Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Người nhặt lá thành thi sĩ

Người nhặt lá thành thi sĩ

"... Ngang dọc non sông đường kiếm mã/ Huy hoàng cung điện nếp cân đai/ Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa/ Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai/ Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ/ Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai...".
Đó là một đoạn trong bài thơ hùng tráng Trưng Nữ Vương của Ngân Giang - nữ sĩ nổi tiếng nửa đầu thế kỷ 20. Thời nay, không mấy người biết bài thơ này đã đi vào lịch sử với cái chết đầy xúc động của nhà thơ Đông Hồ. Ông đột quỵ ngay bục giảng đường Đại học Văn khoa, Sài Gòn vì quá cảm động khi bình giảng những dòng thơ liệt oanh.
Chiều chớm đông Hà Nội, tôi đi tìm lại cuộc đời Ngân Giang nữ sĩ. Trong căn nhà nhỏ tận cùng hẻm sâu Hà Nội, người con trai nhà thơ trầm ngâm: "Anh đến muộn rồi!". Bà đã qua đời năm 2002 bên bờ sông Hồng. Hậu sinh, tôi chỉ biết và mến mộ nữ sĩ qua những bài thơ trác tuyệt và bao chuyện xúc động nghe kể lại.
Ngồi trước di ảnh tóc bạc phơ như mây trắng mà vẫn vẹn nét kiều diễm của nhà thơ, tôi được giở xem từng bản thảo đã ố màu thời gian. Thi nghiệp nữ sĩ Ngân Giang lừng lẫy đến mức Đông Hồ lãng khách nổi tiếng trời Nam phải tìm ra tận Hà Nội để trà đàm. Về Sài Gòn, ông xúc động đến chết trong lúc đang bình giảng bài Trưng Nữ Vương của bà. Học giả Vương Hồng Sển cũng mến mộ ghi lại chuyện tao ngộ nữ sĩ khi bà vào miền Nam.
Ngược dòng thời gian, đầu thế kỷ 20, Ngân Giang, tức Đỗ Thị Quế sinh vào mùa xuân năm 1916 ở Hàng Trống, Hà Nội. Cha mẹ hay chữ, làm nghề bốc thuốc và thêu thùa, nên thiên hướng thi phú Ngân Giang sớm bộc lộ từ bé. Vừa 8 tuổi, bà đã làm cha mẹ sốc khi bất ngờ ngân nga những câu thơ ở sân ga Hà Nội: "Tàu về rồi tàu lại đi/ Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga...". Hai câu thơ như tiên tri cho chính cuộc đời thi tài nhưng cũng đẫm nỗi buồn của bà sau này.
Tên tuổi nữ sĩ sáng chói với các bài thơ trên các báo Phụ Nữ Thời Đàm, Tri Tân, Tiểu Thuyết Thứ Bảy... Rồi sau Giọt lệ xuân, đến tập Tiếng vọng sông Ngân ra đời. Ngân Giang viết nhiều, những bài thơ dạt dào cảm xúc ái quốc và hùng anh.
Cùng thời cuộc và đam mê thi phú nhưng hồn thơ Ngân Giang khác các nữ sĩ Anh Thơ, Vân Đài, Hằng Phương, Mộng Tuyết...
Trong lúc bạn thơ đắm chìm với cảnh sắc thiên nhiên hay tình yêu, Ngân Giang lồng lộng hùng tráng. Là nữ sĩ đẹp nhất nhì đất Bắc được bao khách tình si, nhiều lần bà lại tự bạch kiếp trước mình là tướng quân đã mắc lỗi lầm gì đó nên kiếp này phải đầu thai phận nữ nhi. Tuy nhiên, hồn tướng thì vẫn còn đó qua những câu thơ để đời: "Lạc tướng đâu quên lời huyết hận/ Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai...".
Một tối, mưa giao mùa mờ mịt Hà Nội, các con nữ sĩ quây quần bên nhau nhắc nhớ mẹ mình. "Cuộc đời mẹ tôi vui ít, buồn nhiều, thương, khổ vì con! Nếu chỉ đọc những bài thơ như hùng tướng, người đời chẳng thể hiểu sự thật về mẹ tôi" - người con gái Tường Vân tâm sự. Cô kể mẹ mình hồng nhan bạc phận, ba đời chồng mà chỉ một mình nuôi 10 người con qua năm tháng cực kỳ gian khó.
Năm 16 tuổi, bà đã lấy chồng lần thứ nhất. Cuộc hôn nhân không đến từ tình duyên mà do sắp đặt. Cha mẹ thấy con gái mê đắm thi phú, lại có dấu hiệu ủng hộ kháng chiến. Họ sợ đời con khổ nên sớm lo yên bề gia thất. Đâu ngờ tổ ấm sớm phân ly. Cha mẹ chồng ép con trai bỏ vợ. Khi thấy bà viết nhiều bài thơ đẫm lòng yêu nước, mật thám đã xộc vào tận nhà khám xét.
Một thân nuôi con thơ, bà chẳng hé cùng ai mà chỉ tự thán qua những dòng thơ giấu kín: "Con lên hai, mẹ hai mươi/ Ngơ ngác buồn tênh giữa cuộc đời/ Gió táp mưa lầm, ôi giá lạnh/ Đường về, biết sẽ hỏi cùng ai".
Hai đời chồng sau cũng lại tan vỡ. Người chồng thứ hai cho bà thêm mấy con, trong đó có cả người con gái điên. Đến người chồng thứ ba, bà lại phải chia tay trong oan khiên. Ông ghen cả với những vần thơ tình của vợ, hồn lãng mạn mà nhà thơ nào không nhỏ mực từ trái tim mình. Chia tay, bà chỉ có thể đọc bài thơ u uẩn: "Ngày chửa sang thu đã thấy buồn/ Tình chưa ngời sáng đã hoàng hôn/ Thân không trời đất mà mưa gió/ Người ở đầu thôn, mộng cuối thôn".
Hồn thơ Ngân Giang lồng lộng bao nhiêu thì đời thật của bà lại khổ bấy nhiêu. Kháng chiến, Ngân Giang tay dắt, vai gánh con thơ nheo nhóc lên chiến khu. Mưa rừng dữ dội, người mẹ phải dùng thêm cả răng mình để cắn giữ bạt khỏi bay.
Các con khô ráo, mẹ thì sũng nước. Đau ốm, lại đang mang thai và nuôi nấng con nhỏ, bà được tổ chức cho về lại Hà thành. Ban đầu bà nhất quyết không chịu, nhưng cấp trên vẫn khuyên về. Ngày rời núi rừng, bà đã viết những dòng thơ khí tiết: "Nhằm lúc lửa binh tràn bốn mặt/ Ôm con xuống núi lửa chan hòa/ Xót phận đau buồn qua một kiếp/ Nhớ rừng thao thức suốt năm canh".
Thời gian khó sau năm 1954, đêm đêm khi trẻ thơ đã ngủ, bà ngồi thêu thùa để có tiền đong thêm cân gạo, thuốc men cho đàn con. Vò võ một mình trong đêm vắng, bà hay âm thầm làm thơ. Những bài thơ buồn được giấu kín về cảnh đời khốn khó. Mãi sau này, các con mới thấu nỗi niềm mẹ mình: "Ngày lại ngày qua sầu cộng sầu/ Mẹ con ngơ ngác lặng nhìn nhau/ Khung thêu hết chỉ, tiền không có/ Giường mọt thưa nan ruột bỗng rầu/ Sách viết vẫn nhờ manh lá đấy/ Bát cơm chưa biết cậy vào đâu...".
Năm 1957, Ngân Giang được kết nạp vào Hội nhà văn. Người con trai thứ Nguyễn Thụy xúc động nhớ mẹ mình túng bấn quá, đã xin ứng hội 20 đồng rồi làm thơ trả dần. Bài thơ trả nợ chỉ người trong cuộc mới thấu cảm: "Cái nợ văn chương khéo ỡm ờ/ Nợ gì mà lại nợ bằng thơ".
Bà có một cái áo len duy nhất cũng phải bán đi để lo miếng ăn cho đàn con đông đúc. Ngày gửi bé Thụy ở nhà người quen để đi học, bà trao cái vòng ngọc kỷ niệm thời con gái cho người ta. Thụy nhớ mãi vòng nhỏ khó tháo, người ấy phải mím môi giật mãi mới ra khỏi tay mẹ. Anh rớt nước mắt khi nhìn thấy tay mẹ sưng đỏ lên... Nhà thơ không gặp thời, chỉ có thể chạy từng bữa ăn cho con, được bữa nào hay bữa đó, chẳng biết bữa sau đói no ra sao! Thương con nhỏ, nhiều bữa bà nhịn ăn để nhường con. Khi các con ăn xong, bà mới nhặt nhạnh ít hạt thừa rồi đổ nước vào thành tí cháo loãng của mình.
Năm 1961, rời cái chòi 5 mét vuông ở ngõ Tiến Bộ, Khâm Thiên, mẹ con cả chục người chui rúc trong cái chum 9 mét vuông trên phố Bà Triệu. Ngày nắng, các con lớn phải ra ngoài ngủ. Hôm mưa hay đêm đông rét buốt, mẹ con ôm chặt nhau vì không còn chỗ nào để xoay người trong chum.
Dạo ấy cũng có một người tập kết mến mộ thơ Ngân Giang, đã tìm đến tận nơi này để gặp nữ sĩ. Họ nhanh chóng thành tri âm tri kỷ. Ông muốn tiến xa hơn nhưng bà chối từ. Ba đời chồng lỡ làng, bà sợ lại hợp tan và thương đàn con nheo nhóc, đói khổ...
