Triết gia của cuộc khêu gợi cảm quan
Palomar là tác phẩm hư cấu cuối cùng của Italo Calvino
(1923 - 1985), một trong những nhà văn lớn nhất của Ý ở thế kỷ 20, xuất bản
tháng 11 năm 1983.
Bản dịch tiếng Anh của dịch giả William Weaver (1923 - 2013)
ra mắt tháng 9 năm 1985, nhà thơ Seamus Heaney (1939 - 2013) ngay sau đó đã
đăng bài điểm tác phẩm này trên tờ New York Times với cái tựa đề “The Sensual
Philosopher”. Bản Palomar tiếng Việt (dịch lại bản năm 2004) được
phát hành ngày 09/08/2019 (Nxb. Văn Học, Vũ Ngọc Thăng dịch), xin trân trọng giới
thiệu với bạn đọc bài điểm sách nói trên của chủ nhân Giải Nobel văn chương 1995.
SEAMUS HEANEY
Những phép đối xứng và số học luôn kích thích trí tưởng tượng của Italo Calvino
nảy nở trò chơi quyến rũ và triển khai những biểu diễn diệu tưởng của nó. Từ
thuở đầu, ông đã trao cho chúng ta một số khêu gợi nhị phân tuyệt vời trong
truyện Tử tước chẻ đôi, một mẫu thức nhị nguyên về thiện và ác, một truyện kể sóng đôi,
được kéo mở một cách thông suốt và tinh quái như thể kéo mở một chiếc phéc mơ
tuya trong một căn gác áp mái. Cùng một xung lực ngụ ngôn hoạt động với cùng một
tính phóng khoáng trong Những thành phố vô hình, song thậm chí tinh nghịch
và sáng tạo về cấu trúc hơn. Thế rồi ta có các truyện kể kiểu trò chơi dây
trong Lâu đài của những số phận đan chéo, được quy định song không mang
tính xác định từ những mối quan hệ nội tại giữa các lá bài trong bộ tarot. Giờ
thì chúng ta tự hỏi, liệu ông có thể dấn bước như thế lần nữa không?
Cuốn sách mới của Calvino có ba chương mục chính mang tiêu đề: “Những ngày hè của
Palomar”, “Palomar trong thành phố”, và “Im lặng của Palomar”. Mỗi chương mục
chính có ba chương mục phụ, mỗi chương mục phụ có ba mục, và Calvino đã lập ra
một hệ thống đánh số cho chúng. “Các số 1, 2, 3 đánh dấu các tiêu đề trong mục
lục” - ông viết - “dù ở vị trí thứ nhất, thứ hai, hoặc thứ ba, bên cạnh việc
mang giá trị thuần thứ tự, còn tương ứng với ba khu vực chủ đề, ba loại trải
nghiệm và thẩm tra, mà qua những tỷ lệ khác nhau, hiện diện trong tất cả các phần
của cuốn sách.
“Những mục đánh số 1, nói chung, tương ứng với trải nghiệm thị giác...
“Những mục đánh số 2 chứa các yếu tố nhân học, hoặc văn hóa theo nghĩa rộng...
“Những mục đánh số 3 can dự đến trải nghiệm tư biện nhiều hơn, về vũ trụ, thời
gian, tính vô cùng, mối quan hệ giữa cái ngã và thế giới...”.
Nhưng liệu rằng động lực hành ngôn này, vốn duy trì sự trung tính hết mực như
được giải thích từ các nguyên tắc kết cấu ra cuốn sách, ở văn bản thực thụ có
thể lan tỏa niềm thú vị và sự tán đồng xuyên suốt trong chúng ta hay không?
Vui thay, lược đồ hóa ra không chỉ là một bảng kê đơn; điều đối với một trí tưởng
tượng không nặng ký bằng có thể là một mành lưới, thì ở đây hoạt động như một
ván bật, và quả thật, dẫu sao, người ta ngờ rằng các chất liệu số học này đã
phát triển từ những ngẫu tính sáng tác chứ không phải ngược lại. Mỗi trong các
mẩu truyện đều mang cốt cách của một cảm hứng đơn biệt được thu chụp lúc nó trỗi
lên và sau đó được trình tấu bằng toàn bộ tính sống động xác đáng của nó - dù rằng
chỉ vừa đúng để cạn kiệt năng lượng ban đầu của mình.
Anh bạn Palomar là một ống kính được tác giả của mình sử dụng để thẩm định những
hiện tượng của thế giới, song ống kính này lại lý tưởng cho việc biến thành một
tấm gương phản ánh những ngại ngần và những tự điều chỉnh trong chính cái tâm
trí mang tính phản ánh của anh bạn Palomar. Cuốn sách bao gồm một chuỗi các
miêu tả và suy tưởng theo cấp độ, trong đó nhân vật đối mặt với vấn đề khám phá
vị trí của mình trong thế giới, và chứng kiến những khám phá đó tan biến dưới
cuộc rà soát trí tuệ thường lệ của mình.
Thế là động thái đầu tiên được mang tiêu đề “Đọc một ngọn sóng”, và ở đây, anh
bạn Palomar cố gắng ngắm nhìn, miêu tả, và chụp bắt bản tính chính xác của một
ngọn sóng đơn lẻ vào trong ngôn ngữ. Những sự chính xác của anh, mà anh phải
xét lại không ngừng, liên tục thích đáng và liên tục bất cập; song chính những
nhỡ nhàng này lại cấu thành sự thú vị của người đọc. Tuy nhiên, ở động thái cuối
cùng, thì anh bạn Palomar đã hướng ánh mắt vào trong, và bây giờ là, như tiêu đề
đặt cho mẩu truyện, “Học sự đã chết.” Song niềm khát khao về cái tri kiến nào
đó của anh tiếp tục bị trêu ngươi và không được thỏa mãn: “Bạn không được nhầm
lẫn sự đã chết với sự không tồn tại.” Ở giữa đó là 25 mẩu văn khác mà người ta
lần lửa gọi là những bài thơ văn xuôi, vì điều đó khiến chúng nghe ra quá bị
tác động, kém hài hước, hoặc lần lửa gọi là những chiêm nghiệm, vì điều đó hờ hững
với sự bình dị và hớp hồn đáng yêu mang tính ẩn dụ của chúng. Dòng viết của
Calvino thì thầm, nhẩn nha, chặt chẽ, vui hưởng chính nó một cách hết sức trêu
chọc. Ánh mắt của ông, như khi anh bạn Palomar chiêm ngắm các vì sao, “gìn giữ
sự cảnh giác, dọn mình, giải xả mọi sự chắc ăn”. “Dải Ngân Hà tháng Tám - ông bảo
chúng ta - khắng khít dày đặc, có thể nói, ràn rụa ra cả hai bên luống.” Sự giản
dị lộng lẫy của dòng viết, nghĩa vụ kép của nó trước thế giới và trước những ngôn
từ xứng với thế giới, cái tri giác chan hòa về điều gì đó được khám phá một
cách ngọt ngào và một cách cá nhân, song cũng về điều gì đó hầu như mang tính
ký ức chủng loài, không khí mơ màng mênh mang và lâng lâng này là điển hình
trong toàn tác phẩm.
Ở đây là một tài năng dạn dày không để bị cương tỏa, căng buồm lướt giữa sự
tinh xảo của tính tiền phong và sự hồn nhiên của trí tưởng tượng mang mỹ cảm
nguyên sơ, giữa kiểu trí tuệ đã kiến tạo những bộ bestarium thời Trung Cổ và trực cảm tiền ký tự
mà xưa kia được người săn bắn hái lượm nghê nga xướng lên khi nguyện cầu. Nếu
tính cách anh bạn Palomar đôi khi bị ám ảnh bởi cái bóng hờn gắt của Molloy
trong vở kịch của Samuel Beckett, cố gắng vạch ra một phương pháp bất khả sai lầm
trong việc luân chuyển những viên sỏi mút từ túi lên miệng từ miệng xuống túi,
và ở những lúc khác, bởi một Jorge Luis Borges tao nhân, nhỏ nhẹ giãi bày vấn đề
liệu sự viết được tiến hành bởi “Borges” hay bởi “Tôi”, người đọc không bận
tâm. Calvino cũng thế. Ông biết rằng, gì thì gì, cuối cùng, tất cả mọi người rốt
cuộc đều bận tâm về cùng một điều.
Anh bạn Palomar bận tâm và ngắm nhìn không ngừng và bằng tiếng Ý; song William
Weaver đã thuyết phục tôi rằng, giờ thì tôi biết cái tâm trí tỉ mẩn, sẵn lòng
mê đắm, và ray rứt khôn nguôi một cách đáng yêu của đương sự qua tiếng Anh. Nhịp
điệu và hương vị ngôn ngữ của Weaver có khả năng truyền tải cũng tài tình như
thế cái tính chính xác chi li trong những cuộc tìm kiếm trí tuệ, cái tính lễ độ,
cái tính khuê tình trong những cơn mơ mòng của anh bạn Palomar. Đó là một ngôn
ngữ đưa chúng ta hướng đến cái bến bờ mà anh bạn Palomar không ngừng khao khát
- “một bước tiếp cận gần hơn với sự biết chân thực, vốn được dựa trên cuộc trải
nghiệm hương vị, hình thành đồng thời bởi trí nhớ và trí tưởng tượng”
“Đằng sau mỗi loại pho mát,” anh trầm ngâm, “có một loài cỏ xanh một sắc xanh
khác, dưới một bầu trời khác: cánh đồng cỏ đóng muối thủy triều vùng Normandie
mỗi chiều; cánh đồng cỏ ngát mùi hương liệu trong nắng gió miền Nam; có những bầy
gia súc khác nhau, mùa lạnh nuôi thả trong chuồng trại dưới đồng bằng, mùa ấm
di chăn lên núi; có những quy trình biến chế bí truyền qua bao thế kỷ. Cửa tiệm
này là một viện bảo tàng: anh bạn Palomar, khi ghé thăm, cảm thấy như mình đang
ở viện bảo tàng Louvre, đằng sau mỗi hiện vật trưng bày là sự hiện diện của nền
văn minh đã tạo ra hình sắc cho nó và đảm nhận hình sắc từ nó.”
