Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

Tây Nguyên, mùa xuân về

Tây Nguyên, mùa xuân về!

Cần biết - Ăm ắp nắng vàng, ngăn ngắt trời xanh, lồng lộng từng cơn gió… Tây Nguyên! Mùa xuân đã về!.
Tây Nguyên núi đồi hùng vĩ, theo năm tháng vẫn giữ lại trong mình một vẻ đẹp hoang sơ và kỳ bí đến lạ thường. Tây Nguyên những ngày cuối năm, nắng vàng rực rỡ. Vàng như mật ong rừng, vàng như hoa cải bến sông nơi cố hương, vàng như cánh đồng quê mùa lúa chín hay vàng như ánh chiều vàng hoe trên mái rạ thuở xa xưa…? Nắng ở đây chói chang mà không gay gắt, cứ nồng nàn, ấm sực.
Cả bầu trời kia nữa, chỗ thì xanh như nước biển, chỗ thì xanh lơ lơ. Cuối trời xa, núi nhấp nhô xanh mờ, mây trắng đùn lên cuồn cuộn, bồng bềnh. Nắng ấy, núi ấy, màu trời ấy như thực mà như hư, tựa như khung cảnh trong huyền thoại…
Những cơn gió trở mình không vật vã, không bùng lên thành những trận cuồng phong, không làm tơi tả cỏ cây. Những cơn gió không rít gầm như bão tố ở miền duyên hải. Gió thổi dài qua núi, qua đồi, qua sông, qua thác chỉ đủ lan tỏa lên mặt đất tất cả những chất chứa ngàn năm trong lồng ngực đại ngàn sâu thẳm. Những cơn gió hoang dại và phóng túng.
Ồn ào và dữ dội, những thác nước đã góp phần tạo nên một Tây Nguyên oai hùng. Mang màu của phù sa, mang màu của sự sống mới, nước từ trên cao cứ thế đổ xuống như bất tận mang đến một cảm giác khó tả khi đứng trước nơi này. Bọt tung trắng xóa, dòng nước mát lạnh và cái âm thanh ồn ào kia lại lôi cuốn một cách kỳ lạ.
Ẩn trong mình nét hoang sơ và dữ dội là một sự dịu dàng đến mê mẩn lòng người. Ai nói Tây Nguyên chỉ có núi, có rừng và những con thác dữ tợn ngày đêm cuộn nước? Hồ Lắk êm đềm và bình yên lắm, như cuộc sống của buôn làng nơi đây trôi qua một cách chậm rãi và yên bình.
Dạo bước trong những vườn cà phê đang nở hoa trắng xóa sẽ thấy lòng mình như nở hoa. Tây Nguyên cũng có mai vàng như Nam bộ nhưng có lẽ hoa cà phê mới là vẻ đẹp riêng của vùng đất đỏ bazan này. Tạo hóa cũng khéo sắp đặt để cà phê nở hoa vào mùa xuân. Những chùm hoa xinh xinh như những quả ngù bông, cánh hoa tựa như hoa cúc, ken dày đặc trên cành trắng tinh.
Từ một vùng đất bom cày, đạn xới, Tây Nguyên nay đang từng ngày trỗi dậy. Vẫn còn đó thuở nguyên sơ với chim Chơ Rao tung cánh, hoa Pơ Lang thắm đỏ, có tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng… Nhưng cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đổi thay, tươi tốt… 
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng với dân số gần 5 triệu người, trong đó khoảng 1,6 triệu là đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc 47 dân tộc anh em. Đây là địa bàn chiến lược về quốc phòng - an ninh và được coi là triển vọng để phát triển một nền kinh tế mở. Ở vào vị trí trung tâm của miền núi Nam Đông Dương, có hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; có hệ thống giao thông liên hoàn nối với các tỉnh duyên hải miền trung và Đông Nam Bộ. Đây là khu vực nằm cả Đông và Tây Trường Sơn nên đất đai, địa hình, khí hậu đa dạng. Tây Nguyên có nhiều dãy núi trùng điệp cao trên 2000 mét như Lang Bi Ang, Ngọc Linh, Cư Yang Sin, Ngọc Niay, Chư Hmu…
Tây Nguyên đất đỏ hôm nay, dấu vết của chiến tranh tàn phá vẫn còn tồn tại, nhưng cuộc sống đã khá hơn xưa rất nhiều. Dạo bước về qua Kon Tum, vẫn mái nhà Rông oai hùng, vẫn nhà thờ Gỗ thiêng liêng. Và còn biển hồ Tơ Nưng trong vắt, xanh êm một màu lục đẹp như tranh vẽ. Nơi này trước kia là một miệng núi lửa, nhưng đã ngừng hoạt động cách đây từ trăm triệu năm trước và giờ đây trở thành linh hồn của Pleiku. Với những rặng thông bạt ngàn bao phủ xung quanh, nơi đây còn biết bao điều kỳ diệu mà đất mẹ và thiên nhiên đã ưu ái ban tặng. Tây Nguyên vẫn sẽ tồn tại muôn đời qua lịch sử, qua từng câu hát, và qua cả tấm lòng của những người con núi rừng đã gửi gắm lại.
25/1/2014
Công Tiến
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Theo https://tuoitre.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...