Nắng Xuân tô thắm dòng Lô
Từ Thị trấn Đoan Hùng, qua xã Tiên Du, huyện Phù Ninh,
đường Chiến thắng Sông Lô uốn mình theo dòng Lô tạo nên nét cong mềm mại trước
khi dừng chân nơi ngã ba sông Bạch Hạc. Xóm làng bên sông căng tràn sức sống
vào xuân với màu vàng của bưởi, màu đỏ tươi của hoa đào.Học sinh qua Cầu Sông Lô đến trường
Nối liền thị trấn Đoan Hùng với 3 xã Hữu Đô, Nghinh Xuyên, Phú Thứ đúng nơi Lô
giang đón dòng nước sông Chảy hợp lưu thành Đầu Lô - từng là thủy huyệt chôn
vùi tàu chiến Pháp trong chiến dịch Thu Đông năm 1947, cầu Sông Lô góp phần rút
ngắn khoảng cách, thắt chặt mối quan hệ, giao thương giữa huyện Đoan Hùng của
Phú Thọ với hai huyện Sơn Dương, Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang phục vụ đắc lực
cho công tác cứu hộ, cứu nạn và đáp ứng mong mỏi của người dân hai tỉnh từ nhiều
năm nay.
Cây cầu mang tên của “dòng sông hoa lửa” một thời đã kéo gần khoảng cách phố thị,
xóa hoàn toàn sự cách trở của ba xã bên sông. Theo lời của nữ Chủ tịch UBND xã
Hữu Đô Phan Thị Xuân thì cây cầu đã nối dài việc học cho trẻ em ba xã bên này
sông, cái chữ vì thế không bị “rơi rụng”, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, thi đỗ
các trường cao đẳng, đại học năm học 2014-2015 tăng hẳn so với những năm trước.
Cán bộ xã lên huyện giờ chỉ mất hơn chục phút đi đường chứ không phải dậy từ tờ
mờ sáng ra đợi đò ở bến sông. Bao đời nay, dòng Lô đã mang đến lợi thế
"trên bến dưới thuyền" để người dân phát triển dịch vụ vận tải và
chăn nuôi thủy sản. Chẳng thế mà nhà nối nhà mọc lên san sát, gần 100% nhà
trong xã được xây kiên cố. Những con đường bùn đất, trời mưa như lội ruộng trước
đây đều đã láng đổ bê-tông.
Mang theo niềm vui của người dân hai bên cầu Sông Lô, chúng tôi rời Đoan Hùng,
về đến Tiên Du thì đã quá ngọ. Lúc này, mặt trời đứng bóng, dòng sông như trải
rộng, lấp lánh nắng. Hết năm 2015, Tiên Du là một trong 5 xã cơ bản hội đủ tiêu
chí nông thôn mới của huyện Phù Ninh, đây cũng là địa phương thực hiện hiệu quả
chuyển dịch cơ cấu cây trồng với làng hoa nổi tiếng - làng Thượng. Đoạn lượn
qua vùng đất này, Lô giang như làm duyên, chảy thật hiền hòa. Phía trong đê, vườn
đào nhiều nhà đã bung nở, những cây quất đã được úm tán, tạo dáng với quả chớm
vàng. Con đường trải bê tông như dải lụa mềm vắt qua thôn xóm, chạy qua những
vườn hoa ly, cúc, hồng rộng cả héc-ta. Bước chân vào làng, chúng tôi thật sự ngỡ
ngàng trước hệ thống kênh mương như ô bàn cờ. Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch
UBND xã Nguyễn Kim Ánh, đến nay 100% đường nội đồng của xã đảm bảo cho xe cơ giới
đi lại với tỷ lệ cứng hóa gần 85%. Nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện và dự án
phát triển nông thôn của ngành Nông nghiệp mà người dân nơi đây đã có hướng đi
đúng. Trước đây, nghề trồng hoa ở Tiên Du dù truyền từ đời này sang đời khác
nhưng do thiếu chỉ đạo và quy hoạch nên người dân vẫn làm theo kiểu tự phát,
xoay quanh những loại hoa truyền thống. Những năm gần đây, được định hướng
trong thâm canh sản xuất hàng hóa, chuyển đổi diện tích cây trồng nên người dân
Tiên Du đã thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nhiều giống hoa ngoại được nghiên cứu,
trồng thử trên đồng đất nơi đây đã cho kết quả tốt. Người làng nghề cũng học tập,
ứng dụng khoa học kỹ thuật để lai tạo, phát triển giống hoa mới. Đảng ủy xã đã
ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển mô hình kinh tế “Xây dựng cánh đồng,
khu đồi rừng, hộ gia đình có thu nhập cao” với mô hình trồng hoa lên tới 3,2ha,
cho thu nhập bình quân từ 70 triệu đồng/ ha. Làm hoa giờ lãi gấp ba làm lúa, tạo
việc làm, góp phần đổi đời nhiều gia đình. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt
trên 30 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh. Người dân nơi đây đã
thỏa ước nguyện ấp ủ bấy lâu, đó là đưa Tiên Du trở thành “làng lúa, làng hoa”
của Phú Thọ.
Chúng tôi về đến Bạch Hạc lúc nắng đã ngả chiều. Ngã ba sông giờ này tấp nập
tàu thuyền xuôi, ngược. Là phường cửa ngõ phía Nam của thành phố Việt Trì, Bạch
Hạc có điều kiện phát triển vận tải đường thủy với hàng trăm tàu thuyền hoạt động
kinh doanh, đóng góp nguồn thu khá lớn cho ngân sách địa phương. Đứng thật lâu
nơi sân đền Tam Giang, tôi hít căng lồng ngực đón khí trời vào tiết xuân. Tam
Giang - nơi 3 dòng sông: Hồng - Lô - Đà hợp lưu, tạo cảm hứng cho cụ Nguyễn Bá
Lân, Thượng thư thời vua Lê Hiển Tông sáng tác Ngã ba Hạc phú: "Xinh thay
ngã ba Hạc/ Lạ thay ngã ba Hạc/ dưới họp một dòng/ trên chia ba ngác/ Dòng biếc
lẫn dòng đào...". Cũng nơi đây, sông Lô kết thúc hành trình dài gần một
trăm kilomet ngang qua vùng Đất Tổ để hợp lưu thành sông Hồng “hòa mạch cùng với
xuôi” như ca từ trong bài hát Trường ca Sông Lô mà nhạc sĩ Văn Cao đã viết.
Cầu Hạc Trì nhìn xa tựa như một dải lụa mềm buộc hai vạt áo là hai bờ sông Lô.
Hạc Trì là cây cầu lớn thứ hai bắc qua sông Lô được khánh thành trong năm 2015
với 6 làn xe, riêng đoạn vượt sông dài gần một kilomet, tạo nên gạch nối phát
triển giữa thủ đô Hà Nội nghìn năm tuổi với kinh đô Văn Lang xưa và các tỉnh
Tây Bắc. Dòng Lô vẫn đêm ngày hiền hòa, đắp bồi cho Việt Trì một dáng dấp thành
phố du lịch về với cội nguồn.
Sông Lô chiều cuối năm, bất chợt gặp câu hát bên sông vọng lại “Về Sông Lô/ ta
về nơi đất mẹ/ Cho ta niềm hy vọng, cho ta một niềm tin/ một tương lai huy
hoàng...” *
(*) Bài hát Trở về Sông Lô của nhạc sĩ Lê Xuân Thủy.
30/1/2016
Việt Hà
Theo http://baophutho.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét