Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Lưu Quang Vũ: "Thơ tôi là mây trắng của đời tôi..."

Lưu Quang Vũ 
"Thơ tôi là mây trắng của đời tôi..."

Trong tính cách sáng tạo của con người tài hoa son trẻ Lưu Quang Vũ thì Thơ là hồn cốt thâm hậu nhất, chứ không phải là kịch nghệ, báo chí, văn xuôi hay hội họa - những mảnh đất mà chàng đã từng thử nghiệm, gieo trồng và gặt hái.

Với Lưu Quang Vũ, Thơ là nơi khởi hành cuộc đi tìm lớn nhất, mang sâu sắc nhất ý nghĩa triết học của một người làm thơ - cuộc đi tìm cái tôi thi sĩ qua những nghiệm sinh phải trải trên đường đời thăm thẳm và cũng là nơi hành hương trở về lớn nhất - trở về bản thể thi sĩ của chính mình.
Thơ cũng chính là nơi ẩn náu cuối chót của chàng thi sĩ buồn này. Thơ - với Lưu Quang Vũ là tất cả sự hàm ơn và trang trải riêng của tâm hồn chàng với đời sống.
Lưu Quang Vũ mang nợ Thơ từ trong huyết thống.
Cha chàng - ông Lưu Quang Thuận sinh chàng cùng lúc với thơ. Chính ông là một tính cách thơ đằm thắm, dạt dào và mặn mòi như biển Đà Nẵng quê ông.
Trong con mắt chàng, người cha luôn luôn là một thi sĩ lãng mạn của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, với “bóng ngựa trắng buổi chiều xưa - bay trên đồi cỏ biếc - một dòng sông nắng chói chảy về xa...”.
Ông đã di truyền cho chàng con mắt thơ xanh biếc để nhìn đời. Năm chàng 17 tuổi, đời như một sân khấu phong kín hương nhụy đầy quyến rũ bí ẩn sau cánh màn nhung. Và chàng háo hức đón chờ: “Mười bảy tuổi lòng ai không hồi hộp - Ngồi trong rạp hát đợi màn lên”.
Sân khấu cuộc đời mở ra trước mắt chàng với vườn địa đàng ở ngay trong phố, có một vườn cây mát. Trong triệu người có em của ta. Đó là người con gái chàng yêu đầu đời một nhân vật trữ tình EM sẽ có mặt trong suốt đời thơ và đời sống lận đận như một con ong trong đêm sâu của chàng.
Em - vừa có thể là người tình, vừa có thể là nỗi khát khao không đạt đến, sự cứu rỗi linh hồn đau buồn của chàng; em còn mang những tên gọi khác nhau, đầy âu yếm và thương cảm: Người đàn bà không có tên I, II, III, mùa thu, mắt một mí, đóa cúc vàng, con ong xanh có đôi mắt đen, con ong trắng thương nhớ, con ong nâu hạnh phúc, chị Hai, bông hoa huệ trắng xanh...
Ai cũng biết thơ Lưu Quang Vũ buồn, một nỗi buồn thăm thẳm và canh cánh, thấm sâu vào tinh huyết của thơ chàng, nhưng ít ai chịu thông cảm với chàng, đặng tìm một chỗ đứng nào đó để có thể thấy cái riêng của nỗi buồn Lưu Quang Vũ.
Chàng yêu thành thực cuộc đời, thành thực yêu những người đàn bà và cũng buồn thành thực khi họ bỏ chàng đi “như những dòng sông nhỏ” mà lời hẹn thề rót cuộc chỉ là “những cơn mưa” (lời một tình khúc của Trịnh Công Sơn).
Mỗi người đàn bà ra đi để lại cho chàng trai trẻ Lưu Quang Vũ một vết thương lòng. May sao, chàng lại chính là một thi sĩ, nên trong thơ chàng, những cuộc tình tuyệt vọng ấy đã ngưng kết thành giọt lệ trong như ngọc - khiến cho thơ tình của Lưu Quang Vũ ngời ngợi sáng - thứ ánh sáng không quá chói chang mà thánh thiện trong lành, chỉ có ở ngọc trai được ngậm bằng những nỗi đau lắng lại tự nhiên sau bao nhiêu con sóng vật vã của biển Đời.
Lưu Quang Vũ
Cũng chính vì thế, từ khởi nguyên cuộc kiếm tìm hạnh phúc - qua bao nếm trải ngọt bùi, đắng cay, lầm lỡ, cả tin... của cho, nhận, được, mất... thì cuối cùng con thuyền thơ của Lưu Quang Vũ đã cập bờ, đạt tới hình ảnh hoàn hảo về nhân vật trữ tình EM trong Thơ:
Dù sao cuộc đời đã dành em lại cho anh - Điều mong ước đầu tiên ở lại sau cùng - Chúng ta đã đi bên nhau trên mặt đất - Dẫu chỉ riêng điều đó là có thật - Đủ cho anh mãi mãi biết ơn Đời.
Và hái lượm được cả trong tay hạnh-phúc-đời-thường - cuộc sống chung với nữ sĩ Xuân Quỳnh như một món quà của Thượng đế tặng cho “người trai phiêu bạt, luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật”... 
Chàng đã được tồn tại bởi một người: Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài - Chỉ một người ở lại với anh thôi - Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi - Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới - Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương - Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn - Anh lạc bước người ấy đưa anh trở lại - Khi có điều giả dối vây quanh - Bàn tay ấy chở che và gìn giữ - Biết ơn em từ miền cát gió - Về với anh bông cúc nhỏ hoa vàng...
Sinh ra, lớn lên và trưởng thành vào những năm giữa thế kỷ, thơ Lưu Quang Vũ không chỉ giới hạn trong những mối tình riêng của đời chàng, mặc dù chỉ với những chùm thơ tình mang rất đậm dấu riêng tình cảm Lưu Quang Vũ - trong các tập Hương cây, Mây trắng của đời tôi và nhất là tập di cảo Bầy ong trong đêm sâu vừa xuất bản năm 1993 - cũng đủ chứng tỏ một thi sĩ tài hoa.
Đi suốt chiều dài một đời thơ của Lưu Quang Vũ, tôi có cảm giác như vào một kho báu. ở những câu thơ ta nhặt vô tình nhất cũng óng ánh một vẻ đẹp riêng, không hiểu sao chỉ có ở thơ Lưu Quang Vũ - một vẻ đẹp trong vắt của tài năng thi ca - không gợn dù chỉ là một chút - sự gia công kỹ thuật. Dù chỉ là câu thơ lẻ loi nhất cũng mang một vẻ đẹp “cứ như không”.
Có một bài thơ cực hay của Lưu Quang Vũ mà tất cả những động từ dùng trong đó đều được chia ở thì quá khứ - dùng để chỉ những gì đã qua và đã từng, mà chàng đã làm xong ở đời:
Nắng đã tắt dần trên lá im - Chiều đã sẫm màu xanh trong mắt tối - Đường đã hết trước biển trời cao vời vợi - Tay đã buông khi vừa dứt cung đàn. Gió đã dừng nơi cuối chót không gian - Mưa đã tạnh ở trong lòng đất thẳm. Người đã sống hết tận cùng năm tháng. Sau vô biên sẽ chỉ có vô biên. 
Song, số phận thi sĩ đã không chỉ định Lưu Quang Vũ chỉ làm thơ tình, chỉ yêu những khuôn mặt đầm đìa thương nhớ của những người phụ nữ hiện diện trong cuộc đời thực và đã thành nhân vật trữ tình trong thế giới thi ca của chàng: mẹ, vợ, em gái, bạn gái, người tình…, và nói chung, họ là người thuộc “phe nước mắt” (chữ của thi sĩ Dương Tường, trong bài thơ: “Tôi đứng về phe nước mắt”). 
Thơ của chàng còn dâng lên một tình yêu thương đất nước sâu xa, hồn hậu và đằm thắm, mà chàng gọi giản dị đất Việt là Việt Nam, là Người.
Mây trắng của đời tôi

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ 
và đạo diễn Nguyễn Đình Nghi

Dòng nhựa trong cây, mùa xuân trong dòng nhựa
Cơn gió ẩn sau buồm, chân trời sau biển cả
Những nhịp cầu
Nối hạt cát với ngôi sao
Bánh ăn và giấc mộng
Đưa tôi tới những bến bờ chưa tới được
Vượt khỏi mình, tôi nhập với trăm phương.
Nói lời riêng mà thấu triệu tâm hồn
Sau đêm tối, một ban mai mới mẻ
Dẫu ngắn ngủi bừng tia chớp lóe
Đủ cho anh nhìn thấy mặt em rồi.
Trên mái nhà, cao vút rừng cây
Trên rừng cây, những đám mây xô giạt
Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng
Thơ tôi là mây trắng của đời tôi.
Những dòng thơ thao thức khôn nguôi
Những dòng thơ người viết cho người
Trên bãi bể thời gian, tôi viết tiếp
Những dòng thơ như móng tay day dứt
Trên vỏ dưa xanh thắm của mùa hè
Cho kẻ xa nhà mái lá chở che
Cho ngưng lại nhịp đồng hồ quên lãng
Sợi dây mỏng nối liền ta với bạn
Và ban mai trong mắt những con gà...
Những ngọn lửa vô hình chưa kịp có tên

