Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Vầng trăng đơn độc

Vầng trăng đơn độc

Trống canh ba vừa điểm. Trăng thượng tuần treo đơn độc giữa mây trời xám xịt. Hà thành chìm trong bóng đêm, heo hút xa xa một vài đốm sáng lẻ loi không đủ sức soi rõ vạn vật. Gác chỉ có năm con người, Tuần phủ Hoàng Hữu xứng, Đề đốc Lê Văn Trinh, Bố chính Phan Văn Tuyển, Án sát Tôn Thất Bá, Lãnh binh Lê Trực. Tổng đốc Hoàng Diệu mặc quốc phục ngồi ghế giữa.

- Anh em - Tổng đốc nói, thế nước đang biến động từng canh, từng khắc, Henri Riviere vừa cho lính và chiến hạm tiến sát Hà Nội để bao vây chúng ta, yêu cầu đến 8 giờ sáng ngày mai phải phá hết hệ thống phòng thủ, giải giáp binh sĩ, các quan tự ra khỏi thành để trình diện và mở cửa thành cho quân Tây vào kiểm kê. Án sát Bá đã được ta giao nhiệm vụ điều đình với quân Tây nhưng mọi việc không thành. Năm anh em chúng ta đã từng uống máu thề đồng cam cộng khổ, quyết một lòng sống chết với thành. Hơn hai năm qua ta chưa một lần được ăn ngon ngủ yên vì phải tập trung tâm sức cho việc xây dựng hệ thống phòng thủ Hà thành, chưa một lần được về thăm quê, thăm mẹ già vì phải lo cho xong nghĩa vụ lớn đối với đất nước. Bây giờ, thế nước dầu sôi lửa bỏng, ta xin anh em hãy xích lại gần nhau hơn nữa, mỗi người góp cho một sáng kiến giữ thành.
Sau khi ném viên cuội thăm dò vào lòng hồ dậy sóng, quan Tổng đốc nhấp một ngụm trà, ý tứ quan sát các chiến hữu. Tiếng con dế gáy đâu đó vọng vào nghe khá rõ. Án sát Bá vừa nói vừa nhìn vu vơ qua ô cửa sổ:
- Cách tốt nhất bây giờ là ta phải tiếp tục khẩn xin viện binh triều đình. Thế lực của quân Tây đang rất mạnh, ta so với họ chẳng khác nào trứng chọi đá. Vô lẽ triều đình lại không thấy được điều đó?
- Xin viện binh thì chúng ta đã từng, nhưng mấy tháng nay chẳng thấy triều đình hồi âm. Phe chủ hòa đang cố tình làm xao lãng hoặc chậm đi cơ hội chiến đấu. Bây giờ nước đã đến trôn, không còn cách nào khác hơn là quyết chiến đến cùng - Lãnh binh Trực vừa nói vừa nắm bàn tay cuộn tròn lại thành một cục săn chắc, đặt lên bàn.
- Hay là ta cứ theo binh pháp của người xưa mà tính kế “người không thành trống”. Cứ cho thân nhân, binh sĩ lặng lẽ rút êm ra khỏi thành để bảo tồn lực lượng, sau đó ta tính tiếp kế hoạch phản công lâu bền. Như thế vừa tiết kiệm được xương máu, công của, vừa làm cho quân Tây không biết đâu mà lường.
- Ý của quan Bố chính khá hay - Tuần phủ xứng lên tiếng -  Xưa cha ông ta cũng đã từng áp dụng chiến thuật “vườn không nhà trống” mà đánh thắng quân Nguyên. Nay tình thế một chọi hai buộc ta phải biết lấy nhu thắng cương, nhược thắng cường.
