Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Dùng thơ giới thiệu thơ: Một cách thức phê bình mới

Dùng thơ giới thiệu thơ: 
Một cách thức phê bình mới?

Từ tập thơ thứ 7 “Thơ và dấu ấn cuộc đời”, Nguyễn Hồng Vinh đã có một số bài dùng thơ để giới thiệu thơ; nay tập thứ 8 “Xanh mãi”, Nguyễn Hồng Vinh đã có loạt bài dưới hình thức này để giới thiệu các tập thơ mới xuất bản trong năm 2019 của các tác giả Bằng Việt, Đỗ Phú Nhuận, Trần Thế Tuyển, Hà Minh Đức, Trần Gia Thái, Hà Cừ, Lê Thành Nghị, tạo hiệu ứng tích cực trong nhiều bạn đọc. Vì sao?
Qua cách giới thiệu, Nguyễn Hồng Vinh đã chứng tỏ sức đọc, sức thẩm thấu, sức khái quát những nội dung trọng tâm của mỗi tập thơ thông qua cách viết nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người đọc. Xưa nay cách giới thiệu sách thường là viết theo kiểu văn xuôi, nhưng nay Nguyễn Hồng Vinh đã mạnh dạn diễn đạt bằng thơ - đây là bước tiến mới đầy tinh tế, rất đáng ghi nhận về cách thức phê bình.
Điều nổi bật dễ thấy và cũng coi đó là sự sáng tạo độc đáo của Nguyễn Hồng Vinh là diễn đạt những câu hay, đoạn thơ hay của từng tác giả bằng chính những câu thơ, đoạn thơ “dễ lọt tai” người đọc, lại bảo đảm tính lôgic, tính nghệ thuật, do đó đã nhân lên giá trị của tác phẩm.
Với Bằng Việt, Nguyễn Hồng Vinh vùi đầu đọc “Hoa tường vi” (trang 48) như một lẽ tất nhiên và ngẫu nhiên khi Hà Nội mưa trắng trời, ngập đường, cây bật gốc, để rồi say ngắm Trái đất và nhận ra rằng hoa nào cũng đẹp, nhưng mỏng manh, khi nở rộ cũng là sắp tàn, nhưng không tàn lụi và chẳng đứng yên.
Với Đỗ Phú Nhuận, Nguyễn Hồng Vinh lại cho thấy sự tài tình khi khéo để “Thản nhiên xanh” (trang 67) của Đỗ thi sĩ hòa quyện cùng vào tâm hồn và dòng đời “Xanh mãi” của mình, với tâm trạng đan xen cứ đa tình, cứ hừng hực cháy nhưng thầm lặng sống, thầm lặng xanh… thầm lặng.
Có khi Nguyễn Hồng Vinh lại lắng đọng cùng Trần Thế Tuyển với “Tiếng chim trong vườn” (trang 85) thánh thót đường hành quân dằng dặc, từ Trường Sơn cheo leo đến miền Tây nước nổi, ghi dấu mốc thời gian tháng Tư ký ức, nghĩ về một thời êm ái gửi lại sau lưng.
Đường đi nhiều chiều lắm ngả, Cuộc đời nhiều bóng dáng qua, Cõi mơ và cõi thực, Vô hình và hữu hình, Riêng tư và cộng đồng, Lụi tàn và hồi sinh. Vậy là cùng Hà Minh Đức, Nguyễn Hồng Vinh lại đưa người đọc nhẹ bước “Vào mùa trăng” (trang 102) với ngời ngợi bóng nguyệt hắt lên những trang thơ, để rồi dằn vặt suốt đêm trường: Ngày ấy sao vội vàng? Ngày ấy, nếu chúng ta không quen!..., bởi vì Cái tưởng chừng sẽ đến đã (không hiểu vì sao) không thể đến, đành nản lòng vì ánh trăng không thấu hiểu lòng tôi!...
Nhưng hồn thơ bén nhạy của Nguyễn Hồng Vinh thì đã sớm thấu hiểu và đồng cảm với những câu thơ buốt nhói lòng của Trần Gia Thái. Thế gian vật đổi sao dời, dẫu biển xưa có lúc cạn vơi, “Biển giờ không còn mặn” (trang 129) nhưng thau vàng biết nhau, xin lấy mấy chữ: trên - dưới - trước - sau làm lẽ sống lâu bền!...
