Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

Trên đường biên của lý luận văn học

Trên đường biên của lý luận văn học

1. Trong cuốn sách mới nhất của Trần Đình Sử: Trên đường biên của lý luận văn học (Nxb. Văn học, 2015), có lẽ những quan niệm đường biên và ranh giới về triết học nhân sinh của M. Bakhtin chỉ là cái cớ để ông triển khai và phô bày những quan điểm sâu sắc, những vấn đề lý luận cấp thiết gắn với thực tiễn văn học Việt Nam. Ở đây, tư duy phản biện và việc xác lập vị thế trên đường biên đã giúp ông vượt thoát khỏi những hạn chế của một hệ thống lý luận đã chi phối hơn nửa thế kỷ ở Việt Nam, nhìn lại khách quan một giai đoạn dài của lịch sử văn học, đồng thời nỗ lực kiến tạo con đường phát triển mới cho nền lý luận văn học nước nhà.
2. Đúng như điều mà Trần Đình Sử đã đặt ra: người làm lý luận phải đứng trên đường biên - nơi tiếp giáp, tiếp xúc của các nền lý luận, các trường phái lý luận văn học, cuốn sách của ông là một phần thành quả của hội nhập, mở cửa và của việc mở lòng tiếp thu những cái mới.
Cuốn sách được chia làm ba phần, đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng của khoa học nhân văn ở ta hiện nay: lý luận Marxist và lý thuyết hiện đại, thực tiễn lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam và thi pháp học. Có thể nói, phần quan trọng nhất của công trình tập trung vào việc nhìn lại hệ thống lý thuyết Marxist ở Việt Nam và dẫn nhập, thể nghiệm một vài lý thuyết mới.
Trước hết, có thể nhận thấy, bối cảnh giao lưu hội nhập và sự xâm lấn không thể ngăn cản của tri thức mới trong thời đại công nghệ thông tin buộc người làm lý luận văn học không thể không nhận ra những biến chuyển to lớn và cả những rạn nứt sâu sắc đến từ nhiều phía. Trong giai đoạn chuyển giao tất yếu và cũng hết sức nhạy cảm này, ý thức về sự đổi thay và mong muốn tạo một môi trường nội sinh đủ mạnh để hòa nhập với thế giới, đối với Trần Đình Sử, điều cần phải làm là nhìn lại những hạn chế, đấu tranh với những định kiến, giáo điều đã tồn tại một thời gian dài trong nền lý luận phê bình ở ta. Ở phần Một của công trình nghiên cứu, ông đã đề cập đến tất cả những vấn đề bức thiết nhất, có liên quan trực tiếp đến sự phát triển hệ hình tư tưởng văn học nghệ thuật hiện nay: lý luận Marxist.
Sự phát triển và chi phối mạnh mẽ của hệ lý luận Marxist trong một giai đoạn dài ở nước ta chứa đựng những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Không thể phủ nhận những thành tựu của học thuyết này, song do lý thuyết Marxist ở Việt Nam chủ yếu tiếp nhận phiên bản của Liên Xô thời Stalin và phiên bản của Trung Quốc, vì vậy, đến nay, nó đòi hỏi phải được xem xét lại. Từ điểm nhìn hiện tại, Trần Đình Sử đã đánh giá lại những vấn đề then chốt vốn được coi là nền tảng của lý luận Việt Nam: vấn đề bản chất ý thức hệ văn chương, phản ánh luận, quan hệ văn học với chính trị, văn học với hiện thực, tính hình tượng, vấn đề phương pháp sáng tác, nguồn gốc văn học. Đề cập đến những vấn đề này thực sự không phải là công việc dễ dàng, bởi những khái niệm, mệnh đề hay phạm trù này đều đã trở thành những vấn đề không chỉ tác động, chi phối đến văn học mà còn ảnh hưởng đến nhiều phương diện của đời sống xã hội. Một thời gian dài những tri thức xung quanh các khái niệm này được hiểu như những phạm trù bất biến, duy nhất, được sử dụng theo quán tính, trở nên mòn sáo và công thức, tạo sức ì rất lớn cho nền văn học. Giải quyết những vấn đề này, Trần Đình Sử cố gắng truy nguyên nguồn gốc vấn đề, diễn giải các luận điểm, trình bày các quan niệm trong sự đa dạng, nhiều chiều từ cái nhìn hiện tại để người đọc có thể hình dung một cách thuyết phục nhất tại sao nền lý luận phê bình của ta đã đến lúc cần có những chuyển dịch, cần phải thay đổi. Từ việc đánh giá, xem xét tất cả những bình diện đó, ông trả lý luận Marxist trở về đúng với vị thế của nó, là một trong các lý thuyết của nhân loại. Và cùng với các lý thuyết khác, lý luận Marxist sẽ tồn tại trong sự bổ sung lẫn nhau nhằm nhận thức sâu sắc về văn học nghệ thuật.
Trong các nội dung mà Trần Đình Sử đề cập, có thể dừng lại ở một vài vấn đề cụ thể như sau: chẳng hạn, để giải quyết vấn đề văn học và ý thức hệ, trước hết, tác giả cho rằng cần bắt đầu từ đặc trưng của văn học, xem xét ý thức hệ trên các phương diện: thực thể, chức năng, sự hình thành và tính chất. Nếu như trước đây chúng ta thường đồng nhất ý thức hệ với ý thức giai cấp, thì bây giờ cần xem ý thức hệ là vấn đề văn hóa, là một hình thái ý thức xã hội có chức năng hình thành thế giới quan, nhân sinh quan cho con người. Văn học nghệ thuật thuộc ý thức hệ chỉnh thể, không thuộc ý thức hệ chính đảng, mặc dù có quan hệ với nó. Quan niệm về phản ánh cũng cần phải thay đổi. Thành tựu của ngôn ngữ học và ký hiệu học đã giúp chúng ta nhận ra khoảng cách rất lớn giữa ngôn ngữ và hiện thực. Và cũng chính từ đây, chúng ta phải thừa nhận, ngôn ngữ kiến tạo hiện thực. Văn học không phản ánh hiện thực, mà kiến tạo hiện thực. Như thế, đối với vấn đề văn học hiện thực, cái hiện thực được miêu tả chỉ là cái biểu đạt của văn học, là ngôn ngữ của văn học, không phải là đối tượng phản ánh. Văn học phản ánh các khả năng của hiện thực chứ không phải phản ánh những cái có thực như lịch sử và báo chí. Nó sáng tạo trên cơ sở cái có thể có (khả nhiên). Và như thế, lĩnh vực của cái khả năng phong phú hơn rất nhiều so với cái có thật. Cái khả năng cho phép lựa chọn, hư cấu, kết hợp với lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn. Hiện thực đời sống với các sự kiện, nhân vật, chi tiết thực ra là hệ thống các ký hiệu về hiện thực. Qua các hiện tượng đó nhà văn nhận ra xu thế, số phận người, ý nghĩa giá trị của cuộc sống. Xây dựng các hình tượng chỉ là sáng tạo những cái biểu đạt, ký hiệu, ngôn ngữ nghệ thuật, không phải nội dung. Vì vậy, chủ nghĩa hiện thực về thực chất chỉ là lý thuyết về ngôn ngữ (ký hiệu) hiện thực của một trào lưu văn học, là một kiểu ngôn ngữ nghệ thuật bên cạnh các ngôn ngữ khác.
Đối với vấn đề hình tượng văn học, để tránh đơn giản hóa hàng loạt vấn đề của văn học do chỉ dựa vào lý thuyết phản ánh, tác giả khẳng định, cần phải nhận thức được tính chất ký hiệu của văn học. Tác phẩm văn học là một văn bản dệt bằng các ký hiệu tự nhiên theo những quy tắc nhất định, là một hệ thống ký hiệu có cấu trúc, có phương thức lập mã và giải mã của nó. Vì vậy, hình tượng văn học là ký hiệu. Ngôn ngữ tự nhiên trong văn học chỉ là ngôn ngữ miêu tả, không phải ngôn ngữ giao tiếp, do đó, mô hình giao tiếp của hình tượng là mô hình tự giao tiếp. Người nghe chuyện trong văn bản văn học chỉ là hình tượng ảo. Người đọc luôn đọc theo điểm nhìn của người kể chuyện. Vì vậy, các mô hình giao tiếp lâu nay vận dụng sơ lược theo mô hình của Jakobson tỏ ra không phù hợp. Nó chỉ là một mô hình khoa học đúng với giao tiếp ngôn ngữ, vì thế, khi vận dụng vào văn học, theo Iu. Lotman, chúng ta cần có những điều chỉnh thích đáng.
Một vài vấn đề khác như phương pháp sáng tác cũng được ông bàn luận triệt để và đề xuất cần phải đưa khỏi mọi chương trình bởi nó là một khái niệm phi lý, giả tạo, nên khắc phục.
Là người được đào tạo chính quy, bài bản và có những trải nghiệm chân thực về một giai đoạn dài gắn với những quan niệm về một lý thuyết duy nhất và bất biến, song chính tư duy phản biện của một nhà khoa học đã giúp Trần Đình Sử có tâm thế và tư thế để xem xét lại hàng loạt những khái niệm cũ theo một cách khác. Điều này trở thành gạch nối quan trọng để ông và những thế hệ nghiên cứu hiện nay có thể tự tin bước tiếp vào con đường hội nhập. Việc nhận chân một cách chính xác những thành tựu và hạn chế của một hệ tư tưởng đã chi phối không chỉ văn học nghệ thuật mà còn là nền tảng cơ sở của nhiều lĩnh vực đời sống xã hội trong một giai đoạn lịch sử khá đặc biệt của dân tộc, những đánh giá này trở nên hết sức cần thiết và quý báu. Nó giúp chúng ta chừng mực và tự tin hơn khi biết mình đang ở đâu, có thể và cần phải bước tiếp như thế nào. Từ đây, ông đặt ra nhiều vấn đề mới, cần được suy nghĩ tiếp, trao đổi và thảo luận như diễn ngôn văn học, trung tâm và ngoại biên, giải cấu trúc... Có thể thấy, việc giới thiệu một số lý thuyết mới năng động và hiệu lực như lý thuyết diễn ngôn, giải cấu trúc, ký hiệu học, tự sự học hậu kinh điển cho thấy khả năng tiếp nhận và thể nghiệm cái mới của nhà khoa học Trần Đình Sử. Đối với ông, lý thuyết mới là những khả năng mới để có thể hiểu rõ hơn một phương diện nào đó của văn học, nhìn sâu hơn vào bản chất nào đó của văn học mà trước đây chúng ta chưa nhận ra. Nhưng điều quan trọng, lý thuyết mà ông giới thiệu không đơn thuần là lược thuật, tổng thuật. Đó là những tri thức mới được thẩm định qua chiều sâu của thực tiễn văn học và văn hóa Việt, thấm đẫm quan niệm triết mỹ của người Việt.
Phần hai và ba của cuốn sách đề cập trực tiếp đến những vấn đề thực tiễn lý luận, phê bình văn học Việt Nam. Tác giả nhìn lại lịch sử lý luận phê bình văn học Việt Nam từ hàng loạt các vấn đề cơ bản: tính hiện đại, tính dân tộc, tính nhân văn, nhìn nhận những khủng hoảng của lý luận văn học Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu để từ đó tìm ra lối thoát. Quan điểm của Trần Đình Sử quyết liệt với việc học hỏi, tiếp thu cái mới trên tinh thần hiểu rõ những bất cập còn tồn tại cũng như thực tế nội lực của nền văn học Việt Nam, hiểu rõ quy luật vận động và phát triển của lý luận văn học trên thế giới. So với một thế kỷ phát triển lý luận hiện đại ở phương Tây, sự vận động và phát triển của Việt Nam rõ ràng đã muộn, tuy nhiên, để rút ngắn khoảng cách đó, chúng ta cần tự vượt lên mình, nắm bắt cơ hội của thời kỳ hội nhập, tiếp thu những tri thức mới để làm giàu cho mình. Theo ông, dù mỗi nhà nghiên cứu có tự gắn vào mình rất nhiều tiêu chí như hiện đại và hội nhập, dân tộc và nhân văn, song chúng ta không thể không biết đến hàng loạt những lý thuyết phê bình hiện đại, thiếu cái gì, chúng ta phải nỗ lực bổ sung cái đó. Đây là con đường duy nhất cho sự phát triển một nền lý luận phê bình văn học Việt Nam hiện đại.
Với dung lượng ít nhất, phần Ba của công trình tập trung vào một khuynh hướng nghiên cứu phê bình nổi bật ở Việt Nam nhiều thập kỷ qua, đặc biệt sau thời Đổi mới, đó chính là thi pháp học. “Một bức tranh toàn cảnh về thi pháp học”, cùng với sự phân biệt thi pháp học và lý luận văn học, thi pháp học trong nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỷ XX, mấy vấn đề thi pháp thơ mới và những suy nghĩ về tiểu thuyết lịch sử, tác giả đã cho chúng ta một hình dung cụ thể về quá trình tiếp nhận, vận dụng, phát triển một lý thuyết văn học và diện mạo của nó ở Việt nam. Đối với thi pháp học, phải thừa nhận có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của khuynh hướng nghiên cứu này, song có thể thấy, từ những lý thuyết ở nước ngoài, việc cập nhật và phổ biến tri thức mới của Trần Đình Sử bao giờ cũng gắn liền với điều kiện, hoàn cảnh và thực tiễn văn học Việt Nam. Mặt khác, ông luôn xác lập thi pháp học như một hệ lý luận và thao tác mở, có thể dung nạp nhiều lý thuyết khác vào quỹ đạo tìm tòi các nguyên lý, phương thức, phương tiện nghệ thuật. Chính vì vậy, thi pháp học Việt Nam đã góp phần đổi mới, tạo ra một giai đoạn mới của phê bình văn học, thay thế dần lối phê bình bình tán chủ quan, tác động nhiều đến những nghiên cứu xã hội học đơn giản vốn chứa đựng đầy rẫy giáo điều và công thức trong không gian phê bình văn học ở nước ta.
Trong quá trình học hỏi, tiếp thu và tiếp biến, điều đặc biệt và cũng là thế mạnh của Trần Đình Sử chính là việc kiến tạo nên một kiểu lý luận sắc nét, được nuôi dưỡng trong môi trường sống động của các hiện tượng văn học cụ thể. Lý thuyết của ông bao giờ cũng được soi chiếu, thẩm định và đúc kết qua thực tiễn phong phú, sinh động của văn học Việt Nam. Là người hiểu sâu sắc toàn bộ diễn trình lịch sử văn học nước nhà từ cổ trung đại đến hiện đại, lý thuyết mà Trần Đình Sử theo đuổi hoàn toàn thoát khỏi tính chất siêu hình, tư biện. Mặc dù, từ điểm nhìn hiện tại, những mô hình lý thuyết mà ông xác lập khó tránh khỏi có thể hạn chế phần nào sức gợi mở của lý thuyết nói chung, song chính chiều sâu triết lý sâu sắc thoát thai từ những tác phẩm nghệ thuật đích thực đã tạo nền tảng vững chắc cho con đường mà ông đã lựa chọn.
3. Trên đường biên của lý luận văn học của Trần Đình Sử vừa được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015. Có thể, những tiêu chí đánh giá giải thưởng của Hội không hẳn là chuẩn mực của mọi giá trị, song với tất cả những ai quan tâm đến các công trình của giáo sư Trần Đình Sử sẽ thấy đây chỉ là một phần trong những nỗ lực không ngừng nghỉ của một chuyên gia hàng đầu luôn muốn nắm bắt những diễn biến mới nhất của học thuật thế giới, cập nhật những thông tin mới nhất nhằm điều chỉnh và hạn chế tối đa những bất cập, xơ cứng và lỗi thời của chính mình và của nền học thuật nước nhà. Không dừng lại ở khát vọng hiểu biết, không thỏa hiệp với bất cứ ngộ nhận, định kiến nào, và cùng với nỗ lực thay đổi nhằm xây dựng một nền lý luận hiện đại của nước nhà, Trần Đình Sử đã và đang đi trên đường biên mà ông thấu thị, cảm nhận và tự đặt ra cho bản thân mình. Trên đường biên ấy, tư duy của ông tồn tại như một giá trị, có mục tiêu lý tưởng riêng, có khả năng hành động để trở thành một trung tâm giá trị gắn với những “Người Khác”. Nhưng điều quan trọng, trên đường biên đầy “mạo hiểm” mà ông đang đi đã giúp chính ông và mỗi chúng ta nhìn thấy một thế giới đa chiều và nhiều hấp lực của khoa học, một thế giới không có gì hoàn tất và bất biến. Tất cả đang chờ đợi được khám phá.
28/5/2016
Cao Kim Lan
Theo http://vanhoanghean.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...