Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Đà Lạt chuyển động theo dòng thời gian

Đà Lạt chuyển động theo dòng thời gian

Trong nửa đầu thế kỷ XX, Đà Lạt không phát triển thuận buồm xuôi gió nhưng đã có những bước thăng trầm.

THÁM HIỂM CAO NGUYÊN LANG BIANG
Trong chuyến thám hiểm thượng lưu sông Đồng Nai, tháng 3 và tháng 4 năm 1881, bác sĩ Paul Néis và trung úy Albert Septans đã đến cao nguyên Lang Biang để nghiên cứu dân tộc học và nhân trắc học.
12 năm sau, bác sĩ Alexandre Yersin đến cao nguyên Lang Biang vào chiều ngày 21-6-1893 và trong thư đề ngày 19-7-1897 ông đã giới thiệu với Toàn quyền Paul Doumer cao nguyên Lang Biang để thành lập nơi nghỉ dưỡng (sanatorium).
NƠI NGHỈ DƯỠNG
Trong chuyến công du Ấn Độ năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer được chứng kiến những nơi nghỉ dưỡng tổ chức tốt và nhận thấy binh sĩ đóng tại các địa điểm trên độ cao từ 1.000m lên đến 2.000m, có khí hậu giống như ở châu Âu, không bị mắc những bệnh ở vùng nhiệt đới. Doumer rất mong muốn tìm một hay nhiều nơi tương tự dành cho công chức và binh sĩ Pháp mệt mỏi, đau yếu vì khí hậu nhiệt đới, tránh được cái nóng nung người ở đồng bằng, tận hưởng những giây phút yên tĩnh trong không khí mát lành để hồi phục sức khỏe.
Tháng 3 năm 1899, bác sĩ Yersin tháp tùng Doumer cưỡi ngựa từ Phan Rang lên cao nguyên Lang Biang.

Tượng Yersin tại Viện Pasteur Nha Trang
Ở Đăng Kia, Doumer thanh tra trạm nông nghiệp và khí tượng thành lập từ năm 1898, trình bày dự án thành lập nơi nghỉ dưỡng tương lai nằm trên đoạn đường xe lửa đi từ Sài Gòn, xuyên qua rừng núi đến Đà Lạt rồi xuống Quy Nhơn vì những nghiên cứu sơ bộ cho thấy đường sắt chạy dọc duyên hải miền Trung hầu như không vượt qua được đèo Cả. Về sau, dự án không thực hiện được vì khi khảo sát thiết kế, các kỹ sư nhận thấy gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật hơn là thiết lập một đường xe lửa ven biển với một nhánh đường sắt phụ từ Phan Rang lên Đà Lạt.
Khi còn ở Hà Nội, Doumer đã lập một chương trình xây dựng Đà Lạt. Theo chương trình này, Đà Lạt là một thành phố với các trụ sở hành chánh, các trường trung học và doanh trại quân đội. Bản đồ phân lô đã bố trí các công trình kiến trúc từ dinh toàn quyền đến nhà ở của y tá, văn phòng công chánh, thuế vụ, thú y, thanh tra tài chánh, nông nghiệp,... Sở cảnh sát ở bên cạnh giải trí trường. Tòa thị chánh rộng 306,88m2 với nhiều phòng. Nước được dự kiến cung cấp cho 10.000 dân, nguồn nước có thể thỏa mãn trong tương lai cho 40.000 dân. Nước được lọc bằng phương pháp ozon hóa và có thể cả tia cực tím. Năng lượng thủy điện của các thác nước ở Ankroet với nhà máy 2.760 mã lực sẽ cung cấp điện cho thành phố.
CÔNG CHÚA NGỦ TRONG RỪNG
Năm 1902, Doumer về Pháp, dự án đồ sộ của ông ngưng lại, kinh phí bị cắt, những công trình xây dựng dở dang. Ở Đà Lạt chỉ còn vài nhân vật: một viên thị trưởng, một giám binh và một trưởng trạm nông nghiệp. Đà Lạt như nàng công chúa ngủ trong rừng triền miên trong một giấc ngủ dài hơn 10 năm…

Dung dị ngôi mộ và miếu thờ bác sĩ Yersin 
tại Suối Dầu (Khánh Hòa). Ảnh: B.Nguyên

Năm 1904, bà Gabrielle M. Vassal - một phụ nữ Anh - lên Đăng Kia nghỉ mát có ghé qua Đà Lạt. Bà đã viết về Đà Lạt và chuyện cọp trên cao nguyên:
"... Vào khoảng giữa trưa, tôi thấy cao nguyên lần đầu tiên. Thật là một sự phát hiện bất ngờ, khác với những gì trước đây tôi đã từng nghĩ !Trên một vùng đất rộng là những ngọn đồi tròn, nhỏ, trơ trụi, mọc đầy cỏ thấp, cùng hình dáng và độ cao, quang cảnh giống như một vùng biển gợn sóng xanh. Ở giữa, những đỉnh núi Lang Biang cao vòi vọi như hòn đảo đá. Đăng Kia nằm ở dưới chân núi Lang Biang, ở phía bên kia cao nguyên. Cao nguyên bình yên và êm dịu quá! Chỉ có thông mọc trong các thung lũng giữa các ngọn đồi.
Xa xa, những mái nhà gỗ ở Đà Lạt nằm cách xa nhau trên đỉnh hay lưng chừng đồi lấp lánh dưới ánh mặt trời.
... Ông Canivey - đại diện chính quyền - và phu nhân mời chúng tôi ăn trưa trong một căn nhà gỗ. Trong bữa ăn ông kể cho chúng tôi nghe chuyện đụng độ khủng khiếp với một con cọp. Một ngày nọ, ông và vợ ông thấy một con cọp ở bìa rừng gần nhà. Ông giương súng lên bắn. Con cọp bị thương rống lên và chạy vào rừng. Mặc dầu vợ can ngăn nhưng nhận thấy con cọp bị thương nặng, ông đuổi theo. Một người lính chạy theo ông, còn một người lính khác ở lại với vợ ông. Xuyên qua cành cây, bà Canivey nhìn thấy con cọp dùng hai chân trước vồ lấy vai của chồng bà, răng cắn sâu vào khẩu súng. Người lính chạy đến, kê họng súng vào đầu cọp và bấm cò. Con cọp rên rỉ, kêu la rồi vật ngã xuống, bà Canivey chạy đến. Bà thấy chồng máu chảy lênh láng do nhiều vết thương bị cọp vồ rách da. Ông có thể đi bộ về nhà nhưng vì không có bác sĩ nào lên cao nguyên Lang Biang lúc bấy giờ nên ông nằm mê man giữa sống và chết trong vài ngày. Bà Canivey nói với chúng tôi chuyện đã xảy ra bốn năm về trước nhưng bà vẫn còn run sợ khi nghe tiếng cọp gầm ban đêm”.
Năm 1908, P. Duclaux đi ngựa từ Hà Nội vào Sài Gòn. Trên đường đi, ông rẽ từ Phan Rang lên Đà Lạt và đến Đà Lạt ngày 28-3-1908.
Ông nhận xét Đà Lạt lúc bấy giờ như sau:
“Đà Lạt! Tám hay mười mái nhà tranh của người Việt, một nhà sàn bằng ván thô sơ dành cho lữ khách, một vòi nước, quảng trường, chợ, một nhà bưu điện đơn sơ. Trên một ngọn đồi, sau hàng rào và giữa rặng thông xanh, vài căn nhà gạch của trung tâm hành chánh Đà Lạt, vì chế độ cai trị ở đây thật đặc biệt: có một hội đồng và cả một viên thị trưởng. Ông Champoudry - Thị trưởng Đà Lạt - nguyên Cố vấn Hội đồng thành phố Paris bị thất cử được Doumer đem sang đây và coi như người sáng lập Đà Lạt. Còn cư dân? Vài chục người Việt bị đày, vài khách người Âu đi công tác hay trắc địa, những người thợ săn hay lữ khách hiếm hoi cùng đoàn tùy tùng. Tài nguyên? Gần như không có gì hết; không có một khoản ngân sách đáng kể, không có một sự trợ giúp nào cả. Vốn là dược sĩ chuyên trách về vấn đề vệ sinh thành phố Paris, ông thích thú thiết kế hệ thống thoát nước trong thành phố tương lai dựng lên trên sa mạc này và chờ đợi...”.
ĐƯỜNG LÊN CAO NGUYÊN
Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ đã gây khó khăn cho người Âu trở về quê hương nghỉ phép hằng năm. Họ muốn đến nghỉ dưỡng ở Đà Lạt, một vùng có khí hậu trong lành gợi nhớ đến hình ảnh của cố hương.
Tháng 10 năm 1914, chiếc ô tô đầu tiên từ Phan Thiết lên Đà Lạt chỉ mất một ngày đường. Đây là một kỷ lục mở đường cho giao thông đường bộ lên Đà Lạt qua ngả Djiring (Di Linh ngày nay).
Từ năm 1915, nhiều du khách lái xe từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Hãng ô tô S.C.A.L. - chi nhánh của Công quản đường sắt miền Nam - tổ chức những chuyến viếng thăm Đà Lạt. Muốn lên Đà Lạt, du khách đi xe lửa từ Sài Gòn đến Ma Lâm rồi từ đây đi ô tô lên Djiring và Đà Lạt.
Trước năm 1914 đã có con đường bộ từ Phan Rang lên Đà Lạt qua Krong Pha, Dran, Trạm Hành, Cầu Đất nhưng đường rất khó đi, nhất là đoạn đèo Ngoạn Mục (Bellevue) phải đi bộ, bằng cáng hay con la.
Năm 1933, đường bộ nối liền Đà Lạt với Sài Gòn qua đèo Blao được khai thông.
Năm 1937, đường số 21 nối liền Đồng Nai Thượng với Đắc Lắc cũng được hoàn thành. 160 ô tô chạy trên đường này trong 3 tháng mùa khô.
Đường sắt là phương tiện vận tải chủ yếu từ Sài Gòn và vùng đồng bằng lên Đà Lạt. Tuyến đường sắt từ Tháp Chàm lên Đà Lạt dài 84 km khởi công từ năm 1915, hoàn thành vào năm 1932. Tuyến đường này có tổng cộng 16 km đường răng cưa và 68 km đường sắt thông thường; nhiều hầm (hầm giữa Cầu Đất và Trạm Hành dài 650m), nhiều cầu và tường.
Mỗi ngày có 4 chuyến tàu đi từ Tháp Chàm lên Đà Lạt và ngược lại. Hành khách đi xe lửa từ Đà Lạt đến Hà Nội, Sài Gòn.
Xe lửa chở gạch từ Tháp Chàm và Dran; thiếc, xi măng, ống nước và máy móc từ Sài Gòn. Đà Lạt còn tiếp nhận từ vùng đồng bằng gạo, gia súc, đồ gỗ,…
Ngược lại, xe lửa chở xuống Sài Gòn gỗ, chè Cầu Đất, cà phê Phi Nôm và nhất là rau hoa.
TRUNG TÂM DU LỊCH
Với rừng thông trùng điệp, thác nước, hồ, suối, khung cảnh yên tĩnh, Đà Lạt không những là một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng mà còn là một trung tâm du lịch nổi tiếng.
Vào những năm 1930, ở Đà Lạt, có thể dễ dàng thuê ô tô và ngựa, nhưng nhờ khí hậu mát mẻ, đi bộ là một thú vui lớn. Du khách dạo chơi trên những con đường mòn dưới rừng thông hay đi xa hơn ra ngoài vùng ven thành phố. Những ai thích leo núi, ngoài các đỉnh núi Lang Biang, có thể tự vạch những lối đi băng rừng lên đến đỉnh non cao. Những người quan tâm đến kinh tế địa phương có thể viếng thăm các đồn điền chè và cà phê ở Cầu Đất, Djiring và trạm thử nghiệm cây canh-ki-na ở Dran. Sinh hoạt của người dân tộc thiểu số còn mang tính chất nguyên sơ và thuần phác cũng rất hấp dẫn.
Đà Lạt và vùng lân cận có rất nhiều thác nước: Cam Ly, Ankroet, Prenn, Liên Khàng, Gougah, Pongour, Queyon, Bobla,…
Những người yêu thích thể thao tìm thấy ở Đà Lạt một môi trường thích hợp. Một trong những trung tâm thể thao hấp dẫn là Hồ Lớn (Grand Lac, nay là hồ Xuân Hương). Tại đây, những ai yêu thích chèo thuyền và bơi lội rất thích thú trải qua những giây phút khó quên. Nhà thủy tạ với bục nhào đặc biệt được xây dựng cho những tay bơi.
Một địa điểm khác cũng hấp dẫn không kém là sân cù 9 lỗ với lối đi rất đa dạng.
Đà Lạt có 3 khách sạn lớn:
- Langbian Palace là một khách sạn lớn sang trọng, trang bị hiện đại, có 30 phòng;
- Hotel du Parc;
- Khách sạn Desanti gồm nhiều ngôi nhà nhỏ rải rác ven bờ hồ mà ngôi nhà lớn nhất mang tên Hotel du Lac.
Ngoài ra, Đà Lạt còn có nhiều biệt thự, nhà nghỉ gia đình (pension de famille), 3 cư xá và 6 khách sạn khác.
Năm 1939 xảy ra chiến tranh thế giới lần thứ hai, liên lạc với nước ngoài bị gián đoạn, người Pháp phải ở lại Đông Dương trong thời gian lâu hơn khiến cho số người lên nghỉ mát ở Đà Lạt luôn luôn tăng lên.
Xe lửa đi từ Hà Nội đến Đà Lạt chỉ mất 48 giờ nên số du khách từ miền Bắc đến nghỉ hè ở Đà Lạt rất đông. Các buồng trong khách sạn được khách đặt thuê từ nhiều tháng trước.
Vốn không sử dụng ở Nam Kỳ được đầu tư ở Đà Lạt. Khắp nơi, người ta bán đất, xây dựng các biệt thự. Số giấy phép xây dựng là 59 trong năm 1939, tăng lên 155 trong năm 1940, 257 trong năm 1941 và vượt quá con số 300 trong năm 1942. Số biệt thự là 530 trong năm 1940, tăng lên 728 vào cuối năm 1942.
Dân số từ 1.500 người năm 1923, tăng lên 13.000 người năm 1940 và hơn 20.000 người vào cuối năm 1942. Số người lưu trú hằng năm tăng từ 8.000 năm 1925 lên 12.000 người năm 1940 và 20.000 người năm 1942.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Berjoan, A. Dalat. Indochine, Hanoi, 1943, No 126.
Le Chemineau. Le Langbian. Revue Indochinoise, Hanoi, 1916, No 3 - 4.
Lefèvre, F. Le chemin de fer du Langbian.L’Asie Nouvelle Illustrée, Saigon, 1937, No 56.
Néis, Paul & Septans, Albert.Rapport sur un voyaged’exploration aux sources du Dong-nai. Excursions et reconnaissances, Saigon, 1891.
Monographie de Dalat. Mairie de Dalat, 1953.
Vassal, Gabrielle M. On and off duty in Annam. William Heinemann, London, 1910.
12/6/2013 
Nguyễn Hữu Tranh
Theo http://baolamdong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh 11 Tháng Mười, 2022 Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chấ...