"Mẹ tôi là thế đấy, đói khổ tự chịu, có viết thơ buồn cũng giấu đi. Bà lúc nào cũng giữ vẻ rắn rỏi, vui tươi, lo cho người khác mà chẳng nề hà thân mình" - người con gái thứ Phạm Ngân Hà xúc động nhớ mẹ. Cô kể hồi xảy ra vụ Nhân văn giai phẩm, nhiều người sợ hãi, xa lánh nhóm này, nhưng bà vẫn tìm đến sẻ chia. Được cử về Hà Tây, viết bài ca ngợi hợp tác xã, bà lại phản ánh thói cửa quyền, thu lợi cá nhân. Có một túi gạo duy nhất, bà đem nấu cả nồi cháo lớn cho dân làng ăn. Các con thấy hết gạo, lo lắng. Bà vui vẻ: "Chuyện mai để mai tính, con à".
Những lần trò chuyện với các con nhà thơ, tôi may mắn được gặp nhà văn Hoàng Quốc Hải và tiến sĩ Đinh Công Vĩ đặc biệt mến mộ bà. Ông Hải tâm sự mình đã nhiều lần tao diện nữ sĩ thời cuối đời khi bà sống nghèo túng trong cái chòi nhỏ ở bãi Nghĩa Dũng, sông Hồng. Tặng Hoàng Quốc Hải những dòng thơ tự sự cuối đời: "Mười năm quét lá bên sông/ Hình hài để lại chiếc còng trên lưng", Ngân Giang nữ sĩ còn có cả những dòng đầy khắc khoải nhân sinh: "Sự đời hay dở khoan bàn đến/ Lá rụng quanh thềm, gió hắt hiu".
Tuy nhiên, tâm hồn nhà thơ dù thế nào cũng không rơi vào bế tắc. Cuộc sống cùng quẫn chỉ trông cậy vào quán nước nhỏ, bà vẫn toát nét thanh tao. Dù thiếu gạo ăn, nhưng bà lúc nào cũng có hương trầm và trà ngon để mời khách văn chương. Và bà chẳng bao giờ quên chút điểm trang khi đàm đạo văn thơ. Khổ đến mức phải quét lá bên sông để làm chất đốt và đổi cho hàng xóm lấy bơ gạo, bà vẫn tâm sự với bạn bè: "Đêm đen nhất là lúc bình minh sắp lên".
Ngân Giang nữ sĩ như tiên tri cho chính vận mệnh mình. Qua nhiều năm sống âm thầm, nghèo túng, thơ của bà lại bùng lên mươi năm cuối đời. Các nhà xuất bản liên tiếp in lại mấy tập thơ Ngân Giang. Họ mời bà vào Nam dự đêm thơ. Từ Canada, ông Nguyễn Phan Cảnh, con trai họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, mến mộ thơ Ngân Giang, đã dày công sưu tầm in gần trọn 4.000 bài thơ của bà. Lần nào vào Nam, bà đều đến thăm nhà bạn Vương Hồng Sển, chỉ ngậm ngùi là chưa viếng được mộ phần bạn thơ Đông Hồ ở Hà Tiên.
Hồi tưởng về mẹ, ông Nguyễn Thức nhớ mãi lần làm sinh nhật thượng thọ cho bà ở bãi Nghĩa Dũng. Ông mua 5 con gà, rượu trắng Làng Vân, trà ngon và trầm thơm. Bà vui vẻ, tíu tít như trở lại hồi con gái. Hôm ấy 50 bạn văn thơ đã đến với Ngân Giang. Những Cù Huy Cận, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Hoàng Cầm, Quách Tấn, Xuân Diệu, Vũ Đình Liên, Tế Hanh... Bên bờ sông ngào ngạt trầm hương, họ cùng ngâm nga lại hùng khí Trưng Nữ Vương, rồi Xuân chiến địa: "Ngày kia tròn phận người dân nước/ Vó ngựa xin dừng dưới mái tranh/ Để ngắm ai xưa ngồi dệt lụa/ Má đào vẫn thắm tóc đang xanh...".
Cuối đời an vui, đến ngày Ngân Giang nữ sĩ tạ thế về miền thơ vĩnh hằng, cũng là một ngày đặc biệt. Giữa thu 2002, đột nhiên nước sông Hồng dâng cao cuồn cuộn tràn cả vào sân nhà bà ở bãi sông. Các con phải dùng thuyền tiễn đưa mẹ lần cuối cùng. Ngân Giang, tức sông Ngân là bút danh bà yêu thích nhất, rất nhiều bài thơ của bà luôn bàng bạc cảnh bến sông, bãi thuyền.
Quốc Việt
Theo https://tuoitre.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...