Tổng đốc ngồi nghe kỹ từng lời, quan sát kỹ từng ánh mắt của các chiến hữu đã từng buồn vui chia sẻ, sống chết quyết cùng nhau dưới trướng. Tay phải của quan Tổng vuốt từng sợi râu cằm như cố vân vê, trân quý từng chút gió góp nhau thành bão. Lâu sau Tổng đốc mới rót từng lời châu ngọc bằng chất giọng Quảng Nam nghe hơi là lạ:
- Anh em, đến lúc này thì ta không còn có thể trông cậy vào sự cứu viện của triều đình được nữa rồi. Hơn hai năm trấn thủ Hà - Ninh, ta đã nghĩ đến cái ngày tự mình phải mạnh lên, tự mình phải đủ sức giữ thành. Tư tưởng nương nhờ, ỷ lại sẽ giết chết dũng khí trong mỗi chúng ta. Anh em thấy đó, những ngày cùng sống với nhau tại đất Bắc kỳ, không một phút nào là ta không trăn trở, không thao thức về một nội lực dân - quan - quân thật hùng mạnh. Chúng ta đã gầy dựng được bước đầu một sức mạnh từ gốc rễ, từ niềm tin trong dân. Tiếc thay, thời gian quá ngắn mà thử thách lại quá lớn… Nhưng chúng ta nhất định không thể hèn nhát đầu hàng giặc, không thể bỏ thành. Tôi thà đi theo cụ Nguyễn (Nguyễn Tri Phương) chứ nhất định không bỏ thành… Còn áp dụng kế sách người không thành trống ư? Mới nghe thì có vẻ hay, nhưng anh em phải biết rằng giặc Pháp đang ở thế nước lên. Lần lượt ba tỉnh miền Đông rồi miền Tây Nam kỳ mất trọn. Đánh Bắc kỳ lần nhất, triều đình lại tiếp tục nhượng bộ cho giặc quá nhiều. Được thế, giặc càng ngày càng lấn tới. Chúng ta nên biết, thành Hà Nội như cuống họng của Bắc kỳ. Nếu thành vỡ, đất Bắc sẽ lần lượt mất. Phàm muốn ngăn nước phải ngăn từ những giọt đầu tiên, để vỡ bờ như triều dâng, thác đổ thì còn trở tay sao kịp. Từ giờ phút này, ta phát lệnh đóng chặt cổng thành, nội bất xuất ngoại bất nhập, củng cố kỹ chiến hào, tuần tra nghiêm mật từng ngóc ngách thành quách, sẵn sàng chiến đấu…
Trống điểm canh bốn, bóng Tổng đốc cùng bốn chiến hữu thân cận vẫn tiếp tục di chuyển mờ tỏ trên những mô đất nhấp nhô, những vọng gác vươn cao ở khắp bốn mặt Hà thành. Tại hành cung, vị quan chép sử đang đốt đèn cầy ngồi ghi từng chi tiết của đêm 24 tháng 4 không ngủ.
Gà eo óc gáy quanh thành. Tổng đốc Hoàng Diệu đến rút con roi dâu được treo cẩn trọng trong phòng ngủ, ngắm nghía. Nghe thấm nỗi cô đơn vì nhớ quê, nhớ mẹ, ông bước đến tựa cửa sổ nhìn về hướng Nam. Cái làng Xuân Đài trũng nước, vườn dâu mướt xanh, nong kén vàng ươm, người mẹ hiền cầm cây roi dâu nhịp nhịp rồi khóc, đồng lúa thơm mùi rạ đốt, mùi bùn non và mùi mồ hôi cha mẹ, anh em… Tất cả tràn về theo lời nhắc của mẹ: “Làm quan trước hết phải biết an dân, dân có an thì nước mới vượng. Thời buổi loạn ly phải trị cho được giặc cướp mới có thể nói đến an dân…”.
Đuốc canh lập lòe, tiếng chó sủa lúc thì vu vơ, lúc dồn dập, xa xa ngoài thành nhiều đốm lửa bỗng lóe sáng rồi tắt lịm. Tổng đốc quỳ lạy ảnh mẹ, vội vã thay võ phục, rồi rảo bước về hướng cổng thành phía bắc. Trên bờ thành cao khều, quân canh vẫn túc trực đầy đủ, tuần tra, canh phòng cẩn mật. Dưới chân thành trũng sâu, ngày mới đang bắt đầu vận hành cùng với những đốm lửa nấu cơm sáng. Cuộc sống bình yên đến lạ lùng…
Tổng đốc định sẽ đến gặp Đề đốc Trinh, bỗng thình lình có tiếng đại bác của quân Pháp dội tới tấp vào thành. Ầm, ầm…, lửa lồng lộn chớp sáng tứ hướng, tiếng la hét rộ lên. Rồi súng nhỏ và những tiếng xí lô xí là của lính Tây cũng bắt đầu xuất hiện. Nhiều đốm lửa bùng cháy trong và ngoài thành. Lãnh binh Trực nhắc Tổng đốc giữ mình, Tổng đốc nhắc binh sĩ bình tĩnh giữ thành. Đợt tấn công dữ dội của quân Pháp vào Hà thành sáng sớm ngày 25 tháng 4 bỗng dưng lắng xuống sau một giờ bị quân ta chống trả dũng mãnh. Lãnh binh Trực bẩm báo với Tổng đốc: “Quân Pháp đã rút ra xa thành. Có lẽ chúng đang chuẩn bị tấn công đợt 2”. “Vấn đề chính bây giờ là tinh thần của quân ta chứ không phải tình hình của quân Pháp. Thôi, quan Lãnh binh hãy cấp bách lo động viên và đôn đốc binh sĩ giữ vững cửa Bắc, ta phải đi gặp Án sát Bá có việc”.