(Nguồn: Lưu Quang Vũ, Thơ tình, NXB Văn học, 2002)

Chàng yêu Việt Nam, Tổ quốc mình như yêu một người cha đặc biệt, đầy sùng kính, thiết tha và cũng không hiếm khi vật vã đau đớn, khắc khoải suy tư…
Và bên trên những đớn đau, dằn vặt riêng tư ấy, tình yêu lớn với Việt Nam, được hóa giải trong tình yêu thi ca, đã khiến tâm hồn thi sĩ của Lưu Quang Vũ chắp cánh.
Và thi sĩ mặt buồn này đã có một cử chỉ mỹ học thi ca thật rạng rỡ: nhấc được cái tôi thi sĩ của mình lên khỏi mặt đất, ngẩng mặt ngước lên trời cao xanh, trong cảm giác lãng mạn vô bờ: Trên mái nhà cao vút rừng cây/ Trên rừng cây những đám mây xô dạt/ Trên ngày tháng trên cả niềm cay đắng/ Thơ tôi là mây trắng của đời tôi.
Không có cử chỉ bay bổng đầy cứu rỗi này, không có sự hóa thân của Vũ vào gió và tình yêu thổi trên đất nước (…), ngọn gió luôn luôn ra đi, luôn luôn mới đến, ngọn gió mà Vũ ước chi được hóa thành (..) để được ôm trọn vẹn nước non này/ Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá/ Để mát rượi những mái nhà nắng lửa/ Để luôn luôn được trở lại với đời… thì có thể, thế giới thơ của Vũ chỉ thuần túy ảo ảnh yêu đương, với thơ tình vừa ngọt ngào vừa cay đắng, thấm đượm hơi hướng tục lụy trần gian.
Ta không quên rằng, chàng được sinh ra từ huyết thống lãng mạn cách mạng của người cha thi sĩ - nghệ sĩ Lưu Quang Thuận, ở một địa danh cụ thể của chiến khu Việt Bắc:
Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao/ Đường ven suối quả vả vàng chín rụng/ Cọ xanh rờn lấp lánh nước sông Thao… Nhà chon von khuất sau vườn ngô sắn/ Thôn nhỏ nặng tình kháng chiến mười năm.
Ở chính cái thôn nhỏ xinh vùng núi đồi, “ấm những ngày gian khổ khó quên nhau” ấy, Lưu Quang Vũ ra đời: “Mẹ sinh con vào cuối mùa hoa gạo/ Loa chuyển rừng tin thắng trận sông Lô/ Bố gửi con mảnh vải dù may áo/ Súng nổ dồn đuổi giặc suốt mùa mưa.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, mùa thu hòa bình rời xa Việt Bắc/ bè về xuôi gió thổi nước sông reo… Xa Chu Hưng đã chín mùa cá lũ, hồn thơ Lưu Quang Vũ vẫn quay về Chu Hưng, hoài nhớ li ti, từng vạt sắn xanh tươi bên đồi, mái nhà cũ đêm đêm ai nhóm lửa, máng tre còn hứng nước mưa rơi, và hồn thơ ấy rưng rưng biết ơn thôn Chu Hưng, nơi ngọn nguồn sáng tạo của thi ca Lưu Quang Vũ:
Con suối nhỏ xuyên rừng nơi ấy/ Là ngọn nguồn sông biển yêu thương/ Ra biển ra sông còn nhớ mãi/ Trắng hoa rừng… Ơi Chu Hưng, Chu Hưng!
Yêu Chu Hưng nơi sinh, Lưu Quang Vũ bắt đầu tình yêu Hà Nội, với cái tình của thi nhân, của người trai trưởng thành, cùng với rất nhiều trải nghiệm và vỡ lẽ, về tình yêu riêng tư, về tình yêu đất nước, về tình yêu tiếng Việt.
“Nghe bà hát những lời da diết/ Cháu nghe mãi vẫn lạ lùng tiếng Việt/ Chữ “thương” liền với chữ “yêu”/ Chữ “thương” đi cũng chữ “nhớ/ Dân tộc trải xót xa nhiều đau khổ/ Phải thương nhau mới sống được ở trên đời”.
Trong thế giới thơ Vũ, ngoài những bài thơ tình yêu, những tình tự công dân đã lộ diện trong ánh sáng nhận thức của tình cảm lớn với thời đại, và cuộc đi tìm cách thức diễn đạt bằng một thứ tiếng Việt độc đáo, mang đặc thù Lưu Quang Vũ, cũng đã được bắt đầu.
Ai đó nói, tình yêu đất nước của thi sĩ bao giờ cũng xanh li ti trong những biểu hiện hằng thường của đời sống.
Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
Vũ yêu đất nước Việt như thể yêu Cha, yêu Mẹ của mình, một tình yêu vô cùng, có khi là vô vọng, đầy sám hối. Vũ không ngăn nổi tiếng khẩn thiết từ trái tim, trong bài thơ mang tên: “Việt Nam ơi”, Vũ gọi thân mến với vô chừng thương cảm Việt Nam của Vũ và của ta nữa, Việt Nam, là:
Những người đi chưa về/ Những quả bom những hầm hào sụt lở/ Những tên cướp những lời hăm dọa/ Người ta định làm gì Người nữa/ Việt Nam ơi? Mấy mươi năm đã mấy lớp người/ Chia lìa gục ngã/ Đã tận cùng nỗi khổ/ Người ta còn muốn gì người nữa/ Việt Nam ơi?
Người đau thương, tôi gắng gượng mỉm cười/ Gắng tin tưởng nhưng lòng tôi có hạn/ Chiều nay lạnh, tôi nghẹn ngào muốn khóc/ Xin người tha thứ, Việt Nam ơi/ Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui/ Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất/ Nhưng nghĩ đến người lòng tôi rách nát/ Xin người đừng trách giận Việt Nam ơi/
Tôi là sao sống được xa Người/ Như giọt nước đậu vào bụi cỏ/ Như châu chấu ôm ghì bông lúa/ Người đẩy ra tôi lại bám lấy Người/ Không vì thế mà Người khinh tôi chứ/ Việt Nam ơi/ Không vì tôi đau khổ rã rời/ Mà Người ghét bỏ? Xin Người đừng nhìn tôi như kẻ lạ/ Xin Người đừng ghẻ lạnh, Việt Nam ơi/
Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một người (…) Đến bao giờ Người mới được nghỉ ngơi/ Trong nắng ấm và tiếng cười trẻ nhỏ? Đến bao giờ đến bao giờ nữa/ Việt Nam ơi?
Đọc những câu thơ da diết này, bỗng nhớ một cách thơ khác của Chế Lan Viên, hào sảng, chang chói, nhưng cùng đong đầy một tình cảm lớn: Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta như vợ như chồng/ Ôi Tổ Quốc nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông.
Tôi yêu cách yêu thầm lặng, ruột thịt, nhói lòng của Lưu Quang Vũ, yêu cả cách yêu hào hùng, chói lọi của Chế Lan Viên, với Việt Nam của tôi và của chúng ta.
Tôi nghĩ, những vần thơ yêu nước, yêu đời, yêu người yêu của Vũ đã như bánh mì và hoa hồng, trước hết cho bản thân thi sĩ, đong đầy ấm nóng tin yêu, mới có sức mạnh đủ lan tỏa cho người yêu thơ, và trở thành những câu thơ nằm lòng của nhiều thế hệ độc giả, dù hôm nay đã đầu thế kỷ 21, các cuộc chiến tranh đã qua đi vài ba thập kỉ ở Việt Nam.
Nhưng nỗi buồn chiến tranh (tên tiểu thuyết duy nhất của Bảo Ninh, đang được người Mỹ dựng thành phim và là tiểu thuyết Việt được dịch nhiều nhất) vẫn còn đó, đâu dễ nguôi ngoai!...
Như gió và tình yêu thổi mãi trên đất nước, những tác phẩm thơ của Lưu Quang Vũ vừa có thể làm lòng người náo động không nguôi, vừa có thể làm an ninh tâm hồn người yêu thơ. Đối với Lưu Quang Vũ thi sĩ, đó là hạnh phúc lớn nhất của sáng tạo.
Và người trai phiêu bạt này, người trai vẫn biết mình luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật này đã biết ơn cuộc tình với nữ sĩ Xuân Quỳnh như biết ơn “mùa gió mới” trong thơ, nhờ em tôi có lại…, Tôi thở trong sức gió muôn người.
Hai cõi thơ, từ đổ vỡ, dang dở, đâu đớn riêng tây, đến đây, đã hòa nhập trong một cõi tình màu hoàng hoa…
25/8/2008
Nguồn: Tuần Việt Nam

Theo https://baoquocte.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...