Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Bóng người trong bóng núi

Bóng người trong bóng núi

Trong tập tiểu luận phê bình Bóng người trong bóng núi (NXB Hội nhà văn, 2017), tác giả Lê Thành Nghị khéo chọn phê bình 14 tác giả là nhà thơ quân đội nổi tiếng đã dự phần xác lập những thành tựu và đóng góp của thi ca đương đại. Những tác giả đều có điểm chung là người lính đến với thi ca, đã thành công và có phong cách riêng được bạn đọc và thời gian sàng lọc. Đó cũng chính là những đỉnh cao của thơ ca Việt Nam từ kháng chiến chống Mỹ đến nay.

Mười bốn chân dung tác giả được “ký họa” từ nhiều góc nhìn khác nhau, nhiều bình diện khác nhau. Lê Thành Nghị lý giải từ nhiều phương pháp phê bình phong phú đa dạng, vừa có sự kết hợp của thi pháp học, văn hóa học, phân tâm học, xã hội học, ký hiệu học, cấu trúc. Tất cả được chạm trổ tinh tế và say đắm. Ở đó có sự trộn lẫn của lý trí và cảm xúc, ý thức và trực cảm. Mỗi chân dung đều toát lên cái thần, cái hồn trong từng phong cách, rất cá tính, sắc nét và không thể nhầm lẫn với bất kỳ ai. Một Thu Bồn khác thường. Một Lưu Quang Vũ giọng buồn, sáng tạo, độc đáo. Một Nguyễn Trọng Tạo với bến bờ của một thực tại khác trong biển mờ vô thức. Một Hữu Thỉnh đầy trải nghiệm và ám ảnh chiêm nghiệm và suy tư. Một Y Phương với trầm tích văn hóa núi đá, những vỉa tầng văn hóa với những ý tưởng triết lý. Một Nguyễn Khoa Điềm ưu tư và giàu nội cảm...
Ngòi bút phê bình tài hoa của Lê Thành Nghị thật sự làm mê đắm lòng người. Câu chữ cứ tung tẩy, hô ứng lẫn nhau dẫn dắt người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi nhiều phát hiện vô cùng đắt giá: “Nhưng với Thu Bồn biết làm sao là đủ? Mọi cái ở ông đều quá cỡ, khác thường. Lãng du khác thường, yêu thương khác thường, buồn vui khác thường và lao động khác thường”. Thu Bồn được đánh giá không chỉ là  thi sĩ của mê đắm tình yêu mà còn là thi sĩ của những niềm rung cảm lớn, nhà thơ ngoại cỡ ở thể loại trường ca, có tầm ảnh hưởng lớn. “Thơ thu Bồn là nơi hội tụ những công lực mạnh mẽ, đột sáng với thứ ánh sáng bản năng được thăng hoa cùng với những liên tưởng độc đáo của trí tuệ”. Khi đánh giá về Hữu Thỉnh, Lê Thành Nghị đã xác tín rằng “Có hai mảng thật sâu đậm trong thơ Hữu Thỉnh: Đất nước, nhân dân, cuộc chiến... trải nghiệm trang trước và thế sự, nhân tình thế thái  chiêm nghiệm trang sau, như hai mặt thống nhất như thể nếu không có sự trải nghiệm kia thì chắc gì có sự chiêm nghiệm này. Hai mặt, mặt thì lắng sâu, mặt thì ám ảnh. Với thơ Lưu Quang Vũ, tác giả lại thể hiện sự trăn trở và bị mê hoặc:  “Khi cái tôi nghệ sĩ trong anh đòi hỏi có một không gian tinh thần hơi vượt quá khuôn khổ của những quan niệm đương thời cho tự do, cho tình yêu, cho sáng tạo... anh bị văng ra khỏi cơn lốc cả dân tộc, để lâm vào cơn gió lốc của đời tôi mà anh biết có thể chẳng cần thiết cho ai. Nhưng lại vô cùng cần thiết cho thơ ca. Bởi Lưu Quang Vũ đang vượt qua thời đoạn và muốn đổi mới thơ từ rất sớm. Hiện tượng Lưu Quang Vũ là hiện tượng đặc biệt không có phiên bản thứ hai”.
Dường như Lê Thanh Nghị có con mắt xanh của người vừa viết phê bình lại vừa là người sáng tác. Bài nào trong tuyển tập cũng được anh viết với dự phóng tìm ra sâu xa cái hồn, cái khác biệt trong phong cách của mỗi người, để rồi đi đến cái chân, thiện, mỹ. Người làm phê bình không chỉ tỉnh táo mà còn rung động và say giữa đôi bờ nghệ thuật và khoa học. Bóng người trong bóng núi là kết tinh của tâm huyết và tài năng, con mắt xanh mà anh dành cho những nhà thơ, chiến sĩ đi trước và cùng thời cũng như anh.
3/2/2018
Huỳnh Thu Hậu
Theo http://baoquangnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...