Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

Nhà văn Hoài Anh, đa tài và lặng lẽ

Nhà văn Hoài Anh, đa tài và lặng lẽ

I- Lần đầu tiên, Nhà xuất bản Văn học tuyển chọn để xuất bản một lúc mười sáu cuốn tiểu thuyết và truyện về đề tài lịch sử của một tác giả. Đó là mười sáu tác phẩm của nhà văn Hoài Anh. 

Hoài Anh là nhà văn đa tài, tự học mà có nguồn tri thức uyên thâm, cả đời lặng lẽ sống và viết. Ông viết nhiều thể loại: thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu, phê bình văn học… Ở thể loại nào ông cũng có những thành tựu. Tên khai sinh là Trần Trung Phương, ông sinh ngày 8-7-1938, tại Bình Lục, Hà Nam. Ông là con trai trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước. Lên tám tuổi, cha mẹ xích mích, cha đi làm Việt Minh, dắt ông theo. Bởi thế ông giúp việc cho cách mạng từ khi còn nhỏ, có lẽ là sớm nhất trong các nhà văn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam! Kháng chiến chống Pháp, ông làm việc tại Văn phòng huyện đội Bình Lục, rồi Ban Chính trị Tỉnh đội Hà Nam, Ban Địch vận trung đoàn 254 thuộc Bộ tư lệnh Liên khu 3. Hòa bình lập lại, ông về tiếp quản Hà Nội, mới mười sáu tuổi! Ông công tác tại Phòng Văn nghệ và Nhà sáng tác Sở Văn hóa Hà Nội, biên tập viên Hội Văn nghệ Hà Nội.
Hoài Anh được học chữ Hán và tiếng Pháp từ rất nhỏ. Tại Hà Nội, ông tiếp tục tự học để hoàn thiện Hán văn, nâng cao tiếng Pháp và tiếng Anh. Cũng trong thời gian này ông viết nhiều thơ, kịch, truyện. Ông có nhiều bài thơ hay được tuyển vào các tuyển tập. Ông viết nhiều vở kịch, nhưng phần lớn phải ký tên người khác mới được dựng (thời ấy mới có chuyện kỳ cục như thế!). Đất nước hòa bình thống nhất, ba mươi tám tuổi đời, ông bôn ba vào sống ở Sài Gòn với quyết tâm viết cho được những tiểu thuyết và truyện lịch sử về những danh nhân quê gốc Nam Bộ. Ông làm biên tập ở Xưởng phim Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Biên tập viên tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Cả đời lao động sáng tạo nghệ thuật không mệt mỏi, ông chỉ đi bộ, và đặc biệt là ông chưa bao giờ được nhận một chức sắc nào trong guồng máy Nhà nước!
Tập thơ đầu tay của ông được xuất bản in chung với hai người khác mang tên Gió vào trận bão (Nxb Văn học, 1967), Kế đó là Ngựa ông đã về (Truyện, Nxb. Kim Đồng, 1978); Đuốc lá dừa (truyện, Nxb Măng non - Nxb Trẻ, 1981, 1994, 1995; Nxb Kim Đồng, 2002); Đầu gió ( truyện, Nxb Trẻ, 1986); Rồng đá chuyển mình (truyện, Nxb Đồng Nai, 1987; Nxb Kim Đồng 2002); Từ hương đến mật (thơ, Nxb Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1987); Dạ lan (thơ, Nxb Tác phẩm mới, 1989); Chim gọi nắng (truyện, Nxb Tiền Giang, 1989); Chuyện tình Dương Vân Nga (truyện, Nxb Thanh niên, 1990); Hương thơm và nọc độc (truyện, Nxb Long An, 1990); Chúa Chổm ba mươi sáu tàn vàng (tiểu thuyết, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1990); Sứ mệnh phù Lê (tiểu thuyết, Nxb Lao động, 1991); 99 ngọn (thơ, Nxb Văn học,1991); Trường ca Điện Biên, Tổ khúc Hà Nội (thơ, Nxb Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, 1995); Bùi Hữu Nghĩa, mối duyên vàng đá (truyện, Nxb Văn học, 1998; Nxb Kim Đồng, 2003); Có công mài sắt (truyện, Nxb Trẻ, 1996, 1998); Ỷ Lan phu nhân (truyện, Nxb Văn học, 1996; Nxb Kim Đồng, 2002); Nguyễn Thông- Vọng Mai Đình (truyện, Nxb Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, 2000); Tầng ngày (thơ, Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2001); Thư - Thơ (thơ, Nxb Trẻ, 2001); Chân dung văn học (tiểu luận - phê bình, Nxb Hội Nhà văn, 2001); Chân dung thơ (tiểu luận - phê bình, Nxb Hội Nhà văn, 2001); Tìm hoa quá bước (tiểu luận - phê bình, Nxb Văn học, 2001); Một trăm bài thơ Đường (dịch, Nxb Đồng Nai, 2001); 7 thế kỷ thơ tình Pháp (dịch, Nxb Đồng Nai, 2001); Tác gia kịch nói và kịch thơ (nghiên cứu - phê bình, Nxb Sân khấu, 2003); Gia Định tam gia (biên dịch chú giải, Nxb Đồng Nai, 2003).
Năm 1961, Hoài Anh được nhận Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho tác phẩm kịch Xe pháo mã. Giải thưởng Văn học Thiếu nhi 1981-1983 của Hội nhà văn Việt Nam cho truyện lịch sử Đuốc lá dừa. Tặng thưởng lý luận phê bình 2002-2003 của Hội nhà văn Việt Nam cho tác phẩm Chân dung văn học (hơn 1000 trang). Giải A về nghiên cứu phê bình 2003 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho tác phẩm Tác gia kịch nói và kịch thơ.
Tôi đọc thơ Hoài Anh in trong tập Gió vào trận bão thấy tứ thơ của ông lạ, ngôn từ giàu hình ảnh nhưng bình dị, cách diễn đạt - cho dù về những vấn đề hiện đại - vẫn mang âm hưởng dân gian. Ông viết về những người trai Hà Nội bỏ lại tất cả để đi kháng chiến, lao vào đạn bom khói lửa, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, mà nhẹ tựa lông hồng:
Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy
Ra phố mua một bao thuốc lá
Chín năm sau anh mới trở về nhà
Ta mang ba mươi sáu phố phường đi chiến đấu
Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô
Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến
Hoài Anh yêu Hà nội, suốt đời hướng về Hà Nội. Ông nói hộ khát vọng của biết bao nhiêu người muốn vươn tới những tầm cao, vươn tới hạnh phúc:
Làn mây trắng nhắc cánh buồm lồng lộng
Một con tem cũng gợi cả chân trời
Ôi bóng dừa và tiếng sóng
Lòng như tàu muốn vượt cạn ra khơi
Thơ tình của Hoài Anh có nét riêng, khá đặc sắc. Ông cảm xúc trước cảnh hai người yêu nhau tâm sự ở đâu đó trong vườn hoa, người không thấy, chỉ thấy hai chiếc xe đạp dựa vào nhau:
Tiếng gì sột soạt trong khe lá
Ước mơ vỗ cánh bay trên đầu…
Nắng ôm lưng cây nhảy giữa vườn hoa
Gió khoác tay lá dạo trên mặt đất
Không biết người ngồi đâu khuất…
Tình ca
Càng lớn tuổi, thơ tình của Hoài Anh càng đằm thắm, da diết:
Hồn xin làm đóa dạ lan
Lặng thầm dấu mặt trong làn hương bay
Dạ lan
Bài Cầu thang, Hoài Anh viết:
Cầu thang nhà em
Lên rất khó, xuống rất dễ
Nhưng với anh
Lên rất dễ, xuống rất khó
Lên: Lồng ngực lao về phía trước
Xuống: Trái tim rớt lại đằng sau.
Viết về tình yêu, sự si mê, về nỗi đau mất mát như thế thì thật ngộ nghĩnh, độc đáo và sâu sắc! Cầu thang của Hoài Anh viết từ những năm đất nước còn chìm đắm trong nỗi khốn khó tứ bề của cơ chế hành chính quan liêu bao cấp. Giữa Sài Gòn hòn ngọc Viễn đông mà thiếu gạo ăn, nhà văn viết trong ánh đèn dầu! Các chung cư cao tầng bị cúp điện, thang máy ngưng hoạt động, người ta phải leo thang bộ mà lên, khi gặp người yêu, trái tim đập gấp như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực! Đọc Cầu thang, hình ảnh lồng ngực lao lên phía trước, trái tim rớt lại đằng sau… tôi chợt nhớ đến bài thơ thất tình, mà tôi nghĩ là hay nhất trong các bài thơ thất tình, của Chế Lan Viên:
Người mang lại ái tình không ở cùng tôi nữa
Nhưng hương em còn quấn mỗi câu thơ
Trời xanh của sông Hàn nay đã vỡ
Mỗi câu thơ là một mảnh trời xưa!
Những mảnh trời xanh (Toàn tập Chế Lan Viên, NXB Văn học, 2004).
II- Hoài Anh nói: “Thể loại mà tôi thích nhất là thơ… Thể loại tôi thích thứ hai là tiểu thuyết và truyện Lịch sử”. Từ năm 2004 trở về trước, Hoài Anh sống cô độc trong căn phòng ở tít lầu 6, chung cư 190 Nam Kỳ Khởi nghĩa. Ông ăn uống kham khổ, được chăng hay chớ. Ông quá say mê viết lách cho nên nơi ở khá luộm thuộm, sách vở, tài liệu chồng chất… Một  lần đến chơi, tôi hỏi ông về cuốn Đuốc lá dừa. Đây là tác phẩm ông viết tại nhà tôi. Lúc đó tôi có một mình, được cấp hai phòng gần sáu chục mét vuông ở lầu 8, chung cư 727 Trần Hưng Đạo, Quận 5 (trước 1975 gọi là President). Năm 1980, khi vợ chồng ông cơm không lành canh không ngọt, ông phải ôm máy đánh chữ (Hoài Anh chỉ viết bằng máy chữ, đến nay vẫn không biết dùng computer) chạy lên President tá túc tại nhà bạn bè. Ông lên đó được vài ngày thì chuyển sang trụ lại ở nhà tôi gần một tháng. Ban ngày tôi đi làm, ông ở nhà gõ máy chữ. Chiều, tôi về, ông bắt đầu nói. Ông không có nhu cầu gì ngoài việc được nói và lắng nghe ông nói! Ông cứ nói trong khi tôi vừa nấu cơm, giặt giũ, lau nhà… Lúc ăn, ông nói hăng hơn. Thậm chí, khi tôi vào toilet, ông đứng ngoài nói chõ vào qua cánh cửa. Với Hoài Anh, nói tức là đang sáng tác. Ông nói từ chương đầu tiên đến chương cuối cùng là gần một tháng. Kém một ngày là một tháng. Hôm ông đánh vô máy xong trang bản thảo cuối cùng của Đuốc lá dừa, đưa cho tôi đọc, giọng rưng rưng: Tôi vừa làm xong cái việc ghi lại những điều đã thôi thúc trong tim, cũng là những điều đã nói cho ông nghe suốt bốn tuần qua!
Về Đuốc lá dừa,  Hoài Anh kể rằng năm 1981, sau khi viết xong ở President, ông đưa cho người của một nhà xuất bản. Mấy tháng sau, anh ta trả lời là không may bị kẻ cắp lấy mất túi xách, trong đó có bản thảo Đuốc lá dừa! Hoài Anh chết lặng, vì không còn bản lưu. Thời đó giấy hiếm lắm. Đánh máy mà Hoài Anh không có tiền mua giấy, chỉ đánh có một bản. Thế là đành phải viết lại. May mà ông có trí nhớ hơi bị siêu phàm, cho nên chỉ trong hai tuần lễ, ông đánh máy xong tiểu thuyết Đuốc lá dừa, để rồi được Nxb Măng Non và sau là Nxb Trẻ in nhiều lần: 1981, 1994, 1995; Nxb Kim Đồng in năm 2002. Đuốc lá dừa được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng văn học viết cho thiếu nhi 1981-1983. Tác phẩm cũng long đong y hệt như tác giả, nhưng may mà… tiền hung hậu cát!
Tôi hỏi ông đã viết bao nhiêu tác phẩm về đề tài lịch sử? Hoài Anh chỉ vào đống bản thảo đầy bụi ở gầm giường. Tôi moi ra hơn hai chục bản thảo, có cái in nhiều lần, và nhiều bản thảo viết lâu rồi, giấy đánh máy đã ố vàng nhưng chưa hề xuất bản. Tôi ngỏ ý tuyển chọn để xuất bản Tuyển tập truyện lịch sử. Ông vui vẻ nói: Thế là Châu về Hợp phố rồi!
Ngoại trừ nhu cầu được nói trước khi đánh máy chữ, Hoài Anh là người sống khiêm nhường và lặng thầm! Trong cuộc đời lao động đầy gian truân, khổ ải, ông luôn có ý thức không bao giờ lặp lại, luôn tự làm mới mình, một cách lặng lẽ, y hệt như ông đã và đang lặng lẽ đi bộ mỗi khi cần di chuyển. Đời sống hàng ngày thì thế, nhưng văn chương của ông, số phận những nhân vật trong tiểu thuyết và truyện lịch sử của ông thì không lặng lẽ chút nào! Nó năng động, hiển hiện cứ y như là cuộc đời thực trong lịch sử đầy bão táp, lửa đạn máu và nước mắt của dân tộc!
Tuyển tập truyện lịch sử của Hoài Anh gồm mười sáu tựa sách, trong đó có ba tập truyện, còn lại là tiểu thuyết (1):   
1- MÊ LINH TỤ NGHĨA
Tác giả miêu tả cuộc đời đầy ngang trái éo le của những phụ nữ tài sắc, không chịu khuất phục trước quân xâm lược nhà Hán, đã  tụ nghĩa ở Mê Linh, rửa thù nhà đền nợ nước. Hoài Anh tái hiện hiện thực và thế thái nhân tình những năm đầu thế kỷ thứ Nhất của nước ta. Tác giả khắc họa thân phận những người phụ nữ như Phương Dung, Thiều Hoa, Thiên Thanh (sau là Thánh Thiên), Thục Nương (sau là Bát Nàn), Lê Chân, Đào Kỳ, Đông Bảng… cùng các nghĩa sỹ khác, dưới ách đô hộ nhà Hán trước khi đến Mê Linh tụ nghĩa với nàng Chắc. Nàng Chắc và em là nàng Nhì, có cha là Hùng Định, lạc tướng Mê Linh. Hùng Định bị tên thái thú Tích Quang ép buộc phải bắt dân Lạc Việt tuân theo phong tục, thể chế nhà Hán. Hùng Định không chịu, cuối cùng sinh bệnh, qua đời. Chồng nàng Chắc là Thi Sách, lạc tướng Chu Diên, khuyên thái thú Tô Định không nên áp bức bóc lột nặng nề dân Lạc Việt. Thi Sách bị Tô Định giết. Thù nhà, nợ nước, nàng Chắc, nàng Nhì phất cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, được nghĩa sĩ và dân chúng bốn phương hưởng ứng đã lật đổ chế độ đô hộ của nhà Hán, giành lại nền tự chủ cho đất nước.
Viết về Hai Bà Trưng, Hoài Anh không tùy tiện hư cấu mà dựa vào thần tích các làng thờ Hai Bà Trưng, các nữ tướng của Hai Bà. Trên cơ sở đó tái hiện bộ mặt lịch sử thời kỳ đầu Công nguyên. Tác giả nghiên cứu, đối chiếu lịch sử Việt Nam, lịch sử Trung Quốc về những thành tựu khảo cổ học về thời kỳ Hùng Vương. Ông còn tham khảo công trình nghiên cứu sử học Việt Nam của học giả Mỹ: Stephen O’ Harrow. Hoài Anh tung ra những chi tiết sinh động về sinh hoạt, phong tục, tập quán tín ngưỡng tinh thần thời Hai Bà Trưng, nêu bật sự đối tỷ giữa văn minh Lạc Việt và văn minh Hán. Tác giả lên án mưu đồ đồng hóa dân tộc Lạc Việt để mở đường bành trướng xuống các nước phương Nam của đế chế nhà Hán, tiêu biểu là là nhân vật Hán Quang Vũ.
Núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ và mộ Vua Hùng. Theo truyền thuyết, 99 con voi quay đầu về phương Nam, chỉ có một con quay về phương Bắc. Vua Hùng rút gươm chém đầu con voi bất nghĩa đó. Di tích là ngọn Bất Nghĩa Sơn bị sạt mất một góc. Nhân dân ta đời đời trung thành với đất nước, kẻ nào phản bội Tổ quốc sẽ bị trừng trị đích đáng. Về nghệ thuật, tc giả học tập lối viết truyện của Walter Scott (Anh), Alexandre Dumas cha (Pháp) và Kim Dung (Trung Quốc) để tăng thêm tính hấp dẫn cho tiểu thuyết lịch sử. Tác giả tránh dùng những chi tiết huyền hoặc, phi lý. Ông luôn tôn trọng cứ liệu lịch sử.   
2- TẤM LONG BÀO
Dương Vân Nga là cháu, gọi Dương Như Ngọc - vợ Ngô Quyền bằng cô ruột, được Ngô Quyền nuôi ở trong cung. Ngô Quyền mất, em vợ là Dương Tam Kha cướp ngôi của cháu là Xương Ngập. Ngô Xương Văn trừ được Dương Tam Kha, lên ngôi vua là Nam Tấn Vương. Nam Tấn Vương đem quân đi đánh Đinh Bộ Lĩnh. Thấy Bộ Lĩnh là người có chính nghĩa, vì dân vì nước, Dương Vân Nga ủng hộ Đinh Bộ Lĩnh nên bị Nam Tấn Vương giam vào lãnh cung. Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong các sứ quân, thống nhất đất nước, lên làm vua, lập Dương Vân Nga làm hoàng hậu. Nhà Tống chỉ phong Đinh Bộ Lĩnh là Giao Chỉ Quận vương. Dương Vân Nga đã vận động dân chúng may tấm long bào cho Đinh Bộ Lĩnh bằng tơ lụa dệt trong nước. Khi Đinh Bộ Lĩnh bị giết, con nhỏ là Đinh Tuệ lên nối ngôi. Quân Tống sang xâm lược nước ta. Biết Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là người có đủ tài lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lược, Dương Vân Nga đã khoác tấm long bào lên mình Lê Hoàn để ông ra chiến trường đánh giặc cứu nước.
Tác giả khéo tay khi viết về Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, đã  thông qua nhân vật xuyên suốt lịch sử thời đại này là Thái hậu Dương Vân Nga. Bà Thái hậu hiểu được tình thế mất còn của dân tộc, nguyện vọng dân chúng cần một người tài năng, trí tuệ hơn người để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Vì thế bà đã chủ động khoác áo long bào (áo rồng), biểu tượng của nhà vua, lên mình Lê Hoàn. Bào rồng cũng là áo trận. Dương Vân Nga đã thay mặt toàn dân trao sứ mệnh chống giặc cứu nước cho người hiền tài.  
Tác phẩm góp phần minh định về nhân vật Nguyễn Bặc không hề dính líu gì đến quân xâm lược Tống. Nguyễn Bặc chỉ vì trung nghĩa với triều Đinh nên chống lại Lê Hoàn. Đây chỉ là mâu thuẫn nội bộ, không phải là mâu thuẫn ta-địch. Lê Hoàn đánh dẹp Nguyễn Bặc nhưng vẫn dùng con trai Bặc là Nguyễn Đê làm tướng. Sau, Nguyễn Đê trở thành một vị tướng quan trọng ngang với Lý Công Uẩn.  
3- NHƯ NGUYỆT
Ỷ Lan là một thôn nữ hái dâu, được vua Thần Vũ, tức Lý Thánh Tông đưa về cung, phong làm Nguyên Phi. Nàng đã dốc lòng trị nước an dân. Vua Thần Vũ mất, con là Càn Đức lên  nối ngôi còn nhỏ dại. Hoàng hậu Thượng Dương được Thái sư Lý Đạo Thành ủng hộ, tôn làm Nhiếp chính. Thượng Dương nghe lời xúi giục của bọn tay sai gián điệp nhà Tống, sai người dâng biểu xin thần phục nhà Tống. Phò mã Thân Cảnh Phúc, chồng của công chúa Động Thiên, trấn ở biên giới, bắt được người mang biểu sang nhà Tống, đem nộp cho Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt cùng các đại thần tâu vua. Vua bắt Thượng Dương giam lại, giáng chức Lý Đạo Thành, đầy đi Nghệ An; tôn Ỷ Lan lên làm Nhiếp chính, tức Linh Nhân Hoàng thái hậu. Lý Thường Kiệt dẹp bỏ hiềm riêng, đã xin Linh Nhân cho đón Lý Đạo Thành về kinh lo việc nội trị cho ông yên lòng đi đánh quân Tống xâm lược. Sau khi chiến thắng ngoại xâm, âm mưu của Thượng Dương vu cáo hãm hại Ỷ Lan được công chúa Động Thiên tố giác. Mọi chuyện mờ ám xung quanh cái chết của vua Thần Vũ được sáng tỏ.
Hoài Anh xây dựng thành công nhân vật Lý Thường Kiệt, anh hùng dân tộc. Xuất phát từ tư tưởng Tam giáo đồng tôn, Lý Thường Kiệt chủ trương đoàn kết toàn dân để tạo sức mạnh chống ngoại xâm. Lý Thường Kiệt sử dụng những người có chính kiến khác như Lý Đạo Thành và trọng dụng con trai Lý Đạo Thành là Lý Kế Nguyên. Hình ảnh Ỷ Lan thật đẹp. Như Nguyệt tượng trưng cho tấm lòng của Ỷ Lan với Lý Thánh Tông. Đây là sự sắt son chung thủy, nhưng không tiêu cực như chuyện cũ trong thơ Đường xưa:
Tự quân chi xuất hĩ
Bất phục lý tàn ky
Tư quân như nguyệt mãn
Dạ dạ giảm thanh huy
Thơ của Trương Cửu Linh, đời Đường
Từ chàng cất bước ra đi
Việc canh cửi chẳng thiết gì mó tay
Nhớ chàng như mặt trăng đầy
Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm
Ngô Tất Tố dịch

Chú thích:
(1) Tuyển tập Truyện lịch sử của Hoài Anh lẽ ra được in thành 2 tập khổ lớn: 16 x 24 cm, mỗi tập 1000 trang. Nhưng, để phù hợp túi tiền của bạn đọc, nhất là giới trẻ, chúng tôi in thành 16 quyển, mỗi quyển đều in Lời tựa có tóm tắt nội dung của những tác phẩm trong toàn tập. Bạn đọc có thể mua một vài quyển hoặc mua trọn bộ, tùy ý.
Sau khi Lý Thánh Tông băng, Ỷ Lan vẫn lo đảm đương việc nước như khi chồng còn sống. Như Nguyệt cũng là tên con sông, phòng tuyến chống quân Tống. Bài Nam quốc sơn hà Nam đế cư của Lý Thường Kiệt đã được ông từ coi đền thờ Trương Hống, Trương Hát ngâm lên trong đêm để động viên quân sĩ. Thời đó, mọi người tin là thơ của thần linh, ý chí của thần linh! Từ đó tăng thêm lòng tin tưởng, dốc lòng dốc sức tiêu diệt quân thù.
4- HƯNG ĐẠO VƯƠNG VÀ NHỮNG TRUYỆN KHÁC
Quân Nguyên sang đánh nước ta lần thứ hai, thấy thế địch mạnh, Hưng Đạo Vương rút quân về Vạn Kiếp củng cố lực lượng. Giặc tiến đánh Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương lại đưa Thái Thượng hoàng và vua Trùng Hưng (tức Nhân Tông) rút về Thanh Hoa. Tại Thanh Hoa, Hưng Đạo Vương đứng hầu hai vua thường mang cây gậy đầu bịt mũi sắt nhọn để tiện leo núi. Thấy có người nghi ngờ là Hưng Đạo Vương có thể hại vua để trả mối thù của cha là Trần Liễu, giành lại ngôi vua về tay ngành trưởng, Hưng Đạo Vương đã rút mũi sắt nhọn để dẹp mối nghi ngờ. Việc làm đó cổ vũ mọi người, dồn tất cả ý chí và sức lực vào tiêu diệt quân giặc. Hưng Đạo Vương tổ chức phản công giải phóng kinh đô Thăng Long, đuổi sạch quân xâm lược, non sông vững tựa âu vàng.
Sau truyện Hưng Đạo Vương là các truyện khác, khắc họa sinh động những anh hùng dân tộc, danh nhân đất Việt: Phùng Hưng, Nguyễn Thuyên, Thái Thuận, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Cầu, Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Hoàng Diệu, Cao Thắng, Quản Hớn, Đội Nhân (Hà Thành đầu độc)… Cuối cùng là truyện Phố Sử viết về 12 ngày đêm chiến thắng B 52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Hoài Anh tỏ ra rất lành nghề khi viết tiểu thuyết, sắc sảo khi làm truyện ngắn. Tác giả khắc họa tính cách của từng nhân vật tập trung vào những khoảnh khắc của lịch sử mà nhân vật phải lựa chọn cách suy nghĩ, hành động để trở thành người chính nghĩa, hữu ích cho dân tộc, có công với dân với nước. Ông khai triển chất liệu sử thi, chất thơ, chất triết lý. Hình ảnh dòng sông Lục Đầu đầy nghĩa biểu trưng. Sáu con sông gặp nhau tại Vạn Kiếp, thái ấp của Trần Hưng Đạo, là nơi đầu gió, đương đầu với sức mạnh của quân xâm lược từ phương Bắc tràn tới. Như câu tục ngữ: Có cứng mới đứng đầu gió. Trong tập truyện này còn những truyện về danh nhân khác là tấm gương phấn đấu, tìm tòi phát minh như Cao Thắng chế vũ khí chống Pháp, có công mài sắt có ngày nên kim.  
Thời Trần là thời đại oanh liệt của lịch sử nước ta. Vì sao Hoài Anh không viết tiểu thuyết về đời Trần? Đời Trần, người trong họ lấy lẫn nhau, nay tái hiện thời ấy, ắt không thể né tránh vấn đề luân lý! Tác giả cho rằng rất khó thể hiện trong tiểu thuyết nhũng nhân vật như: Trần Thị Dung là chị con nhà bác lấy em là Trần Thủ Độ. Trần Hưng Đạo lấy Thiên Thành công chúa là cháu lấy cô ruột. Trinh quận chúa con gái Trần Hưng Đạo lấy Trần Nhân Tông là chị con nhà bác lấy em. Trần Thủ Độ bắt Trần Cảnh phải lấy Thuận Thiên công chúa khi đó đã có mang với Trần Liễu, đẻ ra con là Trần Quốc Khang, nhưng sau đó lại không được lập làm vua mà lập con ruột là Trần Hoảng (tức Trần Thánh Tông). Sau này con Trần Quốc Khang là Trần Kiện đã theo giặc Nguyên. Trần Ích Tắc, con thứ tư Trần Cảnh cũng đi theo giặc Nguyên (có lẽ vì tranh giành ngôi vua). Mẹ Trần Hưng Đạo là ai, chính sử cũng không chép! Trong khi đó nhà Trần không sử dụng Nguyễn Phi Khanh chỉ vì Phi Khanh lấy con gái hoàng tộc, con gái Trần Nguyên Đán. Hồ Quý Ly lập Hồ Hán Thương mà không lập Hồ Nguyên Trừng chỉ vì Hồ Hán Thương là cháu ngoại của vua Trần… Những chuyện thật của lịch sử như thế đều rất khó viết. Bởi khi viết tiểu thuyết lịch sử, dù có hư cấu thế nào chăng nữa thì cũng phải trung thành với sự thật lịch sử chứ không thể xuyên tạc lịch sử!  
5- NGỰA ÔNG ĐÃ VỀ
Tác phẩm rất hấp dẫn, gồm những mẩu truyện về Lê Lợi từ khi khởi nghĩa ở Lam Sơn, tạm rút về Chí Linh, cho đến khi phát triển vào Nghệ An rồi đem quân ra Bắc, dựng trại ở bến Bồ Đề, đánh thành Đông Quan, được nhân dân hưởng ứng. “Nhong nhong ngựa Ông đã về. Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa Ông ăn”. Nhờ Nguyễn Trãi giúp mưu, đánh vào lòng người, và chặn đánh viện binh của giặc kéo sang, cuối cùng giải phóng Đông Quan (Thăng Long): “Non sông muôn dặm lấy lại, Chợ búa Đông Đô chẳng thay”, đuổi quân Minh về nước, “rửa sạch nỗi hổ thẹn nghìn thu. Mang lại nền thái bình muôn thuở”. Cũng giống như Hưng Đạo Vương, đưa Lê Lợi vào tiểu thuyết sẽ gặp rất nhiều vấn đề lịch sử rất khó xử lý! Còn nhớ sau khi tác phẩm Ngựa Ông đã về ra đời, năm 1979 có người chê Hoài Anh: Tại sao nhân vật Lê Lợi hay như vậy, thời Khởi nghĩa Lam Sơn hào hùng như vậy mà không viết tiểu thuyết, lại đi viết mẩu chuyện ngắn? Chê như thế là chưa hiểu hết nghề viết tiểu thuyết, là chưa cận nhân tình! Lê Lợi là anh hùng dân tộc, là nhân vật lịch sử quá nổi tiếng, không thể tùy tiện hư cấu. Ông có những mối quan hệ phức tạp. Thí dụ như mối quan hệ của ông với ba bà vợ, với hai con Tư Tề và Nguyên Long, không chỉ phức tạp mà nhiều khi mang màu sắc huyền thoại: Việc bà Phạm Thị Trần bị ném xuống sông dâng cho Thần Sông. Mối quan hệ của Lê Lợi với những người khai quốc công thần như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, đầy bi kịch, cũng không dễ giải thích và tái hiện. Hoài Anh thật khôn ngoan chọn phương thức viết những mẩu chuyện xung quanh nhân vật Lê Lợi. Theo cách này, ông có dư đất dụng võ! Mỗi chuyện trong Ngựa Ông đã  về giống như một truyện ngắn mini, có thể độc lập, nhưng đứng kế tiếp nhau thì thành một tập truyện liên hoàn. Xưa, M. Gorki viết Những mẩu chuyện nước Ý cũng theo phương cách này.
6- ĐẤT THANG MỘC I: CHÚA CHỔM
Công cuộc trung hưng nhà Lê được thể hiện qua hình ảnh tượng trưng: Đất thang mộc. Nghĩa đen là đất tắm gội của vua khi tế trời đất, thần linh, xã tắc và tổ tiên. Nghĩa bóng là nơi phát tích của một triều đại. Đất phát tích của nhà Lê là Lam Sơn, của Chúa Trịnh: Sóc Sơn, của Chúa Nguyễn: Gia Miêu, đều thuộc tỉnh Thanh Hóa. Thanh Hóa được coi là đất Thang mộc, cũng là hậu bị chiến lược của quân đội ta. Tiểu thuyết Đất Thang Mộc chia làm hai phần:
Phần I, viết về Chúa Chổm, tức vua Lê Trang Tông. Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Trung thần nhà Lê là Hữu điện tiền đô chỉ huy sứ An Thành hầu Nguyễn Kim lánh sang Ai Lao dấy binh khôi phục nhà Lê. Ông tìm con cháu nhà Lê là Lê Ninh, tức Chúa Chổm, con vua Chiêu Tông, về lập làm vua, tức vua Nguyên Hòa, sau là Lê Trang Tông. Nguyễn Kim tiến hành công cuộc diệt Mạc phù Lê, nêu rõ chính thống. Được Trịnh Kiểm, Vũ Sư Thước và các tướng giúp đỡ, Nguyễn Kim đem quân về đóng ở Thanh Hoa, đánh nhau với quân Mạc. Khi tiến quân ra Yên Mô (nay thuộc Ninh Bình), Nguyễn Kim bị hàng tướng Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết. Dù bị Trịnh Kiểm nghi ngờ, chèn ép, Vũ Sư Thước vẫn ủng hộ Trịnh Kiểm lên làm người đứng đầu quân đội, đồng lòng phù Lê diệt Mạc.
7- ĐẤT THANG MỘC II: SỨ MỆNH PHÙ LÊ
Phần II của Đất thang mộc mang tên: Sứ mệnh phù Lê. Sau khi Nguyễn Kim, Lê Trang Tông qua đời, những người còn lại vẫn kiên trì sự nghiệp diệt Mạc phù Lê, trung hưng nhà Lê. Vua Nguyên Hòa mất, con lên nối ngôi là vua Thuận Bình, sau là Lê Trung Tông. Thuận Bình mất sớm, Trịnh Kiểm lập Duy Bang, dòng dõi Lê Trừ, anh Lê Thái Tổ lên làm vua, tức là vua Chính Trị, sau là Lê Anh Tông. Trịnh Kiểm mất, con là Trịnh Tùng lên thay, lại giết vua Chính Trị, lập vua Gia Thái lên ngôi, sau là Lê Thế Tông. Trịnh Tùng mang quân về Thăng Long diệt được nhà Mạc. Vũ Sư Thước hy sinh nhưng con là Vũ Trần Phúc vẫn đi tiếp con đường của cha hoàn thành sự nghiệp phù Lê. Mẹ Vũ Trần Phúc là công chúa Ngọc Lan, con gái Mạc Đăng Doanh, vì cứu Vũ Sư Thước nên bị vua Mạc khoét mắt, phải đi làm nghề hát rong nuôi thân, cuối cùng vào núi Yên Tử trút xác. Vũ Trần Phúc có ý định theo Nguyễn Hoàng vào mở mang vùng đất mới phía Nam…
Những tác phẩm viết theo đề tài phế lập trong văn học ta đã xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ trước. Thế nhưng những tác phẩm thời đó theo kết cấu chương hồi, thuật chuyện là chính, tâm trạng nhân vật thường rất sơ lược, tác giả tùy tiện khi hư cấu, khi sử dụng sử liệu. Đọc tiểu thuyết Đất Thang mộc mới thấy Hoài Anh rất tài hoa trong việc miêu tả và xử lý những tình huống, sự kiện lịch sử.   
8- LỜI THỀ LỬA
Thời kỳ vua Lê chúa Trịnh có lẽ là thời bi hài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam buổi thoái trào. Họ Trịnh chuyên quyền ngày càng hiếp bức vua Lê. Vua Lê chỉ còn là bù nhìn. Đến đời Trịnh Giang, lại càng lộng hành, bỏ vua này lập vua khác. Trịnh Giang già tay bóc lột nhân dân, ăn chơi xa xỉ, xây cất nhiều cung quán chùa chiền phủ đệ khắp nơi, bắt dân chúng phục dịch vất vả. Hoàng tử Lê Duy Mật, con vua Dụ Tông đứng lên phát động cuộc khởi nghĩa nông dân ở Sơn Tây, sau đó rút về Thanh Hoa, lập căn cứ ở Trấn Ninh chống nhau với Trịnh ròng rã suốt ba mươi năm. Cuối cùng, bị con rể là Lại Thế Thiều phản bội, mở cửa cho quân Trịnh lọt vào thành, nghĩa quân tan vỡ. Lê Duy Mật nhảy vào lửa tự thiêu để vẹn lời thề với dân với nước.
Trấn Ninh cũng là căn cứ đầu tiên của Nguyễn Kim khi khởi nghĩa diệt Mạc phù Lê. Trấn Ninh giáp Lào. Những nghĩa sĩ Việt Nam đã được nhân dân Lào ủng hộ. Tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Lào Việt có từ lâu đời. Hoài Anh đã nhấn mạnh tính nhân dân trong cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật. Duy Mật không chỉ vì quyền lợi hoàng tộc mà còn cứu vớt nhân dân khỏi sự áp bức bóc lột tàn bạo của chính quyền Trịnh Giang.
9- MƯU SĨ CỦA QUANG TRUNG: TRẦN VĂN KỶ
Tiểu thuyết có nhân vật chính là Trần Văn Kỷ, nhưng tác phẩm đã làm sống lại cả một thời đại lẫy lừng trong lịch sử dân tộc: Thời đại Quang Trung. Kỷ là nho sĩ ở Thuận Hóa, từ chối không ra thi với chúa Nguyễn. Khi chúa Trịnh mang quân vào đánh Thuận Hóa, Kỷ cho rằng chúa Trịnh khá hơn chúa Nguyễn nên ra thi với chúa Trịnh, đỗ Giải nguyên. Khi ra Thăng Long chuẩn bị dự kỳ thi Hội, Kỷ mới hiểu ra chúa Trịnh cũng áp bức bóc lột dân chẳng khác gì chúa Nguyễn nên đã hưởng ứng phong trào nghĩa quân Tây Sơn diệt cả Nguyễn và Trịnh. Nguyễn Huệ phong Kỷ làm Trung thư phụng chính Kỷ thiện hầu. Kỷ đã tiến cử cho Nguyễn Huệ những nhân tài Bắc Hà như: Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp… Sau đó lại giúp mưu cho Quang Trung đánh quân Thanh xâm lược. Sau ngày đại thắng, Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm… đã giúp Quang Trung trong việc xây dựng lại đất nước như lời chiếu: “Nay Trẫm cùng dân đổi mới, đưa trăm họ lên đài xuân”…
Cũng như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, nhân vật Nguyễn Huệ rất khó đưa vào tiểu thuyết lịch sử bởi nhiều mối quan hệ phức tạp: Quan hệ của Nguyễn Huệ với Nguyễn Nhạc khi vợ Nguyễn Huệ bị Nhạc thông dâm, để rồi anh em ruột mang quân đánh giết nhau! Mối quan hệ của Nguyễn Huệ với Bùi Đắc Tuyên là em trai bà vợ cả họ Phạm, mẹ của Nguyễn Quang Toản. Mối quan hệ của ông với Nguyễn Quang Thùy, con bà vợ lẽ, không được lập làm Thái tử mặc dù lớn tuổi hơn Toản và có tài hơn. Mối quan hệ với Ngọc Hân và các con bà; Hay là việc ông cầu hôn công chúa con vua Càn Long… Có phải tác giả né tránh những chuyện phức tạp, uẩn khúc trong cuộc đời thật của các danh nhân để giữ vẻ đẹp muôn đời cho các anh hùng dân tộc đã trở thành thần tượng chăng?  
Tác giả thông minh khi chọn một sĩ phu Nam hà là Trần Văn Kỷ làm nhân vật chính. Trần Văn Kỷ có quan hệ với các sĩ phu Bắc hà như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Ninh Tốn, Nguyễn Thiếp… Qua đó Hoài Anh khéo thể hiện sự anh minh, biết dùng nhân tài của Nguyễn Huệ, cũng như kế hoạch hành binh thần tốc của ông. Tác phẩm khắc họa thành công nhiều gương mặt không phải ai cũng đã biết là những tướng lĩnh quê Đàng trong, đặc biệt là đất võ Bình Định.
10- VUA MINH MẠNG
Có một thời kỳ, khi viết sử và giảng sử, chúng ta đánh giá về Nhà Nguyễn chưa công bằng, chưa khách quan, khoa học. Hoài Anh trong tác phẩm này đề cao vua Minh Mạng là người tư chất thông minh, hiếu học, ham hiểu biết. Nhà vua rất quan tâm học hành, khoa cử, tuyển chọn nhân tài. Trong việc dùng người, Minh Mạng đặc biệt chú ý đến học thức. Ngay sau khi lên ngôi, nhà vua củng cố và hoàn thiện bộ máy quản lý đất nước. Năm Tân Mão, 1831, Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính trên quy mô lớn, chia cả nước làm ba mươi mốt tỉnh. Từ đây, tỉnh là đơn vị hành chính thống nhất trong cả nước, có cương vực và địa hình khá hợp lý.
Minh Mạng thiết lập được chế độ trung ương tập quyền ở Việt Nam, hạn chế quyền hành các thế lực địa phương. Thời Minh Mạng, đất nước ta rộng nhất. Các nước Ai Lao, Chân Lạp đều quy phục. Người Xiêm cũng không dám gây hấn. Các thể chế luật pháp, được xây dựng quy mô. Có thể gọi Minh Mạng là kiến trúc sư của nước Đại Nam, tượng trưng cho chủ quyền dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ. Hoài Anh dùng hình tượng Cửu đỉnh để nói lên thế vững mạnh của nước ta thời đó. Tác phẩm thể hiện xung khắc giữa tư tưởng pháp trị và tư tưởng nhân đạo; ca ngợi những nhân vật ủng hộ đường lối chính sách của Minh Mạng như Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương; phê phán những nhân vật chống lại chính sách đó như Lê Chất… Riêng với Lê Văn Duyệt, tác giả có sự đánh giá đúng mức, sức thuyết phục cao.
Tiểu thuyết Vua Minh Mạng vạch rõ âm mưu của vua Louis XVIII, De Richelieu… sử dụng Chaigneau và các thừa sai, linh mục Gia tô giáo làm tay trong để xâm lược nước ta. Tác giả khai thác những  tài liệu của Pháp để làm chất liệu tiểu thuyết. Có không ít người xưa nay đổ lỗi cho Minh Mạng vì chủ trương bế quan tỏa cảng và cấm đạo, cho nên Pháp đánh Việt Nam! Không thể đổ lỗi như vậy. Minh Mạng vâng theo lời vua Gia Long, cảnh giác với âm mưu xâm lược của Pháp, cảnh giác với những kẻ đội lốt tôn giáo, chứ không chống tất cả các nước ngoài muốn giao thương, giao hảo. Bằng chứng là Minh Mạng đã từng đồng ý tiếp sứ thần Hoa Kỳ. Thế nhưng do sứ thần Mỹ chưa theo đúng thể thức ngoại giao của ta nên cuộc đàm phán giao thương không thành. Lần thứ hai, sứ thần Hoa Kỳ vừa cập bến, chưa kịp mở hội nghị giao thương thì sứ thần đột ngột lâm bệnh rồi chết. Vì thế hiệp ước thông thương với Mỹ đã không được ký kết. Đó là một trớ trêu của lịch sử!  
11- ĐUỐC LÁ DỪA
Tiểu thuyết Đuốc lá dừa viết về Nguyễn Đình Chiểu. Qua tiểu thuyết này Hoài Anh ca ngợi tâm hồn, nghĩa khí của người dân Nam Bộ đối diện với bọn xâm lược Pháp. Tiểu thuyết rất thành công với những trang miêu tả về thiên nhiên và con người miệt vườn. Nguyễn Đình Chiểu sinh ở làng Tân Thới huyện Bình Dương phủ Tân Bình tỉnh Gia Định. Năm 1843, đỗ tú tài ở Gia Định. 25 tuổi, ông ra Huế học tập chờ khoa thi Hội. Nhưng chưa kịp thi thì được tin mẹ mất. Trên đường trở về chịu tang mẹ, vì khóc thương và vì thời tiết nóng bức, ông bị mù. Năm 1859, Gia Định bị giặc Pháp chiếm, nhà thơ phải về Cần Giuộc. Năm 1861, Pháp đánh chiếm Cần Giuộc, ông phải tị địa sang Ba Tri tỉnh Bến Tre. Ông mở trường dạy học và làm thuốc, làm thơ văn kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp. Các tác phẩm hừng hực tinh thần chống Pháp của ông như: Chạy Tây, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, văn tế và thơ điếu Trương Định, thơ điếu Phan Tòng, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh… Thực dân Pháp và tay sai tìm mọi cách mua chuộc dụ dỗ nhưng ông dứt khoát từ chối. Năm 1888, đau buồn vì cảnh Huế thất thủ, vua Hàm Nghi bị bắt, ông lâm bệnh trầm trọng, qua đời ở Ba Tri. Thông qua hình tượng Nguyễn Đình Chiểu, Hoài Anh khái quát phong trào chống Pháp của nhân dân Nam Kỳ. Cây dừa và hình ảnh ngọn đuốc lá dừa từ Trương Định được truyền sang tay Võ Duy Dương, Nguyễn Tấn Kiều… tượng trưng cho tinh thần xả thân chống Pháp vì độc lập Tổ quốc.   
12- CHIẾN LŨY THÁP MƯỜI
Ngọn đuốc lá dừa truyền từ tay Trương Định qua Thiên Hộ Võ Duy Dương, Đốc Binh Kiều, rồi đến Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Phan Ngọc Tòng, Trương Quyền, Phan Tôn, Phan Liêm, Lê Tấn Kế rồi Phan Văn Hớn… Triều đình Huế đầu hàng giặc nhưng nhân dân Nam Kỳ đồng lòng bất khuất. Thiên Hộ Dương lập chiến khu ở Đồng Tháp Mười, đánh cho giặc Pháp nhiều trận thất điên bát đảo. Sau khi tên phản bội Phạm Công Khanh dẫn dường cho Pháp đánh đồn Tiền, nghĩa quân phải tạm rút lui. Thiên hộ Dương giao binh quyền cho đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, tung tin là ông ra Huế xin quân cứu viện, nhưng kỳ thực là ông đi liên lạc với các đám nghĩa quân ở khắp nơi, huấn luyện những hàng binh Âu Phi, trong đó có người Pháp Linguet và những người lính Tagals gồm người Angiêri, Marốc, Tuynidi… Cuối cùng ông mang đội quân chí nguyện đó phối hợp cùng đại quân thình lình xuất hiện, đánh đồn giặc ở Cần Lố, tiêu diệt quân Pháp và bọn tay sai phản bội, mở thông con đường tiếp tế lương thực vũ khí cho căn cứ trung tâm Đồng Tháp. Hoài Anh là người rất yêu thiên nhiên và con người Nam Bộ. Tiểu thuyết Chiến lũy Tháp Mười chứng tỏ điều đó.
13- RỒNG ĐÁ CHUYỂN MÌNH
Tiểu thuyết Rồng đá chuyển mình là thiên hùng ca về cuộc chiến đấu của nhân dân Hà Nội kháng Pháp dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tri Phương. Đề tài Hà Nội, như Hoài Anh tâm sự là đề tài ông thích nhất. Viết tiểu thuyết lịch sử về Hà Nội, Hoài Anh như muốn lấy cái hào hùng của quá khứ để tiếp thêm lửa cho người đọc. Thống đốc quân vụ Nguyễn Tri Phương là người đi đầu đánh Pháp khi tàu giặc vào đánh cửa Đà Nẵng. Pháp đánh chiếm Gia Định, ông đã lập phòng tuyến Chí Hòa chống Pháp. Sau ông được điều ra Hà Nội làm kinh lược Bắc Kỳ. Quân Pháp đánh thành Hà Nội, ông chỉ huy cuộc phản công mãnh liệt gây cho Pháp nhiều thiệt hại nặng nề. Ông bị thương, bị giặc bắt, ông xé bông băng, tuyệt thực, rồi moi ruột tự tử mà chết. Cái chết anh hùng của ông kích thích lòng căm thù giặc tột độ của quân dân ta, trong trận Cầu Giấy, đã giết chết tên đại úy Pháp Francis Garnier. Thông qua hình tượng nhân vật Nguyễn Tri Phương, tác giả tái hiện khí thế chống Pháp của nhân dân Hà Nội và Bắc Kỳ. Hình tượng con rồng đá ở điện Kính Thiên tượng trưng truyền thống vẻ vang của dân tộc. Rồng đá đã bay lên trong khí thế chống Pháp của nhân dân Hà Nội.
14- BÙI HỮU NGHĨA MỐI DUYÊN VÀNG ĐÁ
Tiểu thuyết Bùi Hữu Nghĩa mối duyên vàng đá là tấm lòng của nhà văn Hoài Anh với đất và người Nam Bộ. Bùi Hữu Nghĩa con nhà dân chài ở Cần Thơ, sau lên Biên Hòa trọ học trong nhà ông Nguyễn Văn Lý. Cô Nguyễn Thị Tồn, con gái ông Lý yêu Nghĩa. Nghĩa bị bệnh phong, cô hết lòng thuốc thang chăm sóc cho Nghĩa khỏi bệnh... Nghĩa làm tri huyện Trà Vang, bảo vệ dân người Việt gốc Miên ở vùng rạch Láng Thé, bị bọn quan lại tỉnh Vĩnh Long bắt giam vào ngục, lại đút lót cho Thượng thư bộ Hình ở Kinh để khép Nghĩa vào tội tử hình. Bà Tồn đã lên Kinh tỏ nỗi oan cho chồng. Nghĩa được tha tội chết nhưng được cử đi làm Thủ ngữ đồn Vĩnh Thông để chống dân Miên nổi loạn. Nghĩa chủ trương không tàn sát dân Miên nên khi đồn Vĩnh Thông vỡ, Nghĩa bị dân Miên bắt, họ tha cho Nghĩa trở về quê hương.
Khi Nghĩa ở Bình Thủy thì quân Pháp chiếm thành Vĩnh Long. Nghĩa đã cùng Phan Văn Trị dùng thơ văn kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp. Nghĩa bị Pháp bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Sau đó chúng cho Đỗ Hữu Phương lãnh về giam lỏng ở nhà y. Thấy không thuyết phục, mua chuộc nổi Nghĩa, chúng buộc phải trả tự do cho ông. Nghĩa lại đi khắp nơi cổ vũ mọi người đứng lên chống Pháp, giúp mưu cho nghĩa quân rút về vùng Bảy Núi làm căn cứ chống giặc lâu dài. Tái hiện nhân vật Bùi Hữu Nghĩa, Hoài Anh ca ngợi tầng lớp sĩ phu Nam Kỳ đã đi đầu chống Pháp, khẳng định rằng những ai mang danh sĩ phu mà theo giặc thì nhân dân đời đời căm ghét, nguyền rủa. Những sĩ phu yêu nước thì sống mãi trong lòng dân. Trong tác phẩm này, nhân vật Trương Vĩnh Ký được tác giả nhìn nhận, đánh giá đúng mức.  
15- NGUYỄN THÔNG VỌNG MAI ĐÌNH
Nguyễn Thông quê Vàm Cỏ, Tân An, đậu cử nhân năm 1849 và làm Huấn đạo huyện Phú Phong An Giang. Khi Pháp đánh chiếm Gia Định, ông đang làm việc tại Huế, xin tòng quân và trở lại Nam Kỳ làm việc dưới quyền của thống đốc Tôn Thất Hiệp. Ba tỉnh miền Đông Nam kỳ bị mất, ông ra khỏi quân đội triều đình và tị địa ở miền Tây. Tại đây, ông được cử giữ chức Đốc học Vĩnh Long. Ba tỉnh này bị mất, ông ra Bình Thuận tị địa, lập Đồng Châu Xã, giúp những người Nam Kỳ ở Bình Thuận và các tỉnh cực Nam Trung Kỳ làm ăn sinh sống. Năm 1870, Nguyễn Thông làm Biện lý bộ Hình rồi Bố chánh Quảng Ngãi. Ở đây, ông vận động nhân dân làm thủy lợi, trồng cây… Thấy ông làm được nhiều việc có ích cho dân, bọn quan lại địa phương dèm pha, có kẻ vu cáo ông nên ông bị cách chức, bị giam và xử đòn. Nhân dân địa phương thương mến, đứng ra kêu oan cho ông nên ông được tha. Năm 1873, Nguyễn Thông bị bệnh, xin về nghỉ ở một trại núi Bình Thuận, lập Thi xã cùng bạn bè ngâm vịnh. Năm 1876, ông trở lại Huế làm Tu nghiệp Quốc tử giám. Sau đó ông đổi về Bình Thuận giữ chức Phó sứ điển nông, kiêm Đốc học. Nguyễn Thông dựng một ngôi nhà nhỏ trên bờ sông Phan Thiết đặt tên là Ngọa Du sào. Ông tiếp tục con đường canh tân đất nước do Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện đề xướng. Ông lập lò vôi sò, làm đồ gốm, tổ chức đánh cá bằng lưới rùng, buôn bán với đồng bào dân tộc ít người, xây dựng một ngôi nhà gọi là nhà Ngư chứa dụng cụ đánh cá và làm kho chứa cá làm mắm. Ông đang tính mở công ty buôn Liên Thành (1) và mở trường Dục Thanh để mở mang dân trí thì lâm bệnh, qua đời. Chí nguyện của ông đã được các con và đồng chí của ông thực hiện. Viết về Nguyễn Thông, Hoài Anh khẳng định tinh thần yêu nước và xu hướng đổi mới của sĩ phu ba miền Bắc Trung Nam ngay từ thời đó. Nhờ sáng kiến của Nguyễn Thông mà Hội buôn Liên Thành và trường Dục Thanh ra đời. Cũng trong tiểu thuyết này, nhân vật Phan Thanh Giản được tái hiện rất có tình có lý.
16- CHIM GỌI NẮNG
Tập này gồm nhiều truyện. Chim gọi nắng viết về bà  Nguyễn Thị Minh Khai. Minh Khai quê gốc Từ Liêm, Hà Nội, theo gia đình vào sống ở thành Vinh, Nghệ An. (Do vậy bà đã từng mang tên là Vịnh; Vịnh là tên cũ của thành Vinh). Năm 1930, Minh Khai trở thành đảng viên Cộng sản Đông Dương, được cử ra nước ngoài hoạt động. Bà công tác ở văn phòng Chi nhánh Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản tại Hương Cảng. Nguyễn Thị Minh Khai được Nguyễn Ái Quốc trực tiếp dìu dắt, giáo dục, bồi dưỡng. Cuối năm 1934, Nguyễn Thị Minh Khai tham gia đoàn đại biểu của đảng ta do Lê Hồng Phong làm trưởng đoàn đi dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ Bảy tại Moscow. Trong dịp này hai anh chị đã thành hôn. Năm 1935 về nước, được chỉ định làm Bí thư thành ủy Sài Gòn. Nguyễn Thị Minh Khai ra sức hoạt động đẩy nhanh phong trào cách mạng cùng với cả nước đấu tranh đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống, giải phóng phụ nữ, chống phản động thuộc địa và các loại tay sai, chống phát xít và chiến tranh; chống bọn Trôtxkít xuyên tạc đường lối của Đảng. 
Khi đang hoạt động thành lập Mặt trận phản đế và chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 7-1940, vì bị một tên phản bội chỉ điểm, Nguyễn Thị Minh Khai bị địch bắt. Pháp dùng mọi thủ đoạn dã man tra tấn để khai thác tài liệu, tin tức bí mật của Đảng, nhưng Nguyễn Thị Minh Khai vẫn trung kiên bất khuất. Địch thất bại, chúng tuyên án tử hình người nữ đảng viên cộng sản. Ngày 28-8-1941, Nguyễn Thị Minh Khai đã anh dũng hy sinh ở Hóc Môn cùng một số đồng chí khác. Hoài Anh tái dựng hai nhân vật lịch sử Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ và yêu thương các bậc cách mạng tiền bối. Tác giả kể lại phong trào đấu tranh chống Pháp do Đảng cộng sản lãnh đạo. Trên cái nền ấy, tác giả tái hiện hình ảnh của các chiến sĩ cộng sản như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Quang Thái (là người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã hy sinh)… Một số nhân vật chính diện như Nguyễn Thị Ngọc Tốt (tức Nguyễn Thị Thập), Nguyễn Văn Tiến (người vẽ lá cờ Tổ quốc), bà Hai Sóc… Tác giả viết về những nhân vật có chính kiến khác như: Tạ Thu Thâu, Đinh Nho Hàng… nhưng biết phân tích sâu hoàn cảnh lịch sử nên mức độ phê phán có lý có tình. 

Chú thích:

1. Tức thành hoa sen, chỉ Phan Thiết; còn Bàn Thành, tức thành Đồ Bàn là Quy Nhơn.

III- Từ khi loài người có văn tự, văn xuôi lịch sử sớm xuất hiện. Nhưng cả một thời gian dài, văn và sử là một, chưa tách rời nhau.

Từ thế kỷ thứ V trước công nguyên, tại Hy Lạp đã xuất hiện những tác phẩm văn xuôi lịch sử. Trung Hoa xuất hiện văn xuôi lịch sử từ thời Xuân Thu, nhưng đỉnh cao là Sử ký của Tư Mã Thiên, tác phẩm vĩ đại viết về ba ngàn năm lịch sử từ thượng cổ đến đầu đời Hán, ảnh hưởng sâu rộng đến sử học, văn học nghệ thuật Trung Quốc và thế giới mãi cho đến ngày nay.

Thời Phục hưng ở châu Âu, lịch sử với văn học mới được phân biệt. Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, xuất hiện nhiều tác phẩm nổi tiếng của V. Huygô, A. Đuyma. Trong văn học Anh, Xcốt (Walter Scott, 1771-1832), với tiểu thuyết Aivanhô (1820) viết về nước Anh thời vua Risa I, thực sự  là người sáng tạo ra tiểu thuyết lịch sử. Ở Mỹ có nhà văn Cupơ (James Fenimore Cooper, 1789-1851). H. Ban zắc viết trong Lời nói đầu cho bộ Tấn trò đời: Xcốt đã nâng tiểu thuyết lên cấp độ triết học của lịch sử. Còn Ăngghen đánh giá Tấn trò đời… cấp cho ta cái lịch sử hiện thực tuyệt vời của xã hội Pháp từ 1816 đến 1848. Thể loại tiểu thuyết lịch sử có tác động rất lớn với sự phát triển của văn học và được đánh giá rất cao. Thế nhưng phải chờ đến khi Chiến tranh và hòa bình của nhà văn Nga, bá tước L. Tônxtôi xuất hiện, người ta mới thấy giá trị vô cùng lớn lao của tiểu thuyết lịch sử. Tônxtôi là bậc thầy về tiểu thuyết lịch sử. Dưới ngòi bút của ông, nhân vật lịch sử và nhân vật hư cấu đều thấm đậm tính lịch sử, tính lãng mạn và tính hiện thực. Tâm lý nhân vật được miêu tả, phân tích vô cùng tài hoa. 

Tại phương Đông, tiểu thuyết lịch sử phát triển mạnh tại Trung Quốc thời Minh, Thanh. Nổi nhất là Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Thủy hử truyện của Thi Nại Am, hai pho này đã trở thành kinh điển của loại truyện chương hồi, là niềm say mê của cả nhân loại, ảnh hưởng rất sâu rộng đến các loại hình nghệ thuật khác cho đến tận ngày nay.  

Ở Việt Nam, văn xuôi lịch sử viết bằng chữ Hán có Đại Việt sử ký toàn thư, 1479, của Ngô Sĩ Liên là chính sử của nước Việt. Kế đó phải kể đến Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái. Đầu thế kỷ XX, Văn xuôi lịch sử viết bằng quốc ngữ có nhiều tác giả như Tân Dân Tử, Phạm Minh Kiên, Đinh Gia Thuyết, Nguyễn Tử Siêu… vẫn viết theo kết cấu chương hồi, chủ yếu là thuật truyện kiểu truyện Tàu, ít đi sâu phân tích tâm lý nhân vật. Cuối những năm Ba mươi, nhà văn không còn viết theo lối chương hồi nữa. Từ điển Văn học bộ mới liệt kê những tác giả và tác phẩm: Phan Trần Chúc với Vua Hàm Nghi 1935, Hồi chuông Thiên Mụ 1940, Dưới lũy Trường Dục 1942. Lan Khai với Chiếc ngai vàng 1935, Cái hột mận 1937, Ai lên phố Cát 1937, Gái thời loạn 1938, Đỉnh non thần 1940, Treo bức chiến bào 1942. Trong cơn binh lửa 1942… Nguyễn Triệu Luật với Hòm đựng người 1938, Bà Chúa chè 1938, Loạn kiêu binh 1939, Ngược đường trường thi 1939, Chúa Trịnh Khải 1940… Chu Thiên với Lê Thái Tổ 1941, Thoát cung vua Mạc 1941, Bà Quận Mỹ 1942, Cháy cung Chương võ 1942. Nguyễn Huy Tưởng với Đêm hội Long Trì 1942, An Tư 1944… Nguyễn Triệu Luật là nhà văn chắc tay hơn cả trong thể loại này.

Sau cách mạng tháng Tám, có Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, Bóng nước hồ Gươm của Chu Thiên, Người Thăng Long của Hà Ân, Núi rừng Yên Thế của Nguyên Hồng, Cờ nghĩa Ba Đình của Thái Vũ, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác (California 1991. NXB Văn học,1998, 2005. Hoàng Lại Giang với Lê Văn Duyệt từ nấm mồ oan khuất đến Lăng Ông 1999, và Trương vĩnh Ký Bi kịch muôn đời, 2001. Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, 2000. Tại Pháp, nhờ cụ Hoàng Xuân Hãn tư vấn, nữ văn sĩ Pháp Éveline Féray viết Vạn Xuân (NXB Văn học, 2002). Vạn Xuân ca ngợi Nguyễn Trãi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Rất tiếc là về phong tục tập quán Việt Nam, bà E. Féray không hiểu kỹ, cho nên có nhiều điều nhầm lẫn đáng tiếc. Ví dụ khi vợ chết, Nguyễn Phi Khanh cho người ra Côn Sơn Kiếp Bạc báo tin cho bố vợ là Trần Nguyên Đán, thì tác giả cho vợ chồng Trần Nguyên Đán đội nón rơm, thắt khăn tang, mặc áo xô trắng, đi dép cỏ làm lễ tang, y như con cái làm lễ tang cho cha mẹ vậy!
Trong vòng một trăm năm qua, Việt Nam có khá nhiều nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử. Hoài Anh là một trong số ấy và ông đã gặt hái nhiều thành công. Cảm nhận rõ nhất trong các tiểu thuyết lịch sử của Hoài Anh là ông rất tôn trọng sự kiện lịch sử, rất kỹ tính khi xử lý các chi tiết lịch sử và chu toàn khi hư cấu, văn chương hóa, nghệ thuật hóa các danh nhân lịch sử. Vai trò của đám đông, của quần chúng nhân dân trong tiểu thuyết và truyện lịch sử của Hoài Anh được trân trọng. Quan điểm của tác giả là: Chỉ có hợp lòng dân, vì dân, các nhân vật mới làm nên lịch sử! Khoảng trời bao la của trí tưởng tượng trong Hoài Anh đôi khi như bị kìm nén lại bởi ông bao giờ cũng trân trọng sự thật lịch sử. Nhà văn có quyền hư cấu, nhưng không bao giờ được ngông nghênh phủ nhận lịch sử, thậm chí có kẻ còn chà đạp sự thật lịch sử, bóp méo lịch sử. Ông nói như thế khi chúng tôi trao đổi về một số truyện ngắn, tiểu thuyết viết về lịch sử mà một số người hè nhau bơm thổi lên quá mức. Theo Hoài Anh, khi đụng tới lịch sử, cái tâm của người viết phải trong sáng. Một pho sử chỉ có giá trị khi ghi đầy đủ công và tội của nhân vật lịch sử. Nhưng một tiểu thuyết hay truyện ngắn lịch sử, giá trị thẩm mỹ là mục tiêu cuối cùng, thì việc dùng chất liệu này, không xài chất liệu lịch sử kia là cả một vấn đề thể hiện tài và tâm tác giả.
Sông Côn mùa lũ (SCML) là một ví dụ. Khi viết về cuộc đời Nguyễn Huệ, một nhân vật có nhiều mối quan hệ vô cùng phức tạp, Nguyễn Mộng Giác không chú tâm miêu tả những trận đánh, những cuộc hành binh, những mối quan hệ rắc rối, đầy bi kịch trong đại gia đình ba anh em Tây Sơn, mà chỉ xoáy vào những chi tiết đời thường, nhằm cắt nghĩa cội nguồn tạo nên danh nhân. Tác phẩm nhờ thế mà thành công. Trong chuyến du khảo Hoa Kỳ từ đầu tháng Ba đến cuối tháng Tư năm 2000, tôi được nhà văn Nguyễn Mộng Giác mời đến nhà chơi. Ông Giác cho tôi coi tập bản thảo SCML viết tay sạch sẽ, chữ rất đẹp, đúng là chữ của một nhà giáo. Tập bản thảo này do vợ ông mang từ Thị Nghè Sài Gòn sang Mỹ khi bà cùng con đi định cư chính thức, còn tác giả của nó thì ra đi bằng thuyền ngay sau khi viết xong SCML! Sông Côn mùa lũ được ông Giác viết vào ban đêm vì ban ngày phải đi làm mướn cho một tổ hợp mì sợi ở Chợ Lớn. Ông viết từ năm 1978 đến đầu năm 1981 thì hoàn thành, in lần đầu ở California 1991. NXB Văn học và Trung tâm Quốc học xuất bản ở Việt Nam năm 1998, tái bản 2005. Nay, ông Giác đã ủy quyền cho nhà văn Triệu Xuân tái bản lần thứ ba (2006). Đồng thời, hãng TFS đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh vừa mua bản quyền của ông để chuyển SCML thành phim truyền hình. Một người làm viên chức cho chế độ Sài Gòn cũ, sau năm 1975 đi học tập cải tạo, học về rồi, lại phải đi tiếp một đợt nữa chỉ vì ông đã viết tác phẩm khảo cứu văn chương chưởng của Kim Dung. Lúc đó Sài Gòn đang “đấu tranh chống nọc độc của văn hóa đồi trụy và tàn dư của văn hóa thực dân mới” mà! Cuộc đời phút chốc rớt xuống dưới đáy, vậy mà Nguyễn Mộng Giác vẫn tỉnh táo phân biệt được cái gì là vĩnh hằng, cái gì chỉ là nhất thời, cái gì là trọng, cái gì chỉ là nhỏ nhặt. Ông giữ được sự thanh thản, tâm hồn trong trẻo khi viết SCML. Lòng yêu nước, tình cảm thiết tha với dân tộc luôn bừng cháy trong lòng nhà giáo, nhà văn Nguyễn Mộng Giác, cho nên không khó khăn, oan khổ nào có thể khiến ngòi bút của ông phủ nhận lịch sử. Ông viết về Nguyễn Huệ mà như có hơi thở, như có nhịp đập của chính trái tim mình, như là ông đã gửi vào đó biết bao niềm tin yêu và khát vọng của ông, của cả nhân dân, đất nước ông!
Nhà văn Hoài Anh nói rằng những anh em từng bị “treo bút” nhiều năm như Nguyễn Xuân Khánh (tác giả tiểu thuyết Hồ Quý Ly), những người vì hoàn cảnh, phải sống xa Tổ quốc như Nguyễn Mộng Giác, mà cái tâm sáng như thế, cớ gì có những người sống ngay trên Tổ quốc mình lại không trân trọng lịch sử? Đáng trách hay đáng thương? Sáu mươi chín tuổi rồi, Hoài Anh vẫn còn đang viết không ngưng nghỉ. Ngọn lửa sáng tạo trong ông hầu như còn mãnh liệt lắm, bởi vì ông sống lặng lẽ, chỉ ham sáng tạo, không màng danh lợi. Ông chân thật với bạn bè, ưu ái người viết trẻ, và rất chịu đọc văn của những người khác. Văn chương ông trong sáng, giàu hình ảnh, giàu vốn sống; ngôn ngữ trong tác phẩm của ông chứng tỏ ông rất chịu đi, chịu học ngôn ngữ từng địa phương. Có nhiều người hỏi tôi: Cái ông Hoài Anh lủ khủ lù khù thế mà sao viết khỏe, viết dữ dội vậy? Tôi đáp: Ông viết được như thế là nhờ tình yêu! Ông yêu đời, yêu nghề như yêu chính cuộc đời mình. Ông có trí nhớ tuyệt vời, do bẩm sinh, tất nhiên, nhưng tôi cho rằng chủ yếu cũng là nhờ tình yêu nghề. Ông chưa bao giờ ăn xổi ở thì trong nghề viết! Những ai đã thấy ông ghi chép, làm việc, dịch thuật, sáng tác, đọc ở thư viện, đọc ở nhà và những ai đã từng nghe ông nói trước khi ngồi vào bàn đánh máy chữ, thì mới hiểu được Hoài Anh. Ông xứng đáng được tặng Huân chương lao động hạng nhất, và những giải thưởng cao quý khác! 
Thế mà cả đời, ít nhất là cho đến nay, sáu mươi chín tuổi rồi, ngoài cái Huân chương chống Mỹ, ông vẫn chưa hề được tặng Huân chương dành cho người lao động chân chính! Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt này cũng không có tên ông! Tại quán nhậu cực bình dân 81 Trần Quốc Thảo (Quận 3, Tp Hồ Chí Minh), nhân lúc mọi người bàn chuyện năm tới, ông Hoài Anh bảy mươi tuổi, tôi đã tổng kết về ông với bảy cái không: Không thích nói về mình, không xe cộ (suốt đời cuốc bộ), không bao giờ ăn mặc bảnh bao, không nhà đất, không danh hiệu, chức vị, không xu nịnh, cơ hội, không chung chiếu với những kẻ phi nhân cách! Tôi từng nghe Thu Bồn thốt lên: “Ông Hoài Anh ơi! Ông tài, nhưng kín đáo quá xá! Về tôi, thơ phú thế nào, tiểu thuyết ra sao, bạn bè, bồ bịch nhiều ít, cái gì ông cũng biết. Vậy mà, về đời tư của ông, tôi mù tịt, cạy răng ông cũng không nói”! Hoài Anh không thích nói về mình, nhưng ông đã nói về, viết về ít nhất hơn một ngàn nhà văn, và viết khá kỹ khoảng hai trăm nhà văn! Làm được điều đó, ông đã đọc rất nhiều tác phẩm của đồng nghiệp. Không phải nhà văn nào cũng đọc nhiều như thế!   
Nhà văn bảy không nặng tai đã hai năm nay. Độ rày ông bị điếc hẳn, không nghe được điện thoại nữa. Người cao tuổi, điếc cũng có cái hay! Nghe nhiều chuyện không đẹp, không vui, những chuyện nhố nhăng… chả để làm gì, chỉ thêm buồn. Bảy không nhưng ông lại có rất nhiều thứ: Sự trân trọng, quý mến của bạn bè, những tác phẩm văn học nhiều người nhắc đến… Đó phải chăng mới thực là gia tài vô giá của một nhà văn?.
Sài Gòn, TP.HCM 8/2006
Triệu Xuân
Theo https://www.vanchuongviet.org/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chỉ là… – Chùm thơ Thảo Kim Bùi 16 Tháng Sáu, 2023 Ừ thì…/ một thoáng mây vương/ xin về chung lối/ đã dường hư hao. Chỉ là…   Ch...