Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

Nhìn lại chúc thư văn học của Nhất Linh, giao thừa năm Quý Tỵ 1953

Nhìn lại chúc thư văn học của Nhất Linh,
giao thừa năm Quý Tỵ 1953

Đã hơn nửa thế kỷ kể từ khi Nhất Linh quyết định đưa chúc thư văn học này ra trước công chúng. Qua chúc thư này, có nhiều điều nay cần được nhìn lại và quả thực là không thừa khi tôi làm công việc này. Đồng thời chuẩn bị trong một thời gian không bao xa nữa, Tân Văn sẽ có một số đặc biệt về tờ Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh... 
Và sau đây là nội dung bản chúc thư.
“Trong hương trầm của đêm 30 tết và mắt mờ đi vì thương cảm những người cũ đã khuất hoặc mất tích, tôi nghĩ tới những nhân tài mới khả dĩ đem lại một nguồn sinh lực rồi rào hơn làm cho Tự Lực thay đổi luôn và mới trẻ mãi, tôi có mấy lời cảm xúc này và cũng là chúc thư luôn thể, với một bài thơ gởi các anh em cũ (bất cứ ở khu nào) và mấy nhân viên tương lai của Tự Lực Văn Đoàn. Trong bảy tám nhà văn mới chọn lọc được trong hai năm nay, tôi thấy có ba nhà văn chắc chắn xứng đáng, là nhân viên Tự Lực Văn Đoàn và tôi tin anh Đỗ Đức Thu cũng như mấy anh mất tích sau này trở về, cũng như tôi sẽ bỏ phiếu bầu một khi ba nhà văn đó có đủ một số sáng tác để sự quyết định có căn cứ. Ba người đó là Nguyễn Thị Vinh, Tường Hùng và Duy Lam. Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm những việc mình đã làm, tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự Lực Văn Đoàn và công việc sáng tác. Nhưng Tự Lực Văn Đoàn không thể ngưng lại ở số người cũ và đứng yên, người qua, nhưng đoàn phải mới và tiến mãi. Ngoài sự cố gắng của anh em cũ còn lại, tôi mong những nhà văn tương lai, trước và sau khi gia nhập cũng đem hết tâm hồn và khả năng để làm rạng rỡ tên tuổi của đoàn mình, coi mình với đoàn là một, giữ được tinh thần cố hữu trước kia đã sáng tỏ giữa anh em quá cố: giúp đỡ nhau, đùm bọc lấy nhau, cùng nhau sát cánh để phụng sự văn nghiệp và đoàn mình, nghiệp văn dù chung một kiếp người, đoàn văn cùng chung tiếng để mãi tới kiếp sau. Đã bảy năm tôi mới lại có dịp làm thơ và thơ tôi vẫn không hay nhưng lòng và ý thành thực là đủ rồi:
Tự lực, vườn văn mới trổi tên
Bỗng dưng thời thế đảo huyên thiên
Thương dăm lá cũ vừa rơi xuống
Mừng mấy mầm tươi vụt nhú lên
Mạch cũ, nhựa non dồn dập chảy
Vườn xưa, hoa mới điểm tô thêm
Người qua, sách mọt, đời thay đổi
Tự lực, danh chung, tiếng vẫn truyền
Nhất Linh
"2 giờ sáng mồng một tết, năm Quý Tỵ
14/2/1953"

Đây là một lá chúc thư, lời lẽ chân tình chan chứa cảm xúc. Ngậm ngùi nhớ tiếc. Người ấy ngồi một mình, nghĩ lại đời mình, bạn bè, kẻ còn người mất, nghĩ tới tương lai TLVĐ, thành quả duy nhất đạt được trong đời một nhà văn sáng chói một thời. Không khí chúc thư cho ta có cảm tưởng như thể của một người sắp ra đi, muốn nhắn nhủ lại. Vì thế mọi chuyện từng chữ, từng câu trong lá chúc thư vỏn vẹn trong một trang này chứa đựng tâm tư, nỗi lòng thương nhớ bè bạn xa gần cũ cũng như những hoài bão, lòng mong đợi của Nhất Linh. Tôi sẽ hết sức mình viết và nhận định lại với một sự đòi hỏi trung thực tối đa, sự công bình đối với riêng ông Nhất Linh và nhất là đối với Văn học.
1.- Vấn đề ai là nhà văn thuộc nhóm TLVĐ?
Đây là thắc mắc của nhiều người đặt ra khi nhìn lại nhóm TLVĐ. Thắc mắc đó là chính đáng và cần tìm lời giải đáp. Theo anh Duy Lam, nhóm TLVĐ mới đầu thật ra chỉ có ba người, ba anh em ruột gồm: Nhất Linh, Thạch Lam và Hoàng Đạo. Họ họp nhau ở Thái Hà. Lúc bấy giờ tiền thân của TLVĐ vẫn còn là tờ Phong Hóa.
Người đầu tiên gia nhập nhóm TLVĐ là Khái Hưng, khi ông này viết một bài về truyện Kiều được Nhất Linh khen ngợi và mời gia nhập nhóm. Trong bấy nhiêu người được mời trong nhóm TLVĐ lúc ban đầu thì đây là một lời mời hợp tác mang nhiều ý nghĩa nhất, đem lại vinh dự nhất cho TLVĐ và cho văn học Việt Nam nói chung. Theo tôi, ngoài Thạch Lam, khó có ai trong TLVĐ có thể sánh bì với Khái Hưng. Nói ông là nhà văn hàng đầu, thật không quá đáng. Rất tiếc ông đã bị Việt Minh thảm sát vào năm 1947, tại bến Đò Cựa Gà, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định dịp tết Đinh Hợi.
Như nhiều trường hợp khác của một số nhà văn, trí thức Việt Nam đã bị sát hại, Việt Minh chịu trách nhiệm cái chết của một nhà văn lớn của Việt Nam. Cho đến nay, họ cho in lại sách vở của Khái Hưng trong tuyển tập: Văn xuôi lãng mạn Việt Nam, nxb Khoa Học, Xã Hội, Hà Nội. Nhưng vẫn chưa có một lời xin lỗi.
Cùng lắm, trong Đại Hội Văn Nghệ toàn quốc, năm 1957, Trường Chinh gián tiếp nhìn nhận như sau: ”Việc uốn nắn lại thái độ hẹp hòi máy móc đối với những giá trị Văn học cũ, không những có tác dụng sửa chữa những thái độ bất công đối với nhiều tác phẩm mà còn có tác dụng mở rộng con đường cho sáng tác văn nghệ hiện thời.”
Người thứ năm vốn là bạn của Nhất Linh, trước cùng làm thư ký với nhau ở sở tài chánh vào năm 1920: Nhà thơ Tú Mỡ. Ông trở thành nhà thơ trào phúng hàng đầu trong nhóm TLVĐ.
Trong tập thơ Dòng nước Ngược, Tú Mỡ phụ trách thơ trào phúng trong mục Dòng nước ngược đã có bốn câu thơ đề tặng Nhất Linh như sau:
”Ít lời lẽ ngang phè
Mấy vần thơ lỗ mỗ
Tặng anh Nguyễn Tường Tam
Đáp tấm ơn tri ngộ..."
Cũng theo Tú Mỡ có khi số in của tờ Phong Hóa tăng vọt lên đến hàng vạn số, mỗi kỳ. Không biết Tú Mơ hăng quá nên có vung tay quá trán không? Vì tôi đọc Nhất Linh trong Nói chuyện cũ, ông viết như sau: ”Lúc chúng tôi sắp nhận làm báo Phong Hóa thì các tuần báo không có vẻ thịnh vượng, ít tờ xuất bản được đến 2000 số. Chúng tôi lúc đó mong bán được ba nghìn số và đã tự cho là “tham lam” quá."
Cũng xin ghi lại đây cái không khí anh em, gia đình, tình đồng chí trong việc làm báo mà sau này ít khi có dịp còn tìm thấy cái không khí làm báo như thế nữa. Tú Mỡ ghi lại như sau: ”Trên căn gác ấm cúng nhà số 80 đường Quan Thánh, chúng tôi quây quần, thân mật như hồi ở Ấp Thái Hà.”
Người thứ sáu là Thế Lữ có làm thơ mới đăng trên Phong Hóa. Nhất Linh có mời và sau này ông là thành viên của nhóm TLVĐ. Người ta thường chỉ nhìn Thế Lữ như một nhà thơ, nhưng thật ra ông viết đủ loại. Truyện tiêu biểu của ông như Thoa, Ông Phán nghiện, Câu truyện trên tàu thủy. Chưa kể ông là cây bút viết châm trích khá ác ý những nhà văn nhà thơ không cùng nhóm. Như Lãng Nhân, Nguyễn Trọng Thuật, Lê Văn Trương, Trương Tửu, Nguyễn Công Hoan, Lan Khai v.v... Chửi nhau, tố cáo ăn cắp, đạo văn cũng dữ dội lắm. Đây là cái dở của TLVĐ? Nhiều khi bất công đối với những nhà văn ngoài nhóm. Có vẻ như đố kỵ. Báo Ngày nay số 51 đã có bài viết ”chống dâm uế”, công kích thiên phóng sự Lục sì của Vũ Trọng Phụng. Ông Lê thăng gọi Vũ Trọng Phụng là thằng khốn nạn. Gọi VTP là văn sĩ nửa mùa. Dĩ nhiên, Vũ Trọng Phụng đáp lễ công kích Đoạn Tuyệt, Lạnh lùng của nhóm TLVĐ.
Chửi liên tiếp. Chửi tất cả. Kể cũng là vui.
Xin kể một giai thoại Thế Lữ chế diễu cuốn Làm Đĩ của Vũ Trọng Phụng như sau. Một ông khách vào một tiệm sách hỏi cô bán sách như sau: ”Cô có Làm Đĩ không?" Cô gái đỏ mặt... Không vừa, cô trả lời: "Ở đây không có Làm Đĩ, chỉ có Cái tát thôi". Tôi xin phép trả lời thay cho cô hàng bán sách. Dạ không, em không có Làm Đĩ. Chỉ có Những kẻ khốn nạn thôi. (Les misérables của Victor Hugo).
Người thứ bảy là nhà thơ Xuân Diệu. Đã có Thế Lữ lại có thêm Xuân Diệu nên sau này Nhất Linh nói đùa rằng ông khỏi cần phải làm thơ, vì đã có hai nhà thơ là Thế Lữ và Xuân Diệu. Theo Thụy Khuê cho tôi biết thì Xuân Diệu chỉ được thu nhận sau này khi ông cho xuất bản tập Thơ thơ, 1938. Tập thơ được giải thưởng TLVĐ, sau đó Nhất Linh mới chú ý đến Thạch Lam và nhận vào nhóm. Cũng theo Thụy Khuê, cái người thứ bảy của nhóm phải là Nguyễn Gia Trí, nhưng vì ông là họa sĩ nên đã loại ông ra khỏi nhóm. Nhưng cũng trong Di bút Đời làm báo của Nhất Linh, ông chỉ ghi Nguyễn Gia Trí, họa sĩ mà thôi.
Nay thì tạm gọi là đã có thất tinh, hay thất hiền? Và gồm những ai?
Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu, Nguyễn Gia Trí không được nhắc tới nữa, vì là họa sĩ.
Tuy là có bảy nhân vật chính, nhưng thực ra họ có mặt trong TLVĐ một cách tự nhiên, như anh em, không có nội quy, cũng chẳng có điều lệ gì. Nhưng đối với bên ngoài thì có 7 người là thành viên của TLVĐ.
Cái chữ Tự lực xuất phát từ ý chí muốn tự lập về tài chánh. Nói đúng ra không muốn lệ thuộc vào bất cứ ai. Vì thế, quyết định rằng, mỗi thành viên phải đóng góp 500 đồng để gây quỹ. Nên nhớ, lương công chức thời đó không quá 20 chục đồng. Vì thế, có cái cảnh Khái Hưng phải vay tiền bà chị để ra làm báo.
Cái khổ của Khái Hưng trước đây thì cũng không khác bao nhiêu đối với những người làm báo bây giờ.
