Một lời cám ơn và một lời chúc mừng
Tôi cám ơn ông Hoàng Ngọc-Tuấn đã chỉ ra hai sai sót trong bài
viết của tôi: tên tác giả Jencks tôi viết sai là Djenks, tên tác
phẩm là Ngôn ngữ kiến trúc hậu hiện đại tôi sót mất từ “hậu”. Nếu như
nơi ấn loát có một biên tập viên trình độ như ông hoặc bằng một phần nửa ông
thì hai sai sót “khủng khiếp” này đã được sửa một cách ngon lành, tôi khỏi bị rầy
rà và ông cũng đỡ mất thì giờ viết bài chỉ trích.
Còn khuyết điểm thứ 3 ông quy kết hơi vội. Nhận định “Thuật ngữ ‘chủ nghĩa hậu
hiện đại’ lần đầu tiên xuất hiện năm 1977, trong cuốn sách Ngôn ngữ kiến
trúc hậu hiện đại của Charles Jencks” được đưa vào một đoạn văn [1] của bài bàn lướt
qua về lịch sử nghệ thuật kiến trúc hiện đại. Nói một cách khác, “thượng
hạ văn” của nhận định nói trên đều bàn về kiến trúc hiện đại. Tôi muốn
ông Hoàng Ngọc-Tuấn dẫn ra những công trình bàn về kiến trúc hiện đại xuất
bản trước tác phẩm của Jencks và đã có sự xuất hiện của thuật ngữ “chủ nghĩa hậu
hiện đại”. Ông chỉ đưa ra những công trình trước 1977 có nói đến từ “chủ nghĩa
hậu hiện đại” nhưng lại bàn về những lĩnh vực khác: tâm lý, văn hóa, hội họa,
triết học, âm nhạc, thơ ca, văn học. Như vậy trong khi tôi đặt vấn đề:
“trong lĩnh vực kiến trúc hiện đại từ chủ nghĩa hậu hiện đại lần
đầu tiên xuất hiện trong công trình nào?” thì ông Hoàng Ngọc-Tuấn lại đưa ra một
vấn đề khác: “trong các lĩnh vực văn hóa từ chủ nghĩa hậu hiện đại lần
đầu tiên xuất hiện trong công trình nào?” Ở đây có một sự đánh tráo vấn đề.
Thực ra nói rằng thuật ngữ “hậu hiện đại” lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn
sách nói trên của Jencks vẫn còn là yếu, cần phải khẳng định Jencks là“nhà phê
bình lần đầu tiên định nghĩa chủ nghĩa hậu hiện đại trong kiến trúc, một biến cố
đã dẫn đến sự định nghĩa tiếp theo của nó trong nhiều lĩnh vực…” (Nguồn: AKAA)
và Jencks “đồng nghĩa với khái niệm Hậu hiện đại trong kiến trúc, bởi ông là
người đầu tiên triển khai những ý tưởng này trong diễn ngôn kiến trúc với cuốn
sách của ông…” (chuyển dẫn từ “Charles Jencks: Being Iconic”, Archinect Features, 11.12.2005)
Có một điều không đẹp là ông Hoàng Ngọc-Tuấn dẫn ý kiến của tôi không trung thực.
Ông đưa những cứ liệu chính xác chứng minh rằng từ postmodernism đã
được “đẻ” ra từ năm 1870. Và hai lần ông quy cho Hoàng Ngọc Hiến khẳng định
“ông Charles Jencks đã đẻ ra từ ‘postmodernism’ vào năm 1977…” Tôi chưa bao giờ
nói ông Charles Jencks đã đẻ ra từ này. Ai đó đã đẻ ra nó, nhưng trong lịch sử
kiến trúc hiện đại, từ này lần đầu tiên xuất hiện năm 1977, trong một công
trình của Charles Jencks.
Để hiểu rõ bài của ông Hoàng Ngọc-Tuấn về “Một
quái trạng văn hóa”, ngoài phần học thuật, cần hiểu thêm tâm thuật và khẩu
khí của ông. Trong bài này học thuật của ông chung quy là sự liệt kê trong hơn
4 trang A4 thư mục những bài có liên quan đến đề tài chủ nghĩa hậu hiện đại (thời
buổi Google, 4 trang không phải là nhiều đâu). Về tâm thuật và khẩu khí của
ông, tôi đã có dịp trình bày ý kiến của tôi trong cuộc tranh luận giữa ông và
tôi mùa Hè năm 2000, các bài được đăng trên những số Hợp Lưu 50, 51,
52, 53… năm 2000. Các bạn độc giả quan tâm đến vấn đề này có thể đọc lại mấy số Hợp
Lưu nói trên. Có mấy vấn đề, tôi trình bày lại tóm tắt như sau.
