Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Truyện ngắn hay

 Truyện ngắn hay

Người sưu tập mong các tác giả thứ lỗi cho sự đường đột đã đưa các truyện ngắn lên đây. Nếu bài trên post này - vốn không vì lợi nhuận thương mại - chỉ nhằm kích thích người đọc yêu văn học, thì hẳn người sưu tập có thể được các tác giả dung thứ.
Đây là những truyện ngắn mà người sưu tập góp nhặt qua nhiều năm tháng: mỗi khi đọc được truyện nào có cảm xúc thì lưu lại. Như vậy, cảm xúc là theo chủ quan của người sưu tập: có thể vui vui (nhưng không quá hài hước) hoặc có thể buồn man mác (nhưng không quá thê lương), có thể là một niềm bâng khuâng, hoặc cảm nhận về cảnh đời con người trong một giai đoạn lịch sử nào đó. Cảm nhận này có thể đến chầm chậm lúc đầu, nhưng tạo ấn tượng lâu dài về sau. (Nhưng cảm nhận không có nghĩa là đồng ý với suy nghĩ của tác giả hoặc với ý tình trong truyện.)
Cho nên một số truyện ở đây có thể không tạo cảm xúc cho người khác. Chẳng sao cả, chín người mười ý mà! Và một số truyện có người cho là hay, nhưng đối với người sưu tập thì không gây cảm xúc. Vì thế mà có truyện đã được đưa vào giảng dạy trong môn ngữ văn vì lý do văn phong, ý tưởng, bố cục… ra sao đó cần được nghiên cứu và học hỏi, nhưng lại không hiện diện ở đây.
Hóa ra đây là bộ sưu tập những truyện ngắn trải dài trên dưới 8 thập kỷ trong nền văn học Việt Nam, trước đây ở cả hai miền Nam-Bắc, và bây giờ ở trong nước cũng như hải ngoại. Người sưu tập chỉ dựa theo cảm xúc của riêng mình mà không phân biệt địa chính trị gì cả. Và cũng không phân biệt tác giả là ai để theo đó mà chọn lựa. Sự chọn lựa là theo con tim thôi. Cũng vì thế mà có tác giả nổi tiếng nhưng không được chọn ở đây (vì không theo tiêu chí chọn lựa dàn trải cho đủ các gương mặt văn học), trong khi có tác giả được chọn nhiều truyện hơn người khác (vì không theo tiêu chí đánh đồng).
Do sưu tập từ Internet nên không thể đảm bảo tính xác thực theo nguyên bản. Lại cũng vì lý do đó mà người sưu tập phải sửa rất nhiều lỗi chính tả cùng cách sử dụng các dấu chấm câu (không thể nào sửa hết)…
Người đọc chỉ nên tìm ở đây một vài giá trị nào đó về giá trị văn học, tâm lý học, hoặc xã hội học, nhưng không nên dùng tài liệu này làm cơ sở cho việc bình giảng, lý luận phê bình văn học…
Và không nên phát tán quá rộng các truyện này. Ai cũng phát tán như thế thì các tác giả sống làm sao?…
Bộ sưu tập này vẫn còn được mở. Tôi sẽ thêm vào đây truyện nào khác tạo cảm xúc cho mình.
Người sưu tập - Diệp Minh Tâm
Tháng ngày qua – Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam, 1905-1963)
Ðầu hiên, về phía trông ra vườn, một cái vườn trồng toàn roi, Minh và Giao cặm cụi ngồi học. Bấy giờ đã quá trưa. Trời trong biếc. Trên giàn thiên lý, mấy chùm hoa sẽ đưa trước gió, một vài tiếng gà gáy xa xa.
Giao đang học, tự nhiên thấy có cái cảm giác rất lạ, chàng không ngửng đầu lên mà biết chắc có người đứng nhìn chàng. Giao gấp sách lại, quay mặt ra phía vườn, thấy vợ bạn đương đăm đăm nhìn mình:
– Hú vía! Chị Minh! Tôi thoáng thấy bóng trắng trắng lại ngỡ là ma.
Người vợ trẻ của Minh hơi có ý ngượng vì thấy Giao bắt gặp mình nhìn trộm, mỉm cười nói chữa:
– Hai anh em học chăm quá, người ta đến gần mà không biết.
Lúc bấy giờ nàng đứng tựa đầu vào cái ghế dài, như có vẻ mỏi mệt, cặp môi hơi hé, hai gò má phơn phớt đỏ và đôi mắt trong trẻo, sáng sủa như ánh nắng rực rỡ mùa hè. Nàng có cái vẻ đẹp lộng lẫy quá, khiến Giao không dám nhìn lâu, nhất là không dám nhìn hai con mắt của nàng, hai con mắt huyền bí như có cái mãnh lực vô hình làm cho Giao rạo rực, náo nức cả trong lòng.
Nàng đưa ra mấy cánh hoa nhài và bảo chồng:
– Này cậu, cây nhài hôm nọ tôi mua ở chợ về, có hoa rồi đấy, cậu lấy cốc cho nước vào để cắm hoa.
Minh, mắt vẫn để vào sách nói:
– Tôi rất ghét thứ hoa nhài. Ngửi nó đâm ra nhức cả đầu.
Nhưng Giao không nghĩ thế, chàng hiểu vì cớ gì mà người vợ Minh đem hoa đến, chàng cảm động. Từ hôm nói chuyện với Minh rằng ở trên đời chàng không thích hoa gì bằng hoa nhài, thì chàng thấy vợ Minh mua ngay cây nhài về trồng trong vườn, tưới xới săn sóc đến luôn luôn. Hôm nay cây nhài nở mấy bông hoa đầu, vợ Minh ngắt hoa có cái ý nghĩa gì, Giao đã hiểu.
o O o
Ðã hơn một tháng nay, Giao cố sức chống lại với cái sức mạnh của ái tình, nó như ngọn sóng gió muốn lôi cuốn chàng đi. Chàng mới có mười bảy tuổi, cái tuổi còn non nớt lại gặp ngay mối tình mãnh liệt mà éo le.
Tuy Minh hơn Giao những bảy tuổi mà hai người cùng học một lớp ở trường Trung học. Giao trọ ở nhà một người quen trong làng N, nhưng vì bên nhà Minh có vườn mát mẻ nên thường hay sang cùng ngồi học với Minh, nhân tiện chỉ bảo giúp Minh, vì Minh học lực rất kém. Thế rồi ngày một ngày hai, khi đi lại, lúc ra vào, Giao cảm vì cái sắc đẹp rực rỡ của vợ Minh mà xem chừng vợ Minh cũng vì cái tình ngây thơ của một cậu học trò còn trẻ tuổi đối với mình.
Nhưng hai người cùng sợ, cùng rụt rè, không dám tìm cách để gặp nhau, nhưng cũng không nỡ xa nhau, cứ để mặc cho cái mùi hương nguy hiểm của ái tình nó mê đắm cả hai người.
Giao biết, biết là có một ngày kia chàng sẽ phạm vào tội lỗi đối với bạn, chàng biết là sẽ làm một việc rất xấu, nên chàng hết sức chống lại. Có khi chàng giữ hai, ba ngày không sang nhà bạn nhưng cái vẻ đẹp kia, đôi má hồng, hai con mắt sáng kia như có sức mạnh bắt chàng không thể nào quên được. Giao lại sang, tự an ủi mình rằng ngắm một người đẹp đã tội lỗi gì đâu.
Cứ mỗi lần Giao sang ngồi học với Minh thì người vợ hay lân la đến chỗ hai người nói chuyện vơ vẩn. Một hôm Giao sang học bên nhà bạn, thấy cửa đóng, gõ thì người vợ ra mở. Nàng thấy Giao làm ra bộ ngạc nhiên:
– À anh Giao! Tôi lại tưởng có người đến hỏi nợ, đã lo!
Rồi nàng cười, cười tít đi, đôi má lại càng đỏ, hai con mắt lại càng trong, khiến Giao cuống quít, không biết nói làm sao. Nàng vừa cài then cửa vừa nói:
– Hôm nay anh Minh đi vắng!
Rồi nàng nhìn Giao như dò ý tứ. Giao vội nói:
– Thế chị để tôi về thôi, mai sang.
– Về nhà bức chết, anh cứ vào mà ngồi học… việc gì!
Rồi nàng nhìn lên cây, vỗ tay nói một cách ngây thơ như đứa trẻ vui mừng:
– Roi chín rồi, để tôi lấy sào chọc mấy quả anh ăn. Ngọt, giòn, mát như đường phèn.
Nàng vừa nói vừa chép miệng, rồi làm bộ như nuốt nước bọt thèm, nhìn Giao cười.
Giao nhìn lên cây roi thấy trong đám lá xanh mấy chùm quả nặng trĩu, sắc da mát và hồng, như muốn trêu giục người ta hái xuống ăn ngấu ăn nghiến, lại nhìn đến người đàn bà đôi má hồng, tự nhiên trong trí chàng nảy ra một sự so sánh chùm quả ngon với người con gái đẹp. Trong lúc say đắm về cách cử chỉ của nàng, Giao không nghĩ gì cả, nhưng Giao sợ, sợ không thoát khỏi! Chàng biết chàng như con cá riết con đã mắc vào lưới, không tài nào thoát, nhưng cũng giẫy giụa trước khi chịu khuất phục.
Một lát vợ Minh đi vào, tay cầm một chùm roi, tóc xõa xuống má, nhìn Giao hớn hở.
Giao đứng ngay dậy, thì nàng cũng vừa bước lại gần sát bên cạnh: bốn mắt gặp nhau. Giao nhìn nàng thấy nàng đổi khác hẳn mọi khi: cặp môi nàng mấp máy, dưới tấm áo mỏng ngực nàng phập phồng, hai con mắt nhìn đăm đăm vào chàng có vẻ lẳng lơ, nồng nàn như đắm tình.
Một lát, nàng sẽ nói:
– Mời anh xơi roi…
Lúc bấy giờ Giao như người mất hồn, mặt nóng bừng, không nghĩ gì nữa, như bị hai con mắt đẹp huyền bí của nàng làm tê mê… Giao khẽ để tay lên tay nàng – tay nàng còn cầm chùm roi – nàng để yên không kéo ra, cúi đầu e thẹn. Bỗng tự nhiên, nàng giật mình kéo mạnh tay ra, lùi lại một bước, kêu:
– Con sâu! Trong quả roi có con sâu…
Giao nhìn, quả nhiên thấy trong một quả roi to nhất, đẹp nhất, có con sâu từ từ bò ra leo lên tìm đường thoát. Giao vội vàng ném quả roi ra vườn. Nhưng từ lúc đó, chàng như người ngủ mê mới tỉnh: con sâu trong quả roi đã làm cho chàng biết rằng chàng sắp phạm một tội xấu xa, mà trong lúc mê man vì sắc đẹp chàng không nghĩ tới. Chàng ném quả roi xong, quay lại thấy vợ bạn đương nhấc bức mành, bước vội vào nhà như người đi trốn.
Giao thở dài, cắp sách về nhà trọ, và từ đấy, chàng không tới nhà bạn nữa.
o O o
Bảy năm sau… trong bảy năm đó vì việc nhà, Giao phải cách biệt hẳn Hà Nội, phiêu lưu nay đây mai đó: trên đường đời, chàng đã gặp biết bao nhiêu là mỹ nữ, nhưng chàng không sao quên được người xưa.
Bảy năm sau, nhân về Hà Nội, chàng thuê xe xuống làng N… để thăm người bạn học mà chàng phải xa cách, mà nhất là thăm người mà bảy năm về trước có cái sắc đẹp đã làm rung động tấm linh hồn ngây thơ của chàng.
Tình cờ lúc đó lại vừa đúng tháng sáu, đúng mùa roi chín.
Tuy đã lâu năm, nhưng chàng nhận ngay được ngõ vào nhà bạn, cái cổng gỗ bây giờ đã cũ, mấy cây roi có to hơn, nhưng trong đám lá xanh mấy chùm quả nặng trĩu vẫn một sắc da mát và hồng như trước.
Chàng gõ cửa, thấy trong nhà có tiếng người đi ra. Cửa mở, một người đàn bà, tay bế con, thấy Giao buộc mồm kêu:
– Anh Giao!
Nàng nhận ngay ra được cậu học trò, bạn học của chồng ngày trước.
Nàng mừng quá, chỉ nói được thế thôi rồi đứng nhìn Giao từ đầu đến chân. Nhưng Giao trông nàng lấy làm lạ, ngạc nhiên, hơi ngờ ngợ. Chàng lãnh đạm hỏi:
– Bác trai có nhà không, bác?
Nàng vừa cài then cửa vừa nói:
– Nhà tôi đi vắng.
Giao bước vào thấy cảnh sắc vẫn nguyên như cũ: vẫn giàn thiên lý ở đầu nhà, dăm chùm hoa nở, vẫn cái án thư, hai cái kỷ ở đầu hiên, chỗ mà chàng vẫn ngồi học với Minh năm nọ.
Lúc ngồi nói chuyện, uống nước với vợ Minh, Giao cố ý ngắm kỹ nàng, vì Giao không nhút nhát như trước mà không dám nhìn lâu nữa – nhưng bây giờ còn đâu cái đẹp nồng nàn, còn đâu đôi má hồng, hai con mắt trong trẻo sáng sủa như nắng rực rỡ mùa hè…
… Tháng ngày qua… sắc đẹp tàn…
Nàng thẫn thờ nói:
– Chóng thật! mới ngày nào, bây giờ đã…
Nàng ngẩng nhìn lên tường thấy bóng mình in trong cái gương to để đấy, cái bóng một người đàn bà đứng tuổi, không có vẻ gì là vẻ thanh xuân, nàng chạnh tưởng tới cái sắc đẹp lộng lẫy khi xưa nay đã tàn. Nàng nhìn Giao, Giao nhìn nàng, hai người cùng một ý nghĩ như nhau.
Nàng buồn rầu, nhắc lại:
– Chóng thật!…
Rồi nàng cố gượng làm bộ vui tươi, bảo Giao:
– Bác đến may quá, vừa đúng mùa roi chín… để lấy mấy quả bác xơi.
Giao ăn roi nhìn nàng nói nửa đùa nửa thật:
– Roi vẫn ngọt, vẫn mát như đường phèn… nhưng bây giờ không có sâu nữa.
Rồi hai người cùng mỉm cười, cái mỉm cười chua chát, biết bao ý nghĩa, như nhắc hai người ôn lại chuyện xưa. Giao bùi ngùi nhớ lại cái mơ mộng ngày trước, cái mơ mộng yêu một cách thiết tha và không chánh đáng, một cái sắc đẹp mà bây giờ chàng mới biết là ảo mộng, mong manh không có giá trị gì!
Chuyện vẩn vơ một lúc, Giao đứng dậy xin cáo từ. Nàng cũng tiễn theo ra.
Lúc đi qua chỗ ngồi học ngày trước, chàng thấy trên án thư một cái cốc không, có cắm mấy cành nhài mà lúc vào chàng không để ý đến. Mấy bông hoa nhài trắng như mấy cái nụ cười âu yếm nhắc lại trong trí Giao câu chuyện tặng hoa ý nhị năm xưa. Mấy bông hoa có lẽ vô tình cắm đó đã làm cho Giao có cái ảo tưởng rằng trong bảy năm nay, lúc nào nàng cũng còn nhớ đến cậu học trò, cậu học trò đã trót mê nàng vì cái sắc đẹp mà bây giờ không có nữa. Cái ảo tưởng ấy làm cho Giao man mác trong lòng.
Trước khi từ biệt, Giao nhìn thẳng vào mắt nàng như để tỏ lời cám ơn nàng trong bấy lâu vẫn để bên lòng một chút tình thương yêu chàng, chút tình ấy kín đáo hơn cái sắc đẹp kia, nhưng lâu bền hơn.
Tháng ngày qua… sắc đẹp tàn… nhưng cái hương thơm của tình thương yêu tuyệt vọng, u uẩn của nàng đối với Giao còn phảng phất không bao giờ phai.
Vì tình – Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ, 1907-1989)
Anh Trần Văn quả không phải là người đẹp trai.
Độc giả hãy tưởng tượng một người trạc hai mươi nhăm, nước da đen, mũi to nhô đại ra ngoài, cái trán cũng nhô trông như cái bướu, đôi lông mày rất rậm, làm cho cặp mắt cận thị của anh ta có một vẻ dữ tợn đến kỳ khôi. Anh ta ăn mặc quần áo tây nhưng người lùn mà cả ngang, dáng đi láu táu trông rất ngộ nghĩnh. Cả người anh ta cái gì trông cũng buồn cười.
Tôi yêu bạn tôi đến đâu cũng phải nhận rằng bạn tôi trông xấu quá!
Văn cũng tự biết thế. Có khi anh lại tự chế giễu mình để làm cho bạn hữu vui cười. Nhưng anh ta là một người tính nết thật thà, dễ tin người và có một tấm lòng tử tế hơn ai hết thẩy.
Tôi lại phải nói cho độc giả hay rằng con người giản dị thực thà kia lại là người đa tình nữa. Chẳng biết đó có phải là điều “mai mỉa của số mệnh” không? Chỉ biết bạn tôi biết yêu, mà yêu say, yêu đắm, yêu thiết, yêu tha; tình yêu trong huyết mạch người con trai này sôi nổi như sóng bể. Nhưng trong bao nhiêu thiếu nữ mà anh ca tụng nhan sắc, anh ta không được lấy một cô nào để ý đến mình. Cái đó cũng không lấy gì làm lạ.
Ấy vậy mà anh Văn cũng có một chuyện tình, hay một chuyện mà anh sẵn lòng gọi là chuyện tình thì đúng hơn. Câu chuyện thực chẳng hay gì cho anh ta, nhưng bạn tôi không muốn quên, mà mỗi khi nhắc tới, lại ra ý cảm động như người âu yếm vuốt ve một điều ký vãng êm ái.
Đầu đuôi câu chuyện như thế này:
Tháng chạp năm ấy, anh Văn lên Yên Bái, thăm một người bà con. Lúc trở về anh gặp một người thiếu nữ, ăn mặc giản dị, người rất đẹp, và rất có duyên, cùng đi với anh ta một chuyến xe hỏa.
Người ấy ngồi ngay ghế trước mặt Văn, khiến cho anh chàng mở một quyển sách ra nhưng không đọc được câu nào hết. Văn là người nhã nhặn lễ phép, nên không dám nhìn lâu, sợ người thiếu nữ ngượng. Anh ta thỉnh thoảng mới sẽ kín đáo trông lên, để cho mắt được hưởng cái nhan sắc kia trong giây lát thôi. Cái lòng yêu mộ của bạn tôi thì thực nồng nàn, song chỉ dám biểu lộ ra đến thế là hết. Vả anh ta biết rằng mong hơn cũng chẳng được nào. Người thiếu nữ thì trắng trẻo thế kia, yêu kiều thế kia, trên khuôn mặt thanh tú ấy không chỗ nào đáng chê, còn mình thì… ôi chao! Bạn tôi chép miệng thở dài một cách rất chua chát.
Rồi anh ta nghĩ bụng: “Giá mình được là người quen với con người nhan sắc như thế cũng đủ lắm rồi”.
Anh ta bèn cố tình đợi dịp làm quen. Thì may sao cái dịp ấy hiện ngay đến sau khi người thiếu nữ ra cửa toa để nhổ quết trầu.
Xe hỏa về ngày gần Tết, nên rất đông; lúc cô kia ở cửa toa trở vào thì đã bị hai bác nhà quê chiếm mất chỗ. Người thiếu nữ thấy họ ra chiều không nể gì ai hết nên không nói gì, chỉ cau mày vịn tay lên mép cửa sổ gần đấy đứng nhìn ra cảnh tượng bên ngoài.
Văn ngồi bên này tức hộ cô kia, liền mắng cho mấy bác đàn ông vô lễ mấy câu ra phết lắm. Đoạn anh ta đứng dậy, đến bên người thiếu nữ, lúng túng một chút rồi mời cô ngồi xuống chỗ mình. Người thiếu nữ không từ chối. Cô ta vén áo ngồi xuống, lại cám ơn anh Văn bằng một nụ cười. Thế là đủ cho bạn tôi bay ngay lên tận chín tầng mây.
Anh Văn đứng bên người thiếu nữ, không giấu được sự vui mừng. Anh ta lấy dáng bộ rất tình tứ, làm như mình chẳng lùn một tý nào hết, và quên bẵng đi rằng mình hiện làm chủ nhân một cái “mũi sư tử”, đôi mắt cận thị với cái trán gồ. Nhưng dẫu cho bạn tôi có nhớ đến cái xấu đáng giận của mình cũng không hề gì mấy,- anh ta cũng vẫn sung sướng được, bởi vì người thiếu nữ hình như không trọng bề ngoài lắm, và hình như chỉ cảm riêng vì tấm lòng quý báu của anh Văn tôi.
Coi lối ăn mặc nhã nhặn của cô ta, Văn đoán là người nền nếp ở tỉnh nhỏ. Thế thì cô đã không có cái thói đỏng đảnh khinh người như bọn tiểu thư Hà Nội, họ chỉ ưa chuộng những công tử tốt mã bề ngoài. Anh ta lại thấy cô kia đi có một mình nên mới lấy thứ giọng bao dung và rất nhã nhặn mà hỏi:
– Thưa cô, cô đi đâu?
– Thưa ông, em xuống Hà Nội.
– Thưa cô, cô xuống chơi hay có việc?
– Thưa ông, em xuống hỏi nợ một người chịu tiền hàng.
Rồi cô ta hỏi lại Văn:
– Ông cũng về Hà Nội ư?
– Thưa cô vâng.
Thế rồi câu chuyện của hai người cứ thân thiết hơn, đằm thắm hơn lên, mà con mắt đắm đuối của người thiếu nữ thêm lóng lánh, thêm tình tứ…
Anh Văn thì chưa thấy bao giờ mình có duyên đến thế.
Anh ta cười bằng miệng cười xinh đẹp nhất, hắng giọng luôn để đỡ cảm động, và cứ chớp hoài đôi mắt cận thị để cho mình biết chắc rằng đây là sự thực, chứ không phải trong giấc mơ. Người bạn tốt của tôi thực không ngờ rằng lại được hưởng những giây phút êm đềm quá đáng ấy.
Mà cái hạnh phúc mỗi lúc một tăng lên! Một lần tầu đỗ, hành khách lên ít, xuống nhiều. Người thiếu nữ lại ngồi nhích ra một bên, để cho Văn ta được ngồi cạnh. Lại một lần khác, người thiếu nữ đánh rơi chiếc khăn tay lụa, anh Văn nhặt lên hộ, lúc trả, được chạm đến bàn tay ngà ngọc của mỹ nhân. Rồi lại được mỹ nhân mời ăn trầu. Văn răng trắng, diện tây, nhưng cũng nhận lấy một cách rất lịch sự.
Anh ta cứ hết lòng cảm tạ sự tình cờ đã làm cho anh gặp được người thiếu nữ, và trong trí đã thấy trước những chuyện tình duyên êm ái sau này. Có một người nhan sắc để mà yêu, để mà nhớ thương, để mà mong đợi đến cái ngày tốt đẹp kia là ngày được sánh vai người ngọc! ồ, còn gì sung sướng cho đời người hơn! Anh Văn thường ngỏ riêng với tôi rằng: “Tôi xấu thế này, chỉ mong lấy được một người có duyên thôi, thế cũng đủ mãn nguyện”. Thế mà người thiếu nữ kia đã có duyên lại đẹp, lại sắc sảo, lại lễ phép, lại con nhà nền nếp, đủ mọi điều hay! Mà lại còn tỏ ra lòng quyến luyến anh Văn nữa kia! Cho nên một lời nói của cô ta, một cử chỉ của cô ta, cùng những ý tứ ở đầu mày cuối mắt cô ta, đã khiến cho trái tim bạn tôi nhiều lần đập mạnh lên dữ dội.
