Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Xuân Diệu, nhà thơ đồng tính luyến ái

Xuân Diệu, nhà thơ đồng tính luyến ái

Sau mấy tháng giận nhau, vì trong gia đình có sự bất đồng chính kiến, sáng nay bà mẹ nuôi tôi nhắn tôi xuống. Chắc có chuyện cần. Vừa tới ngõ tôi thấy nơi sân trước, dượng Hồ Cũ, đời chồng sau của mẹ tôi, đang ôm hôn ríu rít một người đàn ông lạ mặt. Mẹ tôi thì đứng bên cạnh, như chờ đến lượt mình, miệng cười cười nói nói huyên thiên.
Để họ khỏi bận tâm, tôi chạy lủi chiếc xe Honda ba bánh vào đậu ở góc vườn, dưới bóng râm của giàn mướp, rồi ngồi nhìn vu vơ.
Vị khách kia là ai, liên hệ thế nào, mà cử chỉ ba người rất hồ hởi, bày đặt ôm nhau nâng nựng theo kiểu cách chủ nghĩa xã hội miền Bắc?
- Lâu quá, mình nhớ Diệu hết sức!
Nhân vật tên Diệu, tuổi trạc 60, dáng thấp, hơi mập, trắng trẻo, choàng tay lên vai dượng Cũ:
- Diệu cũng nhớ Cũ lắm? Ông bà được mấy cháu?
Dượng Cũ cười hì hì:
- Chỉ hai trai thôi. Sao biết nhà ở đây?
- Diệu từ Hà Nội vào công tác, vừa ghé thăm đồng chí Hồ Nghênh, Chủ tịch ủy Ban Quân Quản Đà Nẵng, cũng để xin địa chỉ Cũ.
Mẹ tôi lấy miếng thuốc rê trong miệng ra và nhổ bãi nước trầu xuống gốc cây vạn thọ xong, bà quay nhìn vị khách:
- Mấy năm chiến tranh, tụi tôi nhiều lần tìm cách liên lạc ra Bắc hỏi thăm Diệu nhưng bọn địch trong này quá ác ôn…
Chợt nhớ tôi dưới giàn mướp, mẹ bỏ lửng câu nói xấu chế độ cũ miền Nam. Rồi cả ba dìu nhau vào nhà, khép kín cửa. Quả thật tôi là cái gai nhọn của gia đình.
Nghe cách xưng hô Diệu Diệu, Cũ Cũ, tôi có cảm tưởng họ đang sống lại thời son trẻ. Buồn tình tôi trở về, nằm duỗi dài trên giường, suy nghĩ lung tung.
Tức quá, sáng sớm hôm sau dù sương mù còn dày đặc, tôi vội chạy đến dừng xe ngay trước cửa. Tôi cung kính cúi đầu chào ba người đang trò chuyện nơi bàn giữa, và lết vào kéo ghế ngồi kế vị khách tên Diệu.
Mẹ tôi cười đưa:
- Hôm qua bận rộn me quên giới thiệu, đây là cậu Diệu ở Hà Nội về thăm.
Sẵn bực mình lẫn thành kiến từ lâu với những tên tập kết theo giặc, nay hồi kết, tôi cố tình giọng nhựa nhựa:
- Có gì quan trọng đâu me!
Biết tôi nổi quạu, không chú tâm tới ông “cậu” ngoài Bắc về, mà ai cũng muốn tôi phải tay bắt mặt mừng, nên dượng Cũ nói:
- Thi sĩ Xuân Diệu đó Vân! …
Tôi giật mình. Cụm từ vỏn vẹn có bốn tiếng nghe rất xa xăm, thuở học trò còn mơ mộng, nay bỗng dưng như có thần lực thúc đẩy, tôi xoay qua vừa nở nụ cười vừa nắm chặt tay ông một cách tự nhiên:
- Hân hạnh được gặp cậu. Thì ra… cậu là Xuân Diệu, Ngô Xuân Diệu. Vậy mà mẹ cháu chẳng hề nhắc tới.
Nhà thơ có tên tuổi trong văn học vỗ vai tôi:
- Vân là gì của Cũ và chị Ba nhỉ?
Dượng Cũ đáp:
- Con riêng đời chồng trước của nhà Cũ…
Mẹ tôi xen vào:
- Để khi nào tôi kể rõ Diệu nghe, chuyện dài dòng lắm? Đại khái tôi với ba nó thôi nhau, sau ảnh chết, còn Vân lưu lạc hồi nhỏ. Đến năm 1970, hai mẹ con gặp lại tại Đà Nẵng, thì Vân đã là lính “ngụy” rồi. Cứng đầu lắm, không ai nói nó nghe.
Cứng đầu, tôi cứng đầu việc gì chứ? Bà nói tắt ngang làm Xuân Diệu chau mày. Câu chuyện mẹ vừa kể quá “đại khái”, thoạt nghe như bản tóm lược từ một truyện tiểu thuyết ly kỳ. Chắc bà muốn lấy lòng người em theo Cộng Sản, mà em bà con ra sao tôi chẳng rõ. Mới mất nước một năm, mẹ đã tiêm nhiễm quá nhanh, bắt chước thiên hạ hay dùng tiếng “ngụy”, ngụy quân, ngụy quyền, nhàm chán!
Xuân Diệu nãy giờ ngồi dựa ngửa, tay khoanh trước ngực, đưa mắt nhìn quanh căn phòng, và nghe mẹ nói tôi cứng đầu, tác giả tập thơ tình bất hủ “Gởi Hương Cho Gió”, ấn nhẹ cặp kính trắng gọng vàng sát sống mũi rồi hỏi tôi bằng một giọng miền Trung nhài nhại tiếng Bắc:
- Vân sao cụt chân?
- Dạ, cháu là phế binh chế độ cũ…
- Quân hàm và lính gì?
Đã đoán trước sẽ có câu hỏi đó, thói quen của Cộng Sản, tôi đáp ngay:
- Trung úy Biệt Động Quân.
Xuân Diệu mủm mỉm:
- Biệt Động Quân, lính thế nào?
Tôi đang phân vân, chưa biết giải thích sao cho phải lẽ thì dượng Hồ Cũ, vốn dĩ ghét cay ghét đắng binh chủng này, vội cướp thời cơ nói hớt, buộc miệng xen vào lảng xẹt:
- Loại lính đội mũ nâu, áo quần rằn ri, mang cái đầu cọp nhe răng, dữ lắm!
Xuân Diệu le lưỡi:
- Thế à, chỉ mang cái đầu, còn thân mình đâu?
Bị nhà thơ lãng mạn hỏi móc họng, tôi ác cảm xỏ lại:
- Cậu không biết à? Một giống cọp miền Nam chỉ thích xé nát đối thủ, không thèm ăn, nên chẳng cần bụng.