1. Trong một bài báo đăng trên Hợp Lưu, tôi có trích dẫn một đoạn
trong một bài mục có trong CD Bách khoa Encarta 98. Bộ Bách khoa của tôi
phiên bản Deluxe Edition. Ông Hoàng Ngọc-Tuấn chúi mũi tìm trong một bộ Bách
khoa Encarta phiên bản thường và không thấy bài mục có đoạn trích dẫn
của tôi. Ông cho rằng tôi đã bịa ra đoạn trích dẫn và cho công bố ngay một bài
báo với một tít rất giật gân: “Sáng chế tài liệu giả: một hiện tượng phản trí
thức đáng chê trách trong văn học Việt Nam đương đại”; sự kiện nổi bật trong
bài báo này là: Ông Hoàng Ngọc Hiến, một “nhà trí thức nổi danh quốc nội” chỉ
vì “muốn giành phần thắng trong cuộc tranh luận với một câu viết của ông
Nguyễn Hưng Quốc” “đã liều lĩnh thực hiện một hành động cực kỳ phản trí thức là
chế tạo tài liệu giả” (xem Hợp Lưu số 53, tr. 24). Đến lúc tôi xuất
trình văn bản chính bản thì tác giả bài báo ở vào tình thế lố bịch của một người
“vồ hụt”. Thực ra trong tình thế này ông là người đáng thương hơn là đáng
trách. Trong vụ này, ông có hai lần “vồ hụt” nữa thật là đáng trách, và hai lần
này sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn bài báo “Một quái trạng văn hóa” và tác giả của
nó.
2. Ông đinh ninh rằng đoạn văn trích dẫn trong bài của tôi là do tôi, một
học giả “quốc nội” bịa ra; thế là về một đoạn chỉ dăm chục từ, ông tuôn ra một
loạt nhận xét phỉ báng: “đặt nhan đề… vụng về”, “không thể tưởng tượng… lại tệ
đến thế”, “lời lẽ tán dương thừa thãi”, “ngớ ngẩn”, “thực là buồn cười”, ”rất
đáng ngờ”… (xem Hợp Lưu số 53, tr. 22). Thực ra, đoạn văn ấy do một học
giả Mỹ biên soạn, một học giả Mỹ có thể sai nhưng không thể sai một cách thảm hại
như ông Hoàng Ngọc-Tuấn phỉ báng, văn bản còn sờ sờ ra đấy; sở dĩ ông dám lộng
ngôn vì ông nghĩ rằng đoạn văn này do một Hoàng Ngọc Hiến “quốc nội” bịa đặt.
Như vậy, ông Hoàng Ngọc-Tuấn nhìn người để phê phán chứ không dựa vào văn bản,
một cách phê bình thảm hại cả về mặt học thuật lẫn tâm thuật.
3. Trong một bài báo, tôi có trích dẫn một câu 3 dòng của nhà nghiên cứu W.J.T.
Mitchell. Để chứng tỏ trình độ tiếng Anh và trình độ lý luận của mình, ông
Hoàng Ngọc-Tuấn đã dịch lại. Trong bài báo “Trí thức là gì vậy?” (Hợp Lưu số
53) tôi đã chỉ ra, trong một câu 3 dòng ông đã dịch sai 2 chỗ, một chỗ đặc biệt
nghiêm trọng là từ moment như là một khái niệm triết học bị ông dịch
là “khoảnh khắc” (nghĩa thông thường). Dĩ nhiên tôi sẽ không không căn cứ vào
những chỗ sai này để nói rằng ông Hoàng Ngọc-Tuấn chỉ đáng trình độ phổ thông
hoặc sinh viên năm thứ nhất.
Einstein có một lời phán rất hay về “trí thức”: “Chúng ta phải lưu tâm đừng
có làm cho trí thức (intellect) thành Thượng đế của chúng ta; đương nhiên nó có
cơ bắp mạnh mẽ đấy, nhưng không có personality.”
Cơ bắp trí thức của ông Hoàng Ngọc-Tuấn không tồi. Trong bài “Phản tri thức
trong tranh luận văn học” của một ký giả ngoài nước (lâu ngày tôi quên mất xuất
xứ), những thành tựu nghiên cứu của ông được đánh giá cao:
Những bài viết gần đây nhất của ông Hoàng Ngọc-Tuấn, như “Vấn đề cái mới trong tiểu thuyết thế kỷ 20”, “Viết: từ hiện đại đến hậu hiện đại”…, không thể phủ nhận,
là những bài viết rất công phu, đóng góp lớn trong việc truyền bá những tư tưởng
triết học và lý luận phê bình văn học tiên tiến của thế giới cho văn học Việt
Nam.