Ngồi bên một người đẹp như thế thì đường dài đến đâu cũng là ngắn. Chả mấy chốc, xe lửa đã tới Gia Lâm.
Rồi qua cầu.
Rồi qua ga Đầu Cầu.
Mọi người đều thu xếp để xuống. Người thiếu nữ buộc lại khăn vuông ra đằng sau gáy rồi đến đứng bên một cái va ly là hành lý của cô ta. Anh Văn lại bên hỏi:
– Cô có ai ra đón tầu không?
– Thưa ông, không ạ!
Văn mừng thầm sẽ được dịp xách hộ va ly. Anh ta lại nói:
– Từ Hàng Da tới Cửa Nam cũng gần, vậy trước khi ngược Yên Bái, cô ghé qua vào chơi nhà tôi.
– Xin vâng.
Người thiếu nữ lúc ấy đưa đầu ra ngoài cửa sổ trông về phía ga.
Tầu dần dần chạy chậm lại. Văn đang tìm câu gì nói nữa bỗng nhiên cô ta quay lại, tái mặt đi. Văn ân cần hỏi thì cô ta gượng cười đáp:
– Em đi tầu không quen, nên vừa đứng dậy đã chóng mặt.
– Thế mà tôi tưởng cô phải cảm… Nhưng cô ngồi xuống, không mệt thêm.
Người thiếu nữ ngồi xuống, mỉm cười nhìn Văn bằng đôi mắt mệt nhọc, dịu dàng và… âu yếm. Văn sướng quá, đỏ cả má, đỏ cả mũi, lần hết túi ba đờ xuy đến túi áo trong định tìm một vật mà không thấy, rồi phàn nàn:
– Buồn quá! Tôi bỏ quên lọ dầu ở nhà ông bạn rồi. Không thì cô lấy một chút xoa cũng đỡ.
– Nhưng không hề gì cả! Em cũng chỉ choáng váng một chút thôi.
– Tuy thế cô cũng nên ngồi yên đấy để tôi mang hành lý xuống trước đưa cho mấy người nhà đứng đợi ở ga rồi tôi lên đón cô sau.
Người thiếu nữ tỏ ý mừng rỡ và cám ơn Văn, nhưng cũng nói:
– Như thế phiền ông quá.
– Không. Nào, cô có những gì?
– Em chỉ có cái va ly đó thôi. Nhưng phiền ông quá!
– Không có gì mà phiền. Tôi đi không cũng thế.
Lúc ấy tầu vừa đỗ.
Cái va ly nặng lắm mà Văn ta làm ra bộ rất khỏe, coi như rất nhẹ, rồi hăng hái xách bước xuống sân ga. Bấy giờ thì anh ta cao lớn lực lưỡng lắm.
Người thiếu nữ đứng trông theo Văn, tay bóp thái dương. Anh ta thấy mỏi cánh tay mà chưa dám nghỉ vội. Đi đến gần lối ra hạng ba, anh ta mới dám đặt va ly xuống. Đợi một lúc mà đám người chen chúc trước mặt vẫn không chịu tiến lên, Văn nóng ruột hỏi một người đi cạnh mình:
– Sao lại đứng cả lại thế này?
Người ấy trả lời:
– Họ khám hành lý.
Văn quay lại nhìn thì người thiếu nữ chắc đã ngồi xuống, trông qua cửa sổ xe hỏa không thấy nữa… Văn sợ cô ta đợi lâu quá liền cố sức lách lên trước thì bị mấy người đội đoan cản lại, bắt đưa va ly cho họ xem.
Một người lính đoan bảo Văn:
– Chúng tôi vừa nghe tin báo có người đem thuốc phiện lậu đến Hà Nội nên phải khám hành khách.
Văn mỉm cười, đáp:
– À, tưởng gì!
Vừa nói dứt lời thì cái va ly người thiếu nữ gửi, mở tung ra, trong thấy đầy những hộp bằng đồng, gắn kín và to bằng quyển sách dầy cộp.
Một người đội đoan cười gằn, nói tiếng Pháp:
– Lần này thì anh không thoát được tay tôi!
Văn chưa hiểu ra sao thì đã bị người ta điệu về sở Thương chính.
Tuy rằng bạn tôi hết sức phân trần rằng mình là con nhà lương thiện, không bao giờ làm điều trái phép, nhưng không ai tin. Cái va ly thuốc phiện lậu đó là cái cớ buộc tội rất hùng hồn. Anh ta khai rằng anh ta quá tin người, rằng người ta lợi dụng mình; song nhất định không chịu nói rằng đó là một người con gái.
Nhờ nhiều người có thế lực che chở nên Văn mới được tại ngoại hậu cứu, sau khi bị giam đến gần nửa tháng – từ hăm ba tháng chạp tới mồng mười tháng giêng. Đến lúc ra tòa, anh ta mạnh thầy cãi, nên chỉ phải phạt có hai tháng tù án treo với bồi thường cho sở Thương chính ba nghìn bạc.
Lúc kể chuyện này cho tôi nghe xong, bạn tôi thản nhiên kết luận:
“Tuy vậy, tôi cũng được ngồi nói chuyện với người có nhan sắc ấy… hơn hai tiếng đồng hồ”
Nắng trong vườn – Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân, (1910-1942)
Gần hết mùa hè năm… tôi không rời bỏ Hà Nội một cách đột nhiên. Buổi sớm kia, khi troở dậy trong căn phòng nhà trọ, tôi thấy ánh nắng rực rỡ xuyên qua các khe lá đến nhẩy múa trên mặt tường. Trời trong và gió mát quá, khiến tôi chợt nhớ đến cánh đồi, ruộng ở chỗ ông Ba ở mà đã lâu năm tôi chưa về thăm.
Một vài bộ quần áo với mấy quyển sách đem theo, tôi hớn hở ra ga, sung sướng được xa lánh cái náo nhiệt của thành phố, và nhất là được quên những bài học khô khan và vô ích ở nhà trường.
Tất cả tâm hồn tôi nẩy nở dưới cơn gió từ quãng không đưa lại. Trên tầu, tôi mải mê ngắm dẫy đồi núi xanh xanh ở tận chân trời; chỗ tôi sắp đến cũng có những đồi núi như thế. Ông Ba, bạn thân với cha tôi hồi trước, có một cái đồn điền rộng, trồng toàn sắn và chè. Hồi nhỏ, tôi đã nhiều lần đến chơi nhà ông, nhưng từ khi ra học Hà Nội, tôi không có dịp về nữa.
Xuống ga, một cái ga nhỏ gần tỉnh P., không có ai ra đón tôi cả. Tôi biết trước, vì khi đi tôi cũng không gửi giấy báo cho ông Ba biết. Tôi muốn đến một cách bất thình lình.
Chiếc cập cắp ở nhác, tôi thong thả theo con sông Cống, chạy khuất khúc lên giữa các đồi. Một cái cầu gỗ mong manh bắc qua sông. Hai rặng thông từ trên đỉnh đồi chạy xuôi xuống tận gần bờ, giữa luồng gió thoảng, và cái tiếng rì rào như nhớ nhung của lá thông trái gió nhắc tôi nghĩ đến những cảnh rộng rãi bao la.
Buổi chiều rất êm ả. Về phía tây, mây trời rực rỡ những mầu sáng lạn và ánh nắng chiều loàng một khúc sông, trông như một giải vàng nổi lên giữa đồi ruộng đã bắt đầu tím lại. Một đàn chim đi ăn về vút bay qua ngang đầu, tiếng cánh vỗ rào rào như trận mưa; tôi ngửng lên nhìn theo đến khi cái vết đen linh động của đàn chim lặn hẳn với chân mây.
Tôi theo con đường nhỏ ở ven đồi, qua hai dẫy phố, một cái chợ nhỏ, rồi rẽ về bên phải. Nhà ông Ba ở ngay chân đồi, trông xuống chợ, một cái nhà gạch cũ, tường phủ rêu xanh. Tôi không lưỡng lự, bước đến đẩy cổng vào.
Qua cửa, lên mấy bực vườn chè, tôi gặp ngay hai ông bà đang ngồi hóng mát ở giữa sân. Ông Ba thấy tôi reo to:
– A, cậu Bình đã lên. Từ lúc gửi giấy về, chúng tôi mong cậu mãi.
Bà Ba cũng ân cần hỏi:
– Sao cậu không đánh giây thép lên cho biết trước để ra đón?
Tôi ngả mũ chào, đáp lại lời hỏi thăm vồn vã của bà Ba, bà lạ bạn thân với mẹ tôi, hồi mẹ tôi còn buôn bán ở trên này.
Ông Ba là một người nhà quê đứng tuổi và khoẻ mạnh. Trông khe áo cánh hở ngực, tôi thấy người ông nở nang, da xám và hồng hào, nước da của những người làm lụng ở ngoài trời và ánh nắng.
Ông đứng dậy nắm tay tôi, đẩy một đứa bé con lại gần, bảo:
– Đây, cậu Bình đây, con chào đi.
Rồi quay lại phía tôi, ông cười nói:
– Nó cứ nhắc đến cậu luôn và cứ đòi lên Hà Nội.
Tôi xoa đầu cậu bé xinh xánh, độ lên bẩy, tám tuổi. Song, ông Ba rủ tôi đi xem vườn và phố chợ.
Nhà ông chung quanh là vườn cả, từng đợt cao, thấp lên đến đỉnh đồi. Hai bên giồng toàn trà và sắn. Giữa có một lối đi, xếp từng bực đá, những hòn đá mầu xám tím, chơn chu và từng chỗ có rêu xanh bám phủ đầy. Thỉnh thoảng, một cây bứa tươi tốt mọc ở bên, những cành thấp xiên ngang ra khiến chúng tôi phải cúi mình chui qua.
Xuống đến chân đồi, tôi bỗng nghe thấy tiếng cười nói trong cây lá, và qua mấy rặng trà, tôi thấy thoáng có bóng người. Ông Ba nhìn tôi bảo:
– Hai em đây, cậu còn nhớ không?
Tôi gật đầu yên lặng tuy không có hình ảnh nào nổi lên trong trí nhớ cả.
Phố chợ ở ngay đầu cầu. Con sông Cống uốn éo trong dẫy đồi, khuất đi, rồi lại loáng loáng đằng xa, chạy giữa những giải ruộng eo hẹp. Bấy giờ sương đã xuống, dặng núi ở chân trời đã bị che lấp. Chúng tôi dạo qua một lượt ở phố, hay dẩy nhà lá nhỏ bé, nhưng ngăn nắp và sạch sẽ, trông rất vui mắt.
Sẫm tối, ông Ba cùng tôi về, một mâm cỗ đầy đã thấy bầy trên chiếc bàn ở giữa sân, bà Ba đang chạy loăng quăng sửa soạn các thức ăn. Thấy tôi, bà vội vã mời:
– Cậu về ăn cơm. Có bữa ăn xoàng, xin cậu ăn thực bụng nhé!
Tôi mỉm cười, rồi ngồi vào bàn, tuy trong người mệt mỏi và không thấy đói mà cũng phải cố ăn để vui lòng bà chủ. Ông Ba thì vui vẻ lắm, như rất thích được có người đến chơi, nhất người ấy lại là tôi. Ông uống từng chén rượu lớn, cười nói vang lên. Bà Ba ngồi yên lặng bên cạnh, luôn luôn gắp thức ăn vào bát, ép tôi ăn. Bà cũng hình như vui vẻ lắm vì thấy chồng vui vẻ.
