Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Theo dấu sông xưa

Theo dấu sông xưa

Sao chưa về lại Tam Kỳ
Về đây người lại có khi gặp người?
Hoa sưa vẫn nở ven trời
Dòng sông năm cũ vẫn trôi ngập ngừng
Mòn con mắt nhớ rưng rưng
Ngày xa xôi đã quá chừng là xa!

Chẳng hiểu vì hoài niệm cố hương hay còn có gì sâu hơn mà hình ảnh hoa và nước trong câu thơ ấy cứ ám ảnh mãi tôi suốt dặm dài viễn xứ? Hoa sưa Tam Kỳ thì nhiều người đã nói rồi; nhưng cái dòng sông trôi ‘ngập ngừng” ấy quá đỗi nhỏ để được nhắc đến tên trong những bản tin thời tiết mỗi ngày bão lũ. Nhiều lần tôi cố gắng diễn tả những cảm nhận xôn xao của mình về dòng sông ấy nhưng dường như chẳng để lại nơi người nghe một ấn tượng nào. Bên cạnh những Thu Bồn, Cẩm Lệ, Vu Gia… mạnh mẽ ào ạt đổ về khơi, trong mường tượng của nhiều người thân quen, dòng sông vàng của tôi dường như quá nhỏ, nhỏ đến mức chỉ như là một nét lơ lửng trên tấm bản đồ. Vậy nên, một thời tôi đã từng nghĩ là mình chẳng thể kể cho người xứ khác nghe chút chi tiết lịch sử đặc biệt nào về dòng chảy quê hương ngoài cái tên hiếm khi được nhắc với người cả nước.
Sưa vàng gọi nắng ven sông
Mà cũng hiếm thật! Đọc các bộ sử và địa chí xưa, cái tên Tam Kỳ gắn với dòng sông chỉ xuất hiện có hai lần: một trong Phủ biên tạp lục khi nói đến “tuần đò” qua bến sông này và lần kia được nhắc tên trong Đại Nam nhất thống chí. Cũng trong tư liệu thứ hai này, chuyện Hậu quân phó tướng Trần Văn Biện “vào năm Tân Mùi đầu đời Lê trung hưng” “phái binh giữ sông Tam Kỳ để triệt đường vận lương của giặc” được nhắc đến không quá hai dòng.
Hãy còn nhớ các chuyện kể của người lớn tuổi về tên các xứ đất được ghi trong các bản trích lục ruộng đất chốn quê của tôi xưa. Họ kể: phía hữu ngạn sông Tam Kỳ là xứ Ba Lay cũng còn gọi là xứ Cây Cau; còn phía tả ngạn có xứ Do Gò Tha nằm trong vùng đất có cái tên chung là “Truông Dài - Nhà Núi”. Xứ đất này bao gồm cả vùng thành phố Tam Kỳ hiện nay trải ra đến vùng tháp Chiên Đàn nơi xưa từng có tên là xứ Cây Dừa. Chỉ nghe những cái tên ấy thôi đã gợi liên tưởng miên man về bao nghĩ suy của người khai phá xưa trong việc tiếp  biến địa danh Chăm để đặt tên cho những vùng đất mới.
Trở lại với con sông Tam Kỳ của tuổi thơ tôi: bao nhiêu là dấu tích xưa soi bóng trên dòng khiến cứ mãi dạt dào trong hồn những con sóng nhớ! Bên này sông là quê nội, có cụm tháp Khương Mỹ tương truyền là nơi chôn cất linh thiêng một bà hoàng hậu. Câu chuyện này cùng với bao truyền thuyết về “ma Hời” đã làm lũ trẻ chúng tôi sợ thót tim mỗi lần bước qua chốn ấy. Đây là đất định cư của con cháu “tứ phái tiền hiền” từ vùng Nghệ An, Thanh Hóa vào. Tôi hãy còn nhớ như in những tấm bia chi chít chữ Hán nơi mộ mấy vị tiền hiền nằm ở ven sông. Sau này lớn lên, võ vẽ dăm câu, mới biết trên các tấm bia kia ghi lại một sắc vua  phong cho cả bốn ông Lê, Nguyễn, Đỗ, Trần với danh hiệu “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”, một cái tên thoạt nghe đã gợi lên nhiều huyền thoại về bao thế hệ người đi mở cõi.
Nhà ngoại tôi nằm sát bờ tả ngạn đối diện với nhà nội phía bên này sông. Thuở nhỏ, vào mùa hè, gần như ngày nào tôi cũng sang bên đấy. Mỗi lần muốn nhắn về, mẹ chỉ việc ra bờ sông gọi thật to là tôi đã nghe ngay. Và một tay cầm quần áo giơ cao khỏi mặt nước, tay kia bơi, một loáng sau tôi đã về nhà - nơi quê nội Phú Bình chôn nhau cắt rốn. Tôi đã bơi qua bơi lại dòng sông Tam Kỳ biết bao lần suốt thời thơ ấu. Mỗi lần nhìn hình bầu trời vời xa in trên mặt nước lặng như gương tưởng như mình đang bơi giữa vùng sâu thật sâu không bờ không bến. Mỗi lượn sóng chao, cái bóng trời thăm thẳm dưới làn nước xanh kia như nuốt ngợp lấy khiến tôi vừa bơi vừa sợ; sợ nhưng vẫn sang sông bởi cồn bãi quê ngoại với bao nhiêu là cây trái và niềm vui đã hấp dẫn vô cùng suốt những tháng ngày mới lớn.
Con đường rợp bóng cây của làng ngoại chạy dọc triền sông. Chuyện xưa kể, khi vừa đến lập làng, các ông tiền hiền gốc gác từ xã Kim Chuyết, huyện Hoằng Hóa ngoài đất Bắc xa xôi đã tìm giống sưa vàng còn gọi là cửu lý hương về trồng ven bờ sông chống lũ. Chẳng rõ hư thực thế nào, chỉ biết khi bắt đầu nhận ra cảnh sắc quanh mình, tôi đã thấy cơ man là sưa trồng ven đường, ven sông, khắp chốn; cây nào cây nấy to đến mấy vòng tay ôm, mùa xuân trổ hoa vàng óng. Mùa sưa “nở”, từ làng nội nhìn sang, cái làng ngoại có tên Hương Trà của tôi ngập một sắc vàng óng ả. Hoa sưa thơm lạ thơm lùng! Thuyền trôi về tận ngã ba sông cách làng khá xa mà vẫn còn đằm thắm đâu đây một mùi hương ngan ngát. Và còn nữa chứ! Những thảm hoa sưa theo gió rụng vàng mặt nước trôi lênh đênh khắp dòng, bám theo mạn thuyền, theo các nhánh sông về những miền xa lắc.
Đình làng Hương Trà
Những ngày cuối thu mùa sưa thay áo, biền bãi Hương Trà ngập xác lá vàng rơi. Đi giữa đường sưa kín màu lá úa như giữa những cây phong phương Bắc mới thấm thía câu thơ “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” trong truyện Kiều mà cụ Nguyễn Du từng miêu tả. Khi cơn lụt đầu mùa chớm tràn về, từng mảng lá thiêm thiếp trôi trên con nước đục ngầu làm cho dòng chảy Tam Kỳ bội phần hiu hắt. Bên những hàng sưa khẳng khiu chơ vơ giữa cảnh trời đông, dòng lũ trên sông vàng lại thêm vàng.
Vậy là bên màu tươi thắm của sưa xuân, màu úa của sưa thu còn có màu xám khô của hàng sưa trụi lá mùa đông và màu ủ ê của từng con nước lũ. Tất cả in dấu trong tôi như những hoài niệm về một dòng sông được nhuộm vàng bằng bao dáng hình và sắc độ.
Làng xóm ven sông Tam Kỳ trồng rất nhiều mai. Những chiều giáp tết, sắc hoàng mai như rực lên bên những vạt nắng vàng nhuộm màu hổ phách. Trong gió nhẹ chiều xuân, cái ánh vàng kia đã hóa thân thành những hoa nắng lấp lánh trên sông đến cuối chân ngày. Và khi tất cả đã sâu vào bóng của đêm, dường như màu nắng vàng hãy còn nương lại trong cái quầng sáng của những bóng đèn soi nơi chân cầu xa về phía thượng nguồn.
Sông Tam Kỳ
Cây cầu ấy đã bao lần in bước chân qua vậy mà tôi vẫn cứ thích bơi ngang dòng sông như một thuở nào; thích được nằm giữa những bờ cát trắng ngày thơ, nghe tiếng chim ríu rít ven bờ và tiếng cá quẫy xôn xao ngoài sóng nước.
Ở đó, không chỉ nghe tiếng dập dềnh của mặt nước chừng như xanh hơn buổi chuyển sang hè, tôi còn nghe tiếng vọng rộn ràng của những nhịp chày hòa cùng tiếng hát hò khoan của những tốp phụ nữ bên những cối giã đậu mỗi mùa ép dầu phụng. Biền bãi ven sông Tam Kỳ là nơi trồng đậu phụng nhiều nhất nam Quảng Nam. Trong gió chiều xuân, từng thảm đậu ngát xanh không ngớt dập dềnh. Hoa đậu vàng như hoa cải hiện e ấp dưới muôn trùng những cơn sóng lá.
Giờ thì đã vắng tiếng búa gỗ nện vào những miếng nêm của bộng ép dầu; nhưng trong hồi cố của kẻ tha hương, mùi thơm lan tỏa từ những mẻ đậu phụng được “hông” chín rồi cho vào bộng gỗ để chuẩn bị ép thành dầu đã không thể nào mờ phai; dẫu kẻ nhà quê kia đã xa thật là xa các mùa thu hoạch cây lạc ven sông để đến những cõi miền xa tít.
Nhưng, dẫu có đến góc biển chân trời nào, thanh âm từ những tiếng trống giục lễ cầu ngư trên sông lẫn tiếng rao thai của những hội bài chòi ngày xuân đặt cạnh đình làng cùng tiếng dô ta rập ràng từ những hội đua thuyền đầu năm hẳn chẳng thể nào phai trong nỗi hoài hương của người viễn xứ!
Chẳng biết những bậc tiền hiền rời đất Bắc đến khai phá các xứ đất bên dòng Tam Kỳ xưa, mỗi lúc xuân về có thao thức nhớ cố hương qua những hồi âm từ những dòng sông quê cũ xa mờ? Chỉ biết mấy trăm năm sau có bao hậu duệ rất bé mọn là những kẻ như tôi, từng đêm da diết với tiếng vọng của dòng sông, nghe trong nhịp chảy của thời gian biết bao màu sắc và thanh âm mơ hồ vọng về từ một thời mở cõi.

9/2/2013
Lê Kỳ Hưng
Theo http://baoquangnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chất triết lý của đời sống ...