Về personality của ông, thì có đấy, nhưng nó chật chưỡng, đôi khi cảm
thấy là faux. Chính ký giả bài báo nói trên nhận định về personality của
ông như sau:
… Cũng với thái độ đạo đức giả như vậy, ông Tuấn “cảm thấy khổ tâm vì biết rằng,
từ nay về sau, chắc chắn tôi sẽ không còn hoàn toàn yên tâm khi đọc những bài
viết ngay cả của những tên tuổi khả kính trong văn học Việt Nam đương đại”.
Ông thừa biết rằng, với tư cách một người đọc chuyên nghiệp và một con người biết
suy nghĩ, không ai hoàn toàn yên tâm khi đọc bài viết của bất cứ ai, bất cứ tên
tuổi khả kính nào, không chỉ của Việt Nam mà của toàn thế giới… Đối với người đọc
có lý trí, không có những tên tuổi khả kính, chỉ có văn bản và văn bản. Ông khổ
tâm như vậy là thừa!
Không dừng lại ở chỗ đó, ông Tuấn còn đi xa hơn trong việc quy chụp cho hiện tượng
trên là “một căn bệnh của tình trạng đói kiến thức dài lâu trong một đất nước
nghèo nàn và bưng bít… vì chỉ ở một đất nước thiếu nguồn thông tin và kiến thức
trầm trọng thì người ta mới có thể dám đánh lừa nhau bằng những thông tin giả
và kiến thức mạo hóa”… Một đất nước như ông nói, “nghèo nàn và bưng bít”, nên rất
cần những cánh tay bao dung giúp đỡ, chứ không phải một thái độ phỉ báng.
Tóm lại so cung cách viết lần này của ông với cung cách viết của ông năm 2000,
có sự tiến bộ. Lần trước ông “vồ” 3 lần, hụt cả 3 và hụt một cách tẽn tò. Lần
này ông vồ 4 lần, trúng 2 (sót chữ “hậu” và viết sai tên Jencks), hụt 2; lần
trước ông lớn tiếng vu khống một người tiêu tiền thật là làm “bạc giả”, một tội
“tầy trời”; lần này ông chỉ lèm nhèm chút ít: đánh tráo vấn đề, trình bày không
trung thực ý kiến của người mà ông phê bình. Ở ông sự tiến bộ này là đáng kể,
xin có lời chúc mừng.
Chú thích:
[1] Đoạn văn này như sau: “Trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc hiện đại có một
bước ngoặt quan trọng mà lướt qua có thể đem lại một gợi ý thú vị về mỹ học hậu
hiện đại trong truyện và phim truyện.
Chủ nghĩa hiện đại trong ngành kiến trúc thể hiện tập trung ở phong cách
quốc tế đặc biệt phát triển trong những năm 60. Phong cách quốc tế chỉ
quan tâm đến những hình, những khối hình học trong kiến trúc, gạt bỏ một cách
tàn nhẫn những yếu tố trang trí, sự đa dạng trong tạo dáng.
Đến cuối những năm 70, có nhiều kiến trúc sư bắt đầu bực mình với sự hạn chế, sự
đơn điệu của phong cách quốc tế. Họ đề xướng việc khai thác những khả năng
trang trí, những khả năng tạo dáng luôn luôn đổi mới, đưa ra những kết cấu tự
do hơn, phăng-te-di hơn. Thực chất của đề xướng này là sự quan tâm đến thị
hiếu của công chúng đông đảo: phải có trình độ bác học mới thưởng thức
được cái đẹp của những tỷ lệ hình khối, còn thị hiếu của công chúng đông đảo
thì hướng về những khả năng trang trí và tạo dáng cụ thể.
Thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại lần đầu tiên xuất hiện năm 1977, trong cuốn
sách Ngôn ngữ kiến trúc hậu hiện đại của Charles Jencks.
Cốt lõi của chủ nghĩa hậu hiện đại thể hiện ở sự đánh giá lại giá trị kiến trúc
của toà đèn Parthenon, một công trình kiến trúc Hy Lạp cổ đại nổi tiếng (xây khoảng
giữa TK 5 trước C.N.). Hàng chục thế kỷ nay, nghệ thuật kiến trúc của tòa đền
được ca ngợi ở những tỷ lệ toán học trong kết cấu của nó, cuối cùng đã được đề
lên thành điển chuẩn (canoniser)và những phẩm giá này chỉ những chuyên gia, những
người có trình độ văn hóa kiến trúc cao mới thưởng thức được. Nhưng nghệ thuật
kiến trúc của Parthenon không chỉ có vậy. Thời cổ, nó được sơn mầu xanh
lam, mầu đỏ sẫm, trên trán tường và phần trên các cột có đắp phù điêu thếp
vàng minh họa những sự tích thần thoại, những môtíp truyền thuyết là những
điều rất quen thuộc, hấp dẫn với những khán giả thông thường. Những trang trí
này, mấy vị nghệ sĩ “cao đạo” (đặc tuyển) sẵn sàng bĩu môi chê là “cu cò”,
nhưng đại chúng lại rất thích. Quan điểm nghệ thuật của chủ nghĩa hậu hiện đại
gắn liền với bài học rút ra từ sự đánh giá lại kiến trúc của Parthenon: nghệ
thuật cổ đại cổ điển “là sự mã hóa chí ít ở hai cấp: cho quần chúng nhân dân
đông đảo và cho phạm vi hẹp những người sáng tác”. Chủ nghĩa hậu hiện đại làm nổi
bật nhược điểm của chủ nghĩa hiện đại: hướng về một công chúng “lý tưởng” không
có trong thực tế hoặc chỉ gồm một số ít người đặc tuyển và loại trừ lợi ích của
những người tiêu dùng cụ thể, không tính đến thị hiếu của công chúng đông đảo.
Chủ nghĩa hiện đại trong ngành kiến trúc thể hiện tập trung ở phong cách
quốc tế đặc biệt phát triển trong những năm 60. Phong cách quốc tế chỉ
quan tâm đến những hình, những khối hình học trong kiến trúc, gạt bỏ một cách
tàn nhẫn những yếu tố trang trí, sự đa dạng trong tạo dáng.
Đến cuối những năm 70, có nhiều kiến trúc sư bắt đầu bực mình với sự hạn chế, sự
đơn điệu của phong cách quốc tế. Họ đề xướng việc khai thác những khả năng
trang trí, những khả năng tạo dáng luôn luôn đổi mới, đưa ra những kết cấu tự
do hơn, phăng-te-di hơn. Thực chất của đề xướng này là sự quan tâm đến thị
hiếu của công chúng đông đảo: phải có trình độ bác học mới thưởng thức
được cái đẹp của những tỷ lệ hình khối, còn thị hiếu của công chúng đông đảo
thì hướng về những khả năng trang trí và tạo dáng cụ thể.
Thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại lần đầu tiên xuất hiện năm 1977, trong cuốn
sách Ngôn ngữ kiến trúc hậu hiện đại của Charles Jencks.
Cốt lõi của chủ nghĩa hậu hiện đại thể hiện ở sự đánh giá lại giá trị kiến trúc
của toà đèn Parthenon, một công trình kiến trúc Hy Lạp cổ đại nổi tiếng (xây khoảng
giữa TK 5 trước C.N.). Hàng chục thế kỷ nay, nghệ thuật kiến trúc của tòa đền
được ca ngợi ở những tỷ lệ toán học trong kết cấu của nó, cuối cùng đã được đề
lên thành điển chuẩn (canoniser)và những phẩm giá này chỉ những chuyên gia, những
người có trình độ văn hóa kiến trúc cao mới thưởng thức được. Nhưng nghệ thuật
kiến trúc của Parthenon không chỉ có vậy. Thời cổ, nó được sơn mầu xanh
lam, mầu đỏ sẫm, trên trán tường và phần trên các cột có đắp phù điêu thếp
vàng minh họa những sự tích thần thoại, những môtíp truyền thuyết là những
điều rất quen thuộc, hấp dẫn với những khán giả thông thường. Những trang trí
này, mấy vị nghệ sĩ “cao đạo” (đặc tuyển) sẵn sàng bĩu môi chê là “cu cò”,
nhưng đại chúng lại rất thích. Quan điểm nghệ thuật của chủ nghĩa hậu hiện đại
gắn liền với bài học rút ra từ sự đánh giá lại kiến trúc của Parthenon: nghệ
thuật cổ đại cổ điển “là sự mã hóa chí ít ở hai cấp: cho quần chúng nhân dân
đông đảo và cho phạm vi hẹp những người sáng tác”. Chủ nghĩa hậu hiện đại làm nổi
bật nhược điểm của chủ nghĩa hiện đại: hướng về một công chúng “lý tưởng” không
có trong thực tế hoặc chỉ gồm một số ít người đặc tuyển và loại trừ lợi ích của
những người tiêu dùng cụ thể, không tính đến thị hiếu của công chúng đông đảo.
29/10/2008Hoàng Ngọc Hiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét