Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Khách sạn Đà Lạt xưa và nay

Khách sạn Đà Lạt xưa và nay

Thành phố Đà Lạt đã tròn 120 tuổi kể từ thời điểm được chọn là điểm du lịch nghỉ dưỡng. Lợi thế về khí hậu và địa hình cùng nhu cầu du lịch của khách, hệ thống khách sạn (KS) ở thành phố núi đã chuyển biến không ngừng.

Khách sạn đầu tiên ở Đà Lạt 
(Trần Văn Châu chụp năm 1946,  chụp lại)

Gắn sự kiện lịch sử dân tộc 
Năm 1900, toàn quyền Doumer đích thân lên cao nguyên quan sát để có quyết định dứt khoát thiết lập nơi nghỉ mát tại Đà Lạt. Năm 1907, một lữ quán (sala) đầu tiên được thiết lập, sau này trở thành Hotel Du Lac (vị trí Đài phát thanh truyền hình Lâm Đồng bây giờ). 
P.Duclaux - người đã từng đi bằng xe ngựa từ Vinh vào Sài Gòn mất 42 ngày và ghé qua Đà Lạt đã tả lại quang cảnh Đà Lạt năm 1908 như sau: “Đà Lạt! 8 hay 10 mái nhà tranh của người Việt, một nhà sàn cho khách viễn du làm bằng các tấm ván thô sơ…” (Le Dalat de 1908. A cheval dans La Nature Sauvage, Revue Indochine, Số 39, ngày 29/5/1941, trang 5). Có thể hiểu đây là nhà nghỉ đầu tiên ở Đà Lạt.    
Vào năm 1916, một KS đầy đủ tiện nghi được xây dựng, đó là Hotel du Langbian Palace (Dalat Palace Hotel bây giờ). Năm 1922, KS này được khai trương và tới năm 1943, KS Palace được sửa chữa lại như hiện nay. 

KS Dalat Palace đã gắn với một sự kiện lịch sử của dân tộc, đó là Hội nghị trù bị. Theo sử liệu, 7 giờ 45 phút, ngày 16/4/1946, đoàn Việt Nam khởi hành bằng máy bay từ Gia Lâm, Hà Nội. 20 giờ đến Đà Lạt, mọi người về Hotel Du Parc và Hotel LangBian Palace. Hội nghị đại diện 2 chính phủ Việt Pháp tổ chức tại Hotel LangBian Palace và kết thúc vào ngày 11/5/1946. Thành viên Hội nghị Hoàng Xuân Hãn kể lại, khi trở về thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Hoan nghênh phái bộ Hội nghị trù bị. Tuy kết quả chưa đủ, nhưng phái bộ đã làm cho nước Pháp và ngoại quốc biết rõ rằng người nước ta biết tranh đấu, biết công tác và biết đoàn kết…”. Cuộc đấu tranh trên chính trường này là nền tảng để sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tạm ước với ngoại trưởng Pháp tại Fontainebleau (Pháp) vào ngày 14/9/1946.      
 
Những năm 1970
Những năm 1970, Dalat Palace là KS sang trọng nhất ở Đà Lạt. Nội thất trình bày trang nhã, cổ kính theo phong cách phương Tây. Có điện thoại, lò sưởi và phòng tắm nước nóng (nấu bằng điện) cho mỗi phòng. Có nhà hàng, phòng khách danh dự để các chính trị gia, thượng khách tổ chức các cuộc hội họp. 

Sau KS Dalat Palace, Đà Lạt có khá nhiều KS xây dựng mới. KS Mimosa có phòng ăn và bếp cho gia đình đông người và xe du lịch cho khách thuê; KS Thủy Tiên gần trung tâm Hòa Bình; KS Duy Tân có bar dancing. Các KS này đều có phòng tắm nước nóng trong mỗi phòng. Ngoài ra, còn có KS Mộng Điệp ở khu chợ mới; các KS khác rải rác trên một số tuyến đường chính như Sans Souci, Cẩm Đô, Lâm Sơn, Văn Huê. Những KS bình dân như Phú Hòa, Vinh Quang, Hòa Bình, Nam Việt, Tĩnh Tâm, Cao Nguyên, Thanh Ngọc, Thanh Tùng, Lữ quán Sài Gòn…

Và hôm nay
Tại thời điểm Đà Lạt đánh dấu 120 năm hình thành và phát triển, thành phố Đà Lạt có 642 cơ sở lưu trú với 10.864 phòng, 18.945 giường. Trong số 209 KS, có 23 KS từ 3-5 sao với 6.048 phòng và 186 KS từ 1-2 sao. Công suất phòng bình quân trong năm đạt 58%. Số lượng khách đến Đà Lạt ước đạt 4,2 triệu lượt khách, tăng 6,6% so với năm 2012, đạt 98% kế hoạch năm. 

