Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

Nhớ nhạc sĩ Văn Cao

Nhớ nhạc sĩ Văn Cao

(Kính một “hồn cầm lắng tiếng đời”)

Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ
Trầm trầm không gian mới rung thành tơ
Vương vấn heo may hoa yến mong chờ
Ôi, tiếng cầm ca thu tới bao giờ.

Trương Chi - Anh Thơ [Official Audio]
Đã thành thói quen, ngồi vào bàn làm việc, tôi lại nghe nhạc Văn Cao, tận hưởng những giai điệu trang nhã, du dương. Tôi biết đến nhạc của ông từ thủa ấu thơ. Nhiều chục năm trước, màn đêm buông trước khi đi ngủ, cậu tôi lại mở đĩa nhạc bằng máy quay đĩa Ri - Gôn - Đa. Cả nhà tôi - mấy đứa trẻ cùng cậu mợ chìm trong bầu không khí lãng mạn, nên thơ.
Cậu tôi - người trai Hà Thành - ăn chơi nổi tiếng một thời. Cậu thường để tóc xoăn chải dầu bi-zăng-tin bóng lộn. Quần áo thẳng nếp cứng li, mùi xoa thẫm màu gấp gọn thơm phức. Giày uy-lích nhét tiền dưới gót. Hết giờ công sở, cậu thường cùng bạn bè ngồi quán café Lâm phố Phan Bội Châu. Cậu có thú vui lăn điếu thuốc lá vào nước café đặc trước khi hút. Liên tiếp những dãy khói tròn vo tỏa thơm ngan ngát. Mợ tôi - con gái Thành Trì (ngoại thành Hà Nội), đôi bàn tay tráng bánh cuốn dẻo như múa. Lấy cậu, mợ ở nhà đan len. Mợ đan thoăn thoắt. Những chiếc áo vô vàn kiểu đan lạ mắt hiện ra trong sự khéo léo của mợ. Lũ nhỏ chúng tôi ngoài giờ học gỡ len cho mợ rồi học đan. Yên bình, thanh thản. Mợ tôi thích bản “Suối mơ”. Cặp môi cắn chỉ tươi tắn - khe khẽ theo tiếng nhạc chơi vơi…
Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối
Nghe suối róc rách trôi
Hoa lừng hương gió ngát
Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi.
Tơ đàn chùng theo với tháng năm
Rừng còn nhớ tới người…

Suối Mơ - Văn Cao - Phạm Duy - Thái Thanh thu âm trước 1975

Nhà tôi ở phố cổ. Ngõ nhỏ sạch sẽ, ngập hoa hoàng lan mùa bão.
Nhạc Văn Cao êm đềm. Trong tôi, Hà Nội trôi đi chầm chậm…
Cậu tôi mê nhạc Văn Cao và (của đáng tội) cậu cũng mê đàn bà. (Xin linh hồn Ông tha thứ!). Có tôi, ông đã có ba con. Chẳng biết ông sinh tật ấy từ lúc nào. Còn nhỏ, chưa hiểu hết chuyện người lớn nhưng cứ nhìn nét buồn vương trên gò má xanh xao của mợ là tôi biết cậu có người phụ nữ nào đó. Không kể hết những nét buồn giấu trong tiếng thở dài của mợ. Hình như suốt thời trai trẻ, cậu tôi có nhiều người đàn bà đẹp dù mợ tôi cũng đượm sắc lắm! Là vợ mà hạnh phúc bà hưởng chỉ lác đác những hạt mưa trái mùa.
Nghe mùa thu rớt
Rơi theo lá vàng
Em ngồi đan áo
Lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng
Người ơi còn biết em nhớ mong.

Thái Thanh - Buồn Tàn Thu - Văn Cao

Lọn tóc mai cong cong, mái tóc dài đen nhánh tết gọn vấn trần quanh đầu. Đôi mắt hình quả bàng ngấn lệ, đau đáu, sâu thẳm. Tránh cái nhìn của mợ, nước hoa thơm phức, cậu tôi vội vã ra khỏi nhà. Tiếng cô ca sĩ trong vắt, chót vót, réo rắt cắt ngang ánh mắt. Tiếng hát mảnh không đỡ nổi vai gầy. Những giọt nước mắt thổn thức. Cuộn len trong lòng mợ chưa kịp gỡ, rối tung. Tôi vội khít chặt đáy eo thon của mợ, cuống quýt:
- Mợ ơi, mợ đừng khóc, con sợ lắm!
Vậy, nhưng cũng sụt sịt khóc theo. Ngày non nớt, tôi chưa biết gọi tên nỗi sợ hãi mơ hồ đó.
Thảng hoặc lắm.
- Hôm nay, anh đưa mình đi xem cải lương!
Cậu tôi đưa mợ đi xem cải lương đoàn Chuông Vàng phố Lương Ngọc Quyến. Mợ cặp xước hai bên, búi tóc to nặng trĩu sau gáy, áo dài lụa mỡ gà, nhẹ nhõm. Ba con, mợ vẫn gọn gàng, duyên dáng. Núm cười duyên, hàm răng tăm tắp lấp lóa. Những lúc hiếm hoi ấy, mợ như đang ở chốn Thiên Thai.

Mơ màng Hồ Gươm. Ảnh: Nguyễn Thanh

Chiến tranh. Đình chiến. Rồi lại chiến tranh. Chiến tranh ở ngay trên đầu. Chúng tôi hết ẩn lại nấp, tránh bom không có mắt. Hết giờ trực chiến ở cơ quan, sau những hồi còi ụ báo yên “máy bay địch đã đi xa”, cậu tôi lại nghe nhạc Văn Cao. Quên bom nổ, cậu lại “Suối mơ”, “Trương Chi”, “Thiên Thai” rồi “Đàn chim Việt”. Vi vút, vi vút ngàn lau “Sông Lô”… (nghe nhỏ tiếng, kẻo hàng xóm báo lên tiểu khu - “Gia đình nghe nhạc tiền chiến”- nhiều phiền phức). Trong tôi, anh Trương Chi lại đẹp lắm, có lẽ hào hoa giống cậu (chẳng thế, sao suốt đời mợ yêu - một tình yêu nhẫn nhịn, đại lượng và thứ tha!). Thiên Thai là chốn thiên đường ảo mộng, không chiến tranh, không có nỗi buồn của người phụ nữ. Lắng lòng, tôi cứ lan man thế… Giờ đây, trải bao thăng trầm, nhìn mọi việc đôi khi tỉnh táo quá, thế mà chốn Thiên Thai trong tôi vẫn đầy ám ảnh, vẫn tinh khôi, trong trẻo quyến rũ biết nhường nào…
Một thời gian dài, cậu ở nhà không đi chơi, mợ tôi lại có cậu. Nhẫn nại ấp ủ từng sợi yêu thương chắn những cơn gió bấc từng làm tê tái lòng, đan bao dung mợ sưởi ấm đông lạnh cho chồng. Lách cách, lách cách… kim đan trúc. Mợ thả hồn vào tiếng nhạc.
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kìa! đường lên tiên
Kìa! nguồn lương duyên
Theo gió tiếng đàn xao xuyến…
Ca từ trang nhã, thoát tục. Giai điệu biến hóa bổng trầm. Thanh âm sang trọng, quý phái, (không hiểu sao, tôi cứ đinh ninh ông Văn Cao là người theo Đạo Công giáo). Tiếng cô ca sĩ - Thái Thanh thì phải - mênh mang lưng chừng trời đưa mây về cùng gió. Xao xuyến vân du. Cậu tôi nâng chén trà đặc sánh, tấm tắc:
- Thế mới gọi là nhạc. Hát được nhạc này, không xoàng đâu, mình nhỉ!
… Rồi nghe đâu, cậu tôi lại có ai đó. Chịu đựng, mợ ít nói cười, ánh mắt xa xăm lạnh lẽo. Những lúc ấy, mợ nghĩ gì, mợ ơi! Cậu lạc chốn Thiên Thai khó tìm đường về. Nẻo trần gian, mợ nương vào câu hát anh Trương Chi, tảo tần nuôi đàn con nhỏ và người chồng đào hoa thoắt gần thoắt xa trong cuộc đời. Đến giờ, chồng con chiều chuộng, tôi vẫn tự hỏi:
- Phép màu nào giúp mợ nhẫn nhịn thế?
Hết chiến tranh, Nam Bắc lại tái nhập. Một năm sau giải phóng. Vào Sài Gòn. Ra Hà Nội. Cậu tôi lễ mễ dàn cattset Akai, loa thùng to tướng. Chúng tôi thỏa thích nghe nhạc Văn Cao. Cứ thế, trong ngôi nhà biệt thự kiểu Pháp, trong hương hoàng lan ngan ngát, lẫn lộn vui buồn, chị em tôi lớn lên. Hằng đêm, giấc mơ thấm đẫm chất nhạc mong manh, chênh vênh, nghiêng nghiêng hư ảo. Thánh thót, thánh thót tan chảy trong tôi những giọt âm thanh nao nao ru đêm man mác, bồi hồi.
Nghĩ lại, nhiều lúc gia đình tưởng tan vỡ, vậy mà những nốt nhạc bé nhỏ như nước nguồn hóa thành cứu cánh. Nó cho tôi biết cõi mộng, những ước mơ thánh thiện trong vắt tâm hồn. Nó vỗ về nỗi đau của mợ, thao thiết gọi cậu trở về…
Sóng gió qua đi. Đổi thay chóng mặt. Bao cấp mấy chục năm tem phiếu chuyển sang cơ chế thị trường lúc nào không hay. Gấp gáp xoay vần mọi ngả đường đời. Nhà hàng. Khách sạn. Cái Tôi. Hưởng thụ. Chớp mắt cũng sợ chậm. Cậu tôi về hưu. Chiều chiều, ông cùng các bạn già ra câu lạc bộ phường đánh cầu lông. Cậu vẫn đào hoa, nhanh nhẹn trẻ trung lắm, vẫn nghe nhạc ông Văn Cao và nhiều bà vẫn mê cái duyên của cậu.
Mợ tôi không còn để tâm:
- Chuyện vớ vẩn! Bà nào muốn, em cho mình đi luôn!
Bà tự hào. “Trai năm thê bảy thiếp - gái chính chuyên chỉ có một chồng!”. Đàn con bà đã trưởng thành. Nhờ trời, chúng đều hiếu thảo!
Rồi cậu tôi đổ bệnh “tứ chứng nan y”. Mợ tôi chăm cậu vất vả ân cần. Ánh mắt đã sáng màu ấm áp. Những lúc tỉnh táo, ông đòi nghe nhạc Văn Cao. Nghe đi nghe lại “Mùa xuân đầu tiên”. Có phải những lúc ấy, cậu nhớ về thời trai trẻ? Hay những lúc sắp xa lìa, con người thường khát khao mãnh liệt cuộc sống nhất chăng? Mấy tháng sau, cậu mất. Bé nhỏ. Sạch sẽ. Thanh thản bên vợ con (khác hẳn người đàn ông mạnh mẽ, cơ bắp nổi cuộn, chụp ảnh bán thân phóng to làm mẫu các hiệu ảnh Quốc Tế, Kim Lai thời ấy!).
Sau “thất thất lai tuần”, anh em tôi giở tủ quần áo của ông. Giữa những gọn gàng của hàng tá khăn mùi xoa, cà vạt, những bộ complett sang trọng là đôi đĩa CD nhỏ xinh. Mở đĩa, rất nhiều ảnh của ông trong suốt cuộc đời. Ông đã kỳ công giữ nó qua thời bom đạn. (Nhà tôi ngõ Lý Thường Kiệt - cạnh Tổng Công đoàn Việt Nam, phố Trần Hưng Đạo - bị bom đánh sập). Không ngạc nhiên khi ông dùng nhạc Văn Cao làm nền cho hàng trăm bức ảnh ông yêu quý. Lúc bận rộn chăm ông, tôi chưa kịp hỏi vì sao ông say nhạc Văn Cao suốt cuộc đời. Xót xa đất lạnh chẳng vỗ ấm được hình hài, tôi rưng rưng nhớ cậu.
Cậu tôi thoát tục đi tìm Văn Cao chốn Thiên Thai. Cầu cho ông gặp được người nhạc sĩ tài danh đó. Còn tôi, đường đời quá nửa, nhà cao cửa rộng. Vậy mà mỗi khi nghe những âm thanh cao vút, trong trẻo đó, tâm trí tôi vẫn trôi về miền ký ức - nơi có ngôi nhà nhỏ bên suối. Chiếc cầu thanh. Đàn chim rừng. Nơi có người đàn bà tóc vấn trần, đôi mắt nâu hình quả bàng, chiều chiều đan áo dệt ước mơ đợi anh Trương Chi định mệnh. Giây phút nhớ cha, tôi chợt ngộ: vô tình, cha đã cho tôi một sở thích thưởng thức âm nhạc văn Cao mà từ đó tôi khó nghe được nhạc ai trong làng nhạc Việt. Ngoài sự ngưỡng mộ, âm nhạc của văn Cao giờ đây càng thân thiết bởi sau những giai điệu thánh thiện, tiên thiên sương khói, tôi nhìn thấy Cha.
Thắp nén nhang thơm ngày lành, gửi tới người nhạc sĩ: có một gia đình bé nhỏ, xa lạ luôn nhớ tới Ông!.
4/7/2012 
Linh Đan
Theo http://baolamdong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...