngột, bác chả có gì đãi cháu. Tôi  thưa thực "gần mười năm ăn cơm tập thể, ăn cơm gia đình, trừ họa hoằn giỗ tết, cháu chưa bao giờ được ăn ngon thế này đâu hai bác ơi". Bác gái rân rấn nước mắt. Tôi đoán bà gặp tôi, nghe tôi chuyện trò bằng tiếng quê nguyên bản, bà nhớ cha mẹ già cùng các em hai mươi năm không gặp. Con cái của hai bác tôi kể từ chị lớn sinh viên luật đến em gái út mười hai mười ba, đi thưa về gửi lễ phép cực kỳ. Em nào cũng cười thương tôi quê một cục, ký giả gì mà hiền khô không biết đi xe máy, không quen ăn phở sáng, uống cà phê!. Mà sao chuyện Sài Gòn anh rành thế. Các em đâu biết tôi đã sống gián tiếp với Sài Gòn qua nguồn sách báo từ lâu rồi.
Sau mấy mươi ngày đi đó đi đây; đã tạm biết thế nào là cuộc sống muôn mặt Sài Gòn mới giải phóng, tạm biết quê Bến Tre đồng khởi, quê Cần Thơ gạo trắng nước trong xứ Tây Đô, tôi trở lại Hà Nội với cuộc đời thường nhật mà như người... đi trên mây, nhìn bất cứ nơi nào đã tưởng quen đến mòn con mắt cũng bỗng nhiên thấy lạ lẫm, như không thật trước mặt mình. Chả hiểu ra làm sao nữa!.
Tôi lại quay về với Hà Nội của tôi, quay về với ngày ngày đạp xe qua hai cầu, qua hai sông, sớm đi chiều về trong cái nhịp công việc thường nhật đều đặn ở một cơ quan hành chính sự nghiệp nhưng do đặc thù công việc, thường có cơ may đi đó đi đây vào nam ra bắc, xuống biển lên rừng, đi xuôi về ngược. Có lẽ do tạng người trời sinh tính thế, Hà Nội với tôi, Hà Nội của tôi hiện tại chưa phải là những cao ốc cao tầng sáng choang sấn sổ đâm bổ lên trời, chưa phải là những khu đô thị mới trung cấp cao cấp tòa ngang dẫy dọc như bên Tây, chưa phải là hệ thống giao thông chỗ hiện đại, nơi chằng chịt hỗn loạn rối mắt rối trí người đi đường. Hà Nội với tôi trước hết, ông già... hưu hắt lại hoài cổ rồi, chính là Hà Nội của một thời nào xa xưa lắm, xa xưa như mơ, như chưa có thực ở đời này. Hào hoa ở đó, thanh lịch ở đó; trí tuệ danh sĩ Bắc Hà ở đó với ngòi bút viết lên trời xanh; "thanh bình tiếng guốc reo vui" ở đó, "tóc thề thả gió lê thê" ở đó; Hà Nội của một thời "em bên tôi một chiều tan lớp - đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về..."; Hà Nội của một thời người đi xa "những chiều sương gió giăng tơ - có người lặng ngắm mây trôi - nhớ sao là nhớ tơi bời...".
Không biết có còn ai như "ngọn cỏ bồng" - "đời nút chai bập bềnh không bến đỗ" ở xứ người nhớ về Hà Nội xưa nay còn mang trong tim mình cảm thức "mắt buồn dâng những đêm mưa - nỗi lòng gửi gắm cho nhau - nhắn theo ngàn cánh chim trời..." Không biết có còn ai?!
Với tôi, phố phường dãi ánh trăng mơ, thực mà như mộng ảo hư huyền, như một ám ảnh trong suốt gần nửa thế kỷ làm công dân hạng hai nửa quê nửa tỉnh.
13/11/2014
Đào Dục Tú
Theo https://vovworld.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...