Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

Viễn du - Trường ca Phạm Duy

Viễn du - Trường ca Phạm Duy

Trong những bài ca viết cho quê hương, Phạm Duy đã lột tả chính xác đặc trưng của từng vùng miền, từ địa lý, khí hậu, giọng nói đến tâm hồn. Ít ai có được cái cảm quan tinh tế sâu sắc như ông. Ông là người đầu tiên đề cập vấn đề hệ ngũ cung Huế, nghe “lơ lớ” khác hẳn những hệ ngũ cung khác, và đã có những ca khúc phản ánh chính xác được những cảm nhận ấy. Trong số những tình ca quê hương này, ngoài Tình hoài hương mà tầm vóc của nó đã phổ quát, tôi còn rất yêu thích bài Về miền Trung. Cái giai điệu chỉ có thể thoát thai từ giọng nói, tâm hồn người xứ dân gầy ấy: Đêm hôm nao gió u buồn trên sông vắng, có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng. Người đi trên đống tro tàn, thương em nhớ mẹ hương vàng về đâu? Chiều khô nước mắt rưng sầu, tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi… Về miền Trung, còn chờ mong núi về đồng xanh, một chiều nao đốt lửa rực đô thành…
Qua những năm 50, nhạc sĩ Phạm Duy lại tiếp tục cho ra đời những nhạc phẩm vi diệu hơn nữa về nhạc thuật. Dáng nhạc, lời ca không kém phần mỹ miều, nhưng đã được mài giũa để trở nên đài các, sang trọng hơn. Giai đoạn này chủ yếu là những bài tình ca quê hương: Nụ tầm xuân, Tiếng sáo Thiên Thai, Tình hoài hương, Tình ca, Thuyền viễn xứ, Dạ lai hương, Bà mẹ quê, Lữ hành, Viễn du, Hoa xuân, Ngày trở về, Hẹn hò, Chiều về trên sông, Tiếng hò miền Nam…
Chưa ai xưng tụng quê hương, vừa riêng tư, vừa phổ quát, thành công được như Phạm Duy. Riêng Tình ca phải được xem như một tuyên ngôn cho tiếng nói, cho con người Việt, một tuyên ngôn chan chứa yêu thương và tự hào (xem thêm bài về Tình ca trong một post trước của tôi). Một tác phẩm để lại trong tôi dấu ấn rất lớn là Thuyền viễn xứ. Lần đầu tìm nghe được, tôi đã nghe đi nghe lại suốt cả một ngày trời và tự nhủ với mình: từ nay mình được biết một loại âm nhạc mới. Từ đó tôi dần dần chuyển qua yêu thích các giai điệu ngũ cung huyền ảo. Một bản nhạc đặc biệt nữa mà tôi cũng rất yêu thích: Chiều về trên sông, nửa ngũ cung, nửa thất cung, bản nhạc được viết trên mode Dorian, lai lai gần giống hệ ngũ cung Oán của dân ca Nam bộ, gây cảm giác buồn, buồn nhưng thanh thản.
Blog Pham Duy
Ra sông
Biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông
Biết đời viễn vông, biết ta hãi hùng
Ra khơi
Thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới
Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới
Chơi vơi, con thuyền trên sóng không nguôi
Bão bùng xô tới xô lui, vững tay chèo lái
Xa xôi
Hỡi người trong viễn phương ơi
Hẹn hò nhau viễn du thôi, lên đường mãi mãi
Ra đi
Nước trời bao la, hết cuộc phong ba
Đất liền Âu Á cũng không xa gì
Phiêu du
Khắp nẻo đây đó, bỗng người say sưa
Thấy hoàn cầu mơ khúc Đại Đồng Ca
Hãy ghé bến bờ
Có những xóm dừa
Chiều nhuộm vàng làn tóc ngây thơ
Có những núi mờ
Đứng mãi ngóng chờ
Chờ người về đầu non trắng xóa
Ánh sáng chói lòa
Hương say kinh kỳ
Ai quay cuồng nhịp đời dương thế
Viễn xứ ước thề
Xóa hết lối về
Để đẹp lòng người bước ra đi...!.

Nguồn: Trích trong tư liệu trang nhạc Phạm Duy
Theo https://www.facebook.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khúc vọng đêm – Chùm thơ Nguyên Thu 19 Tháng Sáu, 2023 Từng sâu lắng/ từng nhũ giọt sương tắm gội rửa tình/ người đành băng đông từng ...