Tôi vừa dứt lời mọi người cười rồ lên. Chú em tên Hồ Trí, cùng mẹ khác cha, đang ngồi trên giường nơi góc nhà, cũng hả họng. Họ cười phả lấp, cốt để tôi bớt giận, nhưng sẵn trớn tôi phang tiếp:
- Nhiều khi cọp còn ba chân vẫn rượt chạy trối chết hàng trăm thằng. Dượng mẹ cháu biết mà !
Dượng Cũ ngoảnh mặt ra sân, nhìn ngọn núi bên thác Gu-ga. Chắc không ai hiểu ý tôi mượn câu chuyện Tiểu đoàn 42 Biệt Động, chỉ còn ba đại đội đánh tan một tiểu đoàn Cộng quân, khi phá vỡ ổ phục kích của chúng. Vì chiến thắng lừng lẫy đó, đơn vị được tặng biệt danh “Cọp Ba Chân” hay “Cọp Ba Đầu Rằn”, mà về sau, kẻ thù nghe đến là khiếp đởm. Tôi muốn nhắc khéo thêm vụ tái chiếm Sa Huỳnh, Quảng Ngãi 1973. Dượng Cũ biết rõ. Liên đoàn 1 Biệt Động Quân chúng tôi đã đuổi chạy dài hai trung đoàn Cộng Sản Bắc Việt khỏi trận địa, bỏ lại hàng ngàn xác chết quanh bờ đầm Nước Mặn Sa Huỳnh…
Thấy tôi dễ nổi nóng khi bị nói xấc, Xuân Diệu nhẹ nhàng hỏi lảng sang vấn đề khác:
- Vân được mấy cháu nhỉ?
- Sáu đứa, cậu!
Xuân Diệu lắc đầu:
- Miền Nam sanh đẻ quá “tiêu chuẩn”. Tương lai kế hoạch gia đình sẽ được áp dụng triệt để. Đó là chính sách hàng đầu của Đảng và nhà nước đem lại hạnh phúc cho nhân dân, như ở Hungary, Bulgaria… mà Diệu đã đi thăm.
Xuân Diệu nói về cai đẻ một cách say mê, không ngượng miệng. Mẹ tôi nhà dưới xách ấm nước lên vừa châm trà vừa hỏi Xuân Diệu:
- Diệu bây giờ công tác ở bộ nào?
- Bên kế hoạch gia đình.
Tôi vờ ngạc nhiên:
- Thường thì đảng viên lâu năm được nắm chức vụ lớn, quan trọng. Cậu là một thi sĩ danh tiếng, theo Bác và Đảng từ đời nào tới giờ, sao lại làm bên ngành đó? Việc kế hoạch gia đình để giới phụ nữ họ lo chứ?
Bị tôi chê, ông khó chịu:
- Vân không biết. Đó cũng là một phần vụ quan trọng…
Xuân Diệu ngưng, đưa tách trà lên miệng hớp một ngụm xong, ông hạ giọng nói khe khẽ, như để mình tôi nghe:
- Cậu đi làm cách mạng, chứ không theo Cộng Sản. Tuổi Đảng đâu cậu giữ chức vụ lớn?
Tôi khẽ cười và nhủ thầm: “Vào đảng cướp đó cho đắc tội à?” Dượng Hồ Cũ nắm được ý người bạn cố tri, mặt dượng hơi nhăn, ra chiều suy nghĩ một giây lâu mới hỏi:
- Sao vậy, Diệu?
Nhà thơ lặng thinh, không một thoáng buồn.
Thật khó tin. Lý gì ông chối bỏ cái chủ nghĩa Marxist ông đã đeo đuổi phụng sự suốt 40 năm nay? Hay Xuân Diệu, thời trai trẻ, hẳn đã đem lòng nhiệt huyết tham gia các phong trào cách mạng dân tộc, thật sự bài phong đả thực, như bao nhà ái quốc khác Nhưng vì mẻ lưới trí trá của Cộng Sản bủa xuống cuộc đời người thi sĩ tài hoa từ khi rời bỏ xứ mẹ Vạn Gò Bồi, Bình Định, theo cha về quê nội Thanh Hóa, 1937. Tôi không rõ thật hư thế nào, chứ nơi đây có gì đáng ngại ông phải phủ nhận quá trình hoạt động suốt thời gian ông ngoài Bắc, đang lúc biết bao tay mơ, gió chiều nào xoay chiều đó.
Qua những lời tâm sự của Xuân Diệu tôi đổi hẳn thái độ, không những hết thành kiến, còn kính mến, thông cảm ông một thời sống dưới chế độ hà khắc, bất nhân. Tôi tiếp tục gợi lòng trắc ẩn nơi ông:
- Thường thì ai cũng muốn người thân có chức phận. Tài thơ cậu đâu thua kém Tố Hữu?…
- Tài là một việc, tư tưởng trong các tác phẩm mới đáng kể. Khác với Tố Hữu, thi ca chẳng giúp cậu có địa vị, vì cậu không chịu được gò bó. Người ta cho cậu là thi sĩ lãng mạn. Nếu thật, thì càng không thể đóng khung cậu ở bất cứ lãnh vực nào.
Thấy ông cởi mở tôi lạm bàn qua thơ:
- Một nhà thơ lớn từ tiền chiến như cậu, tới nay, chắc còn mãi mãi, được rất nhiều giới độc giả say mê những thi phẩm ngày xưa của cậu. Thế suốt thời gian ngoài Bắc, cậu Diệu có viết bài nào thuộc sở trường trữ tình nữa không?
Ông tháo đôi kiếng xuống, vừa lấy vạt áo lau bụi vừa đáp:
- Thỉnh thoảng thôi. Nếu giữ mãi cái “sở trường” như Vân nói thì tai hại lắm. Năm 1961, cậu làm bài “Biển”. Một lần đi bình bài thơ này, cậu được đãi ăn bữa cháo gà. Chiều cậu sẽ chép tặng Thy Vân.
Tôi lắc đầu:
- Sao buồn vậy cậu? Mười lăm năm chỉ làm được một bài thơ tình ?
Mặt trời đã lên cao, chắc đói bụng nên Xuân Diệu muốn nhắc khéo cơm nước chăng? Hay ông thèm một bữa thịt gà thơm phức khi thấy một bầy gà trống lẫn mái ú nú đang nhởn nhơ rỉa cỏ ngoài sân? Sau 20 năm chia đôi đất nước, lần đầu tiên, từ nơi xơ xác về nhìn lại miền Nam trù phú, Xuân Diệu tuy không nói ra chứ trong lòng ngây ngất. Lúc sáng, mẹ tôi làm cho Xuân Diệu một tô mì cua, ông xuýt xoa bảo để dành trưa ăn với cơm. Là thi nhân, tâm tình có khác, đậm đà, chan chứa, nó cũng nhạy cảm làm sao! Hẳn Xuân Diệu đã rõ cuộc chiến vừa qua, ai giải phóng ai? Buồn ơi là buồn?