Phải có một khả năng vận dụng ngôn ngữ điêu luyện thì Nguyễn Hồng Vinh mới có thể cùng Hà Cừ suy tư và hiện hữu theo cách nghĩ suy khác, lối ngẫm nhìn khác trong “Hai và bốn và những bài thơ KHÁC” (trang 168). Phải có một khả năng quán chiếu và trừu tượng hóa sâu sắc thì Nguyễn Hồng Vinh mới có thể diễn tả hay đến thế chất thiền của Lê Thành Nghị đậm “Trong tĩnh tại và 100 sát na” (trang 197); mới có thể bằng một bài thơ mà giới thiệu không chỉ một tập thơ, mà nếu tinh ý sẽ thấy rằng còn là giới thiệu cả một chặng đường thơ, một đời thơ của Lê Thành Nghị. Phải có óc nhận xét tinh tế thì Nguyễn Hồng Vinh mới phát hiện giúp chúng ta bao điều nghịch lý: Tình yêu làm ta quên Thời gian, Thời gian giúp ta quên Tình yêu lầm lỡ, Mọi thứ cầm lên được, Đều có thể dễ dàng buông xuống được!...
Nếu những gì không thể diễn đạt bằng lời thì xin hãy diễn đạt bằng thơ. Dùng thơ để bình thơ - đây có lẽ là một cách phê bình ở cấp độ ngôn ngữ cao nhất. Đạt được mục tiêu ấy, đòi hỏi năng lực hiểu biết quá trình sáng tác của từng tác giả, sự thẩm thấu chiều sâu tác phẩm cùng sự đồng điệu tâm hồn qua từng ý thơ, câu thơ tâm huyết của mỗi tác giả. Thực tiễn qua bài giới thiệu kiểu này, các tác giả được giới thiệu, đều bày tỏ sự “tâm phục, khẩu phục” Nguyễn Hồng Vinh về sự nắm bắt tinh nhạy, trúng và đúng những điều mình đã gửi gắm.
Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, Nguyễn Hồng Vinh không chỉ có khen một chiều, mà có những lưu ý tinh tế về hạn chế của từng tác giả.
Với Bằng Việt, ở khổ 8 (trang 55), sau khi dẫn những câu thơ dứt ruột, dứt gan, Nguyễn Hồng Vinh nhắc khéo: Sao anh tự hỏi mình/ Thơ hẳn còn gì?/ Thơ có cần không?!
Với Đỗ Phú Nhuận (trang 73), Thơ anh chưa khắc họa sâu/Phải chăng còn duyên nợ?!. Phải chăng đời này vẫn còn nhiều số phận trắc trở, éo le, mà tác giả chỉ mới vội lướt qua vài dòng thơ ngắn ngủi?
Với Trần Gia Thái (trang 135), Nguyễn Hồng Vinh ngầm nhắc tác giả hãy gạt bỏ đi mọi muộn phiền để thật sự sống đúng với những triết lý mà mình vừa diễn đạt bằng thơ: Bạn ơi, đừng dằn vặt nữa/ Ta yêu hơn cuộc sống này/ Vì nó mà ta hiện hữu!
Với Hà Cừ (trang 170), Nguyễn Hồng Vinh lưu ý tác giả cần phải quan tâm miêu tả nhiều lớp người cùng cảnh ngộ: Ơi những phận người khác nhau/Thơ anh cần ghi dấu!
Với Lê Thành Nghị (trang 207), Nguyễn Hồng Vinh chỉ ra sự mâu thuẫn trong những cảm xúc ở các thời điểm cụ thể: đang từ mơ ước, hy vọng chờ mầm xanh lên, nhưng lại chỉ thấy những vết chân buồn?!...
Đối với từng câu thơ, ý thơ chắt lọc từ những tập thơ được giới thiệu trong “Xanh mãi”, cũng bằng chính những câu thơ, ý thơ tinh túy của mình, Nguyễn Hồng Vinh trân trọng phát hiện, chia sẻ, đồng cảm nhưng cũng không quên lưu ý và kịp thời gợi mở một cách ý nhị sâu xa theo một tinh thần lạc quan và hướng thiện cao nhất.
Con đường cách tân, đổi mới văn học và thơ ca đang mở ra nhiều cách tiếp cận, nhiều cách thể hiện đa dạng. Chúng ta chúc mừng Nguyễn Hồng Vinh và hy vọng cách thức này được tiếp tục hoàn thiện, nâng tầm.
Hà Nội, tháng 7/2019
Nguyễn Minh Châu
Theo https://suckhoedoisong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thế Lữ – Người khai sáng phong trào Thơ mới 6 Tháng Mười Một, 2022 Kỷ niệm 90 năm Phong trào Thơ mới, 1932-2022) Thế Lữ trước sau vẫn ...