Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Mùa đông lau trắng lối về

Mùa đông lau trắng lối về

Tháng 11 bao giờ cũng cho ta những cảm xúc vừa lạ, vừa quen, tựa hồ như một thứ hương vị trong ký ức ta bỗng nhiên gặp phải trong một bữa tiệc của ngày hôm nay làm thức dậy bao kỷ niệm thân thương. Cung đường ngược sông Hồng từ thành phố Lào Cai lên tận A Mú Sung “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” với tôi quen thuộc quá. Một ngày đi trên con đường ấy chợt nhận ra màu trắng bạt ngàn đến hoang hoải của hoa lau đẹp đến nao lòng. 
Cánh đồng lau đã không còn xa lạ 
với nhiều bạn trẻ Lào Cai. Ảnh: Ngọc Bằng
Buổi sớm mùa đông, mặt trời vừa lên chưa kịp xua tan đám sương mù làm cho không gian càng trở nên mờ ảo. Mùa đông năm nay dường như đến sớm hơn, cái rét đầu mùa chưa tê tái mà là cái rét ngọt khiến người ta ra đường phải choàng thêm chiếc áo mỏng. Bên bờ sông Hồng, gió vi vút thổi làm lay động những bông lau. Ánh nắng sớm chiếu ngang xuyên qua làm những bông lau ánh lên màu hồng mê hoặc. Tôi thích ngắm hoa lau vào buổi sớm hay lúc hoàng hôn, vì khi ấy những bông lau mang vẻ thuần khiết lạ thường. Người có tâm hồn nghệ sĩ không thể không dừng lại trước những vạt lau trắng miên man bên sông mà thốt lên rằng sao loài hoa này đẹp tinh khôi đến thế.
Trong muôn vàn loài cây cỏ ở miền núi thì lau lách có lẽ là loài cây quen thuộc và dễ gặp nhất. Lau lách mọc lên ở mọi nơi, dù đất đai khô cằn sỏi đá hay nơi bùn lầy ngập nước đều thích nghi và phát triển mạnh mẽ. Cũng hiếm có loài cây nào có sức sống mãnh liệt như lau, hãy nhìn những mảnh nương kia năm trước những gốc lau bị phát tận gốc rồi đốt trụi đen thui, nhổ cả gốc quăng đi, vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn những mầm lau khỏe khoắn đã đâm lên tua tủa và mọc lên mạnh hơn như thách thức với sự tàn phá.
Mỗi bông lau khi chín sẽ phát tán đi hàng vạn bông như hoa bồ công anh nhỏ li ti, theo gió cuốn đi muôn nơi, thả mình xuống một nóc nhà hoang, một khu tường rêu, một bãi đất trống… bất kỳ ở đâu lau đều có thể mọc lên. Có lẽ loài cỏ cây hoang dại ấy không đem lại lợi ích gì lại còn là trở ngại khi người dân làm đất trồng cấy, nên lau lách bị coi thường, bị phá bỏ chẳng ai thương tiếc. Chỉ đến một ngày nào đó, cả vạt lau bỗng nhiên đổ một màu trắng xóa tím hồng trong nắng, thì người ta mới thấy tâm hồn mình rung động, mới chợt nhận ra vẻ đẹp của lau, chợt thấy bao ký ức tuổi thơ hiện về.
Như bao đứa trẻ miền núi, tuổi thơ của tôi gắn bó với núi rừng và lau lách. Ngày còn nhỏ, sau mỗi buổi học tôi lại nhong nhong trên lưng trâu trên đồi, xuyên qua những vạt lau mọc kín lối. Trẻ chăn trâu thì đứa nào tay chân cũng đen nhẻm, chi chít những vết ngang dọc như dao cứa, ấy là vết cắt của lau. Lá lau sắc như kiếm, chỉ vô tình quệt ngón tay qua, lá lau cắt ngọt lịm một vệt dài tứa máu đỏ, xót đến tận tim. Đứa nào hay bị lau cứa thì ghét cay ghét đắng những bụi lau trên đồi.