Sau này, theo lời đề nghị của Khái Hưng có thêm Trần Tiêu, em của Khái Hưng với tác phẩm Con trâu. Cá nhân tôi rất thích cuốn Con trâu, Năm Hạn, Chồng con. Con trâu là một cuốn sách với khổ sách nhỏ đến không thể nhỏ hơn được, chữ nhỏ li ti, trong đó chứa đựng chữ nghĩa của một nhà văn có tài. TLVĐ đã đứng ra in cuốn truyện đó. Nhưng căn cứ theo Đời làm báo của Nhất Linh thì ngay cả cái tên Trần Tiêu cũng không có trong danh sách những tác giả viết cho TLVĐ. Chỉ có lý do chính trị đã khiến Nhất Linh gạt tên Trần Tiêu ra khỏi TLVĐ? Nhưng phải giải thích làm sao trường hợp ba người ở lại hợp tác với Cộng Sản là Thế Lữ, Xuân Diệu và Tú Mỡ?
Sự họp tác làm văn học với nhau thì có. Nhưng tự nó TLVĐ đã tan đàn vì những lý do chính trị. Phải chăng cũng là nỗi buồn và thất vọng của Nhất Linh?
Sau này trong chúc thư Văn học, Nhất Linh có nhắc thêm Đỗ Đức Thu. Điều đó làm nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Nhưng trong bản thảo” Đời làm báo” với nhiều xóa tẩy, ông chỉ ghi là Đỗ Đức Thu (tiểu thuyết). Có nghĩa là ông không thuộc nhóm TLVĐ. Nhưng sự nhắc nhở và ghi nhận Đỗ Đức Thu là người của TLVĐ là thật. Bởi vì khi viết chúc thư thì Nhất Linh đang ở trong Nam mà Đỗ Đức Thu thì còn ở ngoài Bắc. Đó là lý do để Nhất Linh viết rằng sau này Đỗ Đức Thu chắc cũng đồng ý với ông trong việc thu nhận ba nhà văn nữa.
Nếu kể những nhà thơ, nhà văn viết cho nhóm TLVĐ mà không thuộc nhóm TLVĐ thì cũng nhiều như: Lưu Trọng Lư, Nguyễn Khắc Hiếu, Phạm Thị Cả Mốc, tức Phạm cao Củng, Huy Cận, Bùi Hiển, Tô Hoài, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Công Hoan, Trọng Lang. Họa sĩ như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường, Trần Vinh Lộc, Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Xìn.
Có những nhà thơ như Tản Đà bị nhóm TLVĐ mang ra chế diễu nhiều lần. Như trong bài: ”Giời đầy Nguyễn Khắc Hiếu”. Tản Đà không giận chỉ cười. Vì thế, sau này Nhất Linh lại mời Tản Đà hợp tác trong mục làm thơ Đường. Tình bạn văn đã không mất.
Cũng trong chúc thư của ông Nhất Linh có nói đến 7, 8 người thuộc diện ứng cử viên. Vậy họ là những ai? Tôi có hỏi anh Duy Lam, anh cũng không biết chắc là những ai? Và Nhất Linh đã quyết định dừng lại ở ba người như chúng ta đã biết. Theo nhà văn Duy Lam thì ông cũng không thực sự biết được những người được mời là ai. Nhưng đáng chú ý nhất là nhà văn Bình Nguyên Lộc. Nhiều người cho rằng Nhật Tiến là người của nhóm TLVĐ? Không phải vậy. Trong tổng số 11 số báo Văn Hóa ngày nay đã xuất bản, tôi chỉ thấy có một bài của Nhật Tiến. Sau này, khi có báo Tân Phong do Nguyễn Thị Vinh làm chủ nhiệm thì quả thực Nhật Tiến có viết nhiều hơn trước. Vì Nhật Tiến là do Nguyễn Thị Vinh giới thiệu với Văn Hóa Ngày nay. Trong một chương trình sinh hoạt văn học nghệ thuật của đài Little Sài gòn sau này, ký giả Đinh Quang Anh Thái hình như có giới thiệu Nhật Tiến là thành viên của nhóm TLVĐ? Không có chuyện đó, nếu không nói là chưa bao giờ có chuyện đó. Thụy Khuê cho tôi biết, Nhật Tiến có xác nhận là không được nhận là thành viên của nhóm TLVĐ. Đọc lại danh sách những người biên tập cho Văn Hóa Ngày Nay trong số 1, tôi thấy có tên các tác giả sau đây: Đỗ Đức Thu, Nguyễn Thành Vinh, Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo, Duy Lam, Tường Hùng, Trương Bảo Sơn và người có nhiều hy vọng trở thành thành viên của TLVĐ là nhà văn Bình Nguyên Lộc, vì ông có tên trong Văn Hóa ngày nay, số 1. Riêng Đỗ Đức Thu được giới thiệu là thành viên của TLVĐ.
Sự chọn lựa thành viên của nhóm TLVĐ này, chưa vội nói tới giá trị văn chương và tác phẩm của họ nhưng nó cũng gợi cho người ta liên hệ tới sự chọn lựa do vì là bà con dòng họ với nhau và vì thế nên cho vào nhóm. Đó là trường hợp Tường Hùng và Duy Lam. Tôi có đề cập đến sự chọn lựa tế nhị này thì anh Duy Lam cũng cho rằng nó có gây cho mình cảm tưởng hãnh diện, nhưng cũng hơi khó chịu đôi chút, vì là cháu Nhất Linh? Nhưng trường hợp bà Nguyễn Thị Vinh thì đã hẳn là khác. Và tôi nghĩ rằng nên viết hẳn ra một mục về trường hợp của bà.
2.- Nguyễn Thị Vinh, Nhất Linh với TLVĐ
Có rất nhiều người đàn bà trong TLVĐ mà theo tôi không có họ thì không có Nhất Linh, không có Duy Lam, không có Thế Uyên. Họ tưởng chừng như không có dính dáng gì đến văn học, vậy mà không có họ thì có còn là TLVĐ hay không? Bà mẹ Nhất Linh, bà vợ Nhất Linh hay bà Nguyễn Thị Thế, em ruột Nhất Linh. Như lời bà Nguyễn Thị Thế viết về mẹ ruột mình: ”Một mình mẹ tôi buôn bán phụng dưỡng mẹ chồng và nuôi đàn con ăn học thành tài, giá như người khác, các anh tôi chỉ có đi làm thợ hay đi làm thuê thôi” (trích Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, Nguyễn Thị Thế, trang 132). Riêng ông bà Nhất Linh, họ khác nhau về đủ thứ. Quanh năm ngày tháng, Nhất Linh bỏ đi. Con cái như Nguyễn Tường Thiết nhiều khi gặp bố thấy xa lạ. Nhất Linh lúc ở bên Tàu, lúc ở Đà Lạt, vậy mà cái bóng của bà Nhất Linh vẫn phủ lên đời ông?