Vì sao bài thơ “Biển” Xuân Diệu được đãi ăn cháo gà để ông nhớ mãi? Tất cả văn nghệ sĩ ngoài Bắc đều học tập, sáng tác phải theo giáo điều là ca ngợi Đảng, khích động toàn dân hận thù “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, đánh tới độ ai cũng chán ngấy. Bài “Biển” chắc mang một sắc thái mới, mới trong cái cũ của Xuân Diệu, vẫn thứ tình yêu lãng mạn, như giữa thập niên 30, nên được bữa cháo gà, một tiểu gia súc rẻ rề trong Nam, nhưng quí như con bò ngoài Bắc.
Dượng Cũ bảo mẹ tôi đi chợ Phú Hội gần đó để mua thức ăn. Trước khi ra khỏi nhà, mẹ nhắc Xuân Diệu:
- Hôm qua Diệu nói muốn xem thác Gu-ga. Kìa, Vân đưa Diệu đi. Thác gần đây, rồi về ăn cơm trưa.
Xuân Diệu cười:
- Diệu vào Nam chỉ mục đích thăm gia đình và Gu-ga.
Bà quay qua tôi:
- Con lấy Honda ba bánh chở cậu. Coi cẩn thận!
Tôi ra trước nhà. Xuân Diệu bước theo, đứng ngắm nghía chiếc Honda Sport, 72 phân khối, thấp nhỏ, màu xanh nước biển bóng láng. Xe được biến cải ba bánh, cỡ niền Spring, có thể chở thêm hai người nặng tổng cộng 200 ký lô, và chạy 60 cây số một giờ. Do đó, dù cụt hai chân tôi vẫn bay vùn vụt, tỉnh này sang tỉnh nọ, từng phóng lên đèo Hải Vân ra Huế, từ Đà Lạt đổ dốc theo Quốc lộ 20 vào Sài Gòn, và ngược lại. Con “Rồng” của tôi cũng bao phen chọc tức tụi bộ đội ngồi chồm hỗm bên đường, nó thổi tung bụi bặm lẫn khói đen mù mịt, chúng gầm gừ: “Mẹ, bọn ngụy lắm kiểu xe!”.
Xuân Diệu dán mắt vào chiếc Honda đang rực rỡ:
- Chở cậu được chứ nhỉ?
- Dư sức qua cầu. Nhờ con “Rồng” xanh vĩ đại này, cháu hiên ngang đi khắp nơi…
- Chớ nói “vĩ đại”, hai chữ này đặc biệt chỉ được kèm sau tên Bác!
- Vậy sao, chỉ đi kèm theo tên Hồ Chí Minh?
Xuân Diệu rống to:
- Hai chữ nằm kế sau tên Bác! Nghe chưa? Không có nói trổng trổng Hồ Chí Minh. Coi chừng người ta ghép tội…
Tôi vờ nhún vai:
- Khó ghê nhỉ?
- Khó thì phải tập! Tập ăn, tập nói cho thích hợp với chủ trương, đường lối.
- Ok, cậu ngồi “kèm” sau đây, hai chân bỏ một bên, lên vị trí này, tay nắm chặt khung sắt dựa lưng…
Tôi chỉ các chỗ cần thiết. Xuân Diệu se sẽ ngồi xuống như sợ chiếc xe nó cắn.
- Vân rành đường đến Gu-ga không?
- Cháu là ông Thổ Địa. Thác nằm phía trước nhà cháu.
Xong, tôi nổ máy. Ra khỏi ngõ tôi tà tà chạy trên Quốc lộ 20 cũ, đầy ổ gà. Nhiều người với mặt tư tự lũ lượt đi ngược chiều về hướng trụ sở xã Phú Hội. Hôm nay, nếu không có ông “cậu”, chắc tôi cũng đến hội trường nghe cán bộ huyện nói việc thành lập “hợp tác xã lao động”. Tôi đã dự một buổi họp khởi đầu. Rồi đây chúng sẽ sung công đất đai, trâu bò, cả máy móc sản xuất của tư nhân, và bắt dân làm ăn tập thể. Cứ mỗi buổi sáng một hồi kiểng thúc mọi người vác cuốc ra đồng, chiều một hồi kiểng tả tơi quay về, áp dụng giống các vùng “kinh tế mới”. Mặt ai nấy xanh dờn…
- Sao im lặng thế?
Xuân Diệu hỏi, tôi giật mình:
- À, cháu đang nghĩ thiên hạ sắp thành lập hợp tác xã lao động. Nghe đâu Đảng sẽ tái diễn vụ “Cải Cách Ruộng Đất” rất ác liệt như ở ngoài Bắc những năm 1953-1956. Lần này, không những tiếp tục triệt hạ địa chủ, họ còn bóp họng luôn giới “tư sản mại bản”. Nghĩa là làm cho dân chúng miền Nam phải tàn mạt mới thôi. Một bộ đội Sư 304 kể, ông nội chú bị giết vì tội nhà hơi khá, chứ của cải không bao nhiêu. Phải chi ruộng vườn cò bay thẳng cánh cho đành. Đó là vật chất, tinh thần cũng sẽ tắt tiếng. Bằng cớ sách báo quý giá thời chế độ trước họ đã tịch thu hết. Rồi cũng sẽ đến “Trăm hoa héo tàn” cho giới văn học như sự cố Nhân Văn Giai Phẩm 1956-57 đó, cậu Diệu? Ông dượng Cũ có đưa cháu một đống sách, quyển nào quyển nấy dày cộm, viết về Karl Marx, Lénine, Engel và có cả sách ca ngợi ông Bác nữa… Đọc chết luôn?
Xuân Diệu đập vai tôi:
- “Ông” Bác nào?
- Bác Hồ !
- Tầm bậy! Bác là Bác, chứ “ông” gì trong đó? Chị Ba nói đúng : Vân ngang bướng thật ! . . .
Tôi lắc đầu:
- Không biết hoàn cảnh tàn phế như cháu sẽ ra sao. Chắc đói. Hoan hô chủ nghĩa xã hội, cậu Diệu hả?
- Đừng có hoan hô tầm bậy giữa đường họ cười và đề cập đến mấy chuyện cấm kỵ đó!
- Cấm cái gì, cậu?
- Vụ “Cải Cách Ruộng Đất” và “Nhân Văn Giai Phẩm”.
