Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Ngõ quê, khói lam chiều,... như "ru" lòng người

Ngõ quê, khói lam chiều,
... như "ru" lòng người

Khói lam chiều từ chái bếp phả vào cay xè khóe mắt, cho củi vào bếp để thấy ngọn lửa bập bùng của khát khao tuổi trẻ, cái hương vị quê hương quyện chặt vào không gian mà chẳng nơi nào có được
Có những chiều như hôm nay, xóm nhỏ lại được trả về trong sự yên tĩnh đến lạ kỳ. Chẳng có những tất bật đua chen.
Mà ở đó, có tiếng lũ trẻ râm ran cả một góc sân nhà, có tiếng máy bơm nước xập xình, tiếng đàn gà con liếp chiếp gọi mẹ, tiếng mái chèo khua nước lao xao trên mặt sông bên chiều nhạt nắng.
Đi qua năm tháng rộng dài, với những buổi chiều nơi đất khách, đôi lúc bàn chân cũng đã mệt nhoài dâu bể với những điều tưởng đã quen, tưởng đã là ký ức… Đến khi bắt đầu khả dĩ hơn thì những năm tháng tuổi thơ vẫn là chốn dừng chân bình yên trong mỗi con người.
Chiều ở quê, bình yên đến lạ…
Có những chiều như hôm nay, ta về nằm lại với hiên nhà, vẫn nghe từng lời mẹ ru bên cánh võng ầu ơ… Mà dù cho ta có đi đến hết cuộc đời này thì ta vẫn chưa thể nào đi hết những lời ru của mẹ. Cánh võng ngày nào vẫn ru mình dưới mái hiên nhà, nơi đã cho ta một tuổi thơ xanh miền cổ tích thời gian. Đi qua tiếng võng để thấy ta vẫn còn lắm dại khờ và mẹ mãi là bến bờ để con tựa nương, để ta an nhiên với mọi thử thách…
Có những chiều như hôm nay, mái nhà xưa dáng nội vẫn tựa cửa trông về phía đại ngàn xa xăm. Nước mắt nội đã không còn vì khóc bác, chú. Những đứa con nội đã đứt ruột sinh ra rồi hiến dâng cho Tổ quốc. Từng buổi chiều như thế cứ rộng dài trong mỗi bước ta đi. Cho nên những chiều tan tầm trời còn đổ lửa, ta lại thấy lòng mình nặng một nỗi nhớ nhà da diết, nhớ đến nao lòng, những yêu thương chất chứa trong từng mạch nguồn của hơi thở…
Có những chiều như hôm nay, ta chợt thấy dáng cha mình nhỏ thó giữa cánh đồng ngày giáp hạt, đôi vai cũng đã gầy đi vì năm tháng cuộc đời. Tóc mẹ cũng đã bạc màu theo năm tháng dần qua. Có những chiều như hôm nay, ta tạm gác lại những bám víu đời thường để sà vào lòng mẹ, chạm từng nốt chai sần trên đôi tay rét run của mẹ, để được bật khóc trước dại khờ của tuổi nhỏ, để được xin mẹ thứ tha…
Có những chiều như hôm nay, làn khói từ chái bếp phả vào cay xè khóe mắt, cho củi vào bếp để thấy ngọn lửa bập bùng của khát khao tuổi trẻ, cái hương vị quê hương quyện chặt vào không gian mà chẳng nơi nào có được. Vì đó là nhà… Để được lắng nghe từng nhịp đập của trái tim mình với những điều tưởng chừng như nhỏ bé ấy, để được khóc cười với những thứ đã qua, để thấy ta được chở che và chào đón.
Có những chiều như hôm nay, vịn vào những tháng ngày đã cũ, ta thấy vị mặn mòi nơi đầu lưỡi. Vị mặn của những con cá khô mẹ gửi xe đò lên cho đứa con trai trọ học xa nhà, vị mặn của những giọt mồ hôi của ba mẹ với những tháng ngày tất tưởi đồng lặng sớm trưa, vị mặn của từng giọt nước mắt nội trong tiếng chiều quá vãng, vị mặn của khói đốt đồng bảng lảng trong buổi chiều ở quê rất đỗi bình yên. Cái vị mặn mòi ấy cứ mãi theo tôi trong những trang vở trắng tinh còn thơm mùi mực mới, từ bộ đồ sáng nay tôi mặc lên giảng đường, từ những bước chân tôi bước trên những con đường lộng gió ở phố.
Hít căng lồng ngực mình những hương vị của quê...
Nhiều lần thấy nhớ cái hương vị của những buổi chiều chẳng thể đặt thành tên ấy, bao nhiêu cuộc trở về cũng chỉ để được sống lại với từng khoảnh khắc đã qua đi, đứng một mình giữa triền đê đầy nắng, ta hít căng lồng ngực mình những hương vị của quê, muốn gào lên và chạy như một đứa trẻ giữa màu xanh quê hương. Cái ý nghĩ đó chưa bao giờ ngơi nghỉ trong ta. Chỉ bởi, đó là nỗi nhớ.
Bóng hoàng hôn đã đổ dài trên những hàng cây đứng tuổi, chiều trôi trên những nếp nhà tranh nép mình bên xóm nhỏ. Chiều ở quê, bình yên đến lạ…
22/7/2019
Nguyễn Chí Ngoan 
Nguồn: Báo Tin Tức
Theo https://nld.com.vn/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...