Tổng đốc vừa nói đến đó bỗng có lính hầu chạy tới cấp báo, rằng Án sát Bá đã bỏ thành theo giặc. Tổng đốc giật mình nhớ lại buổi tối năm anh em uống rượu thề sống chết với thành. Rượu như đang còn nồng, vậy mà lời thề đã gió bay. Ông rảo mắt về hướng làng Mọc rồi giục Lãnh binh Trực: “Đi gọi ngay Đề đốc Trinh về đây ta gặp”. Lãnh binh Trực vừa đi vừa chạy được một đoạn thì nghe có tiếng gọi giật ngược của quan Tổng: “Mà nè, Trực em, hãy coi chừng trong nội bộ có người tạo phản”.
Quân Pháp mở đợt tấn công Hà thành lần thứ hai... Giữa bốn bề bị bao vây và mưa đạn tới tấp dội lên đầu, thành vẫn hiên ngang đứng vững, binh sĩ vẫn một lòng chống giữ. Nhưng ở vào thời điểm sống chết ấy trong thành bỗng đồng loạt vang lên nhiều tiếng nổ chát chúa. Và rồi lửa cháy rần rật, từng cột khói bốc cao mù trời. Lửa lan ra khắp mặt thành, ai đó hét lớn: “Cháy kho thuốc súng, cháy kho thuốc súng!”. Tổng đốc lại đảo mắt về hướng làng Mọc của Án sát Bá, rồi ngửa mặt nhìn trời: “Ta bị nội phản rồi”. Vừa lúc đó tin cấp báo dồn dập đưa tới: “Bẩm Tổng đốc, ở cửa Đông Đề đốc Trinh đã bỏ thành chạy trốn”. “Bẩm Tổng đốc, Lãnh binh Đường ở của Nam cũng đã bỏ trốn cùng với Bố chính Tuyển”. “Bẩm Tổng đốc, giặc đã tràn qua cửa Đông, Tây để tiến vào thành…”.
Lê Trực…, Lê Trực…, em đang ở đâu bên cửa Tây? Sao chỉ còn lại có mình anh với Lãnh binh Phong thế này? Những lúc cô độc nhất là lúc Tổng đốc thường nghĩ về quê nhà, về mẹ. Bây giờ ông đang thêm ý nghĩ về vua tôi, về các chiến hữu. Triều đình ở xa ta quá, vua thì biết có còn nhớ đến một Tổng đốc luôn chủ chiến? Lời thề còn đó, sao các chiến hữu thân cật quanh ta kẻ phản bội, người bỏ trốn?… Chỉ còn lại mẹ sao, mẹ ơi!
Lau vội những giọt nước mắt khóc mẹ giữa bốn bề lửa đạn, Tổng đốc ra lệnh cho binh lính giải giáp để tự cứu lấy chính mình. Rồi ông vội vã vào hành cung, cắn tay lấy máu viết di biểu, dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự vẫn. Quay tít trước tầm mắt sắp khép lại vĩnh viễn của ông là hình ảnh mẹ già với vóc lụa và con roi dâu từ làng Xuân Đài gửi ra Hà Nội. Rồi hình như ai đó giống như Lê Trực mình nhuộm đen đỏ khói và máu đang xiêu vẹo chạy tới, quỳ xuống bên ông, cúi đầu. Cạnh đó là Lãnh binh Phong, người không có lời thề thốt nào đã tự nguyện cùng ông trấn giữ cửa Bắc cho đến phút cuối. Hình như trên cao kia là vầng trăng đẹp đơn độc thường tâm sự cùng ông vào những đêm khuya ngồi một mình với Hà thành. Hình như quan Tổng đốc còn muốn hỏi thêm ai đó câu gì đó. Nhưng tất cả đang chao đảo, rồi mờ dần… mờ dần…
 1/11/2020
Tiêu Đình
Theo http://baoquangnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...