Thứ Năm, 11 tháng 2, 2021

Giao cảm với mùa xuân

 Giao cảm với mùa xuân

Xuân vốn là từ Hán Việt, nghĩa gốc dùng để chỉ mùa đầu trong bốn mùa, mùa hồi sinh của muôn loài sau những ngày u ám, lạnh lẽo. Trong văn chương, Xuân còn được dùng để tính thời gian một năm, một tuổi: “Đời mới hai mươi xuân” (Tố Hữu), để chỉ sự trẻ trung, tươi đẹp, đầy sức sống: “Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi” (Thế Lữ), và để chỉ cả tình yêu nam nữ: “Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng” (Nguyễn Du)…
Nhân ngày xuân, thử tìm hiểu xem trong thơ ca hiện đại đã có những sáng tạo gì xung quanh các ý xuân này.
Hãy bắt đầu bằng Thế Lữ, người được coi là đã đi tiên phong trong phong trào thơ mới:
Em đứng nương mình dưới gốc mai,
Vịn nhành sương đọng, lệ hoa rơi,
Cười nâng tà áo đưa lên gió,
Em bảo: hoa kia khóc hộ người. (…)
Ta thấy xuân nồng thắm khắp nơi,
Trên đường rộn rã tiếng đua cười,
Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy
Cùng ngắm xuân về trên khóm mai.
(Giây phút chạnh lòng)
Đọc hai khổ thơ trên, mặc dù đứng cách nhau bởi bốn khổ thơ khác, hiện ra cùng với mùa xuân vẫn là hình ảnh cây mai. Nhưng ở đây không như quen thấy mai với sắc vàng cố hữu, mà lại là một mai hoa sương đọng, chỉ khẽ chạm cành là “lệ hoa rơi”. Vâng, bởi trước đó họ đã từng “cùng ngắm xuân về trên khóm mai”. Đến giây phút tiễn đưa, nhà thơ cảm thấy “chạnh lòng”, còn “người bạn” tuy cố gượng cười để giấu nỗi buồn mà vẫn không sao giấu nổi: “giấu” làm sao được khi lỡ bảo “hoa kia khóc hộ người”?!
Xuân ở Thế Lữ trong “Giây phút chạnh lòng” là như vậy, còn xuân của chàng thi sĩ đa sầu Xuân Diệu thì sôi nổi hơn nhiều. Lúc nào chàng cũng nhớ Xuân, cũng “vội vàng”, chỉ muốn riết lấy gió mây, thâu tóm cả thanh sắc của đất trời. “Cho chếnh choáng”, cho “đã đầy”, “no nê” khao khát. Ấy là vì Xuân Diệu quá “sợ độ phai tàn”, quá lo cái chẳng còn của “thời tươi” tuổi trẻ:
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần:
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa;
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua.
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già.
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất. (…)
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(Vội vàng)
Ngược với Xuân Diệu, ngay cả lúc chiều xuống mà xuân của Huy Cận vẫn “ngân lên những tiếng reo vui” (Hoài Thanh). Chiều xuân với ông luôn tràn đầy sức sống, ấm áp và hoan lạc:
En ngàn đưa võng 
Hương đồng lên hanh. (…)
Nhạc vươn lên trời:
Đời măng đang dậy
Tưng bừng muôn nơi…
(Chiều xuân)
Có thể nói, mùa xuân qua cái nhìn của các nhà thơ hiện đại khá là đa dạng. Cái nhìn đó có thể giúp ta hiểu được phần nào về thời đại, vè thế giới quan và nhân sinh quan của họ.
Ở Vũ Đình Liên, “Mỗi năm hoa đào nở” đều gợi lên trong tâm tưởng nhà thơ một bức tranh hưng phế. Một ông đồ già cùng một nền văn hóa nổi chìm theo phận số dân tộc. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ? (Ông đồ). Ở Hàn Mặc Tử, xuân sang mà sực nhớ đến mùa vàng lúa chín: Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín, Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng: - Chị ấy năm nay còn gánh thóc, Dọc bờ sông trắng nắng chang chang? (Mùa xuân chín). Xuân của Chế Lan Viên là điều mà nhà thơ không chờ không đợi, là vì Với tôi tất cả đều vô nghĩa. Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau! (Xuân). Xuân của Bích Khê là một bức tranh khỏa thân của giai nhân Thuần túy và tượng trưng (Xuân tượng trưng). Còn xuân của Nguyễn Bính thì… trước hết vẫn lại là cái "Cô hàng xóm" ấy!: Đã thấy xuân về với gió đông, Với trên màu má gái chưa chồng. Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm, Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong (Xuân về)… Và gắn bó với mùa xuân hơn cả vẫn là Đoàn Văn Cừ. Hình ảnh xuân trong thơ ông là những sinh hoạt cộng đồng sống động và chân chất của vùng quê Việt Nam, vùng quê Bắc bộ ngày trước, với những Chợ tết, Đám hội, cùng Đám cưới ngày xuân
Những sáng tạo về mặt ý tưởng và ngôn ngữ văn học của các nhà thơ Việt Nam từ sự giao cảm với mùa xuân không chỉ dừng lại ở đó. Nhưng chuyện vãn đã khá dông dài, xin hẹn tiếp vào dịp khác.
Sài Gòn 1/1999
Trần Hoàng
Theo http://hcmup.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...