Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Đà Lạt năm 1937

Đà Lạt năm 1937

Năm 1937, tạp chí L’Asie Nouvelle Illustrée (Châu Á Mới minh họa) xuất bản tại Sài Gòn đã dành số 56 đăng nhiều bài viết chuyên đề về Đà Lạt. Bài Physionomie de Dalat en 1937 (Diện mạo Đà Lạt năm 1937) của A.N.I.giới thiệu một số hình ảnh về Đà Lạt được phát triển không còn cảnh êm đềm trong giấc ngủ như thời kỳ 1908. Lâm Đồng Cuối tuần xin giới thiệu với độc giả bài viết này qua bản dịch của Nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh.

Thiên nga trên hồ

Đà Lạt có 3 khách sạn châu Âu:
1. Langbian - Palace, khách sạn sang trọng với 30 phòng, tiện nghi hiện đại.
2. Hotel du Parc: 70 phòng.
3. Khách sạn Desanti gồm những căn nhà nhỏ rải rác ven bờ hồ.
Đà Lạt còn có những nhà trọ gia đình và khách sạn người Việt. Vài khách sạn như khách sạn Annam cũng được trang bị tiện nghi giá trị.
Các khách sạn giảm giá cho trường hợp lưu trú dài ngày và gia đình đông người. Hơn thế nữa, du khách có thể thuê những biệt thự và nhà gỗ với vườn hoa và thảm cỏ bao quanh với giá phải chăng: từ 60 đến 200 đồng mỗi tháng.
 

Trên vùng đất hoang vu, Bác sĩ Yersin lỗi lạc thám hiểm vào năm 1893, người Pháp đã xây dựng một thành phố khang trang và hài hòa, quy hoạch thành một thiên đường nhỏ thực sự trong khung cảnh vườn hoa và rừng thông.
Từ năm 1918, Đà Lạt đã được quan tâm để xây dựng thành một thành phố duyên dáng nhất của Đông Dương. Từ năm 1922, Toàn quyền Long nhận thấy cần thiết giao cho một chuyên gia thiết kế đồ án hợp lý và thẩm mỹ thành phố tương lai. Nhà quy hoạch đô thị Hébrard, nổi danh từ khi trùng tu Salonique ở Hy Lạp, được chọn để thực hiện nhiệm vụ này. Đồ án được các công sứ - thị trưởng kế tiếp: Garnier, Cunhac, Delibes, L’Helgouach, Chassaing, Darles và Auger theo dõi và cải biên.
Các chuyên viên xây dựng đã biết giữ nguyên giá trị cảnh quan trong khi mang đến những tiện nghi cần thiết cho một thành phố lớn trên cao nguyên (cung cấp nước, điện,…). Không những cảnh quan đã được chọn lựa tinh vi giữa rừng thông nẩy lộc xanh tươi, đỉnh núi Lang Biang hùng vĩ, nhưng kiến trúc sư còn tô điểm thêm bằng cách xây dựng một hồ nước nhân tạo do chặn dòng suối Cam Ly, nhấn mạnh sự tuyệt mỹ của địa điểm và tạo một hậu cảnh để thành phố phát triển.
Khắp nơi, những ngôi biệt thự xinh đẹp nằm giữa vườn hoa và thảm cỏ xanh được chăm sóc chu đáo, những loài hoa châu Âu. Những con đường rộng, tráng nhựa và thông thoáng. Những đôi thiên nga bơi lội trên hồ nước trong xanh. Sân tennis, sân golf tăng thêm nét đẹp thể thao. Cuối cùng, nhờ một vùng rộng lớn bảo vệ động vật hoang dã, du khách có thể lái xe hay đi bộ giữa những đàn nai và hươu không sợ sự hiện diện của con người. Một mạng lưới đường mòn du lịch giúp cho du khách đi bộ trong rừng và dẫn đến những vọng lâu với điểm nhìn ngoạn mục. 