Tôi đưa mắt nhìn vào trong nhà rồi hỏi:
– Thưa bác, các em đâu?, bác không bảo ra ăn cơm một thể.
Bà Ba đáp:
– Cậu cứ ăn đi. Các em nó đã ăn cơm cả rồi.
Ngừng một lát, bà mỉm cười nói thêm:
– Chúng nó thẹn không dám ra.
Ông Ca cười to, đáp:
– Ồ, cậu Bình đấy, chứ ai đâu mà thẹn. Chúng nó không nhớ lúc bé vẫn bám theo cậu ấy xin quà à?
Tôi cố nhớ lại buổi cuối cùng lên chơi đây, đã lâu lắm. Hình như độ ấy có hai cô gái bé con để chỏm và mới cắp sách đi học.
Tôi không thể ngờ được lại là hai cô thiếu nữ mà tôi mới thoáng trông thấy ở trong vườn.
Bữa cơm xong, ông Ba bắc ghế ra ngoài sân cùng tôi ngồi nói chuyện. Ngọn đèn dầu có cái chao lụa xanh xinh xắn – chắc hẳn là một công trình của hai cô thiếu nữ – để trên chiếc bàn con, chiếu ra một vùng ánh sáng, làm nổi trắng mấy gốc trà cằn cỗi. Chiều đã tối hẳn, trên trời cao, hàng ngàn ngôi sao thi nhau lấp lánh qua không khí trong và mát. Đêm của vùng đồi bao bọc lấy tôi, đầy những hương thơm lạ theo cơn gió từ đâu đưa lại. Muôn tiếng đều khe khẽ làm cho cái yên lặng vang động như tiếng đàn; những con bướm nhỏ vụt từ bóng tối ra, đến chập chờn ở trước ngọn đèn, rồi lại lẩn vào bóng tối, như những sự gia lẹ làng của cảnh rừng nói chung quanh.
Tôi thấy vui sướng và thư thái trong lòng. Lần đầu, đêm tối và cảnh vật đối với tôi thân mật như một người bạn, khác với khi ở Hà Nội, đêm chỉ là những cuộc vui chơi mệt mỏi và nặng nề.
o O o
Sáng sớm hôm sau, tiếng chim kêu ríu rít trong vườn đã đánh thức tôi dậy. Mặt trời còn khuất sau quả đồi, ánh một vùng hồn lên nền trời xanh biếc. Bên kia sông, rừng cây từng lớp nhiều mầu còn mờ lẩn trong màn sương trắng.
Dưới chân đồi, những mảnh ruộng mạ non như nhung, những thửa ruộng nước sáng lên như tấm gưong. Con đường đất đỏ ngòng nghoèo qua cánh đồng, người đi chợ trộng nhỏ bé như một đàn kiến. Tất cả trời đất trên cao nhìn xuống như cùng cả một bài ca vui vẻ và ham sống, khiến tôi thấy náo nức trong lòng.
Tôi trèo lên đỉnh đồi, ngồi trên những tảng đá quay nhìn khắp bốn phương. Khi nắng bắt đầu gay gắt, và cỏ đã mềm nóng dưới gót chân, tôi thong thả xuống, đi len lỏi vào các vườn chè, sầu, rồi đến bờ sông Cống, tìm một chỗ bóng mát nghỉ ngơi. Tôi ngả người trên cỏ nằm mơ mộng, đếm tiếng kêu của chim gáy ở tận đâu xa xa. Tất cả buổi, tôi chỉ quanh quẩn ở ngoài đồi, trông và nghe không biết mỏi.
Chiều đến, tôi lặng nghe luồng gió thì thào trong gành đá, hay đứng trên đồi nhìn sương mù từ từ bốc trên mặt sông. Tôi lần theo những con đường cỏ ướt đỏ lịm trong bờ rậu cái điểm sáng của con sâu đêm. Tôi ngẩng nhìn những vì sao lấp lánh trên không giải ngân hà mờ sáng và tìm ông Thần Nông đội mũ đỏ.
Khi đi chơi thơ thẩn đã chán, tôi ngồi tiếp chuyện ông Ba trên bộ trường kỷ kê ngoài hiên. Ông Ba trước có ra mở cửa hàng buôn bán, nên ông kể chuyện lại những công việc làm ăn ngoài ấy. Tôi nghe chuyện ông mà chán. Nhưng nhiều khi, đang câu chuyện, tôi ngừng lại vì thấy đằng sau ông Ba, đôi mắt mở to của cô Hậu – con gái cả ông Ba – nhìn tôi một cách chăm chú. Tôi trông lên thì cô ta lại quay mặt đi. Nhưng trong lúc đó, tôi vẫn có cái cảm giác rằng đôi mắt cô đang nhìn tôi.
Hôm sau, tôi để ý đến Hậu. Cô ta rất trẻ, mới độ mười lăm, mười sáu tuổi. Người mảnh dẻ và uyển chuyển như một cành non, khuôn mặt xinh xắn và tươi. Tuy vậy, tôi cũng không chú ý lâu đến cô, chỉ coi cô như một nữ sinh còn nhỏ tuổi, ngây thơ và trẻ dại.
Nhưng thỉnh thoảng những lúc tôi thơ thẩn đi chơi, hình ảnh cô ta lại thoáng hiện qua trong trí. Ở chỗ này, tôi chỉ nhận thấy những người đàn bà nhà quê cục mịch và ngượng nghịu. Cô Hậu là biểu hiệu sự tươi tắn, và thanh nhã. Từ hôm tôi về đây, một đôi khi cũng cùng cô nói chuyện, và nhờ cô những công việc vặt như khâu vá quần áo. Thỉnh thoảng tôi cho cô mượn các tờ báo cũ, và mấy quyển tiểu thuyết tôi đem theo.
Những cơn gió mạnh của đồng nội, mùi thơm mát của hoa cỏ, và vẻ rộng rãi của khoảng trời mây chiếm cả linh hồn tôi. Những cuộc đi chơi lâu trong các vườn chè nương sắn, hay trên sườn đồi làm cho người tôi bồng bột, hoạt động hơn lên. Những lúc ấy, tôi muốn có một người con gái đi bên cạnh, để chia sẻ bao nhiêu cảm giác say sưa ấy.
Nhưng tôi còn ham muốn những cái thú mà một cô thiếu nữ không đem đến được. Tôi còn thích ngắm cảnh rừng đồi, thích vượt qua những nơi cỏ và lau sậy sắc làm sây sát cả chân tay. Những buổi trưa nắng, tôi tìm chỗ có bóng mát, phanh áo nằm trên cỏ thiu thiu ngủ. Những mộng đẹp đến ám ảnh tôi, những mộng mà trong ấy tôi mơ màng khoác tay một cô gái cùng đi len lỏi trong vườn chè. Rồi dần dần hình dáng cô gái đó rõ rệt là hình dáng cô thiếu nữ con ông Ba.
Tôi vùng tỉnh dậy, bước đi nhanh như để tránh xa sự ám ảnh ấy. Tôi lên đồi cao để gió mát thổi vào trán, để mớ tóc bay phất phơ theo chiều gió mạnh.
Tuy vậy, mỗi ngày tôi lại chú ý đến cô ta hơn lên. Mà cô cũng hình như tìm hết cách để làm tôi chú ý đến cô. Trong lúc tôi xem sách hay ngồi nghỉ ngơi, hễ cứ ngẩng đầu lên là tôi lại thấy cô đăm đăm nhìn tôi, hai mắt nhung như cành hoa tím ướt; cô vội quay mặt đi, nhưng cũng không kịp để giấu tôi thấy cái vẻ e lệ làm ửng đỏ hai gò má.
Đôi khi, trên cái bàn làm việc trong phòng tôi bỗng thấy mấy bông hoa cắm trong bình, hay một bông lớn để trên chồng sách. Một buổi sáng tôi đã tỉnh dậy, nhưng vẫn nằm trên giường nhìn ánh nắng qua khe lá; tôi thấy cô Hậu bước vào, ôm một bó hoa sen trắng mới hái ngoài hồ. Cô xếp hoa trong bình, rồi quay về phía tôi nở một nụ cười:
– Anh có thích hoa sen trắng không?
Tôi ngồi dậy nhìn cô, khẽ cảm ơn. Tôi thấy mắt cô sáng lên trong lúc xếp hoa, toàn thân cô như xuất hiện cái vui sướng. Cô với một bông hoa, hít mạnh hương thơm rồi đi trở ra. Tôi đưa mắt trông theo, tự nhiên để ý đến dáng điệu uyển chuyển của Hậu, đến tấm thân mảnh dẻ và thon thon của cô, rồi tôi thấy một cái ham muốn đến rung động khắp cả trong người.
Tôi trở dậy ra tựa cửa phòng, thấy Hậu đứng bên cái bệ ngoài sân, đang với gáo múc nước rửa tay. Người cô nổi trên nền lá xanh như một bông hoa trong sáng sớm. Tà áo trắng của cô theo chiều gió bay phất phới, và tất cả ánh nắng, lá cây, bóng mát cũng hình như đang từng bừng rởn múa chung quanh người thiếu nữ tươi tắn ấy. Một lát, tiếng nước rội kêu lanh tanh trên hòn đá nhẵn, rồi từng giọt qua cái nức che, thánh thót rơi vào bể. Hậu rửa mãi hai bàn tay xinh xắn, ngắm nghía mãi các ngón tay hồng hào. Rồi tôi thấy cô nghiêng người trên mặt bể, soi bóng mình dưới nước, tay đưa lên sửa lại mái tóc. Khi ngẩng lên, vô tình nhìn thấy tôi, Hậu e thẹn vội vàng đi lẩn vào trong vườn.
Từ hôm ấy, lúc nào tôi cũng cảm thấy bóng dáng Hậu quanh mình. Nhũung sách vở tôi xem đều được xếp đặt rất có thứ tự, những bút mực trên bàn cất rất ngăn nắp, cho đến cả quần áo của tôi cũng được tay Hậu chải chuốt rất sạch sẽ. Tôi đoán cô ta muốn biết về tôi lắm; những sách viết cũ của tôi nhiều lần thấy mở tung, và một đôi khi, một làn hương thoang thoảng đưa ra, như có một bàn tay ướp nước hoa đã lần giở đến.
Nhiều bận đi trong vườn, tôi bỗng thấy Hậu, như đột nhiên gặp tôi, cô e lệ nép vào bên nhường lối cho tôi hay nở một nụ cười trên đôi môi thắm. Có khi đứng trên đồi, tôi thấy cô đi men bờ cỏ, tìm kiếm những bông hoa đồng, để làm một bó hoa mộc mạc hương vị cảnh quê, mà sau này tôi chắc sẽ thấy mắc trong bình trên bàn học.
Dần dần, tôi quen nói chuyện với Hậu. Khi gặp hai chị em hái chè trong vườn, tôi dừng lại hỏi một hai câu, để thấy đôi má nàng hồng lên trong khoảng lá xanh, và đôi mắt đen của nàng long lanh sáng. Tôi nhận thấy Hậu thơ ngây như bông hoa cỏ, tâm hồn dản dị như các người quê. Cô giở hết các áo đẹp ra mặc, nhưng áo kiểu mới sáng mầu và tha thướt, làm nổi vẻ đều đặn của thân hình; mái tóc cô lúc nào cũng chải chuốt rất mượt, anh ánh như cỏ. Cô muốn làm vừa lòng tôi biết bao nhiêu! Cô giằng buộc chung quanh tôi một vẻ mềm yếu uyển chuyển, một ý thân thiết đậm đà. Còn tôi, tôi cũng thấy vui vẻ mỗi khi đến gần cô.
Chúng tôi dần trở nên thân mật như một đôi bạn quen. Những cuộc đi chơi của tôi đều có cô ở bên cạnh. Cô đi sát vào tôi, có khi tư lự như nghĩ ngợi một sự gì, có khi náo nức như một đứa trẻ. Những khi len lỏi qua các vườn chè, nhiều khi tôi giơ tay đỡ cô bước qua một khe đá hay một bụi cây; cô nắm chặt lấy tay tôi, đưa người lên vai tôi, sung sướng và tin cậy.
Hậu bây giờ đã khác hẳn cô thiếu nữ rụt rè và e lệ ngày tôi mới đến. Hậu đã trở nên một cô gái hay làm dáng, mơ màng và buồn rầu, đầy sức mạnh của tuổi trẻ.
o O o
Mỗi ngày, Hậu lại tỏ cho tôi biết tình yêu của nàng; một đuôi con mắt, một nụ cười, một dáng điệu mà tôi hiểu. Thân thể trẻ con của cô rung động dưới mắt tôi nhìn, tất cả người cô nở ra trước tình yêu như một cái mầm non trong ánh nắng. Về phần tôi, tôi cũng săn sóc đến Hậu như một người tình nhân, riêng với cô, tôi kể những chuyện trên Hà Thành, chỗ tôi ăn học. Cô hỏi tôi về những thiếu nữ xinh đẹp ở tỉnh, những quần áo và trang điểm mới, những cuộc giao du của tôi với bạn gái cùng học một trường. Nghe tôi nói, cô yên lặng, mơ màng, rồi có khi cô vùng nắm chặt lấy tay tôi, rồi hỏi:
– Anh, em có xinh đẹp như các cô ấy không? Em có trang điểm khéo hơn không?
Tôi chân thật đáp:
– Có, Hậu đẹp hơn nhiều, các cô ấy không sánh kịp.
Hậu lắc đầu; nhìn tôi bảo:
– Sang năm em cũng lên tỉnh học với các cô đó. Rồi anh xem, em sẽ đẹp thế nào.
Hậu ngồi lại sát bên, tôi nghe thấy hơi thở của cô dồn dập. Buổi sớm, cô mặc cái áo lụa mỏng màu đỏ, càng tươi bên nước da trắng muốt của Hậu. Tôi đoán thấy cái thân hình mềm mại, hai cánh tay chắc rắn, đôi vú nhỏ và tròn, người Hậu như thoảng ra một thứ hương thơm ngát và say sưa.
Những buổi trưa, tôi rủ Hậu ra bờ sông Cống. Chúng tôi bỏ giầy ngồi trên cỏ ẩm, dưới bóng mát của một cày tràm cành lá um tùm. Trước mặt chúng tôi, dẫy đồi đất tím lóe trong ánh nắng, trời xanh thẳm và sáng như tấm gương. Một vài đám mây trắng thong thả đi ngang trên đỉnh đồi. Chúng tôi nghe ngóng cái yên lặng của buổi trưa, hình như theo giòng nước chói ánh nắng đi xa. Thỉnh thoảng, một bóng cá nổi trong cành lau sậy, lờ đờ lên gần mặt nước như nhìn trộm hai chúng tôi, rồi lại vùng quẫy đuôi chìm mất.
Hậu sung sướng đùa nghịch như một đứa trẻ con. Cô ngồi trên bờ, bỏ thõng hai chân xuống khuấy nước. Nước mát và trong, da chân Hậu trắng xanh bên lá cỏ. Rồi chúng tôi tìm một cây si ven bờ, trèo lên cành lá trên mặt sông, chúm đầu vào nhau nhìn bóng chúng tôi cùng in xuống nước với trời xanh. Có khi Hậu và tôi cùng ngả mình dưới bóng cây, nằm thiêm thiếp trong cái nắng của buổi trưa. Một con chim ở đâu đến khẽ hót trong bụi, tiếng ríu rít như vướng vào cành lá, hòa một bản đàn rực rỡ để ru hai chúng tôi trong những giấc mộng êm đềm.
Hậu chiếm đoạt hết cả ý nghĩ của tôi. Mỗi khi tôi không muốn nhìn trời mây, cảnh vật lôi tôi lại trở lại với nàng. Chúng tôi mang sách ra cùng ngồi đọc ở ngoài vườn, tôi giảng cho Hậu nghe những chuyện đẹp đẽ trong sách và thỉnh thoảng tôi thấy nàng có vẻ mơ màng.
Một buổi sáng, chúng tôi đi sâu vào mấy nương chè bên sườn đồi. Hôm ấy tôi kể nốt cho Hậu một chuyện nàng vẫn thích. Bỗng tôi dừng lại, vì có cảm giác Hậu không nghe tôi nữa. Cô nhìn tôi, yên lặng, đôi môi hơi hé nở trên hàm răng trắng, hai mắt nhung ướt long lanh. Tôi bỏ quyển sách xuống, nhìn lại Hậu, tự nhiên hồi hộp, yếu mềm trong lòng. Hậu đưa tay nắm lấy tay tôi, lần lên vai rồi kéo tôi lại gần mình. Mái tóc chúng tôi vướng vào nhau, tôi thấy trước môi tôi cái miệng xinh thắm của nàng. Chúng tôi lặng lẽ ôm lấy nhau, say sưa trong nụ hôn đầu tiên đắm đuối của linh hồn.
Hồi lâu Hậu buông tôi ra, thân nàng hãy còn rung động trên cánh tay tôi. Chúng tôi nhìn chung quanh: cây cối bao bọc như một hàng rào xanh kín đáo; chỉ có hai chúng tôi như xa lánh hẳn cuộc đời, xa lánh hẳn mọi người, quên cảnh vật trong say sưa, trong cái đầm thắm của tình yêu tuổi trẻ.
o O o
Càng ngày Hậu càng đẹp thêm ra. Tình yêu để lại phảng phất trên khuôn mặt nàng một vẻ sung sướng hồn nhiên. Mắt Hậu sáng hơn lên, dáng điệu uyển chuyển thêm; nét môi của Hậu rõ rệt, càng thắm như bông hồng đỏ, và lúc nào cũng như sẵn sàng hé nở đợi chờ cái hôn ân ái. Hậu thành điềm đạm, băn khoăn hơn trước, với những lúc bồng bột, những lúc tin yêu.
Tôi cũng bắt đầu yêu Hậu; tình yêu của nàng vừa làm tôi say sưa vừa làm tôi kỳ dị, như người đầu tiên bước vào một mảnh vườn đầy hoa cỏ lạ. Những cái hôn tha thiết và vụng về của Hậu có một hương vị mới mà tôi chưa từng được hưởng, hương vị đượm ngát của một bông hoa dại. Vì Hậu, tuy đã đi học ở trường tỉnh, vẫn hãy còn ngây thơ; nhưng nàng không chất phác như một cô gái quê, không mộc mạc những người quanh nàng. Tôi thấy trong Hậu những của quý vô ngần của một tâm hồn vừa trong sạch vừa mê mải.
Một buổi chiều hôm rằm, chúng tôi đi xem hội bắt cá ở làng Vị, phía trên; cả ông bà Ba với cô em gái cùng đi. Chúng tôi xuống một chiếc thuyền nan ông Ba đã thuê sẵn, ngược giòng sông Cống đi lên, giữa hai đợt đồi trùng điẹp. Mặt trời chiếu rực rỡ giải sông, một buổi chiều êm ả và bao lạ Giờ khắc thật rất hợp cho những lời tình tứ, nhưng trong đám người, tôi và Hậu chỉ ngồi lặng, thỉnh thoảng nhìn nhau. Chúng tôi không nói, nhưng hai quả tim cùng hồi hộp, mong muốn được xa cách bọn người kia, khao khát những câu thỏ thẻ bên tai, nhũung cái nâng niu âu yếm. Suốt buổi hội, Hậu đăm đăm như chờ đợi, không để ý đến một cuộc vui gì. Một sự may bất ngờ làm cho chúng tôi sung sướng; ông bà Ba và cô em có người anh họ giữ lại xem hội đêm, riêng chỉ Hậu được phép về coi nhà. Tôi cũng tìm cớ thoái thoác xin về.
Thế là chỉ có hai chúng tôi xuống thuyền. Bấy giờ trời đã tối, trăng bắt đầu lên, một mặt trăng vàng đỏ, to như một cái nìa, từ từ nhô lên sau rặng thông ở trên đồi. Tôi đỡ Hậu xuống thuyền, rồi chúng tôi cởi giầy, để mặc thuyền theo giòng suối. Trên mặt sông, một cơn gió mát hiu hiu thổi, tiếng sông róc rách vỗ vào mạn thuyền như một thứ nhạc vui. Phong cảnh lúc ấy thật là tuyệt đẹp; hai bên bờ sông, ruộng mạ non phớt theo chiều gió, nương chè sắn thắm ở ven đồi, mờ dần đằng xa sau một làn sương nhẹ.
Vừa xuống thuyền, Hậu đã ôm quàng lấy vai tôi, kê đầu vào má tôi, ngập ngừng nói những lời ân ái. Tôi thấy tấm thân trẻ và dẻo dang của Hậu quấn lấy tôi như một giây leo. Chúng tôi hòa hơi thở với nhau, tóc nàng bỗng buông xõa trên người tôi, thoảng ra một thứ hương ngát dịu và đầm ấm.
Khi tiếng trống hội làng Vị đã nghe không rõ, Hậu ngồi dậy ở đầu thuyền, một tay dúng xuống sông. Nàng nghịch tung những hạt nước long lanh sáng như hạt ngọc. Trời đã hết mây, quang đãng một vùng rộng. Mặt trăng tròn nhỏ lại và trong hơn, chiếu vằng vặc trên cánh đồi.
Hậu bỗng nhiên cất tiếng hát khe khẽ những câu hát phong tình ở nhà quê mà lần đầu nàng hiểu cái thi vị, bởi vì ca ngợi cái tình yêu đang réo rắt trong lòng nàng. Hậu có giọng hát hay, tiếng nàng ngân dài trên mặt sông theo nhịp sóng. Rồi khi nàng ngừng lại, cả cái yên lặng của quãng không bao bọc lấy chúng tôi như nghe ngóng. Một tiếng vạc đi ăn đêm buông lanh lảnh ở đâu đâu.
Hậu tựa vào tôi trên mui thuyền, không nói gì. Con thuyền cứ từ từ theo giòng nước trôi đi.
Mùa hè đã hết.
Một buổi sáng dậy tôi thấy cây mẫu đơn đầu vườn đã đâm bông, những nụ con chớm đỏ sắp nở trên các cành.
Ông Ba bảo tôi:
– Cây đơn này có hoa muộn. Mọi khi đầu tháng Bẩy, hoa đã nở rồi.
Tôi yên lặng không trả lời, nghĩ đến kỳ nghỉ hè của tôi đã sắp hết, tôi sắp phải rời bỏ cái vườn này lên tỉnh học. Một cảm giác dịu buồn thấm vào lòng; nhưng một đằng tôi cũng ao ước được chóng lên Hà Nội, để thấy căn buồng học cũ ở nhà trọ, những anh em, chị em bạn thân ở nhà trường. Cánh đồi ruộng đối với tôi bây giờ đã mất cái vẻ thú vị mới mẻ khi xưa, tôi muốn nói chuyện với những người khác, nhìn những phong cảnh khác.
Nhưng nắng càng bớt rực rỡ bao nhiêu thì Hậu càng buồn rầu bấy nhiêu. Nàng không thể tự an ủi được vì sắp phải xa tôi. Một ít chua chát đã lần vào những cái hôn của chúng tôi, những câu tình tứ đã nhiễm cái buồn của những giờ vui sắp hết.
Hậu muốn cùng tôi đi thăm lại những chỗ chúng tôi đã dừng lại trước. Một bụi cây, một hàng cỏ, một phiến đá trong vườn, là những kỷ niệm của tình yêu, nhắc cho hậu nhớ lại cái thời kỳ say mến. Chúng tôi lại đến dưới cây tràm ở bờ sông Cống, chỗ cỏ mượt và dầy mà chúng tôi vẫn nằm. Hậu nhắc lại những cử chỉ đã quen, nói những câu mà tôi không còn nhớ hương vị ái ân nữa. Nàng ngồi lặng nhìn tôi, thở dài:
– Sắp hết hè rồi. Mai kia anh đã lên Hà Nội.
Tôi dỗ dành nàng:
– Đến tết tôi lại về đây với Hậu.
Nhưng nàng lắc đầu, bảo:
– Không, anh sẽ quên em, anh sẽ không nhớ đến em nữa đâu.
Hậu cúi xuống khóc, không nghe những lời tôi an ủi, vẻ tươi tắn của nàng mất đi. Hậu trở nên thẫn thờ. Chúng tôi lẳng lặng đứng dậy trở về. Cỏ bên đường đã ướt sương buổi chiều. Giòng sông Cống không sáng lạng như trước, nước trông âm u và sâu hơn, chẩy lẫn vào chỗ mờ mờ ở chân trời. Gió hơi lạnh hắt hịu đưa đến, khiến cho lòng chúng tôi se lại.
Tuy vậy, khi nghĩ đến lúc trở về Hà Nội, đến những cuộc vui chơi cùng bè bạn, đến những buổi đêm đầy ánh sáng, tôi lại thấy náo nức và nóng ruột. Tôi nghĩ đến những cô gái lộng lẫy và đài các ở Hà Thành, như những bông hoa quý. Trong tâm can tôi đầy những ham muốn, nhớ tiếc, và tôi bắt đầu thấy hận mình vì một cô gái còn non mà những lời âu yếm đối với tôi bỗng trở nên xa lạ.
Tháng tám đã đến, kỳ nghỉ hè của tôi sắp hết.
Tôi phải chiều những ý muốn ngây thơ của Hậu. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, đối với nàng là một cớ để mà nhớ lại. Những cuộc đi chơi thơ thẩn của hai chúng tôi, những lúc chạy len lỏi trong nương sắn vườn chè, buổi đi xem hội ở làng Vị, lúc nào nàng cũng nhắc tới, nói đến, như để sống lại những thời khắc đã qua ấy. Tôi, tôi không nhớ rõ như nàng. Tâm trí tôi đã quay đi đến những cuộc tình duyên mới lạ khác ở tỉnh thành. Những ngày cuối cùng của tôi ở mảnh vườn này, tôi vừa bâng khuâng vừa mong đợi vẩn vơ, trong lòng không còn chờ tình âu yếm nữa. Thỉnh thoảng, một nét mặt buồn của hậu, một cái nhìn đắm đuối của nàng, làm tôi hối hận và chú ý đến nàng hơn. Nhưng chỉ thoáng qua, rồi tuổi trẻ, sự ham vui, lại đem đến cho tôi những ý nghĩ khác.
Hậu càng ngày trở nên kỳ dị. Nàng ở bên cạnh tôi, yên lặng và đăm đăm, có khi hàng giờ không hé răng nói một câu, chỉ một đôi khi khẽ thở dài. Rồi bỗng đột nhiên, Hậu ôm chầm lấy tôi, áp má vào ngực tôi, cắn lấy môi tôi đến chảy máu. Những cái hôn của hai chúng tôi pha lẫn đầy nước mắt và nức nở.
Ngày tôi phải đi đã đến.
Sau bữa cơm trưa, Hậu và tôi cùng đi chơi một lần cuối cùng. Trời đầy mây u ám, dồn đuổi nhau ở ven đồi. Một cơn gió lạnh lùa trong lá tre kêu sào sạc. Một ngày buồn rầu, ảm đạm, để cho người ta biệt ly. Chúng tôi cầm tay nhau đi, yên lặng, không vội vàng. Ngày mai đây, tôi với Hậu đã cách xa nhau, một nơi; nàng ở lại mảnh vườn đầy hao cỏ, tôi lẫn lộn vào đám những người tuổi trẻ ở Hà thành.
Chúng tôi trèo lên quả đồi cao nhất trong vùng, ngồi trên phiến đá nhìn xuống dưới. Cánh đồng kẻ ngang kẻ dọc những ô ruộng khác mầu, phẳng tới tận rặng núi ở chân trời; giòng sông Cống biêng biếc quanh co khuất khúc như giải lụa mềm. Tiếng thông reo chơ vơ bên tảng đá làm rung động. Hậu và tôi một mối buồn man mác.
Bỗng một làn khói trắng tỏa sau bụi cây ở xa, rồi một chiếc xe hỏa đi ra, trông nhỏ bé như một thứ đồ chơi của con trẻ. Chính là chuyến tầu mà mai tôi sẽ đi. Còi tầu lanh lảnh kéo dài đưa đến, vang động trên cánh đồng, khiến tôi nhớ đến một thế giới khác mà tôi vui vẻ sắp được thấy.
Lúc trở xuống, Hậu muốn men bờ sông Cống đi vòng về. Qua những khu vườn xinh xắn trên sườn đồi, trông thấp thoáng qua lá tre những mái nhà gọn ghẽ,
Hậu nắm chặt tay tôi thì thầm:
– Anh Bình, ước gì chúng ta được sống trong gian nhà kia, không lo lắng nghĩ ngợi sự gì, chỉ yêu nhau… anh.
Nàng buồn rầu nhìn con sông Cống, giòng nước chẩy đi cũng như thời khắc cuối cùng của tôi với nàng. Nhẹ nhàng, tôi kéo Hậu lại gần tôi, dỗ dành an ủi nàng hứa sẽ luôn luôn về thăm.
Ngày hôm sau, Hậu cùng với ông bà Ba và cậu con tiễn tôi ra ga. Nàng mắt đỏ lên như mới khóc, tha thiết nhìn tôi, như muốn cùng tôi khoác tay âu yếm. Nhưng có ông bà Ba cùng đi, nên hai chúng tôi chỉ yên lặng ngậm ngùi. Đến một chỗ rẽ khuất sau bụi rưới, tôi thong thả đi lùi lại. Nhanh nhẹ, Hậu ôm vội lấy tôi, kê miệng đến môi tôi, hôn một cái hôn cuối cùng, thất vọng và chứa đầy những lệ.
Đến ga, trong đám người tấp nập, Hậu buồn rầu đứng yên. Tôi thấy trong đôi mắt cái vẻ đắm đuối của nàng. Tôi hứa với nàng sẻ gửi thư về luôn, sẽ nhớ đến nàng. Nhưng trong thâm tâm, tôi thấy bồng bột, vui tươi. Còn Hậu thì đứng lặng, tê tái và ủ rũ, khoé mi rớm nước mắt, lòng thắt lại bởi thất vọng và nhớ thương.
Tiếng còi vang lên, bọn hành khách xô đẩy tranh dành; tầu đến. Tôi cúi chào ông bà Ba, ẵm cậu bé lên hôn, rồi đưa mắt nhìn nàng. Lúc lên tầu, quay lại tôi thấy bóng dáng Hậu lẫn vào đám người nhà vẫn đứng yên trên sân ga vắng. Một bụi cây, chỗ rẽ, rồi cánh đồi che lấy cái ga nhỏ bên đường.
Hơn ba năm đã qua.
Tôi đã không giữ lời hứa. Từ hôm về đến Hà Nội, tôi không viết lá thư nào cho nàng. Nhiều bận tôi đã lấy giấy mực ra định viết, nhưng lại thôi. Cái kỷ niệm tôi giữ được của vườn chè và người thiếu nữ dần mờ đi trong trí nhớ, nhường chỗ cho một hình ảnh mơ màng, một hình ảnh lung linh, dịu dàng và xa xôi, khiến lắm lúc tôi nghĩ tưởng đến một chuyện tình ái ngây thơ, tôi đã mơ thấy trong một mảnh vườn dưới ánh nắng mùa hè.
Năm sau nữa, một cái thiếp mời màu hồng gửi đến làm tươi tắn hình ảnh Hậu; tôi lặng nghĩ một lát đến cô thiếu nữ mê mải ấy đã yêu tôi với những ham muốn trong sáng và tha thiết. Nhưng tôi không muốn về dự tiệc cưới nàng, và từ đấy tôi không được tin tức gì về Hậu nữa. Tôi sống cái đời hoạt động ở Hà Thành, với những tình yêu khác, những người thiếu nữ khác, mà sự nẩy nở của tâm hồn trong yêu mến mỗi lần làm cho tôi say sưa. Hình ảnh Hậu dần mờ hẳn trong trí nhớ tôi.
Tôi quên hẳn nàng đi cho đến khi một sự tình cờ lại khiến tôi gặp Hậu ở nhà một người bạn quen. Tôi đến nhà người này dự một tiệc vui mừng. Đến nơi, bạn tôi chỉ một người đàn ông còn trẻ tuổi, giới thiệu:
– Ông M… rể ông Ba trên tỉnh P. đấy anh có biết không?
Tôi gật đầu, chào lại, rồi chú ý nhìn một cách tò mò người khách mới. Chồng Hậu là một người có vẻ thông minh và rụt rè, hơi ốm yếu. Chúng tôi ngồi thong thả nói dăm ba câu chuyện rời rạc, không có cảm tình gì.
Rồi cửa phòng bỗng mở rộng, tiếng nói ríu rít làm tôi quay ra; Hậu ở ngoài bước vào tay dắt một đứa bé. Nhận thấy tôi Hậu e thẹn, hai má ửng đỏ; nàng vội cúi mặt xuống, ôm lấy con, tôi cũng bối rối đứng dậy đưa mắt nhìn nàng. Hậu bây giờ trông đẹp hơn trước, môi thắm hơn, người nở nang hơn cô gái trẻ năm xưa. Toàn người nàng có một vẻ đáng yêu mĩ miều và đằm thắm, như bông hoa nở đã vừa độ. Tôi ngây người nhìn ngắm nàng, trong trí nhớ bỗng vụt nổi lên những kỷ niệm đã lắng sâu, những hình ảnh rực rỡ của cánh vười đồi. Đứng gần Hậu, tôi thấy cảm động mến yêu như lần đầu tôi yêu nàng.
Nhưng Hậu bây giờ đã có chồng rồi. Khi tôi quay lại nhìn chồng nàng, tôi thấy rõ cái lãnh đạm của người đàn ông ấy, bên cái vẻ đẹp lộng lẫy đáng yêu của Hậu. Nàng có sung sướng không? Nàng có nhớ đến tôi không?
Ngậm ngùi, tôi nghĩ đến cuộc ái ân ngắn ngủi của Hậu với tôi trong mấy tháng hè; cái tình yêu ấy biết đâu vẫn còn để lại trong lòng một vẻ rực rỡ như ánh nắng trong vườn.
(trong tập truyện ngắn Nắng trong vườn, 1938)
Tôi đi học – Thanh Tịnh (Trần Văn Ninh, 1911-1988)
Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.
Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quí và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa.
Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.
Dọc đường tôi thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng chì ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước o sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.
Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:
– Mẹ đưa bút thước cho con cầm.
Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:
– Thôi để mẹ nắm cũng được.
Tôi có ngay cái ý kiến vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.
Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.
Trước sân trường làng Mỹ Lý đầy đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.
Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần.
Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng.
Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.
Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bở ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.
Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.
Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đứng lên trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ:
– Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã nghe chưa? (Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có tiếng dạ rang của phụ huynh đáp lại.)
Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút giây này chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy đã lúng túng chúng tôi càng lúng túng hơn.
Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói:
– Thôi, các em đứng đây sắp hàng để vào lớp học.
Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cáng tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lủng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.
Ông đốc nhẫn nại chờ chúng tôi.
– Các em đừng khóc. Trưa này các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai các em lại được nghỉ cả ngày nữa.
Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ vì có nhũng hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.
Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin là có thật.
Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.
Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.
Nhưng những tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật.
Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc:
Bài tập viết: Tôi đi học!
(Trong tập truyện ngắn Quê mẹ, 1941)
Hoa khế lưng đồi – Võ Hồng (Võ Hồng, 1921-2013)
Bước lên chiếc Lambretta hàng, tôi tự nhiên thấy Trâm ngồi thu hình ở một góc xe.
Tôi quen Trâm một tháng trước. Nàng là y tá viên điều dưỡng vừa ra trường chưa được một năm. Đang làm việc ở Đà Nẵng thì có giấy đổi vào Nha Trang. Hôm mới vào, nàng tìm đến địa chỉ tôi do lời dặn của anh Hiệp, anh rể nàng. Hiệp là bạn học của tôi hồi ở trường Khải Định. Có một cô em làm việc bị đổi đi tỉnh xa, Hiệp viết thư giới thiệu cho tôi, gián tiếp thay anh để tùy cơ giúp đỡ cô em nhút nhát.
Sau khi đọc thư của Hiệp, tôi hỏi:
– Xin lỗi, cô vào Nha Trang lần đầu tiên?
– Vâng ạ. Em mới tới đây lần đầu.
Giọng nói trầm, thứ giọng thổ ít gặp nơi một thiếu nữ. Tôi không đợi nghe một giọng nói như vậy nên tôi thấy thích đặt câu hỏi để nghe giọng ấy trả lời.
– Cô đã có chỗ trọ rồi?
– Dạ có. Em ở chung với một chị bạn cũng làm ở nhà thương y tế.
– Có gần đây không?
– Dạ ở 153 đường Phước Hải.
– Chỉ có hai chị em ở?
– Dạ, chỉ có hai.
Tôi gật đầu:
– Ở thế thì rộng rãi thong thả, khỏi bị trẻ con quấy rầy. Nhưng cũng có điều phiền. Không bị trẻ con quấy rầy thì lại bị người lớn phiền nhiễu. Người lớn…
Tôi ngần ngừ không biết nên nói tiếp như thế nào cho tiện. Thì nàng mỉm cười.
– Em hiểu nhưng không có cách nào khác. Ở đời phải biết chọn sự bất tiện nào tương đối nhỏ hơn hết.
Khi đặt tách trà lên môi tôi thấy nàng đăm chiêu nhìn ra cây ngọc lan đứng cạnh cửa sổ phòng tôi. Nàng ngưng uống tách trà, say mê nhìn thật lâu như không có tôi ngồi trước mặt. Một lát, tôi chợt thấy nơi vành mi mắt nàng có lóng lánh nước mắt. Rồi hai giọt nước mắt đọng lại, thành hình.
Nàng quay về tôi, đưa cánh tay áo chặm mắt, mỉm cười ngượng nghịu:
– Xin lỗi anh…
Tôi ngắt lời:
– Chắc cô đang nhớ nhà.
– Dạ, nhìn cây hoa ngọc lan, em nhớ cây ngọc lan nhà em. Em nhớ bà Ngoại. Mỗi buổi sáng em hay dậy sớm ngắt hoa ngọc lan đặt lên bàn Phật cho Ngoại. Em đi xa, chắc chỉ có ngoại là nhớ em nhiều nhất.
– Cô xa nhà lần đầu tiên nên sự nhớ nhung xót xa. Lâu dần sẽ quen đi.
– Vâng, nhưng phải lâu lắm mới quen được.
Sau đó, tôi đến thăm nhà trọ của Trâm một lần. Tôi lưu ý nhìn cô bạn cùng ở chung với nàng để tìm đoán xem những loại ý nghĩ nào hay đóng đô ở một khối óc như vậy. Cô bạn có đôi môi nóng bỏng tình cảm và một nốt ruồi dưới cằm. Vành mắt bôi nhiều bút chì than. Tóc đỏ rối lòa xòa theo kiểu rong biển, man dại, say đắm.
Vài tờ tuần san bìa lòe loẹt in hình tài tử chiếu bóng vứt trên giường, trên đi văng. Màn treo cửa mang hình vẽ méo mó lộn xộn. Trong khung cảnh đó, Trâm vẫn đơn sơ và tự nhiên như một lá cỏ non giữa đồng nội. Không có sự pha chế, tính toán, bôi sửa nào trên đôi mày dài màu nhạt đó, trên hàng lông mi cong, trên đôi môi phơn phớt màu hồng.
Nàng cười bảo:
– Em ở đây cũng dễ chịu. Thỉnh thoảng em và chị Hòa – tên chị bạn – đi phố thấy anh.
– Tôi ít khi đi phố lắm.
– Thế mà lần nào đi phố cũng thấy anh.
Tôi không biết đó là lời nói đùa hay lời nói thật. Sau đó, Trâm đổi nhà trọ. Những cô thiếu nữ độc thân thường phải đổi nhà trọ luôn, y như những con mèo phải tha con đi giấu khắp mọi xó xỉnh. Những chiếc Vespa, những chiếc xe gắn máy, thỉnh thoảng những chiếc Jeep hay đậu trước nhà. Hàng xóm không ưa những tiếng xe rồ khi tắt máy và khi nổ máy, tiếng còi ậm oẹ gọi cổng. Phải dọn nhà để đánh lạc những chiếc xe thiếu nhẫn nại. Tôi mất hút Trâm.
Hôm trước đây khi cầm một cuốn tiểu thuyết mới xuất bản, tôi nhìn lâu vào bức ảnh một thiếu nữ in ngoài bìa. Hao hao giống một người nào? Đôi mắt khép hờ, mơ màng xa vắng. Mái tóc buông dài. Đôi môi… Tôi chợt nhớ đến Trâm. Đúng là khuôn mặt đó.
Tôi nhìn kỹ vào bức ảnh và tôi thấy Trâm đẹp. Lạ chưa? Có nhìn vào bức ảnh của một người khác tôi mới thấy rõ mặt Trâm. Thì ra khi đối diện với nàng, tôi bị giọng nói, nội dung câu chuyện, bị xúc cảm của tôi làm sai lệch đi hình ảnh của nàng khiến khi hình dung lại tôi thấy những đường nét của khuôn mặt thấp thoáng mơ hồ. Huống chi, không biết đã mấy tháng rồi, tôi không có dịp gặp lại Trâm. Tôi mua cuốn tiểu thuyết về đặt đứng ở bàn, ở đầu tủ, ở trên mặt radio, cạnh đầu giường. Thỉnh thoảng tôi nghĩ: “Hôm nào gặp xem có phải Trâm đẹp như thế không?”
Bất ngờ mới hai hôm thì chợt gặp nàng trên chuyến xe Lambretta hôm nay…
Tôi bước lên xe, ngồi vào chỗ trống mà hai người hành khách đã xích lại để nhường cho tôi:
– Lâu quá em không ghé lại thăm anh. Hai tháng nay bận liên miên. Hết chủng ngừa bệnh dịch hạch đến ngừa bạch hầu, đậu mùa. Cứ cách một hôm phải trực một hôm.
– Chắc hôm nay cô mới được rảnh nên đi về nhà quê chơi đấy?
– Đâu có được như vậy! Em đi với đoàn công tác lên Phú Vinh chủng ngừa dịch hạch. Đáng lẽ đi xe của Ty Y tế, nhưng em bận tí việc phải tới trễ nên đành đi Lambretta hàng.
– Cô thôi ở Phước Hải?
– Em đi đã lâu. Thay nhà hai lần nữa rồi. Hiện em ở đường Mạnh Tử.
Một xe chở hàng cao nghễu nghện ầm ầm chạy tới làm át cả tiếng nói của Trâm. Cả hai chúng tôi im lặng. Gió ban mai lạnh buốt thổi tạt vào hông xe. Xe chạy ra khỏi thành phố. Màu xanh của những ruộng rau muống làm tươi mát đôi mắt.
Trâm chỉ tay lên triền núi cao, xuýt xoa:
– Có con đường đi trên đầu núi kìa. Đẹp quá anh nhỉ?
Tôi thường thản nhiên trước những tiếng xuýt xoa ngạc nhiên của đàn bà con gái, nhưng không thể chống cự nổi với giọng nói trầm ấm của nàng. Nhất là vào một buổi mai lạnh như thế này. Giọng nói ấy như có chứa ánh nắng trên đồng lúa chín màu vàng, như là hơi thở của những chùm hoa màu đỏ.
Tôi nói:
– Con đường đó đi từ chùa Hội sang Phật học viện. Phật học viện nằm kia.
Nàng nhìn theo ngón tay tôi chỉ.
– Em có biết Phật học viện ở Huế. Anh Chơn Tánh con của O em tu ở đấy.
– Cô ở trong gia đình Phật tử?
– Không, em chỉ đọc kinh sách và theo Ngoại đi chùa. Ngoại em sùng đạo lắm.
– Tôi hiểu. Càng về già người ta càng đến gần tôn giáo hơn. Lúc còn trẻ người ta tin ở sự thông minh của khối óc mình và sức mạnh đôi cánh tay mình. Khi lớn lên và càng đi sâu vào năm tháng, người ta nếm nhiều thất bại, và người ta bắt đầu hoang mang. Tôn giáo là nơi nương tựa…
Tôi nhún vai một cái nhẹ tỏ ra chưa tin mấy ở lời mình vừa nói, rồi hạ thấp giọng:
– Tôi không thông thạo về Phật pháp nên có thể nhận xét vừa rồi của tôi là sai. Chết! Cô vừa nói cô có đọc nhiều kinh sách. Tôi thật xấu hổ vì đã làm nhằm cái việc “Ban môn vũ phủ.”
Nàng cười xòa.
– Anh làm em xấu hổ thì có.
Xe đậu ở chợ Mới, bỏ một gánh cá xuống.
– Khi nào có dịp tôi sẽ đưa cô đi thăm Phật học viện. Chúng ta sẽ đi trên con đường chạy vắt lưng núi đó. Ngày tết người đi du xuân trên con đường ấy rất đông.
– Đứng trên lưng núi nhìn thấy cả Nha Trang?
– Thấy rõ lắm, dưới mắt mình, bãi biển, Xóm Bống, Tháp Bà, Cầu Đá, Phường Củi… Quay ra sau là rừng dừa xanh mướt bóng loáng của Vĩnh Điềm, Ngọc Hội. Phía Nam là ruộng.
Nàng khẽ gật đầu:
– Cảnh trí từ trên cao nhìn xuống bao giờ cũng đẹp. Năm ngoái em đi Quy Nhơn chơi, có leo núi Gành Ráng thăm mộ Hàn Mặc Tử. Đứng trên mộ nhìn xuống vũng bể Qui Nhơn uốn cong một màu xanh ngọc bích nằm im lặng, bất động câm nín. Em nhớ đến câu thơ của Hàn Mặc Tử:
Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng
Một vũng cô liêu cũ bạn đời.
“ Em chắc Hàn Mặc Tử cô đơn, đau khổ, nhìn xuống, nhân gian cách biệt hẳn với mình kia, nhìn vũng bể mà xanh, nghĩ đến thân phận mình, nghĩ đến cái chết giải thoát nên mới viết được mấy câu thơ đó.
Tôi mỉm cười:
– Cô có tâm hồn thi sĩ. Vậy khi thăm Phật học viện, tôi sẽ đưa cô đi thăm những luống hoa đẹp do thượng tọa Giám viện tự tay chăm sóc lấy. Cô sẽ nhìn thấy những cây khế ở lưng đồi trổ hoa tím, những chùm hoa hình khối lục lăng mường tượng những ngôi cổ tháp.
– Anh có vẻ thông thạo cảnh đó.
– Cô đoán không lầm. Tôi có dạy ở trường Bồ Đề nên được quen với Thượng tọa Giám viện và với hầu hết các chú ở viện.
– Thế thì hay quá! Chúng ta chọn một ngày chủ nhật nào và em nhờ anh hướng dẫn cho đi xem.
Tôi nhìn khắp các hành khách trong xe, toàn là những bà buôn bán áo quần nhàu nát, bàn chân bụi bặm xỏ vào đôi dép Nhật Bản. Quang gánh móc ở sau xe đu đưa theo nhịp xe chạy.
Tôi hạ thấp giọng:
– Đợi tình thế quang đãng hơn đã. Phật học viện vừa bị bố ráp hôm hai mươi tháng tám. Trường Bồ Đề đã đóng cửa.
Nàng gật đầu:
– Vâng. Em hiểu.
Nàng nhìn giây lâu ra cửa xe, mắt lướt qua những dãy cây ôma, cây mít, cây bưởi, của vườn nhà người ta nằm dọc đường lộ. Mi mắt khép hờ một nửa. Chắc chắn là tôi không lầm nếu tôi nghĩ rằng nàng đang để trọn tâm hồn nghĩ về bà Ngoại. Giữa mùa Pháp nạn, tiếng chuông chùa im bặt, lại thêm đứa cháu đi xa. Hoa ngọc lan phải tự tay cụ hái dâng lên bàn Phật. Mỗi ngày hái hoa nhớ cháu, không biết thân gái ở nơi phương xa…
Xe chạy đến bệnh xá Phú Vinh, tôi phải đưa tay vỗ vào vai anh tài xế ra hiệu cho anh ngừng xe. Tôi nói:
– Xe đến Phú Vinh rồi. Cô chuẩn bị xuống.
Nàng giật mình quay lại. Vẻ mặt thẫn thờ. Bước xuống xe trả tiền cho anh phụ xong, nàng gật đầu chào tôi mà không nói. Xe rồ máy lao vút tới. Tôi nhìn ra cửa sau. Nàng đi chậm rãi cúi nhìn xuống đất. Chắc tâm hồn đang quanh quẩn xung quanh gốc ngọc lan, bà Ngoại, con đường Phật học viện, màu đất đỏ đượm trên đầu núi.
Trường Bồ Đề đóng cửa!
Tôi nhớ những ngày hưng thịnh, tiếng chuông trường reo vang và học sinh từ các nẻo tấp nập vào trường. Các chú điệu đồng phục áo nhật bình màu nâu đi chầm chậm thành một hàng dài từ tĩnh thất xuống. Dáng đi khoan thai, nét mặt nghiêm nghị khiến tôi nghĩ đến các vương gia tử đệ họ Tạ, họ Vương, đời Tống ở ngõ Ô Y, thanh cao trong chiếc áo thâm dài. Các học sinh nhỏ bám vào các chú vòi vĩnh đủ điều.
Thầy giáo bảo:
– Các em hãy đề nghị một người phụ trách bích báo của lớp.
Tiếng nói rào rào nổi lên ngay:
– Thưa thầy, bọn em đề nghị chú Huệ Thông.
– Chú Huệ Thông, thưa thầy, chú Huệ Thông.
Chú Huệ Thông đứng dậy nghiêm trang thưa rằng ngoài bài học ở trường còn phải bận học kinh điển trên viện và phụ trách hộp cứu thương của Viện.
Thầy giáo thấy chú nói có lý, nhưng các em nằng nặc không chịu:
– Thưa thầy, chú Huệ Thông vẽ đẹp.
– Hoan hô chú Huệ Thông!
– Hoan hô!
Chú Huệ Thông đành phải nhận chức trưởng ban bích báo.
Thầy nói:
– Các em hãy bầu liên đội trưởng của lớp.
– Chú Nguyên Lượng, thưa thầy, chú Nguyên Lượng.
– Hoan hô chú Nguyên Lượng.
Chức vụ gì cũng “mấy chú”, công việc gì cũng “mấy chú”, thậm chí chúng đề nghị những chuyện vẩn vơ. Chẳng hạn thầy nói “Ai thử hát bài Lòng mẹ nghe nào” thì có tiếng đề nghị ngay: “Thưa thầy chú Tâm Đức.” Giọng chú Tâm Đức ồ ồ, mỗi lần cất tiếng đọc bài thì tưởng như trời sắp đổ cơn giông. Chúng thích nghịch các chú vì các chú hiền lành tha thứ. Cũng nhiều khi làm nũng nữa. Thằng Lương hay xin tiền chú Thiện Giáp. Nó kể lể những món nó thèm: ổi, me, chùm ruộc, cóc… và chìa tay xin chú một đồng. Chú mỉm cười lặng lẽ đưa bàn tay len lỏi vào khe áo nhật bình móc túi lấy cho. Gặp đứa học sinh nhỏ nghịch ngợm hay nói chuyện, nhiều khi thầy giáo phải cho dời chỗ xuống ngồi cạnh chú, hoặc giữa hai chú lớn. Sự có mặt của các chú làm lớp học ấm áp một tình thân yêu gia đình. Học sinh có cha (thầy giáo), có chú, có anh chị em. Lớp học lại có mang thêm một không khí hòa bình thanh nhã.
Khai giảng niên khóa 1963-1964 nhằm giữa mùa Pháp nạn, nên có nhiều học sinh xin rút hồ sơ đi học trường khác. Đó là con em của một số công chức, binh sĩ. Họ không muốn vì con em học ở trường Bồ Đề mà bị chính quyền đổi đi miền nước độc hoặc bị giáng chức. Lớp học mang nhiều khoảng trống như một cơ thể mang những vết thương. Chỗ trống đó là chỗ ngồi cũ của Mai Văn Hiền đen như một thỏi chì, của Lệ Châu thân mảnh như một con nai uyển chuyển, của Võ Quang Trí học giỏi và nghịch nhất lớp, của Trần Cạm bị ông giám thị bắt quả tang nằm trốn sau ngọn tháp để đọc tiểu thuyết kiếm hiệp. Vết thương của lớp vừa là vết thương nơi lòng của thầy giáo của học sinh còn lại. Vào những lúc này, mọi người mới cảm thấy thấm thía ý nghĩa của một câu nói bị lặp lại quá nhiều, nhiều đến nỗi gần như biến thành sáo ngữ: “Lớp học là một gia đình.”
Tiếp theo sau, là những cuộc biểu tình đòi thực thi bản thông cáo chung, đòi thỏa mãn 5 nguyện vọng, đòi trả lại nhục thân ni cô Diệu Quang hỏa thiêu. Lớp học còn vắng bóng nhiều em học sinh nữa. Chúng theo người lớn xuống nằm ở ty công an.
Ngày bố ráp chùa chiền làm xúc động thành phố. Trường đóng cửa. Cây phượng trước sân trường chưa bao giờ phải chứng kiến một sự vắng lặng kéo dài dường đó. Ngày tôi đến đây, cây phượng mới được trồng. Bây giờ gốc nó đã tràm một vòng tay của em nhỏ. Dãy cây dầu thân cao màu trắng mốc đu đưa những chùm lá mảnh, dài, nghiêng nghiêng. Thầy trụ trì ưu tư nhìn hàng cây mít chạy ven sân chùa. Thầy nhớ những lũ học trò hoang nghịch lén ngắt vú mít chấm muối ăn. Có lần lũ học trò ở lại buổi trưa đã lén hái cả trái mít vừa chín. Thầy bắt gặp, lắc đầu rồi cho luôn trái mít. Lũ chúng là con của người ta nhưng cũng là con tinh thần của thầy. Hoang nghịch là món quà trời ban cho tuổi thơ. Lứa tuổi vô tư mà thầy đã đẩy lùi vào dĩ vãng. Bốn mươi năm hơn rồi.
Ngày tháng trôi qua, mỗi lần đi xe ra khỏi thành phố là mắt tôi chạm phải ngôi trường đóng cửa im ỉm, Phật học viện nằm vắng lặng. Con đường bò vắt lưng núi không có người đi. Tôi không biết bao giờ mới có dịp đưa Trâm đi một vòng trên con đường vắt vẻo ấy. Thì chợt cuối tháng mười, tôi chợt nghe tin Trâm bị nạn. Nàng đi thăm một người anh làm quận trưởng ở quận Hòa Vang và xe nàng bị phục kích. Nàng chết tại trận, còn người anh bị thương nặng. Linh cữu chở về Đà Nẵng.
Tôi không nhìn được thi thể nàng, cũng không đến viếng được mộ. Thành ra ngồi gợi lại Trâm, tôi chỉ thấy những nét đẹp của nàng. Đôi mày dài màu nhạt. Hàng mi cong. Môi hồng phơn phớt. Nếu phải nhìn thi thể dập nát của nàng, nhìn màu da xám xanh nhợt nhạt, tôi sẽ đau xót và bị ám ảnh đến mức nào! Nếu phải nhìn ngôi mộ của nàng, tôi sẽ chán nản bi quan đến mức nào! Không, nàng đối với tôi suốt đời sẽ mãi mãi là cái dáng thiếu nữ mảnh mai ấy, đẹp đẽ và trong sạch như buổi gặp cuối cùng nàng ngồi Lambetta cạnh tôi.
Đầu tháng 11, nổ ra một cuộc đảo chính, chùa chiền và dân chúng được giải phóng. Khắp các nẻo phố, người ta đi tràn ra giữa đường, tự động biến thành biểu tình, những cuộc biểu tình thành thực đúng nghĩa của nó. Tuy vậy, trường Bồ Đề vẫn đóng cửa vì ở giữa năm học. Tôi ghé thăm trường một chiều chủ nhật. Vắng vẻ. Mấy ngôi cổ tháp đứng giữa sân trường lặng lẽ suy tư. Những cây sao thân cao mọc ở ven chân núi thong thả để rơi những cánh hoa màu trắng xuống những bụi gai thấp. Nơi này, ngồi trong lớp thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ tôi thấy một con sóc thoăn thoát chuyền cành.
Tôi theo con đường nằm vắt lưng núi qua Phật học viện. Đáng lẽ có Trâm đi cạnh tôi vào lúc này mới phải, tôi nghĩ. Một ngày đặt biệt như hôm nay không phải để cho tôi đi một mình. Mặt biển rộng trước kia, dãy Xóm Mới nằm ép trên mặt cát, xóm Cồn, xóm Bống, Rộc Rau Muống, cầu Hà Ra… phải là nơi để đôi mắt nàng lướt qua đậu lại. Nàng phải xuýt xoa cạnh tôi “Ồ! Cảnh đẹp quá!”
Thế mà vụt nhiên nàng đã không còn nữa. Vô lý vậy sao? Từ sống sang chết có biên giới nào không? Bước qua ngưỡng cửa của cõi chết, nàng không đủ thời giờ để nhớ lại những nụ hoa ngọc lan, bà Ngoại, con đường nằm vắt ngang lưng núi, dự định đi thăm viện với tôi. Nàng không kịp nghe tiếng chuông chùa ngân xa, u trầm tịch mịch. Không kịp nhìn cây khế lưng đồi lặng lẽ trổ hoa. Nàng không kịp chung chia nỗi vui rộng lớn của những người tản mát trong các thôn xóm dưới kia, mừng thoát được tai nạn mà họ không thể nào lường trước được.
Con đường đất đỏ chạy lui dưới chân tôi. Đến Phật học viện. Những tòa nhà nối tiếp các chú điệu với bước đi khoan thai. Những chậu hoa hồng, hoa huệ, những hòn non bộ, những hồ sen. Tôi lại đứng dưới gốc một cây hoa đại bên tai tôi.
Tôi mường tượng nghe giọng tôi nói: “Cô sẽ nhìn những cây khế đứng ở lưng đồi…”
Và nàng nói lại: “Chúng ta chọn một ngày chủ nhật nào, và em nhờ anh hướng dẫn…”
Giọng nói ấm, trầm. Như có chứa ánh nắng trên đồng lúa chín màu vàng, như là hơi thở của những chùm hoa màu đỏ.
Diệp Minh Tâm
Theo https://tamdiepblog.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...