Giông gió, hiểm họa và văn chương
Với tôi, năm 2020 là một năm có nhiều ấn tượng. Một năm nhiều
giông gió, hiểm họa nhưng tráng lệ.
Ngày 28 tháng chạp năm cũ, tôi và con trai quyết định rời Hà
Nội về quê sum họp gia đình và đón tết Nguyên Đán. Bà xã tôi và con gái vẫn bám
chắc cái cửa hàng bách hóa ở thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định...
Sau năm ngày tết tại cái thị trấn huyện vừa ồn ào vừa tĩnh lặng, hai bố con tôi
lại xách va li trở về thủ đô.
Chưa kịp làm được việc gì thì đại dịch Covid-19 bất ngờ diễn
ra, hai bố con lại trở về thị trấn quê trốn dịch. Ngày ngày ngồi xem truyền
hình thấy những người thầy thuốc cùng với những quân nhân căng mình ra chống dịch,
còn mình thì cứ ra ra vào vào, chân tay như thừa thãi, cảm thấy ngượng với
chính mình. Rồi sực nhớ rằng, có một đề cương tiểu thuyết đã hình thành mấy
tháng, tôi quyết định mở máy tính ngồi viết sớm hơn dự định. Tôi lấy tên tiểu
thuyết là Những cuộc đời xa khuất; nhân vật chính là vua Tự Đức, một ông
vua cá tính khá thú vị. Tự Đức ở ngôi vị kéo dài 36 năm, là một trong những triều
đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử nước nhà. Đây cũng là thời kỳ mà chế độ
phong kiến Việt Nam đã bước vào thời kỳ suy tàn, trong khi châu Âu đã tiến hành
công nghiệp hóa - đô thị hóa gần hai thế kỷ, đã mang lại những thành tựu đáng kể.
Bởi vậy sự mâu thuẫn giữa duy trì truyền thống mang nặng tư tưởng Nho giáo
phương Đông với tư tưởng canh tân theo phương Tây diễn ra rất gay gắt; thêm những
mâu thuẫn nội tại và kẻ thù thì lăm le xâm lược nên trong nước đã diễn ra một
tình hình xã hội vô cùng phức tạp. Để duy trì sự tồn vong của đất nước, nhà vua
và triều thần đã phải gồng mình lên chống đỡ, có lúc máu đổ thành sông suối,
nhưng rồi cuối cùng giang sơn vẫn bị rơi vào tay quân xâm lược Pháp. Có những
trang sử huy hoàng song lại có những trang sử bi thương. Những nhân vật trong
tác phẩm, ngày nay nhìn lại họ đã trở thành “Những cuộc đời xa khuất” nhưng số
phận họ hãy còn dư vang thao thiết trong trái tim biết bao người. Nhà vua cũng
như một số trọng thần rường cột của triều đình được ca ngợi cũng có, nhưng cũng
không ít người bị những thị phi tai tiếng. Cho đến nay đã hơn một trăm năm
nhưng vẫn còn những con người gây tranh cãi, có những cách nhìn khác nhau, còn
cả những dấu hỏi về những tồn nghi… Tôi đã dành nhiều năm nghiên cứu về triều
vua Tự Đức để khi viết tiểu thuyết Những cuộc đời xa khuất muốn góp một
tiếng nói, một phương pháp lý giải riêng không ngoài mục đích giúp bạn đọc có một
cái nhìn tương đối khách quan, khả thủ, cũng là để rút ra những bài học quan
thiết trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước hôm nay; và hy vọng
tác phẩm sẽ mang lại cho bạn đọc một cách thưởng thức không cũ nhàm, những
thông điệp mệnh hệ và thú vị về nội dung, làm cho bạn đọc hiểu, thương yêu và
tin yêu con người Việt Nam hơn, yêu tổ quốc Việt Nam hơn.
Viết xong dòng cuối cùng thì đại dịch Covid-19 lần thứ hai
bùng phát. Lần này chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm, chỉ giãn cách từng
nơi xuất hiện dịch, còn những nơi khác cuộc sống vẫn diễn ra bình thường nhưng
với tinh thần cảnh giác rất cao. Quận Long Biên, nơi tôi sinh sống, trở nên vắng
vẻ hơn. Người ta ít ra đường, ít tiếp xúc, và không thể rời chiếc khẩu trang.
Cuốn tiểu thuyết không dầy nhưng cũng không mỏng, huy động
quá nhiều vốn sống, vốn tri thức, người tôi như rỗng rễnh, nhẹ bẫng. Tôi có nhu
cầu “nạp” thêm năng lượng tri thức. Vừa khi đó tôi được nhà văn Đặng Vương Hưng
tặng bộ Nhật Ký thời chiến Việt Nam, gồm 4 cuốn, cả bộ dầy tới hơn 4.000
trang. Trong bộ tổng tập này có một nửa số nhật ký tôi đã đọc; còn một nửa tôi
đọc nốt. Đọc xong tôi viết được bài tiểu luận - phê bình cho báo Văn nghệ đăng
số 27 tháng 7. Sau đó, tôi sang hiệu sách Tràng Tiền mua gần một yến sách văn học
mang về. Tính ra số sách ấy khoảng hai mươi cuốn, tôi đọc hết. Nói cho đúng là
có những cuốn chỉ đọc được vài chục trang là bỏ dở, vì nó không hay, không hợp
với thẩm mĩ và “khẩu vị” của mình. Nhưng thật may, trong số ấy đã có 4 tác phẩm
mà tôi cho rằng rất có giá trị.
Đầu tiên phải kể đến cuốn sách có tên Những cánh hoa lạc
loài, tiểu thuyết của nữ nhà văn Mỹ Danielle Steel, viết về mối tình sâu đậm, đắm
say của Sam Walker và Solange vào thời điểm sau cuộc thế chiến thứ hai chấm dứt.
Rời Paris, Sam đưa vợ trở về quê hương Hoa Kỳ sinh sống. Sam trở thành diễn
viên, chẳng bao lâu trở nên nổi tiếng trong sân khấu kịch ở Broadway. Sự nổi tiếng
quá dễ dàng đã khiến cuộc sống gia đình đã có những thay đổi. Hạnh phúc của vợ
chồng Sam rạn vỡ dần, rồi tan vỡ hẳn. Họ về thế giới bên kia, để lại ba đứa con
gái nhỏ Hilary, Alexandra, Megan cho Arthur Patterson, bạn thân của Sam, nuôi
dưỡng. Cuộc ly biệt mỗi người một ngả, sống với một hoàn cảnh riêng biệt đã hun
đúc nên ba số phận khác nhau, với cá tính khác nhau. Liệu sau này họ có gặp lại
nhau? Gặp nhau họ có yêu thương nhau không? Họ có nhớ gì về người cha, người mẹ
ruột thịt của mình không?..
Phần kết tiểu thuyết sẽ trả lời câu hỏi ấy.
Cuốn tiểu thuyết thứ hai có tựa đề Hãy tin tôi của
Lesley Pearse, một nhà văn nữ người Australia. Từ một cái nền văn chương cổ điển,
cái mới của hai tác phẩm này chính là nhịp sống của thời đương đại. Tiểu thuyết Hãy
tin tôi là một câu chuyện về hai đứa trẻ được nuôi trong một trại trẻ mồ
côi ở Australia vào những năm cuối thập kỷ năm mươi, khi mà Australia còn chưa
thoát khỏi hình thái xã hội Tư bản hoang dại. Cuộc sống ở đây thật khắc nghiệt,
chẳng khác một địa ngục trần gian. Ăn đói, mặc rét, bị bắt nạt, đánh đập, thậm
chí Dulcie còn nhiều lần bị hãm hiếp. Không một chút tình thương nhưng Dulcie vẫn
có đủ nghị lực để vượt qua số phận, giành lấy sự sống.
Cuốn tiểu thuyết thứ ba cũng của một nhà văn nữ thuộc thế hệ
7x. Cô tên là Nicola Yoon, sinh năm 1972, người Mỹ gốc Phi. Tác phẩm mà tôi
đang nhắc đến là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nicola Yoon có tên là Everything,
Everything, người dịch chuyển ngữ thành Nếu chỉ còn một ngày để sống,
một cái tên hơi lộ ý tưởng, nhưng không thể phủ nhận nó là một tác phẩm đã leo
lên vị trí số một trên bảng xếp hạng của những cuốn sách bán chạy nhất do
tờ New York Times bình chọn và liên tục có tên trong danh sách này
chín tháng sau đó, đồng thời được chuyển thể thành phim điện ảnh với sự góp mặt
của hai diễn viên nổi tiếng là Amandla Stenberg và Nick Robinson.
Ngay từ khi công chiếu, bộ phim đã gây bão tại các phòng vé trên toàn thế giới,
kéo theo cơn sốt tìm đọc cuốn sách đặc biệt này đến từ các fan yêu thích bộ
phim.
Nếu chỉ còn một ngày để sống kể về cô gái
Madeline 18 tuổi mắc phải một chứng bệnh hiếm gặp. Madeline chỉ sống
trong căn nhà ghép kính có máy khử trùng, với sự chăm sóc tận tình của mẹ và cô
y tá 17 năm trong căn nhà đó. Và thật bất ngờ, nàng biết được sự thật về căn bệnh
của mình. Cuốn tiểu thuyết có một lối viết rất hiện đai, mới mẻ, tất cả những kể
lể dài dòng đều bị tước bỏ, toàn bộ nội dung truyền đến cho bạn đọc thông điệp “Cuộc
sống là một món quà quý giá của trời đất ban tặng cho con người, đừng quên tận
hưởng nó!”
Cuốn sách thứ tư có tên là Được sống và kể lại của
tác giả Trần Luân Tín, mô tả cái trung đoàn tham gia chiến dịch 81 ngày đêm giữ
thành cổ Quảng Trị mùa hè rực lủa 1972. Tác phẩm nói về đời thực của chính tác
giả cùng với cái tiểu đội thông tin hữu tuyến của anh, đôi khi nói rộng ra đến
trung đội, đại đội là cùng, nhưng chuyện nào cũng hay; tình tiết, chi tiết nào
cũng đắt, cũng lấp lánh giá trị nhân bản, cũng đầy chất tiểu thuyết rồi, không
cần phải hư cấu thêm thắt gì nữa. Chỉ một cái việc tiểu đội phân công nhau từng
tổ ba người bơi qua bơi lại trên sông Thạch Hãn để rải đường dây vào sở chỉ huy
trong thành cổ, họ đã phải chống đỡ với các loại bom pháo như thế nào cũng đủ
thấy cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam nó ác liệt đến nhường nào.
Nhưng ở đây độ trải nghiệm của tác giả không chỉ dừng ở một chiến dịch bảo vệ
thành cổ; anh còn nếm trải nhiều trận chiến đấu ác liệt nữa trên khắp dải đất
Quảng Trị, với bao nhiêu chuyện mà nếu không là người trong cuộc thì cũng khó
mà hình dung nổi… Trong con mắt và nét bút của Trần Luân Tín, chiến tranh hiện
ra như chính bản thân cuộc chiến, không một chút tô vẽ; nó bi thương mà tráng lệ.
Với một giọng văn hiện thực đến nghiệt ngã, những câu văn tiết chế đến độ tối
giản, rất lính tráng. Chính vì thế mà tác phẩm lôi cuốn người đọc khiến họ có cảm
giác như chính mình đang tham gia chiến trận.
Bấy lâu nay tôi thường nghe một vài ai đó phàn nàn, đại khái,
chúng ta chưa có những tác phẩm lớn, xứng tầm với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu
nước của dân tộc. Có lẽ những người nói đó quan niệm về tác phẩm lớn phải là những
tiểu thuyết trường thiên, dài ba bốn ngàn trang, hàm chứa những tư tưởng lớn, triết
lý lớn về chiến tranh, trong đó có những tướng lĩnh oai phong lẫm liệt, với tầm
nhìn bao quát cả cuộc chiến, chỉ huy những trận đánh nổi tiếng như Oa-tec-lô,
kiểu như tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của Lep Tonxtoi?. Tôi có
quan niệm hơi khác. Thời Lep Tonxtoi, chưa có những phương tiện thông tin hiện
đại như bây giờ, cho nên nhịp điệu của tiểu thuyết thời ấy chậm chạp, dài dòng
y như nhịp điệu cuộc sống khi ấy. Tônxtôi tả một bộ mặt nhân vật cũng dài tới một
trang sách mà bạn đọc vẫn tiêu hóa được. Thời công nghệ của chúng ta, tả một
khuôn mặt có khi chỉ cần một câu là đủ. Chẳng hạn: “Từ trong hàng rào thò ra một
bộ mặt được rập khuôn theo kiểu vô lại”; chỉ bằng ấy chữ cũng đủ để bạn đọc
hình dung ra bộ mặt ấy theo cách của riêng mỗi người. Còn vấn đề lớn, triết lý
lớn ư? Xin các bạn hãy đọc Được sống và kể lại, cuốn tiểu thuyết chủ yếu
mô tả một tiểu đội thông tin hữu tuyến, với những người lính binh nhất binh nhì
hiền lành giản dị như bông lúa củ khoai, nhưng những gì đặt lên vai họ mới thật
lớn lao, những gì họ làm đủ thấy con người Việt Nam đi vào cuộc chiến với một tầm
vóc vĩ đại nhường nào! Liệu một tác phẩm như thế có chút yếu tố nào “xứng tầm với
cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” của chúng ta không?
Tôi còn đọc thêm vài ba cuốn sách nữa, nhưng những trận bão
lũ miền Trung cứ liên tiếp ập đến làm cho tôi không sao chuyên tâm vào tác phẩm
được. Những trận bão lũ khủng khiếp mà lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến.
Quả là một năm đầy giông gió hiểm họa!
Tuy vậy, khi chia tay năm 2020 đầy vất vả, bản thân tôi còn
lưu lại được đôi điều như thế, trải ra trang giấy hiến tặng bạn đọc.
22/11/2020Lê Hoài NamNguồn: Văn nghệ số 47/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét