Thứ Tư, 10 tháng 2, 2021

Nguyễn Trãi (1380-1442) Tâm sự Nguyễn Trãi khi đất nước bị giặc Minh chiếm đóng

Nguyễn Trãi (1380-1442) Tâm sự Nguyễn Trãi 
khi đất nước bị giặc Minh 
chiếm đóng, (trước khi gập Lê Lợi)

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, nguyên quán làng Nhị Khê, tỉnh Hà Đông. Cha là Nguyễn Ứng Long, sau đổi thành Nguyễn Phi Khanh. Mẹ là Trần thị Thái, công chúa nhà Trần, con quan tư đồ, hoàng thân Trần Nguyên Đán. Nguyễn Phi Khanh học rất giỏi, trước làm gia sư dậy con gái quan tư đồ, sau đỗ bảng nhãn, nhưng bị triều đình nhà Trần kết tội là thầy lấy học trò, không cho làm quan, phải về quê dạy học.

Nguyễn Trãi sinh ra tại Thăng Long, sống với mẹ nơi dinh ông ngoại. Vào năm 1385, khi vua nhà Trần quá tin Hồ Quý Ly, để họ Hồ chuyên quyền, Trần Nguyên Đán can ngăn không được, xin cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn, huyện Chí Linh, Hải Dương. Mẹ con Nguyễn Trãi về theo. Sau khi mẹ mất 1390, rồi ông ngoại mất, 1395, Nguyễn Trãi về Nhị Khê học với cha.
Năm 1400, Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần, lập nhà Hồ. Nguyễn Phi Khanh ra làm quan. Nguyễn Trãi 21 tuổi, thi đỗ thái học sinh (tiến sĩ, khóa thi đầu của nhà Hồ), giữ chức Ngự sử đài Chánh chưởng. Năm 1407 giặc Minh mượn cớ giúp nhà Trần, mang quân sang đánh chiếm Việt Nam. Quân nhà Hồ chống cự không nổi, bị tiêu diệt. Giặc Minh liền chia nước ta thành quận huyện của Tầu với những tên gọi mới. Trong thời gian này, nước Đại Việt bị vùi dập, dân chúng bị chèn ép rất hà khắc. Tai hại nhất là chúng thu góp sách vở văn chương Việt mang hết về Kim Lăng, thay thế bằng những tài liệu của nhà Minh. Văn học chữ Nôm bị đốt sạch, xoá đi hết văn hoá riêng của dân Việt. Chúng bắt Hồ Quý Ly và một số quan chức mang về Tầu, trong số đó có Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi định theo hầu cha, nhưng Nguyễn Phi Khanh khuyên con ở lại tìm đường cứu nước vì "Trãi con ơi, tận trung là tận hiếu... Về ngay đi rồi chí toại công thành" (thơ Hoàng Cầm). Giặc Minh bắt được Nguyễn Trãi, Vương Thông dụ hàng không được, định mang ra chém. Nhưng Hoàng Phúc xin chỉ giam lỏng ở Đông Quan (Thăng Long, do Tầu đổi tên). Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu vài bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Trãi trong lúc nước nhà bị giặc Minh chiếm đóng và ông chưa gập được Lê Lợi. Thời kỳ này chia làm hai phần: Nguyễn Trãi bị quản thúc ở Đông Quan, và Nguyễn Trãi trốn thoát khỏi Đông Quan đi tìm minh chúa:

I) Nguyễn Trãi ở Đông Quan

Những ngày buồn khổ, có ba bài thơ tiêu biểu:
1) Ký cữu Dị Trai Trần Công

寄 舅 易 齋 陳 公

兵 餘 親 戚 半 離 零
萬 死 殘 軀 偶 一 生
往 事 空 成 槐 國 夢
別 憐 誰 寫 渭 陽 情
不 來 自 擬 同 王 式
避 亂 終 當 學 管 寧
欲 問 相 思 愁 別 處
孤 齋 風 雨 夜 三 更 

Phiên âm:
Binh dư thân thích bán ly linh,
Vạn tử tàn khu ngẫu nhất sinh
Vãng sự không thành Hòe quốc mộng
Biệt liên thùy tả Vị Dương tình
Bất lai tự nghĩ đồng Vương Thức,
Tỵ loạn chung đương học Quản Ninh
Dục vấn tương tư sầu biệt xứ
Cô trai phong vũ dạ tam canh.

Thơ dịch:
Thư gửi cậu Dị Trai Trần Công
Gia đình thời loạn nửa chia phôi
Tưởng chết may sao sống sót đời
Việc cũ Nam Kha ôi giấc mộng
Nhớ thương cậu cháu chẳng nên lời
Theo người tỵ nạn, không hàng phục
Chẳng thể về thăm, gửi chữ thôi
Cậu hỏi nỗi buồn ly biệt xứ?
Phòng trai, mưa gió, suốt đêm côi

Bình chú:
Thi nhân gửi thư cho cậu Trần Công Dị Trai, em họ của mẹ, còn ở quê hương.
Ông chia sẻ cùng cậu nỗi đau cả đại gia đình điêu linh tan tác.
Ta thấy những sự kiện lịch sử hiện lên trong những câu thơ:
Câu 2: Tưởng chết vạn lần, sống sót thật do may mắn.
Câu 3: Cuộc đời trước (khi nước nhà còn độc lập) thật đúng như giấc mộng Nam Kha. (Nay tỉnh dậy rồi, ta mất nước rồi).
Câu 4: Xa nhau thương nhớ, ai tả được cái tình cậu cháu.
Theo Kinh Thi, Vị Dương là chỗ Tấn Khương Công tiễn người cậu là Tấn Trùng Nhĩ. Cho nên Vị Dương biểu hiệu tình cậu cháu.
Câu 5: Nguyễn Trãi bị bắt, bị giam lỏng tại Đông Quan nhưng không chịu hợp tác với quân Minh. Theo tích Quản Ninh: Kẻ sĩ thời Tam Quốc, tránh loạn 37 năm ở Liêu Đông, được Văn Đế rồi Minh Đế cho mời ra làm quan đều từ chối.
Câu 6: Nguyễn Trãi không về thăm cậu được nên viết thư thay, giống như Vương Thức.
Vương Thức dạy Xương Ấp vương, sau bị phế vì vô độ. Khi người hỏi: "Sao không can gián" Vương Thức trả lời: "Đã nói qua sách vở rồi".
Tất cả những đau đớn đó không có gì sâu xa chua xót bằng nỗi đau "biệt xứ" thật ra là "mất nước" (Nguyễn Trãi đang ở ngay Đông Quan, chính là Thăng Long, mà nói rằng mình bị "biệt xứ") đang dầy vò tâm hồn Nguyễn Trãi như câu thơ cuối:
Nằm một mình trong phòng trai vắng vẻ, trong khi mưa gió vần vũ suốt đêm dài.
2) Thanh Minh
Tiết Thanh Minh thời xưa vào tháng 3 âm lịch, mọi gia đình đều đi thăm mộ tổ tiên, anh em họ hàng hàn huyên sum họp... Đó là tập quán sâu nặng của Á đông, nên nhiều tác giả lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đều có thơ tâm sự vào tiết Thanh Minh. Nỗi buồn cô đơn, xa nhà trong tiết Thanh Minh có khi còn nặng hơn là trong ngày Tết Nguyên Đán nữa.

清 明
一 從 淪 洛 他 鄉 去,
屈 指 清 明 幾 度 過。
千 里 墳 塋 違 拜 掃,
十 年 親 舊 盡 消 磨。
乍 晴 天 氣 模 稜 雨,
過 半 春 光 廝 句 花。
聊 把 一 杯 還 自 彊,
莫 教 日 日 苦 思 家。

Phiên âm:
Nhất tùng luân lạc tha hương khứ
Khuất chỉ Thanh Minh kỷ độ qua
Thiên lý phần doanh vi bái tảo
Thập niên thân cựu tận tiêu ma
Sạ tình thiên khí mộ lăng vũ
Quá bán xuân quang tê cú hoa
Liêu bả nhất bôi hoàn tự cưỡng
Mạc giao nhật nhật khổ tư gia

Thơ dịch:
Thanh Minh
Từ buổi lìa quê lưu lạc xa
Bấm tay đếm những Thanh Minh qua
Tổ tiên ngàn dậm mồ không viếng
Thân thích mười năm chết hết nhà
Trời nắng chợt mưa xoay gió chuyển
Xuân qua quá nửa, nhạt phai hoa,
Sầu ơi, cố uống trôi ly rượu
Để bớt ngày ngày khổ nhớ nhà.

Bình chú:
Vào tiết Thanh Minh, thi nhân rất buồn khổ vì xa quê, không được tảo mộ tổ tiên dòng họ. Một mình trơ trọi, gia đình tan nát, bao người thân đã chết hay bị đi đày xa xôi cách trở.
Câu thứ 2 có hình ảnh "bấm tay" đếm số năm qua đi "một hai ba...", diễn tả khoảng thời gian quá dài ông đang phải sống giam lỏng trong lòng giặc. Đó là một hình ảnh thật, rất quen thuộc của thời xưa cũ với những năm tháng tên là tý, sửu, dần, mão... con người không có con số trước mắt, nên thường đếm trên đầu ngón tay. Nó gợi lại biết bao vang bóng thời xưa... Ngày nay còn rất ít người đếm như thế.
Đó cũng là một nét đặc biệt riêng của thơ Nguyễn Trãi. Trong thơ ông thường viết ra những cử chỉ, hành động, cảm xúc của mình như: ủ tay, ngâm khẽ, ngồi giường thiền thấy lạnh, cúi đầu nhìn đất, tựa ghế nhìn trời, chống gậy, dắt tay, ngồi ôm chăn không ngủ, gối đầu trên đá...tia sáng xuân chạm mắt..., cho nên người đọc có cảm giác gần gụi, hiểu ông hơn những tác giả sáu trăm năm cũ khác.
Câu 8, với 5 chữ "nhật nhật khổ tư gia" = "Ngày ngày khổ nhớ nhà", hai chữ "ngày ngày", có dụng ý nối kết ý nội tại với từng năm đếm trên ngón tay ở câu 2: Khi quá đau khổ, ta nhìn năm tháng qua đi vùn vụt: vừa 1 năm, kìa đã 2 năm, đã 10 năm rồi... nhưng cùng lúc, ta sống với đau khổ trong lòng từng ngày, từng ngày dài lê thê...
Cho nên thi nhân phải cố gượng (tự cưỡng) uống trôi chén rượu, để quên nỗi buồn nhớ thương nhà (theo bài thơ viết ra), nhưng chưa hẳn thế.
3) Thính Vũ *

 聽  雨

寂 寞 幽 齋 裏      終 宵 聽 雨 聲
蕭 騷 驚 客 枕      點 滴 數 殘 更
隔 竹 敲 窗 密      和 鐘 入 夢 清
吟 餘 渾 不 寐      斷 續 到 天 明

Phiên âm:

Tịch mịch u trai lý
Chung tiêu thính vũ thanh
Tiêu tao kinh khách chẩm
Điểm tích sổ tàn canh
Cách trúc sao song mật
Hòa chung nhập mộng thanh
Ngâm dư hồn bất mị
Đoạn tục đáo thiên minh

Thơ dịch:

Nghe Mưa

Phòng trai tịch mịch tối
Suốt đêm nghe mưa rơi
Khẽ lay động gối khách
Tí tách điểm canh dài
Cách trúc gõ cửa mật
Cùng chuông ngân mộng ai
Ngâm thơ rồi chẳng ngủ
Chập chờn tới sáng mai

Bình chú:
Từ xa tới gần, từ ngoài vào trong tâm tư tác giả đang nghe mưa.
Bài thơ đã tiến tới sự kín đáo tinh vi sâu thẳm của ý thức, vô thức... của một vị trí thức cao tuyệt của Đại Việt cổ đại. Ta hãy lắng nghe... hãy lắng nghe:
Thoạt đầu tiếng mưa nhẹ nhàng thanh tao khẽ lay động gối thi nhân, như nhủ như gọi.
Từng giọt nước thánh thót đều đều điểm canh, canh tàn, canh mới... đi sâu dần vào đêm.
Tới câu 5, bất ngờ tiếng mưa đi sâu nữa, sâu nữa... tới chữ "mật" kỳ đặc, gõ vào nơi những niềm u uẩn hãy còn giữ kín chưa hề ngỏ. Câu thơ của Nguyễn Trãi thật đẹp:
Cách trúc sao song mật (  = mật = giữ kín, đông đúc, dày đặc)
Cách trúc gõ cửa mật
Cửa sổ, "song mật" của Nguyễn Trãi, không phải cửa thường, nơi đó chính là cõi lòng thi nhân, là tâm hồn thi nhân.
Nhưng tại sao muốn gõ vào được chiếc cửa đóng nghiêm mật đó, chạm được tới những niềm u uẩn giữ kín trong đáy lòng người viết đó, giọt mưa phải "qua trúc"? Bởi vì mưa chỉ là vật chất, làm sao động được tới, gõ được đến "cửa mật" là tinh thần! Cho nên mưa phải nhờ "trúc" ở giữa làm giao môi. Trúc ở đây không mang tính cách trang trí cho câu thơ, mà xây dựng cho sự hoàn mỹ của ý tưởng.
Câu 6 tiếp theo:
Hòa chung nhập mộng thanh - Cùng chuông ngân mộng ai
Cũng vậy muốn vào được, xâm nhập được giấc mộng thi nhân, tới tận miền vô thức, giọt mưa phải hòa vào tiếng chuông, cùng chuông mang âm thanh nhập vào vô thức mộng.
Thế là từ những tiếng mưa rơi phơn phớt bên ngoài gối, làm quen với người, thi nhân đã để hạt mưa rì rầm đi sâu dần vào tâm tình sâu kín của mình, ông mở tung cõi lòng cho mưa ngao du tới cả giấc mộng ngoài ý thức trong bốn câu thơ tả tiếng mưa.
Hình như nói ra được niềm u uẩn khó nói xong, người thơ cảm thấy nhẹ lòng, trở dậy ngâm thơ không ngủ.
Thế là từ nghe mưa, Nguyễn Trãi chuyển sang ngâm thơ trong tiếng mưa, hòa mình vào tiếng mưa, không còn phân biệt chủ thể hay khách thể, là người nghe mưa hay giọt mưa rơi nữa.
Cho nên câu cuối thi nhân không xác định chủ ngữ: Hai chữ đứt nối (đoạn tục) vừa cho người chập chờn thức ngủ, vừa cho hạt mưa rơi rơi tạnh tạnh... suốt đêm.
Thời gian ở Đông Quan này là thời kỳ rất đau buồn của Nguyễn Trãi, khi nước mất nhà tan, cha, em đang sống đày ải trên đất giặc, riêng ông bị giam lỏng giữa quân thù.
Nhìn quê hương đang bị đô hộ dưới "gót giầy của những kẻ xâm lăng", nhưng nhà thơ không được nói ra nỗi đau của mình. Giữa quân thù, ông phải chôn dấu tâm sự, dấu cái đau mất nước đi, vì phải nhớ: "Không bao giờ được chết", phải giữ thân còn, để phục thù.
Trong bài Thanh Minh, có thể nào Nguyễn Trãi cố uống trôi chén rượu Thanh Minh chỉ để quên nỗi nhớ nhà? Trong lúc hận nước đang sâu nặng hơn bao giờ, đang bàng bạc trong từng lời thơ, đau nhức trong từng sự việc không được đi tảo mộ tổ tiên, và cả gia đình thân thiết đều chết sạch? Không, chắc chắn thi nhân đang dấu kín tâm sự thật của mình dưới "nỗi nhớ nhà"
Trong bài thơ Thính Vũ, thi nhân đã cất dấu tất cả trong "song mật" kín đáo vô song. Bài thơ này có thể nói, tinh tế, sâu thẳm và buồn da diết nhất của ông.
Thế rồi Nguyễn Trãi tìm được cách trốn khỏi Đông Quan, chúng ta không có tài liệu nào về việc này, nhưng mừng thay, ông đã thoát cũi sổ lồng:
II) Thoát khỏi Đông Quan

Trong phòng tối, quạnh quẽ, Nguyễn Trãi nằm nghe tiếng mưa đêm. Đây là một bài thơ "Nghe mưa", nên sau hai câu mở đề, mỗi câu thơ đều tả tiếng mưa rơi

Sau mười năm sống dưới nanh vuốt của giặc, Nguyễn Trãi tìm được tự do, ông về thăm ngay Côn Sơn, lòng tràn đầy cảm xúc. Côn Sơn là đất vua nhà Trần xưa phong cho ông ngoại của Nguyễn Trãi, đại tướng vương gia Trần Nguyên Đán, vì chiến công lớn trong chiến thắng chống giặc Nguyên xâm lấn nước ta thế kỷ trước. Thuở nhỏ Nguyễn Trãi sống với mẹ và ông ngoại ở Thăng Long, và Côn Sơn, tới khi ông ngoại mất. Suốt mười lăm năm trẻ dại được ông ngoại yêu thương dậy dỗ, do đó Nguyễn Trãi ngoài văn chương chữ nghĩa vượt bực còn thêm sự hiểu biết uyên bác về binh pháp. Thi nhân yêu quý Côn Sơn, quê hương tâm linh của mình với phong cảnh núi rừng tuyệt thú.
1) Loạn Hậu Đáo Côn Sơn Cảm Tác 

亂 後 到 崑 山 感 作

一 別 家 山 恰 十 年          歸 來 松 菊 半 翛 然
林 泉 有 約 那 堪 負          塵 土 低 頭 只 自 憐
鄉 里 纜 過 如 夢 到          干 戈 未 息 幸 身 全
何 時 結 屋 雲 峰 下          汲 澗 烹 茶 枕 石 眠

Phiên âm:

Nhất biệt gia sơn kháp thập niên, 
Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên. 
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ, 
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên
Hương lý tài qua như mộng đáo, 
Can qua vị tức hạnh thân tuyền (toàn)
Hà thời kết ốc vân phong hạ,
Cấp giản phanh trà, chẩm thạch miên.

Thơ dịch:

Trở về Côn Sơn sau loạn cảm tác

Mười năm xa nước non nhà
Trở về tùng cúc hoang vu nửa rồi
Hẹn suối rừng, đành phụ thôi
Cúi nhìn đất cát, hỡi ơi, thương mình
Thăm quê hương, như mộng hình
Chưa xong giặc giã, phước lành còn ta
Khi nao dưới núi dựng nhà
Đầu kê gối đá, trà pha nước nguồn?

Bình chú:
Về Côn Sơn lần này, núi nhà hoang vắng, cây cỏ điêu tàn, người thân thiết chẳng còn một ai. Xưa kia đã ước hẹn về đây sống, nhưng vẫn phải dứt áo ra đi.
Ông viết những câu tâm sự thật sâu:
Câu 4: Trần thổ, đê đầu chỉ tự liên. Cúi nhìn đất cát, đó là nhìn gốc rễ đất nước của mình, còn trong tay giặc, thi sĩ thấy thương thân phận mình, thương dân mình thấm thía.
Câu 5: Về thăm nhà, chỉ đi thoáng qua như trong mộng, (rồi lại lên đường lo phục quốc)
Câu 6: Giặc giã chưa hết, chúng còn đang dẫm nát đất nước, may phước mà ta còn thân này (để chiến đấu).
Không biết bao giờ lấy lại được đất nước cha ông. Khi đó, dựng nhà chân núi, gối đầu lên đá ngủ, lấy nước suối pha trà...
Nghe danh Lê Lợi ở Thanh Hóa Nguyễn Trãi dùng đường thủy đi về phía nam trên hệ thống sông ngòi dầy đặc của Bắc Việt và biển Đông, vì trên bộ quân thù chiếm đóng. Thuyền qua Thần Phù, Lâm Cảng rồi Long Đại Nham. Dấu vết còn trong thơ ông:
2) Thần Phù Hải Khẩu

神 符 海 口

故 國 歸 心 落 雁 邊,
秋 風 一 葉 海 門 船 。
鯨 噴 浪 吼 雷 南 北,
槊 擁 山 連 玉 後 前 。
天 地 多 情 恢 巨 浸,
勳 名 此 會 想 當 年 。
日 斜 倚 棹 滄 茫 立,
冉 冉 寒 江 起 暮 煙 。

Phiên âm:

Cố quốc quy tâm lạc nhạn biên
Thu phong nhất diệp hải môn thuyền
Kình phun lãng hống lôi nam bắc
Sóc ủng sơn liên ngọc hậu tiền
Thiên địa đa tình khôi cự tẩm
Huân danh thử hội tưởng đương niên
Nhật tà ỷ trạo thương mang lập
Nhiễm nhiễm hàn giang khởi mộ yên

Thơ dịch:

Cửa biển Thần Phù

Lòng quê theo cánh nhạn chân trời
Cửa biển gió dồn chiếc lá bơi
Kình quẫy sóng gầm nam bắc sấm
Núi bầy sóc ngọc trước sau ngời
Vịnh sâu mang nặng tình trời đất
Thuở ấy nêu danh, tưởng tới thời.
Chiều lạnh tựa thuyền, ôi bát ngát
Khói sông ngùn ngụt bốc mù khơi

Bình chú:
Nguyễn Trãi đi chiếc thuyền nhỏ qua cửa biển Thần Phù, một hải khẩu thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Nhìn nhạn cuối chân trời xót thương đất nước. Thi nhân đứng trên đất nước mình, mà nhớ thương nước cũ (cố quốc):
Ngoài biển, cá kình bơi nhẩy, sóng dậy ầm ầm hùng vĩ như sấm động khắp nơi.
Núi chìa ra những cột đá nhọn như ngọn giáo bằng ngọc khoe nơi hiểm yếu.
Trời đất cho ta vịnh to núi lớn, mênh mông...
Ngày xưa Ngô Quyền, rồi Trần Hưng Đạo... đã nêu danh lập công đuổi giặc, tưởng tượng giờ đây cũng làm được như vậy, cũng diệt được quân thù.
Ôi cửa biển bao la bát ngát trước mắt, khói chiều sông lạnh đang ngùn ngụt bốc lên hun đúc chí khí anh hùng.
Thế rồi, Nguyễn Trãi thấy Núi Chứa Rồng
3) Long Đại Nham

龍 袋 岩

去年虎穴我曾窺   ....龍袋今觀石窟奇
鱉負出山山有洞    ....鯨遊 塞海海為池
壺中日月天難老    ....世上英雄此一時
黎范風流嗟漸遠    ....青苔半蝕壁間詩

Phiên âm:

Khứ niên hổ huyệt ngã tằng khuy,
Long Đại kim quan thạch quật kỳ.
Ngao phụ xuất sơn, sơn hữu động,
Kình du tắc hải, hải vi trì.
Hồ trung nhật nguyệt thiên nan lão,
Thế thượng anh hùng thử nhất thì.
Lê, Phạm phong lưu ta tiệm viễn
Thanh đài bán thực bích gian thi.

Thơ dịch:

Núi Long Đại

Năm xưa hổ huyệt trộm tìm coi
Long Đại nay hang động lạ đời
Ngao đội núi lên, núi chứa động
Kình bơi ngoài biển, biển ao khơi
Bầu trời, nhật nguyệt không già lão
Cõi thế anh hùng một thuở thôi
Lê Phạm tiếng thơm xa đó nhỉ
Bài thơ trên vách, nửa rêu rồi.

Bình chú:
Hổ huyệt: ý nói chỗ quân Minh đóng quân ở Đông Quan, chắc chắn là chúng không muốn ai dòm ngó, vì vậy Nguyễn Trãi đã phải do thám "trộm nhìn" ( 窺 = khuy) từ trước
Long Đại: Núi rồng = núi chứa rồng = núi Hàm Rồng ở Thanh Hóa, ý nói chỗ khởi nghĩa của Lê Lợi.
Nguyễn Trãi tìm hiểu đất đai vùng Núi Hàm Rồng.
Có trời trăng chiếu dọi, anh hùng sẽ thành công.
Hai câu kết: Nguyễn Trãi muốn nhắc dân chúng: Bây giờ là lúc: "Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung:
Những chuyện phong lưu nổi tiếng cũ của Lê Quát và Phạm Sư Mạnh, hai học trò rất giỏi của Chu văn An, đã qua rồi, thơ phú viết trên tường chỉ để rêu mọc thôi.
Lịch sử viết tiếp rằng: Nguyễn Trãi cùng em họ là Trần Nguyên Hãn đến núi Lam Sơn Thanh Hóa gập Lê Lợi. Ông dâng cuốn Bình Ngô Sách, kế hoạch diệt giặc Minh của mình. Lê Lợi vui mừng đón nhận. Nguyễn Trãi trở thành người quân sư quan trọng nhất, người có công đầu trong cuộc chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh.
Cuộc khởi nghĩa Lê Lợi, Nguyễn Trãi thành công vẻ vang năm 1427.
Phạm Thảo Nguyên
Theo https://www.lienphathoi.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...