Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Tôi đã sai lầm như thế nào trong việc phê bình bài “Nhất định thắng” của anh Trần Dần

Tôi đã sai lầm như thế nào trong việc phê bình 
bài "Nhất định thắng" của anh Trần Dần

1956 là một năm bản lề đối với toàn bộ khối XHCN trước đây. Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô cuối tháng Hai 1956 với “Báo cáo mật” của Nikita Khrushchev về những tội trạng của Stalin mở ra một giai đoạn “tan băng” ngắn ngủi nhưng cũng đủ để dẫn đến những biến động quan trọng trong các nước XHCN. Tháng Tám 1956, Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức một lớp học 18 ngày về đường lối cải cách chống tệ sùng bái cá nhân tại Liên Xô. Trong chừng mực nào có thể xếp phong trào Nhân văn-Giai phẩm tại Việt Nam vào bối cảnh quốc tế do sự kiện nói trên mở ra, đó là đề tài còn cần được nghiên cứu. Trong loạt tư liệu do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số bài đăng trên báo Văn nghệ trong khoảng thời gian từ tháng Tám 1956 đến đầu năm 1957, với thư ký tòa soạn là Nguyễn Đình Thi. Đây cũng là giai đoạn mà các số Giai phẩm và 5 số Nhân văn ra đời. Số Giai phẩm mùa Xuân đầu năm 1956 bị tịch thu cũng được in lại trong thời gian này.
Cuộc cách mạng của chúng ta không thể nào tiến lên được, nếu chúng ta không tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, không nghỉ chống những tư tưởng sai lầm ở chung quanh ta và ở trong tâm trí mỗi chúng ta.
Một bên là những tư tưởng cách mạng của giai cấp vô sản kế thừa những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc, của nhân loại; một bên là những tư tưởng áp bức bóc lột, sa đọa đồi trụy của xã hội thực dân phong kiến cũ nó đang liên hồi phản công vào chế độ chúng ta, cố gò chúng ta quay trở lại. Những chế độ chính trị khác nhau cần phải chung sống hòa bình với nhau, những giai cấp khác nhau có thể liên minh với nhau. Nhưng trong lĩnh vực tư tưởng không thể có liên minh cũng không thể có chung sống hòa bình giữa vô sản và phi vô sản, giữa cách mạng và chống cách mạng.
Nhưng đấu tranh tư tưởng không thể dùng lối áp bức mệnh lệnh, cũng không thể lấy đa số đàn áp thiểu số. Làm như thế không bao giờ giải quyết được vấn đề tư tưởng.
Đó là điều sai lầm của tôi trong việc phê bình bài “Nhất định thắng” của anh Trần Dần.
Bài “Nhất định thắng” theo ý tôi là một bài có những sai lầm nặng. Cái nhìn của anh Trần Dần trong bài này là một cái nhìn trịch thượng mà rất yếu đuối có khi bệnh tật, hoang loạn. Giọng nói của anh trong bài này là một giọng nói có khi nặng trĩu chán chường. Hình ảnh miền Bắc trong bài của anh rất là thảm đạm. Hình ảnh đấu tranh của đồng bào miền Nam cũng rất là thảm đạm. Người cầm bút có trách nhiệm không thể dựng lên những hình ảnh như vậy. Dựng lên để làm gì? Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giữ hòa bình, giành thống nhất gặp nhiều khó khăn lớn. Nhưng thái độ của anh Trần Dần trong bài “Nhất định thắng” là thái độ của người dao động. Và vì vậy, ngòi bút của anh không hiện thực. Cũng có những câu, những đoạn anh nói những điều có thể có lợi cho ta. Nhưng ngòi bút của anh sắc sảo và có nghệ thuật khi viết những điều có hại thì lại trở nên nhợt nhạt, vu vơ, công thức trong những câu, những đoạn ấy. Đọc xong, cái phần còn lại trong trí người ta chỉ là cái phần âm u, thảm đạm, còn thì bay đi đâu mất cả. Có người nói: Đó là tại thực tế hay tại anh Trần Dần? Nhưng trong quá trình đấu tranh cách mạng còn có những lúc khó khăn gấp bao nhiêu lần bây giờ, người cách mạng vẫn không thể nhìn theo lối nhìn ấy. Với lối nhìn ấy, anh Trần Dần sẽ gieo rắc buồn nản, hoang mang. Nhiều câu thơ của anh có sức làm tiêu ma chí khí đấu tranh trong khi mọi người còn phải nỗ lực phi thường để vượt những khó khăn do quân thù để lại. Tác giả có thể có ý muốn khác nhưng tác dụng khách quan của bài “Nhất định thắng” là có hại. Đấu tranh chống lại cái tác hại của bài này là đúng.
Nhưng dầu sao đó cũng chỉ là những sai lầm về tư tưởng. Và tiến hành đấu tranh cũng phải theo đúng phương thức đấu tranh tư tưởng của chúng ta.
