Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Luận về cố nhân

Luận về cố nhân

Cuộc sống của mỗi chúng ta luôn gắn liền với hiện tại, quá khứ và tương lai. Theo một cảm giác thông thường, hiện tại là cái khiến người ta phải quan tâm nhiều hơn cả, và tương lai là những thứ buộc phải nghĩ đến cũng như đối mặt. Quá khứ là những gì đã trôi qua, được xem là tiền đề cho hiện tại. Có những quá khứ đẹp đẽ nhưng cũng có không ít những quá khứ xót xa.
Và khi người ta đang sống trong hiện tại, họ không chỉ nhớ về những câu chuyện, những sự kiện đã từng xảy đến trong đời mà còn nhớ về cả những hình bóng con người. Có những hình bóng vẫn còn dễ dàng gặp gỡ hàng ngày nhưng cũng có những bóng hình đã chìm khuất nơi chân trời góc bể. Và bất chợt một ngày nào đó, lòng ta thốt lên hai tiếng: cố nhân.
1. Cố nhân vốn là một từ gốc Hán, có nghĩa gốc tương đương với “bạn cũ”, không phân biệt người bạn ấy là nam hay nữ. Thế nên trong thơ Đường, nhiều cuộc chia tay giữa những người đàn ông vẫn dùng từ này, như cuộc tiễn biệt của Lý Bạch với Mạnh Hạo Nhiên bên lầu Hoàng Hạc: Cố nhân tây từ Hoàng hạc lâu/ Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu/ Cô phàm viễn ảnh bích không tận/ Duy kiến trường giang thiên tế lưu (Bạn từ lầu Hạc lên đường/ Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng/ Bóng buồm đã khuất bầu không/ Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời). Trong một bài thơ khác, Vương Duy cũng dùng chữ “cố nhân” khi chia tay với một người huynh đệ: Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu/ Tây xuất Dương Quan vô cố nhân (Anh ơi hãy cạn ly này nhé/ Qua khỏi Dương Quan ai cố nhân). Thế nhưng khi đi vào tiếng Việt, hai chữ “cố nhân” được cấp thêm một ý nghĩa nữa, đó là “người yêu cũ”. Trong Truyện Kiều, ở đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán, Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều dùng chữ “cố nhân” khi nói lời biết ơn với Thúc Sinh, nhưng cực kỳ tinh tế khi có sự phân biệt về sắc thái với chữ “người cũ” được dùng ngay trong cùng một trường đoạn giao tiếp: Nàng rằng: “Nghĩa nặng nghìn non/ Lâm Truy người cũ chàng còn nhớ không?/ Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng/ Tại ai há dám phụ lòng cố nhân?”.
Hai chữ “người cũ” (thuần Việt) vẫn như muốn giữ nguyên vẹn sắc thái gần gũi, tình cảm tha thiết bên nhau ngày nào. Nhưng đến hai chữ “cố nhân” (Hán Việt) thì rõ ràng khoảng cách bị nới ra, xa nhau hơn. Âu cũng là điều dễ hiểu bởi Thúy Kiều hiện tại không còn là người hồng nhan bên gối Thúc Sinh nữa, mà nàng đã trở thành vợ của Từ Hải - một người anh hùng thời loạn, người đã giúp nàng có cuộc báo ân báo oán trong ngày hôm nay. “Có một từ nữa rất gần với “cố nhân” và “người cũ”, đó là “người xưa”. “Người xưa” giống “cố nhân” ở chỗ đều đã trở thành những hình bóng của quá khứ, nhưng về mặt âm hưởng, hình như chữ “người xưa” lắng đọng và xa vắng, còn “cố nhân” réo gọi và vang vọng. Một trong những nguyên nhân dẫn tới điều này, theo chúng tôi, là do sự phân biệt về âm vực giữa hai tiếng “cố” (thanh sắc, âm vực cao) và tiếng “người” (thanh huyền, âm vực thấp): Ôi, đôi mắt người xưa, bao lần khóc ướt vai tôi, trong những đêm nghẹn ngào (Đôi mắt người xưa - Nhạc và lời: Ngân Giang).
2. Sang nửa đầu thế kỷ XX, hai chữ “cố nhân” xuất hiện trong thơ Phan Bội Châu, một danh sĩ và cũng là một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Việt Nam. Khi bị thực dân Pháp bắt giam tại Thượng Hải và giải về nước xử án tù chung thân năm 1925, ông đã viết ba bài Tuyệt mệnh kỳ thi trong nhà ngục và ở bài Tuyệt mệnh kỳ thi số 3, hai chữ “cố nhân” đã hiện lên với một niềm đau đớn xót xa, thể hiện nỗi bất lực của một người mang chí lớn mà giờ đây đại nghiệp không thành: Thủ tâm vị liễu, thân tiên liễu/ Tu hướng tuyền đài diện cố nhân (Lòng này chưa hả thân đã chết/ Thẹn xuống tuyền đài gặp cố nhân). Như vậy, chữ “cố nhân” trong thơ Phan Bội Châu vẫn rất gần với nguyên nghĩa của từ này trong chữ Hán chứ không mang thêm ý nghĩa chỉ người bạn khác giới có quan hệ tình cảm.
Theo chúng tôi, một phần quan trọng của hệ quả này là do tác phẩm của cụ Phan được viết bằng chữ Hán, nên sự trung thành với nguyên nghĩa của từ vựng cũng là điều dễ hiểu, khác với Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm, nên hai chữ “cố nhân” đã có sự biến đổi về ý nghĩa. Một thi sĩ lãng mạn nổi tiếng là Vũ Hoàng Chương cũng dùng chữ “cố nhân” tới hai lần trong một bài thơ của mình sau 1945, và chữ “cố nhân” ở đây vẫn mang nghĩa nguyên bản, chỉ người bạn cũ: Nhớ đêm nào, gác dì Năm/ Lời thơ ai đẹp, tiếng cầm ai say/ Tang thương một cuộc ai bày/ Giấc mơ màng để trắng tay Lưu Thần/ Xa cố đô, vắng cố nhân/ Trái tim mềm trĩu hai lần nhớ thương (…) Xót đòi cơn! Nhớ làm sao/ Cố nhân ơi có đêm nào nữa không (Xa gửi người xưa, tập thơ Hoa đăng, 1959). Thế nhưng thi sĩ lãng mạn dùng nhiều chữ “cố nhân” hơn cả trong các tác phẩm của mình phải kể đến Nguyễn Bính. Trong 272 thi phẩm trước Cách mạng có tới 11 bài thơ xuất hiện chữ “cố nhân”, đó là các bài: Trời mưa ở Huế, Xây hồ bán nguyệt, Nửa đêm nghe tiếng còi tàu, Rừng mai xa cách, Cho tôi ly nữa, Xuân tha hương, Mùa đông nhớ cố nhân, Mùa đông gửi cố nhân, Cố nhân, Hương cố nhân và Nhạc xuân. Hầu hết ở mỗi bài, chữ “cố nhân” chỉ xuất hiện một lần, nhưng riêng bài Nhạc xuân, chữ “cố nhân” xuất hiện một cách tràn ngập như một réo gọi, như một ám ảnh, trở đi trở lại trong 6 khổ thơ liên tiếp: Hôm nay là xuân mai còn xuân/ Xuân đã sang đò nhớ cố nhân… Phơi phới mưa sa nhớ cố nhân… Lăng lắc đường xa nhớ cố nhân… Một cánh đào rơi nhớ cố nhân… Pháo đỏ đầy thềm nhớ cố nhân… Rượu uống say rồi nhớ cố nhân… Ta viết thơ này gửi cố nhân.
Chữ “cố nhân” trong thơ Nguyễn Bính được sử dụng khác đa dạng về sắc thái và những biểu cảm tâm trạng. Lúc thì nuối tiếc xót xa, nhưng cũng có lúc nhiều oán thán, hờn trách và chua chát: Cố nhân chẳng biết làm sao ấy/ Rặt những tin đồn chuyện bướm ong (Xuân tha hương), Cố nhân này hỡi cố nhân/ Hồn trinh bán được một lần đấy thôi (Xây hồ bán nguyệt), Cố nhân chẳng khóa buồng xuân lại/ Vung vãi ân tình khắp đó đây (Giời mưa ở Huế). Cố nhân có khi hiện lên như một niềm tuyệt vọng: Xây bao nhiêu mộng thế mà/ Đến nay phải gọi người là cố nhân (Cố nhân). Và đậm đặc nhất vẫn là nỗi nhớ về một bóng hình đã xa cách nghìn trùng, không gì níu lại được: Cho tôi ly nữa, thêm ly nữa/ Uống thật say rồi nhớ cố nhân (Cho tôi ly nữa), Mưa phùn gió bấc cố nhân ơi/ Áo rét nàng đan lỡ hẹn rồi/ Sông lạnh khi nàng ra giũ lụa/ Vớt giùm trong nước lấy hồn tôi (Mùa đông gửi cố nhân).
3. Thơ Việt sau 1975, chữ “cố nhân” vẫn hiện về với nhiều nỗi niềm. Trong thơ của Hoài Khanh, cố nhân quay về với nghĩa nguyên thủy là bóng hình bạn cũ: Cố nhân chưa vẹn câu thề/ Sắt son là mảnh hồn quê ngậm ngùi/ Vào thu mây trắng tim rồi/ Đêm sâu bỗng lạnh tiếng cười tri âm (Dâng rừng). Trong thơ Hà Huyền Chi và Nguyễn Tường Vân, nhân là hình bóng người con gái đầy khắc khoải khôn nguôi, day dứt mãi trong lòng người ở lại: Người không lẽ cũng lòng cây dạ đá/ Khúc tao phùng lạc giọng cố nhân ơi (Tận tuyệt - Hà Huyền Chi), Giữa mùa đông em giấu mình vào tóc/ Cố nhân đi lạnh mãi bến sông chiều…
Đêm tựa cửa nhìn vầng trăng nhòa nhạt/ Ở nơi xa cố nhân có thấy trăng (Có khi nào). Và trong thơ Hồng Thanh Quang, cố nhân vừa là bóng hình của quá khứ, lại cũng vẫn hiện về trong hiện tại, nhưng tất cả đã khác xưa. Ta hiểu rằng, có những điều trong cuộc đời chỉ một đi không trở lại, mãi ngoài tầm tay với, giống như tấm vé chỉ có một chiều mà chẳng có khứ hồi: Lại chia tay nữa sao đành/ Ơi người đã trót phải thành cố nhân (…) Thời trai ta đã qua rồi/ Cố nhân mái tóc giờ thôi bỏ dài (Cố nhân). Còn với Nguyễn Hùng Vỹ, “cố nhân” từ chỗ chỉ người đã được chuyển vị sang dành cho cơn gió, tạo nên một diễn đạt thật độc đáo: Gửi về cho chị Tây Hồ lạnh/ Gió cố nhân lùa liễu ho khan (Gửi chị).
4. Sẽ thật thiếu sót nếu chỉ nhắc đến “cố nhân” trong thơ mà bỏ qua “cố nhân” trong nhạc. Tôi muốn nhớ về những tình khúc vang bóng một thời, mà ở đó, phần ca từ cũng đẹp như những lời thơ. Tuyệt phẩm xuất thần mang tên Hoài cảm mà nhạc sĩ Cung Tiến viết năm 14 tuổi (1952) mãi là một trong những đỉnh cao của âm nhạc lãng mạn Việt Nam. Chữ “cố nhân” hai lần xuất hiện trong phần ca từ của bài hát, gợi bao nỗi niềm thổn thức đau đáu muôn trùng: Chờ nhau hoài cố nhân ơi/Sương buồn che kín ngàn đời (…) Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa. Và một tình khúc nổi tiếng nữa có hai chữ “cố nhân” xuất hiện ngay từ nhan đề là một nhạc phẩm của Song Ngọc mang tên Xin gọi nhau là cố nhân với các giọng ca vàng son một thuở như Giao Linh, Trường Vũ, Tuấn Vũ, Chế Linh cho tới những giọng ca đương đại như Quang Lê, Bằng Kiều, Đan Nguyên… đã làm mủi lòng bao trái tim người nghe nhạc Việt: Tôi trở về đây với con đường xưa. Đâu bóng người thương cố nhân về đâu. Tiếng buồn chợt đâu đây vọng đưa. Công viên lạnh lùng hoang vắng. Ngọn đèn đêm đứng im cúi đầu (…) Nỗi niềm chuyện tâm tư người ơi. Xin ghi nhạc lòng thương nhớ. Mình gọi nhau cố nhân u sầu. Ôi hai tiếng cố nhân, có lẽ ngàn năm vẫn còn vang vọng trong hồn ta… 
27/1/2018
Đỗ Anh Vũ
Theo http://daidoanket.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...