Vườn địa đàng này nằm hài hòa trên cao nguyên bao la, dưới chân núi Lang Biang, chỉ cách Sài Gòn 305km, nhờ đường sắt xuyên Đông Dương và đường xe lửa răng cưa, có thể dễ dàng và nhanh chóng đến nơi từ khắp các vị trí quan trọng ở Đông Dương. Thành phố này còn được nối với các trung tâm nhờ hệ thống điện tín và điện thoại, một sân bay tốt.
Đà Lạt không chỉ là một nơi nghỉ dưỡng hấp dẫn nhất trong vùng nhiệt đới với hồ nước, vườn hoa, rừng thông, thác nước, nhưng Đà Lạt còn là một thành phố sinh động đang trên đà phát triển. Trong một chuyến đi dạo, một người bạn thốt lên: “Nhìn kìa, đường phố có nhiều người!”. Thật vậy, khu thương mại của người Việt được nối với khu vui chơi bằng một cây cầu bê-tông bắc ngang suối Cam Ly, mọi người đi lại đến tận những con đường nhỏ.
Đà Lạt đã thành công trong việc xây dựng thành một thành phố du lịch và nơi nghỉ dưỡng của Đông Dương. Số lượng khách sạn quan trọng và phong phú là dấu hiệu không thể nhầm lẫn. Con số những biệt thự rất nhiều đang xây dựng là một dấu hiệu khác.
Không biết ngày mai Đà Lạt có trở thành một kiểu thủ đô Đông Dương như Canberra ở Australia hay không? Việc này sẽ không diễn ra đột ngột do một ý định đơn giản của chính quyền như vài người tin nhưng từ từ tùy thuộc vào sự phát triển của các vùng khác. Về phần chúng tôi, chúng tôi tin Đà Lạt, thành phố ngàn hoa trong lành, sẽ có một tương lai tràn đầy hứa hẹn.
Điều kiện khí hậu và vệ sinh
Đà Lạt là một nơi nghỉ dưỡng thượng hạng không thể tranh cãi. Với không khí trong lành và êm dịu, Đà Lạt đặc biệt thích hợp cho những người lao động quá sức, bị căng thẳng thần kinh, muốn dưỡng bệnh, những người mệt nhọc vì sống lâu trong vùng á nhiệt đới. Từ tháng 11 đến tháng 4, người ta tưởng như đang sống ở Côte d’Azur bên bờ Địa Trung Hải. Nhiều người hằng năm đến Đà Lạt để tắm mình trong sự yên tĩnh, tìm thấy sự cân bằng và niềm vui cuộc sống.
 Dinh thự mùa hè (nay là Dinh III)
Đà Lạt, trước hết, là nơi thích hợp với trẻ em. Không nơi đâu thể lực trẻ em phát triển nhanh như ở đây và các bà mẹ rất vui lòng nhìn thấy, trong không khí trong lành này, con em mình, cả trai lẫn gái, đều cường tráng. Trẻ em xanh xao vì chậm lớn hay vừa khỏi bệnh nhanh chóng tìm lại gương mặt hồng hào và sức khỏe tốt.
Chúng ta nhìn kỹ hơn điều kiện nhiệt độ, áp suất không khí và ẩm độ làm cho Đà Lạt là một trong những nơi có khí hậu dễ chịu nhất trên thế giới. Trước hết, Đà Lạt nằm trên độ cao tương đối (1.500m) lại không quá xa biển (80km). Khí hậu Đà Lạt không phải là khí hậu lục địa nhưng ôn đới. Biên độ thấp, nhiệt độ trung bình như sau:
Nhiệt độ trung bình hằng năm: 18o33
Nhiệt độ trung bình mùa hè: 19o6
Nhiệt độ trung bình mùa đông: 16o4
Sự thay đổi nhiệt độ không khó chịu.
Nhiệt độ tối cao không quá 28o (tháng 4 và 5) vào giờ nóng nhất trong ngày.
Nhiệt độ tối thấp dao động giữa +2o (tháng 12 và 1).
Đà Lạt có 2 mùa rõ rệt:
Mùa khô từ tháng 11 đến đầu tháng 5, trời trong xanh gợi nhớ đến vùng Côte d’Azur, nhiệt độ trung bình 18o. Vào mùa này, về đêm, nhiệt độ xuống thấp khoảng +5o.
Rồi đến mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 với những cơn dông thường xuyên. Nhưng vào thời gian này, phần lớn buổi sáng trời đều đẹp và mát. Nhiệt độ trung bình lên 20o, nhiệt độ tối thấp dao động giữa 8 và 11o vào những tháng nóng nhất.
Thời tiết tốt vào mùa khô nhưng vào mùa mưa, đường sá cũng dễ dàng đi lại và nơi ở cũng thuận tiện.
Độ ẩm lúc nào cũng rất thấp, không khí khô tạo sự hô hấp dễ dàng, hồng huyết cầu tăng nhanh và tái sinh. Hương nhựa thông quanh thành phố tăng thêm chất lượng không khí.
Cao nguyên Lang Biang đặc biệt thoáng mát: gió tây-nam thổi từ tháng 5 đến tháng 10 và gió đông-bắc từ tháng 11 đến tháng 2.
Bão không dữ dội như thỉnh thoảng xuất hiện trên bờ biển, vài căn nhà gỗ tồn tại 20 năm chứng minh điều này.
Mỗi năm có 150 ngày mưa; tháng 8, 9 và 10 có khoảng 60 ngày.
Về mọi mặt, Đà Lạt có những điều kiện nghỉ ngơi thuận tiện nhất và khí hậu tốt nhất cho người Âu ở Viễn Đông.
Bảng nhỏ (xem bên dưới) chỉ rõ, trong mọi trường hợp, sự so sánh Đà Lạt với các nơi nghỉ dưỡng ở Ấn Độ và Phi-líp-pin.
Áp suất không khí trung bình là 650mm.
Mặt khác, điều kiện vệ sinh rất tốt, Đà Lạt không có bệnh sốt rét xuất hiện ở vài địa điểm trên cao nguyên Đồng Nai Thượng, giữa độ cao 800 và 1.000m.
Mùa mưa trên cao nguyên không trùng hợp với vùng ven biển. Từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 1, trong khi vùng ven biển miền Trung chịu những trận mưa bão dữ dội làm cho nước sông dâng tràn và cắt đứt nhiều đoạn đường giao thông thì Lang Biang vẫn bình yên. 
Độ cao trên cao nguyên tạo cho nhiệt độ tươi mát và áp suất không khí ôn hòa. Không khí trong lành giúp cho ăn ngon; hoạt động thân thể và tâm trí khác với Sài Gòn.
Độ chiếu sáng và thời gian nắng rất đặc biệt. Sương mù không kéo dài và tan dần khi mặt trời mọc.
Nếu điều kiện khí hậu làm cho Đà Lạt thành một vườn địa đàng thực sự thì những yếu tố khác còn làm tăng thêm điều kiện sinh hoạt cho cư dân nơi đây: điều kiện sống và cảnh quan.
Ví dụ, về lương thực, một trong những điểm làm cho người Âu hài lòng ở Đà Lạt là tìm thấy sữa và rau tươi như ở châu Âu. Nhờ khí hậu lạnh, vườn rau xanh tươi, người ta tìm thấy các loại rau ở Pháp và dâu tây thơm ngon gần như quanh năm. Những cánh đồng cỏ cung cấp cỏ tươi cho một đàn gia súc đông đảo và người ta có thể tận hưởng kem và sữa, pho-mát và bơ tươi.
Cá và thịt có chất lượng tốt, nước hoàn toàn tinh khiết thường xuyên được Viện Pasteur kiểm nghiệm.
Khách sạn có đầy đủ tiện nghi để phục vụ du khách, vài khách sạn ở Đà Lạt rất nổi tiếng. Đây là những điều kiện hàng đầu để những người vừa khỏi bệnh và thiếu máu hồi phục sức khỏe.
Cuối cùng, Đà Lạt là cánh đồng hoa của Đông Dương. Hoa cẩm chướng và hoa hồng, hoa vi-ô-lét và mi-mô-da khiến cho người Âu có cảm giác như ở quê nhà.
Sinh hoạt thể thao và giải trí
Những người yêu thích thể thao tìm thấy ở Đà Lạt nhiều môn thể thao theo sở thích, ngoài du lịch và leo núi.
Một trong những trung tâm thể thao hấp dẫn tất nhiên là hồ trên dòng suối Cam Ly với nước trong xanh mang lại cho những ai hâm mộ chèo thuyền và bơi lội những giây phút khó quên. Một giàn nhào (plongeoir) đặc biệt, nhà Thủy Tạ được xây dựng riêng cho những người tay bơi. Mùa bơi lội lý tưởng nhất kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8. Trong thời gian này, nhiệt độ trong nước dao động giữa 20oC và 23oC. Dưới bầu trời Đà Lạt, tắm nắng rất tốt cho sức khỏe và màu da. 
Về thể thao dưới nước, những chiếc thuyền hai mái chèo được cho thuê thường xuyên gần nhà Thủy Tạ. Thuyền trôi nhanh trên mặt nước hồ có chiều dài 2km và rộng 300m.
Cầu đến nhà Thủy Tạ
Một địa điểm rất hấp dẫn ở Đà Lạt là sân cù (golf) 9 lỗ với lối đi rất đa dạng và mấp mô do một kiến trúc sư chuyên nghiệp người Scotland thiết kế giữa những ngọn đồi xanh tươi. Sân cù được coi như là một trong những sân cù hấp dẫn nhất ở Viễn Đông. Trên sân cù có một câu lạc bộ đầy đủ tiện nghi. Những người chơi golf tranh cúp vào dịp Tết dương lịch và lễ Phục Sinh.
Đà Lạt còn có nhiều sân quần vợt. Những nhà thể thao thường lui tới nơi này trong mùa khô, từ tháng 1 đến tháng 5, tranh cúp hằng năm tổ chức vào dịp lễ Phục Sinh và tranh giải trong những dịp khác.
Từ tháng 9 đến tháng 12 là thời gian tranh giải bóng đá.
Những người thích cưỡi ngựa có thể thuê ngựa theo giờ. Loại ngựa địa phương tuy nhỏ con nhưng chạy rất dai sức, thích nghi với địa hình miền núi.
Đà Lạt là thiên đường của những người đi săn. Cách Đà Lạt không quá 2 giờ là vùng săn bắn nai, hươu, công, gà lôi, heo rừng, gấu đen, bò rừng, cọp, beo, voi có rất nhiều trong vùng. Nhiều người săn bắn không chuyên, cũng có những người săn bắn chuyên nghiệp giúp hướng dẫn việc săn bắn.
Đà Lạt về đêm cũng không đến nỗi buồn chán. Tại câu lạc bộ, du khách có thể ghi tên tham dự vui chơi, giải trí. Khách sạn Langbian Palace tổ chức những buổi dạ hội khiêu vũ. Rạp chiếu bóng Eden hằng tuần chiếu 2 chương trình phim khác nhau.
Công trình xã hội
Trung tâm sinh động nhất ở Đà Lạt là khu vực quanh chợ (1), một công trình khang trang vừa mới xây dựng xong. Mặt tiền của chợ có trang trí huy hiệu của thành phố Đà Lạt và câu châm ngôn như một lời hứa hẹn giản dị: “Dat Aliis Laetitiam, Aliis Temperiem (Cho những người này niềm vui, những người khác sự mát mẻ).
Chợ Đà Lạt (nay là rạp chiếu bóng 3-4)
Chợ nằm trên đồi cao trong khu vực người Kinh. Ngày xưa, Đồng Nai Thượng là một tỉnh chỉ có người dân tộc thiểu số. Ngày nay, tỉnh có 14.000 người Kinh, đa số sống ở Đà Lạt (6.500 người) (2).
Một nhà ga mới với kiến trúc hiện đại kiểu Anh - Normandie đang được xây dựng và sẽ hoàn thành trong thời gian gần đây.
Nông dân người Kinh sống trong thung lũng suối Cam Ly cung cấp cho Đà Lạt rau, trái cây, hoa và chuyên chở xuống Sài Gòn.
Dân số đông đòi hỏi phương tiện y học hiện đại. Một bệnh viện lớn đã được xây dựng ở Đà Lạt do một bác sĩ người Pháp quản lý, có một bác sĩ người Kinh và những nữ tu dòng Saint Paul de Chartres phụ tá. Bệnh viện còn có một nhà hộ sinh rất khang trang với phòng phẫu thuật và những phòng khác dành cho bệnh nhân giàu hay nghèo ở địa phương. Bệnh viện này đặc biệt quan trọng vì Đà Lạt không chỉ tiếp du khách nhưng còn những người vừa mới khỏi bệnh đến Đà Lạt để hồi phục sức khỏe và tìm lại sự thăng bằng đã mất.
Từ năm 1936, Viện Pasteur đã thành lập một cơ sở mới ở Đà Lạt. Trang bị hiện đại, Viện Pasteur Đà Lạt là một điểm phụ cho giám đốc bệnh viện Đà Lạt nhờ sự phân tích trong phòng thí nghiệm. Hoạt động này không phải thứ yếu nhưng rất quan trọng cho thành phố Đà Lạt vì mục đích chính của Viện Pasteur Đà Lạt là sản xuất vắc-xin tại một nơi ít nóng hơn Sài Gòn.
Diện tích tỉnh Đồng Nai Thượng rất rộng không cho phép tất cả cư dân trong tỉnh đều đến chữa bệnh tại bệnh viện Đà Lạt. Nhiều bệnh xá được thành lập trong những vùng đông dân: Djiring, Dran, M’Lon và Coya (3). Một viên y tá phụ trách bệnh xá. Giám đốc bệnh viện Đà Lạt thường thanh tra các bệnh xá và khám bệnh khi cần thiết.
Mặt khác, nhờ khí hậu giúp cho trẻ em học hành tốt, Đà Lạt đã trở thành một trung tâm giáo dục hàng đầu. Nhiều trường học lớn được tổ chức và hoạt động với những điều kiện tối ưu.
Về thờ phượng, Đà Lạt có một linh mục người Pháp, một nhà thờ Thiên Chúa và một nhà thờ Tin Lành.
Chú thích:
(1) Chung quanh chợ Đà Lạt có nhiều cửa hàng. Một cách tổng quát, việc cung cấp khá dễ dàng ở Đà Lạt tại cửa hàng Boy-Landry hay các cửa hàng khác trong thành phố (nhà thuốc tây, hớt tóc, ga-ra,…) 
(2) Khi người Pháp mới đến Đà Lạt, dân cư tỉnh Đồng Nai Thượng chỉ là người dân tộc thiểu số có nguồn gốc Mã Lai - Đa Đảo. Họ sống trong rừng, săn bắn và trồng trọt thô sơ. Họ sống rải rác, du canh du cư, trên diện tích rộng 9.000km2 chỉ có 48.000 người. Từ khi người Pháp đến Đồng Nai Thượng và cùng với sự thành lập các đường giao thông (đường bộ, đường sắt), người Kinh dần dần đến một số vùng và lập nên làng mạc trù phú. Dân số tăng lên khoảng 14.000 người. 
(3) Nay là Di Linh (huyện Di Linh), Dran, Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương), Phú Sơn (huyện Lâm Hà).
26/6/2014
Nguyễn Hữu Tranh trích dịch
Theo http://baolamdong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...