Bà Nhất Linh thì trả lời như sau: ”Tôi lấy nhà tôi là do cha mẹ mối manh, dạm hỏi và cưới xin linh đình. Khi tôi về nhà chồng rồi thì chỉ biết lo buôn bán để gánh vác giang sơn nhà chồng, làm gì có thì giờ đọc sách, đọc báo ạ? Với lại sách báo là việc của đàn ông, đàn bà mình ngó vào làm gì?” (trích bài viết của nữ sĩ Anh Thơ về Nhất Linh, Nhất Linh, nhiều tác giả, trang, 107).
Trong văn chương, truyện ngắn Người quay tơ, phải chăng nhân vật nữ Người quay tơ là hiện thân của bà Phạm Thị Nguyên, vợ Nhất Linh và nhân vật ông Tú phải chăng là chính là Nhất Linh? Rồi còn lá thư tuyệt mệnh để lại cho bà trước khi tự tử.” Mình, mối tình của đôi ta đẹp đẽ lắm rồi. Mình không còn mong muốn gì hơn nữa” Di chúc cho vợ mà ông nhắc nhở đến mối tình của đôi ta thay vì nói tới tình nghĩa vợ chồng. Kể là đẹp và trọn vẹn.
Chính anh Duy Lam sau này theo nghiệp văn cũng là do ý muốn của mẹ anh. Bà Thế chỉ mong sau này con trai bà trở thành nhà văn như những người của dòng họ Nguyễn Tường...
Và giấc mơ của người mẹ đã thành hiện thực.
Nhưng còn những người đàn bà trong văn chương TLVĐ? Trong truyện và trong đời sống? Trong văn chương, Nhất Linh đã mê một thiếu nữ mà ông đặt tên là “cô áo trắng”. Cô áo trắng trong đời sống sau này, theo Huy Cận tiết lộ, chính là nhân vật truyện tên Thu trong tiểu thuyết Bướm Trắng của Nhất Linh...  Còn trong đời thường, đó là trường hợp Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo. Cả hai đã sống bên cạnh Nhất Linh ở bên Tàu. Là đồng chí, là người bạn, là người tình, là bạn văn? Hay là tất cả những thứ đó cộng lại?
Riêng Nguyễn Thị Vinh, trong trường hợp nào bà quen biết và trở thành người của nhóm TLVĐ? Tôi chưa liên lạc trực tiếp được với bà Nguyễn Thị Vinh để hiểu rõ vấn đề này. Nhưng chỉ biết rằng hai chị em Nguyễn Thị Vinh có mở một tiệm sách ở Hà nội, rồi sau này bà Nguyễn Thị Vinh lấy Trương Bảo Sơn, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng. Phải chăng vì mối liên hệ đảng phái mà sau này bà Nguyễn Thị Vinh có nhiều dịp gần gũi với Nhất Linh? Nhất là sau này trôi dạt sang Tàu có vợ chồng Trương Bảo Sơn, Nguyễn Gia Trí và Nhất Linh. Theo chính ông Trương Bảo Sơn viết về những kỷ niệm riêng với Nhất Linh, ông Trương Bảo Sơn cho biết như sau:” Lần đầu tiên tôi được gặp ông, tiếp xúc với ông là ở chiến khu Việt Nam Quốc dân đảng (VNQDĐ), trong tỉnh Vĩnh Yên, sau khi ông từ chức Bộ Trưởng Bộ ngoại giao trong chính phủ Liên Hiệp kháng chiến, trên đường ông đi sang Trung Hoa, ở Côn Minh, Trùng Khánh, rồi Thượng Hải, nơi đây tôi gặp ông lần thứ hai vào cuối năm 1946. (trích Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, (trích lại trong Nhất Linh, người Nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 69). Nhưng mãi đến năm 1948, nghĩa là ba năm sau, bà Nguyễn Thị Vinh, vợ ông Trương Bảo Sơn đã cùng con gái ba tuổi từ Hà nội sang ở với ông Trương Bảo Sơn. Có thể từ 1948, bà Nguyễn Thị Vinh mới được quen biết với Nhất Linh. Cũng trong thời gian này, Nhất Linh đã khuyến khích Nguyễn Thị Vinh viết cuốn Thương Yêu và bà Linh Bảo viết cuốn Gió Bấc.
Khi ở bên Tàu, có nhiều người như ông Nguyễn Gia Trí, Đỗ Đình Đạo, Trần Văn Tuyên, Phan Quang Đán, Nguyễn Văn Hợi cùng ở chung với Nhất Linh. Hoặc tới hội họp như cụ Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Bảo Toàn, Lưu Đức Trung, Tạ Nguyên Hải.
Có thể có một mối tình tay ba không? Tôi tin là có mà mong là có như thế. Tôi nhìn lại những hình ảnh Nhất Linh ôm ẵm và cưng chiều con gái út của Nguyễn Thị Vinh thì tôi nghĩ điều gì cũng có thể xảy ra được. Sau này, tôi có đọc hồi ký của bà Nguyễn Thị Thế, em gái Nhất Linh và là mẹ các nhà văn Duy Lam và Thế Uyên kể lại cô con gái nuôi, Trương Kim Anh như sau: ”Khi tôi dở chăn ra để được ngó mặt anh tôi, thời có cái sáo rơi xuống. Tôi lấy làm lạ hỏi cháu Thoa thời nó cho biết có con gái nuôi của cậu cháu (con gái chị Nguyễn Thị Vinh) tối qua đem sáo vào nhà xác thổi suốt đêm cho ông nghe. Thổi xong nó tặng luôn chiếc sáo và nói từ nay nó sẽ không còn thổi sáo cho ai nghe nữa đâu. (trích Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, Nguyễn Thị Thế, trang 159).