Tôi đã không làm như thế. Thường vụ Hội Văn nghệ tổ chức cuộc họp để phê bình bài “Nhất định thắng”. Kể muốn tập trung vào một bài mà phê bình cũng được. Nhưng ý thức của tôi trong khi tham gia điều khiển cuộc họp ấy là muốn cô lập anh Trần Dần và tranh thủ những người khác có bài trong Giai phẩm. Cái lối cô lập và tranh thủ ấy dựa trên ý định lấy nhiều người đàn áp một người là một điều trái với nguyên tắc đấu tranh tư tưởng.
Hôm ấy lại không có mặt anh Trần Dần, hình như lúc bấy giờ anh còn ở nông thôn, nhưng chúng tôi không hề nghĩ đến việc cần phải tìm anh về và mời anh phát biểu. Cuộc phê bình rõ ràng là không bình đẳng.
Nhất là chúng tôi trong chủ tịch đoàn lại không hề uốn nắn nhiều lời phê bình quá đáng. Nên trước sau hội nghị chỉ phát biểu một chiều.
Tan cuộc họp, tôi rất mừng, tôi nghĩ rằng do cuộc họp này toàn giới văn nghệ sẽ đoàn kết phấn khởi. Tôi liên hệ đến Cải cách ruộng đất, tôi nhớ lại tình hình đoàn kết phấn khởi của nông dân sau mỗi lần đấu tranh với địch. Sự liên hệ này tố cáo, trong tư tưởng, tôi đã lầm lẫn bạn thù. Anh Trần Dần đối với tôi nghiễm nhiên đã là một kẻ thù, không còn nghi ngờ gì nữa.
Vẫn sự lầm lẫn nghiêm trọng ấy trong bài phê bình của tôi đăng trên báo Văn nghệ. Trong bài này tôi đã nói: tính chất phản động của bài “Nhất định thắng”, bài “Nhất định thắng” chứa đựng những tư tưởng phản động, v.v… Tôi đã dùng hai chữ phản động không cân nhắc. Nhưng thực ra không phải chỉ là vấn đề dùng chữ. Toàn bài phê bình của tôi đều cùng một tinh thần ấy. Tôi nói tôi không kết luận về người, chẳng qua chỉ có nghĩa là tôi không nói anh Trần Dần là ở trong một tổ chức của địch. Kết luận thế nào được? Có chứng cớ gì đâu mà kết luận? Nhưng trong ý nghĩ của tôi thì đúng là địch rồi, dầu chưa có thể kết luận là ở trong một tổ chức địch. Tôi nhặt từng câu từng chữ để chứng minh rằng tác giả đã cố ý nói xấu chế độ ta, cố ý vu khống miền Bắc. Nay tôi bình tĩnh đọc lại bài “Nhất định thắng” thì thấy tuy có câu không được rõ nghĩa nhưng không có gì để kết luận như thế. Không có chứng cớ mà kết luận như vậy thực là coi rẻ một cách quá đáng sinh mệnh chính trị của một người. Do đâu mà tôi đã kết luận như vậy?
Phải trở lại hoàn cảnh đầu năm nay. Lúc bấy giờ là lúc mới bước vào Cải cách ruộng đất đợt 5, chúng ta bắt đầu đánh vào dinh lũy cuối cùng của đế quốc phong kiến ở miền Bắc. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, địch phá hoại điên cuồng. Nhưng có khi chúng ta đã đánh giá địch quá cao, tưởng chừng như chỗ nào cũng có địch. Riêng trong địa hạt văn nghệ, những tin tức về vụ Hồ Phong bên Trung Quốc cũng vừa truyền sang. Trong trí tôi nẩy ra ý nghĩ: Trung Quốc có Hồ Phong, biết đâu chúng ta lại không có một Hồ Phong. Rồi một số dư luận về những quan hệ gia đình và xã hội của anh Trần Dần trong quá khứ và trong hiện tại tuy không có căn cứ gì nhưng cũng đã ảnh hưởng đến tôi. Hơn nữa cái không khí phẫn nộ chung đối với bài “Nhất định thắng” và một số bài khác của anh Trần Dần như bài “Anh Cò Lấm” [1] đăng trên báo Tổ quốc, nhất là việc có người đọc Giai phẩm tức quá xé ngay làm cho tôi càng thêm yên trí.
Sự yên trí ấy làm sai lạc cả nhận xét của tôi. Lúc đầu đọc bài “Nhất định thắng” tôi chỉ có cảm giác đây là một tâm trạng âm u, điên loạn, không chịu được ánh sáng của chế độ ta, nhưng chẳng mấy chốc tôi đã chuyển sang nghĩ đây là một sự cố tình vu khống.
Làm cái việc phê bình mà mang sẵn thành kiến trong mình, lại dựa dẫm vào ý kiến chung quanh, không thực sự cầu thị, không bình tĩnh suy xét thì thật là nguy hiểm, nhất là khi đứng trong cương vị lãnh đạo thì lại càng nguy hiểm.