Nói vậy thôi chứ khi đến mùa bông lau thì thích vô cùng. Chúng tôi bóc những búp lau mập mạp ra, bên trong có bông lau non trắng mềm như đuôi sóc, ăn vừa ngọt vừa thơm, ăn no cả bụng lau mà không biết chán. Lau trong bẹ già hơn chút thì cho vào miệng nhai như nhai trầu, bông lau càng nhai lâu càng ngọt, xua tan những cơn khát trên đồi xa. Đến lúc bông lau mọc ra khỏi lớp vỏ và nở xòe ra, bọn trẻ trâu lại lấy từng sợi bông lau làm tên, ngắt cuống bông lau làm ống thổi để chơi trò thổi tên xuyên qua những chiếc lá. Trò chơi ấy gắn bó với tôi suốt cả tuổi thơ.
Thời gian trôi đi, lũ trẻ chăn trâu ngày nào mải mê học hành rồi lập gia đình, bận rộn bon chen vào cuộc sống, ít ai còn thời gian rảnh rỗi mà nghĩ đến những bông lau của tuổi thơ. Đến khi vô tình gặp ngàn lau trắng xóa lối về trên chặng đường xa thì tâm hồn xao động như gặp cố nhân, bao kỷ niệm vui buồn chả bảo mà cứ thế hiện về như mới hôm qua. Người thì già đi mà sao lau như muôn tuổi vậy, ngàn năm trước đến ngàn năm sau vẫn cứ một màu trắng miên man như năm nào. Những bông lau của mùa đông giá lạnh với vẻ đẹp buồn buồn, hoang dại mà mãnh liệt kỳ lạ.
Chiều nay trước ngàn lau trắng xóa bên sông Hồng, tôi nhớ đến vẻ đẹp hoang hoải của lau trong những áng văn thơ bất tuyệt. Lau đi vào văn chương từ ngàn năm trước, mùa lau gợi ra nỗi nhớ của những cuộc chia ly. Trong bài Tỳ bà hành, thi sỹ Bạch Cư Dị thời nhà Đường viết: “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách/ Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu/ Người xuống ngựa, khách dừng chèo/ Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti”. Còn trong bài “Tây Tiến”, nhà thơ Quang Dũng có những câu thơ tuyệt đẹp về vẻ nên thơ của Tây Bắc trong một mùa lau, vẫn là một cuộc chia ly: “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/ Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Phải rồi, lau cũng có hồn, có tình, có ý, cũng thấm đẫm nhớ thương. Chẳng phải vậy sao mà bông lau trong bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu cũng xám một màu nhung nhớ của người đi - kẻ ở: “Mình đi có nhớ những nhà/ Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son/ Mình về còn nhớ núi non/ Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh”. Còn biết bao bài thơ, văn khác nữa cũng được lấy cảm hứng từ ngàn lau trắng để ta nhớ mãi không quên.
Mùa đông năm nào ai đó có dịp đi qua những bản làng Tây Bắc sao thao thiết nhớ cái rét tái tê, lại thao thiết nhớ cái ấm áp từ bếp lửa nhà sàn, từ món hoa lau hấp nóng hổi thơm ngon, từ những chiếc đệm bông lau, gối bông lau mà người con gái Thái ngày đêm thêu chỉ, hái từng bông lau về làm gói trọn yêu thương. Bông lau hoang dại mà sao gợi trong ta nhiều cảm xúc bâng khuâng, da diết như vậy? Chợt trong giấc mơ ta hóa thành bông lau trắng theo cơn gió bay phiêu du khắp đất trời mênh mông.
24/11/2020
Nguồn: baolaocai.vn
Theo https://nhipcauthuonghieu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Phồn Sinh – Bản trường ca về bản thể sự sống 16 Tháng Mười, 2022 Theo tôi biết, tác giả trường ca Phồn Sinh đã được Tổ chức kỉ lục gia...