Quở xong, ông hạ giọng tâm sự:
- Vân biết không, 40 năm trước thân sinh cậu kể ông có đi thăm Gu-ga, cậu ao ước lắm…
- Sao mấy lúc cậu không thăm?
- Ở ngoài Bắc làm sao đi, hỏi ngớ ngẩn?
Tô cười hì hì:
- Kìa, cậu nhìn bên trái, dòng sông thơ mộng khởi nguồn từ một hồ nước thiên nhiên mênh mông, cao lừng trời tại Đa Nhim, quận Đơn Dương, phía đông thành phố Đà Lạt. Trước khi chảy nhập vào sông Đồng Nai, nó băng qua Liên Khương tạo thành thác Liên Khàng, không mấy hùng vĩ, nhưng khi tới ngang đây thì đổ quặp xuống một trũng sâu, dốc đứng là Gu-ga. Cậu nghe không? Tiếng thác đang ì ầm với bụi nước tung cao như màn sương trước mặt. Cậu Diệu sẽ tha hồ ngắm và làm thơ.
Ông cậu thi sĩ cười khật khật:
- Bảo làm thơ mà Vân tả cảnh dùng chữ “quặp”, làm mất hứng. Sao không nói “trúc” hoặc “trút” có hay hơn không?
Tôi cười:
- Hay lắm! Lát nữa cậu “trút”, nghen!
Tới ngã ba tôi rẽ trái, theo con đường đất đỏ ngoằn ngoèo vào đậu xe gần bờ dốc cuối mỏm. Xuân Diệu đi nhón người đến nhìn cây nước khổng lồ như điên cuồng nhào lộn xuống vực sâu, xoáy tròn, trắng xóa…
Ông reo lên:
- Đẹp quá Vân ơi! Coi chừng, đừng lết ra nữa, đất sụp!
Tôi ôm chặt một gốc cây bên mép đồi:
- Cậu Diệu tới chỗ tảng đá to kìa, xem rõ hơn!
Tuy phong cảnh tuyệt vời, đẹp nhất Lâm Đồng, nhưng dân địa phương quen gọi Gu-ga là “ổ gà”. Lời nói trại này ẩn ý không tốt. Trước 1975, nơi đây xảy ra nhiều án mạng rùng rợn. Các cặp trai gái đến làm tình xong, có mấy nàng bị đạp xuống thác, hoặc tự tử. Mới tháng trước, một anh bộ đội một đơn vị của Sư 304 Cộng Sản Bắc Việt, đóng ở Đại Ninh, siết cổ một thiếu nữ miền Nam ném vào kẹt đá. Một chú Thượng R’chai ngồi câu cá cũng bị bắn vì nghi Fulro. Đa số chết bất đắc kỳ tử, nên các am miếu thờ trong khu vực Gu-ga này rất linh thiêng…
Tôi chưa dám kể mấy chuyện thuộc cõi trên như vậy cho người thi sĩ dư tim mà thiếu gan này nghe, chờ ông làm xong bài thơ.
Xuân Diệu nhìn say mê bức tường nước mãi gầm gừ vang động một góc núi. Chiếc áo trắng ông mặc nổi bật giữa rừng xanh. Tôi chưa thấy Nhà thơ cầm bút. Ông đứng ngắm hoài, thế đứng kỳ lạ, như anh lính bị phạt phơi nắng, đôi bàn tay đan nhau để sau gáy, hai cánh tay thì cung ra thành hình tam giác. Thỉnh thoảng mắt ông nheo lại, đầu gật gật, như đắc ý một điều gì.
Trời nắng kinh khủng, cái sọ muốn nứt, tôi định thúc giục thì đúng lúc ông lấy giấy bút hí hoáy viết. Bây giờ ông mới bắt đầu sáng tác.
- Chiều cao cây nước bao nhiêu thước, Vân?
- Chà, có đo đâu mà biết?
- Thì ước khoảng thôi!
- Khoảng trên dưới 30 mét!
Trả lời xong tôi nhủ thầm: “Làm thơ chứ đâu phải làm thợ mộc mà hỏi thước tấc nhỉ?”.
- Xong rồi, về!
- Lẹ vậy cậu?
Xuân Diệu im lặng, vừa quay lui vừa liếc nhìn cái am thờ cô gái bị siết cổ chết, nhang khói lạnh tanh, bên mé đồi.
Thấy mặt trời chưa đứng bóng, tôi chạy ngược lên hướng xóm Thượng Jirong Tambor, vòng qua đoạn Quốc lộ 20 mới, gần thôn Lam Sơn người Nùng, đế Xuân Diệu xem rừng bắp xa tắp chân trời phía tây. Xuân Diệu bảo dừng xe. Lần này ông ghi ghi chép chép rất nhanh vào quyển sổ.
Cơm trưa xong, nhân lúc gia đình đầy đủ, ngồi trò chuyện quanh bàn nước, Xuân Diệu nói:
- Mời Cũ, chị Ba, các cháu Vân, Tâm, Trí nghe Diệu đọc hai bài thơ. Trước hết, bài BẮP:
Ba cây số chiều ngang hương bắp
Hương đồng pha hăng hắc hương rừng
Phấn bắp tỏa ngạt ngào sức lực
Cờ bắp lay ngọn gió trong thung
Vừa tới cao nguyên rạo rực lòng
Lại say hoa bắp nắng vàng ong
Một mùa bắp mới xưa chưa thấy
Làm má non sông cũng ửng hồng.
Xuân Diệu
Phú Hội 13/06/1976
Đọc xong, tác giả cùng mọi người đều im lặng, chẳng ai ý kiến, khen hay chê. Tôi cũng vậy, dù cảm thấy mình như vừa bị cú sốc. Thưởng thức thơ của thi sĩ tài danh mà tưởng đâu tôi nghe một bài phóng sự chiến trường. Tôi muốn hỏi vì sao thơ ông “xuống cấp” dữ vậy. Ý thơ không do sự rung động của con tim, chỉ là tiếng cào cuộn từ bao tử đói phát ra thành lời. Câu đầu của bài, ông phang ngang, câu 3 khập khễnh…
Xuân Diệu vừa thầm thì bên tai dượng Cũ điều gì, vừa lật qua lật lại mấy trang giấy chằng chịt chữ, rồi ông đằng hắng:
- Để Diệu đọc bài THÁC GU-GA:
Đổ ào ào đổ Gu-ga
Sông Đa-Nhim đến đây òa thành bông
Thành tơ trắng xóa một vùng
Bạc tuôn đổ xuống vô cùng thời gian
Cao ba chục thước nước tràn
Ào ào binh mã nghe vang tháng ngày
Cây xanh, thác trắng, xinh thay
Chạy trời trên suối đổ mây sau rừng
Thác Gu-ga đó, tiếng lừng
Trong ta bừng dậy khí hùng thiên nhiên
Xuân Diệu
Gu-ga 13/06/1976
Lần này dượng Cũ mới trầm trồ:
- Hay! Dữ dội!
Nghe người bạn tri kỷ khen, Xuân Diệu cười mủm mỉm, đặt quyển sổ xuống bàn và đưa tách trà lên miệng.
Quả thật, thi sĩ Xuân Diệu đã tỉnh ngộ, sau hơn 30 năm sống dưới chế độ gian trá Cộng Sản. Liếc thấy chữ “giậy” ở câu chót, tôi hỏi:
- Hình như cậu Diệu viết lộn “dậy” thành “giậy”?
Mẹ tôi càu nhàu:
- Mày dám sửa thơ cậu mày?
- Chữ “giậy” nghĩa là gì? Thôi tiện đây, cậu chép cho bài “Biển” kẻo quên.
Xuân Diệu cúi mở cái cặp dưới chân rút ra tờ giấy:
- Đã có sẵn.
Tôi đưa hai tay đón nhận bài thơ. Tuồng chữ không nắn nót mà rất đẹp, trên góc trái có ghi một hàng chữ bằng mực xanh: “Chép tặng cháu Trần Thy Vân”. Tôi hãnh diện. Lần đầu tiên được đề tặng thơ với thủ bút của thi hào. Tự nhiên tôi ân hận vì chê chữ “giậy” vô nghĩa, và âm điệu bài “Bắp” như tiếng bắp rang, tiếng xe bò lộc cộc trên đường lởm chởm đá. Tôi đọc thầm bài thơ Xuân Diệu tặng:
BIỂN
Chép tặng cháu Trần Thy Vân
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê.
Bờ đẹp đẽ cát vàng
Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sông.
Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi.
Đã hôn rồi hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt.
Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm.
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm bể biếc
Để hát mãi bên ghành
Một tình chung không hết.
Để những khi bọt tung trắng xóa
Và gió về bay tỏa nơi nơi
Như hồn mãi ngàn năm không thỏa
Bởi yêu bờ lắm lắm em ơi
Xuân Diệu
1961
Tôi toát mồ hôi. Hèn chi ông được ăn cháo gà.
Thấy đã quá trưa, Dượng Cũ bảo Xuân Diệu:
- Diệu vào trong nghỉ chút, để chiều sang ủy Ban Xã với Cũ thăm mấy ông bạn già từ thời kháng chiến chống Pháp.
Xuân Diệu đẩy ghế đứng dậy, hai chú em Tâm và Trí rủ nhau ra xe đi chơi, còn dượng Cũ thì tới ngồi cạnh mẹ tôi nơi thường gần đó.
Mẹ tôi lằm bằm:
- Ông lên nằm với Diệu như ngày nào đi. Đêm qua ông ngủ dưới này Diệu ghen tôi, không thấy sao? Ghen cả đời !
Dượng Cũ vừa gượng cười vừa ôm gối đứng lên. Nghe bà nói vậy với nét mặt hai người kém vui, tôi rất đỗi ngạc nhiên. Chắc có chuyện u ám gì đây, hay mẹ tôi xỉn? Trưa chiều nào bà cũng làm vài cốc rượu trước bữa ăn. Nhậu thì không bao nhiêu mà hay lèm nhèm, thỉnh thoảng bà mới say lúy túy rồi ngủ, chứ không nói sảng. Chẳng hiểu hôm nay mắc chứng gì, hay bà nói lóng, cũng chưa hẳn vì lóng kiểu đó để tôi nghĩ là cậu Diệu yêu bà, “ông lên nằm với Diệu như ngày nào đi… ông ngủ dưới này Diệu ghen tôi, không thấy sao?”. Bà còn nhấn mạnh: “Ghen cả đời?”. Rõ ràng một tràng lời bạch văn, không mã hóa, cũng chẳng sáo ngữ, ẩn dụ.
Tôi phải hỏi cho ra lẽ. Tôi gấp bài thơ “Biển” đút vào túi, rồi lăn xe tới cạnh giường:
- Me ngủ chưa?
Bà hé mắt:
- Chưa.
- Hồi nãy me nói gì ghen với tương vậy?
- À chuyện Xuân Diệu ghen tao với dượng mày…
Tôi sửng sốt:
- Me đã bảo cậu Diệu là em me mà ?
Bà trợn mắt:
- Mày nghe lầm! Xuân Diệu yêu dượng mày, không phải yêu tao…
- Yêu dượng thì có sao, bạn bè…
- Mày không biết đâu! Hai ông kỳ cục lắm, lấy nhau như vợ chồng. Hồi xưa, khi bắt đầu quen dượng Hồ Cũ mày, Diệu đã ghen tao rồi.
Mẹ tôi nói toạc ra, tôi muốn độn thổ:
- Me làm như dượng với cậu đồng tính luyến ái…
- Chớ gì nữa? Chuyện này chỉ gia đình biết thôi.
Dượng Cũ nhà trên xuống, tỏ ý không vui:
- Mình nói cho Vân nghe làm chi?
- Nó lớn rồi…
Tính dượng Cũ hay nuông chiều mẹ tôi. Ông ngồi xuống bên cạnh bà:
- Vân muốn biết, để dịp khác dượng kể.
Không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng, tôi thưa ngay:
- Bây giờ là dịp tốt, dượng? Kìa, có cậu Diệu nữa.
Xuân Diệu uể oải đi thẳng tới cái bàn giữa, ông vừa kéo ghế ngồi vừa hỏi:
- Gì đấy, Cũ?
- Nhà tôi nhắc chuyện xưa giữa Diệu và Cũ.
Xuân Diệu lấy hai tay chống cằm, ngồi nhìn ra ngoài sân. Tôi rót ông một tách trà và nói như đã rõ hết nguồn cội cuộc tình phản thiên nhiên ấy:
- Tập thơ “Gởi Hương Cho Gió” của cậu vẫn được các nhà phát hành ở miền Nam tái bản, trong đó có bài “Xuân Đầu’, phía trên đề “Tặng Hồ Cũ’, nên có độc giả nghĩ rằng cậu với dượng Cũ đã một thời “đồng tính luyến ái”. Chuyện thiệt hư thế nào, cậu?
Xuân Diệu còn ngập ngừng, đang phân vân chưa biết trả lời sao, đột nhiên mẹ tôi choàng ngồi dậy, nổi máu… nghệ sĩ ngâm bài Xuân Đầu tôi vừa đề cập:
Khi Phạm Thái gặp Quỳnh Như thuở ấy
Khi chàng Kim vừa thấy nàng Kiều
Hỡi năm tháng vội đi làm quá khứ
Trở về đây, và đem trở về đây
Thiêng liêng quá những chiều không dám nói
Những tay e, những đầu gượng cúi nhau
Chim giữa nắng sao mà yêu đến chói
Ôi vô cùng trong một phút nhìn nhau…
- Ô, me hay quá !
Tôi trầm trồ khen, mẹ tôi khoái chí, bị kích động thì đúng hơn, lặp lại và kéo dài câu chót, như điệp khúc của một bản nhạc. “Điệp khúc” ở đây để bà tỏ ý còn ghen ngầm dượng Cũ với Xuân Diệu: “Ôi vô cùng trong một phút nhìn nhau”. Chuyện đã 40 năm trước vẫn tái diễn. Rồi bà mỉm cười, nụ cười uẩn khúc, mỉa mai. Thật ra bà đọc, không phải ngâm, tuy có lúc cũng lên bổng xuống trầm.
Bài thơ “Xuân Đầu” thật tuyệt vời đối với tôi từ thuở còn đi học, nay nghe lại những tiếng tơ lòng của Xuân Diệu, tôi vẫn thấy cảm động. Cảm động một phần do người đọc bằng giọng hờn dỗi, oán trách người em thi sĩ với kẻ được tặng thơ là chồng mình đang ngồi trước mặt - cuộc tình tay ba.
Mẹ tôi rầu rầu nói:
- Bài này chưa hay lắm đâu, còn một bài nữa… mới chết lòng người. Chết thật…
Tôi thích thú reo lên:
- Bài gì, me ngâm luôn!
Bà vờ làm nghiêm sắc mặt, liếc dượng Cũ:
- Bí mật? Thơ Diệu tặng riêng Hồ Cũ, tao không dám!
Chuyện xưa được gợi nhớ bất ngờ, Xuân Diệu thấm buồn, đôi mắt mơ màng nhìn qua cửa sổ. Dượng Cũ, vì câu nói mẹ tôi lôi cuốn cũng thả hồn về một khung trời dĩ vãng đầy ắp kỷ niệm. Môi ông run run:
- Lát nữa, dượng sẽ đọc bài thơ mà me của Vân bảo là bí mật, bây giờ dượng kể đại khái thế này…
Dượng liếc qua Xuân Diệu đang trầm ngâm:
- Hồi đó, 1936, dượng 24 tuổi, làm công chánh cho Pháp ở Quy Nhơn. Diệu thì 20, vừa hoàn tất ban thành chung, sắp ra Hà Nội học thi tú tài. Hai đứa gặp và quen nhau. Một đêm nọ, đến chơi thường lệ, nhưng lần này Diệu cao hứng hát hoài, hát suốt đêm. Sau một tuần Diệu hỏi: “Anh có biết vì sao hôm đó tôi hát dữ vậy không?”, rồi Diệu tự trả lời: “Vì anh đó?”. Dượng ngạc nhiên. Thú thật, lúc ấy dượng cũng khoái cái vẻ đẹp trai của Diệu. Vậy là cả hai mê mẩn, không rời nhau nửa bước…
Trước khi quen nhau Xuân Diệu chưa nổi tiếng lắm. Thật lòng mà nói, chính dượng là nguồn thi hứng cho Diệu đi vào văn học nước nhà. Diệu xin phép bố mẹ để Diệu cùng dượng về xây tổ “uyên ương” ở Vạn Gò Bồi, Bình Định, quê ngoại của Xuân Diệu…
Dượng Hồ Cũ ngưng một giây, day qua mẹ tôi, cười hì hì. Xong, ông kể tiếp:
- Thân sinh Xuân Diệu, cụ Ngô Xuân Hiếu, là thầy thuốc Bắc, thân mẫu buôn bán mắm ở Vạn Gò Bồi, Bình Định, đời sống hai ông bà cũng êm ấm lắm. Ăn ở với Diệu được một năm thì chia tay, vì dượng gặp mẹ của Lý, ngoài Quảng Nam vào, phải trở lại Quy Nhơn. Như Vân biết, trước khi chung sống với mẹ Vân tới bây giờ, dượng đã trải qua một đời vợ, sanh ba chị em thằng Lý. Năm 1937 dượng mua một căn nhà kế bờ biển Quy Nhơn. Một đêm hè, Xuân Diệu đột nhiên đến, nhằm lúc dượng và mẹ của Lý đang nằm trong phòng. Diệu biết nên không vào, cứ đi loanh quanh ngoài nhà. Vài hôm sau Xuân Diệu kể lại làm dượng cảm động muốn khóc, nhất là khi nhận được bài thơ, vẫn tuồng chữ đẹp, đầy hờn dỗi, Diệu viết tặng dượng. Đây dượng đọc cho nghe:
Có lúc tưởng chỉ để rơi tàn lửa
Tay vô tình gieo một đám cháy to . . .
Dượng Hồ Cũ vừa cất giọng lên hai câu đầu, Xuân Diệu đã vội đứng dậy bước ra ngoài, như muốn lẩn trốn khỏi căn phòng mà ông tướng chừng sắp tràn ngập một khung trời đau đớn xa xưa. Mẹ tôi thì trở mình nằm nghiêng, quay mặt vào vách, tôi không nghe mẹ thở đài riêng rẽ vì ngay cả tôi cũng bị cơn bão lay động, một cơn bão lòng từ những người trong cuộc tình lạ lùng ấy.
Sau giây phút gián đoạn, tiếng ngâm càng thê lương hơn khi dượng Hồ Cũ trở lại từ đầu:
Có lúc chỉ để rơi tàn lửa
Tay vô tình gieo một đám cháy to
Người tưởng buông chi tiếng hẹn hò
Tôi hưởng ứng bằng vạn lời say đắm
Đương rạo rực thì thầm rối rắm
Ngập lòng tôi nhưng ai để ý đâu
Tôi điên cuồng tất nhiên tôi phải khổ đau
Tôi biết lắm trời ơi tôi biết lắm
Tôi biết rằng chỉ cách một ngày sau
Cây bên đường sẽ trông thấy tôi sầu
Đi thất thểu, đi lang thang, đi quạnh quẽ.
Vì vội đến để tìm nhau tôi sẽ
Chỉ thấy người thương nhưng chẳng thấy tình thương
Và như màu, theo nắng nhạt như hương
Theo gió mất tình người đã tản mất
Tôi sẽ trốn thẫn thờ ngơ ngác
Trái tim buồn như một bãi tha ma…
Dứt lời, dượng im lặng, đôi mắt ươn ướt nhìn ra mái hiên, nơi Xuân Diệu đang “thẫn thờ ngơ ngác” đâu ngoài đó.
Hẳn dượng Cũ từng nghiền ngẫm, thuộc làu bài thơ bí ẩn ấy của Xuân Diệu viết năm 1937, nên tiếng ngâm trôi chảy, đúng chỗ dồn dập, nức nở… Câu cuối dượng buông thõng cốt làm rõ ý một nỗi tuyệt vọng.
Ôi, mối tình đồng tính luyến ái cũng thảm sầu, đầy máu lệ thật!
Tôi hỏi ông dượng:
- Cái đề bài thơ tuyệt diệu đó là gì?
- Lâu quá quên, lát nữa hỏi Diệu. Sau khi theo cha ra Hà Nội, Diệu gởi thư vô dượng tới tấp, lá nào tình cảm cũng dạt dào. Diệu còn gởi biếu các món quà quý. Như dượng đã nói, thân sinh Diệu làm thầy thuốc Bắc, mỗi lần bổ thuốc tễ, loại hảo hạng, để Diệu uống, Diệu đều chia dượng phân nửa. Cái gì Diệu có là dượng có…
Thơ Xuân Diệu nổi tiếng rất mau, những tháng cuối cùng ở Quy Nhơn. Báo chí đăng đi đăng lại nhiều bài thơ, khiến các cô mê mệt, mà chàng thi sĩ tài hoa có nghĩ đến ai ngoài dượng. Những bức thư bốn phương gởi Diệu đều bị vứt nơi góc bàn, dượng phải viết trả lời thay…
Đến năm 1939, chiến tranh bùng nổ, dượng sang Lào làm việc, hai đứa thực sự xa cách. Không gian xa cách mà dượng và Xuân Diệu vẫn mãi gần nhau trong tâm hồn…
Dượng Cũ thở dài:
- Bài thơ dượng vừa đọc, cứ gọi là bài “Không Thi Đề”, chưa từng phổ biến trên sách báo suốt 40 năm nay. Ngoài tác giả, dượng với me, mẹ của Lý đã chết không kể, Vân người thứ tư được nghe và chép bài thơ. Cuộc tình “đồng tính luyến ái này, có thể có kẻ biết, chỉ biết lờ mờ, dượng không cấm Vân tiết lộ ra ngoài, nhưng hiện nay chưa tiện, Diệu đang là cán bộ.
Hình như Vân có nói vì “tâm bệnh”, thơ Diệu mới trở nên bất hủ. Hẳn vậy, vì sự kiện Diệu và dượng yêu nhau, cái tình yêu tréo cẳng ngỗng, nhưng dượng không quen dùng hai chữ “”tâm bệnh”…
Qua câu chuyện tôi được hiểu thêm một vấn đề mà từ lâu tôi tường những cuộc tình không thích hợp chỉ thỏa mãn xác thịt tạm thời trong giây phút rồi đường ai nấy đi, không thể thắm thiết, keo sơn, trăm năm vợ chồng, như giữa người nam và nữ. Chẳng rõ Xuân Diệu suốt thời gian ngoài Bắc có “lang chạ” hay không, chứ dượng Hồ Cũ trong Nam vẫn một lòng “đồng tính”, là một nguồn cảm hứng, cũng khá sinh động, lạ đời, để Xuân Diệu khoác áo thi sĩ lãng mạn nhất trong văn học Việt Nam.
Xuân Diệu từ ngoài sân “thất thểu” đi vô, mẹ tôi vội ngồi dậy xuống bếp soạn cơm chiều. Để thay đổi bầu không khí u ám, tôi đẩy trang giấy tới trước mặt Xuân Diệu:
- Đây nè, bài thơ cháu làm lúc sáng, cậu xem thử.
Xuân Diệu vừa ngồi xuống ghế vừa cười cười:
- Chà, lính chiến cũng thơ nữa.
Ông chăm chú nhìn những hàng chữ:
XUÂN DIỆU
VIẾNG THÁC GU-GA
Kính tặng thi sĩ Xuân Diệu
Gu-Ga thác đổ xoáy vòng
Đục trong đã biết mà lòng còn trao
Người về như thể chiêm bao
Bọt tung réo bóng, nước ào gọi tên
Người về trăm nỗi hàn huyên
Bốn mươi năm hết ưu phiền từ đây
Rừng xanh, mây trắng bủa vây
Trong thung thác vẫn đổ dài ngàn năm
Tôi nhìn người đứng lặng câm
Đội trời nghe nước ầm ầm xướng danh.
Trần Thy Vân
Gu-ga 13/06/1976
Đọc xong, Xuân Diệu gục gặc cái đầu:
- Có hồn lắm! Nhưng câu thứ hai không ổn, họ nâng quan điểm thì nguy to. Vân cho chế độ này không tốt, cậu biết mà vẫn theo.
Tôi biện minh:
- Tại người ta nhìn qua lớp kính màu nên mọi vật mất vẻ trong sáng thiên nhiên…
Xuân Diệu bỗng ngoảnh mặt xuống nhà dưới:
- Chị Ba nghe không, Vân nó cãi bướng đây này?
Mẹ tôi vọng lên:
- Tôi đã bảo mà !
Ông cậu khật khù, vẻ nghiêm nghị:
- Nghe vụ nhà văn Khái Hưng chưa? Khi vịnh chân dung Bác, ông viết: “Hô hào trăm vạn thắng, dí đồn mây, thúc gió đấu tranh giành độc lập”. Thế là bị giết vì tội chơi chữ: “Hô hào” đọc trại: “hao Hồ”, “dí đồn” thì tục tĩu. Để sửa vài chỗ, rồi gởi đăng báo Nhân Dân. Sáng tác kiểu này có ngày chết (ông lằm bằm trong miệng).
Tôi làm như trẻ con, giãy nẩy:
- Thôi cậu, vợ con đói le lưỡi ếch, đăng thơ trên báo làm gì? Hồi nãy cháu tò mò đến chuyện “tréo cẳng ngỗng” giữa cậu và ông dượng, đừng buồn nghe? Giờ cháu xin phép về.
- Khoan, bây giờ hai anh em Vân qua nhờ ủy ban xã Phú Hội tổ chức buổi bình thơ của cậu cho nhân dân nghe tối nay.
- Bảo thằng Tâm đi. Thấy mặt cháu họ ghét thêm thôi!
- Việc gì ghét? Nói rõ cậu bình thơ Bác Hồ.
Tôi lết ra xe, vừa tới cửa tôi quay lui cười:
- Bác Hồ cũng thi sĩ nữa hả cậu?
Xuân Diệu trợn mắt gườm tôi.
Lúc chiều bên trụ sở xã về, Tâm kể rằng các ủy viên bàn thảo viết một tấm biểu ngữ sao cho thật hay treo trước cổng hội trường. Kẻ bảo “Đêm bình thơ thi sĩ Bác”, người đề nghị: “Thi sĩ Hồ Chí Minh”. Có một ông ngẫm nghĩ thế nào đó, vội chạy ra sau hè vừa đứng tiểu vừa cười khật khật một mình…Nghe chuyện, Xuân Diệu nhăn mặt: “Rõ khổ, mấy ông xã này dốt quá !”.
Mới 7 giờ tối, hội trường ấp 3, Phú Hội, đã đông nghẹt, đa số là thanh niên nam nữ. Thấm thoát giặc về xâm chiếm đã hơn một năm, dân chúng khắp nơi tả tơi, lớp chết lớp tù đày, còn có khuynh hướng tiếp tục bị cưỡng bách lao động, quần quật đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn. Chế độ này dần dà sẽ biến con người thành cái máy không hồn, thờ thờ thẫn thẫn. Nay sức lực đâu nữa để nghe thơ với thẩn. Chỉ tụi trẻ gặp dịp tới tìm bạn bè cùng trang lứa chơi. Một số tò mò, muốn thấy tận mắt nhân vật nổi tiếng Xuân Diệu, hơn là nghe thơ, nghe phú, loại cõi trên của “thi sĩ” Hồ Chí Minh.
Nơi hàng ghế đầu, đối diện lá cờ đỏ sao vàng và tấm ảnh “thi sĩ Bác” treo trên vách, gia đình dượng mẹ tôi ngồi cùng một băng dài với các cán bộ huyện, xã. Phía sau thì lục lăng trái ấu lổn ngổn.
Lần đầu tiên, một cựu sĩ quan chế độ cũ như tôi lại được “an tọa” một chỗ rất gai con mắt là kế Xuân Diệu. Trước đó, lúc còn chập chờn ngoài hiên, tôi định lăn xe vào cuối phòng để yên thân và dễ ra ngoài hiên hút thuốc, nhưng Xuân Diệu lại sai Tâm cõng lên ngồi bên ông cho bằng được. Chắc ông có ý tốt, thương thằng cháu. Vì nể cái ông cậu bốc đồng, tùy hứng này mà tôi khổ tâm, thân xác thì muốn rã rệu, chẳng có chỗ dựa.
Giờ đầu buổi bình thơ không mấy hấp dẫn. Xuân Diệu nói nhiều về một mớ chữ nghĩa xấc xược của các tác giả con vẹt, đặc biệt “thi sĩ Hồ Chí Minh”, hô hào chống Tây chống Mỹ. Thấy hội trường tuy khá đông mà như không người, chỉ nghe tiếng thở phào phào, uể oải và chốc chốc từng cơn ho gà khô khan ở các dãy ghế phía dưới, Xuân Diệu vội đổi đề tài chọc cười. Không rõ vô tình hay cố ý xiên xỏ, ông lôi bài thơ “ghẻ” bẩn nhất của “cha già dân tộc” ra giễu. Xuân Diệu nói tỉnh bơ:
- Ai ở xa tưởng Bác là thánh. Sự thật Bác cũng con người, dơ dáy thì bị lở ghẻ. Những năm sống trong chiến khu, hang Pác Pó, trúng mùa ghẻ, thứ ghẻ càng gãi càng ngứa, ngứa thì gãi quá đã, nên Bác tả cảnh “hồ hởi” đó qua bài “Đàn”…
Xuân Diệu vừa nói vừa diễn hai tay như cầm cây đàn gảy gảy bên hông, thay vì cào cào, gãi gãi dưới háng, mới đúng vị trí “chiến khu” của Bác. Cử chỉ này khiến mọi người cười ầm, ngoại trừ các cán bộ ngồi thộn mặt. Bỗng nhiên giữa hội trường có tiếng gãi sột soạt thật. Nhằm lúc tháng 6/1976, sau một năm quân Bắc Việt chiếm cứ miền Nam, cũng khởi đầu một trận dịch ghẻ ngứa khắp nơi. Âm thanh tiếng gãi mỗi lúc một rân lên vô trật tự. Bài thơ “Đàn” của Bác đã kích thích đám nông dân, “Hô hào trăm vạn… gãi”, có hiệu quả.
Thấy ông cậu bốc hứng diễn cương, giải nghĩa quá kỹ, tôi lo sợ ông dễ bị cho mò tôm dưới thác Gu-ga quá chừng. Ông thất sủng cũng đúng.
Xuân Diệu chuyển qua bình bài thơ Biển xa xưa của ông, cũng như đến bài “Thác Gu-ga” làm sáng nay, thì được nhiệt liệt tán thưởng. Cả hội trường tán thưởng vì nội dung ca ngợi một địa danh của xã nhà, hơn về mặt văn chương. Để kết thúc một buổi tối chưa đến nỗi tệ, ông đọc nhanh bài “Nghe Nhạc Nam” viết trước đó gần một năm, 11-8-1975, tại Hà Nội, còn chút dấu vết lãng mạn:
Dâng bài vọng cổ giữa mưa đêm
“‘Con sáo sang sông” chứa vạn niềm
Tất cả nhớ thương về cặp bến
Hồn anh say đắm giữa vời em.
Dáng Điêu Trường tương tư nhạc Nam
Văn Thiên Tường ấy khúc ai làm
Mưa đang lác đác lưng chừng ngớt
Nhạc tỏa trong phòng ánh sương lam
Ngập cả hồn anh yêu mến thôi
Nhớ nhung như sóng tới đây dồi
Một làn không khí đưa hơi mát
Mưa đã tạnh rồi em thương ơi.
Em ở Sài gòn nghe thấy chăng
Hồn anh lưới nhạc tới giăng giăng
Đêm nay thức mãi cùng thương nhớ
Không có mà như có bóng trăng
Sáng nay, Xuân Diệu từ giã gia đình dượng mẹ tôi để lên Đà Lạt, ông sẽ vòng qua Buôn Mê Thuột thăm người chị, rồi về Hà Nội luôn. Tôi lấy Honda chở ông ra bến Tùng Nghĩa. Dọc đường hai cậu cháu chẳng trò chuyện được bao nhiêu, ngoài vài câu tôi hỏi đến tình hình đất nước hiện tại sao quá căng thẳng, bi đát, cậu cũng chỉ trả lời bao quát vô thưởng vô phạt.
Trước khi lên Taxi, với vẻ mặt buồn buồn, Nhà thơ Xuân Diệu siết tay tôi:
- Cậu hiểu những điều Vân ưu tư. Hãy gắng sống. Dượng Hồ Cũ của Vân có bảo cậu thu xếp về Nam sinh sống. Chắc là vậy.
Tôi im lặng. Xe lăn bánh, tôi vẫy tay chào Xuân Diệu mờ mờ bên kia tấm kiếng khung cửa bám đầy bụi đỏ. Đó là hình ảnh cuối cùng trong trí tôi.
Trần Thy Vân
Theo http://vntrungtam.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...