Bài phê bình của tôi đăng báo hồi tháng 3, đến tháng 4, Đảng phê bình chúng tôi, tôi bắt đầu thấy sai nhưng vẫn xem rất nhẹ cái sai của mình. Sau đó chúng ta học tập nghị quyết của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20, một luồng gió mới thổi rất mạnh vào trong Đảng và trong nhân dân. Liền đó là lớp học lý luận văn nghệ do Hội tổ chức; dưới ánh sáng của những nguyên tắc cơ bản về văn nghệ, anh em văn nghệ phê bình việc này rất sôi nổi. Lúc bấy giờ tôi mới đo được cái sai lầm của tôi. Nhưng đi theo với những lời phê bình rất chính đáng, cũng có nhiều những lời đả kích, những lời bịa đặt. Tôi nổi tự ái lên, tôi không tự phê bình. Rồi những công việc sự vụ hàng ngày lôi cuốn tôi đi. Tôi cứ thế buông xuôi. Mãi đến hôm Quốc khánh vừa rồi, ở Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào, Hồ Chủ tịch sau khi nhắc lại những thắng lợi của ta nói rõ ràng cái điều trước đó đã đăng báo nhưng hôm ấy tôi nghe như rất đột ngột là ta cũng đã phạm những sai lầm lớn, tôi cảm thấy sâu sắc cái vĩ đại của chế độ, của Đảng đang vươn mình lên trên mọi sĩ diện, tự ái, động cơ cá nhân nhỏ nhặt để sửa chữa khuyết điểm, khắc phục khó khăn, đưa nhân dân đến những thắng lợi mới. Tôi thấy tôi không thể nào không đấu tranh quyết liệt với mình để góp phần vào sự nghiệp chung của Đảng.
Nhưng nghĩ lại, đấu tranh với sai lầm của người sao mà tôi vội vàng thế, đến khi đấu tranh với sai lầm của mình lại chậm chạp thế? Và cả hai thái độ trên đây đều đã gây rất nhiều tai hại.
Trước hết tôi đã làm cho nhiều người nhất là những bạn đọc ở xa không hiểu rõ đầu đuôi cũng nhận định sai lầm như tôi. Thật là một điều oan ức đối với anh Trần Dần. Không có một chứng cớ gì rõ rệt mà đã bị buộc tội trên mặt báo trước hàng vạn người! Một đồng chí Trung ương Đảng nói: "Gắn một chữ phản động vào tên người ta như vậy là một điều đến mấy đời sau này con cháu người ta còn lấy làm khổ". Tôi rất thấm thía về điều này.
Sự lầm lẫn bạn thù trong việc phê bình còn gây một không khí e ngại không có lợi. Có người đã phải nói: "Làm văn nghệ khó thật". Người sáng tác cũng như người biểu diễn có có được cái tư thế của những con người hoàn toàn giải phóng thì công trình sáng tác biểu diễn mới có điều kiện thực sự thành công.
Một điều tai hại hơn nữa là những sai lầm của tôi cùng với những sai lầm khác có thể làm cho một số người hiểu lầm về bản chất của văn nghệ ta, là nền văn nghệ hoàn toàn tự do, thực sự tự do đầu tiên trong lịch sử văn nghệ Việt Nam.
Những sai lầm của tôi trong cuộc phê bình bài “Nhất định thắng” đối với tôi là một bài học lớn. Cách mạng tháng Tám và liền đó cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã chuyển đời tôi và tư tưởng tôi theo một hướng mới: hướng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cũng trên hướng đó, chỉnh huấn và việc tham gia đấu tranh ở nông thôn nâng con người của tôi lên một bước: tôi bắt đầu nhìn thẳng vào con người cũ ở trong tôi và tôi thấy rõ muốn đi theo hướng mới không thể nào cứ yên ổn xuôi dòng đi xuôi mà phải đấu tranh bản thân quyết liệt. Nhưng con người cũ với các thứ yếu đuối, các thứ định kiến, các thứ tùy tiện của nó không phải đã chịu nằm im. Việc phê bình có tính chất đàn áp này là một ví dụ. Nhưng Đảng giúp tôi vùng dậy, anh em giúp tôi, cả bản chất của chế độ dân chủ cộng hòa giúp tôi. Với tôi đây là một cuộc chỉnh huấn mới một lần nữa nhắc tôi không thể nào đi theo hướng mới nếu không đồng thời gột rửa một số tàn tích trong mình.
Chú thích:
[1] Truyện ngắn “Anh Cò Lấm” đăng trên tạp chí Tổ quốc số 27, ngày 20.1.1956 ký tên Trần Bá Xá. Lúc này, Trần Dần đang đi tham quan Cải cách ruộng đất tại Bắc Ninh. Ngày 05.3.1956, tạp chí Tổ quốc số 30 đã đăng bài tự phê bình về “sai lầm nghiêm trọng” là đã đăng truyện ngắn này. Xem: “Truyện ngắn ‘Anh Cò Lấm’ và việc tạp chí Tổ quốc tự phê bình”, talawas 30.5.2008 (talawas).
3/7/2008
Hoài Thanh
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Nội, s. 139 
(20.9.1956), tr. 2. Lại Nguyên Ân biên soạn.
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...