Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Nhớ, trong thơ Cát Biển

Nhớ, trong thơ Cát Biển

Không phải tư dưng anh đặt tên tập thơ của mình là Trùng Khơi Sóng Vỗ. Thật ra điều này đối với một số bạn thơ, thì cũng chẳng có gì lạ vì tác giả vốn sinh trưởng tại Phan Thiết, một miền biển mặn thân thương, sau đó đã bước vào đời, qua những chuỗi ngày bồng bềnh trên sóng nước, bởi vậy cái bát ngát miên trường trong cõi trời đất cùng tận, cũng theo từng hạt muối mặn trùng khơi, gần như trọn vẹn nhuần thấm, trữ tình trong trái tim hồng của người lính biển.
Vâng, đó cũng là nỗi nhớ khác thường của Cát Biển, bởi chưng xưa nay thi nhân bao đời vẫn thường cường điệu không gian, nhân cách hóa khoảng cách, để gởi gấm hay diễn tả niềm thương, nỗi nhớ riêng tư của mình. Không còn cái khoảng cách nào xa hơn và thật xa lắc miên man với những ảnh hình trừu tượng của các vì sao ở trên trời như Hôm Mai, Sâm Thương, rồi lại cảnh đầu sông Tiêu, cuối sông Tương... bao nhiêu ngôn từ thê thiết, rốt cục cũng chỉ để dẫn dắt thế nhân tới chia sẻ với người thơ, trong cảnh buồn lạnh, khắc khoải giữa cơn mưa bụi lất phất bay bay của một buổi sáng cô đơn, hay tiếng sáo chiều lững lờ hiu hắt. Giọt nước mưa tái tê, se sót hay âm thanh nhói đau trái tim của tiếng sáo chiều hay gì gì chăng nữa, tất cả cũng đều mang nỗi nhớ thê lương tới cho cõi đời hiu quạnh. Với con người nhất là người thơ cũng như những tâm hồn đồng điệu, đã trở nên một tâm thức lạ lùng nếu không nói là khác thường, bởi trong nhớ có cả yêu, thương, hờn ghen và tuyệt vọng. Tất cả đều là những ngược ngạo, nghịch lý, bị dàn dựng bởi những miên man suy tưởng từ khoảng cách, không phải được tính bằng đơn vị đo lường, mà là trái tim. Có như vậy, lúc yêu người thơ dù đang xa người yêu tận trùng khơi sóng vỗ, hay muôn dặm sơn khê, cứ vẫn nhớ như người yêu của mình đang gần trong gang tấc. Rồi thì nhớ lại càng huyễn hoặc, huyền diệu biết bao khi vừa mới ôm em trong tay, mùi hương còn vướng víu mọi nơi khắp chốn, kể cả chút son môi âm thừa mằn mặn, lại vẫn nhớ em những ngày sắp tới. Nhớ làm xa vắng mông lung dù rất gần trong gang tấc, một bờ dâu mồng tơi ngăn cách, một con đường nhìn lại nhìn qua cũng thấy nhau, một lần tới trễ của bác phu trạm hay sự lỗi hẹn vô tình, đã làm cho thi nhân cuồng điên trong nỗi nhớ.
Bàng bạc giữa dòng thơ của Cát Biển, kẻ đồng điệu bỗng thấy như mình đang lạc lối trong cơn say tỉnh, chợt nhớ, chợt quên và cũng chẳng biết mình say tỉnh, quên nhớ điều gì, bởi người thơ, cảnh thơ kể cả câu chuyện thơ, dường như chỉ là nỗi nhớ muôn trùng, tưởng xa lại gần, vói bắt mông lung té ra đã nằm gọn trong vòng tay dịu vợi. Còn nữa chưa hết đâu, đó là sự trăn trở khi cảm nhận cái hồn thơ lẫn lộn của Cát Biển, giữa thơ văn, không khác gì quan niệm xa xưa của những thi gia Đường Tống ‘thi thị khả giảng, bất khả giản chi gian’, còn Xuân Diệu thời tiền chiến thì gọi thơ hay thơ thành văn chăng nữa, cũng chỉ như một mùi hương và ai nở đem phân chất một mùi hương? Ai chẳng biết thơ thuộc về vận văn nhưng ngày nay người ta lại nói theo cách khác vì cho là nếu dựa vào hình thức mà phân biệt, thì dễ bị lẫn lộn giữa thơ văn, nên đã kết luận là văn nằm trong phạm trù tự sự, còn thơ thì hàm chứa trữ tình. Nguồn thơ của Cát Biển cũng vậy, bàng bạc đó đây, lẫn lộn từ hình thức cho tới nội dung, khách mua thơ dù đã để hết hồn mình rung cảm tận tuyệt, vẫn như lạc lối giữa mây thơ. Đây mới chính là cái nét đáng yêu của tác giả qua cái bước chân hư thực, trong trái tim cười đó mà khóc tự bao giờ, giữa cõi đời nếu biết trước, thì ai thèm tới làm gì?
“... Anh ra đi gói theo hành trang nhỏ,
ấm quê hương thương mấy giọt lệ chào
cửa xe cuối đời, học sinh áo trắng
khép kín khung trời, thơ mộng xuyến xao...
(Thuở Vào Đời)
Hay:
“... Có phải tay vươn thầm níu gọi
hay là khóe lệ ứa trào dâng?
rừng hương hoa thắm xưa ngồi hát
giờ ngủ thiên thu dưới mộ phần”
(Vĩnh Biệt Một Loài Hoa)
Hoặc:
”Nay phố lạ áo gươm trao trả mộng,
thoáng rượu nồng hổ chợt nhớ rừng xưa
ôi hải nghiệp biển yêu còn ấp ủ
tóc ngả màu, chim rũ cánh phiêu du”
(Giấc Mơ Biển)
Bao nhiêu hình ảnh thương nhớ, vấn vương ngổn ngang hằng hàng trong thơ Cát Biển, dù không được diễn tả bằng các khoảng cách ước lệ như người xưa, nhưng tự nó trong những dòng khởi đầu, cũng đã khiến cho khách thơ phải thèm nhớ mông lung làm sương nương theo trăng ngưng lưng trời, rồi giốc bầu mà hỏi, thiên hạ mang mang, ai là người khiến ta phải thương nhớ rã rời?
“... Cho ta về bên cầu xưa vụng dại,
lòng đắm say thần thoại tuổi làm trai
quyện trong trắng hồn nhiên ngày mới lớn
để dâng người âm điệu nẻo thiên thai”
(Cho Ta Về)
Cái đẹp bao giờ cũng buồn, người thơ với trái tim bát ngát nên dù có diễn đạt thơ cách nào chăng nữa, nỗi nhớ cũng làm cho thơ buồn như nỗi buồn nhớ tuổi thơ, quê hương và cùng tận là niềm riêng chẳng trọn vẹn của Cát Biển...
Còn một chút lạ khác trong nỗi nhớ của người thơ, mà cứ đi tìm hoài không tìm được lý lẽ để yên lòng. Rốt cục khi đọc ‘Dạ Tưởng’, ‘Cảm Đề’ và nhất là ‘Lời Tiễn Muộn’, mới oà vỡ ra câu kết luận, thì đó là thi tính, là chất thơ, là hồn quê gói trọn giữa trái tim hồng, đã làm cho thơ trở nên đẹp, khiến cho kẻ đồng điệu chỉ đọc đã phải bâng khuâng tưởng tiếc đến một chân trời cũ, nay như mất hút trong cõi xa mù.
Thơ hay nào khác gì những cung bậc tài hoa réo rắt, giống như Phan Huy Vịnh trong bản dịch “Tỳ Bà Khúc”, nên dù đã xếp rồi mấy trang thơ, thế nhưng cái âm điệu thương vương, nhớ nhớ của Cát Biển, cứ chập chờn, làm cho khách thơ phải chau mày vì:
“... Âm thầm đau giận ngẩn ngơ,
Tiếng đàn lặng ngắt, bây giờ càng hay...”
(Tỳ Bà Khúc - Phan huy Vịnh).
Mường Giang
Theo http://www.saigonline.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...