Thật ra trong bài Tưởng nhớ về Nhất Linh, cô Trương Kim Anh đã viết như sau: ”Sau một lúc, mẹ tôi bảo tôi lấy sáo trúc ra thổi một bản tiễn bác. Tôi gạt nước mắt, đưa ống sáo ngang miệng, chọn bản Thiên Thai, bản mà bác thường bảo tôi thổi mỗi lần bác đến nhà chúng tôi. Tiếng sáo u uẩn vang trong khu nhà xác, lạnh lẽo. Nhưng chỉ được nửa bản, tiếng sáo ngưng trong tiếng nấc nghẹn ngào, âm thanh như đọng lại trong không gian, tiễn đưa hương linh bác về nơi vĩnh cữu. (trích Nhất Linh, người nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 153). Cái người ở lại cuối cùng trong cái đêm bất hạnh đó là bà Nguyễn Thị Vinh và cô con gái. Và trước khi tuẫn tiết, ngoài bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm được Nhất Linh đến gặp lần cuối. Trương Kim Anh kể lại: ”Mãi sau này tôi mới biết, chuyện quan trọng đó là: bác Tam nhận được trát đòi ra hầu tòa, cùng với một số bạn chiến đấu của bác, trong đó có ba tôi. “ông Trương Bảo Sơn". Tôi hơi ngạc nhiên về chú thích để trong ngoặc kép này..."Khoảng một tiếng sau, từ trên cửa sổ nhà Thúy nhìn xuống nhà mình, tôi thấy bác Tam đang từ giã mẹ tôi.”
Đây là một cử chỉ chỉ có người trong cuộc, trong giờ phút sinh tử giữa sống chết, bên bờ tử sinh mới thấm thía hết được ý nghĩa cuộc gặp gỡ định mệnh này.
Cô Trương Kim Anh, con nuôi của Nhất Linh, sau này lấy Dương Kiền. Theo các con cháu của Nhất Linh như anh Duy Lam cũng cho rằng nhiều phần Nhất Linh và Nguyễn Thị Vinh phải có cái gì. Nhưng nó cụ thể như thế nào thì không dám chắc. Nhưng trong cách thức của bà Nguyễn Thị Vinh khi nói về Nhất Linh thì bà thường làm ra cái vẻ như thể bà là người tình của Nhất Linh, hay đóng kịch như thế và gây cho mọi người có cảm tưởng là giữa bà và Nhất Linh hẳn phải có một mối dây liên lạc đặc biệt..
Nhưng hay nhất vẫn là để Nguyễn Thị Vinh tỏ bày:” Đời tôi từ bấy lâu nay, thời gian qua đi già nửa thế kỷ, đã từng được ở những nơi nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi, mà sao tôi vẫn không thể quên được, túp lều (trên núi) của chúng tôi. Chao ơi mỗi khi tắm, tôi chưa thấy có một vòi hoa sen nước nào có thể so sánh được với dòng suối ngày ấy. Tôi biết kể sao cho hết nỗi vui thích của tôi mỗi khi ra suối tắm... (Trích Nhất Linh, người nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 85/86).
Vâng quên sao được. Làm sao quên được hở trời.
Sau này thì cái chuyện Trương Bảo Sơn và Nguyễn Thị Vinh phải chia tay nhau cũng là chuyện cũng đành phải là như vậy. Cho đến lúc Nhất Linh chết vào năm 1963, Bà Vinh thường đi xe Lam lên thăm mộ Nhất Linh. Mộ Nhất Linh gần mộ nhà văn nổi tiếng miền Nam Hồ Biểu Chánh. Bà Nguyễn thị vinh đốt 4 điếu thuốc lá Bastos rồi cắm vào bốn góc mộ, sau đó mở hai chai lade 33 tưới lên ngôi mộ để tưởng nhớ Nhất Linh. Nhất Linh khi còn sống hút thuốc lá bastos không ngừng và khoái uống la de. Không biết có phải do Nhất Linh linh thiêng xui khiến hay không mà bữa đó có cậu thanh niên Nguyễn Hữu Nhật cùng hẹn nhau với bà Nguyễn Thị Vinh đi thăm mộ Nhất Linh. Cậu đã hứa hôn với một nữ sinh viên trường luật tên Bình. Kể từ đó họ đã kết thành đôi lứa cặp kè với bà Vinh và sau này Nguyễn Hữu Nhật chính thức làm chồng... bà Nguyễn Thị Vinh.
Mối nhân duyên đúng là duyên kỳ ngộ và có sự chứng giám của một người đã chết...
3.- Cái chết định trước của Nhất Linh.
Bản chúc thư này dự báo tâm linh đến cái chết không tránh khỏi của ông sau này. Những giọt nước mắt lúc này là những giọt nước mắt chuẩn báo của 10 năm sau đó?. Tất cả như một hành trình tâm linh của một người, của một thân phận đi dần tới cái chết. Không chết cách này cũng chết cách khác. Và chọn lựa cái chết vào ngày song thập là một chọn lựa chủ ý như một thứ suicide intentionnelle theo tây Phương hay theo nghĩa Nghiệp, Karma theo Đông Phương?
Về cái chết của Nhất Linh để phản đối chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Dư luận thường rất minh bạch: cái chết đó như một bản án chế độ TT Ngô Đình Diệm... Mọi người, mọi giới đều coi việc Nhất Linh tự tử như một hành vi lý tưởng, dám đem thân mình, sự sống đời mình thách thức cả một chế độ, không chịu khuất phục và không chịu để cho tòa án thời đó xử án ông. Không ai có thể nói khác được, không ai có thể nghi ngờ sự trong sáng, vẹn toàn về cái chết đó. Nó biểu tượng cho một lý tưởng và không khác gì ngọn lửa Thích Quảng Đức trước đó không bao lâu và nó cũng góp phần làm suy sụp nhanh chóng chế độ đệ nhất cộng hòa.
Kể từ ngày 7 tháng 7, năm 1963, ngày mà Nhất Linh tuẫn tiết đến nay. Đã gần nửa thế kỷ trôi quả. Xác thân Nhất Linh nay chỉ là nắm tro tàn nguội lạnh, tôi vẫn muốn dùng một que tăm khơi nhẹ lại những hạt bụi tro xương để tìm ra cho ra ý nghĩa đích thực của cái chết ấy.
Nói về cái chết của một người là nói về một bí nhiệm. Phải đâm thủng được bức màn bí nhiệm ấy để hy vọng thấy được những hé lộ còn che đậy. Công việc không phải là dễ. Nhưng không phải vì thế đành bó tay. Mỗi cái chết vẫn tự nó là một thông điệp của người chết gửi người sống, một ý nghĩa.
