Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Cơn giông cuối mùa

 Cơn giông cuối mùa

Nắng thu vàng rộm. Những đụn mây ngoài cửa sông đùn lên trắng xốp rồi xẫm dần. Bầu trời chợt chuyển màu như quyển sách cũ. Cơn giông bỗng dâng rất nhanh trước mặt. Tiếng sấm hổn hển dưới chân mây nghe rền nặng như tiếng trống hội làng dồn những hồi cuối.
Mây không còn dáng vẻ trôi bình thản. Cái vầng xám nhạt như bâng khuâng, dùng dắng chẳng khác gì chàng trai níu vạt áo cô gái lại mà nói rằng: Đã nói với nhau được gì đâu, sao em vội ra về? Và họ kéo nhau chạy ngang qua cánh đồng.
Cỏ ven đường đang thay dần sắc lá. Cái hanh heo cũng lấp ló, trốn khuất đâu đó cho những làn gió bấc đang nén đợi sau những dãy núi bên kia sông được dịp ùa cả một không gian lạnh lẽo lên cánh đồng. Cơn giông cuối mùa đổ xuống. Mưa trút nhanh vội vã. Như một sự chuyển dạ, luân đổi trời đất. Như một sự tận hưởng và đền bù. Rồi mưa thưa dần như nước mắt trong kho trời đọng nhỏ lại. Sẽ không còn tiếng sét chói tai, không còn tiếng sấm vang ngân. Sẽ không còn những cơn mưa gẫy cành bưởi bởi sức mưa xối xả, sầm sập, ấn đất xuống mà mưa. Tiếng mưa từ nay sẽ như tiếng sàng gạo thưa dần trên mái ngói. Những cơn giông cuối mùa như thế này đi qua thật khó quên, từng đọng lại trong tôi những gì sâu lắng.
Chao ôi nhớ, lại nhớ đến nao lòng những cơn mưa dầm dề tháng bẩy đến thối đất, thối cát. Đêm sâu đắm trong mưa, nghe trái thị vàng chểnh mảng rụng xuống vườn sau, buồn não nuột. Chạnh nghĩ tới thân phận những cô gái muộn chồng, những góa phụ, những thiếu phụ đa tình, đời bị những gã đàn ông nghiện rượu, bảo thủ buộc chặt trong chốn buồng the, bếp núc, sau luỹ tre làng. Trong đám bạn chơi của ta cũng có người dun dủi phận ấy. Nàng chắc vô tận buồn và âm thầm nguyền rủa những đêm mưa như khơi như ghẹo này? Sáng ra, thị rụng lăn lóc, ngả ngốn đầy vườn. Không một bóng trẻ hàng xóm nghịch ngợm nào lẻn vào nhặt trộm.
Cái ngày xa ngái cỏ non... Chú bé Tôi ngẩn ngơ ngắm chiếc cầu vồng bảy sắc vút trên vòm trời lây rây mưa. Mùa thu, từng đàn chuồn vôi bay lướt thướt trên cánh đồng lúa đang thì con gái. Cánh chúng mỏng tang, lấp lánh như những mảnh giấy bóng kẹo phất tán trong nắng chiều oi ả.
Bọn trẻ con trong xóm í ới gọi nhau ra khu ruộng ven làng, đem theo những chiếc cần câu ngắn ngủn buộc con chuồn mồi thả cùng những lời rủ rê ngộ nghĩnh để nhử bắt bầy chuồn vôi đang xôn xao bay lượn trên thảm lúa. Những chú chuồn vôi thân xanh biếc to đùng, mũm mĩm, thực thà sà vào bắt bạn. Chúng dính cặp lấy nhau. Thế là bọn trẻ vỡ oà những chuỗi cười, râm ran cả một góc đồng làng.
Một cơn giông ngoài cửa sông đùn lên như một tổ mối khổng lồ, loang ra, đổ xuống. Gió táp ngả nghiêng, mưa dội ào ào. Đầu tóc, áo quần ướt sũng. Mưa rớt vào người hạt nào lạnh ngắt hạt ấy, khiến bọn trẻ hai hàm răng va lập cập. Chúng chạy về, táo tác trên các ngõ xóm. Những cánh chuồn vôi cũng bẹp dí trong chiếc lờ tre, giương đôi quả cầu mắt nhóng nhánh, động đậy yếu ớt. Thằng bé tôi lấy một con còn khỏe buộc sợi chỉ dài ngang thân, quấn một đầu chỉ vào thanh cửa giại, rồi tung lên. Con chuồn vôi bay một tý, khựng lại, phây phẩy cánh. Nó cố gượng, bay bay. Mẹ tôi gọi: Con ơi! Thả nó ra kẻo phải tội. Để cho nó báo thời tiết! Thằng bé tôi vẫn mải ngắm nghía sắc màu sặc sỡ và kỳ ảo của con chuồn vôi, miệng không ngớt rêu rao: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm... Rồi quên béng nó trong giấc ngủ xó cột. Đêm ấy, bị cảm lạnh, sốt li bì, thằng bé toàn ú ớ trong mơ: Phải tội... lội xuống sông... cua đồng cắp đít... chổng mông lên trời...
