Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

Vũ Khắc Khoan: Thần Tháp Rùa

Vũ Khắc Khoan: Thần Tháp Rùa

Thần Tháp Rùa là một trong những tác phẩm huyền ảo đặc sắc nhất mà văn học Việt Nam có được trong nửa sau thế kỷ XX. Nếu trong nửa đầu, chúng ta đã có những tác phẩm của Nguyễn Tuân, đặc biệt Chùa Đàn là một kiệt tác. Thì nửa sau, chúng ta có Thần Tháp Rùa.
Nhưng nghệ thuật của Nguyễn Tuân và Vũ Khắc Khoan hoàn toàn khác nhau. Sự huyền ảo (fantastique) của họ cũng khác: Nguyễn Tuân đi vào địa hạt tâm linh huyền bí của con người, vào những ẩn ức dục tình truyền kiếp, trong một không khí hiện thực hôn mê, có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Trọng tâm huyền ảo của Nguyễn Tuân là con người, là sự huyền ảo trong tâm linh con người, những ám ảnh, những nhiệt tình, những cảm xúc mãnh liệt trong tình yêu và nghệ thuật nơi Con Người. Con người ở Nguyễn là Con Người viết hoa.
Trong khi Vũ Khắc Khoan tạo ra một không khí huyền ảo không thể dựng lại được trên bất cứ một thực tế nào. Bởi Vũ đã pha trộn những chiều không gian và thời gian khác nhau trong cùng một môi trường. Vũ cho những nhân vật thời nay sống trong không khí thời xưa, với văn chương biền ngẫu, âm điệu cổ, với Rùa thần, với Thiên Thai, tiên cảnh, với hiện thực ma quái Bồ Tùng Linh. Không khí truyện của họ Vũ vừa thực vừa ảo, con người trong truyện cũng vừa thực vừa ảo. Vũ dùng người, dùng nhân vật trong truyện, để phát biểu những điều mà Vũ ấp ủ trong lòng. Đối với Vũ, nhân vật chỉ là cái cớ, tác phẩm chỉ là một thác ngôn về những Vấn Đề. Yếu tố chính trong tác phẩm Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan là những Vấn Đề. Là con người xuyên qua những vấn đề. Vũ dùng nhân vật để giải quyết những vấn đề đang sôi bỏng trong đầu Vũ, trong thực tại xã hội mà Vũ đang sống. Và như một nhà tiên tri, tất cả nhũng vấn đề họ Vũ đặt ra thời kỳ 1954, thời kỳ đất nước vừa bị chia đôi, dường như vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Vì thế mà tác phẩm của Vũ Khắc Khoan đã trở thành cổ điển ngay khi nó vừa mới chào đời.
Thần Tháp Rùa là một tập huyền truyện gồm 4 truyện: Thần tháp Rùa, Trương Chi, Nhập Thiên Thai và Người đẹp trong tranh, viết trong khoảng từ 1954 đến 1957. Đây không phải là tác phẩm đầu tay, nhưng là tác phẩm nòng cốt của Vũ Khắc Khoan, mở đầu cho một quan niệm sáng tác, một cách suy tư, một lối sống, lối viết, một lối lựa chọn, đúng ra là sự phân vân không biết lựa chọn như thế nào. Nó là sự đong đưa giữa những vấn đề lớn của dân tộc, của con người, giữa xuất thế và nhập thế, giữa trắng và đen, giữa thiên đường và trần thế, giữa nghệ thuật và cuộc đời. Mỗi lựa chọn là một câu hỏi: Nghệ thuật có thể rời xa cuộc sống được chăng? Nghệ thuật có thể phục vụ thế quyền được chăng? Người trí thức, nghệ sĩ tiểu tư sản Vũ Khắc Khoan, tức "Khoan tôi" như tiếng ông tự gọi mình, sống trong thời đại mà vô sản vùng lên tư bản đè xuống ấy, có thể làm gì được?
Nhưng chính cái "Khoan tôi" ấy, cũng lại là một giá trị nghệ thuật và tư tưởng, bởi chính hắn - Khoan tôi - cái tôi của người nghệ sĩ, hắn là kẻ sáng tạo, mà kẻ sáng tạo thì không tư bản mà cũng chẳng vô sản, hắn chỉ là người viết ra tác phẩm. Hắn còn là kẻ trí thức, và cái kẻ trí thức ấy, cái kẻ sáng tạo ấy, ngày nay vẫn chưa thoát khỏi tình thế trên đe dưới búa, vì thế mà "Khoan tôi" 1954, vẫn còn là "Khoan tôi", khuôn mặt trí thức sáng tạo Việt nam hôm nay, vì vậy mà tác phẩm của Vũ Khắc Khoan có tính chất tiên tri.
Truyện dựng trên các truyền thuyết: về Thần Kim Quy, về tiếng hát Trương Chi, về Lưu Nguyễn nhập thiên thai, về Tú Uyên và Giáng Kiều. Vũ Khắc Khoan tái tạo các huyền tích cũ để kiến trúc một tác phẩm mới. Chúng ta ai cũng thuộc những truyện cổ tích về Thần Kim Quy, về Trương Chi, Lưu Nguyễn nhập thiên thai, về Tú Uyên Giáng Kiều, ở đây, những huyền tích ấy được dựng lại trong một tư thế mới, không đơn thuần chỉ là cổ tích nữa, bởi chúng không còn nằm trong môi trường cổ mà chúng đã biến vào thực tại xã hội thời nay, như một đầu thai, một sống lại.
Vấn đề đầu tiên, đi từ một thực tại đơn giản, đó là thực tại lịch sử của thời chia đôi đất nước: Thiên hạ chia đôi, anh theo bên nào?
Trong truyện Thần Tháp Rùa, Người thư sinh họ Đỗ chính là Khoan tôi, được mô tả như thế này:
"Lên đến Kẻ Chợ, Đỗ ngồi dạy học ở phường Hàng Bạc, tạm yên sinh kế để có thể tiếp tục học hành (...). Giọng Đỗ trầm bổng như tiếng trúc tiếng tơ, khi mau khi chậm, khi thoảng nhẹ tựa cơn gió mùa hạ, khi thiết tha như tiếng đục trạm của người rũa ngọc. Bạn bè ai nghe cũng thấy thích tai, cho là lạ, phục Đỗ học rộng, biết nhiều. Tựu trung cũng chẳng hiểu Đỗ ra sao.
Một hôm, có người hiếu kỳ gần nửa đêm, đập cửa nhà Đỗ, đòi chất vấn.
- Hiện nay thiên hạ chia đôi, không trắng thời đen, mà nghe ông nói thì thật không biết là đen hay trắng.
Đỗ ngẫm nghĩ hồi lâu, thủng thẳng trả lời:
- Tại sao lại cứ bắt buộc là đen hay trắng? Mặt trăng, vòm trời, khi khuyết, khi tròn. Ánh sáng mùa thu trong như ngọc mà thật ra lại hợp bẩy màu. Lá cây phong bên bãi lúc xanh, lúc đỏ. Chân lý ở đời không đơn giản như bụng dạ trẻ con. Tại sao lại cứ bắt buộc là đen hay trắng? (Thần Tháp Rùa, trang 12- 13).
Họ Đỗ chính là họ Vũ ở thập niên 50, vừa học, vừa dậy. Hành trang của chàng chỉ có chữ mà không có tiền. Trong thế chia đôi thiên hạ giữa tư bản và cộng sản, Đỗ nhập vào đâu cũng khó. Chàng tự nhủ "Tư bản đè xuống mà hùa theo là tư cách tiểu nhân", mà «Vô sản vùng lên, nếu nhập vào, ắt mất tự do» (trang 14). Nỗi băn khoăn của họ Đỗ, sách vở cổ kim không giải đáp được. Cơ may, chàng hội ngộ được với Rùa thần. Nguyên hôm ấy viên thị trưởng Thẩm Hoàng Tín, nhân dịp nguyên tiêu, ra lệnh bắt Rùa để dân Kẻ Chợ được dịp mua vui, chuyện xẩy ra như thế này:
"Lúc bấy giờ, gió đông thổi lộng, sóng hồ bập bềnh, trăng rằm lên ngôi, sương mỏng buông xuống ướt cả cỏ non. Đối cảnh mà cảm khái, mềm môi uống mãi, lúc đứng lên mới biết đã say, Đỗ chập chững ven hồ mà bước. Một lát sau thấy mình dừng lại trước Rùa, bèn giương mắt mà ngắm. Rùa to bằng cái nia, đầu cổ sần sùi, bốn chân bị trói.
Đỗ đứng lặng nhìn Rùa. Rùa cũng vươn cổ nhìn Đỗ. Dưới ánh trăng nguyên tiêu, Đỗ chợt thấy mắt Rùa như mờ lệ.
Nhân còn say, Đỗ hỏi:
- Cũng biết thùy lệ ư?
- Rùa gật đầu, vươn cổ ra phía hồ. Nước hồ trong xanh dưới ánh trăng xanh. Đáy hồ rêu cũng xanh. Đỗ nhìn quanh không thấy có ai, bèn xắn tay cởi trói cho Rùa. Rùa dụi đầu vào tay Đỗ, Đỗ thấy mát rượi lòng tay. Bèn vỗ vào mai Rùa mà rằng:
- Thôi đi đi, từ nay nên cẩn thận.
Rùa choài mình xuống nước. Mai Rùa lấp loáng phút chốc biến mất.
Đỗ nhìn theo hồi lâu rồi cũng trở về.
Đêm hôm đó, Đỗ trằn trọc không nhắm mắt. Định đọc sách, thì tâm thần phiêu diêu bất định, chữ múa trước mắt, nghĩa sách thoảng xuôi như cơn gió mùa xuân.
Đỗ bèn vùng dậy, mở toang cửa sổ. Trăng tỏa đầy gác học. Trăng soi sáng bốn bề ngập sách. Sách ở bàn, ở tủ, từng chồng, từng tập, ở cả đầu giường. Quyển mở xem vội vài trang, quyển khép kín im lìm một xó tường. Mã Khắc Tư ôm ấp Lão Tử. Sartre nằm cạnh tập kinh Tân Ước. Bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu cố gắng, bấy nhiêu cây mốc cắm dọc con đường tư tưởng tự nẻo xa xôi, rắn vườn Eden chưa từng bò sát cho đến bây giờ. Tựu trung chân lý vẫn chập chờn như đom đóm lập lòe giữa bãi tha ma. Sách lặng lẽ lên bụi. Đỗ bỗng thấy ngột thở mà quay đi. Và rụt rè nghĩ rằng:
- Thế ra mỗi người là một thế sống tùy thời mà biến hóa khôn lường. Thế Chiến Quốc, Thế Xuân Thu...Thế sống Mạnh Tử và Thế sống Khổng Khưu. Mà nào ai đã khuyên nhủ được ai? Hỡi ơi! Ta vỡ lòng trong mốc bụi dĩ vãng, lớn lên cùng tập giấy mủn, nhìn thế cục xoay vần bằng con mắt cổ nhân. Nay lại định giải quyết hiện tại bằng phương quá khứ! Còn vỗ ngực trách ai nữa" (trang 18).
Sự băn khoăn, không dứt khoát của Đỗ, ở hay đi trong thế Hán Sờ tranh hùng, sách vở không giúp gì cho chàng được. Vốn liếng của chàng chỉ là chữ. Không có tiền, chàng biết mình không thể nhập vào bọn tư bản mà nếu muốn nhập vào bọn vô sản thì phải đốt sách đi. Sự lựa chọn muôn phần khó khăn, khốc liệt, chàng đã nghĩ đến chuyện hy sinh sách vở, bởi chúng vô ích trong hoàn cảnh này. Nhưng người thần nữ nhắc:
- Đốt được nhà, nhưng sao đốt được sách? Chàng còn nhớ cuộc phần thư thủa bắt đầu xây dẫy trường thành, càng đốt sách, nghĩa của chữ lại càng trong trẻo, dễ vút lên cao, dễ lan ra rộng... Họ Tần đốt sách Khổng Khưu, vậy mà cái lý Tam Cương của người nước Lỗ đâu có bị hỏa thiêu cùng sách?... Chàng muốn thiêu hủy đến không còn một tấc đất tư duy. Nhưng rút cục chàng lại thấy em» (trang 29).
Rùa, hiện thân thần nữ, đã cho Đỗ những giây phút tuyệt đỉnh hạnh phúc, đã chỉ cho Đỗ cái vô ích của sự tiêu hủy tư duy. Thần nữ hiểu tâm sự băn khoăn của chàng, nàng bảo: "Chàng khổ tâm vì trong cái thế tranh hùng Hán Sở, không biết đâu là nơi dụng võ. Một đằng là búa đập xuống đe, một đằng là mặt đe nẩy lửa. Một đằng là kẻ có tiền, một đằng hoàn toàn tay trắng. Nhập vào đâu cũng chỉ là kế nhất thời. Đứng ở đâu cũng là mượn tạm đất đứng" (trang 29).
Lý trí chàng muốn nghiêng về thế vô sản, nhưng chàng không thể đốt sách, bởi Đỗ hiểu hơn ai hết, những lời thần nữ: "Đốt được nhà, nhưng sao đốt được sách? Càng đốt sách, nghĩa của chữ lại càng trong trẻo".
Đỗ không có lựa chọn nào khác. Chàng ở trong thế kẹt.
Chàng không có lối thoát. Bởi lối thoát là nghệ thuật, xảy ra ở một hoàn cảnh khác, trong truyện Người đẹp trong tranh, huyền thoại Tú Uyên và Giáng Kiều, với một lựa chọn không kém đau đớn xót xa.
"Giữa một người đẹp mơn mởn đào tơ và một nét họa trong tranh, giữa cái nhất thời tương đối và cái tuyệt đối bất chấp thời gian, Tú Uyên phải chọn lựa. Giữa một bức tranh và Giáng Kiều. Giữa cái đích hãy còn xa lắc và một tấm thân hiện đang còn run rẩy trong vòng tay khép chặt của chàng. Giữa cái chửa thành hình và cái hiện hữu sự chọn lựa thật vô cùng đau xót" (trang 112).
Giữa cái "chửa thành hình và cái hiện hữu" Tú Uyên đã chọn cái chửa thành hình. Cái chửa thành hình là tác phẩm nghệ thuật. Cái hiện hữu là Giáng Kiều, là người đẹp, là nàng thơ, là những say mê đắm đuối. Chàng làm theo lời người thày căn dặn: "Thể hiện vẻ đẹp trong tranh mới là cái đích cuối cùng. Không nên đắm đuối vào phương tiện mà quên mất đích". Và chàng đã hy sinh tình yêu để đạt nghệ thuật. Nhưng khi Tú Uyên hy sinh "phương tiện Giáng Kiều" để vẽ xong bức tranh, thì chàng lại lạc mất đường đời. Tới đây, một vấn đề mới được đặt ra: Nghệ thuật có thể xa lìa cuộc sống được chăng? hay chính sự đong đưa giữa thực tế và vĩnh cửu, mới là bản chất của nghệ thuật? Nghệ thuật là gì? Nếu không là sự chết đi để đạt tới tuyệt đối? Giáng Kiều hy sinh tính mệnh để tác phẩm đi vào lòng tuyệt đối, bởi muốn cho chàng hoàn thành bức họa để đời, nàng phải chịu hóa thân, rứt bỏ phần mình gắn bó với nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm là một cuộc đầu thai, người nghệ sĩ phải hy sinh, phải "chết mình" đi một ít. Cái phần Tú Uyên chết đi ở đây là một nửa phần mình, là Giáng Kiều, là tình yêu tuyệt đối. Người nghệ sĩ phải hy sinh hạnh phúc thiêng liêng nhất của mình để được đầu thai vào tác phẩm.
Trong truyện Trương Chi, Vũ Khắc Khoan bàn đến vấn đề quyền uy của nghệ thuật:
"Lời ca có thể xuống lệnh cho loài người. Vượt lên bực nữa, thì thông cảm với gỗ đá... nhưng cái bậc siêu phàm của âm thanh, chính là yên lặng hoàn toàn để cho ý nhạc có thể vượt thời gian mà rung cảm cùng kiếp trước, khiếp sau, bỏ không gian mà hòa vào vũ trụ" (trang 39).
Tiếng hát Trương Chi - tuy uy quyền như thế - Nhưng nó chỉ có quyền lực siêu phàm khi nó không vụ tình, vụ thời, vụ lợi, vụ quyền. Khi họ Trương đem tiếng hát của mình phục vụ cho đám thuyền chài và người đẹp trưởng giả, thì «Trương Chi đã hoàn toàn lột xác. Chàng đã mất tất cả, từ hình hài đến tâm tưởng, từ nếp sống đến lời ca tiếng hát, để trở nên một gã thuyền chài vạm vỡ, thô kệch"(trang 49).
Trong truyện Nhập Thiên Thai, Vũ Khắc Khoan đặt vấn đề với những thiên đường.
Loài người mơ tưởng thiên đường. Thiên đường là cõi sống tuyệt đối. Thiên đường là nguồn cội: "Nguồn là tuyệt đối, cho nên phân cực cũng rất rõ ràng (...) Anh đã chọn lựa. Giữa hai thái cực, sự lựa chọn của anh tất thiên về một phía. Cũng như Lưu và Nguyễn đã quên mất căn tương đối của kiếp làm người, mà tìm nguồn tuyệt đối, thì giữa cái thế gọng kìm tư bản vô sản, anh cũng đã quên hẳn cái thế của chính anh (...) Anh đã nhập Thiên Thai (...) Từ Thức đã bỏ Thiên Thai và Lưu Nguyễn cũng thế. Tại sao?
Theo tôi thì không ở lại, chỉ vì không thể ở lại. Chỉ vì thấy Thiên Thai không phải là chỗ của mình (...) Mai Nhi và Đào Nhi không biết yêu. Không ai ở Thiên Thai biết yêu cả. Ở Thiên Thai thì phải diệt tình. Vì đó là lẽ tồn tại của cõi Thiên Thai" (trang 74)
Ở thời điểm 54-56, vấn đề lựa chọn giữa Nam Bắc chia đôi là một vấn đề địa lý chính trị nhất thời, nhưng cũng lại là vấn đề lựa chọn giữa hai thái cực của con người muôn thủa. Có thể thiêu hủy được tư duy không? Đấy cũng là thách thức lớn nhất của con người trước mọi áp chế, mọi thế quyền.
Vũ Khắc Khoan muốn đưa ra một lựa chọn thứ ba, lựa chọn sự tương đối, không theo cực nào. Nhưng chính sự lựa chọn này người Việt cũng không thể có được ở thời điểm chia đôi đất nước, sự lựa chọn này chỉ là ảo giác của văn chương, là huyền thoại của cuộc sống.
Chênh vênh giữa cái có và cái không, giữa thế giới tuyệt đối của những thiên đường không có đất sống và thế giới trần tục của cuộc đời lầm bụi, con người hành hương thường trực giữa thiên đường và địa ngục, nhưng chưa bao giờ tìm được lối thoát cho chính mình.
Tháng 8/2008
Thụy Khuê
Theo https://nlsbaoloc.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...