Năm 1995, KS Palace được trùng tu hoàn toàn, tôn tạo lại dáng vẻ tráng lệ nguy nga thuở ban đầu, và là KS 5 sao duy nhất. KS hiện có hơn 2.000 tác phẩm nghệ thuật và công trình điêu khắc trưng bày lộng lẫy, sang trọng trong 43 phòng khách và ở những khu vực công cộng. Các phòng loại deluxe và suite có lò sưởi riêng. Nhà hàng Le Rabelais chuyên phục vụ những món ăn hảo hạng của Pháp. Khoảng năm 2006, KS mở thêm thư viện Rose Library - không gian đọc sách báo và khám phá địa danh Đà Lạt xưa. Ở tầng hầm, quầy bar Larry’s là nơi dành cho các hoạt động giải trí ban đêm; nhà hàng Le Café De La Poste thiết kế như một quán rượu Pháp nhỏ. KS có 4 phòng hội nghị và phòng tiệc, sức chứa hơn 200 người… Đội ngũ cán bộ, nhân viên 250 người, đều qua đào tạo chuyên nghiệp. Giá phòng 2 người mùa thấp điểm, thấp nhất 3,2 triệu đồng, cao nhất 5 triệu đồng. Công suất mùa thấp điểm đạt 30-35%, mùa cao điểm đạt 70-80%. Chị Nguyễn Thị Trâm Anh-phụ trách marketing của KS cho biết, năm 2012, KS đón 1.577 khách Việt Nam và 3.255 khách quốc tế; tính đến tháng 11/2013, có 5.460 khách Việt Nam và 2.826 khách quốc tế đến nghỉ tại Dalat Palace.  

Đà Lạt hiện còn những KS 4 sao mới. KS SamMy hoạt động từ năm 2008 với 100 người phục vụ. Có 102 phòng, giá bình quân phòng 2 người thấp nhất 1 triệu đồng, cao nhất 4 triệu đồng; 3 phòng hội nghị sức chứa từ 100 đến 500 chỗ. Công suất đạt 50%, trong đó 20% là khách quốc tế. Năm 2012 và năm 2013, KS đón gần 20 ngàn lượt khách Việt Nam và quốc tế. KS Sài Gòn - Đà Lạt có 160 phòng với 320 khách; giá phòng đặc biệt 42 triệu đồng, giá phòng thấp nhất 2,7 triệu đồng. KS này có 40% khách quốc tế và trung bình mỗi tháng khoảng 20 hội nghị, hội thảo được tổ chức. KS Ngọc Lan có 91 phòng với 187 khách, thấp nhất 1,7 triệu đồng/ phòng, cao nhất là gần 8 triệu đồng… Lãnh đạo của các KS hạng sang đều cho biết dịp Tuần Văn hóa du lịch và Tết âm lịch 2014 tất cả phòng đã đặt kín chỗ.
Khách sạn 5 sao Dalat Palace hôm nay

Hướng đến du lịch chất lượng cao
Để ngành du lịch Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung phát triển xứng tầm, theo Giám đốc KS SamMy Phạm Xuân Khanh, vấn đề phải giữ được môi trường thiên nhiên như vốn có và giao thông đến Đà Lạt phải thuận lợi. Muốn du khách yêu Đà Lạt, trước hết bản thân người hoạt động ngành KS phải thực sự tâm huyết.  

Đánh giá về hệ thống KS Đà Lạt và Lâm Đồng, Phó giám đốc Sở VHTT-DL Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói: Cơ sở lưu trú của địa phương những năm gần đây có ưu điểm là tăng cả về số lượng và chất lượng phục vụ; cơ sở vật chất càng ngày đạt đến tiêu chuẩn chất lượng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ KS từ 1-5 sao còn ít, đặc biệt là KS 4-5 sao. Với định hướng phát triển du lịch chất lượng cao, hệ thống KS còn nhiều việc cần làm. Đặc biệt là đội ngũ phục vụ biến động thường xuyên nên ảnh hưởng đến chất lượng. Với những KS có khả năng đón khách quốc tế, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ chưa đáp ứng được, nhất là đối với khách người Nga. 

Thời gian qua, ngành VHTT-DL tỉnh đã tổ chức cho 400 học viên là cán bộ quản lý và nhân viên KS tập huấn về trình độ và năng lực chuyên môn - nghiệp vụ. Năm 2014 là năm du lịch quốc gia của Đà Lạt và Tây Nguyên, ngành sẽ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ KS, nhất là cơ sở lưu trú dưới 5 sao. Đồng thời khuyến khích và tăng cường giám sát, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư mạnh về cơ sở vật chất. Đà Lạt sẽ xây dựng thêm 1-2 KS đạt tiêu chuẩn 5 sao. “Du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng phải hướng đến chất lượng KS cao cấp, phát huy du lịch hội nghị, hội thảo quốc tế…”, bà Ngọc nói.              
 23/1/2014
Minh Đạo 
Theo http://baolamdong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...