Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

Một khoảng không của Huy Cận

Một khoảng không của Huy Cận

Huy Cận là một trong những nhà thơ của phong trào “Thơ mới” nổi tiếng của hơn nửa thế kỷ trước. Ông tham gia Cách mạng năm 1942, dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, được bầu vào Ủy ban Giải phóng toàn quốc. Huy Cận lần lượt giữ các chức vụ quan trọng trong Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Canh nông, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Bộ trưởng đặc trách công tác Văn hóa - Nghệ thuật kiêm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam…
Người đời sẽ nhớ đến ông với nhiều diện mạo và cống hiến khác nhau. Nhưng có lẽ, gương mặt thơ là chân dung sống động nhất của Huy Cận - người “với một ít cát bụi tầm thường có thể đúc kết thành bao nhiêu châu ngọc” (Hoài Thanh - Hoài Chân). Những bài thơ hay của Huy Cận bao giờ cũng gắn với những khoảng không, những trống vắng lặng im đến kỳ lạ...
Thơ nói chung, Thơ mới nói riêng, có quá nhiều ly biệt; trong ly biệt quá quen bóng dáng con thuyền: Hôm qua dưới bến xuôi đò… (Nguyễn Bính), Thuyền ơi thuyền xin ghé bến lênh đênh…(Vũ Hoàng Chương). Thơ Huy Cận cũng không hiếm cánh buồm viễn xứ: Thuyền về nước lại sầu trăm ngả… (Tràng giang), Thuyền người đi một tuần trăng… (Thuyền đi), Vạn thuở chờ mong một cánh buồm… (Đảo). Tất cả đều là thuyền trôi thuyền dạt bơ vơ, người đi mất hút xa tít mù khơi…
Nhưng với bài Em về nhà, thì lạ thay, nỗi vô định lại không phải ở phía người trên sóng nước: 
Thôi sáng hung rồi; em hãy đi
Tự nhiên em nhé! Chớ buồn chi.
Suốt ngày nhắc nhở em từng phút,
Anh đoán thuyền em đến bến gì.
Này lúc bên đường bóng đứng trưa,
Thuyền em qua thác sóng xô lùa.
Sông êm, bãi cát con cò đứng
Khỏi vực, lòng em hết sợ chưa?
Tới ngã ba sông, nước bốn bề,
Nửa chiều gà lạ gáy ven đê.
Làng xa lặng lẽ sau tre trúc;
Bến cũ thuyền em sắp ghé về.
Khi bóng hoàng hôn phủ núi xa
Khi niềm tơ tưởng vướng chân, và
Khi cầm không được anh ngồi khóc:
Ấy lúc em tôi đã tới nhà.
(Theo Huy Cận đời và thơ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999)
Lời mở đầu cuộc chia tay thật tỉnh táo, như là một lời khuyên thiệt thà, một nhắc nhở chằng hề cơn cớ chi. Mà xem ra nào có chuyện gì đâu?!
Thôi sáng hung rồi; em hãy đi
Tự nhiên em nhé! Chớ buồn chi.
Như ông anh miền Trung nhắc cô em gái về lại lũy tre làng, đơn giản, hơi chút lạnh lùng, lại còn thúc giục. Thế rồi, khi người ấy dời chân (có lẽ?), mười bốn dòng thơ còn lại làm thành những đợt sóng tuôn trào trong lòng người ở lại. Thuyền em bắt đầu trôi trong tâm tưởng: Suốt ngày nhắc nhở em từng phút - Anh đoán thuyền em đến bến gì…
Thuyền em dần tái hiện trong những thời gian, không gian thắc thỏm lòng người. Em một mình dong ruỗi, lên thác xuống ghềnh trong hành trình quy cố hương đơn lẻ:
Này lúc bên đường bóng đứng trưa,
Thuyền em qua thác sóng xô lùa.
Sông êm, bãi cát con cò đứng
Khỏi vực, lòng em hết sợ chưa?
Tới ngã ba sông, nước bốn bề,
Nửa chiều gà lạ gáy ven đê.
Làng xa lặng lẽ sau tre trúc;
Bến cũ thuyền em sắp ghé về.
Một không gian quạnh vắng đìu hiu nhưng không đến nỗi “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”, không phải là một chuyến hải trình đầy bất trắc. Bất trắc không ở nơi sông nước. Sông nước không nguy hiểm mấy, nếu như không muốn nói ngược lại, là quá nên thơ!. Bất trắc đang tích tụ phía lòng người.
Mọi việc bắt đầu từ đây, từ ngay lúc này đây:
Khi bóng hoàng hôn phủ núi xa
Khi niềm tơ tưởng vướng chân, và
Khi cầm không được anh ngồi khóc:
Ấy lúc em tôi đã tới nhà.
Thế là kết thúc một chuyến đi (hay một lần gặp gỡ?) - Ấy lúc em tôi đã tới nhà...Mọi việc ngỡ đà xong hết. Nỗi đau ly biệt trong thơ trước đó (và sau này)
thường dâng ngập hồn người lúc Trông vời, gạt lệ, phân tay; nhưng ở bài thơ này thì ngược lại, bổng nổi giông gió cuồng phong ở phút giây thuyền đỗ bến. Bài thơ là một khoảnh khắc, dồn tụ vào một thời điểm khốc liệt. Và, không nói thêm gì khác nữa. Em về nhà còn quá nhiều những khoảng không cho người đọc mặc sức tưởng tượng, mặc sức đưa mình vào một chuyến ra đi mới.  
Thơ Huy Cận là “linh hồn trời đất” (Xuân Diệu), “với một ít cát bụi tầm thường thi nhân lại có thể đúc thành bao nhiêu châu ngọc” (Hoài Thanh), hoặc nói kiểu Bùi Giáng là “cõi miền huyền bí nhất của tinh thể Đông Phương”… Thơ Huy Cận còn đặc sắc ở một chỗ khác, đó là khoảng không của ngôn ngữ thơ. Theo dõi đời thơ Huy Cận, những bài thơ hay của ông bao giờ cũng gắn với những khoảng không, những trống vắng lặng im kỳ lạ. Huy Cận là thi sĩ của những điều không nói rõ, không muốn nói hết, và có thể, không nói hết được. Người đọc cũng chẳng bao giờ hiểu hết - hiểu hết thì hết thơ… Khi Huy Cận xa rời đặc điểm đó, thơ ông vẫn được chấp nhận nhưng không sống được lâu. Điều đó góp phần lý giải vì sao, vẫn hồn thơ ấy, vẫn tài hoa ấy, vẫn câu chữ uyên áo hơn mà thơ Huy Cận có lúc không phải là một ngọn lửa thiêng.
13/6/2007
Nguyễn Minh Hùng
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Mô hình nghệ sĩ - Trí thức Xét trên đại lượng lớn, mỗi thời đại sẽ sinh ra một/hơn một mô hình nghệ sĩ (nhà văn, nhà thơ) tương ứng tiêu...