Ở trong triết học, tự tử mang ý nghĩa từ chối đời sống vì không tìm thấy trong đời sống một ý nghĩa gì khả dĩ để tiếp tục sống nữa. Tự tử như vậy là một chọn lựa tối hậu khi không không còn có chọn lựa nào khác nữa. Nhất Linh đã tự tử. Sự chọn lựa đó phải chăng do những biến cố thời cuộc chính trị của những năm 1963 hay là một chọn lựa tiền định, tiềm ẩn? Thực tế, ông đã để lại một thông điệp 72 chữ mà nhiều người có thể lập lại một cách thuộc lòng như: Đời tôi để lịch sử xử. Nhưng lịch sử là ai? ai xử? xử như thế nào? đã xử chưa? Phải chăng đó chỉ là cách nói, một thuật ngữ của ông? Phải chăng điều căn bản, không chối cãi được ở đây là ông đã tự chọn lựa một cái chết cho mình mà sự cố 1963 chỉ là cái nốt nhạc kết thúc của một bản nhạc?
Thật sự, trong phạm vi cá nhân giữa ông Diệm và ông Nhất Linh, có một sự đố kỵ về cá tính. Có thể đối với ông Nhất Linh, ông nghĩ rằng chỉ có Hồ Chí Minh là kẻ đối đầu có tầm cỡ, sánh ngang tầm với ông. Hay là do ông đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm bỏ quên? Còn có thể Nhất Linh gán cái trách nhiệm chết yểu của tờ Văn Hóa ngày Nay do sự ngấm ngầm dùng nhà phát hành Thống Nhất không phát hành báo Văn Hóa? Theo lời bà Nguyễn Thị Vinh viết lại: ”Anh chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm ít nhất về quyền tự do ngôn luận bị xâm phạm nặng nề. Tờ Văn hóa Ngày nay chỉ là giai phẩm, đã không được cấp giấy phép chính thức mà còn bị đóng cửa.”
Thật sự, cho đến bây giờ, tôi chưa hề nghe ai nói chính phủ Ngô Đình Diệm đóng cửa tờ Văn Hóa Ngày nay. Tôi có hỏi thẳng anh Duy Lam. Anh cho biết, ông Nhất Linh có tâm sự và cho biết do những khó khăn về tài chánh nên phải đình bản tờ báo. Hy vọng bà Nguyễn Thị Vinh cho một lời giải thích đầy đủ và rõ ràng hơn.
Có thể nghĩ được ông Diệm nhúng tay làm việc đó hay không? Và nếu như thế thì cắt nghĩa làm sao sự chết yểu của Hiện Đại, Thế kỷ 20? Nhìn lại nhóm những người trí thức đối lập trong nhóm Caravelle thì hơn phân nửa là những người đã từng cộng tác với ông Diệm. Sự chống đối không khỏi có những yếu tố cá tính con người trong đó. Nhiều người đã bị bắt, riêng Nhất Linh được miễn trừ? Khi hai phi công ném bom dinh TT Ngô Đình Diệm mà theo nhiều người, đã có tay trong để biết giờ giấc trong dinh. Nhưng đến phút chót, một quả bom của phi công Nguyễn Văn Cử đã không nổ. Đứng đó không xa là hai ông Nguyễn Văn Lực và Nhất Linh đang quan sát diễn tiến nội vu. Mật vụ há không biết sao?
Quả bom đã không nổ vì chưa đủ vòng quay đã làm Nhất Linh chán nản tuyệt vọng, tin rằng cái số dòng họ nhà Ngô hãy còn lớn lắm. Thất vọng chồng chất thất vọng mà những người chung quanh Nhất Linh đều nhận thấy. Có thể nói cuộc đời Nhất Linh chồng chất những thất vọng không đạt được. Những giấc mơ không thành. Bằng chứng trong bức hình vẽ chân dung của họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ ông còn dang dở vì sau đó họa sĩ NGT bị đi tù. Khi trở về, ông Nguyễn Gia Trí định vẽ tiếp thì Nhất Linh không cho. Ông đòi để nguyên vì cho rằng: bức họa dang dở giống như cuộc đời của ông. Nó như một tác phẩm chưa hoàn tất. Thất bại của ông thì nhiều, trải dài trong suốt cuộc đời làm chính trị khiến ông bị căn bệnh trầm uất triền miên.
Bệnh tâm thần của Nhất Linh là có thật. Không ai trực tiếp nói ra.
Ngay từ khi còn làm báo Phong Hóa, Tú Mỡ đã ghi nhận như sau: tâm thần bị giao động nhiều, gần như bệnh. Cần phải đi dưỡng bệnh.
Bệnh càng trở nên trầm trọng theo thời gian vì ông bị quá nhiều gánh nặng trên vai của một kẻ sĩ, của một người trí thức sống trung thực, có lòng với đất nước. Chính ông thất vọng về chính ông, vì ông không làm gì được.
Có thể là sự thất vọng vì cái chết yểu của Thạch Lam, của Khái Hưng. Nhất là cái chết của Hoàng Đạo làm ông xuống tinh thần. Nguyễn Tường Bách viết lại như sau: ”Song tại đây, một sự mất mát và đau buồn vô tận cho chúng tôi đột ngột tới, đó là cái chết của anh Hoàng Đạo trên một chuyến xe hỏa từ Hồng Kông về tháng 8/1948. Đặc biệt là đối với Nhất Linh, vì hai anh em gần gụi nhất từ nhỏ, và từng sát cánh mật thiết trong sự nghiệp văn hóa, cách mạng” (Tưởng nhớ anh Nhất Linh, Nguyễn Tường Bách, trang 65, sách Nhất Linh, nhiều tác giả)
Và sự thay đổi lập trường chính trị của Nguyễn Tường Bách cũng như sự rạn nứt hệ phái Quốc Dân Đảng với Vũ Hồng Khanh, Tự Lực văn đoàn tan đàn nát gánh, thất bại trong việc ký hiệp ước sơ bộ rồi tản mát chạy sang Tàu. Rồi thất vọng khi làm bộ trưởng ngoại giao dưới chính phủ Hồ Chí Minh và nhân vật đối lập dưới thời Ngô Đình Diệm. Bấy nhiêu nỗi thất vọng, chán chường về chính trị có đủ đưa đến quyết định quyên sinh của Nhất Linh sau này hay không?
Bà Nguyễn Thị Vinh, một người gần gũi với Nhất linh đã nhận xét về con người của ông như sau: ”Hằng ngày, tôi ít dám nói chuyện với anh, bởi vì trên gương mặt anh toát ra một vẻ nghiêm khắc, trầm lặng, rất buồn bã. Ánh mắt luôn luôn như nhìn về một cõi xa xăm, mọng lên nỗi chất chứa u sầu. Tới nỗi tôi có cảm tưởng, nếu có một tiếng động dù nhỏ, bất chợt vang lên, cũng đủ làm cho các màng nước trong mắt anh oà vỡ. Cặp môi anh có lúc rung rung như đang nói truyện với ai đó, vô hình, đôi khi lại thoáng nét nhẹ, thật nhẹ, như mỉm cười” (trích Nhất Linh và Xóm cầu mới, Nguyễn Thị Vinh, trong Nhất Linh, nhiều tác giả, trang 88).
Và ông Trương Bảo Sơn, chồng bà Nguyễn Thị Vinh cũng nhận xét như sau: ”Phải chăng hai việc mất hai người em thân yêu như mất hai cánh tay đắc lực, đã làm cho Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam xót xa đau lòng khiến nhiều đêm ông đã âm thầm khóc một mình và chán nản, ngưng làm chính trị mất ba bốn năm trời, ẩn cư ở núi rừng Đà Lạt? (Trích Những kỷ niệm riêng với nhất Linh, trong Nhất Linh, nhiều tác giả, trang 73)
Triệu chứng tâm thần đã rõ. Nó dần đưa ông đến ý tưởng quyên sinh. Không thiết sống nữa.
Ông Nguyễn Tường Bách là một thầy thuốc đã nhận xét về hiện trạng tinh thần của anh mình như sau:” Sự tang tóc này khiến cho bệnh suy nhược thần kinh của Nhất Linh càng nặng thêm. Một ngày năm 1950, tôi ra Hồng Kông, chỗ anh ở trên một sườn đồi, bên cạnh một suối trong... anh cũng đồng ý về nước với quyết tâm sẽ không tham dự hoạt động chính trị nữa, ít ra trong giai đoạn này.” (Tưởng nhớ anh Nhất Linh, trích dẫn như trên).
Như vậy thì phải nhìn nhận thêm rằng việc tự tử của Nhất Linh là do yếu tố tinh thần, do tình trạng suy nhược thần kinh đã là nguyên nhân thúc đẩy đến cái chết không tránh được?
Cái chết đã định trước. Đã tính toán. Đã dự liệu. Đã không muốn sống. Như lời của bà Nguyễn Thị Thế: "Có lần tôi hỏi thẳng anh, họ đã tha cho anh không bắt, vậy anh có tự do rồi, anh muốn làm gì thì làm, sao anh còn ngại. Anh trả lời, cô không hiểu tôi, tôi chỉ ngồi đây đợi hai năm nữa thôi. Anh nói đến đây thì chị Tam ở dưới nhà lên nên anh lại không nói gì nữa. Riêng tôi về sau cứ mãi băn khoăn về câu anh nói chờ hai năm nữa là ý nghĩa ra sao. Vào một hôm trước ngày 7 tháng 7, các con tôi lên thăm anh Tam về cho biết bác có trát đòi và chắc bác ra tòa xử ngày mai, và chắc họ sẽ kết tội bác phá rối trị an và bỏ tù bác chứ không tha đâu. Tôi vội lên thăm anh Tam ngay. Tôi thấy hai con mắt anh sáng ngời, vẻ mặt hồng hào.” (trích Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, Nguyễn Thị thế, trang 158).
Những lời bộc bạch tự nhiên của bà Thế giúp tôi nghĩ rằng những suy nghĩ về cái chết của Nhất Linh về lý do cái chết ấy đã không đi trật đường.
Trước hay sau, ông sẽ tìm cái chết như một giải thoát hơn là một thái độ phản kháng.
Tôi đã tự đặt cho mình những câu hỏi như thế và đã lắng nghe những biện luận đồng thuận của anh Duy Lam là: Cái chết của nhà văn Nhất Linh là một cái chết định sẵn. Trong những bài viết bàn về cái chết của Nhất Linh, tôi cũng tìm thấy nơi chị Thụy Khê đã bứt ra khỏi những lối suy nghĩ định sẵn và xem ra tới gần được Nhất Linh nhất thông qua những gì ông đã viết. Chị Thụy Khuê đã đào sâu vào những biện luận triết học và suy nghiệm trong tác phẩm văn chương của Nhất Linh để hé lộ ra ý nghĩa của cái chết ấy...
Phần tôi, tôi đào sâu ý nghĩa việc tự tử này trong sự truy lùng hiện trạng con người, vấn đề tâm thần và lịch sử cuộc đời của Nhất Linh. Xem ra chúng tôi đã đi đúng đường piste) và càng tin tưởng vào những điều viết ra ở đây.
Qua từng những chi tiết nhỏ, những nhận xét xem ra rời rạc, nối kết lại với nhau. tôi cảm giác mình đã hiểu được phần nào cái chết bi kịch ấy. Càng tìm hiểu, càng tôn trọng con người ấy và những lựa chọn không tránh được của ông. Cái mà ông nói tới như định mệnh con người, định mệnh đời ông, hay như cái Karma của đời ông theo Võ Phiến. Ở trong phạm vi văn chương, thử tìm hiểu xem, ông đã gửi gắm gì trong những truyện của ông. Trong truyện Người quay tơ, truyện đầu tay của ông, tôi cảm nghiệm cái cách làm chính trị cách mạng của Nhất Linh rất lãng mạn, rất tự hủy. Làm chính trị có nghĩa đi đôi với hy sinh đời mình, sẵn sàng chết. Làm cách mạng đồng nghĩa với chết. Thật vậy, trong truyện, Người quay tơ, người đọc không biết đích thực ông Tú đã làm gì, đã chống đối chính quyền thực dân Pháp ra sao. Chỉ biết ông bị đi tù Côn đảo và đã hy sinh. Cũng vậy, trích dẫn theo Thụy Khuê, Dũng đã nghĩ về Thái như sau: ”Anh Thái đi như vậy để làm gì? Chẳng qua không biết làm gì nữa thì liều lĩnh”. Thế giới của Dũng là chấp nhận sự bất lực, sự bế tắc và chấp nhận cái chết như một hành vi cao cả và “đáng sống” nhất như một thoát ly: Cái chết của Thái đối với Dũng chỉ là một thoát ly?, vì thế tôi không sợ chết, vì đất mát lắm.
Ám ảnh về cái chết, về sự tự hủy như một cứu cánh đời sống, ám ảnh ông, bàng bạc trong các tác phẩm của ông, nhất là trong truyện Bướm Trắng? Có điều gì liên hệ giữa văn chương đến cuộc đời? Những ám ảnh về tự tử trong truyện có thể dẫn đường cho việc giải thích việc tự tử của ông sau này, vào năm 1963 hay không? Chính vì thế, ông đã không muốn cho con cái trong nhà đọc Bướm Trắng khi còn nhỏ? Trong truyện, nhân vật Trương biết mình không còn sống bao lâu nữa đã có những ý nghĩ đen tối là tự tử. Thụy Khuê đã nhìn ra ý hướng ấy của Nhất Linh. Nhìn ra những ý tưởng đen tối có tính cách tiền định trong việc tự tử. Nhân vật Trương nghĩ rằng: ”Cách tốt nhất là nhồi một viên đạn nhỏ vào trong sọ. Tạch một cái, thế là hết. Ngọt như mía lùi (trang 155). Lý luận thêm: ”Hèn nhát thì không bao giờ tự tử được, mà có can đảm như trời cũng không thể tự tử được. Tự tử được hay không là ở cảnh chứ không phải ở người” (trang 140)
Nói trắng ra, Nhất Linh nhà văn có phải là một con người bình thường khi quyết định việc tự tử nhằm chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm không? Việc tự tử đó có thể coi là một hành vi, hay một quyết định sáng suốt của một người biết mình phải làm gì? Nó có bị chi phối, ảnh hưởng hay thúc đẩy bởi một động lực tâm lý, một quá trình đời sống với gánh nặng quá khứ chán nản và tuyệt vọng của một người không còn làm chủ được đời mình không? Việc tự tử là một giải thoát cho chính ông? Hay là một hành vi dùng cái chết để chống đối một chế độ? Phải đắn đo và công bằng với lịch sử để trả lời những câu hỏi này.
Tôi nghĩ rằng những tiết lộ của Nguyễn Tường Thiết, con trai nhà văn, giúp chúng ta một phần để trả lời hai câu hỏi trên.
“Nhất Linh thường viết trong đêm khuy khoắt. Những khi giật mình thức giấc nửa đêm tôi thường thấy, qua khe cửa, đèn trong phòng ông còn bật sáng. Có đêm lũ chúng tôi lòm còm bò dậy vì còn tiếng khóc trong phòng cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần không kìm hãm được. Lũ chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau... Không ai có thể đoán biết ông khóc cái gì, ngay cả mẹ tôi cũng không thể nào biết được. Nhưng sự khám phá này đã gieo vào tuổi thơ của tôi một ấn tượng mạnh mẽ, rằng cha tôi là một người cô đơn và đau khổ. Ngoài ra những giấc mơ kỳ lạ và kinh hãi cũng được tôi hình dung thấy qua giấc ngủ của ông, qua cách ông trằn trọc ú ớ trong đêm”. (Nhất Linh cha tôi. Nguyễn Tường Thiết, trang 19)
Những tiếng khóc về đêm khuya khoắt là dấu hiệu một tình trạng bệnh trầm cảm, cô đơn và tuyệt vọng?
Thoạt đầu tiên khi làm báo, ông lấy tên báo là “Tiếng cười”. Nhưng cả cuộc đời ông chỉ là những ”tiếng khóc” Đọc tiếp những trang hồi ký của Nguyễn Tường Thiết thật không cầm nổi xúc động. Nhưng cũng cho thấy rằng, Nhất Linh đã chuẩn bị cái chết của mình một cách chu đáo, từng chi tiết một. Đến Nguyễn Tường Triệu ở cạnh ông cũng bị ông qua mặt, trước mặt anh,” chỉ 15 phút là xong”. Chẳng khác gì: ”Chỉ tạch một cái” là xong. Nhiều lúc thật bình thản.
Như ông từng nói từ năm 1951: ”Tôi mà tự tử thì chẳng ai biết tôi dùng loại độc nào” (trích bài viết Nhất Linh, người định nghĩa sống và chết, Lưu Văn Vịnh, trong Nhất Linh, nhiều tác giả, trang 177). Tôi có thể đến đây dám chắc rằng, ý định tự tử đã bám dính vào ông, nhất là ở giai đoạn chót cuộc đời ông. Nó đã gõ cửa và nó đã không tha ông và ông đã sẵn sàng đi theo nó như một định mệnh, như một cái nghiệp không tránh được. Ông mới chỉ bị gọi ra tòa. Xong. Ông chỉ chờ có thế. Đó là cái tin ông mong đợi nó đến. Nó đã đến nên mắt ông tươi sáng hẳn lên, mặt ông hồng hào. Ông sống làm gì nữa? Vào tù ư? Để chịu nhục? Chỉ có cái chết giải thoát ông. Phải chăng đó là cái chết đã định trước? Biến cố 1963 chỉ là giọt nước tràn đầy ly. Ông Ngô Đình Diệm mới chỉ là người trách nhiệm xử án ông Nhất Linh, nhưng trách nhiệm giết ông Nhất Linh chính là bạn bè ông, những người đồng chí của ông, những người nước mắt tiễn đưa ông. Họ tất cả vô tình đã giết ông, vì đã đặt tất cả trách nhiệm lịch sử lên đôi vai ông mà thực sự ông không thể chu toàn được.
Một người mà cả cuộc đời làm chính trị là một thất bại. Đến phút cuối cùng trở thành kẻ chiến thắng bằng chính cái chết của mình. Lịch sử quả là trớ trêu và oan nghiệt.  Dù sao, chết như Nhất Linh chứng tỏ ông là kẻ sĩ của cả một thời đại văn học. Thời đại Nhất Linh như ông từng cân nhắc viết:” Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm những việc mình đã làm, tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự Lực Văn Đoàn và công việc sáng tác”. Bài toán về cái chết của ông coi như đã được giải đáp một phần nào trong lời thú nhận chót của ông.
Ông đã chết vì kỳ vọng của chính mình và của đồng loại ông. Điều chắc chắn là ông đã chết sung sướng và có thể mỉm cười nơi chín suối. Dòng suối đam mê bên những giò lan rừng. 
Nguyễn Văn Lục
Theo http://www.art2all.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chất triết lý của đời sống ...