Vườn nhà tôi ngày ấy trồng nhiều bưởi, một giống bưởi quí do cha tôi lấy hạt giống từ Đoan Hùng. Về đất mái chua vùng biển, cây bưởi ra quả rất sai cùng mùi hương thơm lạ và múi to đầy ứ nước đường ngọt mát. Cha tôi thường bảo tôi đem biếu các chú bác, cô dì nội ngoại bị ốm đau. Ăn vào ai cũng khen ngon, chóng lành bệnh. Trái bưởi vàng, sần sùi bởi nắng quái chiều tháng tám. Làn da cha tôi, mẹ tôi cũng vậy.
Mỗi khi sau cơn giông, nhiều trái bưởi rụng xuống sân vườn như những quả vàng lăn từ vòm xanh. Đám anh em chúng tôi tranh nhau chạy ra nhặt. Cha tôi bảo: “Sau cơn giông cuối mùa, những quả nào chịu được sẽ ở bền trên cành, quả nào yếu không đủ sức thì rụng xuống!”
Sang tháng Một, Chạp, cha tôi mới cẩn thận hái từng trái, bôi vôi quanh đầu chuỗm rồi nhẹ nhàng xếp đặt vào thảm cát rải dưới gầm giường. Hương bưởi chín thơm lựng khắp năm gian nhà. Về mùa này, nhà tôi hình như đầy hương hoa trái nhất xóm. Bưởi sẽ để qua đông đến Tết, mẹ gánh ra chợ bán vừa được giá vừa được cả lời khen. Mẹ tôi thoăn thoắt gọt những trái bưởi bị dập. Vỏ bưởi sực nức, cay cay sống mũi. Người bảo: “Bán trầu chỉ ăn chuỗm cau thôi. Của tăng gia được, nhà ta có cây chỉ cần ăn những quả sâu si, còn quả ngon đem chợ bán hoặc để biếu họ hàng thân thích...”
Chúng tôi vô tư bóc những múi dày mọng nước. Tép bưởi trong vắt, mới qua môi đã thấm vào ngọt lịm tâm can. Với đầu óc trẻ thơ, tôi lại tưởng tượng ra đấy là những dúm tép đồng tươi rói trong chiếc vó gai mới cất lên. Mẹ gom những khoanh vỏ, những hạt bưởi rải lên chiếc mẹt con đem phơi nắng. Mới một, hai nắng, vỏ bưởi đã khô quăn queo, dành để mùa đông nấu nước gội đầu. Còn hạt thì ngót lại, chúng tôi cất đi, sang năm tha hồ bóc ra xâu thành chuỗi làm bấc đốt đèn đêm Trung Thu. Đấy còn là những hạt khát vọng, mẹ tôi chọn gieo, chỉ vài năm sau đã sum suê cây bưởi treo nặng những trái thơm. Hạt mẹ gieo sẽ tỏa bóng mát rợi mặt đất, cho đời con trĩu trịt chuỗi ngày sau.
Những cơn giông cuối mùa thường ào đến và tan nhanh như người khó tính hay hờn dỗi. Nó còn báo hiệu bầu trời xanh cùng nắng vàng mùa thu vợi bớt vẻ duyên dáng. Cánh đồng trước nhà nhuốm sang màu tái tê, khô khốc. Dưới đám mây xám, lũ diều hâu thỉnh thoảng xuất hiện, chao thấp xuống khiến mẹ con đàn gà thỉnh thoảng lại nhao lên táo tác. Đêm mùa gặt ngấm dần gió bấc, nhịp đập lúa thậm thịch nện tận khuya. Bọn trẻ lại ríu rít thi nhau chất những túp nhà bằng những lượm rơm, chui vào đó chơi hú tìm.
Tuổi thơ thoắt cái qua nhanh, khi ta chợt chạm vào cánh tay và mái tóc em. Bổi hổi, ấm hơn cả những lượm rơm. Cảm xúc đầu đời run rẩy. Ánh trăng vành vạnh nét mi cong bỗng chợt mờ chợt hiện, xa xôi... Em biết không? Cơn giông cuối mùa sẽ dội vào lòng nhau cả nỗi buồn vắng những chiều đông buốt giá. Nên bây giờ đứng ngoài hiên nghe mưa, ta có cảm giác dòng tuôn ào ào như bất thần, hối hả. Ngẫm mà xem. Đúng rồi, cảm giác của đêm qua. Những cái hôn da diết độ hồi xuân. Tất cả như mơ hồ còn đó. Sau cơn giông cuối mùa, đất lặng thầm nhận về cánh lá vàng rơi. Cảnh quê xạc xào, lưu luyến tiếng lá giao mùa. Hình như chiếc lá nào cũng muốn trút màu sang nhau, hòa sắc vào nhau để tồn tại vĩnh hằng. Nhưng đó chỉ là ảo vọng trước quy luật thiên nhiên.
Mặt đất sẽ ôm gọn lại cái xác diệp lục và hương cây bao mùa thổi thoáng, tích tụ vào lòng trong vô tận. Cây lại khắc khoải chờ, mong cho nỗi buồn trôi nhanh qua mùa đông ảm đạm. Cây phờ phạc trút hết lớp lá cũ. Cây lặng lẽ đứng, nuối tiếc và háo hức. Nghe rõ lời cây trong làn mưa, trong tràng sấm cuối cùng gửi vào lòng đất âm vang nhiều dự cảm: Người ơi! Trong ta đang cựa quậy những giọt sáng! Sớm mai đất trời sẽ xanh biếc lộc xuân sang! Hạt khát vọng lại nẩy mầm!.
5/10/2017
Dương Phượng Toại
Theo http://www.quankhu3.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...