Tuy nhiên, cho dù khêu gợi niềm vui sướng giác quan, sự viết giục giã cuộc suy
tư triết học, anh bạn Palomar, người mang cái tên của một ống kính viễn vọng và
đài thiên văn lừng danh, vừa là “Tôi” vừa là “mắt” (1), “Một thế giới đang nhìn thế
giới”, như tiêu đề của một trong những cuộc chiêm nghiệm của anh bạn Palomar, một
dấu hỏi tác động một cách hồi tố lên độ tín cậy tự thân: “Chẳng phải bản thân
anh cũng là một mẩu của thế giới đang nhìn một mẩu khác của thế giới hay sao?
Hoặc giả, vì có một thế giới bên này và một thế giới bên kia cửa sổ, nên có lẽ
cái tôi không gì khác hơn chính là khung cửa sổ qua đó thế giới nhìn thế giới.
Để nhìn chính nó, thế giới cần cặp mắt (và cặp kính) của anh bạn Palomar.”
Điều mà, may thay, đưa chúng ta, anh bạn Palomar và Italo Calvino vượt lên trên
sự bế tắc của chủ nghĩa duy ngã, sự ngờ vực ngôn ngữ, và lên trên những ngọn lửa
“thử nghiệm” lạnh lùng. Có thể có một vấn đề tri kiến, song tâm thức chỉ trở
nên sống động trong vấn đề này khi thống khổ trước những khát khao trải nghiệm
liên miên không thể dập tắt vốn chỉ muốn bung vượt lên trên nhà ngục của cái
ngã. Calvino có thể phân chia và xếp loại bộ ba bình diện: hình ảnh, văn hóa,
và tư biện trong thế giới của anh bạn Palomar, có thể gợi dẫn, gắn nhãn, phân
tích, đối chiếu thỏa lòng ông (và chúng ta), song bản thân anh bạn Palomar vẫn
luôn hồn nhiên và mở lòng một cách kỳ diệu trước sự bề bộn của các giác quan.
Bãi cỏ, bộ ngực, đoàn chim di trú, hành tinh, tắc kè, trăng chiều, tiếng huýt
chim sáo, tiếng cạch cạch cặp rùa giao phối, màn sương mù kỉ niệm... tất cả những
sự này và ngàn sự khác sẽ gìn giữ tâm trí trước cái bữa tiệc bóng tối tối hậu
trong nó. Anh bạn Palomar, rốt cuộc, có thể, như cuốn sách mang tên anh ta, quỵ
ngã thành một tam đoạn luận, nhưng không phải trước khi anh ta đã vượt qua cái
kết cuộc của chính mình bằng hết trào dâng sáng lòa này sang trào dâng sáng lòa
kia. Nếu trong chuyến đi của cuốn sách, người ta thường cảm thấy bước chân
không thể sai lầm của Calvi- no, đó chính là vì ông không phải là một nhà văn
nhàn tản. Như Robert Frost, toàn bộ mối quan ngại của ông là về chính mình
trong tư cách một nghệ sĩ biểu diễn, nhưng trong khi Frost biểu diễn ở ngang tầm
mắt, như đã là, trên dây thanh âm và sợi tơ lòng, thì Calvino, ở tầm dây cáp
cao, trên những dòng suy tư căng ngang bên trên cái sân xiếc quốc tế mênh mông.
Song những biểu diễn ở tầm dây cáp cao như thế chỉ cuốn hút chúng ta vì người nghệ
sĩ trên thực tế đang chịu lực hấp dẫn và hồn nhiên trước mọi rủi ro. Một trọng
lượng nhẹ có thể nhún nhứ nhào lộn tương tự song không thể khêu gợi được cái
nhìn chằm chằm cổ xưa, chân phương, há hốc hy vọng và kinh ngạc mà tất cả chúng
ta vẫn còn muốn được tham dự. Điều ấn tượng nhất về Palomar là cảm
giác chiếc lưới an toàn rốt cuộc cũng thu lại; những kỳ công đơn độc, mẫn nhuệ,
diễm lệ của trí tưởng tượng được hoàn thành không để chói lòa khán giả mà để
thách thức (soi rọi) điều mà nhà thơ Philip Larkin gọi là “sự trống rỗng (cái
tính không) hóa giải/ Nằm ngay dưới mọi thứ ta làm” (2).
Chú thích:
1. Trong tiếng Anh từ “eye” (mắt) đồng âm với từ “I” (tôi).
2. “the solving emptiness/ That lies just under all we do.” (Heaney trích từ
bài thơ Ambulances của Larkin)
13/7/2020SEAMUS HEANEYVũ Ngọc Thăng dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét